Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

THÁO RỜI KHUNG DĨ VÃNG




M ột buổi sáng, người đàn ông lái xe ra ngoại ô. Dọc đường tay cầm lái, mắt dáo dác dọc ngang. Anh cho xe chạy tới chạy lui những quãng đường xa xa có ao hồ loang bóng nắng. Con đường viền bởi cánh đồng hai bên dài đến hút tầm mắt. Trời trong, xanh biếc trên cao và ruộng bắp chập chùng thẫm xanh bên dưới. Chợt người đàn ông đạp thắng, và cho xe lùi lại. Anh vừa phát hiện một con đường đất nhỏ mọc tách ra từ đường lớn, len lỏi giữa những thân cây um tùm lá phong. Anh cho xe chạy vào cái lối mòn ấy.
       Xe chạy ì ạch trên con đường đất gồ ghề. Hai mắt người đàn ông đảo quanh. Mặt trời đã lên cao. Nắng đổ xuống chói chang, làm sáng lên cái biếc xanh của bầu trời. Anh cho xe chạy chậm lại khi thấy một bờ nước loang loang phía sau những lùm cây rậm. Anh đậu xe sát lề, nhanh nhẹn bước xuống. Cỏ dại êm như tấm thảm dầy dưới chân. Anh nghểnh cổ nhìn. Trước mặt anh là một cái ao rộng thênh thang, lấp lánh ánh nắng.
       Anh mở cửa xe lấy ra một cái hộp giấy bồi vuông vức. Anh mở hé nắp hộp. Một con rùa màu xám ngỏng cao cổ. Con vật thụt ngay đầu vào trong cái mai dày khi ánh nắng ùa vào trong hộp.
       Người đàn ông ghé sát miệng vào cái hộp mở hé nắp, thì thầm, “Lisa! Tao phóng sinh cho mày đây, con gái ơi.”
       Cầm chắc cái hộp bằng cả hai tay, anh bước xuống bờ nước. Anh đặt cái hộp xuống đất, hai tay đỡ hai bên mai rùa, nhẹ nhàng thả con vật xuống nước. Mặt nước xao động. Khung trời xanh nhăn nhúm thành những vòng tròn đan rối vào nhau. Anh đứng nhìn con vật chìm dần xuống làn nước trong, lẫn vào những nhánh cỏ và rong biếc xanh. Con rùa uể oải quơ quào bốn cái chân sần sùi như thể vừa giật mình thức giấc. Rồi con vật trồi lên, ngểnh cao đầu lên trên mặt nước. Và nó bơi vòng lại phía bờ chỗ anh đứng, cái đầu vẫn ngểnh cao, rồi thụt xuống. Rồi lại ngểnh cao như thể cố hít thở thứ không khí đồng quê trong lành. Trong cái bể cá chật hẹp ở nhà, anh chưa bao giờ thấy con rùa chuồi cái cổ ra dài đến như thế. Anh chăm chú nhìn. Rồi anh móc túi lấy điện thoại di động ra. Anh muốn quay một khúc phim để kỷ niệm, nhưng chợt nghĩ đến thằng em trai. Nó phát hiện ra thì nhất định là lớn chuyện.
       Anh cất điện thoại vào túi, và anh nói cho một mình anh nghe, “Hãy sống cho hết đời mình!” Mắt anh đăm đắm nhìn con rùa đang ngóc cao đầu phía trên mặt nước. Những vòng tròn lăn tăn lan rộng trên mặt ao. Bầu trời xanh gẫy khúc, nhàu nhò trong tấm gương lung linh của nước.
       “Còn lưu luyến gì nữa hở Lisa?” anh lẩm bẩm.
       Những buổi chiều trống trải, không biết làm gì, anh ngồi nhìn con rùa o ép trong cái bể thủy tinh hẹp. Con rùa thường thả trôi lờ đờ sát vách kính, lơ láo hai con mắt. Anh không biết nó nhìn anh hay nhìn cái gì, hoặc nó có thực sự đang nhìn thấy anh không. Những lúc ấy, thằng em trai đi qua, thường ngoái cổ lại, nói, “Lisa nói chuyện với anh đấy.”
       Em trai anh đặt cho con rùa cái tên mỹ miều của một cô gái. Có lần anh hỏi, “Sao mày biết nó là con gái?” thằng em không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ quả quyết, “Trai hay gái gì cũng là con cưng của tôi. Nhưng tôi thích con gái hơn nên đặt tên cho nó là Lisa là hợp lý.” Rồi chỉ vào con rùa dường như đang chăm chú nhìn anh từ phía trong hồ nước thủy tinh, “Nó hỏi chuyện anh đó.”
       Một lần kia anh hỏi lại, “Nó hỏi cái gì?”
       Thằng em nhanh nhảu – như thể nó chỉ chờ anh buông ra câu hỏi ấy, “Nó hỏi anh làm gì mà lúc nào cũng ủ rũ như thế.”
Và thằng em sà đến bên anh, ghé sát mặt vào cái hồ nước thủy tinh, nói với con rùa, “Anh ấy bị tâm thần. Hội chứng hậu chấn thương đấy. Trước khi qua đây anh ấy ở tù. Phòng biệt giam. Cái phòng nhỏ hơn cái hồ nước của mày đấy Lisa ơi.”
       Thằng em mua hay tìm ở đâu đó được con rùa này từ khi nó chỉ to hơn đồng hai mươi lăm xu một tí. Nó nuôi con vật trong cái hồ cá nhỏ. Ban đầu con rùa còn bơi tới bơi lui được, bây giờ nó to gấp hai chục lần lúc mới mua về và thân hình nó chiếm đầy cái hồ. Nó chỉ còn có thể nổi lên, chìm xuống chứ nhích tới là chạm cái đầu, nhích lui là chạm khúc đuôi cái mai vào vách kính. Con rùa trở thành tên tù chung thân trong phòng biệt giam, giống hệt như anh.
       Anh tần ngần đứng bên bờ ao nhìn con rùa thả nổi trên mặt nước.
       “Trả tự do cho mày đấy!” Anh nói. Câu nói quen thuộc. Lúc trả tự do cho anh, người ta cũng nói cái câu giống như thế. Chỉ khác mỗi một chữ tạm, “Trả tự do tạm cho mày đấy!”
       Cái cổ vẫn vươn dài, con rùa bập bềnh cạnh bờ nước, vẽ lên những vòng sóng nhỏ, lan tỏa khắp mặt ao làm cái nền biếc xanh của bầu trời nhăn nhúm.
       “Mày không muốn đi à?” Anh hỏi con rùa. “Trả tự do thật chứ không có tạm đâu!”
       Cái đầu con vật vẫn nhấp nhô trên mặt nước.
       Trên bờ, anh cũng gật gù, “Tao hiểu. Ở tù lâu quá, đâm ra quen, mình thành con ốc, phòng giam thành cái vỏ an toàn. Lúc chúng nó trả tự do, mình như con ốc bị lột vỏ, mình không muốn ra. Tao hiểu.”
       Anh nói ra cái điều lẩn quẩn trong đầu anh từ lúc ra tù đến giờ. Lúc chúng nó trả tự do cho anh, anh cũng có chút gì đó lưu luyến với cái phòng giam nhỏ như chiếc hộp, như chiếc quan tài chật chội đã giam cầm anh mấy năm trời.
       Nhiều lần anh hỏi thằng em, “Mày giam giữ nó như vậy để làm gì?”
       Thằng em gân cổ cãi, “Ai cũng cần một con thú cưng. Nuôi con rùa có chết ai đâu.”
       Anh cằn nhằn, “Trời sinh ra nó, cho nó bơi lội tự do trong ao hồ, mày lại nhét nó vào cái hộp như cái quan tài…”
       “Anh bị hội chứng hậu chấn thương rồi,” thằng em ngắt lời anh. “Phải đi bác sĩ tâm lý sớm thôi.”
       Một hôm trong lúc chở mẹ đi chùa, anh đem chuyện con rùa ra nói với mẹ, bà bảo, “Kệ nó đi, để mẹ đi mua chim về phóng sinh thay cho con rùa, chứ em mày nó yêu con rùa ấy như con, bắt nó thả đi đời nào nó chịu.”
       Anh suy nghĩ mãi. Nhiều đêm ngủ không được vì hình ảnh con Lisa nhích tới đụng vách kính, nhích lui cũng đụng vách kính cứ hiện ra rõ nét trong đầu. Cuối cùng, anh quyết định một mình. Sáng sớm anh lấy xe đi công chuyện, nhưng quay về khi nhà không có ai. Và anh bắt con rùa, bỏ vào cái hộp giấy, lái xe ra ngoại ô, tìm chỗ nào có sông rạch.
       Anh nhìn quanh. Trời trong. Nắng ấm. Gió dịu dàng mơn man trên cổ, trên mặt. Gió như những ngón tay một người con gái. Mùa xuân tràn đầy không gian. Con rùa được phóng sinh đúng mùa xuân. Về với sông nước nó sẽ sống lâu hơn. Mà cho dù không sống lâu đi nữa thì nó cũng vẫn còn được nhấm nháp mùi vị tự do.
       Con rùa vẫn nổi bập bềnh. Cái đầu nhấp nhô, hai lỗ mũi nhỏ như hai cái chấm thập thò trên mặt nước. Chắc cái không khí tự do đang làm nó ngỡ ngàng. Bị giam cầm từ lúc vừa nở ra từ trứng, lớn hơn đồng hai mươi năm xu một tí. Và cũng nặng hơn đồng hai mươi năm xu một tí. Bây giờ to như cái đĩa và nặng trĩu cả hai cánh tay người nào cầm nó. Nó đưa mũi lên trên mặt nước để hít thở cái bầu không khí lạ lẫm ấy. Thằng em bảo mua nó về khi nó còn nhỏ xíu, thả vào bể nước nó còn đủ chỗ để bơi đảo qua đảo lại. Chắc bị giam lâu trong cái bể chật ấy, hít thở bầu không khí bưng bít ấy đã quen, bây giờ thế giới mở ra mênh mông đất trời, nó bỡ ngỡ, ngại ngần.
       “Cứ đi đi, Lisa, rồi sẽ quen. Thế giới của mày là ở dưới ấy, con ạ. Không phải trong cái bể nước mà mỗi ngày thằng người quăng vào cho một ít đồ ăn nhạt thếch ấy đâu. Đó là trại giam. Không ai được phép giam cầm ai. Ai cũng có quyền tự do bởi trời sinh ra là như vậy.”
       Anh lẩm bẩm một mình. Ra tù ít lâu, được bảo lãnh qua xứ sở tự do, cuộc sống không đến nỗi chật vật nhưng anh lại bị cái tật nói một mình. Cái tật nhiều khi làm mẹ anh giật mình. Những lập luận sắc bén mà đêm nào nằm co trong phòng biệt giam anh đều lặp đi lặp lại cho mình nghe. Anh đã từng dự tính sẽ đọc cho bọn chúng nó nghe cái ngày chúng nó đem anh ra tòa để xử.
       “Bơi đi, sông nước là thế giới của mày, Lisa ạ.”
       Anh bước lại sát bờ ao. Mũi giầy chạm xuống mặt nước. Anh chỉ cần cúi xuống, đưa tay ra trước là anh có thể chạm vào mai con rùa. Anh ngồi nhìn nó. Nó cũng nhìn anh. Anh biết chắc chắn nó đang nhìn anh. Bởi cái đầu nhỏ bé của nó bập bềnh nhưng bất động. Chắc hẳn Lisa đang chăm chú nhìn gã khổng lồ đã đem nó thả xuống đây. Gã khổng lồ mà tướng tá che khuất hẳn một phần bầu trời trên đầu nó. Gã khổng lồ mà mỗi chiều vẫn ngồi nhìn nó ngọ ngoạy trong cái lồng kính chật hẹp.
       “Bơi đi đi. Đừng lẩn quẩn gần bờ, chúng nó sẽ bắt mày nữa đấy.” Anh nói.
       Con rùa lắng nghe. Anh nghĩ vậy. Bởi anh thấy cái đầu nó nhấp nhô như thể đang gật gù tán đồng.
       Những vòng tròn lan tỏa sau mỗi cử động nhấp nhô của cái đầu con vật.
       “Lisa, đi được rồi đấy, bơi ra xa đi.”
       Con vật vẫn lềnh bềnh một chỗ, cái đầu ngóc lên trên mặt nước.
       “Lisa!” Anh gọi lớn tên nó. Thằng em vẫn bảo con rùa nghe được và biết nhận ra tên gọi của nó. Anh không tin nhưng thằng em quả quyết như thế. Có thể thằng em nói đúng vì nó đã nuôi con rùa từ khi con rùa còn bé tí. Lisa là thú cưng của nó. Nhưng nó chỉ có mỗi một việc là mỗi ngày ném cho con rùa một ít thức ăn mua sẵn ở tiệm bán thú vật và lâu lâu thay nước hồ. Còn anh, anh có thể ngồi hàng giờ ngắm con rùa lờ đờ nổi lên, chìm xuống trong cái bể cá chật hẹp. Thằng em của anh quả quyết nó không thương thứ gì trên thế gian bằng thương con Lisa. Nhưng thương đến đâu mà giam cầm người ta như thế thì cũng là không được. Anh tin chắc như thế.
       Anh băn khoăn. Hay là con rùa không muốn được thả. Đó cũng là quyền tự do của người ta – hay của bất kỳ sinh vật nào. Trong phòng biệt giam anh đã cãi cọ với chính anh như thế. Anh chia đầu anh ra làm hai phần. Mỗi bên bám chặt vào một lập trường và cương quyết dùng mọi lý lẽ để đánh bại lập trường của bên kia. Những cuộc tranh luận sôi nổi giữa anh và một đứa không phải là anh – dù vẫn là anh – hào hứng tới mức nhiều lần bọn cai tù dộng thình thình vào cánh cửa sắt và mở hé cái lỗ nhỏ tuốt trên cao, nhòm vào xem có phải anh đang nổi cơn điên lên không.
       “Có phải mày không muốn đi không hở Lisa?” Anh hỏi vu vơ. Và anh nghĩ đến nỗi gian nan khỉ phải lén đem Lisa về, trả nó vào cái phòng biệt giam chật hẹp của nó.
       “Có phải mày muốn sống trong cái bể cá chật hẹp ấy không?”
       Không ai trả lời anh. Ngay cả cái đứa hay góp ý lôi thôi trong đầu anh cũng lặng thinh.
       “Trả tự do cho mày đấy!” anh lập lại cái câu một thời anh khao khát được nghe người ta nói với anh. Chợt anh ngần ngừ. Trán anh nhăn nhúm. Câu ấy người ta nói với hồi nào anh không còn nhớ nữa. Nhưng chắc chắn người ta đã nói như thế. Trả tự do tạm cho mày đấy. Cái câu bùa phép. Phải nghe được câu nói ấy rồi thì anh mới ra về tự do được, dẫu là tự do tạm.
       “Trả tự do cho mày đấy!” anh hét lên. Tiếng hét vang vọng trong cái quạnh vắng của vùng ngoại ô, xô vào những tàng cây rậm lá – át tiếng con chim nào đó đang hót véo von – và vọng về tai anh, nghe xa xôi huyền hoặc. “Bơi ra xa đi. Hay là mày bị hội chứng hậu chấn thương nữa rồi?”
       Con rùa vẫn bập bềnh trên mặt nước ao. Anh thọc tay xuống nước, đẩy nhẹ vào cái mai sần sùi của con vật. Cảm giác mát lạnh lan tỏa trên da. Con rùa chìm xuống rồi nổi lên. Đầu ngỏng lên cao. Và nó nhanh chóng xoay người bốn chân chèo chống đều nhịp. Con rùa lặn vào làn nước trong, lẫn vào những lau lách, rêu xanh và tan biến vào khối màu xanh xám của những nhánh mềm mại của loài thủy sinh.
       Anh thở phào. Thì ra con vật chờ một cái chạm nhẹ vào lưng nó, như con người chờ một vòng tay ôm, một câu dặn dò mà kẻ đưa tiễn thường thì thầm bên tai kẻ lên đường, “Nhớ cẩn thận!”
       Đó là giây phút kỳ diệu nhất anh có được kể từ ngày chia tay một cuộc tình mấy năm về trước.
       Sau mấy giây đê mê, chìm đắm trong hoan lạc, anh bừng tỉnh, anh hét vang, “Đừng để lọt vào tay chúng nó nữa!”
       Và anh chợt nhớ câu dặn dò ấy, cũng từ ai đó nói với anh, lúc anh được phóng thích.
       Trên đường về, lòng anh hân hoan như thể vừa mới làm xong một điều gì đó lớn lao cho nhân loại. Anh bóp kèn, vẫy tay với những chiếc xe chạy ngược chiều. Và anh cười với mọi người.
       Về đến nhà, vừa bước chân lên bậc thềm, anh đã nghe tiếng thằng em la lối ầm ỹ. Và tiếng mẹ anh nhỏ nhẹ như dỗ dành.
       Bước vào nhà, anh cố hỏi bằng giọng tự nhiên, “Chuyện gì vậy?”
       “Con Lisa bỏ đi mất rồi.” Giọng hằn học của thằng em.
       “Bỏ…” Tim đập loạn lên trong lồng ngực, anh ngập ngừng, “bỏ… đi đâu mà mất?”
       Thằng em bò lê dưới sàn nhà, nghiêng đầu nhìn vào những xó kẹt dưới gầm cái ghế dài trong phòng khách. Anh nhìn quanh. Bàn cà phê, hai chiếc ghế nhỏ bị dời chỗ. Bộ tủ chè bị kéo lệnh ra khỏi vách tường.
       Mẹ anh xớn xác, “Con Lisa lại bỏ đi nữa rồi.”
       Anh lắp bắp, “Làm cách nào… bỏ đi… cách nào?”
       “Ai mà biết,” mẹ anh nói.
       “Đứa con gái hư hỏng. Nó đã bò ra ngoài hai lần rồi.” Thằng em trai đang hì hạch bò lê trên nền nhà, vểnh cổ lên nói. Anh chợt thấy lòng lắng xuống. Và anh mỉm cười, nói chuyện về con rùa mà nó làm như đang nói về một đứa con gái đua đòi hư hỏng. Lisa đã làm cách nào đó mà thoát ra khỏi cái hồ cá chật hẹp ấy những hai lần. Vậy là nó cũng đâu muốn bị giam cầm. Rõ ràng là không con vật nào trên mặt đất này – dù bay lượn trên không, ngược xuôi trên mặt đất hay lượn lờ dưới nước – chịu sống trong cái lồng chật hẹp. Trong đầu anh, hiện rõ hình ảnh con Lisa tung tăng bơi lội trong làn nước trong xanh, giữa những rong rêu uốn éo và cây lá biếc xanh. Anh mỉm cười với hình ảnh ấy, và anh buột miệng nói nhỏ với con Lisa, “Đừng để chúng nó bắt lại.”
“Anh nói cái gì?” Thằng em ngểnh cổ lên hỏi.
       Anh vội vã lắc đầu.
       “Đừng nói chuyện một mình nữa!” Mẹ anh nhắc.
       Lúc đi qua cái hồ cá trống trơn, anh cố giấu một nụ cười. Trả tự do được cho con Lisa, anh cảm giác như sợi dây buộc chặt anh vào khung dĩ vãng âm u vừa được tháo rời. Từ nay hai anh em chả còn phải cãi cọ về chuyện tự do và nô lệ, và thằng em cũng không có lý do gì để hối thúc anh tìm bác sĩ tâm lý để chữa hội chứng hậu chấn thương nữa.

31 tháng 05, 2021





VVM.16.11.2021 - minh họa của damau.org.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com