Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


Nhà truyền thống của người Cơ Tu

KHÁT VỌNG ĐỔI ĐỜI TRÊN RẺO NON CAO



T háng 6, nóng và “ hot”. Nếu giam mình trong bốn bức tường với cái mạng Internet trước mắt thì e tôi sẽ phải trở lại căn bệnh trầm cảm như hôm nào.Tôi phải tự mình vượt qua những u uẩn đang gậm nhấm trái tim tôi. Tôi phải làm một cái gì đó ít nhất trong lúc này mang lại ý nghĩa nhất định cho chính bản thân. Tôi tự hỏi mình sinh ra đời để làm gì? Mình có còn có ý nghĩa gì với cuộc sống này không? Hay chỉ biết than thân trách phận rồi tự thú “ lực bất tòng tâm”?. Vì thế tôi quyết định đi về phương tây. Phương tây này không phải là đất Phật mà năm xưa thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh.Mà là Tây giang- nơi đồng bào thiểu số đang sống kiếp nghèo và rất nghèo.

Một ngày miệt mài với công việc mưu sinh đến 5 giờ chiều mới xong, tôi đợi xe thêm một giờ nữa mới bắt đầu chuyến Tây du của mình. Ngồi trong xe, nhìn cảnh sắc hai bên đường dần chìm trong bóng tối, lòng tôi miên man suy nghĩ. Xe qua hầm Hải Vân, ánh sáng của những dãy đèn soi rỏ lòng hầm sâu hun hút trong lòng những dãy núi liền kề chắn ngang con đường xuyên Việt ngăn cách Bắc Nam, để bao năm qua ta phải vượt đèo, lòng tôi bừng lên niềm hi vọng. Những công trình của thế kỷ đã cho tôi niềm tin với sức người sỏi đá cũng thành cơm. Xe đến Đà Nẵng thì đêm đã buông, tôi về ở lại nhà một người bạn mới quen mà ngày mai sẽ là bạn đồng hành cùng tôi trong đoàn chuyên gia thiện nguyện lên giúp vùng Tây Giang.

Lạ nhà, lại thêm đang có trận bóng đá giữa hai đội Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nên tiếng reo hò, la hét, tiếng xe chạy, tiếng còi rú inh ỏi bên ngoài…khiến cả đêm tôi chỉ ngủ chập chờn. Năm giờ sáng tôi lại phải lên đường. Đoàn chúng tôi gồm các chuyên gia Sinh vật, Dự án, Văn hóa, Du lịch, Ẩm thực. Họ đều là những tình nguyện viên “ Ăn cơm nhà đi vác lá ngà” cho... dân nghèo. Không ai kịp ăn sáng nên chúng tôi ghé vào một quán mỳ Quảng ở Túy Loan. Mỳ khá ngon, phòng ốc sạch sẽ, món nước chè gừng rất thơm…giúp tôi tỉnh táo để bắt đầu một ngày lao động.


Đoàn chuyên gia khảo sát rừng Pơ Mu

Tôi luôn mở lớn mắt để nhìn mọi cảnh quang ven đường. Xe đi vào đường quốc lộ 14B, đường tốt nên chạy êm.Năm xưa đây là con đường đất nhỏ, dẫn lối vào chiến trường khốc liệt để người cầm súng dành nhau từng tấc đất, từng nóc nhà..Máu đổ đã nhiều. Cây oằn mình vì bom đạn cũng đã lắm…Nhưng chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm. Dấu tích của những tàn phá chiến tranh khốc liệt không còn nữa, nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng.

Những ngôi nhà vách phên tạm bợ, những đứa bé gầy đét đen đủi chạy loăng quăng trên đường, những mảnh vườn đất đầy sỏi đá, đất ruộng vườn không có là bao…đã cho tôi hiểu tôi cần phải làm hết khả năng để may ra giúp được chút gì cho việc phát triển du lịch nơi đây.

Xe qua Đại Lộc, Đông Giang cho tôi bao hình ảnh quê hương với những dòng sông, con suối, cây cầu, xóm chợ, bản làng….Rồi tiến sâu về Tây Giang, nơi kề sát biên giới Việt Lào.

Lúc này đây tôi mới tận mắt nhìn những cánh rừng nguyên sinh miền nhiệt đới. Do vùng đất ở sâu, đường đi trắc trở, và nhất là lòng quyết tâm bảo vệ rừng của đồng bào Cơ Tu nơi đây mà rừng, dẫu có bị phá phách bởi những kẻ phá rừng, nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn.

Những thảm thực vật mọc chen chúc nhau, cây vươn cao chót vót trời xanh, cây nằm thấp tè dưới đáy vực… nhưng tất cả đều đầy sức sống, lá mang sắc xanh tươi thắm, hoa nở từng vạt sắc vàng, sắc đỏ đẹp như tranh họa đồ qua nét chấm phá tài hoa và hào sảng của người họa sĩ thiên nhiên. Đâu đây lại có con chim cất tiếng hót, khiến rừng già thật đáng yêu, khiến lòng tôi xao xuyến, bồi hồi…

Quá trưa chúng tôi mới vào địa phận Ủy ban Nhân dân Huyện. Dẫu có báo trước, nhưng nhằm vào ngày nghỉ nên chỉ có một cán bộ người Cơ Tu đón chúng tôi. Tên anh là A Lang Sơn. Anh là nghệ sĩ Biên đạo múa. Trông chân chất nhưng lại am hiểu sâu về văn hóa dân tộc mình. Anh đưa chúng tôi về xã A Vương ăn trưa.

Lại là món Mỳ Quảng, do một người Kinh từ Túy Loan lên nấu bán nhưng quả thật ngon hơn một số hàng quán dưới xuôi vì con gà, con heo cỏ nuôi thả rong và rau sạch tự trồng quanh quán. Chúng tôi ăn say sưa những nhúm rau xanh mà khi nhai, dậy hương tinh dầu đầy trong vòm miệng, ăn mà không có cái cảm giác e dè như bấy lâu ăn rau mua chợ dưới xuôi, bởi họ trồng rau sạch, không phun hóa chất quá tải để có thể khiến người ăn ngộ độc.

Ăn xong chúng tôi vào rừng ngay. Kế hoạch chính là đi thăm rừng Pơ Mu. Pơ Mu là giống thông đặc biệt mọc trên các núi cao mà ở Việt Nam chỉ có vùng Hoàng Liên Sơn và Tây Giang. Gỗ Pơ Mu rất thơm, có độ bền cao hơn nhiều loại gỗ quý khác.Người giàu làm quan tài chôn cất người thân. Lại thêm trong dân gian có niềm tin nếu gia đình dùng vật dụng bằng gỗ Pơ Mu thì luôn được điều may mắn…Vì thế đến hôm nay Tây Giang còn giữ được khu rừng Pơ Mu tự nhiên này quả là một kỳ công.


Lối vào rừng Pơ Mu

Trên đường đi, có hai đoạn đường được đổ bê tông nên xe chạy khá êm. Nhưng ở giữa khoảng chừng 3 cây số lại là con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, đất đá lổn chổn, dễ lao xe xuống vực. Tôi thắc mắc hỏi thì anh lại cười, nói nửa đùa nửa thật:” Hai đoạn đường được làm tốt vì là lối đi của hai ông sếp. Đoạn giữa không có nhà ông sếp nên chưa có tiền làm”.

Sắp đến rừng Pơ Mu thì mưa gió đêm qua vừa làm đổ một cây lớn nằm chắn lối đi, xe không qua được. Chúng tôi đành lội bộ thêm 4 cây số mới vào cánh rừng Pơ Mu nằm sâu trong lòng rừng A Xan. Đến lúc này cây gậy đi rừng đã giúp đôi chân tôi đủ sức bước tiếp. Người tôi bắt đầu cảm thấy đuối sức. Nhưng phải cố thôi. Chẳng lẽ đã lên đến đây mà lại bỏ cuộc quay về?

Trên đường đi chúng tôi tranh thủ tìm hiểu một số cây rừng như hạt tiêu rừng, lá A Nút dùng lau sạch tay trước khi ăn bốc thức ăn, cây rau Rớn, lá Tàu bay, cây Dong, cây chuối rừng, măng rừng, đu đủ rừng…cùng một số cá suối, con thú nuôi để thiết kế các thực đơn mang đậm bản sắc vùng núi rừng hoang dã này khi khu du lịch đi vào hoạt động.

Bên cạnh cánh rừng Pơ Mu hoang dã là một trải nghiệm thú vị cho khách du lịch, thì nơi đây còn có nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, các điệu múa dân tộc, các đêm đốt lửa trại, các buổi vào rừng đi bẻ măng, hái rau, hái nấm để chế biến món ăn…rất đáng thiết kế để đưa vào sản phẩm du lịch.

Điều đặc biệt hơn nữa là dân tộc Cơ tu có cả kho câu chuyện dân gian mà họ đã biểu hiện qua một số mẫu vật điêu khắc trưng bày tại nhà lưu niệm: Đời sống hái bắt xưa, ông tổ chó của người Cơ Tu, tình yêu đôi lứa qua bao thế hệ, những trận chiến đấu bảo vệ quê hương, giống nòi một mất một còn với thú dữ, kẻ xâm lược…cũng là những đề tài hấp dẫn thu hút sự tìm tòi khám phá của du khách.

Nhưng để khai triển một tour du lịch ở vùng sâu này, trước tiên ta cần phải hoàn thiện các cơ sở hạ tầng như đường đi, nhà lưu trú, các điều kiện vệ sinh khác. Con đường đang làm dang dở, các nhà lưu trú mái đang ngữa mặt nhìn trời cao, con người làm du lịch chưa qua đào tạo…Mọi thứ ấy phải có TIỀN. Nhưng người dân nơi đây chỉ có hai bàn tay trắng. Vì thế đoàn chúng tôi còn nhiệm vụ thiết kế hồ sơ để xin dự án tài trợ. Hy vọng đâu đó sẽ có những tấm lòng đồng hành cùng chúng tôi giúp người Cơ Tu làm du lịch vượt đói nghèo.

Du lịch là con dao hai lưỡi. Nếu không cân nhắc suy tính thì lắm khi ta vừa xây vừa phá. Nhất là phá môi trường sinh thái bởi những công trình xây dựng bê tông hóa, bởi rác thải của du khách…mà một số điểm du lịch đó đây đã cho thấy bài học được và mất này.

Thời gian dần trôi để chiều tàn sắp đến. Chúng tôi phải quay trở về. Chọn lối đi tắt để rút ngắn đoạn đường thì đường lại rất xóc nên tôi đã bị say xe nôn ói hai lần. Nhưng cuối cùng tôi vẫn còn đủ sức để nhìn thành phố Đà Nẵng ngập trong muôn sắc lung linh khi đêm buông. Những cao ốc vươn chót vót thắp sáng bầu trời đêm, những con đường mở rộng với những làn xe không dứt, những cây cầu bắc qua sông chiếu ánh lung linh hắt xuống mặt nước tạo nên nét huyền ảo như chốn thủy cung… đã thay da đổi thịt thành phố bên bán đảo Sơn Trà này như cô Tấm bước ra từ quả thị.

Lại một đêm ngủ xa nhà.

Hôm sau tôi quay về trên lối đi bộ qua đèo Hải Vân. Đi để được nhìn nước non mình đẹp như gấm vóc. Đi để cảm nhận rừng là vàng, biển là bạc. Nếu ta không giữ biển giữ rừng là có tội với tiền nhân và hậu duệ biết bao!

Ôi những cánh én lẻ loi đang cùng chắp cánh cho khát vọng đổi đời ở một rẻo non cao./.





VVM.08.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com