Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TÌNH XA của LÊ KÝ THƯƠNG

BÂY GIỜ BỎ NHAU



T ôi thường rất ít khi cải cọ, nhất là với chồng, cho đến khi nào anh quá đáng, cả hai có thể có lời qua tiếng lại, có khi sôi nổi, cải tận tình, nhưng sau đó huề, cười, rồi đâu vào đó. Lạ, lần này, thay vì cải lý đến nơi đến chốn, không hiểu sao tôi thản nhiên, không thèm nhìn anh, quay ngoắt qua hướng cầu thang đi xuống tầng hầm, đến dựa người và nín thinh trên chiếc ghế dài, Tôi ngồi đó, ngồi trong im lặng chờ đợi những cảm xúc thường tình quen thuộc như những dòng nước mắt sẽ lặng thinh chảy dài trên khuôn mặt xanh xao đang thiếu sức sống, chờ đợi nghe ngóng những ấm ức giống như những con sóng lớn nhỏ sẽ dồn dập cuộn xoáy phập phồng trong lồng ngực thiếu hơi, chờ đợi những co thắt buốt nhói làm trái tim sẽ đau thốn đến bật máu đến rũ liệt.

 

Tôi chờ đợi, chờ đợi, ngồi hắt hiu chờ đợi gì tôi không biết trong không gian im ắng của căn phòng thoáng, ấm, thân mật, ngổn ngang màu sắc. Hồi lâu. Hình như lâu lắm, tôi ngước mắt, lơ đãng nhìn quanh, ánh mắt tôi lướt chậm rãi trên những bức tranh sơn dầu đủ loại lớn nhỏ sắp đặt cao thấp đầy nghệ thuật trong ánh sáng chấp chới trên những vạt cây vừa hồi sinh bên cánh cửa nhỏ. Tự dưng tôi thấy lòng mình nhẹ đi, được ve vuốt, mềm lại, lâng lâng… bỗng, tôi giựt mình vì nghe tiếng hót reo vui của con chim lạ, ngóng cổ nhìn ra kịp thấy một bóng vút trong bầu trời đầy gió.

Những ngày sau đó khi chạm mặt với chồng, tôi ngạc nhiên thấy mình thơ thới. Có lẽ khi con người ta đã vượt qua được cái mức ưu uất thì người ta sẽ không còn thấy phiền nảo nữa chăng? Nhưng tôi biết rõ anh không còn gì ràng buộc với tôi. Anh không còn gì cần thiết cho tôi… Vì thế, tôi không cần phải vất vả vẫy vùng từng giờ trong huyễn tưởng viên mãn tự tin hạnh phúc. Tôi sẽ thoát ra những cẩn trọng dè chừng, nhẩn nhịn, tha thứ trong những năm tháng chật hẹp mà có lúc nó đã làm tôi gần ngộp thở. Tôi cũng sẽ không cần phải cố gắng hơn nữa với những gượng gạo vô ích giống như đóng kịch để làm yên tâm các đứa con đã trưởng thành của mình.

 

Bây giờ, tôi nhẹ lắm, như không. Thong thả nhấm nháp từng chút cảm giác mới mẽ lạ lùng này.

 

Ly café còn ấm để trên bàn là lời xin lỗi của anh trước khi rời nhà. Mỗi buổi sáng anh thường rời nhà với những lý do hợp lý để mất hút suốt ngày mà tôi không hề biết anh đi đâu, đến đâu và làm gì? Tôi không uống ly café, đặt nó ở một chỗ dễ thấy – tôi muốn anh biết, thôi đừng làm những điều này nữa cho tôi.

 

Tuy không nói chuyện, thậm chí cũng không nhìn thấy mắt nhau, nhưng chúng tôi gặp nhau, mỗi ngày, có khi còn ngồi ăn chung bàn, đùa giỡn đầm ấm với các con. Tôi thấy cư xử với nhau như vậy đẹp lắm, không cần thiết phải làm khó nhau, khóc lên, ầm ĩ lên, và nhất định không làm mình xộc xệch đi, xấu đi, hèn đi. Cũng đâu cần ( nếu anh chưa muốn ) mất công kiếm, tìm những ông bà luật sư, rồi hẹn anh ra đó, làm bộ đóng kịch, ngồi thẳng lưng mặt lạnh lùng ký xoẹt trên những tờ giấy trước khi cật lực thật tình bới, tìm, riết róng hàng tỷ những điều vụn vặt, rồi dè bỉu, bào chửa, đổ vấy lên mình anh hàng trăm thói hư tật xấu.

Chúng ta khi bước vào đời có trăm đường để chọn. Lúc bế tắc, cùng đường vào ngã rẻ có ngàn lối lớn nhỏ để đi. Có ai biết ngã nào tốt nhất, phải không ? Tôi mong muốn chọn cách nào càng tránh những điều gây hư hao hay thương tổn cho anh và giúp mình vượt ra những câu thúc để n

Một hôm, đứa con gái dè dặt hỏi tôi “ Mẹ! chuyện gì mà mẹ giận bố ?” Tôi biết người nhà của tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên, vì họ đã quen rồi hình ảnh người đàn bà thanh mảnh tươm tất, ít bi lụy, giận hờn và không hề muốn quan trọng hoá cuộc đời…. Tôi đắn đo muốn trả lời với con gái “ Không giận” rành rọt, dứt khoát, hoặc tôi sẽ giải thích thêm điều gì đó, lẩn quẩn những lý do nhập nhằng của anh và tôi. Dĩ nhiên, để lên án hoặc bào chữa, chắc chắn tôi sẽ thiên vị, sẽ ăn gian, dành những điều tốt đẹp nhất về mình. Thôi. Không nói, tôi chọn cách làm thinh và xoay qua giỡn hớt với thằng cháu ngoại duy nhất vừa tới thăm, và nhớ ra mình hạnh phúc đó chứ, sao nói đắng!

 

Sống với nhau gần bốn mươi năm. Giai đoạn này anh và tôi đang vào chặng chạy đua khốc liệt cuối đời để… chết! Bỗng bỏ nhau, rời nhau, tắt ngúm, như người đầu sông kẻ cuối sông. Bất ngờ đó, có chút lạ hoắc nữa, nhưng thật tình, tới giờ tôi chưa kịp mường tượng ra sẽ có những chông chênh hụt hẫng gì chờ đợi trước mắt mình, cũng như tôi không tin, không hình dung ra được những thị phi bàn tán, khen chê sau lưng mình. Nếu tôi là một nữ lưu lịch thiệp, hấp dẫn, yêu liền, sống thử, ác liệt, nổi đình nổi đám với nhan sắc nẩy lửa, mê hồn… Thì đó lại là chuyện khác, đó mới là chuyện để thiên hạ mặc sức bàn tán vẽ vời, nếu không, sao tôi không thản nhiên !

 

Anh và tôi đã có với nhau thời gian dài khắng khít, đã sống qua những năm tháng nghèo đói tại quê nhà, rồi tiếp nối những tất bật, chạy đua trong đời sống vội vã của một thế giới tân tiến với những cố gắng lớn nhỏ, đàng hoàng chu toàn theo kịp nó. Thời trẻ tuổi chúng ta đã vắt cùng kiệt sức lực của mình, riêng tôi, làm nghề dạy học nhưng lại đạt quán quân về nấu cơm, nuôi con, giặt, rửa, dọn, mọi thứ trong ngoài. Bây giờ thêm nhiều tuổi, dư chút thì giờ, quay sang gánh với con một chút nặng, đỡ với con một chút cực, ghé vai chia với con một chút tình – chăn giữ mấy đứa cháu, để thấy mình chưa bị đào thải, chưa bị bỏ xó, không ai cần nữa. Ngoài ra, tôi còn có những đam mê thích thú khác, viết và vẽ là những say mê mới, là nơi trú ẩn rất riêng tư đầy hoan lạc của tôi. Tôi thích vẽ, vì khi đụng vào khung vãi, thì những hình ảnh, những hư tưởng cứ miên man quấn quýt thủ thỉ vỗ về tôi vào miền màu sắc chập chùng lấp đầy khoảng không lẻ loi đổ nát trong lòng.

Tôi có những suy nghĩ mà hình như có ông họa sĩ hay người nhạc sĩ nào nó đã nói giùm: Cuộc đời có những chuyện kể bằng thơ, văn, nhưng cũng có lúc phải vẽ thì mới nói hết những điều mà mình muốn mang đến cho những người chung quanh.

 

Ly thân không có gì là ghê gớm hết. Cuộc sống như mọi ngày, chỉ là vắng tiếng nói, cười, cằn nhằn, bời rời của anh và tôi. Vì thế không có cớ gì để tôi cố tình tạo thêm cơ hội cho anh, để rồi phải trở lại, lập lại những gì vừa buông bỏ, dứt rời thảnh thơi.

Sẽ có một ngày, khi anh và tôi đã quên chúng ta từng là vợ chồng, lúc ấy, chúng ta sẽ quay mặt lại, làm người bạn, ban tặng nhau những điều tử tế mà không đòi hỏi đền bù cân xứng, tình cảm đó thật là dễ chịu, phải không? Huống chi anh và tôi còn có một hoài niệm đẹp về một thời tự nguyện, say mê, dâng hiến, một thời hạnh phúc chói lọi. Một thời như thế có lẽ cũng đủ cho một đời, anh hả.

 

Ngôi nhà, sau những sinh hoạt chung huyên náo tiếng cười giỡn chạy nhảy của trẻ con, thường im ắng. Bên ngoài, đang có những đợt mưa mau, tiếng mưa rất nhẹ, lướt qua cùng tiếng gió chạy đuổi rào rào trên những vệt nắng không còn chói gắt như nấn níu, tiếc nuối một mùa hè qua thật nhanh trong thành phố thường se lạnh quanh năm. Tôi thủng thẳng đi pha cho mình ly trà rồi say sưa nhìn ngắm cảnh vật loang loáng qua khung cửa. Hốt nhiên, tôi đi vội vào phòng, lôi ra khung vải, đặt lên giá và loay hoay nôn nao với những nhát màu đầu tiên. Thế rồi màu này kêu réo màu kia, chắc chắn đêm nay tôi lại mất ngủ.





VVM.17.10.2021/thuyvi

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com