Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


GIÓ BIỂN SẦM SƠN



 

T rong lúc đi tìm chỗ ngồi trên chuyến bay từ Sàigòn ra Thanh Hóa, tôi chợt thấy có chút lúng túng, khi phát hiện ra số ghế của mình trùng dãy với chỗ ngồi của cô nàng trẻ trung xinh đẹp, đã thế còn ở ngay cạnh tay phải cô gái nữa. Điều này có nghĩa, muốn vào ngồi đúng chỗ của mình, cạnh ô cửa nhỏ nhìn ra khoảng trời bao la bên ngoài, tôi buột phải bước ngang qua trước mặt cô gái. Có lẽ, đọc thấy vẻ bối rối, khó xử, hiện ra trên nét mặt tôi hay sao, cô gái vừa tỏ ra lịch sự lên tiếng, vừa ép sát chân vào một bên ghế nói:

- Xin anh cứ tự nhiên bước vào chỗ ngồi của mình. Tôi ngại ngùng nói:

- Xin làm phiền cô một chút.

Cô gái trả lời:

- Việc đi tàu xe như thế này là bình thường, có phiền hà chi đâu anh.

Dù đã được cô gái nhường chỗ cho lối đi, nhưng khi len lỏi giữa hai hàng ghế để vào ghế ngồi bên trong, tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó không được thoải mái cho lắm. Cuối cùng, tôi sớm phát hiện ra sự bất tiên của việc mua vé máy bay giá rẻ, là phải chấp nhận mọi phiền toái xảy ra.

Sau khi đã yên vị, chỉ còn chờ giờ phi cơ được phép lăn bánh, tôi quay sang hỏi cô gái:

- Em đi công tác hay đi du lịch?

- Em về thăm nhà.

- Nhà trong thành phố hay còn phải đi xa hơn nữa?

Cô gái vui vẻ đáp:

- Nhà em ở ngay trung tâm thành phố.

- Em vào Nam lâu chưa mà nói giọng nghe không khác người Sàigòn vậy?

- Em theo gia đình vào thành phố cách đây 20 năm.

- Em làm gì trong Sàigòn?

- Em vừa tốt nghiệp Bachelor or Hospitality and Tourism tại RMIT.

- Ở Sing?

- Dạ ở trong nước..

- Ồ! Em gái anh cũng vừa tốt nghiệp ở đó.

- Thật vậy sao?

- Cùng ngành với em.

- Bạn í tên gì ạ?

- Thảo Trang.

- Tưởng ai, bạn ấy rất thân với em.

- Em tên gì?

- Ái Như.

- Ra vậy.

- Có phải nhà anh trên X đường X.

- Nhà của cha mẹ anh

- Em có ghé đến nhà vài lần sao không gặp anh nhỉ?

- Chắc những lúc đó anh bận đi “giang hồ”.

- “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.

- Em quen tác giả này sao?

- Em thấy hay nên thuộc thôi.

- Đó là hai câu kết trong bài thơ có tựa “Giang Hồ” của nhà thơ Phạm Hữu Quang. Cả bải thơ gồm 8 khổ như thế này:

“Tàu đi qua phố, tàu qua phố.
Phố lạ mà quen, ta giang hồ.
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ.
Chẻ củi, trèo thang, với giặt đồ.

Giang hồ đâu bận lo tiền túi.
Ngày đi ta chỉ có tay không.
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi.
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng.

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn.
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình.
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng.
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang hồ có buổi ta ngồi quán.
Quán vắng mà ta chửa chịu về.
Cô chủ giả đò nghiêng góc ghế.
Đếm thấy thừa ra một góc si.

Giang hồ mấy bận say như chết.
Rượu sáng lưa thưa đã rượu chiều.
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt.
Ừ thôi trời đất cứ liêu xiêu.

Giang hồ ta chẳng hay áo rách.
Sá gì chải lược với soi gương.
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc.
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa, buồn một bữa.
Thấy núi thành sông biển hóa rừng.
Chân sẵn dép giày, trời sẵn gió.
Ngựa về ta đứng bụi mù tung.

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc.
Hình như ta mới khóc hôm qua.
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt.
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Nghe hết bài thơ Như cắc cớ hỏi tôi:

- Lần này anh cũng đi giang hồ hay sao?

Tôi cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi của cô, mà chỉ nói bâng quơ:

- Đời người há chẳng giống như những chuyến đi hay sao?

Như than thở:

- Làm đàn ông con trai sướng thật, thích đi đâu cũng được, không ai cấm.

- Nói đúng ra, do bản chất người phụ nữ thích quản lý gia đình, nên như vậy.

- Lần sau, nếu có đi chơi đâu anh nhớ dẫn theo Trang, để em được đi ké với nha?

- Sao không phải lần này luôn cho tiện?

- Đây là quê hương em, nếu cần thổ công anh cứ thuê em, bảo đảm không sót một chỗ nào..

- Được như vây thì còn gì bằng.

- Anh quên bọn em vừa tốt nghiệp ngành du lịch à?

- Anh chỉ sợ không đủ tiền trả công cho em thôi.

Như an ủi tôi:

- Giá của nhân viên trong thời gian thực tập rất hữu nghị, ok đại đi anh, thuê ai cũng vậy thuê em em cám ơn . . . hi hi.

Như nói chưa dứt câu, tôi đã cảm nhận được tiếng bánh xe phi cơ đang lăn bắt đầu ra phía đầu phi đạo, chờ đài kiểm soát không lưu cho lệnh cất cánh.

Trong khi chờ đợi tôi hỏi thăm Như về chỗ ăn ở:

- Ở ngay trong thành phố có nhiều khách sạn không em?

Như cười bí hiểm hỏi lại tôi:

- Anh hỏi khách sạn 5 sao hay trung bình?.

- Anh đi du lịch bụi thì đâu cần phải sang thế em.

- Khách sạn hạng trung thì thiếu gì anh, ngay khách sạn nhà em cũng tầm 2 sao.

Tôi ngạc nhiên hỏi cô:

- Ủa! Không phải cả nhà em vào Nam hết rồi hay sao, còn ai coi khách sạn ngoài này?

- Chú em làm quản lý, còn gia đình em điều hành qua mạng.

- Vậy thì tiện quá, em nói chú để dành cho anh một phòng, nha đại gia?

Như đùa:

- Khách hàng là thượng đế, còn anh . . .

Thấy Như ngập ngừng tôi hỏi luôn:

- Anh thì sao?

- Phải hơn thượng đế.

Tiếng động cơ bắt đầu rít mạnh làm lùng bùng hai bên lỗ tai, kèm theo sau đó sự rung lắc toàn thân, chứng tỏ phi cơ đang chạy lấy trớn trên đường băng, trước khi nhấc bổng mọi người lên khỏi mặt đất.

Nhìn qua ô cửa sát chỗ ngồi ra bên ngoài, tôi thấy những phi đạo, hăng ga, đài kiêm soát không lưu . . . đang chạy ngược về phía sau, nhường chổ cho chuyến cất cánh an toàn.

Chờ cho phi cơ lên đến độ cao ổn đinh, tôi hít một hơi thật sâu vào phổi, rồi dùng hai ngón tay bịt kín mũi, dồn sức thở mạnh lên đôi tai, giải thoát sự lùng bùng khó chịu trước đó.

Sau gần 2 giờ bay, giọng cơ trưởng thông báo qua loa cho biết, phi cơ đang bay trên không phận tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu mọi người thắt dây an toàn, chỉ trong ít phút nữa phi cơ sẽ đáp xuống phi trường Thọ Xuân, thời gian hiện giờ là 10 giờ, nhiệt độ bên ngoài 30 độ.

Theo thông tin tôi tìm hiểu được, sân bay Thọ Xuân hay sân bay Sao Vàng tên cũ, là sân bay hỗn hợp quân sự - dân dụng đặt tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, nằm cách thành phố 45 cây số. Những năm gần đây, sân bay này được bổ xung qui hoạch để trở thành cảnh hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đồng thời cũng là sân bay dùng chung cho dân sự lẫn quân sự.

Không phải chờ đợi lâu, ngay sau đó là tiếng chạm bánh kêu kịch- kịch khô khốc của phi cơ đáp xuống phi đao, kết thúc chuyến bay an toàn.

Trong lúc đứng chờ xe tôi hỏi Như.

- Từ đây về nhà em có xa không?

- Khoảng nửa tiếng.

Liền sau đó, một chiếc Grap do Như gọi đã kịp tới, đưa bọn tôi về phường Hàm Rồng và cũng là khách sạn của gia đình cô. Nơi tôi sẽ lưu lại vài hôm để, trước là khám phá thành phố Thanh Hóa sau đó mới là thành phố biển Sầm Sơn.

Về tới khách sạn, sau khi thu xếp chỗ ở cho tôi xong, Như thấy còn sớm nên đưa tôi qua thăm động Tiên Sơn nằm trên núi Hàm Rồng.

Để đến với Khu Du Lịch Sinh Thái Văn Hóa Lịch Sử Hàm Rồng, nơi tọa lạc nhiều điểm tham quan nổi tiếng, bọn tôi phải vượt qua cây cầu Hàm Rồng, bắc ngang sông Mã, khởi công xây dựng năm 1904, với lối kiến trúc kiểu vòm thép, hiện đại nhất Đông Dương thời ấy.

Được biết, thi sĩ Tản Đà đã từng đặt chân đến nơi này và cảm tác nên những câu thơ để lại:

“Ai xui tôi nhớ Hàm Rồng.
Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây.
Từ ta trở lại Sơn Tây.
Con đường Nam Bắc ít ngày vãng lai.
Sơn cầu còn đỏ chưa phai?
Non xanh còn đối? Sông dài còn sâu?
Con thuyền đánh cá buông câu?
Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa?”

Ngày nay, ngoài giá trị lịch sử của cây cầu Hàm Rồng ra, người ta không thể không nhắc tới quần thể Hàm Rồng, bao gồm những sông, núi, hang động . . . đã trở thành địa điểm du lịch, thu hút rất nhiều du khách tới thăm.

Theo ghi chép: Khi xưa núi Hàm Rồng có tên là Đông Sơn, trải dài trên 2 cây số từ làng Dương Xá, men theo hữu ngạn sông Mã, tới chân cầu Hàm Rồng thì kết thúc. Tương truyền, do thế núi uốn lượn, uyển chuyển, như một con rồng 9 khúc, đến khúc cuối phình to như đầu một con rồng đang há miệng, nên dân gian gọi luôn nó là núi Hàm Rồng.

Vòng qua dưới chân núi, bọn tôi đặt chân lên các bậc đá, đi dưới các mảng cây cỏ, hoa lá, xanh rờn, tới độ cao 30 m, nhìn lên thầy cửa động ghi ba chữ “Tiên Sơn Động”. Đây là động đá vôi, ăn sâu vào núi 600m, rộng 12m 5, cao 20m, chỗ cao nhất lên đến 50m.

Bước vào bên trong, tôi thấy động được chia ra làm 3 khu: khu Chính Cung, khu hồ nước Tiên, khu Thoải Cung. Tùy vào hình dạng của mỗi nhũ đá, người ta liên tưởng có khi là những tòa sen, tượng Đức Phật, tượng Phật Bà Quan Âm, tượng chúa sơn lâm, tượng con rồng, tượng con cóc, hay tượng mãng xà.

Tiến sâu vào trung tâm động, hiện ra trước mắt tôi là những khối nhũ đá mang hình nàng Bạch Tiên Nương, cậu Hoàng Bơ tay cầm bó tơ hồng, mắt say đắm nhìn nàng tiên nữ ở phía đối diện. Tương truyền, ai đến đây cầu tình duyên hay xin hạnh phúc, chỉ cần dâng hương, khấn vái cậu Hoàng thì sẽ được toại nguyện. Ngoài ra, sau bàn thờ bà chúa Kho, còn có hình ảnh thửa ruộng bậc thang, các kho thóc, kho lúa, kho tiền, kho vàng, kho bạc . . . cùng với hồ nước Tiên linh thiêng, ai muốn sáng mắt, sáng lòng, chặt đầu gối, thì xin ít nước rửa mặt.

Ghé qua Thoải Cung, nhìn lên trần đá thấy những Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Ngọc Hoàng, ngự trị trên thiên đình. Nhìn sang phải, nơi thờ Đức Phật Bà Quan Âm, thấy các nhũ đá hình ngư long chầu, bên dưới có mãng xà thành tinh, uốn lượn từ trong hang vươn mình bay ra giữa khe núi.

Đến gần cuối động, bọn tôi đi men theo bãi Bụt, bước ra ngoài cửa động. Đứng ngắm dòng sông Mã thơ mộng cùng ngọn núi Nít hay còn gọi núi Ngọc, giống như một con rồng đang vờn ngọc, nằm ở phía đối bên bờ Bắc, cho nên khi đi qua vùng này người ta luôn nhớ tới câu ca dao:

“Chín chín ngọn núi bên Đông.
Còn ngọn núi Nit bên sông chưa về.
Chín chín ngọn núi đề huề.
Còn ngọn núi Nít chưa về bên Đông”

Rời động Tiên Sơn, Như đưa tôi đi tiếp sang động Long Quang. Theo truyền thuyêt, đây là hiện thân của một con rồng, với đầu rồng chính là động Long Quang, lưng rồng là các dãy núi, đuôi ở cuối làng Đông Sơn..Sở dĩ, gọi hang Mắt Rồng là do phía trên động có 2 cửa 2 bên nhìn giông như 2 con mắt rồng, được xem là thắng cảnh nổi tiếng trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.

Từ ngoài đường, tôi và Như lội bộ khoảng 100 m trên con đường rợp mát bóng cây xanh, sau đó leo tiếp 23 bậc thang đá lên đứng ở khoảng không gian thoáng mát nơi cửa động. Từ chỗ đứng, bọn tôi thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố Thanh Hóa, ẩn hiện giữa núi non trùng điệp cùng với dòng sông Mã uốn lượn quanh co. Có lẽ, nhờ có phong cảnh nên thơ, hữu tình, nên từ xưa động Long Quang đã lôi cuốn biết bao tao nhân mặc khách ghé đến vãn cảnh, đề thơ. Trong số đó có các vua nhà Lê, Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn, Phan Sư Mạnh, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà; đặc biệt, trên vách đá của động còn lưu giữ bản khắc hai bài thơ của vua cha Lê Thánh Tông và vua con là vua Lê Hiển Tông.

Đi tiếp ra phía sau, bọn tôi thấy có một hang nhỏ, nghe kể vào mỗi mùa mưa, nước từ trần hang chảy xuống màu gạch đỏ cua, nên dân gian thi vị hóa thứ nước đó là nước mắt rồng.

Trưa. Trước khi chia tay quần thể khu di tích thắng cảnh Hàm Rồng về nhà cơm nước, Như đưa tôi ghé thăm làng cổ Đông Sơn cách xa đây 8 cây số.

Làng Đông Sơn có tuổi đời trên dưới 1. 200 trăm năm, nơi không chỉ được xem là một trong 10 làng cổ đẹp nhất nước ta, bao gồm đủ cả các loại hình di tích khảo cổ, di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, kiến trúc truyền thống. Nổi bật nhất có lẽ là giếng cổ 2000 năm tuổi và 13 ngôi nhà cổ; mà còn là nơi đầu tiên tìm thấy các di chỉ văn hóa Đông Sơn, gồm các bộ nông cụ, các loại vũ khí, đồ gốm, đồ trang sức, trống đồng khắc họa những hoa văn tinh xảo.

Lên xe, bọn tôi tiến về phía bờ Nam sông Mã, nơi có ngôi làng cổ Đông Sơn tựa lưng vào dãy núi Hàm Rồng, xây dựng theo kiểu mẫu của một ngôi làng thuần nông Bắc Bộ, Tất cả được thể hiện qua cánh đồng mầu mỡ, bến sông tấp nập ghe thuyền, 3 phía còn lại là đồi núi bao bọc. Tuy có quá trinh hình thành từ hàng ngàn năm trước, nhưng cái hay của ngôi làng là vẫn còn bảo tồn được các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, gồm các đình làng, miếu mạo, nhà cửa, con đường lát đá; đặc biệt, mỗi xóm còn giữ được nguyên cái cổng làng cổ kính, rêu phong, xây từ thập niên thứ 2 - thứ 3 thế kỷ trước, qua các tên, ngõ Trí, ngõ Nhân, ngõ Lễ, ngõ Dũng . . .

Xế trưa, cơm nước, nghỉ ngơi xong, Như tiếp tục đưa tôi đi thăm hệ thống di tích, di chỉ, thắng cảnh nổi tiếng xứ Thanh như: núi Mật Sơn, chùa Đại Bi, Thái Miếu nhà Lê, di chỉ khảo cổ núi Đọ, Lam Kinh, thành nhà Hồ,đền thờ Dương Đình Nghệ, Lê Uy- Trần Quang Khải, tượng đài Lê Lợi . . để rồi buổi chiều quay về trung tâm thành phố ăn tối với các món đặc sản xứ Thanh, chấm dứt một ngày ra sức quần thảo khắp hang cùng ngõ hẻm.

Sáng hôm sau, trong lúc ngồi thưởng thức món bánh cuốn nức tiếng xứ Thanh, tôi hỏi Như:

- Hôm nay em đưa anh đi những đâu đây?

Nhấp xong ngụm cà phê cô hỏi:

- Anh thích leo núi hay tắm biển trước?

- Tùy vào thổ công dẫn đi đâu anh theo đó.

Như nhờ ông chú đặt xe, chỉ vài phút sau, đã thấy chiếc xe 4 chỗ được khách sạn điều tới, chở tôi và Như chạy thẳng ra quốc lộ 47, hướng tới thành phố biển Sầm Sơn, cách xa nơi đây 16 cây số.

Được biết, trước thế kỷ 20 thành phố Sầm Sơn thuộc huyện Quảng Xương, án ngữ bởi dãy núi Gầm ở phía Nam, nơi mà mỗi đêm về dân làng lại nghe thấy tiếng gió va vào vách núi, phát ra thứ âm thanh nghe giống như tiếng gầm nên gọi đó là núi Gầm. Ngoài tên gọi ấy ra, người dân còn gọi nơi này với cái tên khác là núi Trường Lệ, bởi ngày xưa ngay dưới chân dãy núi có một làng nghề đánh cá mang tên làng Núi hay làng chài Trường Lệ.

Xe chạy sắp tới vòng xuyến thành phố Sầm Sơn, bỗng tôi nghe Như nói với tài xế:

- Cho bọn em đi thăm các thắng cảnh nổi tiếng trước rồi, chiều mới ghé về khám phá bãi biển sau nha.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Vì sao?

Như đáp:

- Giờ này xem ra cũng đã muộn, có lẽ du khách không còn ai trên biển, mà chuyển qua đi viếng cảnh ở những nơi khác.

Nghe báo vậy, người lái xe cười thân thiện làm y theo lời Như, thay vì rẽ về con đường sát biển chạy vào trung tâm thành phố, anh ta đánh tay lái sang phải, chở bọn tôi hướng tới dãy núi dài, đẹp, kiến tạo bởi 16 ngọn núi đá hoa cương, cao thấp, màu xám xẩm, xếp liên tiếp nhau, hướng từ trong đất liền vươn ra biển, trong đó ngọn núi cao nhất 87m 4 tên Trường Lệ.

“Sầm Sơn phong cảnh hữu tình.
Hòn Kèo cao nhất Hòn Ngành thứ hai.
Thứ ba hón núi Phù Thai” .
Thứ tư Cổ Giải – nằm ngoài Đầu Voi.

Tới chân núi, xe bọn tôi chạy lọt thỏm giữa những cánh rừng xanh mát, hoang sơ, lãng mạn, bắt gặp đây đó nơi ven đường hình ảnh dễ thương của một số cặp đôi cô dâu chú rể đứng tạo dáng chụp ảnh cưới, trước khi xe chạy lên đến Hòn Trống Mai.

Vừa leo hết các bậc tam cấp bằng xi măng, đập vào mắt tôi và Như là khoảng sân bằng phẳng, trơ trụi, không có lấy một ngọn cỏ; ngoại trừ, 3 khối đá có hình dáng xinh đẹp, xếp chồng lên nhau. Với hòn lớn bằng phẳng nằm dưới làm bệ đở, 2 hòn nhỏ xếp chênh vênh bên trên, một hòn có đầu nhọn giống hình con gà trống, hòn còn lại ở phía đối diện to hơn, trông giống hình con gà mái. Cả 3 vô tình hình thành nên biểu tượng một cặp đôi uyên ương chung thủy, trống mái suốt đời bên nhau.

Theo truyền thuyết. Ngày xửa ngày xưa, tại làng chài Tầm Thôn có đôi vợ chồng nghèo, bám biển mưu sinh, sống hạnh phúc bên nhau. Vào một năm nọ, bỗng đâu nước biển dâng cao, gây ra lũ lụt giết sạch người dân trong làng, ngoại trừ gia đình họ. Tuy thoát chết, nhưng trong nhà không còn thứ gì để sinh sống, nên người chồng phải lên núi đi tìm thức ăn. Đợi ít lâu không thấy chồng trở về, người vợ ở nhà mòn mõi đợi chờ trong sự bặt âm vô tín. Vì không thể chờ được mải, ngượi vợ bèn lần theo dấu chân người chồng đi tìm, cho đến khi sức tàn hơi kiệt, người vợ mới tìm thấy xác chồng, rồi cùng chết bên nhau. Cảm động trước mối tình chung thủy ấy, trời đất biến họ thành đá chồng đá vợ, giúp họ ngàn năm sống đời bên nhau.

Ngoài vẻ đẹp trử tinh nơi hòn Trống Mái ra, cung đường tiến về phía Tây Nam cũng hấp dẫn, quyên rũ, bọn tôi không kém; nhất là, đoạn đường hoang sơ, uốn lượn, quanh co, khi tiến gần tới đền thờ cô gái chuyên nghề bốc thuốc cứu nhân độ thế, tục gọi Cô Tiên. .

Chuyện kể: Ngày xưa, trong làng có đôi trai gái yêu nhau tha thiêt, nhưng chẳng may cô gái bị bệnh hủi, nên bị người dân đuổi ra khỏi làng. Thấy vậy, người yêu đã cùng nàng rời làng đến sống trong một hang núi, sau đó trở thành vợ chồng. Một hôm người vợ đi vào rừng hái thuốc, tình cờ nàng phát hiện ra cây thuốc lạ, ăn vào giúp nàng lành hẳn bệnh. Từ đó, nàng chuyên tâm nghiên cứu, bốc thuốc, giúp đở dân lành, nên khi nàng mất người dân quanh vùng đã lập nên đền thờ cô Tiên, để tưởng nhớ người đã giúp họ tránh khỏi mọi bệnh tật.

Bước qua cổng đền, bọn tôi leo tiếp hơn chục bậc thang xi măng, mới lên đến khoảng sân thoáng đãng ở trước ngôi đền. Được biết, đền xây dựng vào thời nhà Lý, theo kiến trúc cổ 3 lớp gổm, tiền đường, trung đường và hậu cung; đặc biệt, đứng từ hành lang trước sân, bọn tôi dễ dàng nhìn xuống bên dưới, thấy bãi biển Quang Vinh lởm chởm đá núi cùng với hòn Mê và cả một vùng Nghi Sơn thuộc huyện Tỉnh Gia.

Thắp xong nén hương quay ra, bọn tôi lên xe, tiếp tục chạy tới khu di tích đền Độc Cước hay còn gọi đền Thượng, nằm trên đỉnh hòn Cổ Giai.

Tương truyền, năm ấy nơi làng Kẻ Tường bỗng xảy ra một trận đại hồng thủy, cuốn trôi hầu hết mọi thứ ra biển. Đến khi thiên tai đi qua, người ta đi nhặt nhạnh lại những gì còn sót lại, bỗng thấy dạt vào bờ thi thể một phụ nữ bụng mang dạ chửa. Sau khi hạ sinh một cậu bé khôi ngô tuấn tú, người phụ nữ nguyện nằm lại tại đây làm đê chắn sóng che chở cho dân làng, trước khi mất. Cảm phục, thương xót trước tấm lòng cao cả ấy, dân làng mang đất đá đắp lên thi thể bà thành dãy núi, đó là núi Trường Lệ ngày nay.

Ngoài ra, cũng có huyền thọai cho rằng, trước khi chết người phụ nữ đã, hạ sinh một cậu bé khôi ngô, tuấn tú, lớn nhanh như thổi. Chẳng bao lâu sau, cậu trở thành chàng trai vạm vở, với sức mạnh phi thường. Cho tới một hôm, bỗng xuất hiện loài quỷ biển, không chỉ cướp phá, giết hại, dân lành dưới biển, mà còn diễn ra ngay trên đất liền, khiến cho dân chúng vô cùng hoang mang, nhiều người phải bỏ đi nơi khác kiếm sốn. Để diệt loài thủy quái giúp đở dân làng, chàng thanh niên đã dùng một thanh kiếm sắc, rạch thân mình ra làm đôi, một nửa theo dân ra khơi tìm diệt thủy quái, một nửa ở lại đất liền trừ khử bọn ác quỷ. Nhớ ơn chàng, người dân đã lập đền Độc Cước ngay cạnh vết lõm mà họ tin đó là dấu chân khổng lồ của chàng, thờ cúng, cầu mong sự che chở, phù độ cho cuộc sống dân trong làng được bình yên.

Để lên đến chân đền Độc Cước, tôi cùng Như phải leo hơn 40 bậc thang đá dựng đứng, mệt đến bở hơi tai, chứng kiến toàn cảnh ngôi đền rêu phong, cổ kính,.tọa lạc giữa một khỏang sân rộng thênh thang. Đặc biệt, trước sân thấy có 2 pho tượng hình ngựa đúc bằng đồng, một cặp phỗng tạc bằng đá khối, cộng thêm 2 bức tượng ông thiện, ông ác, trấn giữ 2 bên lối ra vào.

Bước vào trong đền, ngoài pho tượng thờ thần Độc Cước một tay một chân bằng gỗ ra, tôi thấy hiện diện quanh đây các vật thờ cúng cổ xưa, các đạo sắc phong có từ thời Cảnh Hưng, những câu đối ca ngợi công lao vị thần viết bằng chữ Nôm . . .

Theo nhiều người hiểu chuyện cho biết, ngôi đền được xây dựng từ thời Trần sang đến thời Lê, và cũng đã được trùng tu nhiều lần. Bằng chứng là trong đền còn tồn tại một số cột kèo, môn lưu, những hiện vật thờ cúng, có niên đại từ thế kỷ 18 và 19, được làm từ gỗ lim, gỗ chò..

Không thể chịu đựng hơn nữa mùi khói hương làm cay sè đôi mắt, tôi và Như sớm rời khỏi nơi thờ cúng, bước ra ngoài, đứng hít thở không khí bên dãy lan can xây dựng sát ngay mép núi, vô tình bắt gặp thành phố tương đối hiện đại, nằm cách bãi biển chỉ một con đường khá là hoành tráng.

Tôi hỏi Như:

- Có phải dưới kia là thành phố biển Sầm Sơn không em? - Đẹp không anh!

Hỏi chưa dứt câu, Như vội kéo tôi quay ra xe, nhờ tài xế chở xuống thăm thành phố Sầm Sơn.

Theo lịch sử. Hơn một trăm năm trước Sầm Sơn là vùng đất hoang vu, nhưng nhờ có khí hậu ôn hòa, núi non xinh đẹp, biển cả bao la, đã lọt vào tầm ngắm của thực dân Pháp. Vì thế, năm 1904 toàn quyền Đông Dương Jean - Ernet - Moulié đã ra nghị đinh xây dựng các đài quan sát, trạm y tế, trung tâm nghỉ dưỡng, ngay tại bãi biển và cả trên núi Trường Lệ, nhằm phục vụ các quan chức người Pháp, các quan lại triều đình nhà Nguyễn. Và, tiếp theo sau đó, chính xác vào năm 1906, Moulié tiếp tục cho làm con đường bộ dài 16 cây số nối Thanh Hóa tới Sầm Sơn cùng các công trình nghỉ dưỡng cao cấp, các thương nhân người Việt cũng cho xây dựng các khách sạn nhà hàng nằm dọc ven biển, đưa Sầm Sơn nhanh chóng trở thành khu nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương; đồng thời đánh dấu sự ra đời của ngành du lịch tại đây.

Chính vì vẻ đẹp hút hồn đó mà, ông nghè, nhà thơ, Nguyễn Khuyến trong một lần nhàn du đến đây, đã để lại những vần thơ :

“Thú vị Sầm Sơn tựa chốn tiên.
Sóng vỗ nhấp nhô tung bọt nước.
Đá chồng khấp khểnh tựa tòa sen”

Ngày nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử, Sằm Sơn vinh hạnh có được một bãi biển xanh, sạch, đẹp, với chiều dài khoảng 9 cây số, trải dài từ cửa Lạch Hới tới chân núi Trường Lệ hay còn gọi là núi Sầm. Bao gồm các bãi tắm tự nhiên A, B , C, D, Quảng Cơ, Vinh Sơn; đặc biệt, tất cả đều có điểm chung là rộng, bằng phẳng, sạch, đẹp, độ dốc thoai thoải, cát trắng min màng, sóng cao, nhưng mạnh đến nổi nhiều người phải kêu lên rằng “Sầm Sơn sóng đánh tụt quần”.

Tam biệt dãy núi Trường Lệ với bao di tích, thắng cảnh, nổi tiếng, bọn tôi quay xuống núi, bắt đầu cuộc hành trình khám phá thành phố biển Sâm Sơn. Chỉ tiếc là, hiên nay đang là buổi chiều, nên tôi không được may mắn có mặt nơi bãi biển vào lúc sáng sớm; bù lại, Như đã kể “chay” cho tôi nghe sinh hoạt trên biển Sầm Sơn vào mỗi buổi sáng, qua giọng nói ngọt ngào, truyền cảm, rằng “Biển Sầm Sơn mỗi thời khắc đều có sự thay đổi khác nhau. Chẳng hạn, vào lúc sáng sớm, bình minh trên biển để lại ấn tượng nhất là lúc ánh sáng mặt trời mới bắt đầu ngoi lên từ dưới biển, mang theo thứ màu cam vàng rực rỡ trước khi chuyển sang màu hồng, màu đỏ, dậy lên từ cuối chân trời; đồng thời, cũng vào thời điểm đó xuất hiện những đoàn thuyền của ngư dân làng Núi, ra khơi đánh bắt cá trong đêm trở về cập bến. Và, chợ hải sản cũng được họp ngay trên bãi biển, bày bán đủ các loại hải sản tươi ngon, cho mọi người tha hồ lựa chọn”.

Qua lời kể của Như, tôi không sao tránh được sự thắc mắc, nên hỏi lại cô:

- Làm thế nào chỉ trong một đêm ra khơi đánh bắt, mà đoàn thuyền đã có thể trở về với đầy tôm cá, trong khi ngư dân ở nhiẻu nơi khác kể, mỗi chuyến đi biển của họ thường kéo dài cả vài tuần lễ hay cả tháng?

Như giải thích:

- Dân chài làng Núi, đặc biệt chỉ sử dụng loại bè thô sơ, nên di chuyển chậm, chỉ có thể đánh bắt gần bờ.

- Thì ra vậy.

- Nếu anh có hứng thú tìm hiểu về loại bè cổ này, lát nửa khi xe xuống hết núi, em sẽ hướng dẫn anh đến xem tận mắt.

- Nếu em thấy tiện đường.

Giữ lời hứa, khi xe vừa xuống hết đoạn đường dưới chân núi, Như yêu cầu tài xế cho xe tấp vào đầu đường Hồ Xuân Hương, đồng thời nói với tôi:

- Mình xuống đây thôi anh.

Tôi bước xuống đường cùng với Như, sau đó theo cô tiến về phía bãi hàng dương, nơi có mặt một số thuyền bè của ngư dân làng Núi, dùng để đi đánh bắt tôm, cá, hải sản, đang nằm phơi mình trên bờ cát.

Tôi hỏi Như:

- Đây là loại bè mà em nói phải không?

- Vâng! Anh cứ đi xem qua, có gì thắc mắc em sẽ nhờ ông anh họ ở đây giải thích.

Dặn tôi xong, Như bỏ đi đâu đó, sau trở lại, dẫn theo một đàn ông trung niên gới thiệu cho tôi làm quen.

- Đây là ông anh họ của em. Ngư dân thứ thiệt của làng chài này.

Tôi gật đầu chào:

- Chào chú.

Người đàn ông vạm vỡ, có làn da sạm nắng, cười nói thân thiện:

- Tôi có thể giúp gì cho cậu?

Sẳn dịp tôi hỏi thăm:

- Việc làm ăn của ngư dân làng chài hiện nay có khá hơn so với trước khi nơi đây trở thành thành phố du lịch không?

- Nhìn chung, bộ mặt xã hội cũng có ít nhiểu thay đổi, nhưng giá cả sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ, khiến cuộc sống của người lao đông thêm khó khăn.

- Vì sao?

- Vì giá cả đều dựa vào khách du lịch.

- Thời gian đi biển của ngư dân thường xuất phát vào giờ nào?

- Giữa đêm ngư dân dong buồm ra ngư trường, đánh bắt cho đến khi mặt trời ló dạng mói quay trở vào bờ, kết thúc một nhày làm việc.

- Vì sao ngư dân không sử dùng những chiếc thuyền lớn hơn mà vẫn cứ dùng loại bè mạn?

- Muốn cũng không được, vì đa số ai cũng nghèo, thậm chí có gia đình còn phải hùn vốn mới sắm nổi một chiếc bè đạp sóng ra khơi kiếm sống, đánh cược sinh mệnh mình với biển cả.

Than ôi, giữa thành phố lộng lẫy, xa hoa, người ăn không hết người lần không ra, nghĩ mà đau lòng trước cuộc sống hẩm hiu, buồn tẻ, nơi một số người.

Tôi hỏi:

- Mỗi chiếc bè có giá bao nhiêu vậy chú ?

- Khoảng trăm triêu đổ lại.

- Để hình thành nên một chiếc bè người ta dùng các loại vật tư nào?

- Thường sử dụng loại cây luồng, một loại tre già, thân lớn, rổng ruột, thẳng đều, ít bị tì vết, gọt bỏ lớp vỏ, hơ từng cây trên lửa để uốn cong một đầu làm lườn, sau đó dùng sợi cước ghép các cây lại với nhau.

- Mấy thứ đó mua trên thị trường khó lắm không?

- Để hoàn thành một chiếc bè man dài 9 đến 10 m, rộng 2 m, ngư dân sử dụng hết khoảng 20 cây luồng đặt mua từ trên Hòa Bình, 12 kg cước to từ 2,5 đến 3 mm mua ở đâu cũng có. Muốn bè vững chải trước phong ba bão tố, ngư dân ghép thêm 3-4 cây luồng vào mỗi bên, còn để nâng cao tải trọng người ta gắn thêm dưới dáy mạn một lớp xốp dày..

- Thời gian hoàn thành mất bao lâu?

- Tùy số lượng người tham gia công việc, song ít nhất cũng mất hơn một tuần.

- Vẫn chèo tay?

- Chỉ ngày xưa ngư dân mới phải chèo bằng tay, vừa di chuyển chậm vừa xoay trở khó khăn, nên mỗi chuyến ra khơi thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Còn hiện tại, đời sống mỗi ngày một khá hơn, nên chủ các bè mạn đã chuyển sang sử dụng động cơ.

Buổi chiều dịu mát dần, bọn tôi tạm chia tay ông anh họ của Như, hòa mình vào đám đông người đang tập trung ra đây vui chơi, tắm biển, thả diều, đuổi bắt nhau trên cát.

Ngồi uống cà phê ở hubway nhìn ra biển Như kể:

- Trước đây, vào tháng 7 tháng 8, khi học sinh các trường được nghỉ học, phụ huynh thường đưa cả gia đình về Sâm Sơn tắm biển, du lịch, nghỉ dưỡng, nên có ngày ở đây phải gồng mình đón cả vạn lượt du khách, trong khi cơ sở vật chất lại thiếu thốn, dẫn tới cảnh nhà nhà làm dịch vụ, người người đổ ra đường làm du lịch. Mới đầu, người dân còn tỏ ra lịch sự, thân thiện, lâu ngày nảy sinh thành vấn nạn tranh cướp khách. Hể thấy xe chở khách nào dừng lại, bọn cò mồi liền vây đến chèo kéo, mời chào, gây ồn ào, mất trật tự, làm phiền lòng du khách không ít. Chưa dừng lại ở đó, với quan niệm kiếm tiền bằng mọi giá, người dân nâng giá các loại hình dịch vụ, ăn uống, vui chơi . . . một cách vô tội vạ, dẫn tới việc thành phố bị mang tiếng là thành phố du lịch chặt chém.

Tôi chợt hiểu và nói với Như:

- Hèn gì, trên diễn đàn du lịch Sầm Sơn, anh đọc thấy cô bạn gái kia ăn một quả trứng vịt lộn trả già 5 ngàn, người bán đồng ý, nhưng sau khi ăn mấy quả trứng lại tính nâng lên một quả 10 ngàn đồng. Hỏi tại sao, người bán trả lời là họ đã có tính tiền một quả trứng lộn theo giá trả ban đầu giá 5 ngàn dấy thôi, nhưng những quả sau đó khách đâu có thương lượng giá? Hay chuyện những chú ngựa trắng được người ta mông má thành những chú ngựa vằn Châu Phi, mang xuống bãi tắm cho khách thuê cưỡi, hoặc đứng kế bên chụp ảnh, cũng được tính theo giá bốn mùa, nghĩa là sáng trưa chiều tối đều được tính theo giá khác nhau

Như cười nói:

- Hi hi! Tệ nạn chặt chém đó hiện giờ tuy có giảm, nhưng muốn ăn gì, chơi gì, mua gì, đều phải trả giá cho mạnh vào.

- Thật vậy ư?

- Nhất là nghe giọng miền Nam như anh. . . .

- Thì sao?

- Họ vui vẻ tặng ngay cho anh lưỡi dao lam hiệu Gillette.

Hu hu, tôi lơ đảng quay nhìn dòng xe cộ tấp nấp di chuyển, cùng với sinh hoạt ồn ào, náo nhiệt, của người qua kẻ lại, đang diễn ra nơi con đường ven biển Hồ Xuân Hương, khiến tôi không khỏi thắc mắc.

Tôi hỏi Như:

- Thành phố ngày nào cũng đông vui như thế này sao em?

- Không đâu anh, nhìn vậy chứ khách du lịch chỉ đông vào mấy tháng hè, ngày lễ, ngày Tết, còn thì vắng tanh.

- Hôm nay chỉ mới ngày cuối tuần thôi mà?

Như kể:

- Gần đây, do Sầm Sơn được chánh quyền đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở, nhằm phát triển ngành công nghiêp không khói. Qua đó, các doanh nghiệp tư nhân có thêm cơ hội đầu tư, nâng cấp, xây dựng, hàng loạt các nhà hàng, khách sạn, với qui mô lớn. Điển hình là, quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Beach & Golf Resort. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã biến những vùng đất ao hồ, ruộng vườn sình lầy, thành quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gồm, một sân golf 18 lỗ, một khu resort lớn nhất phía Bắc, 2 khách sạn 5 sao lớn nhất miền Trung, một trung tâm hội nghị quốc tế có sức chứa 1.300 chỗ ngồi, một bể tắm nước mặn với diện tích 5.100 m2, thuộc vào hàng lớn nhất Đông Nam Á, 152 bể bơi lớn nhỏ, đền thờ vua cha Bắc Hải, vườn chim nhiệt đới, khu chợ đêm, vòng quay mặt trời, nhà game, khu vui chơi ngoài trời dành cho trẻ em.

- Mình vào đó xem được không?

- Trừ trường hợp anh là khách của FLC, còn không phải mua vé 100 ngàn đồng một người, bao gồm tham quan, dạo chơi và tăm hồ bơi.

- Vậy cũng đâu có mắc so với giá 300 ngàn chụp ảnh cưới ở các quán cà phê sân vườn ở Sàigòn.

- Anh có muốn vào đó xem không?

Tôi lắc đầu từ chối:

- Để dịp khác đi em, giờ cũng đã muộn, thành phố sắp lên đèn, anh cảm thấy kiến đang bò trong bụng rồi.

Như cười nói

- Ứ nhỉ! Nếu anh không nhắc..

- Vậy mình đi ăn thôi.

- Anh muốn ăn gì để em đưa đi?

- Dĩ nhiên, đến Sầm Sơn mà không ăn đặc sản ở đây, mai mốt về lại trong Nam kể ai tin.

- Bạn em ra đây ai cũng đòi ăn đặc sản xứ Thanh, nhưng không phải ở trong mấy nhà hàng lớn.

- Vì sao?

- Bọn nó nói ăn uống trong các nhà hàng chỉ được cái sang trọng, trong khi các món ngon vùng miền thường được bán ở các quán chỉ lấy công làm lời, vừa ngon vừa có giá phải chăng.

- Với điều kiện có thổ công hướng dẫn, còn không thì mù tịt như đi trtong đêm. Bởi thế, không phải ngẩu nhiên mà trong dân gian có câu “đất có thổ công sông có hà bá”.

- Đời bây giờ khác trước rồi anh, chỉ cần lên mạng vào Google tra là ra hết.

- Lỡ ai đó mù IT thì sao?

- Thì bó tay chấm com thôi.

- Hãy kể cho anh nghe vài đặc sản ngon ở Thanh Hóa xem.

Như đọc vanh vách các món ăn nổi tiếng:

- Nem chua xứ Thanh, bánh chả tôm, bánh khoái tép, bánh khoái nồi, gỏi nhệch Nga Sơn, bánh cuốn Thanh Hóa, bánh đúc sốt, bánh gai Tứ Trụ, bánh răng bừa . . .

Tôi hỏi:

- Món bánh chả tôm ra sao?

- Đây là món cuốn, có cách ăn tương tự như món chả giò, nhưng được làm từ những con tôm thật tươi, bóc vỏ, băm nhuyễn chung với thịt ba chỉ, hành tím, tỏi, gia vị, bọc bên ngoài bằng một lá phở nhỏ cở bàn tay, sau đó kẹp 4-5 chiếc trên cùng một thanh tre, hoặc kẹp bằng vỉ sắt, đem nướng trên than hoa. Khi chín, ăn kèm với rau sống và chấm với chén nước chấm pha loãng gồm, đu đủ xanh thái mỏng, sung cắt lát, ớt, tỏi băm, đường.

- Còn bánh khoái tép có giống bánh khoái miền Trung không?

- Bánh khoái là loại bánh dân dã ở Sầm Sơn, nhưng hương vị chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi. Nguyên liệu chính là gạo quê, ngâm vừa đủ, đem xay thành bột nước giúp bột không bị dẽo, nhờ vậy bánh khô ráo. Ngoài ra, bánh ngon nhờ thêm vào các nguyên liệu khác như rau cần bỏ lá cắt khúc, bắp cải thái sợi, hành lá. . . . đặc biệt với loại tép đồng đang còn nhảy soi sói, ướp chung với gia vị. Để có được một chiếc bánh khoái ngon, đầu tiên người ta tráng một lớp dầu hoặc mở mỏng trên mặt chảo, rồi rải 1 lớp rau cần, rau bắp cải, tép tươi, sau cùng mới đổ bột lên, chờ vài phút cho mặt dưới bánh chín vàng, trước khi gập đôi chiếc bánh laị, cho ra dĩa. Bánh khoái ăn nóng, kèm rau sống, chấm với nước chấm pha loãng kiểu nước châm của món chả tôm.

Rời bãi biển, tôi theo Như len lỏi qua mấy khu dân cư, có mặt ở các quán ăn đông khách, thiếu điều kiếm một chỗ ngồi cũng khó, dù địa chỉ đon giản chỉ ở trước hiên nhà hay bên lề đường.

Sau khi thưởng thức các món chả tôm, bánh khoái tép, no cành hông, tôi còn bị Như ép ăn thử món bánh đúc sốt, đặc biệt chỉ có ở Thanh Hóa, do một chị bán hàng rong đi ngang chào mời. Nghe kể, đây là món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Tò mò, tôi tìm hiểu mới biết nồi bánh được người bán ủ kín trong một chiếc thùng có nắp đậy, bên dưới là một bếp than hồng dùng để giữ cho bánh luôn nóng. Khi có khách ăn, người bán mở nắp thùng lấy bánh cho vào ly, mùi bánh bốc lên hương thơm ngạt ngào, khó ai có thể cưỡng lại..

Cầm ly bánh đúc sốt nóng trên tay, tôi không khỏi thích thú trước món ăn tưởng chừng đơn giản, nhưng có hương vị rất riêng cùng với cách trình bày khá bắt mắt của lớp đậu vàng bỏ bên trên lóp bánh màu xanh ngọc, kết quả của sự hợp hài hòa, khéo léo, của bột gạo tẻ, nước vôi, mỡ, hành phi, nước giã rau ngót, đậu xanh đồ, hòa quyên vào nhau tạo nên vị béo ngậy đầy hấp dẫn.

Để tránh bị bội thực, tôi và Như đi tản bộ dọc theo con đường ven biển, hòa mình vào sinh hoạt nhộn nhịp đang diễn ra bên tiếng nói cười, tiếng còi xe ầm ĩ, tạo nên âm thanh đặc trưng của thành phố du lịch biển về đêm.

Thật vậy, buổi tối ở Sầm Sơn, ngoài vẻ đẹp mờ ảo của biển dưới ánh trăng thì, con đường Hồ Xuân Hương rực rỡ bên ánh sáng đèn của những nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu, tấp nập người qua lại, vui chơi, mua bán, ăn uống, đã nói lên một sức sống mảnh liệt nơi thành phố này.

Đã biết, cuộc vui nào rồi cũng tới lúc tàn, nên bọn tôi kết thúc một ngày bận rộn khám phá, vui chơi, ở Sâm Sơn, bằng cách hẹn xe tới đón về lại Thanh Hóa.

Trên đường về, tôi không quên ghé mấy quán xá dọc đường, mua một ít nem chua xứ Thanh, bánh gai Tứ Trụ, bánh Răng Bừa, mang về làm qua cho gia đình và bạn bè./.






VVM.17.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com