Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



HỒN DÂU BỂ



N hững ngày tháng hạ, cây lá ở đây vẫn xanh biếc. Mây trắng lững lờ bay qua soi bóng xuống mặt hồ. Những mạch nước ngầm vẫn ngày đêm phun lên từ lòng đất mẹ, không biết những mạch nước ấy đã phun tự bao giờ, trước khi điền trang được lập thì nó đã có ở đó, sau khi điền trang mai một nó vẫn còn đây. Những vòi nước nho nhỏ nhưng trong vắt phun chưa ngừng nghỉ dù chỉ một giây, nước từ đây chảy thành một con lạch nhỏ và rồi tích tụ ở những cái hồ gần đấy. Nước từ đất mẹ phun lên, rồi chảy đi khắp nơi, lại bốc hơi bay lên với gió mây, cuối cùng lại mưa xuống và thấm vào lòng đất mẹ, cái vòng quay miên viễn bất tận này!

Điền trang Huie ngày xưa nay gọi là Huie Reynald Barn, nó vốn là đất đai tài sản của dòng họ Huie, rộng chừng một trăm năm mươi mẫu tây, có đủ đồi, rừng, đầm, hồ… tạo nên một cảnh quan thiên nghiên hoang dã vừa có nét núi rừng vừa pha cảnh đồng quê ở giữa lòng các thị trấn: Forest park, Morrow city, Lake city. Điền trang này có từ năm 1867, ngày xưa nó là nhà ở, nộng trại sản xuất của họ nhà Huie. Thời gian thay đổi, thế sự vần xoay, nhân gian biến dịch đến năm 1976 thì luật sư William Huie dời đi đến đất khác. Họ hiến toàn bộ đất đai tài sản lại cho quận Clayton để biến nó thành một công viên công cộng. Hơn một trăm năm mươi năm đã trôi qua, họ nhà Huie giờ không biết con cháu thế nào nữa, có những cây cổ thụ ở điền trang đã đổ nhưng có những con rùa lên tuổi cố còn sống đến hôm nay.

Huie Reynald Barn thưở ấy rất thịnh vượng, thời của những điền trang nông sản và bông gòn. Trang trại Tara của họ nhà Scarlet trong cuốn theo chiều gió cũng gần đây, cách chừng mươi dặm. Thời ấy những điền trang ở thành Ất Lăng nổi tiếng về bông gòn, bông gòn trồng khắp nơi và kết tập về cảng savanna để chở về Anh quốc hay Âu châu. Ngoài điền trang Tara của nhà Scarlet O’Hara, còn có những điền trang khác như: Điền trang Twelve Oaks của nhà John Wilkes, điền trang Mimosa của nhà Fontaine, điền trang Lovejoy của họ Munroe… Những điền trang nổi tiếng một thời, suy tàn dần sau cuộc nội chiến, sự huy hoàng của những điền trang đã cuốn theo chiều gió. Tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” đã nói lên tất cả, ngay cái tên của tác phẩm đã hàm chứa ý nghĩa của cuộc bể dâu, tất cả rồi cũng đều cuốn theo chiều gió. Những điền trang một thời thuở ấy cũng đều không xa mấy trung tâm thành Ất Lăng này! Huie Reynald Barn ngày nay giống như một hệ sinh thái thâu gọn, có cảnh sắc núi đồi, đầm, hồ rất hài hòa, yên tĩnh và nên thơ

Hai mươi mốt năm trước, khi đến đây sinh sống, những ngày đầu tiên tôi đã đến với Huie Barn. Tôi thấy thích và kể từ đó đến nay, nơi này trở thành môt nơi lý tưởng của tôi. Những con đường mòn quanh quất dưới rặng thông là nơi chạy bộ tuyệt vời, thỉnh thoảng gặp những con nai ngơ ngác nhìn mình từ trong bụi rậm, những con sếu cao lều khều trong đầm nước, những đàn rùa bám lúc nhúc trên thân cây thông đổ dập dềnh trong làn nước… cảnh vật ở đây trở thành một phần hồn tôi, hồn tôi đã hòa với cảnh vật. Tôi đã viết về một số địa danh khác ấy vậy mà chưa từng viết gì về Huie Barn, có đôi khi cũng cũng có ý định viết chi đó nhưng cuộc sống đời thường quá nhiều đẩy đưa, những ý tưởng mới cứ lấn lướt nhấn chìm ý định ấy, vì vậy mà tháng ngày cứ lần lữa cho đến tận hôm nay.

Ngày lễ Độc Lập năm nay tôi không đi chơi xa, chỉ chạy bộ loanh quanh trên những cung đường mòn ở Huie Barn. Tôi đã chạy như thế hai mốt năm rồi, ấy vậy mà hôm nay nảy sinh một cảm xúc lạ thường. Trên cung đường mòn ven bờ suối, tôi gặp một mảng tường thấp xếp bằng đá vốn đã rất quen thuộc. Tôi dừng lại nghỉ thở một tí và bỗng dưng trong tôi nổi lên một sự rung động mãnh liệt, trong tâm lập tức liên tưởng đến hai câu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư:

“ Tường thành cũ phiến bia xưa
Hồn dâu bể gọi trong cờ lau bay”

Cái hồn dâu bể sao mà tha thiết quá, sao mà bàng bạc như mây bay gió thoảng, nhưng lại cũng khốc liệt vô cùng. Hồn dâu bể hiện trên từng phiến đá rong rêu, thấp thoáng nét thời gian dãi dầu trên dãy nhà kho cổ xưa, tháng năm hoen rỉ hiện hữu trên những nông cụ của Huie Barn đã một thời thịnh vượng. Hồn dâu bể phất phơ những ngọn cờ lau đồng nội, những ngọn cờ lau xa xưa của điền trang giờ vẫn phơ phất, vậy mà tôi lại như mơ những ngọn cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh trong sử sách quốc gia. Hồn dâu bể gọi trên từng phiến đá, đường mòn, những tàng cây của điền trang. Chủ đất đã xa rồi nhưng đất vẫn còn đây, cây cỏ vẫn còn đây. Người xưa đã qua, người nay đang hiện diện trong phút giây này. Dâu bể là lẽ thường, vô thường đích thị là thường, dù biết thế nhưng hồn người không khỏi ngậm ngùi bâng khuâng. Ngày xưa, lần đầu đến Huế, tôi sờ tay lên tường thành mà rung động đến độ nổi cả da gà. Bao nhiêu cảm xúc trào dâng, lòng tưởng nhớ cảnh thiết triều, ngựa hí voi chầu, cảnh công thành đầy máu lửa giáo gươm, cảnh khải hoàn trong tiếng vọi đồng lanh lảnh… Nay, nhìn thấy những phiến đá rong rêu mà dậy hồn dâu bể trong tôi

Huie Reynald Barn cách điền trang của nàng Scarlet không bao xa. Những điền trang của một thời huy hoàng trong dĩ vãng. Tôi, con dân của thành Ất Lăng, ấy vậy mà hơn hai mươi mốt năm chưa một lần ghé đến điền trang của nàng Scarlet. Tôi vẫn thường đứng tần ngần, bâng khuâng trước ngôi nhà to lớn của nữ văn sĩ Margaret Mitchell, ngôi nhà của bà nằm giữa lòng thành Ất Lăng, ở khu Midtown giàu có và sang trọng. Ngôi nhà còn đây, lịch sử chưa lâu lắm mà bóng người giờ nơi đâu? Nhìn lên những áng mây trắng bay qua mà thấy hồn dâu bể mang mang. Không biết tôi có phải là người hoài cổ hay là những ký ức trong tạng thức quá mãnh liệt, mỗi khi bắt gặp một di tích cũ, một hình bóng xưa… là tâm hồn tự dâng lên những cảm xúc rất mạnh. Những dấu tích cũ nó luôn lôi cuốn và hấp dẫn tôi hơn là những thứ hiện đại tân tiến, và cũng như thế, một cô gái mang hài hấp dẫn tôi hơn là một cô nàng mang giày cao gót ( high hill). Mỗi lần đến Huie Reynald Barn, tôi có cảm giác như mình đã từng sống ở đây, đã từng là một chàng trai của điền trang này, thậm chí tôi còn mơ đã từng hái hoa dại, cỏ lá để tết làm vòng đội đầu cho cô gái xinh đẹp của mình ở điền trang này. Ngồi bên hồ nước hay ở bãi cỏ, tôi thường đưa mắt nhìn quanh như thể tìm được bóng dáng người em đội vòng hoa dại còn quanh quất đâu đây

Từ Huie Reynald Barn lái xe chừng năm tiếng là đến được cảng Savannah. Ngày xưa cảng này chuyên xuất bông gòn đi Anh quốc và châu Âu. Ngày nay con đường lát đá dọc bờ sông còn đó, trụ sở hãng tàu biển còn đây, trụ sở công ty bông gòn cũng trầm tư nhìn du khách náo nhiệt quanh đây, những lò kẹo thủ công vẫn tiếp tục làm và bán kẹo cho du khách. Đặc biệt những ngôi mộ và bia đá trong các nghĩa trang cổ gây ấn tượng mạnh cho du khách. Người ta biết cách kiềm tiền bằng cách khêu gợi sự tò mò và trí tưởng tượng của du khách, đó là những tua đi thăm nghĩa trang cổ để tìm ma, bắt ma.

Savannah có rất nhiều những câu sồi cổ, thân cành bám đầy loại rêu Tây Ban Nha ( Spanish moss). Nhìn những cây sồi này với hình dáng rất cổ xưa, rất ma quái kích thích mạnh nhãn quan và trí tưởng tượng của mọi người. Rêu Tây Ban Nha trên cây sồi chỉ sống được ở Savannah, tôi thử đem một mớ về thành Ất Lăng nhưng chúng trơ ra, không chết mà cũng không sống. Những cây cổ thụ của Huie Reynald cũng không có loại rêu này, dù rằng phong thổ cách nhau chỉ mấy tiếng lái xe. “ Tường thành cổ phiến bia xưa” của Savannah lại càng tha thiết hơn, dấu ấn của thời gian còn đậm hơn, hồn dâu bể ở đây cũng hiển hiện rất rõ, nó man mác một chút u buồn, một chút hoài niệm dĩ vãng xa xưa. Con đường lát đá Riverside thật đúng với câu thơ của bà Huyện Thanh Quan:” Vết xưa xe ngựa hồn thu thảo”

Xứ Cờ Hoa này không có chế độ phong kiến, không có vua quan nên không có những kinh đô hay thành trì cổ như ở Âu châu, Á châu. Ở đây mà nói tường thành cổ thì người ta khó mà hình dung (cho dù có xem phim ảnh). Cái bức tường nhỏ để chặn đất chuồi ở Huie Reynald Barn làm tôi liên tưởng đến “ Tường thành cũ phiến bia xưa” nó cứ như là cái sa bàn trong bảo tàng, nó như hình bóng thu nhỏ của tường thành Bắc Kinh, Huế, Angco… Thành Ất Lăng có nhiều nghĩa địa cổ, có cái nằm giữa thành phố, có cái lọt giữa khu dân cư… nhưng tất cả được giữ gìn nguyên vẹn, tôn trọng bảo vệ bằng luật, không có chuyện giải tỏa, ủi phá, di dời… Người Mỹ không cần biết cái câu “ Nghĩa tử là nghĩa tận” mà người Việt thường nói, nhưng người Mỹ lại làm cái việc đó rất tuyệt vời. Tôi đọc thấy có những tấm bia ghi: 1786, 1789, 1802, 1888… tất cả họ tên cũng đều nguyên vẹn không hề hư hao tí nào, duy cái màu thời gian thì không thể nào tránh khỏi. Hồn dâu bể trên từng phiến đá, phiến bia vẫn gọi, vẫn lay lắt hồn người. Những mốc thời gian trên bia đá kia tương ưng với cố quận mình là vào những năm vua Quang trung đánh giặc Thanh, Nguyễn Ánh diệt nhà Tây Sơn, thực dân Pháp tấn công kinh đô Huế… Ôi cái hồn dâu bể của tường thành cũ, phiến bia xưa sao mà gây nỗi nhớ thương ray rức tong lòng, cái buồn man mác khi tưởng về lịch sử khốc liệt của cha ông thuở xưa, Cũng với những mốc thời gian này, Huie Reynald Barn đã có máy cày, máy kéo và các nông cụ cơ giới khác, nhưng cố quận mình thì còn ngủ mê, còn bị ngục tù bởi hệ tư tưởng Nho giáo. Cũng với mốc thời gian này nhưng nước Nhật đã canh tân theo văm minh phương Tây và họ đã thành công trong việc đưa quốc gia phát triển thành một nước mạnh và tân tiến. Ngày nay ở Huie Reynald Barn, những nông cụ này vẫn nằm ở đây để làm chứng tích cho một thời. Những nông cụ hoen rỉ nằm dãi nắng dầm mưa mặc cho thời gian dâu bể đi qua. Mây trắng vẫn bay qua điền trang như trăm năm trước và vẫn mãi mãi bay qua, mặc cho thế sự thay đổi biến dịch, mặc cho vô thường dửng dưng biến thiên và dĩ nhiên là vẫn mặc cho hồn dâu bể hằn in trên tường đá phiến bia. Xứ Cờ Hoa thật may mắn, kể từ sau lần nội chiến Bắc Nam đến nay cũng đã ba trăm năm. Nước Mỹ không có cuộc chiến tranh nào khác nữa, dù là chiến tranh sắc tộc, chiến tranh tôn giáo hay chiến tranh ý thức hệ. Mặc dù nước Mỹ có đủ bao nhiêu sắc tộc, bao nhiêu tôn giáo khác nhau

Ngày lễ Độc Lập năm nay, thành Ất lăng như bừng tỉnh sau cơn dịch Corona virus. Mọi người vui chơi hưởng thụ không còn bị giãn cách , pháo hoa nổ giàn trời làm cho tôi cứ ngỡ đêm giao thừa của xứ mình. Điền trang Huie nay là Huie Reynal Barn nằm mơ màng dưới tán thông xanh, cờ lau trắng phất phơ giữa đồng, bức tường đá xanh rong rêu, phiến đá, bia mộ trầm tư… tất cả như gợi hồn dâu bể một thời dĩ vãng xa xưa. Hồn dâu bể ở Huie Reynald Barn, ở điền trang Tara, ở thành Ất Lăng, ở xứ Cờ Hoa hay ở cố quận mình cho chí bất cứ nơi đâu trên thế gian này cũng đều phơ phất gọi người.

Dâu bể là cái tích văn chương ngôn ngữ ngày xưa, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là vô thường. Mọi vật, mọi việc ở thế gian này vốn vô thường, thay đổi và biến dịch không ngừng, Thời gian thay đổi, sự đời bể dâu là lẽ thường tình, vô thường chính là thường. Nếu thời đại đồ đá, đồ đồng thì sự thay đổi tính bằng vạn năm. Thời đại phong kiến tính bằng ngàn năm, thời chủ nghĩa tư bản tính bằng trăm năm và thời đại hôm nay càng rút ngắn hơn. Tốc độ thay đổi biến thiên càng ngày càng rút ngắn, thời đại kỹ thuật công nghệ cao bây giờ thì sự thay đổi càng khốc liệt và nhanh đến chóng mặt. Thành Ất Lăng sau cuộc nội chiến tang hoang đổ nát gần như bình địa, nhưng chẳng mấy chốc xây dựng và phục hồi lại để có diện mạo như hôm nay. Cuộc nội chiến đã tàn phá kinh khủng và hàng trăm ngàn người chết chóc đau thương. Những điền trang sau đó cũng dần lụi tàn như lá hoa cuốn theo chiều gió. Tổng thống Abraham Lincoln đã tuyên bố giải phóng nô lệ, trả lại tự do cho người da đen. Đây là một cuộc đổi đời cho hàng triệu nô lệ da đen. Cuộc bể dâu nào mà không có những đau thương, nhưng cuộc nội chiến Bắc Nam Mỹ không chỉ có đau thương đổ nát, nó đã đem lại tự do và quyền sống cho hàng triệu nô lệ da đen. Sau cuộc nôi chiến Bắc Nam ấy, thì những cuộc tuần hành xuống đường đấu tranh cho quyền bình đẳng và nhân quyền do Martin Luther King dẫn đầu là sự kiện lớn vĩ đại, phong trào này chấn động và ảnh hưởng sâu sắc cả thế giới, toàn nước Mỹ nói chung và thành Ất Lăng nói riêng. Người da đen một lần nữa đứng lên tranh đấu cho quyền sống, quyền bình đẳng và nhân quyền nói chung. Thời gian vẫn thấm thoát qua nhanh, tựa hồ như mây bay gió thoảng, sóng sau đè sóng trước, cuộc bể dâu này lắng thì cuộc bể dâu khác lại khởi lên, thịnh suy cứ tiếp nối quay vòng. Năm 1996, Thành Ất Lăng được vinh dự tổ chức đại hội thể thao Olympic, một lần nữa thành Ất Lăng được toàn thể loài người hướng mắt về để theo dõi những cuộc tranh tài thể thao, đi cùng với sự kiện này, bao nhiêu công trình mới mọc lên như xa lộ 20, công viên Olympic, sân vận động Olympic, những tòa nhà phát triển quanh vùng Metro… Huy hoàng là thế, nổi danh như vậy nhưng chỉ chừng hai mươi năm sau thì tất cả lùi vào dĩ vãng, sân vận động mới ngày nào là nơi tranh tài của hàng vạn lực sĩ khắp năm châu, vậy mà giờ đây nó đã không còn là nó nữa, sân vận động đã bán đi để phục vụ những công việc khác. Người có lòng hoài cổ không khỏi ngậm ngùi, hồn dâu bể không khỏi phơ phất gọi người, dầu rằng tường của sân vận động chưa kịp phong hóa xanh rêu, phiến đá viền sân chưa kịp mòn. Cuộc bể dâu thay đổi nhanh quá, lẽ vô thường bây giờ xảy ra với tốc độ nhanh không ngờ. Có lẽ thời đại của kỹ thuật số, của xe bay, phi thuyền không gian, mạng internet 5G… nên vô thường dường như cũng đổi thay tốc độ của nó để kịp với thời đại mới

Thành Ất Lăng không có phố Tàu như Nữu Ước, Cựu Kim Sơn. Thành Ất Lăng cũng không phải là trung tâm tài chánh như Nữu Ước, càng không phải là nơi quyền lực trung ương như Hoa Thịnh Đốn… Thành Ất Lăng không có cảnh quan thiên nhiên đẹp như Yellow Stone hay Rushmore...nhưng lại có một sức hút lạ thường, phải chăng cái hồn dâu bể phơ phất gọi người? Những dấu tích của một thời nội chiến xa xưa vẫn còn đây, những vùng đất đã xảy ra những trận chiến đẫm máu vẫn còn đây, những điền trang của một dĩ vãng huy hoàng vẫn nằm mơ màng dưới trời xanh mây trắng. Hôm nay thành Ất Lăng nói riêng và nước Mỹ nói chung đang xảy ra dấu hiệu một cơn bể dâu khác, đó là phong trào đập phá, giật sập hay hạ bệ những pho tượng, phù điêu kỷ niệm một thời nội chiến. Trước khi xảy ra phong trào BLM thì những pho tượng và những phù điêu kỷ niệm thời nội chiến là biểu tượng của sự hòa hợp hòa giải, biểu tượng của tinh thần anh hùng mã thượng, biểu tượng của lòng khoan dung. Những vị tướng hay chiến binh của hai miền Nam Bắc đều được tôn trọng, không phân biệt kẻ thắng người thua… Nhưng bây giờ người ta lấy cái quan điểm của thế kỷ hai mươi mốt áp đặt vào hoàn cảnh của thể kỷ mười tám, mười chín, để rồi từ đó đòi hạ bệ phá hủy hết những vết tích lịch sử một thời. Ngay cả tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió” và bộ phim chuyển thể cùng tên cũng bị đòi xóa bỏ, buồn không hỡi người? Bể dâu chồng dâu bể, cuộc nội chiến qua đi đã mấy trăm năm, dâu bể đã lắng yên, giờ thì khởi lên cơn dâu bể mới để phá cho hết những vết tích còn lại của cơn dâu bể năm xưa. Biết làm sao được? Dâu bể vốn là lẽ thường, vô thường chính là thường vậy! Những cơn dâu bể đã xảy ra, đang xảy và sẽ tiếp tục xảy ra, dù cho những cơn dâu bể có như thế nào đi nữa thì những phiến đá xanh rêu, mảng tường cũ, ngọn cờ lau phơ phất vẫn lay lắt gọi hồn người.

Ất Lăng thành, 07/2021





VVM.15.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com