Ở quê tôi, duyên nợ của những đôi trai gái thường bắt đầu từ những đêm trăng .
Những đêm trăng sáng là cơ hội cho bao cậu trai quê, bao cô gái mùa tìm đến bên nhau sau một ngày đồng áng cực nhọc.
Giờ trăng lên là phút giây hồi hộp ấp e của cô gái quê mười sáu lần đầu tiên hò hẹn. Giờ trăng tàn là lúc đôi lứa phải bịn rịn chia tay, dù chỉ đến đêm trăng hôm sau lại gặp.
Trăng soi tỏ bao gót chân trần của trai gái quê tôi sóng bước bên nhau. Ánh trăng mơn man những mái tóc xanh mới gội làm duyên hồi chiều bằng hương bồ kết.
Và cứ thế, trăng là chứng nhân của bao lời ước nguyền thề non hẹn biển. Rồi những mối tình nên thơ, những chuyện tình bi hận cũng được thêu dệt từ những đêm trăng huyền ảo soi tỏ khắp các nẻo đường làng .
Duyên tình chị tôi cũng như vậy đấy, kết thành từ những đêm trăng. Ánh trăng là sợi tơ hồng, mặt trăng tròn vành vạnh kia là nguyệt lão xe nên duyên chị.
- Tối ni, chị cho em đi coi văn nghệ với nghe chị !
- Ừ , thì chút nữa đi với chị .
Chị Khanh nói.
Chị Khanh là con gái thứ hai trong số ngũ long công chúa của cha mạ tôi. So với cả nhà, chị duyên dáng nhất. Chị có thân hình mảnh mai, mái tóc đen dày, thường kẹp làm duyên bằng chiếc kẹp bảng bằng nhôm sáng trắng. Đẹp nhất là đôi mắt to đen hạt huyền ít người có được. Tôi nghe người làng nói về chị như vậy.
Hồi chiều, chị Thi và chị Khôi đã loay hoay làm cây đuốc lồ ô, dù biết đêm nay mười bốn có trăng. Chị Duyên thì có chân trong đội văn nghệ của gia đình phật tử thôn nên đã vội vội vã vã đi ngay sau khi ăn cơm chiều. Buổi văn nghệ lửa trại do khuôn hội phật giáo thôn tổ chức mừng ngày Phật đản tại sân chùa làng.
Chập choạng tối, chị lựa bộ đồ coi được nhất mặc vào, chải đầu soi gương rồi dắt tay tôi đi dự hội.
Ánh trăng soi bóng chị em chúng tôi vui vẻ bước trên đường thôn loang loáng bóng tre lay.
Thú thật, khi nắm tay bước lững thững theo chị, tôi chẳng biết sẽ coi cái gì, ngoài việc nhìn những cây đèn lồng bánh ú treo xen kẻ những lá cờ năm màu rực rỡ hai bên cổng vào và cảnh đám đông háo hức chen lấn quanh đống lửa trại cháy bập bùng. Vì thế, sau khi chờ xem xong tiết mục múa “về thôn xưa” có chị Khôi nhảy nhảy múa múa đến buồn cười, tôi bắt đầu tựa vào chị tôi mà ngủ gật.
- O Khanh ơi ! Cho thằng Vĩnh en nó ngồi trên bót-ba-ga xe tui mà ngủ nì.
Anh ấy khéo léo nài nỉ để lấy lòng chị tôi.
- Thôi, tui đem hắn về ngủ chừ. Rứa mà hồi chiều cứ nằng nặc đòi đi dữ lắm !
Chị tôi trả lời.
- Coi chán rồi, e tui cũng về luôn ! Anh ấy tiếp lời.
Không biết hai người trao qua đổi lại với nhau những chuyện trời trăng mây gió gì nữa. Chỉ biết rằng sau đó tôi được đặt ngồi lặt lẻo trên xe anh, rồi anh chị cứ như vậy dắt bộ đưa tôi về nhà. Bóng hai người đổ xuống mặt đường loang lổ ánh trăng, đè lên bóng tôi ngồi trên chiếc xe đạp lắc lư trông thật ngộ nghĩnh.
Mạ tôi chạy ra đón, bồng tôi vào phản, vừa đi vừa hỏi vọng ra sân :
- Thằng Thành không coi nữa hay răng mà vô sớm rứa ?
- Dạ thưa bác, con cũng có coi hết mấy màn rồi mới vô !
- Chị trên nhà có khỏe không con ?
- Dạ khỏe ! Mạ con cũng còn ngồi bán quán được.
Rồi tôi thấy mạ tôi cẩn thận chỉ cây cau trước nhà, dặn dò để giữ thân đứa con gái ở tuổi đang thì :
- Ừ, ngồi chơi đi, trăng lên tới đọt cơn* ( cây ) cau ni thì về mà ngủ đó nghe !
Thành là tên của anh ấy, người làng ai mà chẳng biết nhau. Anh đẹp mã, oai phong lắm. Dáng vóc cao to, khuôn mặt vuông vắn, cương nghị. Anh lại nói năng điềm đạm, ra vẻ trí thức, người trong làng ai cũng nể.
Nhưng tôi mê nhất là chiếc xe đạp đuy-ra của anh.
Vào thời đó, có chiếc xe đạp tốt như xe anh là sở hữu một báu vật hiếm hoi, con nhà giàu mới sắm được. Chính chiếc xe đạp này khiến tình cảm anh em chúng tôi trở nên gắn bó nhanh như xe đạp chạy. Nói rõ hơn là tôi rất thật lòng mong đợi những đêm trăng anh ấy về chơi để chúng tôi tha hồ mượn xe mà tập đạp. Người yêu của chị gái thường rất hào phóng với em út, nhất là với em trai cưng như tôi. Tôi trở thành đứa trẻ con biết đạp xe sớm nhất lũ nhóc trong xóm, dù chiều cao chưa đủ để leo lên ngồi trên yên xe, chỉ nằm ẹp trên sườn xe hoặc đứng trên pê-đan mà đạp chạy lòng vòng.
Tháng ngày dần trôi, không biết bao nhiêu lần trăng tròn, trăng khuyết chứng kiến các buổi hẹn hò. Chỉ biết rằng khi tôi đã đạp xe một cách vững chải thì tình cảm giữa anh chị tôi đã gắn bó lắm rồi.
Có những hôm anh về chơi, buổi trưa nhà nghèo, cha mạ đi vắng, nhà không có gì làm thức ăn. Chị tôi bảo nhỏ tôi đạp xe ra quán Bác Xạ mua thiếu mấy quả trứng vịt, ống mì sợi hiệu ông Phật, mấy đồng ruốc, mấy đồng bột ngọt để làm cơm đãi khách. Tôi nhanh nhẩu đạp xe chạy ù đi, mặt vênh váo lướt qua lũ bạn nhóc đang trố mắt nhìn. Chiếc xe đạp biến tôi thành đứa siêng năng dễ bảo biết bao.
Thêm mấy tuần trăng nữa trôi qua, hình như vào mùa Thu năm đó, cha mạ tôi đồng ý gã chị tôi cho anh Thành.
Tôi không nhớ gì nhiều về những lễ nghi này nọ trong ngày cưới của chị. Thế mà, không hiểu tại sao trong kí ức tôi lại hằn lên rõ như in sắc thắm của hai chiếc áo cưới trong mâm lễ vật mà nhà trai mang đến. Một chiếc áo dài màu hồng và một chiếc màu xanh da trời. Hôm đám cưới ấy, người ta bảo chị tôi mặc cả đôi áo, chiếc áo màu hồng lồng bên ngoài chiếc áo màu xanh. Ông nội, cha mạ tôi dặn dò chị những gì trước khi về nhà chồng tôi không còn nhớ. Tôi chỉ mang máng nhớ hôm đó tôi rất buồn. Suốt buổi sáng, tôi cứ bịn rịn quẩn quanh đứng gần chị.
Gần giờ rước dâu, chị bỗng khóc sướt mướt, nước mắt ràn rụa. Tôi níu áo chị và không hiểu sao lại thảng thốt nói thật to :
- Thôi chị đừng đi nữa, chị ở nhà với cha mạ cho rồi !
Hình như mọi người nhìn tôi cười vui vẽ lắm. Chị Hoàng - bạn thân chị tôi – vội vã ôm tôi lại :
- Bĩnh en bậy quá, để chị mi đi lấy chồng cho suông sẽ chơ !
Thế là chị tôi đi lấy chồng. Chị mặc áo hồng đoan trang cúi đầu bước qua cửa trước, đoàn người đưa dâu theo sau khá đông, áo xống đủ màu. Tuy nhiên, trong tâm thức tôi bấy giờ, chỉ riêng mình chị đẹp như tiên nga. Người ra xem, ai cũng trầm trồ khen duyên chị đẹp đôi lắm, ít người ganh tị.
Sau khi về làm dâu nhà chồng, chị thôi không bán xi rô, nước đá ở chợ làng tôi như hồi còn ở nhà nữa mà chuyển sang mua bán rau hành đậu mè các thứ.
Vào buổi chợ chiều, chị đi sớm, đón đường bà con hỏi mua gom mớ đậu, rổ khoai, bó kiệu để sáng hôm sau theo xe lam chú Minh về Đông Ba bỏ mối. Sau đó, chị lại mua hành ngò, su su, bắp cải gì gì đó mang về chợ làng bán lại. Ai cũng khen chị đẹp người, đẹp nết lại giỏi giang.
Anh rể tôi, nhờ có học, được gọi vào làm công chức tận trong Quy Nhơn. Nghe nói anh làm việc nước, lãnh lương tiền khá lắm. Thỉnh thoảng anh được nghỉ phép về thăm quê. Mỗi lần anh về, tôi lại được anh cho những món quà mà trong mơ tôi cũng chẳng hề mong ước.
Thời gian này, anh chị lại sinh được cháu Minh Huy bụ bẩm trông rất dễ thương. Tôi nhớ rất rõ mỗi khi có ai hỏi cha mi ở mô, cháu Huy trả lời ngay :
- Cha em làm việc ở trong “Quy Nương” lận đó.
Hạnh phúc ngập đầy gia đình nhỏ bé của chị kéo dài được khoảng ba bốn năm.
Tại sao niềm hạnh phúc giản đơn kia không tiếp tục đậu lại với cái không gian nhỏ nhoi xinh xắn ấy suốt đời ? như vầng trăng vời vợi mãi hiện hữu trên bầu trời làng quê bát ngát hằng đêm ?
Một sáng mùa xuân, anh chị tôi dắt cháu Minh Huy về chơi. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy anh rể bước xuống xe với đôi chân khập khiễng. Tôi hình dung điều gì đó chẳng lành đang đến với gia đình chị.
Qua chuyện trò với cha mạ, tôi biết rõ anh đang bị bệnh viêm khớp, hiện giờ không còn đi lại bình thường như trước nữa. Anh thưa với cha tôi rất lễ phép :
- Cha ơi, chừ con không còn làm trong Quy Nhơn nữa. Con về làng ở luôn rồi !
Cha tôi an ủi :
- Ừ, về làng cũng được, gần vợ gần con, loay hoay chi trong vườn cũng có ăn, lo chi con nờ !
- Con chỉ sợ thua chúng thua bạn đồng trang đồng lứa thôi !
- Ba thằng Hùng đừng có lo. Có tui buôn bán cũng dư sống rồi. Chị tôi nói .
Tôi lại cảm thấy yên tâm khi nghe câu chuyện giữa mọi người trong nhà.
Chị Khôi nách cháu Hùng đi ngồi lê nhà hàng xóm.
Tôi lại mượn xe anh đạp đi chơi thỏa thích. Chiếc xe bây giờ không còn mới toanh ngon lành như trước nữa, nhưng vẫn chạy êm ru trên con đường làng mát rượi bóng tre.
Tháng giêng, rồi tháng hai đang dần trôi qua, nhàn hạ, êm đềm .
Một sớm, không biết từ đâu, người ta kéo nhau về nhà tôi xây sòng đánh bài, trong đó có cả anh rễ tôi. Điều đáng nói là trong đám con bạc kia, ngoài những người thật thà ham vui, tôi thấy có cả những tay sừng sỏ bài bạc nổi tiếng trong làng.
Nể mặt con rễ hiền lành xưa nay, cha tôi cho đám bạc trải chiếu ở nhà trên chơi bài.
Có những hôm, tôi thực sự vui mừng khi anh tôi thắng, cho mỗi đứa vài đồng, hoặc đãi cả nhà ăn cái gì đó. Cũng có lần anh tôi thua bạc, mặt mày thất thần. Có khi tôi xót ruột đỏ bừng mặt mỗi lần thấy anh đen đủi đánh thua các ván bạc lớn. Thật tội nghiệp cho anh, vốn bản tính hiền lành, sợ người nhà lo lắng, anh vẫn cố gượng cười gượng nói, làm ra vẽ như không có vấn đề gì.
Tôi đâu có biết, một đôi lần đánh bài ở nhà tôi chỉ là sự tiếp nối của chuổi ngày dài anh lao vào vòng mê muội do bọn cờ gian bạc lận kia giăng bẩy. Họ đã đánh hơi biết anh có dành dụm được một số tiền kha khá trong thời gian làm việc trong Quy Nhơn. Ban đầu, họ giả vờ mời anh chơi vài ván cho vui, chơi để giải sầu. Riết rồi, một thời gian sau, anh lọt vào cạm bẩy u mê kia lúc nào chẳng hay.
Mẹ anh đã già yếu đâu có biết gì, chị tôi thì ham mua bán, rất tin tưởng anh nên cũng rất ít quan tâm đến chuyện ăn thua. Chị thật thà nghĩ rằng chồng bệnh tật, anh em bạn bè rủ chơi cho đỡ buồn thôi, ăn thua không bao nhiêu.
Một bữa trưa nọ, chú Nhớn trên phường nam về chơi, tiết lộ cho nhà tôi biết :
- Tui nghe nói thằng Thành đánh thua nhiều lắm. Có viết giấy mắc nợ chú Chút đến mấy ngàn bạc
Dù còn bé xíu, tôi cũng chết điếng cõi lòng khi nghe được cái tin chẳng lành kia.
Chập choạng tối của một đêm trăng non treo cuối trời, chị tôi hớt hơ hớt hải bồng thằng Hùng chạy ùa về nhà, dí cháu vào tay chị Khôi, miệng mếu máo khóc :
- Mạ ơi, cha ơi, ba thằng Hùng chết rồi !
Nói chưa hết câu, chị bỏ thằng Hùng lại đó rồi vụt chạy về nhà chồng .
Cả nhà tôi cùng chết lặng theo chị. Mạ tôi mặt mày bỗng trở nên xanh mét, tốc tả khoác áo chạy theo. Cha tôi run run dặn dò mấy chị em tôi gì đó rồi cũng lật đật chạy lên nhà anh, tận trên phường Nam.
Tôi đứng thẫn thờ giữa khoãnh sân tối nhìn theo bóng trăng leo lắt phía trời tây. Nơi ấy có một mái nhà đang rối bời tang tóc. Tôi hình dung tiếng chị tôi than khóc, kêu gào quằn quại trước nỗi đau khủng khiếp vừa bất ngờ ập đến.
Sau này, nghe người lớn kể, do thua bạc nhiều quá, anh rễ tôi đã cầm cố cả giấy tờ trích lục đất đai cho người ta. Không còn cơ hội nào để lấy lại những gì đã mất. Không còn chịu đựng nỗi sự dằn xé tột cùng của lương tri, anh đã buông tay dùng thuốc độc từ giã cõi đời.
Ba bốn ngày sau anh bỏ chị mà đi, chị em nhà chồng quái ác lo sợ chị tôi tiếp tục sống ở nhà chồng, chiếm mảnh đất hương hỏa nhà họ Lý, họ đặt điều chưỡi mắng chị tôi.
- Mày là đứa sát phu, mày là đứa làm tan gia bại sản nhà tao, mày là …
Sau khi cúng bốn mươi chín ngày cho vong hồn anh, vào một đêm trăng lạnh lẽo, chị lặng lẽ dắt cháu Huy và cái thai hai ba tháng tuổi về lại nhà xưa, nơi mái tranh nghèo mà từ đó chị hãnh diện khoác chiếc áo hồng rạng rỡ đi lấy chồng năm ấy.
Cháu Minh Đan ra đời. Chị tôi tiếp tục tảo tần nuôi hai đứa con trai, hai giọt máu mà anh để lại, còn phụ giúp cha mạ tôi nuôi chúng tôi ăn học.
Nhiều năm sau nữa, khi đã bình tâm, mỗi lần kể xong nổi đau mất chồng trong ngày giỗ anh, chị thường kết luận :
- Con gái họ Nguyễn làng mền mười người chết chồng hết mười một rồi.