Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



MƯA BUỒN RƠI XUỐNG PHÍA HOÀNG HÔN



           I.

     

1.

Dì Lạc Viên là chị cả của mẹ tôi, dì sinh năm 1920. Tên thường gọi ở nhà là dì Ty. Ông ngọai tôi người làng An Ninh Thượng nhưng vì để tiện cho việc đi dạy và việc học của các con nên chuyển về sống ở Thanh Long gần nhà nhạc phụ của ông. Ông bà tôi sinh được dì Lạc Viên song sinh với dì Lạc Thiên và mấy cậu nữa, mãi hơn hai mươi năm sau mới lòi ra mẹ tôi là út kém dì 23 tuổi, nên dì Lạc Viên cưng mẹ tôi lắm!

Dì có mái tóc đen nhánh, làn da mịn màng đôi mắt đẹp và cười rất duyên. Dì thông minh, tháo vát lại khéo tay nữa. Ngoài việc ông ngoại cho học chữ thì ở nhà bà ngoại cũng truyền dạy về nữ công gia chánh như thêu thùa đan lát, làm các loại bánh và đặc biệt là nấu bún bò, cơm hến rất ngon. Một buổi sáng đẹp trời, cậu học trò của ngoại tôi ghé thăm thầy giáo cũ. Cậu người ở làng bên kia sông. Ông ngoại tôi nói tiếng Pháp giỏi, cậu học trò (tên là cậu Khiên) của ông rất quý thầy nên đi làm ở đâu xa khi trở về cũng tới vấn an và đàm đạo với thầy coi bộ tâm đắc lắm! Dì Ty pha trà bưng lên. Cậu Khiên bất chợt thấy dì Ty, thoáng chút bỡ ngỡ:

Cậu hỏi: - Dạ bé Lạc Viên đây hả thầy. Sau mấy năm con trở lại nhà, em lớn nhanh quá con không nhận ra.

Từ đó về sau, cứ dăm bữa nửa tháng cậu Khiên lại tới thăm thầy một bận. Và có lần cậu mạnh dạn mở lời:

-Thưa thầy! Con thú thật với thầy là con đã thương em Ty. Thầy cho phép ba mạ con qua dạm hỏi em. Xin thầy tác hợp cho tụi con.

Lúc này dì Ty vừa tròn 17 tuổi. Ông ngoại tôi cũng quý cậu Khiên vì tính tình, trí tuệ và dung mạo khôi ngô nên ông ngoại tôi đồng ý cho hai gia đình qua lại.

Thế rồi, ngày lành tháng tốt, đám cưới được cử hành, dì Ty về nhà chồng ở làng Triều Thủy, bên kia sông, so với làng ngoại tôi cũng không xa là mấy.

2.

Mười tám tuổi, Dì Ty về nhà chồng, là gia thế của dòng họ Hoàng Trọng- dòng họ có truyền thống khoa bảng dưới triều Nguyễn. Bố chồng của dì làm quan Tả bộ thị lang dưới triều vua Thiệu Trị - Tự Đức vì vậy nhà cửa rất đồ sộ khang trang, tòa ngang dãy dọc. Vườn tược rộng thênh thang do ông bà nội tạo dựng.

Dì Lạc Viên là con ông giáo nên được kèm cặp dạy dỗ chu đáo. Tư tưởng Nho học, tam cương ngũ thường dì tôi thuộc nằm lòng và thấm đến tận chân tơ kẻ tóc của con nhà nề nếp đầu thế thế kỷ XX. Nhưng xem ra làm dâu một gia đình vọng tộc cũng không dễ dàng gì. Mẹ chồng dì- phu nhân quan Tả bộ thị lang, bà là hậu duệ của quan đại thần Thân Văn Nhiếp (1804-1872) môt nhà quân sự tài ba dưới triều vua Tự Đức và đặc biệt là phụ nữ Huế xưa, tư tưởng Nho Giáo chuẩn mực nên càng khó hơn! Nhưng nhờ đức tính nhu mì, hiền thục, khéo léo lại siêng năng, dì Ty tôi cũng tròn vai vợ hiền dâu thảo. Vườn nhà ông bà rất rộng. Đến nỗi đứng ở phía đầu vườn, gọi cuối vườn không nghe thấy, trồng cam quýt, thanh trà, bưởi, thơm, mít cau trầu, mảng cầu, măng cụt, dâu,… trong vườn nhiều lắm! Công việc của dì là coi sóc vườn tược, chợ búa và nấu nướng. Dì nấu món nào cũng rất khéo và ngon. Hằng ngày, cơm bưng nước rót phục vụ ba mẹ chồng và chăm lo chồng con vẹn toàn. Mẹ chồng dì khó là vậy nhưng cuối cùng chỉ thương mỗi dì là nhất.

3.

Năm 1941 dì sinh anh con trai đầu cậu đặt tên là Trọng Thanh, kế đến các con của dì lần lượt chào đời là: chị Hằng sinh năm1943, anh Trọng Bình sinh năm1945, anh Trọng Đạt 1948. Cậu Khiên chồng dì làm nghề canh nông ở sở canh nông TP Huế. Gia quyến thật đầm ấm hạnh phúc. Nhưng điều không may đã xảy đến với gia đình dì. Oái ăm thay chỉ vì cậu Khiên nói và viết tiếng Pháp giỏi nên bị Việt Minh thời bấy giờ nghi ông hoạt động cho Pháp mà chống lại Việt Minh nên đã bắt ông đi khu chiến và tra khảo trong thời gian 6 tháng. Sau xét thấy ông vô tội nên được Việt Minh thả về. Nhưng ngay sau đó ông lại bị bọn Việt gian chỉ điểm nên bị Pháp bắt giam ở lao Thừa Phủ TP Huế một thời gian rồi đem xuống Phú Bài, Hương Thủy và bị Pháp và bọn Việt gian tay sai tra khảo hết sức tàn độc như bắt uống nước xà phòng cho đầy bụng rồi đạp giày đinh lên bụng cho ói trào ra để lấy lời khai. Cuối cùng chịu không nỗi với sự hành hạ tra tấn ấy ông đã lâm bệnh nặng, khi đưa về nhà thì hai hôm sau ông tức tưởi qua đời. Lúc này dì tôi chỉ mới 33 tuổi, một nách bốn đứa con thơ và đang mang thai đứa con út. Năm đó là 1950. Trong suốt thời gian cậu Khiên bị giam giữ dì tôi lo đi thăm nuôi, bới xách cơm ăn nước nước uống cho chồng. Dì phải đi bộ từ nhà xuống tận Phú Bài từ sáng sớm đến tối mịt mới thất thểu, trở về nhà trong phờ phệt để lo cho các con. Một mình gồng gánh nuôi bốn đứa con thơ, thêm một đứa con nuôi của người em song sinh nữa là năm đứa và một đứa sắp sinh. Số là Dì Lạc Thiên lấy chồng (ở làng Xuân Thượng) nhiều năm mà không có con nên nhận đứa con nuôi là Trần Văn Thạnh mới 4 tuổi rồi gửi cho Dì Lạc Viên nuôi nấng.

Năm 1951 dì tôi sinh người con út là anh Trọng Tiến. Ở cử vài ngày non ngày, non tháng cũng phải lo dậy coi sóc việc vàn, cắt việc cho các con, đứa giỗ em, đứa lớn kèm đứa nhỏ bảo ban nhau học hành. Gia cảnh lâm vào tình huống ngặt nghèo. Nói sao hết nỗi buồn và cả sự vất vả của dì tôi- một gánh hai vai để chăm lo quán xuyến gia đình. Dì rất hiếu đạo với nội ngoại, đặc biệt chăm sóc bố mẹ chồng ngày càng già yếu sau nỗi đau mất con.Vừa làm lụng, buôn bán tảo tần để nuôi 6 đứa (5 đứa con và 1 đứa cháu) ăn học! Đúng là mẫu người mẹ hi sinh hết lòng cho con cái và gia đình.

“Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.”
( Ca dao)

Có những lúc giáp hạt cơm phải độn sắn, thêm khoai thì dì chỉ lượm mấy mẫu khoai sắn ăn còn nhường cơm trắng cho các con cháu ăn. Dì là điển hình của những người phụ nữ Huế chịu thương, chịu khó nhân hậu và đảm đang. Dì làm việc quần quật từ tờ mờ sáng cho tới khuya. Nhờ vườn tược rộng rãi, rộng hai mẫu (theo cách tính của Trung bộ là 20 ngàn mét vuông, phù sa mỗi năm về bù đắp cho vùng quê nơi này nên cây trái luôn tươi tốt, trồng đủ thứ cây ăn quả như: mít, dâu, nhãn, ổi đặc biệt là thanh trà và bưởi… cây trái nào cũng trĩu quả. Có lẽ nhờ người chăm có tay. Mùa nào thức nấy, dì tôi thu hoạch rồi gánh ra chợ bán lúc chợ gần, lúc chợ xa tùy cây trái. Đàn bà con gái như dì Ty quả là đảm đang và tháo vát mà thế hệ chúng tôi chưa hẳn đã giỏi dang được như dì. Dì làm cả những việc của đàn ông thường làm như trèo cây rồi dùng câu liêm giựt từng buồng cau xuống bán tươi hoặc chẻ phơi khô đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi lần tôi thấy dì tôi hái thơm tay xước do gai đâm máu tươm ra là tôi xót lắm. Mà dì bảo không sao, vô rửa qua nước muối là lành thôi. Chân đi nhẹ nhàng như lướt mà nhanh thoăn thoắt, mới nghe tiếng dì đầu ngõ một chút sau đã thấy dì thu hoạch đầy gánh thơm (dứa, khóm) thật đáng nể.

4.

Trước khi ông bà nội qua đời, lần nữa tai họa lại đổ ập lên gia đình dì mà không lường hết được. Đó là một cơn hoả hoạn xảy ra cho ngôi nhà do con mèo nằm sưởi ấm bên đống rơm trấu trong một đêm trời lạnh mà gia nhân đã un đốt lúc trời nhá nhem tối mà quên dập tắt. Khi con mèo ngủ quên bị cháy lông nên hoảng hồn nhảy lên nóc xà nhà làm cả toà nhà bốc cháy dữ dội vô phương cứu vãn. Từ đó gia đình dì cậu lâm vào tình trạng nghèo khó sau khi ông bà nội mất. Lúc cậu tôi qua đời, anh Trọng Thanh con đầu của dì mới 9 tuổi, Anh Trọng Bình 5 tuổi. Cậu tôi đặt tên con trai Thanh rồi đến Bình ý là mong đất nước luôn Thanh Bình. Nhưng khi anh Thanh ra phường làm giấy khai sinh cho em chuẩn bị đi học, không hiểu anh nhân viên văn phòng có ngủ gật không mà để ngòi viết quệt thành dấu sắc hay vì trùng tên người nhà ổng mà sửa từ dấu huyền sang dấu sắc thành Bính không biết nữa. Anh Thanh còn nhỏ thấy làm xong giấy khai sinh cho em là mừng, cũng không thắc mắc gì nên cầm giấy khai sinh về. Thế là anh mang tên là Hoàng Trọng Bính luôn từ đó.

5.

Dưới sự chăm sóc dạy dỗ của dì tôi, các người con của dì đều chăm lo học hành, mặc dù không tránh khỏi những lúc chọc giỡn nhau, khóc chí chóe, chạy khắp xóm, khắp làng. Đến giờ cơm có khi người nhà kêu như kêu đò mới chạy về ăn. Dì thường nói “Tau chạy như chó đạp lửa” đây nè! Tui bây quậy cho lắm vô. Đặc biệt là anh thứ ba: Trọng Bính hoang trổ trời mà lên. Dì tui nói có lẽ vì có hai cái xoáy trâu trên đầu. Khi thì trèo cây té như trái mít rụng ngoài vườn (có bà mụ đỡ hay sao mà không việc gì) chạy nhảy tiếp không biết mệt là gì. Nhiều khi té nhào đầu, bầm tím, vết bầm này chưa tan, vết bầm kia đã tới. Trán va nhau sưng cục u, dì tôi vừa lật đật đi giã muối với xác chè mà bóp trán cho anh ấy vừa giảng giải mà hôm sau hoang nghịch không thấy giảm! Khi thì anh còn chạy đi xem đá banh ở tận Dạ Gà (khu đất trống bên cạnh lò vôi Long Thọ), gặp mưa ướt như chuột lột về đầu nóng hầm hầm, dì tôi lại lo nấu nước xông cho anh. Rồi nhiều lúc còn đi tắm mưa, giẫm nước, về bị nước ăn chân. Dì tôi lấy trái khế chua nướng vừa đủ cho anh đạp chân vào trái khế nóng thế là vài ngày là khỏi. Dì tôi thường dùng thuốc dân gian để chữa bệnh lặt vặt cho con. Coi vậy mà tứ quí (bốn anh con trai của dì) và anh Thạnh đều lớn nhanh, khỏe mạnh. Chỉ có chị Hằng con gái là hơi ốm, người mảnh mai như cây sậy, dì tôi cứ chọc là “con Rọm” nhưng chị siêng năng giỏi dang như dì vậy! Lên 10 tuổi đã biết phụ với mạ làm việc nhà: quét sân nhà, quét sân, cho gà ăn, rồi gánh nước đầy lu (thời này gánh nước giếng hoặc nước sông chứ chưa có nước máy). Dì tôi lo làm vườn, thu hoạch rau, củ quả, cắt tỉa, sắp xếp vào quang gánh cho gọn để sáng mai đi chợ sớm. Thương dì lắm!

Gánh hàng thì nặng mà cứ đi bộ trên đoạn đường dài 2- 4 cây số. Lúc nào buôn may bán đắt thì về sớm, lúc bán ế thì giờ ngọ nắng gắt gao cũng còn bươn bả ngoài đường. Nhiều khi về đến nhà ăn chén cơm trưa cũng 1-2 h chiều. Cơm nước ở nhà lúc này có chị Hằng đảm nhận lo cho mấy anh em. Mỗi lần dì phân công anh Trọng Bính quét nhà thì anh ấy lại nhờ chị Hằng làm giùm (để rảnh mà chạy đi chơi) rồi nói:- “chị làm giùm, đó hồi tui đi xin lá thuốc cho (chị Rọm thích hút thuốc lá ngọn mà chỉ có bên nhà hàng xóm mới có nên phải chạy đi xin (loại thuốc lá quấn lại bằng lá thuốc nguyên chất nhìn giống như thuốc xì gà thời nay) còn dì Ty thì ăn trầu và hút thuốc Cẩm Lệ như mấy mệ Huế ngày xưa. Buổi chiều thường ưa uống vài chung rượu đế cho dễ ngủ. Chị em hạp nhau nên chị Hằng cũng rất thương thằng em quậy của chị. Nhìn chung cả mấy anh em đều thương nhau, biết bảo ban nhau học hành. Anh Trọng Thanh học toán rất giỏi, anh thi vào trường sư phạm Quy Nhơn để làm thầy giáo như ông ngoại. Nhưng học được 3 tháng thì một hôm có toán cảnh sát vào bắt và sau đó bị đuổi học vì một lý do không đâu. Số là lúc bầu cử thời đệ nhất cộng hòa, ban bầu cử dặn là: “ Xanh giỏ, đỏ bì” Ý nói phiếu xanh ghi tên vua BĐ thì bỏ vào giỏ rác còn phiếu đỏ ghi tên N Đ D thì bỏ vào bì. Nhưng anh làm ngược lại, bị theo dõi ghi vào sổ đen. Đó là lý do đuổi học. Bởi vậy mới nói người Việt làm khổ nhau, rình rập, ton hót nịnh bợ là một thói xấu mà thời nào cũng có. Chứ việc bầu cử là việc dân chủ mà. Thiết nghĩ mấy tay sai nha này rảnh thì ngồi pha ấm trà mà khề khà còn hơn là đi lùng bắt bớ ai không bỏ phiếu cho tổng thống (sau 3 tháng rồi còn gì). Còn chuyện ai bỏ ai gạch thì làm sao Tổng thống biết, mà có biết ổng cũng chẳng để ý làm gì miễn là trúng cử thì thôi. Biết bao nhiêu việc đại sự phải làm, quan tâm gì ba cái vặt vãnh không đáng.

Nhưng trong cái rủi có cái may, sau đó anh thi vào trường viễn thông và làm việc ở SG, anh thông minh, giỏi chuyên môn nên chẳng bao lâu anh được lên chức trưởng phòng khi tuổi đời còn rất trẻ. Anh Trọng Bình hoang nghịch nhất trong mấy anh em. Lúc nhỏ học từ mẫu giáo địa phương rồi học trường tiểu học Triều Thủy. Năm 1958 người anh con bác đem vào ở với gia đình anh tại đường Gia Long, Quy Nhơn cho đi học trường Tiểu học Mai Xuân Thưởng, được nhận vào học lớp Nhì với cô giáo Huyền. Chưa hết một năm mà couper cours trốn học đi coi cinema, leo núi, có bữa trượt núi té một lần tính chết may nhờ chụp được cái cây. Thấy anh Trọng Bính hoang nghịch quá nên gửi anh vô trường Dòng Bình Linh để mấy frère dạy học nội trú trong trường Dòng, thường học chuyên về tiếng Pháp và Việt Ngữ. Một buổi sáng ấy frère hỏi một câu tiếp Pháp mà anh Trọng Bính trả lời không kịp nên bị frère đá một phát rớt từ trên thềm xuống bãi cỏ. Công nhận mấy frère nghiêm khắc và rất dữ.Tức quá, anh giụt hết sách vở bỏ về. Ông anh thấy hoang nghịch quá không chịu nổi trả anh về Huế. Anh thi vào đệ thất trường Hàm Nghi năm 1961, học đến lớp đệ tứ năm 1964. Năm 1965 anh thi đậu vào lớp đệ tam trường Quốc Học. Năm 1968 anh vào đại học. Lúc từ Sài Gòn về Huế ăn tết, quân đội vào giải tỏa làng, tập trung hết dân làng vào nhà vôi Long Thọ. Trong số đó có gia đình dì Ty. Dì và 4 anh con dì được bố trí ở tạm chung một phòng tại đây, lúc này anh Trọng Bính đi chơi với người bạn thân tên Hồ Xuân D (Di óc lép). Nhưng anh không ngờ anh ta là đặc công nằm vùng. Dân trong làng thấy rồi chỉ điểm nên anh tr Bính bị bắt và bị tra khảo xem anh có dính líu hay hoạt động gì không? Sau 3 ngày tra khảo, đánh đập không có kết quả gì và xét thấy vô tội nên thả về với gia đình. Nhưng chưa hết, họ đã ghi tên anh Tr Bính vào hồ sơ đen. Cái đau ở chỗ là người công an đánh đập anh tên là Vĩnh T lại là bạn của anh Trọng Thanh và cũng là anh ruột của người bạn thân khác của anh Bính, tên Vĩnh H. Bị ghi vào sổ đen nên sau này, khi ở Sài Gòn và trong thời gian ở Mỹ, công an và bộ Tư lệnh Không Quân ở Tân Sơn nhắc báo cho anh Tr Bính biết là anh đã có sổ đen và luôn bị theo dõi. Khi còn ở Phi đoàn Hoa tiêu mấy người bạn sĩ quan và chỉ huy của anh cũng biết điều này nên họ nói với anh là cuộc đời quân ngũ của anh có giỏi lắm thì chỉ đến cấp tá là cùng chứ không thể ngóc đầu lên được. Thế là cả anh TR Thanh và anh Tr Bính đều bị sổ đen vì những chuyện không đâu với những kẻ tiểu nhân đó mà cứ ngỡ là bạn. Hai anh nói:

- Chính họ đã đâm sau lưng mình. Buồn thật!

Cuộc đời thăng trầm dâu bể đôi khi chỉ vì không may bị chính người mình cho là bạn lại đi vu oan, hãm hại mình.

Tôi hỏi anh sao không viết đơn kiện để tìm lại công bằng.

Anh nói:

- Kiện ai hồi đó? Ai có quyền có chức thì kẻ đó thắng. Xã hội còn quá nhiều bất công và thối nát. Tụi anh chỉ nhờ vào ơn Đức của Mẹ mà tại qua nạn khỏi là mừng rồi.

Năm 1969 được đi du học Mỹ theo chuyên ngành pilot. Năm 1972 anh về nước với quân hàm trung úy, vào làm trong không đoàn vận tải. Anh cưới vợ và được cấp một căn hộ ở bộ tư lệnh. Anh thường bay thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất qua sân bay LosAngeles, San Fancisco chỉ 19 tiếng đồng hồ. Mỗi lần đi công cán về thì có xe không quân ra đón tận sân bay. 3 năm sau anh được lên lon đại úy. Anh Trọng Đạt vào lính bộ binh. Anh Trọng Tiến thì vào SG làm cho cơ quan thuế vụ ở phi trường TSN. Còn anh Thạnh dì cho ăn học xong Trung học phổ thông rồi mới về sống với mẹ nuôi của anh. Sau này anh Thạnh làm thầy giáo dạy học ở Nha Trang. Lấy vợ cũng họ Hoàng nhà ở trên làng đối diện trước cổng nhà dì.

........ ( còn nữa ) ...........

Sài Gòn ngày 16/8/2021




VVM.16.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com