M ái nhà tôn nóng như cái lò bát quái. Mơ mái lá cọ, lá tranh mà chẳng thể nào. Nóng đến nỗi người ta muốn cởi phăng mọi thứ. Ùm, đâu đó miễn là nước, còn nước gì kệ. Ô nhiễm lắm thì cũng bằng sông Thị Vải là cùng. Bọn trẻ vô tư tồng ngồng ra sông, đứa chưa biết bơi thì vác theo cây chuối. Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên với cuộc sống còn nhiều khắc khổ, bà cụ nhớ đến đứa cháu bất hạnh của mình mà nước mắt rưng rưng.
Không ai nghĩ mùa này lại oi nồng đến thế. Mặt trời đỏ như cục lửa. Ánh nắng chạm da rát rạt, người ta trốn chúng bằng cách ra đồng khi gà vừa đánh thức. Món điểm tâm khá khó nuốt cho những buổi sớm như thế này là năm, bảy đường cày hay vài trăm nhát cuốc. Mồ hôi vắt ráo những bắp thịt của lực điền làm lộ ra những khung xương trông họ thật khắc khổ. Khi mặt trời lên tầm đọt chuối thì bữa sáng mới được vợ hay con họ mang ra. Bữa sáng thì có gì. Cơm, rau luộc chấm trứng là oách rồi. Không, thì mắm quẹt sột sột cũng xong bữa. Ai đó bảo không mơ cao lương mỹ vị là nói dóc. Nhưng không có thì an phận với những gì trong nồi nhà mình có. Cơm mắm quẹt thì phải nói là mặn mà. Chưa no thì thêm ca nước vô tư, đã nữa là khác. Vừa cày, vừa nghe nước reo óc ách trong bụng cũng vui vui, cũng quên bớt nhọc nhằn. Nghĩ tới nước tráng sạch bao tử mà khoái. Chứ không, thì trước sau gì nó cũng đen như cái bao tử heo già thì xấu xí lắm. Tư cụt tự khen mình có những phát hiện mà chẳng nhà văn nào biết nổi, mà người ta biết thì làm sao hắn biết. Trừ lúc đi học, giờ, hắn có thèm đọc cuốn sách nào đâu. Hắn mỉm cười đắc chí theo kiểu mèo khen mèo dài đuôi. Và, buổi sáng qua đi ngọt ngào như thế.
Hắn cũng có tên họ hẳn hoi như bao người nhưng chẳng ai gọi. Người ta cứ Tư cụt mà kêu. Bởi làng này có đến ba người cùng cụt chân như nhau nên người ta phân biệt ngôi thứ bằng tuổi tác. Hai cụt lớn nhất làm anh cả, Ba cụt là anh kế, Tư cụt nhỏ nhất làm út. Hai cụt là lính Quốc gia còn Ba cụt, Tư cụt là lính Việt cộng. Ừ, thì Quốc gia hay Việt cộng thì cũng thế. Giờ, hoà bình rồi, thằng nào cuốc giỏi thì giàu chớ mấy đồng trợ cấp thương binh có bõ bèn gì đâu. Đổi bữa nhậu khăm khắm là đuối. Trước kia, Tư cụt ở chiến trường khu sáu, gian khổ nhất nước, ác liệt nhất nước. Không chết là may rồi. Về được với xóm làng là quá phúc. Chiến tranh ác liệt đến mức Hai cụt có đánh đấm gì đâu mà cũng là thương binh. Chẳng qua, giữa sống và chết người ta chỉ có quyền chọn một. Nên Hai cụt đành dùng kíp mìn Claymore nhét vào giày rồi bấm điện. Bay ba ngón chân nhưng người ta ghét để nhiễm trùng rồi cưa trên mắt cá. Còn Ba cụt và Tư cụt, nghe đâu cũng giẫm mìn con cóc, con nhái gì đó. Bây giờ, họ là những người bạn thân thích, chuyện làm ăn, chuyện chiến trường như sẵn trong túi gặp nhau là thòi ra. Khi vui bên chén rượu, lời to lời nhỏ làm sao mà tránh nhưng cuối cùng thì họ cũng cười xoà khi mà ai đó bảo : Tao không thương mày thì súng tao đã không kẹt đạn.. Thế là cả bọn cùng nhe răng hề hề.
Vợ Tư cụt bỏ đi từ lâu. Cuộc tình vừa quàng tay quá rún một chút. Được một mụn con xi cà que. Mẹ Tư cụt buồn. Nghe đâu, cô ả vớ bẫm được tay Việt kiều, đang hát hò gì đó bên Mỹ. Mỗi lần xem chương trình ca nhạc Paris by night thấy vợ, Tư cụt sụt sùi. Lại có việc cho anh Hai lo rượu thịt để em út giải sầu. Ấy vậy mà Tư cụt cứ thích xem vợ mình hát mới lạ. Mẹ Tư cụt mấy lần quẳng mấy cái đĩa ca nhạc đó ra chuồng lợn mà hắn vẫn kiếm mua lại được. Lợn cũng thích nhai nhạc nữa đấy. Riết, bà chào thua con trai. Bà cũng xem, và, hình như cũng tiếc nuối. Ngày vợ Tư cụt bỏ đi, con Quẹo – con của họ - còn bé tí. Bà nội phải cho nó ngậm vú da của mình mỗi khi nó khóc. Bà địu nó trên lưng làm công việc nhà. Nó níu cái vú da của bà ra sau nách rồi ngậm cứng cục ti tím ngắt thời gian của bà mà ngủ say lúc nào không hay. Khi nó thức giấc, la oe oe là bà thay cho cái vú khác. Cứ thế, trời nuôi lớn, giờ nó đã được tám tuổi rồi. Tám tuổi mà nhỏ thó như đứa năm tuổi. Vẫn nằm nghiêng một bên, một tay một chân co quắp, cứng đơ. Khi đã ngã sang bên cứng đơ thì chịu, không lật lại được. Đầu nó to khác thường. Một hố mắt đầy thịt, nhìn kỹ có khi thấy da giật giật, chắc có con mắt ở bên trong. Bà nội nó bận rộn suốt ngày. Thời gian lo cho cháu không nhiều. Bà lấy mấy cái gối to chắn bên thành chõng rồi để nó nằm chơi với những thứ đồ chơi mà nhà có được. Một con búp bê bằng nhựa đã mất một cánh tay, một hộp màu sáp và vài cuốn vở nhàu nhĩ để nó vẽ gì thì vẽ, một cái đĩa nhôm, mấy viên kẹo giăng tứ tán. Tiếng nói của nó khó nghe và nhỏ nên bà treo một quả chuông nhỏ ở đầu giường. Đó là quả chuông cà rem do Hai cụt tặng cha nó. Khi cần gọi, nó gõ vào đó. Lại là một phát minh nữa của Tư cụt, một phát minh có thể áp dụng cho cả thế giới này chăng. Ngày trước, làm việc gì bà nội nó cũng dàn ra sân, bây giờ thì trong nhà, cạnh cái chõng tre của nó. Từ cọng rau heo cho tới củ lạc, cái gì bà cũng bỏ vào đĩa nhôm một ít và giảng cho nó nghe. Bà cũng không quên đi hái những bông bụt, bông cà về cho nó vẽ. Từ ngày nhà có con bé, bà đâm ra hoạt bát hẳn lên, miếng trầu cũng thưa thớt trên miệng. Tiếng gió u u trên mái lá, tiếng chày giã chuối phộp phộp, tiếng chuông long kong trộn lẫn tiếng cười giòn tan của con bé làm thành một bản hợp xướng thật sự rung động, thật sự hạnh phúc với bà.
Hôm có đoàn từ thiện đến thăm, hai bà cháu được bữa no nê chụp hình. Người ta cho con bé rất nhiều bánh ngoại, thơm lừng mùi sữa, mùi chocolat. Bà cẩn thận cất quà bánh trong chạn. Hai, ba ngày mới cho cháu ăn một lần, bà bảo. “ Quen, không có thì biết lấy đâu.”. Mà đúng thế thật, con bé mà đã cầm được cái bánh rồi thì chẳng ai giành được của nó. Đó cũng là chiêu của bà muốn đi đâu đó, cho cháu cái bánh là xong, chẳng hề nghe tiếng chuông nó gọi.
Một hôm, bà ra quán mua ít xương về hầm cho cháu, quán cách nhà hơn trăm mét, trăm mét ấy thôi giờ đã đằng đẵng trong bà. Lúc ấy bà nghĩ chỉ loáng cái là về ngay nên cần gì khép cửa. Ai ngờ. Nhà bên có con chó đói hung dữ nghe mùi bánh thơm kích thích. Chắc nó đã rình rập đâu đó rồi, chờ bà ra ngõ là nó lao vào tranh bánh với cháu bà. Tội nghiệp con bé, thay vì quẳng cái bánh cho con chó thì đâu có chuyện gì. Đằng này, nó giấu cái bánh ra sau lưng. Con chó đói hung dữ nào có chịu thua, nó nhảy lên chõng, ngoạm cả bàn tay bé xíu đang cầm bánh của con bé. Khi bánh rơi ra thì bàn tay của nó cũng đã te tua vì vết cắn cả rồi. Con chó chạy đi. Con bé kịp gõ mấy tiếng chuông rồi ngất lịm…
Nếu còn sống thì cháu bà bây giờ chắc cũng bằng tuổi với lũ trẻ tồng ngồng nãy kia. Trong mơ màng, bà nghĩ đến cháu bà. Bà như thấy nó đang cười sung sướng với chiếc chuông nhỏ xíu trong tay. Nó bay lượn trên bầu trời, ngồi trên áng mây xa, xa lắm.Tiếng chuông vẫn văng vẳng bên tai bà mà bà chẳng thấy cháu bà đâu, hình như nó trốn sau lưng bà. “ Quẹo ơi, lại đây với bà…”
- Mẹ lẩm bẩm gì đó…
Tiếng Tư cụt lè nhè, hắn tiếp :
- Chưa nấu cơm hả, chuông chùa dọng rồi.
Giật mình, bà quát tháo :
- Ai dạy mày ăn nói kiểu đó...
Rồi bà chua chát :
- Quán hôm nay hết rượu sớm vậy hả con !
Bà quấn lại chiếc khăn choàng cổ, giờ bà mới thấy lạnh. Rồi, bà hất hàm về phía vườn nói bâng quơ :
- Ra bứt mấy trái chôm chôm vô thắp hương cho con Quẹo. Tao vừa thấy nó. Mày chỉ biết rượu mà chẳng ngó ngàng gì đến mẹ mày, con mày.
Tư cụt xếp re, bước ra vườn thoăn thoắt. Cái chân giả của hắn hình như đã liền lạc từ hồi nảo hồi nào.