N goại là ông giáo làng đã về hưu, tính ngoại ít nói hay trầm ngâm, ở tuổi lục tuần mái tóc ngoại đã trắng như màu sữa. Lúc còn bé, tôi vẫn nhớ mỗi buổi sáng ngoại hay ngồi ở chiếc ghế trường kỷ đặt phía ngoài. Một bình trà nóng trên bàn với sáu cái ly nhỏ đơn sơ trên chiếc dĩa thô, có bề mặt toàn màu xanh biển của những họa tiết liên kết ngược xuôi. Ngoại ngồi se điếu thuốc, mở nắp chiếc bật lửa cũ, xoẹt…xoẹt, hút một hơi nhẹ rồi phả vào không gian làn khói trắng đục. Lâu lâu ngoại nhấm nháp miếng trà ấm đã được rót sẵn từ trước khi quấn thuốc. Cuộc đời ngoại gắn liền cùng đức tính siêng năng cần mẫn, cứ lặng lẽ suy tính và làm. Có một tối, sau khi làm bài tập xong tôi cũng tập tành uống trà với ngoại. Bất chợt ngoại nói:
- Làm người phải biết siêng năng chịu khó, tự mình sai biểu mình, nếu cứ làm biếng riết sẽ quen thói. Tôi dạ một tiếng rồi đưa mắt nhìn ngoại, đôi mắt ngoại sáng, một ánh sáng hiền từ nhân nghĩa. Có lẽ câu nói “Lao động là vinh quang” nói lên đầy đủ nhất quan niệm sống của ngoại. Từ những ngày còn làm ông giáo ngoại vẫn không nề hà việc cuốc cày sớm hôm. Một buổi dạy thì một buổi ra đồng, đêm đến lại ngồi đọc sách tới khuya, và tôi tự tin được di truyền từ ngoại ở vấn đề này. Công việc nào ngoại cũng dồn cả công sức để làm, làm bằng cả tâm huyết.
Ông ngoại đã về với ông bà cách đây khá lâu. Cuộc đời con người ta có sinh thì có tử, nên dù có muốn níu giữ sự sống nhiều hơn nữa thì vẫn phải chấp nhận sự thật này. Ngoại vốn thích nghề bác sĩ nhưng khi xưa không có điều kiện học, cuộc đời rẽ lối sang ngang ngoại bén duyên với nghề gõ đầu trẻ. Tôi còn nhớ, những ngày cuối năm của lớp 12. Khi đang tất bật với việc làm hồ sơ thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Ngoại cười bảo:
- Con thi vào trường Y đi, làm bác sĩ cuộc sống sẽ đỡ cực, kinh tế sẽ tốt hơn và cũng mau làm giàu.
- Dạ, con thích làm giáo viên ngoại ơi! Tôi trả lời nhanh nhảu, một cách không cần suy nghĩ. Bởi vì, sức học của tôi không thể với tới đó được và vì một lẽ tôi sợ hình ảnh cầm dao kéo đối mặt với bệnh nhân. Nói đúng hơn là tôi nhát gan.
- Mày làm giáo viên khó giàu như người ta lắm, làm bác sĩ đi mở phòng khám vài ba năm là dư của để ăn con ơi.
Tôi méo mặt trả lời:
- Học bác sĩ nhiều năm lắm ngoại ơi…!
- Vậy thôi thì học bên Dược, trung cấp hay cao đẳng gì cũng được. Hai ba năm rồi ra mở quầy thuốc bán, thu hập cũng khá đó con. Tôi im lặng rồi lại lí nhí trong miệng, nhưng con vẫn muốn làm giáo viên… Thế đó, ngoại có bao nhiêu lí do kêu tôi vào ngành y thì tôi cũng có ngàn lý do nói không, hoặc là chống đối.
Không chỉ riêng tôi mà hầu như các anh chị bà con với tôi đều được ngoại hướng vào ngành y. Như một sự gởi gấm giấc mơ áo trắng vào thế hệ sau. Thế nhưng có một sự trùng hợp lạ lùng, ngoại có bao nhiêu người con gái làm cô giáo thì có bấy nhiêu dượng giáo là rể. Đến đời cháu cũng có hơn bốn năm đứa theo nghề giáo, chỉ có một đứa con của dì 7 thi đỗ bác sĩ. Nhưng lúc đó ngoại đã không còn, coi như cũng an ủi phần nào hương linh của người đã khuất.
Cho tới bây giờ, các anh chị em tôi cũng như mấy dì vẫn thường hay nhắc đến ngoại. Từ những hình ảnh thân quen, những hoài niệm như ăn sâu trong tiềm thức. Lâu lâu tôi lại hứng khởi nói một câu rõ to với dì út:
- Ly à, chặt cho ba trái dừa.
- Dạ, chờ chút con chặt cho ba! Rồi hai dì cháu nhìn nhau cười. Tôi luôn giả giọng điệu của ngoại ngày trước để chọc dì và có lẽ những lúc ấy tôi nhớ ngoại nhất.
Dì út lại tiếp:
- Mày nói câu đó làm tao nhớ ông ngoại, cứ chiều chiều ngoại hay cầm cái ca đi xuống kêu chặt dừa mỗi khi nóng trong người.
- Dạ, nhớ thiệt he dì. Hỏng biết giờ ngoại ở đâu?
Câu hỏi biết trước câu trả lời của tôi như đi trúng kẻ hở của nỗi niềm, ví như tảng băng lạnh bị tan chảy đột ngột, dì út đứng lặng, đảo mắt cúi xuống như để che dấu điều gì bất chợt hiện ra trong mắt.
Tôi lớn lên, sống trong sự đùm bọc của ngoại. Lúc nhỏ tôi là đứa khó nuôi cứ hay đau ốm. Ông ngoại là người chở tôi đi tìm thầy tìm thuốc và luôn dặn bà ngoại ở nhà nấu cháo trắng sẵn cho tôi, khi về có ăn liền để còn uống thuốc. Rồi những khi lên cơn sốt, ngoại cứ hay canh chừng, lâu lâu lại rờ trán xem cháu đã bớt chưa. Từ giấc ngủ miếng ăn ngoại luôn để tâm đói hoài, không rầy rà lấy một câu. Bởi vì được sống với ngoại từ nhỏ cho nên bao nhiêu gia tài của ngoại tôi được hưởng đủ. Gia tài đó không là sự sản vật chất, nó là những điều tốt đẹp cao quý hơn hết. Đó chính là tâm tính hiền lương biết thương yêu giúp đỡ mọi người. Là hình ảnh một con người chân trần vai áo bạc, sờn màu sương gió, quần quật ngày đêm dưới cánh đồng bạt ngàn gió nổi.
Gia tài ấy càng được nhân đôi trong chiếc tủ gỗ nâu cũ thiệt cũ, với những tấm kiếng được lắp ở bốn mặt thân trên đã bị ố màu không còn trong trẻo nữa. Trong đó, những cuốn sách được sắp chồng lên nhau, cuốn to cuốn nhỏ đủ các khổ và đặc biệt là có cả ba ngôn ngữ: Anh, Pháp, Việt. Cuốn nào cũng chứa đựng cả chân trời tri thức. Với tính tò mò vốn có, trong những ngày bé con ấy bàn tay tôi đã lật giở gần hết các trang sách của ngoại. Tôi thích màu tờ giấy, nó đen thui thủi hơi nâu có cái mùi mốc của lớp bụi mờ. Chỉ việc lật giở từng trang sách thôi cũng làm tôi xúc động khó tả. Cảm giác như mình được tiếp xúc với các cổ nhân, mặc dù chữ tây chữ tàu gì đó tôi không hề đọc được một câu. Có lần tôi lật giở thấy trong đó có một cuốn kinh Phật, tôi quay sang hỏi ngoại:
- Kinh Phật là gì vậy ngoại?
- Là những lời nói của Phật được ghi chép lại.
- Vậy, ông Phật ở đâu vậy ngoại? Ngoại nhìn tôi mỉm cười, Phật nằm trong tâm của mỗi người. Tôi mở to mắt đầy ngạc nhiên, đưa tay gãi gãi đầu cùng với mớ bòng bong khó hiểu nổi. Mà thôi, lớn lên mình sẽ hiểu. Tôi nghĩ vậy và thôi không hỏi nữa.
Ngoại luôn thương yêu và lo lắng cho tất cả các con cháu không riêng gì tôi. Đôi khi tình thương yêu cùng sự quan tâm không cần phải nói ra lời, mà chỉ có thể cảm bằng tấm lòng.