Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NGHĨ NGỢI ĐƯỜNG XA



1. Vài năm gần đây vào mùa hè tôi thường đến Pháp, Đức và một vài nơi khác ở châu Âu. Lần nào cũng là những thành phố cổ hoặc những ngôi làng “đẹp nhất” ở một vùng nào đó… đi hoài không biết chán, càng đi càng hiểu thêm và học hỏi được nhiều điều, không chỉ từ những di sản văn hóa mà ngay từ cuộc sống hàng ngày.

Mùa hè. Nơi nào cũng ngút ngát màu xanh của cây của lá. Nắng chói chang và gay gắt không thua mùa hè nhiệt đới. Ở nhà mỗi khi ra đường phải che kín mít cả người, qua đây phơi mặt mũi chân tay ra nắng vậy mà cũng không thấy nóng rát, chắc vì không khí sạch hơn, bóng mát cây xanh nhiều hơn. Gần hai mươi ngày, trừ vài ngày nghỉ lại nơi nào đó, còn lại thời gian miệt mài trên xe hơi là miệt mài đi giữa màu xanh. Bất cứ con đường nào cũ hay mới rộng hay hẹp, cao tốc hay đường làng hai bên cũng là cây xanh. Và hoa, bước vào thành phố, vào làng, vào vườn nhà là thấy hoa. Những bụi hoa hồng muộn màng nở bung, lavender khiêm nhường, hoa cúc tươi tắn, và bao nhiêu loại hoa khác thi nhau khoe sắc. Cả cây cả hoa như đang gom hết nắng hè rực rỡ và ấm áp vì mùa thu đang đến gần, báo hiệu bằng vài cơn mưa dầm và ngọn gió se lạnh cuối ngày. Táo, nho, lê, mận căng mọng trĩu cành, chỉ nhìn thôi đã thấy vị ngon ngọt thấm vào tận… bao tử. Nhưng ngon hơn cả là giàn bầu bí xanh non, những ngọn mùng tơi, rau muống, đậu đũa, khổ qua xanh mướt trong khu vườn nhỏ ở nhà các anh chị người Việt qua đây sinh sống từ nhiều năm trước. Tôi nói đùa: tranh luận về “nguồn gốc dân tộc” làm gì cho mệt, cứ nhìn cái vườn, nhìn bữa ăn thì biết ngay là người Việt gốc… rau: thiếu rau xanh thì không thành bữa cơm Việt. Di tích lịch sử văn hóa có ở khắp nơi, chắc đi cả đời không hết. Nào làng cổ, đô thị xưa, thành quách lâu đài, cung điện, nhà thờ hàng trăm năm tuổi, phố xá nhà cửa kiến trúc và vật liệu xây dựng truyền thống, quán ăn thấm đẫm hương vị thời gian… có khi là những di tích đơn lẻ nhưng phần nhiều tập hợp thành một quần thể được bảo tồn đồng bộ tạo thành không gian di sản văn hóa. Điều khiến tôi yêu thích nhất ở những thành phố du lịch là dù lớn hay nhỏ, có từ thời cổ xưa hay mới hình thành vài chục năm… tất cả đều lấy ngôi làng, khu vực trung tâm, thị trấn nhỏ có niên đại sớm nhất ở đó để làm “điểm tựa” cho sự phát triển của thành phố. Quy hoạch này nhất quán qua nhiều thời đại, thể hiện truyền thống tôn trọng lịch sử. Ngày nay đến đó du khách không chỉ được ngắm nhìn mà còn được cảm nhận, trải nghiệm qua tham quan, mua sắm, ẩm thực, lễ hội… những sinh hoạt “đậm đà bản sắc” của từng thành phố, vùng miền. Bảo tồn và phát triển từ di sản văn hóa và kinh tế như thế đâu cần phải “hô hào quyết sách” hay “phát động phong trào” này khác!

Cách thức bảo tồn, quản lý, khai thác di sản còn cho thấy di sản tham gia và “phục vụ” cuộc sống đương đại trước hết là vì cộng đồng – chủ nhân của di sản. Ngay trong một làng nhỏ hay thị trấn bình thường dấu tích quá khứ hiện diện mỗi ngày và được trân trọng như là báu vật. Đó là ngôi nhà thờ trong đó còn lưu giữ những bức bích họa trên vòm trần hay bức tranh kính trên khung cửa cao. Là quảng trường trung tâm có Trụ sở của làng/trấn, xung quanh là vài tiệm cà phê, tiệm ăn lâu đời của người địa phương, “cha truyền con nối” phục vụ du khách những món ăn truyền thống với phong cách chuyên nghiệp không thua tiệm ăn ở thành phố lớn mà vẫn ấm áp ân cần như người cùng làng. Mấy vòi nước công cộng đúc bằng gang sơn màu xanh lá cây, cái cần vẫn nhẹ nhàng khi ấn xuống để phun ra giòng nước mát mà khách qua đường thường ghé miệng uống hay rửa mặt. Một khuôn viên nhỏ có bức tượng người khởi lập hay có công với địa phương luôn được giữ sạch sẽ và hoa nở quanh năm. Đó là hồ nhỏ nước trong veo, cỏ mọc xanh rợp ven hồ, đàn vịt tự do bơi lội rồi lạch bạch trèo lên bờ rỉa lông tắm nắng, đôi thiên nga quấn quýt bên nhau. Mỗi chiều người già thong thả đi dạo quanh hồ, trẻ em đùa vui, thanh niên trò chuyện… Không gian công cộng trở thành “tài sản chung” bởi nó là ký ức của bao thế hệ dân làng, rồi lại được thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và làm đẹp hơn. Di sản hình thành từ đó.

Không thể không nhắc đến những bảo tàng nho nhỏ ở khắp nơi, trưng bày nhiều chủ đề khác nhau nhưng phổ biến nhất là về lịch sử địa phương. Có thể là một địa điểm khai quật khảo cổ, một tu viện cổ, ngôi nhà của một nhân vật, hay đơn giản là một tiệm ăn có sản xuất bia từ lâu đời… Tất cả đều trở thành bảo tàng chân thực, khoa học và hấp dẫn. Những sự kiện, nhân vật lịch sử hiện ra gần gũi, dễ hiểu, cụ thể qua hiện vật, tư liệu, hình ảnh “có sao thấy vậy” chứ không “đánh giá” dài dòng khen chê thay người xem. Bảo tàng thường vắng vẻ, không có người thuyết minh nhưng ai đã vào xem thì chăm chú và xem đến hết. Không phải bảo tàng nào cũng “hiện đại” với phương tiện multimedia mà phần lớn chỉ có hiện vật – bằng chứng của sự thật, sự thật dù nhỏ vẫn mang lại cho người xem hiểu biết hữu ích thậm chí là một khám phá. Chỉ có sự trung thực đối với lịch sử mới có thể làm được điều đó.

 2. Tháng bảy tháng tám còn là mùa du lịch cao điểm trong năm. Ở đâu cũng đông du khách. Khách nội địa đã đông mà khách nước ngoài càng đông hơn. Nếu như trước đây du khách châu Á thường là người Nhật, người Hàn thì vài năm nay khách Trung Quốc “tràn ngập”, từng đoàn đông đảo và ồn ào, quần áo sặc sỡ, lăm lăm cây gậy “tự sướng” và chụp hình bất cứ chỗ nào, cản trở tầm nhìn của tất cả những ai đứng gần họ. Đúng là “Trung quốc đông dân” nên mỗi đoàn có đến 30, 40 người, vừa già  vừa trẻ và cả trẻ con nữa, tất cả đều ồn ào nên hướng dẫn đoàn là người Hoa luôn phải nói rất to để nhắc khách. Họ mê mải chụp hình, trả giá mua hàng nên đoàn khách kéo thành hàng dài trên đường phố. Tuy nhiên khách Trung quốc thường tham quan di tích ngoài đường phố và đến các trung tâm thương mại lớn để mua sắm mà ít đến bảo tàng hay những nơi yên tĩnh. Phần lớn họ đến ăn ở nhà hàng Tàu hoặc dùng thức ăn nhanh. Thật khó mà biết họ có được thêm gì, ngoài vài món đồ hàng hiệu và những tấm hình “tự sướng”, sau mỗi chuyến du lịch?

Các đoàn khách châu Âu hay khách Nhật thường trên dưới 20 người, hầu hết là người lớn tuổi, họ chăm chú khi hướng dẫn viên trao đổi, thuyết minh. Khi vào bảo tàng hay nhà thờ họ chỉ dùng headphone để nghe thuyết minh, trò chuyện nhỏ vừa đủ nghe, luôn có “ý thức kỷ luật” không làm phiền ai… Những người trẻ ít đi du lịch theo đoàn mà đi riêng từng gia đình hay từng nhóm, tự lái xe hay đi “bụi” bằng xe lửa, xe bus. Có thể nhìn thấy trên đường nhiều chiếc xe hơi chở theo xe đạp  trên mui. Đến nơi cả gia đình mỗi người một xe, kể cả trẻ em 7,8 tuổi, họ đạp xe vòng quanh thành phố, vào rừng, lên núi… Những thành phố du lịch đều có nhiều điểm cho thuê xe đạp, có đường dành riêng cho xe đạp. Vì vậy hiện nay ở nhiều thành phố châu Âu, việc đi lại bằng xe đạp khá phổ biến, vừa tốt cho sức khỏe lại bảo vệ môi trường. Tất nhiên, để khuyến khích sự phát triển của xe đạp như hiện nay thì từ hàng chục năm trước hệ thống giao thông công cộng đã trở thành phương tiện chủ yếu ở đô thị. Xe đạp có thể được mang lên xe lửa, tại bến tàu, bến xe bus tổ chức tốt nơi để xe đạp an toàn… Tất cả tạo sự thuận lợi  và khuyến khích người dân đi xe đạp.

Không chỉ đạp xe mà người thành phố còn thường xuyên đi bộ. Đi bộ từ nhà đến bến xe bus, metro, từ công sở đến nơi ăn trưa, ra siêu thị ra chợ, trẻ em đi học…  Việc xây dựng trường học, siêu thị, bến tàu xe… dựa vào mật độ dân số và khoảng cách giữa những nơi này là sự tính toán khoa học, nhằm phục vụ tốt nhất cho cộng đồng dân cư trong khu vực. Vậy là con người loay hoay từ đi bộ, xe đạp, xe hơi, tàu cao tốc… rồi lại quay về đi bộ và xe đạp… như một vòng “xoắn ốc” nhưng nhu cầu và mục đích của đi bộ và xe đạp giờ khác xa thời xưa.

Nhưng nơi tôi từng qua dường như những chiếc xe đạp vẫn còn quá vội vàng “lao đến đích” mà thiếu đi cái thong thả của vòng bánh xe quay đều quay đều chậm rãi dưới cơn mưa, mỗi sáng chiều thong thả ngắm bình minh hay hoàng hôn, không có vẻ lãng mạn của “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”, tà áo dài e ấp bay phía trước như thầm gọi, của hai chiếc xe đi gần bên nhau thi thoảng một bàn tay ai nắm nhẹ tay ai… Mà bây giờ nơi in dấu kỷ niệm xưa chẳng còn mấy ai đi xe đạp, nếu có là hội nhóm tập thể dục đi trên những chiếc xe khá đắt tiền, đồng bộ cùng quần áo mũ giày, mỗi sáng sau khi đạp vài vòng thì rủ nhau vào quán cà phê quán phở điểm tâm, thật đúng là “tinh thần thể dục”; Bây giờ tại những khu chế xuất – khu công nghiệp, đi xe đạp phần nhiều là nữ công nhân. Sáng vào ca tối tan ca, trên những chiếc giỏ xe của các chị em không phải là chùm hoa phượng mà là gói thức ăn đơn sơ rẻ tiền, rồi vội vã chen chúc giữa dòng xe máy xe hơi, bóng họ nhỏ nhoi và lạc lõng trên đường thành phố…

3. Trở về thành phố của tôi với bộn bề công việc, với những chiều mưa lớn như đổ hết nước của cả thế gian, những con đường ngập mênh mông như muốn tranh đua với sông Sài Gòn… Tôi lại nhớ mỗi ngày rong ruổi trên xe qua vài trăm km, nhớ những trạm nghỉ ven đường với ly cà phê nhỏ xíu thơm lừng, những quán bia ở Đức, Séc, ở Bỉ… là sự may mắn của một chuyến đi qua ba nước sản xuất bia ngon nổi tiếng. Nhớ các anh chị, bạn bè hàng chục năm qua lưu giữ từng mảnh quê hương ở nơi xa: chỉ là bữa bánh xèo, đĩa rau luộc chấm nước mắm dầm trứng, tô phở gà đậm đà mùi vị, bình gốm Bát Tràng hay đĩa sơn mài mua từ phố cổ Hà Nội, những cuốn sách mới xuất bản ở trong nước, giọng nói Sài Gòn hay Hà Nội thuần khiết của một thời chưa xa, sự tinh tế trong giao tiếp… Tất cả mang lại cho tôi cơ hội chiêm nghiệm một quy luật “văn hóa càng đi xa càng được bảo tồn nguyên vẹn”.

Những “làn sóng” người Việt ra đi từ bốn mươi năm trước “tỵ nạn chính trị”, hai mươi năm trước “tỵ nạn giáo dục” và vài năm nay là “tỵ nạn môi trường” (và sẽ còn tỵ nạn những gì nữa?) đã mang theo một phần văn hóa truyền thống. Lẽ nào những gì tinh túy nhất của văn hóa lại được bảo tồn bởi những người xa xứ?

Trong những ngày này thương xá TAX ở trung tâm Sài Gòn chính thức bị phá dỡ toàn bộ để xây công trình mới. Việc “bảo tồn” một số bộ phận kiến trúc cổ như thảm gạch mosaic, thanh tay vịn cầu thang trang trí con gà bằng đồng đã xong công đoạn đầu tiên là “tháo dỡ và cất giữ”. Những lời hứa phục dựng lại hình dáng của một Tax xưa cũng đã được nhắc lại. Giờ chỉ còn hy vọng bảo quản tốt những gì đã mang đi và sau những năm xây dựng một tòa nhà mấy chục tầng, “ châu (lại) về Hợp phố” được phục dựng đầy đủ, chính xác và đẹp hơn. Tax mới là công trình của thế kỷ 21. Cũng như nhiều công trình khác đang mọc lên như nấm sau mưa ở thành phố này, Tax có trở thành di sản và ký ức của công dân thế kỷ 21 hay không còn là tùy thuộc vào nhiều điều. Nhưng có một điều chắc chắn, khi chúng ta không quý trọng di sản của thế hệ mình thì không thể dạy bảo con cháu phải quý trọng những gì chúng có.

Rất nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài thì trầm trồ thán phục việc bảo tồn di tích của người ta, nhưng ở trong nước thì lại dửng dưng trước việc phá bỏ những di tích lịch sử vì “nhu cầu hiện đại hóa”, nhất là khi đó không phải là một thành phố có nhiều gắn bó với mình. Cứ vậy, người nơi này “phá” nơi khác… rồi cả đất nước này sẽ đi về đâu khi “thời đã qua” chỉ còn những mảnh vụn tan hoang, để rồi tàn tích của cuộc chiến và sau cuộc chiến hằn sâu cả trong lòng người.

Những người bạn ở xa… thời gian các anh chị gắn bó với Sài Gòn có thể nhiều hay ít hơn tôi, nhưng những gì họ mang theo đã trở thành ký ức bền vững được nuôi dưỡng bằng tình yêu quê hương. Còn tôi, tôi chỉ có bốn mươi mốt năm gắn bó với Tax và bùng binh cây liễu, cà phê Givral, Eden, Ba Son, hàng cây sao cao vút đầu đường Lê Lợi, hàng cây xà cừ trăm năm trên đường Tôn Đức Thắng… phải chứng kiến tất cả lần lượt ra đi tôi mới hiểu vì sao nhiều người mãi nhớ (mà không muốn về vì) một Sài Gòn xưa đã mất… Khi ký ức không còn chỗ để bám víu thì quê hương có còn là tổ quốc?




VVM.17.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com