C
hưa bao giờ từ Canada qua Mỹ và trở về Canada lại mệt mỏi nhiêu khê như lúc này.
Delta variant hoành hành trở lại, nên bất cứ ai vào Mỹ và Canada đều phải làm Covid Test, dù đã chích vaccine.
Mười ngày ở Arlington, Texas, tôi không dám đi thăm viếng bất cứ ai, chỉ tiếp xúc với gia đình và họ hàng cho funeral của Ba, ngày nào cũng uống hai ly chanh ấm để tăng sức đề kháng. Ðứa cháu làm ở Dallas hospital kể, bệnh viện đón bệnh nhân covid tới tấp, rồi nghe tin Governor của Texas bị nhiễm Delta dù ông ấy đã chích đủ vaccine…làm tôi choáng váng, vội vàng ngồi xông ba bữa với nồi nước xả, gừng, vỏ chanh trước khi làm PCR test.
Sáng sớm hôm đó, anh tôi chở tôi đến phòng lab ở Carrollton, cách Arlington 45 phút lái xe, để làm PCR test. Vì an toàn cho mọi người, họ sẽ làm test ngay tại parking lot khi mình ngồi trong xe. Chúng tôi tới nơi, ngay parkinglot có tấm bảng, đại khái là, nếu làm test đi China thì đậu xe khu vực này, nên anh tôi đậu ở khu bên cạnh. Một lát sau, cô y tá bước ra, đến thẳng xe tôi, hơi khó chịu, chắc cô nàng nghĩ tôi không biết đọc cái bảng thông báo nên đậu xe lộn chỗ, bèn hỏi tôi cộc lốc: “Chinese ??”. Nghe dễ giận hông, tôi tính hỏi “nhìn tui giống Tàu lắm hả?”, nhưng tôi đành nhịn để việc làm test êm xuôi, kẻo cô nàng lên cơn giận, ngoáy hai lỗ mũi tôi thiệt đau để trả thù, và quan trọng hơn, tôi cần kết quả negative, để được về Canada. Tôi vênh mặt hãnh diện: “I am Canadian!”, nghe vậy cô ta đổi thái độ, mỉm cười, đón lấy passport rồi tiến hành làm test cho tôi mau chóng. Tôi vẫn không hiểu, tại sao dành riêng khu đậu xe cho những người test đi China, để làm gì, họ được test kiểu đặc biệt ưu tiên hay vì lý do nào khác?? Có ai ở gần đó, nếu có dịp đi qua, kiểm chứng và tìm hiểu giùm tôi, địa chỉ phòng lab ấy là: Realtime Laboratories Inc, 4100 Fairway Drive, Ste #600, Carrollton, TX 75010.
Giờ tới chuyện mấy anh hải quan của Mỹ. Tại sân bay chuẩn bị bay qua Mỹ, nhân viên hải quan hỏi tôi qua Mỹ có chuyện chi, tôi trả lời, for my dad’s funeral, rồi ổng im lặng, mặt lạnh như tiền, hơn cả mặt James Bond, đưa lại passport, ngoắc tay ra dấu cho tôi qua. Khi trở về Canada, cũng câu hỏi đó, cũng câu trả lời đó, chàng hải quan Canada nhìn tôi ấm áp, lịch sự: “I am sorry to hear that!”
Chị bạn bên Úc cũng “hùa” vào góp chuyện: Chị đi Mỹ nhiều lần và đều không ưa hải quan Mỹ. Lần đó chị đến Denver để ski, ông hải quan hỏi, cô từ Úc qua Mỹ làm gì, dạ tui đi ski, bên bển không có chỗ ski hở, có chớ nhưng tại Úc đang mùa Hè, sao cô hổng đợi tới mùa Ðông, nghe lãng xẹt không em, cuối cùng cũng cho chị qua sau khi hỏi một đống câu hỏi vô duyên.
Ông xã tôi định cư Canada từ năm 1977 thì kể rằng, hồi đó còn “thanh bình”, dân Mỹ và Canada như người một nhà, đi qua biên giới của nhau dễ như đi chợ, chỉ cần photo ID là đủ. Thời còn là sinh viên Ðại Học Ottawa, vào mùa Ðông, những dịp cuối tuần, anh ấy thường cùng bạn bè lái xe qua biên giới tiểu bang Maine để trượt tuyết. Ði riết rồi quen, có khi gặp đúng officers Mỹ quen mặt, họ nhìn thùng xe thấy chất đầy dụng cụ skiing là cho qua luôn, khỏi cần xem giấy tờ. Có lẽ sau vụ Sept 11 và BLM, cảnh sát và hải quan Mỹ sợ bị “khủng bố” hoặc bị “Chí Phèo ăn vạ” nên phải làm bộ mặt nghiêm trang lạnh lùng để… an toàn chăng?
Cho tới nay, chỉ có vài phi trường lớn ở Mỹ đón nhận International connecting flights trong đó có Denver và Chicago, nên số hành khách tồn đọng, đợi chờ rất dài, và chuyện delaying xảy ra như cơm bữa. Lượt đi của tôi từ Denver qua Texas bị trễ 4 tiếng. Có điều, họ chỉ báo cho hành khách từng tiếng một. Ban đầu bảo delay một tiếng, sau đó gần hết thời gian chờ đợi, họ lại bảo… trễ thêm tiếng nữa, rồi cứ như thế đến lần thứ tư, có ông hành khách nổi sùng, la lớn, lần sau làm ơn cho biết một thể để ổng còn…đi ngủ cho trọn giấc.
Lượt về, tôi chuẩn bị sẵn vài cuốn sách để đọc phòng khi chuyến bay bị delay, thế nhưng ba chuyến Arlington – Denver – Vancouver – Edmonton rất đúng giờ, tuy nhiên trong thời gian layover ở Denver tôi nhận được hai tin buồn từ quê nhà. Mỗi ngày đọc số liệu người chết vì Covid do chính quyền Việt Nam công bố, tôi thường nhân đôi nhân ba lên cho chính xác, vì cộng sản có nói thật bao giờ, và thật đau lòng trong số đó có hai người quen biết thân thiết của tôi.
Chị thứ hai, hơn tôi một tuổi, từng ở chung trại tỵ nạn Thailand. Chị rớt thanh lọc trở về Việt Nam, tôi và “người ấy” của chị đậu thanh lọc và khi lên trại transit làm chung văn phòng Cao Uỷ Ðịnh Cư của trại. Tôi và chị, qua facebook thường ôn lại những kỷ niệm trại tỵ nạn, tôi kể cho chị nghe thời gian làm việc chung với “người ấy” của chị, chị kể cho tôi nghe mối lương duyên “chẳng giống ai” của chị và “người ấy”. Mới đây chị viết trên facebook chuyện bị sốt, khó thở, tôi và vài người có hỏi thăm, chị bảo mới đi chích vaccine về bị hành, tôi hỏi chích thuốc gì, chị chưa kịp trả lời thì phải nhập viện và từ giã cõi đời quá bất ngờ.
Suốt chuyến bay tôi vẫn còn bàng hoàng, vẩn vơ những ý nghĩ về cuộc đời vô thường. Mới xong lễ tang của ba tôi, rồi liên tiếp hai người thân quen đã bị dịch covid lấy đi mạng sống khi tuổi đời còn trẻ.
Máy bay vừa hạ cánh xuống Edmonton Airport, chạy từ từ trên runway, rồi nối vào terminal, tôi cùng các hành khách lục tục tháo seat belt, đứng lên, chuẩn bị ra khỏi máy bay, đợi khoảng hơn mười phút thì Captain từ trong cockpit yêu cầu mọi người ngồi lại ghế, seat belt cẩn thận. Chuyện gì vậy cà? Máy bay đã nối vào đường gate của terminal rồi thì còn chờ đợi gì nữa!? Chả lẽ trong máy bay mới có hành khách có triệu chứng covid? Tôi ngao ngán, cả ngày mệt mỏi bồng bềnh trên những chuyến bay, chỉ mong được về nhà, sợ lại phải làm covid test lần nữa và lại phải quarantine…
Khi tôi viết những dòng chữ này thì bang Alberta của tôi vừa ra thông báo lockdown trở lại từ ngày 16 tháng 9, mọi người phải lại đeo masks, tuân thủ mọi điều giãn cách như cũ, sau khi đã từng hớn hở “mở toang” mọi thứ hồi đầu tháng bảy. Lúc ấy, trong khi ai cũng reo vui, tôi có e dè, tuyên bố với bạn bè là tôi sẽ vẫn tiếp tục mang mask…suốt đời, nên bây giờ họ quay qua trách tôi “cái miệng ăn mắm ăn muối” nói sao là có y chang vậy! Tôi cười trừ và vẫn giữ vững lập trường, sẽ mang mask dài lâu, vì như mọi người đã thấy rồi đấy, “Delta chưa qua mà Mu sao vội tới!?”
Bạn bè bảo tôi điên, mà tôi có máu điên từ… bé rồi! Có điều, máu điên…dễ thương, khi lên cơn hổng cắn xé gì ai hết á, mà là điên vui vẻ, điên lạc quan giữa “đời là vạn ngày sầu”. Cho nên dù còn phải “sống chung với dịch”, nhưng chuyện gì cũng phải qua đi, giống như cơn mưa ngoài khung cửa, có bão bùng tả tơi, thì tôi cũng vẫn ngắm mưa mà làm thơ, để chờ đến lúc trời quang mây tạnh!
Và chuyến đi “bão táp” sẽ bỏ lại phía sau, theo cơn mưa gió của cuộc đời!