C ơn mê của tôi bắt đầu từ năm 1963, khi ông anh tôi học ở Liên Xô, trong một kỳ nghỉ phép mang về cho tôi chiếc máy ảnh Fed 2 và hướng dẫn tôi cách sử dụng. Chụp được một cuộn phim thành công tôi đâm ra mê luôn!
Nhưng tính tôi vẫn vậy, bất cứ loại máy móc gì tôi cũng muốn hiểu cặn kẽ cấu tạo, tính năng, nguyên lý hoạt động…Thế là tôi vào Thư Viện Quốc Gia ở 31 Tràng Thi tìm các sách nói về Máy ảnh, Nhiếp ảnh miệt mài nghiên cứu. Sau khi đã nắm được tương đối các kiến thức cơ bản của Máy ảnh, Nhiếp ảnh, tôi mới “xuống núi” chụp một cách rộng rãi cho người thân, bạn bè.
Hồi đó có được chiếc máy ảnh là oách lắm, chụp được đẹp lại càng…oai! Vì Máy là máy cơ, về mặt Kỹ thuật hoàn toàn phụ thuộc vào người chụp từ tiêu cự, độ mở ống kính, tốc độ…Còn góc độ, bố cục, cắt cảnh phụ thuộc vào con mắt thẩm mỹ của người chụp.
Nỗi đam mê của tôi lây lan sang cả hai người bạn Hà Nội cùng vần “Hát”, cùng học trường Đại học Bách khoa với tôi: Nguyễn Đức Hùng và Dương Trung Hiệp ( anh ruột của ông Nghị nổi tiếng Dương Trung Quốc ) Chiếc “Phét đơ” được chúng tôi truyền tay nhau chụp nhiều bức ảnh đen trắng thật đẹp ( hồi đó chưa có ảnh mầu ). Tất cả đều thành thạo đến mức Nguyễn Đức Hùng trở thành “Thợ” chụp có hạng, được nhiều đám cưới thuê chụp đến vài cuộn phim! Nguyễn Đức Hùng khi đó là Giảng viên trường Đại học Xây dựng, nhưng thời bao cấp “đói đầu gối phải bò”…bằng nghề tay trái!
Còn tôi với Dương Trung Hiệp, những lúc rảnh rỗi có khi thức suốt đêm ở nhà Hiệp 27 phố Hàng Đường ( nhưng đi cửa sau ở số 1 Ngõ Gạch ) in in phóng phóng, ghép hình, ghép cảnh đủ kiểu: Nào là mặt người ở giữa bông hoa, nào là người đứng chống nạnh nhưng lại thấy cảnh Quảng trường đỏ ở dưới…nách, nào là đầu ông nọ cắm vào thân bà kia…đủ thứ nghịch ngợm. Có hai bức ảnh chúng tôi thấy đẹp, vui và ưng ý nhất đấy là bức ảnh chụp sau lưng “Năm thằng vần H” đứng hàng ngang trên bờ Hồ Tây cứ như đang…”Vũ qua Bắc Hải”, và bức ảnh chụp trên đỉnh núi Nùng, Dương Trung Hiệp khom người tay ngả chiếc mũ rộng vành, tay tặng Nguyễn Đức Hùng bông hoa!
Hồi đó Khoa học Kỹ thuật chưa tiến bộ bằng bây giờ nên khâu “tráng phim”, “rửa ảnh” toàn…ướt. Phim chụp xong cho vào phòng tối (ánh sáng đỏ) “tráng” trong nước hóa chất, treo lên cho khô rồi mới dùng máy in phóng chiếu lên giấy ảnh, tiếp theo cho những giấy ảnh này vào nước có pha thuốc hiện hình rồi chuyển sang nước định hình, tráng qua nước lã cho sạch thuốc bám, vớt ra đem phơi hoặc sấy khô là được các bức ảnh.
Các công đoạn sau khi chụp được 1 cuộn phim khá cách rách nên tôi toàn mang đến hiệu để họ làm. Hiệu tôi hay lui tới do cụ Lê Đình Chữ một Nhiếp ảnh gia hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc đứng tên. Cụ đã già nên chỉ nhận và trả phim, ảnh cho khách hàng, còn mọi việc do con cháu Cụ làm. Tôi là khách thường xuyên và có lẽ chụp cũng…đường được nên cụ bắt đầu chú ý, mỗi khi tôi đến lấy ảnh Cụ tận tình chỉ bảo cho tôi đến từng chi tiết. Lâu dần tôi và Cụ trở thành hai người bạn vong niên thân thiết, Cụ kể với tôi rằng lúc Cụ và gia đình đi tản cư Cụ không mang theo được cả một phòng treo những bức ảnh đẹp Cụ chụp rất ưng ý; Lúc Cụ trở về Hà Nội cùng gia đình thì…mất sạch không còn một bức ảnh nào! “Chắc người Pháp họ lấy chứ người ta cần gì…” Cụ nói với vẻ đầy tiếc nuối.
Cụ Lê Đình Chữ có cái thú uống bia hơi vào buổi chiều, hồi đó phố Trần Nhân Tông đoạn giữa phố Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Đình Chiểu người ta chưa xây nhà nên vỉa hè rộng hàng chục mét, có một quán bia hơi đông nghịt khách toàn ngồi xổm uống với nhau. Nhà Cụ ở Bà Triệu xê xế với Viện Mắt Trung ương rất gần, nên thỉnh thoảng tôi mời Cụ ra đó uống bia. Cũng thỉnh thoảng gặp cả cụ Võ An Ninh râu tóc bạc phơ như ông Tiên. Chúng tôi cùng uống bia và nói chuyện vui vẻ. Hai cụ xem “Tác phẩm” của tôi và dạy bảo rất tận tình. Khi nghe cụ Võ An Ninh kể chuyện phục hàng tuần lễ để chụp Mây trên đỉnh Yên Tử tôi càng kính nể Cụ. Có anh phóng viên một tờ báo lớn nhận ra hai Cụ, chụp một bức ảnh ba chúng tôi đang…ngồi xổm uống bia ( rất tiếc tôi không giữ được ).
Thời gian đầu tôi vào chiến trường-Tuyến đường Trường Sơn huyền thoại còn bí mật “đi không dấu, nấu không khói” nên không được phép chụp ảnh. Mãi sau khi Không quân Mỹ phát hiện ra Tuyến đường này và bắt đầu đánh phá ác liệt chúng tôi mới được trang bị hai máy Zenit và Kiev đều của Liên Xô. Chúng tôi chụp được khá nhiều bức ảnh bây giờ trở nên quý hiếm.
Thật đáng tiếc Khí hậu, chiến tranh rồi chuyển nhà, sửa nhà…đã làm hỏng và thất lạc nên tôi không giữ được bức nào. Mọi chuyện trông cậy vào một anh bạn thân “cùng chiến hào” lưu giữ được khá nhiều; Nhưng thật không may anh ấy bị đột quỵ, dù đã qua cơn hiểm nghèo nhưng chẳng nhớ để chỗ nào trên máy tính! Đành phải kiên nhẫn chờ anh ấy hồi phục may ra…
Đến bây giờ tôi vẫn yêu thích nghệ thuật Nhiếp ảnh, nhưng niềm đam mê chụp ảnh dường như không còn!
Khoa học Kỹ thuật trong lĩnh vực này đã tiến một bước dài không tưởng! Bây giờ người ta chỉ phải làm mỗi việc là…bấm máy. Có lẽ vì thế mà tôi mất hứng thú…nháy chăng?