Q uán cà phê có cái tên đầy âm hưởng " Guitar". Đầy âm hưởng là vì nó là tên của một lọai nhạc cụ, lại là một lọai nhạc cụ mang tính lãng mạn, bay bổng, âm trầm. Thứ nhạc cụ luôn thích hợp vớI nhưng bản nhạc buồn, cổ điển, và cùng với đó là ánh mênh mông, man mác trong mắt người nghệ sĩ, là một chất giọng mềm, nhẹ , chơi vơi của người thể hiện một ca khúc trữ tình, ngọt và sâu lắng, là một không gian ấm và trầm, đượm vẻ ưu tư đồng cảm.
Một cái tên đã đủ để khái quát một bối cảnh, một diễn trình, một tính chất, để khi vừa nghe, người ta đã có thể hình dung nó chứa đựng những gì. Quả vậy. Các quán cà phê bây giờ luôn là một thử thách của tính sáng tạo, các chủ quán không chỉ moi tim nặn óc ra những phong cách đặc biệt, ấn tượng, mà còn phải tìm ra cho được một góc độ phục vụ. Những nhu cầu thường nhật của đời sống con người được khai thác và cung cấp đến mức tối đa. Đành rằng, mục đích đầu tiên là lợi nhuận, nhưng làm thế nào để mục đích ấy được song hành cùng sự đáp ứng, tương tác và hòa điệu thì mới gọi là một hiệu quả trọn vẹn nhất.
Quán Guitar đặc biệt mang phong cách nghệ sĩ. Nghệ sĩ một cách cổ điển. Đầu tiên quán được đi theo một lối kiến trúc mộc. Những bức tường không tô trét, sơn phết những sắc màu sặc sỡ, nhuếnh nhóang, mà chỉ là những khuôn gạch phô nguyên hình hài, lại hơi nham nhở cẩu thả một chút bởi những mép vữa thô nhám. Trên tường là những hình tượng khá lạ mắt, một cây đàn guitar nằm chênh vênh, trên mặt đàn là một bông hồng nằm trơ trốc, lẻ loi, một chỗ khác là một mái tóc ngườI con gái hơi bay bay, nửa khuôn mặt cô gái lại hơi quay vào, hơi ngước nhìn, tạo một nét buồn buồn, tư lự, đặc biệt là hình nửa người cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong tư thế ngồi nghiêng, đầu hơi cúi, một tay gá hờ bên má, cặp kính trắng hơi trễ xuống, chủ quán rõ ràng là một Fan ruột của vị nhạc sĩ tài hoa bậc nhất này, lác đác những vị trí khác là một số hình ảnh thường gặp, một cành bông, một ấm trà, đôi ba cái tách, bầu rượu khô, chiếc mũ lá rộng vành lưa tưa, một cuốn sách mở dở, ly cà phê còn một nửa, lại có cả cái bát, đôi đũa, cái thìa vứt chỏng chơ, một cái mặt đồng hồ chạy sai giờ …vv . Tất cả những thứ đồ vật này, có cái là vật thật được dính vào tường, có cái là thạch cao. là tượng gỗ, nhưng không phải những bức tranh thông thường, hay nói đúng hơn là những bức tranh không có phần đệm, mà chỉ là những nguyên thể chính, ngòai ra cũng có vài bức tranh phong cảnh, nhưng không được treo ngay ngắn, mà hơi chếch về bên này một tí, hơi xiêu về bên kia một chút. Tòan bộ bài trí tạo cho ngườI ta một cảm giác như trễ nải một chút, buông tuồng một chút, cứ như tiện đâu vứt đấy, bạ đâu ngồi đấy, không có một trật tự nào. Có lẽ quá chán ngán những thứ trật tự tạo ra vẻ khô cứng, đóng khung, giả tạo, nên chủ quán cố ý tạo ra một sự đểnh đỏang, chểnh mảng, nhưng lại hết sức thoải mái nhẹ nhõm, ngay cả những chỗ ngồi trong quán cũng không đồng loạt là những bộ bàn ghế y hệt nhau, mà chỗ này là cái bàn và những chiếc ghế là những khúc cây cao thấp, so le về cả kích thước lẫn kiểu dáng, chỗ kia là một bộ xô pha, chỗ khác nữa là bộ bàn ghế nhựa thông thường, vài bộ bàn ghế mây thon nhẹ, lạ hơn hết là những cái chiếu trải những nơi sát tường, điều đáng nói là những chiếc chiếu này luôn có khách, thậm chí nó còn là sự tiếc nuối nếu có ai đó chậm chân. Tất cả mọi chỗ ngồi đều có thể hướng nhìn về một vị trí, nơi đó một cái bục gỗ rộng khoảng hơn 10m vuông, ban ngày nó là cái bục trống, chỉ tối đến, mà chủ yếu là vào tối thứ bảy và chủ nhật, thì trên nó là mấy cái ghế tựa, mấy cái chân micro, cái chân đứng của chiếc đàn orgarn. Một góc bên của cái sân khấu đơn giản này là một gốc cây lâu năm có bộ rễ xùm xòa, đã tiện hết phần trên chỉ còn lại phần gốc, lơ thơ mấy cái chồi lá non, gốc cây này được đặt trên một mô đất đất thật hẳn hoi, trên mô đất ấy là một vạt cỏ xanh, vạt cỏ này trải dần xuống một mảnh bằng bên dưới. Trên thảm cỏ ấy thơ thẩn một số đồ chơi trẻ con, như đu quay, bóng bay, búp bê và cả những quang gánh nồi xoong, những thứ này cũng tung tãi chứ không xếp đặt gọn gàng. Ánh sáng không phải là xanh đỏ những bóng đèn màu, mà nó lung linh lung linh từ những ngọn nến cao thấp, lớn nhỏ, được đặt từ rất nhiều vị trí, cả trên những chiếc đế gắn vào tường. Ban nhạc chỉ có hai người một guitar và một orgarn, ca sĩ và khán thính giả là những ẩm khách. Tóm lại đây là một quán cà phê hát cùng nhau. Tất cả những người khách đến đây đều cảm thấy gần gũi, thân quen qua phong cách xuề xòa, cái cảm giác xa lạ nhanh chóng mất đi, rất nhiều người chỉ qua một lần gặp nhau nơi đây đã có thêm những người bạn mới. Đó là mục đích thứ hai của người tạo ra phong cách của quán. Chủ quán cũng thường xuyên ngả nghiêng, khề khà trên chiếc chiếu, hay kề vai khóac cổ trên bộ ghế xô pha, hoặc âm trầm thủ thỉ quanh chiếc bàn nào đó. Tuổi trung niên, vóc người dong dỏng, mái tóc phủ gáy, trang phục tềnh tòang, anh ta cũng là một tay chơi nhạc, thi thỏang có hôm vắng một nhạc công, thì anh ta sẵn sàng thay thế. Cái chất nghệ sĩ của anh ta hiện rõ trong các góc độ. Người nghệ sĩ, trước hết phải có một tâm hồn, một tình cảm, và anh ta muốn sống chan hòa bằng chính tâm hồn và tình cảm của mình.
Một giọng ca nam vừa chấm dứt với tiếng ngân dài ngọt lịm của một câu vọng cổ, những tiếng vỗ tay tán thưởng ran lên. Ngòai cửa chợt xuất hiện một bóng người. Bóng người ấy len nhẹ qua những chỗ ngồi, đến một góc phòng, ở đó chỉ có một chiếc ghế và một chiếc bàn nhỏ. Không biết có phải vì diện tích chỉ vừa bấy nhiêu, hay cũng là một nhã ý cho những người chỉ thích ngồi một mình. Và bóng người kia có vẻ quen thuộc chỗ đấy lắm. Lác đác có tiếng thì thầm " Ca sĩ độc đến đấy" " Rượu cho mà xem …cả thuốc lá nữa". Đúng là phục vụ bàn đem ra một chai rượu nhỏ và một cái ly cũng nhỏ, những tiếng xì xào kia chỉ vì điếu thuốc gắn lên môi, đốm lửa soi qua gương mặt. Đầu điếu thuốc đỏ lên, và những ngụm khói tỏa ra, khe khẽ đâu đó vài tiếng cười khúc khích, dăm ba cái nhíu mày. Nhưng ở cái góc nhỏ ấy vẫn nhè nhẹ từng ngụm khói, chai rượu đã nghiêng vài lần. Trên bục gỗ, đang mượt mà một giọng ca nữ, đa phần những người đến đây chỉ hát những bản nhạc buồn, có lẽ người ta cũng thấy khó mà đưa vào cái không gian huyền mặc này một nhộn nhã sôi động, nó sẽ là sự lệch pha, kệch cỡm đến phản cảm mất.
Cô ca sĩ không chuyên trên sân khấu đang đi về phía cuối nhạc phẩm của mình, bóng người kia cũng khẽ dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn, ngước mắt chờ đợi. Tràng vỗ tay đón một người trở lại chỗ ngồi, đồng thời cũng đưa một người từ chỗ ngồi bước lên. Ánh sáng khiêm hạn của những ngọn nến cũng đủ soi tỏ một gương mặt. Một gương mặt vớ mái tóc uốn dợn trùm quanh, gương mặt đã nhuốm đầy những tháng năm lận đận, gương mặt không che giấu một niềm u uẩn, trầm buồn. Không chỉ hiện rõ trên gương mặt, mà âm sắc cũng biểu lộ một sự cảm hòai da diết. Một giọng nữ trầm, trầm trong lời giới thiệu ngắn gọn, và trầm loang trong giai điệu bản nhạc "Đêm 30". Chất giọng trầm ấy lênh loang cả một không gian, lênh loang vào những hồn người, lênh loang vào tận cùng một cộng hưởng. Tiếng đệm của tay guitar điệu nghệ không phải là chàng nhạc công chính hiệu, mà là ông chủ quán đầy ngẫu hứng càng làm cho sự lênh loang ấy như một mạch ngầm, nhè nhẹ, lặng lẽ mà len lỏi, len lỏi đến từng mili tế bào xúc cảm. Bản nhạc thứ hai " Hòai cảm", vẫn tiếp nối cái mạch ngầm đây chất kết quyện ấy, giọng nữ trầm, đôi chỗ đùng đục như có giọt lệ rơi vào, càng làm cho giai điệu lẫn ca từ bài hát thêm đắm đẵm, nỗi đắm đẵm ấy càng như nhấn chìm những mảnh hồn vào một cõi sâu xa bằng nhạc phẩm thứ ba " Ru mãi ngàn năm". Hóa ra " ca sĩ độc" là thế. Độc bởi dáng vẻ, độc bởi cảm trạng, độc bởi chất giọng, và độc bởi ba nhạc phẩm. Hình như phần lớn người ngồi đây đã quen với những "độc" ấy, nên họ cứ thế mà im lặng, cứ thế mà chìm vào hư không. Khi nốt nhạc cuối cùng đã hạ, không phải là những tiếng vỗ tay thường lệ, mà là một khỏang lặng, khỏang lặng như được nối dài hơn bằng những ngụm nồng nồng, đăng đắng, the the, tê tê thấm vào đầu lưỡi, thấm vào cả những nỗi niềm.
Khỏang lặng ấy được đột ngột đánh thức bởi một chất giọng khác trên micro "Thưa các bạn…" Những ánh mắt nhìn lên. Cái bục gỗ chỉ chơ lại những vật dụng, không ca sĩ, không cả nhạc công, vậy cái giọng nữ trầm kia đang thóat ở đâu ra ? Vâng đúng là một giọng nữ trầm, nhưng không phải là giọng nữ trầm vừa hát, a…thấy rồi. Trên một góc mép cái bục gỗ, một gương mặt chập chờn, thấp thóang vì sự tranh tối tranh sáng, khiến cho người ta chỉ có thể biết phái tính qua giọng nói, đang ngồi với chiếc micro trên tay. Giọng nói lại cất lên :
_ Thưa các bạn. Cho phép tôi được gọi như thế, dù có thể có những anh chị nhiều tuổi hơn tôi đang có mặt nơi đây. Tôi không phải muốn gửi đến các bạn, một hay nhiều bài hát, mà tôi muốn nói với các bạn đôi chút miên man cảm thức của tôi trong lúc này, trong không gian này, trong một bối cảnh rất đặc biệt này. Thưa các bạn, chúng ta vừa được thả tâm hồn mình lênh đênh qua những bản nhạc trữ tình, bất hủ, nó trữ tình và bất hủ không chỉ vì cái hay vốn dĩ của nó, mà còn vì nó được thể hiện bằng tất cả cảm xúc, trái tim và tâm hồn của một người có " Nỗi buồn đẹp". Thưa các bạn, có thể mỗi chúng ta có rất nhiều điểm khác nhau, nhưng tôi chắc chắn có một điểm giống nhau, đó là mỗi chúng ta ai cũng có một nỗi buồn đẹp. Vì sao tôi gọi đó là " NỗI buồn đẹp" ? Đẹp là vì nó da diết, nó thăm thẳm, ta biết đó là buồn, nhưng ta không hề có ý muốn vứt bỏ nó, tiêu hủy nó, mà ta luôn nuôi dưỡng nó trong tận cùng tâm cảm của mình. Nuôi dưỡng bằng cả sự ý thức lẫn vô thức. Nó như một làn sóng nhẹ, dợn lên trong lòng ta mỗi lúc ta tìm về hòai niệm. Nó làm cho ta đau, ta tiếc, nhưng ta lại rất yêu nó. Yêu nó là bởi vì tiền thân của nó là hạnh phúc, là thân thương, là ấm áp, là một tình cảm thiêng liêng và huyền diệu. Ai trong chúng ta mà không một lần trải qua như thế, có quá nhiều lý do để con ngườI không giữ mãi được niềm hạnh phúc trong tay mình, và khi nó đã mất đi, để lại trong ta một nỗi buồn không thể bôi xóa. Và đó là "Nỗi buồn đẹp" . Người có được nỗi buồn đẹp là người đã từng biết sống đẹp, từng biết nâng niu và trân trọng cái đẹp, cái đẹp đó trên thực tế có thể không còn nữa, nhưng trong sâu thẳm lòng ta, nó vẫn luôn tồn tại, và khuynh hướng tự nhiên là ta luôn tìm về với nó mỗi khi có dịp. Và vì thế mà chúng ta đang có mặt ở một nơi như thế này. Tôi có thể hiểu được rằng, anh chủ quán không phải chỉ ngẫu nhiên, tùy hứng mà tạo ra một phong cách riêng biệt của quán, và như cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn của chúng ta kia, cũng không phải đơn giản chỉ làm ra những nhạc phẩm , mà từ những " NỗI buồn đẹp" mỗi người cất lên tiếng nói của chính mình, có thể cách này hay cách khác, có thể thuận hay bất thuận, nhưng âm hưởng của nó thì luôn có một sức sống âm ỉ, bền bỉ, thấm đẫm và lan tỏa. Nó làm cho con người ta thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn, đáng yêu và vô cùng trìu mến. Nó làm cho ta tin con người thực sự có linh hồn, không phải là một linh hồn trong cõi siêu nhiên huyền ẩn nào đó, mà ta có linh hồn trong mỗi tấc lòng dung dưỡng ta. Sự tồn tại một linh hồn thật sự không có gì bí ẩn cả, nó tồn tại vì trong ta có nó, một khi ta không còn quan tâm, không còn vương mang, không còn luyến tiếc, thì nó sẽ tan đi rất nhanh chóng, rất dễ dàng. Và " Nỗi buồn đẹp" là nơi an trú duy nhất cho những linh hồn ấy. Cuộc sống này có thể có rất nhiều mất mát, có rất nhiều những hóan đổi vô lương, nhưng ta sẽ thấy mình thật sự hạnh phúc biết bao khi trong mình có một cõi ấm cho một " Nỗi buồn đẹp". Thưa các bạn. Vốn lẽ cuộc đời, người chỉ thường biết tiếc than khi không còn giữ được trong tay những niềm yêu quý báu. Nhưng may thay, ký ức mỗi người vẫn còn dành một phần cho sự nâng niu, gìn giữ. Và tôi nghĩ rằng, hẳn quý vị ít nhiều cũng có cảm nhận như tôi lúc này, đúng thế không ạ ?
Phải mất đến mấy giây, những đôi môi mới động đậy, những ánh mắt mới long lanh, anh chủ quán xuất hiện với một chai rượu ngon, giơ cao và cười nói :
_ Nào các bạn thân yêu của tôi ! Những vị khách yêu quý của tôi ! Tôi muốn cạn cùng các bạn một chút ấm nồng này, để chúc cho một " Nỗi buồn đẹp" luôn dợn lên trong lòng mỗi chúng ta, được không nào ?
Rộ lên những tiếng nói cười hưởng ứng, lịm vào những đầu môi chất ngọt nồng tê đắm, những ánh mắt thân tin trao vào nhau, những bàn tay nóng ấm cầm lấy nhau, lạ rồi quen, quen rồi lại rất quen, quen rồi không còn lạ nữa. " Ca sĩ độc" không còn thinh lặng một khỏang riêng mình, mà đã tự lúc nào, khoanh tròn đôi chân trên một mép chiếu chai rượu vơi một nửa ban nãy giờ đang nghiêng vào những chiếc tách nhỏ chung quanh. Và rồi vẫn anh chủ quán :
_ Nào các bạn, từ trước đến giờ ta vẫn nghe nhau hát, nhưng trong khỏanh khắc đặc biệt này, ta hãy hát cùng nhau nhé.
_ Được được đấy. Bài gì nào ?
_ Còn bài nào tuyệt hơn cho chúng ta lúc này ngòai " Nối vòng tay lớn" của "Anh Trịnh" . Nào " Rừng núi dang tay….hai…ba…
Tiếng nhạc trỗi lên, tiếng hát đồng thanh trỗi lên, những ánh nến như cũng bừng lên một luống sáng ấm áp diệu kỳ. Không gian ngào ngạt…lênh loang…