Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

NHỮNG MÙA THU ĐÃ ĐI QUA



K ha nằm trên chiếc ghế dựa trước hiên nhà, nhìn ra ngoài ngõ. Ánh nắng vàng hanh chiếu trên hàng dâm bụt tươi sáng, lung linh, rõ nét hơn. Những chòm mây trắng mịn rời rạc, bay nhởn nhơ như rong chơi trên bầu trời cao ánh lên đủ sắc màu, hình dáng. Một làn gió heo may nhẹ hắt qua hiên, làm anh thoáng bồi hồi, xao xuyến, bâng quơ.

Mùa thu đã về tự lúc nào mà anh chẳng hay.

Ánh nắng dịu dàng hanh hao gợi nhớ những mùa thu đã đi qua trong đời anh; như một chuỗi dài liên tiếp, thấm đẫm nhớ thương, hạnh phúc lẫn khổ đau, niềm vui cùng nỗi buồn, man mác.

Mùa thu của tuổi mười ba, mười bốn với những tiếng cười dòn dã, nao nức bước vào năm học mới. Những bước chân sáo chạy nhảy trong sân trường như bầy chim non ríu rít sau ba tháng hè gặp lại thầy cô, bạn học cũ, chấp chới ẩn hiện trong anh.

Anh cười thật hồn nhiên, thấy mình xúng xính trong bộ quần áo mới, cùng các bạn vui đón ngày khai trường tràn đầy niềm hy vọng. Tiếng trống khai trường vang lên trong ký ức, khơi dậy trong anh bao hình ảnh tinh khôi một thời cắp sách. Những kỷ niệm tuổi học trò thơ ngây, dễ thương, ngơ ngẩn đến nao lòng. Anh thấy mình trong những trò chơi đá kiện, u quạ trong sân trường cùng lũ bạn, mồ hôi thấm ướt lấm lem bộ quần áo mới mặc lần đầu.

Vào lớp, nhỏ bạn nữ bên cạnh cằn nhằn:

-Ông ăn ở dơ quá! Quần áo lấm lem, ngồi xích ra.

-Xích đi đâu nữa, tui ngồi đây đấy. Muốn thì bà đi chỗ khác.

Bạn nữ giãy nảy:

-Chỗ khác là ở đâu ông? Thầy xếp tui ngồi đây, làm gì có chỗ khác mà đi.

-Vậy thì ráng chịu.

-Ngày mai, ông phải sạch sẽ mới được ngồi đây - cô bạn nhỏ cùng bàn dịu giọng.

Anh cãi:

-Học mà không chơi, sao học được?. Tui cứ vậy đấy. Bà làm gì dữ vậy, bày đặt chê sạch dơ, khó chịu - anh “hứ” một cái, khiến nhỏ bạn đỏ mặt.

-Thấy mà ghét!

Anh chợt cười một mình, nhớ về nhỏ bạn nữ thuở xưa ấy, bồi hồi, không biết bây giờ cô ấy làm gì, ở đâu?

Mùa thu - với những chiếc đèn ông sao năm cánh, chính tay anh tự chặt tre, phất giấy rồi cùng đám bạn xách đèn vừa đi vừa hát, rong chơi trên con đường làng ngập ánh trăng năm nào réo gọi trong anh.

Tiếng hát rập ràng, nao nức “Tết trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca dưới ánh trăng rằm” (1) vang động cả xóm, như đánh thức con đường quê yên vắng ngày nào. Tiếng cười giỡn, tiếng hát ca hồn nhiên đủ mọi chất giọng thuở nào vang dội lại, chợt khiến anh bàng hoàng đến ngẩn ngơ.

Những chiếc lá khẽ khàng rơi ngoài kia, như từng giọt thời gian rớt vào vùng trời kỷ niệm thân thương của anh - từng chiếc, từng chiếc nhẹ nhàng, thấm đẫm nhớ nhung, như gần gũi mà xa xôi vời vợi.

Kha hít thật sâu, nén xúc động vào trong sâu kín tâm hồn rồi thở ra nhẹ nhàng, như sợ cảm xúc vỡ òa, trào dâng, tan biến. Kha ngước nhìn những áng mây trôi bồng bềnh trên bầu trời xanh cao, thoáng hiện đủ hình dáng; như để cố tìm bóng hình Lài ẩn khuất sau những bóng mây chập chờn giữa bầu trời mênh mông ấy. Lài - người con gái có mái tóc dài luôn thoang thoảng hương bồ kết - người vợ thủy chung một đời, mà anh luôn yêu thương tưởng nhớ.

Thoáng trong làn gió heo may vừa lướt qua trước hiên nhà, anh nghe giọng hát của Lài âm vang đâu đây, thật gần gũi. “Ta ngắt đi, một cụm hoa Thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. Mùa thu đã chết, em nhớ cho, mùa thu đã chết, em nhớ cho, mùa thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho, em nhớ cho, hai chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa, trên cõi đời này, trên cõi đời này. Từ nay mãi mãi không thấy nhau, từ nay mãi mãi không thấy nhau, từ nay mãi mãi không thấy nhau”(2).

Kha bàng hoàng quay nhìn chung quanh như có ý tìm kiếm, nhưng âm vang ấy chìm mất vào khoảng không vắng lặng, mịt mờ. Anh thì thầm: “Có thật chúng ta sẽ chẳng còn nhìn thấy nhau được nữa không, Lài ơi?. Em đang ở đâu, trong cõi vô cùng nào xa xăm, mà anh tìm hoài không thấy?”.

Hình bóng Lài thương yêu bỗng trở về như đang trước mặt. Ngày đầu tiên Lài đến trường nhận nhiệm sở, anh đã gặp nàng ngay dãy hành lang, trên lối dẫn đến văn phòng ông hiệu trưởng. Giọng nàng trong trẻo:

-Xin cho hỏi, phòng hiệu trưởng ở đâu ạ!

Anh nhìn nàng, hơi bối rối:

-Cô đi thẳng đến cuối hành lang là phòng ông hiệu trưởng. Cô đến nhận nhiệm sở à?

-Dạ!

Anh cảm thấy mình thật lạ lùng - một cảm giác xao xuyến bất chợt khuấy động trong anh. Kha trở nên dạn dĩ:

-Để tôi đưa cô đến văn phòng ông hiệu trưởng nhé?.

Vừa nói, anh vừa cùng nàng đi về phía trước. Giọng Lài dịu dàng:

-Cảm ơn anh! Anh là giáo sư của trường à?

-Tôi dạy văn các lớp mười một, mười hai.

Nàng mừng rỡ:

-Vậy cùng bộ môn với em rồi. Có gì xin anh giúp cho với.

Anh thân thiện:

-Không sao - anh cười, tôi là Kha. Còn cô?

-Em là Lài. Nguyễn Thị Hoa Lài.

Kha thầm cười một mình, hạnh phúc vô ngần như vừa gặp lại người vợ yêu thương đã nghìn trùng xa cách. Hình bóng Lài ùa về trong anh vừa vỗ về, vừa réo gọi. Anh như nhớ được từng dáng đi, giọng nói, nhớ từng sợi tóc lòa xòa trên khuôn mặt nàng. Nhất là giọng hát da diết, truyền cảm của nàng mỗi chiều cùng ngồi trước khoảng sân gạch, luôn lởn vởn trong anh.

Tiếng kêu ríu rít của bầy chim sẻ trên nhành cây trước sân nhà rộn rã, cùng tiếng kẻng khô vang báo giờ nghỉ của khu sản xuất gạch ngói, đã làm anh choàng tỉnh. Ngoài sân, nắng đã úa màu hiu hắt; như lòng anh đang thổn thức, cố níu kéo bóng hình người xưa trở về từ cõi mênh mông, mù mịt.

Trong cơn xúc động, Kha bỗng nhớ đến những bức thư của nàng: “Anh thân yêu! Nắng quân trường chắc đã làm anh chai sạm, cứng cỏi, phải không anh? Em hình dung, anh đang đi, đứng trong bộ đồ lính nặng nề, dày cộm, chắc là lạ lắm, khó chịu lắm?. Em biết ước mơ của anh là được vui cùng bầy học trò nhỏ - một người thầy, với phấn trắng, bảng đen và niềm hy vọng tươi sáng cho tương lai; chứ không phải một người lính với súng đạn, với sự hận thù, chết chóc ám ảnh ngày đêm. Nhưng anh yêu, đâu phải mơ ước nào cũng dễ dàng được toại nguyện phải không anh?. Em sẽ thay anh đứng trên bục giảng, truyền đạt cho các em những ước mơ, hoài bão của chúng ta, anh nhé! Kha khẽ kêu: “Lài ơi!”.

Kha nhớ rất rõ ngày anh bị gọi vào lính, bởi lệnh tổng động viên, lên đường nhập ngũ cùng một số bạn đồng nghiệp trong trường, sau ngày khai giảng niên khóa 1972 - 1973 được vài tháng. Những ngày chờ đợi mỏi mệt ở Trung tâm 3, rồi được đẩy lên C130 ra nhập khóa ở quân trường Đồng Đế, anh luôn nhận được những lá thư đầy ắp yêu thương, nhớ nhung của nàng gởi đến. Chín tháng sau, mãn khóa - anh được trả về Bộ giáo dục, rồi về trường cũ tiếp tục việc giảng dạy.

Mùa thu năm sau, đám cưới của anh với Lài.

Anh nghe tiếng nàng thì thào bên tai:

-Em nguyện sẽ yêu thương anh mãi mãi, không bao giờ đổi thay, anh yêu!

-Chúng ta sẽ mãi sống bên nhau, cho dầu thế nào - chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta thôi!

Lài đưa tay che miệng anh:

-Đừng nói gỡ, anh yêu! Đừng nói đến sự chết chóc khi chúng mình đang hy vọng.

-Anh xin lỗi! Chúng ta sống hạnh phúc là để “chuẩn bị”, chứ không hề sợ hãi, em ạ!

Mùa thu năm 1975, đang trong niên khóa, anh bị tập trung học tập ở rừng núi Ngân Điền cùng với một số đồng nghiệp trong tỉnh. Vài tuần một lần, Lài lặn lội lên thăm nuôi anh, dù phương tiện đi lại khó khăn, đường xa cách trở. Những ngày tháng ở trong trại, anh như chạm mặt, bị dồn đẩy vào một cuộc sống mới hoàn toàn xa lạ, nhưng Kha đã học được nhiều thứ trong cảnh khốn cùng ấy. Bài học làm người được trui rèn ở đây - Từ sự kham nhẫn, chính trực, vị tha, nhân cách đã được thử thách. Trong tận cùng cực khổ, với cái đói, bệnh tật, thậm chí đến cái chết - mới “nhận rõ” được mặt nhau.

Sau ngày ra trại, lại một mùa thu đi qua - anh về quê làm đủ thứ việc, ai thuê gì cũng làm, chỉ mong đủ kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống của anh tuy khó khăn hơn gấp bội, nhưng được yên vui, hạnh phúc bên Lài và hai con.

Hai mươi mùa thu sau, nàng đã vội rời xa anh chỉ sau một đêm trở bệnh. Anh choáng váng, chao đảo, không hiểu vì sao nàng lại tìm ngủ giấc thiên thu vội vàng như thế? Kha tiếc nuối nghĩ rằng, hai con đã trưởng thành có cháu nội, cháu ngoại, lẽ ra nàng phải sống yên vui cùng anh như lời nàng đã hứa chứ.

Anh thấy mùa thu năm đó thật trống vắng, buồn tênh, như bầu trời lạnh lẽo; lòng anh chơi vơi, không gì có thể lấp kín khoảng trống chênh vênh, hiu hắt ấy.

Sự nhớ thương người vợ dấu yêu trong cuộc đời bất hạnh, cô độc, biển dâu, đã làm anh suy sụp. Nhiều đêm dài anh thao thức, với hình bóng nàng ẩn hiện thấp thoáng. Anh bị sốt cao ngã bệnh nặng. Chỉ vài ngày sau cả người anh vàng như nghệ, đau nhức, rã rời, các con anh phải về đưa nhập viện cấp cứu.

Anh bị viêm gan cấp tính, men gan cao ngất ngưởng, phải chuyền nước liên tục. Anh rất sợ phải nằm viện, nhưng không thể khác được. Anh đau đớn - nỗi đau về thể xác không sánh nổi nỗi đau vì mất đi người vợ dấu yêu trong cuộc đời gian truân đã trải qua. Anh ngỡ mình như người đã chết, nằm lặng lẽ trên giường bệnh rã rời. Sự đớn đau day dứt đã khiến men gan của anh khó mà hạ xuống được.

Bệnh viện về đêm càng mênh mông hơn khi có người vừa ra đi trong tiếng khóc than của người thân. Anh thấy cuộc đời này thật vô thường, có rồi không, được rồi mất; tất cả đều trôi theo một chuỗi nhân duyên như một định luật, không thể thoát ra được.

Nằm viện cả tháng, men gan của anh mới hạ được đôi chút. Các bác sĩ cho biết, anh không được lo lắng, suy nghĩ, mà phải sống thật lạc quan; nếu không, bệnh có thể chuyển sang K. Nhưng anh vẫn không thể tươi tỉnh, thoát nỗi đau buồn được. Cuối cùng anh được các bác sĩ chăm sóc đặc biệt, hơn hai tháng sau mới được xuất viện.

Xuất viện chưa được một tháng anh lại phải nhập viện tiếp, sau một cơn choáng khiến anh bị ngất. Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm sinh thiết, các bác sĩ cho biết anh đã bị xơ gan từ F3 - F4. Anh phải tái khám thường xuyên, nếu không có thể chuyển sang K một ngày không xa.

Anh giật mình, thầm nghĩ: “Không lẽ mình sống vô ích như vậy sao? Cả cuộc đời này mình chưa làm được gì lại ra đi?”. Và thế là, anh mạnh mẽ đứng lên, tự mình muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa để lại cho đời. Anh học cách sống của loài hoa “Hướng dương” luôn hướng về phía mặt trời, để không còn bóng tối.

Mùa thu tiếp theo, anh bắt đầu thực hiện ước mơ.

Những trang viết của anh thấm đẫm tình yêu thương, cảm xúc dạt dào tuôn chảy, như dòng suối lâu ngày bị ứ đọng ở thượng nguồn bây giờ mới có dịp khơi dòng. Bên trang viết mỗi ngày, anh thấy lòng mình an vui, như vừa sống lại một cuộc đời khác với bao niềm tin và hy vọng đang chờ đợi phía trước. Lài luôn thấp thoáng trong những giấc mơ tuy ngắn ngủi, nhưng đã an ủi, khích lệ anh vui sống và viết. Anh nghĩ, lúc này anh phải sống không chỉ cho riêng anh, mà còn sống cho ước mơ của Lài nữa. Trong một lần vào Sài Gòn tái khám, sau khi xét nghiệm máu bác sĩ cho biết, gan anh đã ổn định, độ xơ hóa từ F0 - F1.

Tân - con trai anh, mừng rỡ:

-Thật kỳ diệu! Độ xơ hóa gan của ba ở giai đoạn cuối F3 - F4, đã giảm chỉ còn F0 - F1. Con nghĩ, lần sau khi vào tái khám có thể không còn xơ hóa nữa đó ba. Mừng quá!

Anh cười vui mà nước mắt rưng rưng:

-Đúng là kỳ diệu thật. Ba không nghĩ nó có thể giảm xuống, chỉ cần nằm yên không chuyển sang K là mừng rồi. Thật mầu nhiệm!

Tân hào hứng:

-Ba thấy ông Tư xóm mình không? Sáng còn đi làm, nghe đau nhức trong người, hai tay mỏi không nhấc lên nổi. Con ổng vội đưa lên xe ngay chiều hôm đó vào Sài Gòn khám cho chắc ăn. Bác sĩ cho biết ổng bị K giai đoạn cuối. Ổng bị sốc, về nhà nằm “quẹp”, không ăn uống gì được, mới mười ngày ổng đi chớ mấy.

-Tại ông ấy bị sốc mới vậy đó con. Tội nghiệp!

Tân cười vui vẻ:

-Ba phải ráng mà sống với tụi con. Thích gì thì cứ làm, miễn thấy vui là được.

-Cảm ơn con! Ba sống miết với các con, chừng nào các cháu học hành đến nơi, đến chốn, có gia đình, ba lên chức “cố” mới thôi.

Tân cười lớn:

-Ba phải lên chức “cao” nữa chớ!

-Trời đất ơi! Vậy khi đó ba chơi với ai, con?

-Thì với con cháu chớ ai nữa!

♣ ♣ ♣

Kha nhìn lên hàng cây trước ngõ trong sắc nắng úa mầu hanh hao, anh thấy mùa thu đang thầm thì cùng đất trời mênh mang. Một cơn gió thổi thốc qua, làm cành lá hàng cây ngoài kia rung lên xào xạc - một vài chiếc lá sậm vàng khẽ rơi, chao nghiêng bay theo chiều gió, rồi rơi nhanh xuống mặt đất.

Một mùa thu mới - với niềm tin yêu và hy vọng đang xôn xao réo gọi phía trước.

Kha thầm nghĩ: “Mùa thu không chết. Mùa thu vẫn còn đó, muôn đời, Lài ơi!”

5/2019
(1) Bài hát: “Rước Đén Tháng Tám” của nhạc sĩ Văn Thanh
(2) Bài hát: “Mùa Thu Chết” - nhạc: Phạm Duy - thơ: Guillaume Apollinaire.





VVM.15.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com