Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TIẾNG BIỂN THÌ THÀO


                     (Bài 11)


[]

Giữa tháng 3/2017, quay về Mỹ, tôi đâm rơi vào sự tuyệt vọng cùng cực. Căn nhà vắng lạnh. San đi làm ban đêm. Ban ngày mẹ con chẳng một lần giáp mặt. Tôi cứ đi ra đi vào, bước chậm, đầu cúi, điếu thuốc cầm tay, trí não đặc sệt.

Tôi nghĩ gì? Không biết! Chỉ biết nghĩ và nghĩ; nhưng nghĩ gì thì rồi cũng quy về một tương lai tắt ngấm. Chuyến đi VN ba tháng rưỡi vừa qua đã tước đoạt hết trong tôi mọi nghị lực. Điều này có thể gọi là sự mất mát cho cả tôi lẫn anh Ngọc. Mất mát phía tôi là Âm Nhạc (biểu tượng qua anh) mà tôi khổ công đi tìm trong 42 năm, bây giờ thấy rõ là bay biến cả. Thấy rõ mình không còn sức mạnh để vươn lên. Hoặc là, “không muốn vươn lên”.

Tôi đang buông xuôi cả tinh thần lẫn thể xác: Một hình thức “tự tử” mà những người văn chương thường thực hiện. Điển hình là sự buông xuôi nổi tiếng của Emily Bronte và Gogol.  

Một chiều, hoàng hôn đã tắt, đứng trước các kệ sách, quyển Tam Quốc Chí hai tập dày cộm tự dưng đập vào mắt. Câu nói của Tào Hồng với chủ tướng trong trận Xích Bích dội lên giữa trí não: “Thiên hạ khả vô Tào Hồng bất khả vô Tào Tháo” (Trong thiên hạ có thể không có Tào Hồng nhưng không thể không có Tào Tháo) làm tôi bừng tỉnh.

Nghĩ lại thật nhanh, thấy vô số mắc xích trách nhiệm còn ràng buộc ở cuộc sống, khiến chưa thể buông được.

Câu nói của mẹ đêm cuối cùng trước khi tôi từ giã Âu Châu đi Mỹ hơn ba mươi năm trước “Đường còn xa, gánh trên vai còn nặng mà trời thì đã tối” vẫn còn nhớ rõ. Cái “gánh” này chỉ tôi phải đảm nhiệm, không thể đổ lên ai khác. Căn nhà Những Người Trăm Năm Cũ là cái gánh nặng nhất. Nơi đây từng không có mẹ già, không có Vân San & Âu Cơ, không có người này người nọ thì nó vẫn “đứng”. Nhưng chỉ trong ba tháng rưỡi vừa qua không có tôi, nó đã có khuynh hướng sụp đổ rồi! Vậy thì cái “nợ” (kiếp nào xa lắc) trên nó, bây giờ chính tôi phải cưu mang cho đến kỳ cùng. Tôi không tin phép lạ thực tế ở đời. Mà, dẫu có tin, cũng không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ lọt được vào tay tôi!  

Hay, nói đúng hơn, tôi chỉ tin phép lạ từ Văn Chương & Âm Nhạc duy nhất. Văn Chương lại cứu tôi lần nữa từ một tác phẩm văn chương khác. Chữ nghĩa vực tôi dậy. “Viết Cho Người Đã Chết” được ghi nhanh xuống từ đầu tháng 4/2017 (sau đúng hai tuần trở về rã rượi). Trong căn nhà cô quạnh, khí trời buốt giá, tôi cứ miệt mài ngày đêm trên bàn phím, không ăn không ngủ. Hứng thú cuộc sống được tìm lại nhanh, thật là kỳ diệu!  

Một chiều, đi làm về, San bảo: “Con biết Mẹ thích đi VN nên đã lấy vé cho hai mẹ con ba tuần. Ít hôm khởi hành, Mẹ hãy lo sửa soạn hành lý!” “Về thăm con Giấy” (San nói thêm)”. Tôi nhận lời liền.

♣ ♣ ♣

[Sáng nay thứ Bảy Nov. 6, 2021, trong lớp Hòa âm, tôi nói với các người học trò:

“Bây giờ các em chỉ mới hiểu lờ mờ những gì cô dạy, nhưng tin cô đi, sẽ có một ngày khi mọi sự đã xong, thầy trò không còn gặp nhau, cô đã chết, các em đi vào tuổi già, tự khắc sẽ thấy âm nhạc cần thiết vô cùng, lúc đó sẽ hiểu hết những gì hôm nay cô dạy.”

Tôi hỏi:

“Nhưng, có biết do đâu mà nẩy ra cái hiểu đó? (Tự đáp) Chính là do sự gợi nhớ kỷ niệm bây giờ mình ngồi với nhau ở khung cảnh này mà thôi.”]

♣ ♣ ♣

Tôi nói mơ hồ, nói cho có nói, không biết các người học trò có thấm? Còn tôi thì rất thấm. Mỗi tác phẩm của tôi đều được thai nghén và chào đời trong từng hoàn cảnh khác nhau, y hệt người mẹ với những đứa con thể xác. Người mẹ mỗi khi nghĩ lại từng đứa con đều luôn có khuynh hướng nhớ thời kỳ nào, kỷ niệm nào đã tượng hình ra nó. Yêu hơn hay buồn nhiều đều do những cái nhớ đó.

Một tác phẩm văn chương, âm nhạc, thi ca, hội họa & nghệ thuật cũng không khác. Nội dung kết cấu đã đành, mà quan trọng hơn, với tôi, là “cơ duyên và bối cảnh chào đời của tác phẩm”.  

“Viết Cho Người Đã Chết” gom tụ các mẩu chuyện rời, theo lối kể chuyện, nhân vật được nghe kể là Uyên Thao, bao gồm vô số chủ đề, từ thời thơ ấu qua tuổi trẻ tôi, từ gia đình qua các người bạn, từ đời sống riêng qua những điều “trông thấy mà đau đớn lòng” trong xã hội… Nếu gọi rằng “đề tài phong phú” thì cũng đúng, mà gọi “tầm phào, đầu cua tai nheo” vẫn chẳng sai!  

Riêng với tôi, nó là đứa “con vượng cho mẹ” bởi vì nó đã đưa tay kéo tôi lên khỏi hố sâu tuyệt vọng đúng thời đúng lúc. Sau đó là bối cảnh thuận tiện thành hình lớn mạnh rồi chào đời hoàn hảo. Tôi yêu tác phẩm, trên hết do bởi những kỷ niệm giữa tôi (tác giả) với những nhân

vật xuất hiện trong thời gian và không gian tôi đã sống và trân qu‎ý.  

Hai chữ “trân quý” mang ý nghĩa trên nhiều hình ảnh:

-giấc mơ đẹp đẽ và thực tại ê chề;

-những gì đã mất và những gì đang tìm lại qua các con chữ;

-những cơn mưa Sàigòn, đường trơn ướt tiêu điều;

-những tiếng khóc hoài của biển Nha Trang;

-những cơn gió se se thổi về từ xa khơi mù mịt;

-những hồi còi tàu xe lửa;

-những nắng sớm sóng xanh;

-những mưa chiều thành phố;

-quán café trên đường Lê Thánh Tôn Sàigòn mở cửa suốt đêm có người lữ-khách-tôi từ khách sạn bên kia đường băng qua, tìm một góc vắng, ngồi đọc sách lúc 3 giờ sáng;

-những người bán vé số;

-những bà già ăn xin;

-những lá thư, những cú điện thoại trao đổi với Uyên Thao, với các người bạn ở Mỹ;

-những bạn bè gặp lại ở Nha Trang & Sàigòn;

-những đứa em họ ở gần;

-những đứa em ruột đã nằm im trong các con chữ xa xăm.  

Nhất là... nhất là Âu Cơ, đứa con yêu dấu tưởng không bao giờ còn tìm thấy lại, nay mỗi cuối tuần cùng chồng cỡi xe gắn máy xuống Nha Trang ngủ lại với mẹ trong căn phòng 201 tại một khách sạn cổ, bên kia đường là biển...  

TẤT CẢ đều mang vóc dáng “nhân vật” trong một tác phẩm viết “lung tung” nhưng cũng thật là rất-lôi-cuốn-văn-chương! (Tôi từng và đang còn là một độc giả BIẾT nhận định chữ nghĩa hay-dở, ngay cả nhận định chữ nghĩa của tác-giả-là-mình).  

Có nhiều câu chuyện “chẳng ra gì”, nhưng cũng có những chuyện rung động, viết từ kỷ niệm trái tim sâu tận đáy.  

*/ Ví dụ, chuyện về đứa em gái đã chết:  

Cô em thứ nhất tên Mỵ Châu, kém tôi 6 tuổi, học Trưng Vương, nhu mì hiền hậu. Cô thứ nhì (Kiều Mỵ, học Gia Long) có nét đẹp mặn mà, da ngâm ngâm, cá chất sâu sắc. Hai cô này kết thành một “phe” đàng hoàng trật tự, luôn luôn đả kích tính cách bạt mạng phiêu bồng của tôi. Chỉ cô út (Ngọc Huyền, cũng học Gia Long, nhỏ hơn 9 tuổi) là đặc biệt thân và ngưỡng mộ người chị cả.

Cao lớn, xinh đẹp, đàn piano Fantaisie Impromptu en Do# mineur Chopin rất hay, được Mẹ và các anh chị cưng chiều nên tính khí Ngọc Huyền ngang tàng bướng bỉnh. Em hay bào chữa cho tôi những điều lỗi lầm với Mẹ; hơn nữa là bênh vực cái “đào hoa tính” trong phần số chị.  

Có lần nghe lỏm câu chuyện giữa hai cô nhỏ, Kiều Mỵ nói, điệu mai mỉa:

"Chị Thu Vân đi đến đâu là gieo tình đến đó! Tội nghiệp mấy ảnh!”

Ngọc Huyền “quật” lại liền: 

"Sao lại tội nghiệp mấy ảnh? Phải nói là tội nghiệp chị Thu Vân chứ! Ví dụ như cái đêm Ba Mươi Tết vừa qua, cả nhà không chờ đợi thì thấy chị xuất hiện bất ngờ từ chuyến bay cuối Nha Trang-Sàigòn với các valises nặng chịch, theo sau là một anh chàng đẹp trai cao lớn. Tưởng bồ của chị vác về, nào dè chỉ là một anh chàng lạ hoắc gặp tình cờ trên sân bay, làm quen với chị; rồi khi thấy bộ mặt ông cyclo máy có vẻ cô hồn, bèn tự ý xin chạy theo bằng honda để hộ tống chị về đến tận nhà. Như vậy là tại ai? Chị Thu Vân đâu có quyến rũ anh chàng nọ? Chính miệng anh chàng về sau kể lại điều này cho tụi mình nghe mà?

Rồi bật lên tiếng “xì” nho nhỏ: 

"Phiền phức cho chị Thu Vân thì có!"  

 (Đầu năm 1981, Mẹ cho em đi vượt biên bằng đường biển, sau đó mất tích luôn.) 

[]  


*/ Về đứa em trai đã chết:  

Có những nơi chốn và con người mà khi thoạt gặp, lại nằm luôn trong ký ức tôi, như thể “đã được thấy rồi” từ trong tiền kiếp.  

+ Tháng 3 năm 2001, nghe tin Trọng bệnh nặng, tôi bỏ tất cả công việc làm ở Mỹ, bay sang Berlin, ở lại hơn một tháng với em. Hình ảnh “Con phố nhỏ dẫn vào nhà Trọng với những cột điện đường, cái chụp đèn úp xuống tỏa ánh sáng vàng vọt, giống hệt hình ảnh người đàn bà đang gục đầu khóc một mình giữa khuya tĩnh vắng” đã thu hút trọn tâm hồn tôi ngay khi đến đó, mãi về sau nhớ lại, vẫn y hệt cảm nghĩ “quen thuộc lắm” của buổi đầu tiên...  

+ Rồi, cũng trong thời gian hơn một tháng dạo Mar. 2001 ấy, trời cuối Đông thật lạnh, có một lần theo Trọng cùng vài đứa bạn em tới một quán rượu ở Berlin lúc nửa đêm. Thoạt bước vào, chợt nghĩ liền ngay đến hình ảnh Modigliani với những quán rượu làm nơi tá túc cho họa sĩ vào đầu thế kỷ 19: “Ánh đèn ấm áp, âm u, những lọ chai sắp hàng nơi kệ, những cái ly treo ngược trên quầy...” Thế là cứ đứng ngây tại chỗ trong ý nghĩ “Nơi này quen lắm, quen lắm!”; đồng thời là nỗi xót xa “Kể từ nay đứa em đâu còn hưởng thụ được những cái Đẹp của Cuộc Đời, điển hình là không gian quán rượu đêm nay!”  

Với tôi, cái Đẹp chính là như vậy, không cứ chỉ Nghệ Thuật.

Cái Đẹp là Sự Sống, SỐNG và HƯỞNG THỤ SỰ SỐNG trên tất cả mọi cảnh-huống-nơi-chốn (BẰNG cái đầu của một nghệ sĩ). Hãy tưởng tượng, có phải là “hình ảnh đẹp” khi ngồi một mình trong căn-nhà-những-người-trăm-năm-cũ lúc 3 giờ sáng, viết những giòng thư cho Người “Đã Chết”? Trong nỗi cô đơn có cái gì rất đẹp đến dường “lạnh gáy”, giống như lớp da thịt vừa bị cứa một đường lưỡi lame ngọt lịm!

Đêm qua ngồi trò chuyện, nghe Túy Tâm kể lại quãng đời tù ngục 5 năm theo “tuổi trẻ ngông cuồng” thời gian đầu cuộc đổi đời thê thảm; từng cảnh trạng gợi nhắc bằng giọng điệu thản nhiên của Tâm, đối với tôi cũng là từng “cái Đẹp” chính tôi đang có may mắn tiếp nhận.

+ “Cái Đẹp trong tù” này hẳn anh Uyên Thao, anh Văn Quang, anh Ma Xuân Đạo cũng “biết được” NGAY chính khi phải đối diện chúng?

+ Vai trò “nhà văn vĩ đại” của Dostoievski thực sự khởi đi từ kết quả của mười năm khổ sai lao động.

+ Chủ đề “Viết Cho Người Đã Chết” có lẽ cũng đã thấy LÓ RA chút ít khởi từ điểm vừa nói?

[]  


*/ Chuyện một người bạn:  

Chiều nay trời Nha Trang rất đẹp. Từ hành lang ngồi viết nhìn xuống, thẳng là mặt biển, phía bên phải là một nhà hàng ăn, tọa lạc ngay trong khuôn viên khách sạn. Những tiếng “một, hai, ba, dô!” của đám khách nhậu từng hồi hô to như điệu quân hành đều nhịp. Đám tiếp viên trai-gái-con-nít đứng chầu chực, hoặc đi tới đi lui (đến mỏi cả chân) giữa những lớp ghế, lớp bàn.

Trong sự sói mòn cảm nghĩ của “một con người” thì hẳn nhiên tôi sẽ tìm ra ngay HAI tâm trạng đối nghịch (thỏa mãn hưởng thụ TRÊN, với cam chịu đọa đày VÌ “đồng tiền” dơ bẩn) của HAI lớp người điển hình vừa kể. Nhưng, trên cái nhìn phiến diện của “một nghệ sĩ” thì lại thấy đó cũng là biểu tượng cho cái Đẹp! “Cái Đẹp của Cuộc Đời!” (có dấu chấm than, rất đáng được nhà văn tôn vinh!)  

+ Một lá thư rất nhỏ vừa tìm ra giữa đống thư lưu trữ trong máy:

Virginia, Tue, September 23, 2008

BG thân,

Rất mừng nhận được thư BG.

Dù xa cách, dù lâu lắm hoặc chẳng bao giờ còn có thể liên lạc với nhau thì BG vẫn hãy tin chẳng có gì thay đổi trong tình cảm tôi dành cho BG. BG KHÔNG như bọn tôi, nhưng tôi thường nghĩ về BG như một người TRONG cái thế giới mà tôi đã có.

Nhưng thôi, chuyện gì rồi cũng như nước chảy qua cầu! (Uyên Thao).  

Đây cũng là cái Đẹp, “một nỗi tương quan rất đẹp giữa hai nhà văn”. 

[]  


*/ Chuyện một đứa con:  


A POEM FOR MOTHER ON
MY 12th BIRTHDAY
(Trần Nghi Âu Cơ).  


Dear Mother,
I want to tell You
my three little secrects
I know You will care
I know You will share
my sorrow and tears
I know You will listen
by all your pure soul

You are more special
than my life
and my heart

More special than my friends
and some happiness I can get
because You are that happiness
You are more precious
than money, gold, or silver

I want to thank You
because it was You
who gave me life
who was the wife of my Father

But it was not Him
who raised me up
It was not Him
who stayed with me when I cried

It was You by my side
whenever I'm sick
I love You so much!
My dearest Mommy!


(Cali, Oct. 9/1999, my 12th birthday).  

(TTBG chuyển ngữ).

 
BÀI THƠ TẶNG MẸ TRONG
NGÀY SINH NHẬT THỨ 12 CỦA TÔI.
(TTBG chuyển Việt ngữ)  


Mẹ ơi,
Con muốn thưa với Mẹ
ba điều bí mật nhỏ của con
Con biết Mẹ sẽ quan tâm
Con biết Mẹ cùng chia xẻ
nỗi buồn và nước mắt của con
Con biết Mẹ sẽ nghe
bằng trọn tâm hồn của Mẹ

Mẹ đặc biệt hơn
đời của con
và trái tim con
Đặc biệt hơn đám bạn con
và vui thú nào con có
bởi Mẹ là niềm vui thú đó
Mẹ quý hơn
tiền hay vàng, bạc

Con muốn cám ơn Mẹ
bởi vì Mẹ
đã cho con cuộc đời

Mẹ là người vợ của Bố
Nhưng không phải Bố
nuôi con lớn
Không phải Bố
ở với con khi nào con khóc
Mà chỉ là Mẹ cạnh bên
bất cứ lúc nào con bệnh
Con thương Mẹ lắm!
Mẹ rất yêu dấu của con!


(Cali. 9 tháng 10/1999,
ngày sinh nhật thứ 12 của tôi.)

[]  


*/ Nhưng, đẹp và cảm động hơn cả là chuyện một thư e-mail nhỏ, con gái Âu Cơ gửi từ Dalat sau hai ngày cuối tuần xuống Nha Trang ở lại với Mẹ:  

“Dalat, June 26/2017  12:22 khuya.

Thưa Mẹ,

Tụi con về tới Dalat lúc 7:45 sáng nay. Rời Nha Trang lúc 4 giờ 30 sáng. Tới Dalat vừa kịp giờ cho anh Năng đi làm. Con thì uống thuốc trùm mền nằm ở nhà. Con ráng trùm cho chảy mồ hôi. Thấy đờ người lắm, nhưng giờ đã đỡ hơn nhiều.

Khuya hôm nay khi thức dậy để đi, con thấy Mẹ ngồi cúi đầu ngủ gục, lưng dựa vào tường, gối tựa phía sau, cái máy laptop còn để trên đùi, đèn sáng... Trên đường về Dalat cho tới tận lúc này, hễ nhớ lại cảnh đó, sao con thấy sót cho Mẹ ghê. Tính kêu Mẹ dậy để chào nhưng biết tối hôm qua đã gần 3 giờ sáng mà Mẹ vẫn còn ngồi viết, nên để cho Mẹ ngủ.

Hai ngày ở cạnh bên Mẹ, con thấy sao Mẹ ăn ít quá, và ngủ cũng thật ít. Mẹ ráng phải chăm sóc bản thân nhiều hơn đi, Mẹ ơi.

Tuần sau tụi con lại chạy xuống chơi với Mẹ lần cuối. Mà chắc sẽ đi xe đò. Lần vừa rồi đi xe gắn máy con thấy trong người oải lắm. Có lẽ bởi vì lúc đó con đang bệnh.

Thôi con ngừng để ngồi xuống viết một tí. Hai ngày vừa rồi con không viết được gì hết, nên cũng sốt ruột. 

Thương Mẹ thật nhiều.

Con, Âu Cơ.

[]  


Uyên Thao khi đọc đoạn viết có lá thư này, đã từ Virginia gọi sang Nha Trang cho tôi, bảo: “Chỉ vài giòng đơn sơ mà con bé đã tỏ ra cả một mối thâm tình với mẹ, hơn nữa, của một nhà văn thương xót một nhà văn!”

Vậy mà!... Bây giờ nó bỏ hẳn tôi!

♣ ♣ ♣

Lúc 11 giờ đêm choàng dậy thảng thốt sau một cơn mơ kỳ cục: Tôi đang trò chuyện với một người đàn ông mặc đồ thủy thủ, valise cầm tay trong tư thế xong xuôi tề chỉnh. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Không biết người này có bỏ đi?” Định cất tiếng van nài: “Thôi, nên ở lại!” thì người kia nói: “Tôi phải ra đi. Sẽ có ngày quay lại.” Trong óc tôi bật lên một kết luận: “Thế cũng xong!”  

Bừng tỉnh, tâm trí bàng hoàng. Hình ảnh “sắp bỏ đi!” của kẻ lạ trong mơ biến nhanh thành nỗi nhớ ra rằng “Âu Cơ và chồng đã bỏ đi rồi!” Lòng quặn thắt, vừa dắt con Sea sea ra vườn đi tiểu, tôi vừa tự lầm bầm nho nhỏ:

“Trong căn nhà nhà này, ta chưa hề muốn ai bỏ đi, từ người thân cho đến người dưng. Nếu thảng hoặc một hai lần bảo San hay Âu Cơ ‘đi đi!’ thì không có nghĩa rằng ta muốn đuổi chúng mà chỉ bởi vì ‘đã quá khổ!’ Vậy mà thằng con rể bắt con gái ta đi thật! Nó đâu có máu mủ gì với ta mà hòng biết xót thương cho ta?!”  

Vào phòng, nước mắt ứa ra, con chó Sea-sea nghe tiếng nấc, ngẩng nhìn bằng đôi mắt chứa chan tình cảm, bò đến nằm dưới chân chủ.

Lồng ngực đau oằn, nửa đêm ngồi viết bài này...


[]

(Bài viết lúc 11 giờ 20 khuya thứ Bảy,
kết lúc lúc 4:01 sáng Chủ nhật, Nov. 7/2021)
.
[]




VVM.21.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com