Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TRĂNG VỀ

C ó bao giờ từ khung cửa sổ hay ban công nhà, bất chợt bạn ngước lên và nhin thấy trăng ? Chắc là có. Mặt trăng nghiêm nghị, lạc lõng giữa bầu trời thành phố nhưng hình như giữa bạn và nó có một sợi dây. Bạn ngắm nhìn và rồi trang sách hay công việc hay một cú điện thoại bứt bạn ra nhưng bạn vẫn cảm thấy sự có mặt của nó, bởi nó đang làm cho bạn day dứt vì một ngọn gió trên cánh đồng, một tàu lá chuối ướt sương, một mùi hương của bông hoa gì đó từng có mặt trong cuộc đời bạn. Và những kỷ niệm, tôi đoan chắc là ai cũng có hình ảnh của ánh trăng trong quãng đời nào đó của mình. 

Bấy giờ nhóm chúng tôi còn có năm người, hiện chỉ còn có năm người sau khi đã mất thêm bốn người nữa trong vòng hai năm sau Tết Mậu thân. Nước bắt đầu bó chân nhóm người trong chòi cứ, thứ nước của đồng trũng mỗi năm một lần đến hẹn lêu bêu vàng vàng do cây cỏ bị nhấn chìm lâu ngày. Những liếp chuối xìu xuống như bị chất độc, đưng sậy ngoi ngóp loi thoi, còn chăng là những cây gáo, cây trâm bầu như những gã đàn ông gan lì bám trụ. Những con nhái nhảy lên bấu víu vào lá cây, những con còng bò lang thang trong chòi còn lũ rắn thì di chuyển rung rung giữa những thân sậy để tìm những chỗ trú ẩn không có hơi người. 

Chòi cứ mà nhóm chúng tôi đang phải rời bỏ nằm trên một bờ đìa lúc nầy đã không còn tá túc được vì nước đã tấn công toàn bộ mấy cái hầm bí mật. Cũng có thể nương dưới lục bình hay móc hầm kiểu hang ếch cặp mé đìa khi giặc càn vô nhưng như vậy thì thật là phiêu lưu cho nhúm người có tới hai cô gái và hai người lớn tuổi. Nhân có tuần trăng, chú Tư Thọ nhóm trưởng quyết định chuyển chỗ sau khi đã cùng anh thanh niên duy nhất của nhóm đi thực địa ở một bờ ngàn gần bên. Dời cứ có nghĩa là bắt đầu lại một núi công việc, từ dựng chòi cho tới làm giàn hong củi, từ đấp tường đấp công sự tới đào một loạt hầm bí mật kèm theo hầm chông, bãi lửa để khi giặc áp vào thì mọi người có thể yên tâm thu dọn và biến mất dưới mặt đất. Công việc hầu như phải tiến hành vào ban đêm để các loại máy bay và các vọng gác của đồn địch ở hai đầu kênh không phát hiện được. Và trăng, trăng như người thắp đèn hỗ trợ, trăng động viên chúng tôi khi mỏi mệt, trăng làm cho lũ muỗi như cũng bớt hung hãn hơn.

Chuyến xuồng của tôi và chú Tư Thọ là chuyến chở đồ nhà bếp và các thứ linh tinh đi sau chiếc xuồng của một mình chị Nguyệt. Như mọi khi, anh thanh niên Vững và chú Tám-thuồl phải có mặt từ trước để dọn nền, đấp tường, khoảng giữa là những chuyến xuồng do Nguyệt cáng đáng vì hai chú cháu tôi sức yếu mà tay chân lại chẳng ra gì. ở chuyến chót nầy, xuồng của Nguyệt đi trước, giữa những bờ ngàn là những vạt ruộng hoang có những đường mòn trên đầu đưng đầu lác do xuồng của dân cứ tới lui công tác hay đi giăng lưới, đặt lờ, bắt ốc tự túc cái ăn. Vấp những bờ chuối lé đé như vậy, chúng tôi phải lội xuống để gập lưng kéo xuồng qua rồi lại ngồi chống bằng sào ngắn chớ không được đứng sổng lưng như hồi giặc chưa áp sát. Những loạt súng của hai cái đồn thỉnh thoảng khạt lên điên loạn như chúng ở trong tay những kẻ tâm thần, những cái đồn gần đến mức chúng tôi không dám chẻ cũi vào những lúc trời êm.

Nhưng những tràng trọng liên giật mình ấy chỉ khiến người ta ớn xương sống chớ không gây ra phản ứng tệ hại hơn nữa, chúng tôi đã cùng ăn cùng ngủ với chúng và cũng đã quen như quen nước nôi và muỗi mòng, chúng tôi phó thác sinh mệnh cho may rủi. Chung quanh, đạn pháo của những chi khu dành cho những vùng tự do oanh kích vọng tới ì ầm như những dàn sấm mùa hè, thỉnh thoảng lại có tiếng đi về rền rền của đám B.52 tham gia chiến dịch Nhổ cỏ U Minh. Trong cái nền của vô số âm thanh uy hiếp ấy là gì bạn biết không ? Là trăng, trăng cuối thu mênh mông buồn buồn, trăng chập chã trên cánh đồng đã chứng kiến biết bao nhiêu cái chết của cả hai bên, trăng làm cho chúng tôi ngơ ngác vì như mình không còn chỗ ẩn nấp nào trước sự truy đuổi không ngày không đêm của chiến tranh. 

Trên chiếc xuồng gồm những khúc cây cho công sự, bên trên loà xoà những chục lá của chiếc chòi cũ dở ra, tôi biết Nguyệt phải chở nặng. Sau những loạt đạn lấy uy của giặc, chị đứng vụt lên lia sào, cái thế ngồi vì tinh thần tổ chức kỹ luật khiến chị không đưa chiếc xuồng tới đích nhanh như mong muốn. Nguyệt là vậy, sức vóc và gan lì, chị dễ dàng phản ứng như chiếc lò xo dưới sức ép của hoàn cảnh và chị hay làm theo ý mình trong những trường hợp cần phải quên mình. Dưới trăng, chị dứng trên sạp xuồng, mái tóc dày bới tém bên trên cổ áo bà ba đen, vai và hông uyển chuyển một cách quyết liệt theo nhịp sào, hai ống quần xắn tới gối để lộ đôi bắp chân mà tôi từng sững sốt. Nhóm chỉ có hai chị em, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ngủ chung, tắm chung và được bố trí chung một hầm bí mật. Những khi ngủ, chúng tôi gác chân lên nhau, làm vui nhau bằng cách gãi cho nhau những chỗ ngứa, khi rúc trong bụi hay tắm chung ở trên xuồng, chúng tôi đưa lưng cho nhau vần công kỳ cọ, khi lên khỏi hầm bí mật, là bà chị, Nguyệt thừơng đội hầm lên trước, khi ấy tôi thường ôm lấy đôi bắp chân chị để rửa ráy cho, sạch bùn cũng có nghĩa là sạch được dấu vết. Và các bạn ạ, đôi bắp chân của một người đẹp giữa khung cảnh mới ngoi từ dưới hầm bí mật lên thật giá trị, như tôi đang nâng niu một vẻ đẹp, một tác phẩm, một kiệt tác khiến người ta vui thích và cảm động, nó có sức mạnh an ủi thật sự vì nguy hiểm vừa qua đi và nguy hiểm sẽ còn trở lại, bất cứ lúc nào, sống và chết, sống chết liền nhau từng ngày một từng đêm một, không có sự kết thúc, nếu có thì cũng phải còn xa lắm. Bây giờ, dưới trăng, cái tuần trăng cuối thu thê thảm vì bị dồn đuổi, lần đầu tôi được thấy đôi chân của Nguyệt từ phía sau, trên một chiếc xuồng, ở một khoảng cách lý tưởng để người ta ngắm một bức tranh. Và các bạn ạ, và đó cũng lần đầu tôi thấy hết cái vẻ đẹp khêu gợi của nó. Một đôi chân, đôi bắp chân con gái đang yêu đang có tình yêu các bạn ạ, đôi bắp chân vốn đã hoàn mỹ, lại thêm ánh sáng của chị Hằng và đồng nước nữa, hỏi có gì đột ngột hơn? Ngồi cầm dầm giúp tôi trước sạp mũi, hinh như chú Tư Thọ cũng phát hiện ra điều ấy, một lần chú ngoảnh lại và giọng nói nghe thật khác thường :“ Cháu cũng thấy chị Nguyệt hoàn hảo, phải không Tiệp ?” Như được cổ vũ, như được vẫy gọi, tôi thay ngay cây sào dài và cũng đứng sổng lên đẩy mạnh những nhịp xuồng phấn khích, vững chãi.

Hai chiếc xuồng cặp vào bờ ngàn. Hoá ra đã từng có dấu vết của một nhóm người, chắc của một đội du kích hay một gia đình bám trụ nào đó trước khi giặc ào vô đóng đồn ở hai đầu kênh. Một cây trâm bầu đủ cao để anh chàng Vững có thể trèo lên quan sát địch tình, dưới đó là bình bát chen với lách và một cái vòm dây bòng bong hình mui ghe. Chị Nguyệt nhảy lên trước, như thói quen, chị quay lại chờ xuồng của tôi và chú Tư Thọ để đỡ đần. Chị kéo mạnh mũi xuồng và bật cười dòn dã khi thấy chú cháu tôi ngã ứ hự ra sau, tay bê cây ớt hiểm trồng trong chiếc thau sứt, chị bắt chước cái giọng phân trần run run của chú Tư Thọ mà chúng tôi đã thuộc lòng : “Đừng có bực bội, nữa rồi các cháu sẽ thấy ớt nó cần thiết cho người già như thế nào !”. Anh chàng Vững chạy ra, chú Tám-thuồl chạy ra và với thói quen pha trò bằng cách đặt lại tên cho mọi thứ trong tầm mắt hoặc trong ý nghĩ, chú ta góp thêm :  “Thuồl hử, tưởng quên chậu thuồl rồi ! Sao hồi đó ông bà mình không kêu là thuồl mà là ớt, ta ? Thuồl, nghe hay hơn, lên mâm cơm chú Tư Thọ sẽ hỏi Nguyệt ơi Tiệp ơi có thuồl không, sao không hái thuồl, hả ?” Không hiểu sao cái gì ông mình cũng thích đổi thành thuồl, nói riết rồi chỉ mỗi ông mình cười, vừa cười vừa nhìn chị Nguyệt cái nhìn nhiều ẩn ý. Bỗng ông nhìn xuống và lập tức không cười nữa, như bị vấp. Anh chàng Vững cũng đứng lặng để nhìn trong lúc chị Nguyệt lăng xăng đi tới đi lui ôm ôm vác vác. Sự thản nhiên và vô tư của vẻ đẹp dưới trăng, nó khiến người ta bàng hoàng và đau khổ chứ không phải sung sướng. Cảm thấy không khí lặng căng chung quanh mình, chị Nguyệt ngừng tay chống nạnh lên làm tỉnh : “Trời, nửa đêm rồi, sao đứng tần ngần hết vậy ?” Chú Tư Thọ đến gần chị như thể dỗ dành: “ Thả hai ống quần lại kẻo muỗi với vắt nó làm thịt, Nguyệt !” Thật may cả nhóm còn được chú Tư, chú không làm lụng được nhiều nhưng chú là chỗ dựa cho mọi người ngay cả khi chú ngồi lặng thinh bên chén nước gạo rang hay trầm ngâm nghe đài. Trong khi đó chú Tám-thuồl làm được tất cả, từ nện tường đào hầm cất chòi cho đến bắt rắn bắt lươn nhưng thỉnh thng tôi vẫn bắt gặp sau lưng nhóm trưởng, chú ta hay có ánh mắt lén lút hướng về chị Nguyệt. Đó là ánh mắt của một gã ăn cắp nhút nhát trước một báu vật, chỉ cần gã với tay ra, nhưng gã không làm nổi điều đó vì nhiều lẽ, có thể là vì tất cả.

Chúng tôi tiếp tục công việc không nghỉ dưới trăng. Trăng chập chờn hơn khi phải đi qua kẽ sậy, vào trong nền chòi ẩm thấp. Như mọi khi, Nguyệt và tôi gánh phần cái bếp, mấy viên gạch làm ông táo, cái chính là làm ngay giàn hong củi sao cho lúc nào củi cũng đượm để nó không gây ra những bựng khói dưới tán cây dù chúng tôi đã phải thức khuya nấu nướng cho tất cả những bữa ăn trong ngày. Sát khuôn bếp cũng là sát cửa sau của cái chòi, Nguyệt nhô người nhón chân lên quan sát phần cuối con bờ, kêu lên : “ Eo ơi, có một cụm cây ngoài kia có  thể làm nhà tắm được. Để rồi sáng mơi chị lội ra đó coi sao, từ đây ra đó có một đoạn ngập phải xắn quần lội nghen mậy Tiệp!” Tài xoay sở của Nguyệt tôi không lạ, chị sẽ phăm phăm làm việc đó mà không cần đến anh chàng Vững hay chú Tám, rồi sẽ có cái phòng tắm có nền và vách bằng những thân sậy thân lách vừa ấm áp vừa đàng hoàng, chị vốn cẩn thận với việc đứng ngồi thay thiệm vì giữa chúng tôi là những người đàn ông trong hoàn cảnh ăn chung nằm chung dưới một mái chòi. Đó là việc của ngày mai, bây giờ, ở sát chỗ bếp, chị em tôi bắt đầu dựng cọc tự khôi phục tấm vách thấp ngăn khu vực của hai đứa với ba người kia. Trên nền chòi xì nước sẽ là một lớp sậy, trên nữa là tấm liếp rộng của hai chị em, vì được cưng chiều như một cô út, tôi thường phải nằm trong để khi chị Nguyệt dậy cơm nước, tôi có thể ngủ nướng được. Đã từng có những đêm trăng như đêm nay, trăng khẽ khàng lọt qua kẽ lá rồi nhón nhén chui qua khe tường đất chống đạn nhọn, nhiều lần tôi thấy chị Nguyệt nằm nghiêng bên kia vách mùng, tấm khăn dù vắt ngang bụng, ống quần bà ba rộng sơ sểnh để lộ cái bắp chân thường khiến tôi ngỡ ngàng vì sự thiên vị của  tạo hoá. Nhưng cả một đôi chân trần sinh động dường ấy dưới ánh xanh huyền ảo như buổi dời cứ tối nay thì quả là tôi chưa từng thấy, có lẽ vì, vì tôi không còn là cô thiếu nữ nữa, vì tôi đã đến tuổi để ý đến những cái nhìn vụng trộm của chú Tám-thuồl, hay vì tôi thấy cái chết lúc nào cũng nhe nanh múa may bên cạnh ? Không biết nữa, chỉ biết đôi chân ấy thật phi phàm, nó khiến người ta bị ám ảnh và nghẹn thở khi nghĩ đến sự phí phạm và tàn nhẫn của chiến tranh. 

Sáng sớm hôm sau, khi đã thắp đèn ăn bữa cơm dằn bụng ở cái bếp mới, chú Tư hạ lệnh cho cả nhóm trở lại nền chòi cũ vì hầm hố bên đó phải mất mấy đêm nữa mới xong. Trong lúc hai đứa tôi lo cơm nước, Vững và chú Tám Thuồl lo thực địa cái bãi lửa sẽ mọc lên dọc hai bên mạng bờ. Đêm về củng cố cứ mới, ban ngày bồng chống sang chỗ cũ chờ động tĩnh từ phía giặc, thời gian lặp đi lặp lại cái nhịp điệu đêm thức ngày lê thê vạ vật. Trước kia chúng tôi giết thời giờ bằng tulơkhơ, nghe đài và nghe chú Tám-thuồl nói chuyện tiếu lâm, chiều xuống nếu không đi công tác thì chui vô mùng viết bài soạn tin hay ghi nhật ký. Từ ngày toàn bộ cánh nhà in bên kia giang đồng bị chỉ điểm đưa bộ binh giặc càn vô khui hầm bốc lên máy bay toàn bộ máy móc phương tiện ra báo, chúng tôi thành đám người bó gối văn ôn báo luyện chờ thời. Không còn những cây thanh niên đi thực tế chiến trường, hai ông già hai cô gái với cái chân chạy là anh chàng Vững loay quay che che đỡ đỡ để tồn tại qua ngày và cấp trên cũng chỉ muốn các nơi bảo toàn mà thôi. Cuộc chiến đang vào giai đoạn ngàn cân treo sợi tóc, sinh mạng của từng người còn nhỏ và mong manh hơn sợi tóc ấy nữa. 

Những buổi trưa, sau khi nằm chán, Nguyệt hay kéo tôi dậy dạy cắt dạy may, may kim tay từng mũi một như may máy, dạy dệt long hai những lỗ rách để nó nổi hơn, trông như một miếng vải trang điểm chứ không phải  miếng vá. Tôi thích những lúc chị đặt đầu tôi dựa trên đầu gối để dùng lược “giết”gàu hoặc nặn mụn cám cho. Tôi nghe ngực chị ấm như tấm nệm, nghe mùi mật ong của hơi thở, khi đó tôi thường nghịch ngợm luồn tay vào ống quần thoa thoa cái bắp chân thon mềm mát rượi. “Có bao giờ anh Tiến đòi vẽ chị khoả thân chưa ?” - tôi mơn trớn hỏi. Chị nhiếc một ngón tay vào trán tôi : “Con quỷ ! Tắm còn không dám tắm lâu sợ chết trần chết truồng, ở đó khoả thân ngồi mẫu !” “Nhưng sao tranh hay minh hoạ của anh Tiến hay có các chị cán bộ hoặc du kích vo quần với hai bắp chân giống hệt chị ?” Chị nheo mắt mơ màng cười không nói, cái khoé miệng hơi trễ dòn dòn rất duyên. Tôi cũng trầm ngâm theo :“Bây giờ đồn bót giăng giăng, anh chị gặp nhau khó, chắc nhớ lắm ?” Chị đong đưa tôi trong lòng, xa vắng : “Có nhớ lần ảnh đội lục bình đi kiểu đặc công vượt mấy cái đồn không ? ”Tôi phụng phịu thay cho chị: “Vậy mà tới đây mấy chú cho uống gạo rang rồi xua về ! Hôm nào đó chị tìm cách cho đi, thấy hai người vậy em thương lắm !” “Cho gì, con quỷ ?” chị giẩy nẩy nhìn vào mắt tôi, gương mặt trái xoan hồng lên rồi đỏ lựng, tôi thấy rõ từng mao mạch căng lên dưới làn da trắng mỏng làm cho đôi mắt và đôi lông mày đen óng hơn, chị mắc cỡ hay ngây ngất, chỉ có chị mới biết gia tài trên người chị, tất cả phẩm chất của vẻ đẹp mà chị được ưu ái đã lần nào được cho chưa, phải, chỉ có riêng chị. Nguyệt và hoạ sĩ Tiến là hai thanh niên Ban tuyên huấn Khu tình nguyện đi tỉnh điểm, lúc trước việc qua lại giữa tổ hội hoạ và tổ thông tin báo chí chúng tôi còn rộng đường, mấy giờ xuồng là có thể gặp nhau nhìn nhau ăn kẹo ăn bánh và hát hò với mọi người. Từ đầu năm bảy mươi hai đến giờ, dân cứ bị săn đuổi liên miên, hầu như ai lo phận nấy, và rồi hoạ sĩ Tiến phải đi bằng cách đội lục bình qua mặt mấy cái đồn mới thăm được chị Nguyệt, đó là sự mạo hiểm ngoài sức tưởng tượng của mọi người nên nhân danh tinh thần tổ chức kỹ luật, hai tổ đã không cho anh lặp lại chuyện đó nữa. Tôi biết phải nhớ nhung một người như chị Nguyệt thì đó là nỗi đau chứ không chỉ là nỗi  buồn, nỗi khổ. Quê chị ở đâu đó tận U Minh, nơi người ta đi xuồng giỏi hơn đi bộ và qua chị, tôi hình dung được những gì kỳ diệu liên quan đến bông tràm và mật ong, hình như trong từng tế bào, từng đường cong, từng tiểu tiết đẹp trên người chị đều được thừa hưởng từ hai thứ đó. Một vẻ đẹp được nhào nặn để được tôn vinh, được công kênh cho mọi người chiêm ngưỡng nếu như không có chiến trận. 

Ở bờ cứ mới, muốn chạy ra công sự để tránh trực thăng moi hầm hay phải xuống hầm bí mật khi giặc đổ quân, chúng tôi men theo mé bờ triển khai ra vì chưa kiểm soát được toàn bộ bờ đất, bởi những trái nổ mai phục do những người hoặc đã rút đi hoặc đã hy sinh để lại. Sau mấy đêm phải tắm trên xuồng, chị Nguyệt trở lại với ý định làm cái buồng tắm cho hai chị em ở mô đất cách cửa sau một quãng ngập. Tôi nhớ đó là buổi xế, để tôi lại bếp nấu cơm, chị buộc khất chiếc khăn rằn qua trán, mái tóc dài đánh thành một bím to xời lên như sợi dây thừng, tay cầm rựa miệng bảo rằng, lát nữa trăng lên hai chị em sẽ có cái chỗ ít nhất cũng xong cái nền, một sợi dây máng quần áo và một bức vách, chỉ cần một bức vách để người trong chòi không nhìn thấy là đủ, bữa nay chị em mình tắm muộn, đợi nghen ! Tôi nghe tiếng chân chị phăm phăm trên quãng ngập, tiếng dọn sậy dọn lách ào ào. Và rồi một tiếng nổ, tôi lao về phía đó trong những loạt súng hí hửng của hai cái đồn bồi cho nơi phát ra tiếng nổ. Chị Nguyệt ngã ngữa, đang cố ngóc dậy để nhìn đôi chân không còn ra hình thù và, bằng tất cả sức mạnh chớp nhoáng, chị kéo mạnh tôi xuống cố gắng nghiêng người đè lên để che đạn cho tôi. Hinh như chị lào thào : “ Sao đứng trân trân vậy, đồ ngu !”

Không gì cứu được chị Nguyệt của tôi. Nhiều ngày sau họa sĩ Tiến mới nghe tin và đội lục bình đi sang, kiểu đi mà chú Tư Thọ không còn làm già với anh chàng Vững được mỗi khi anh ta bức bối. Không bức bối sao được, khi chị Nguyệt không còn nữa. Tôi thấy chú Tư Thọ còng hẳn đi trong bộ bà ba đen mỗi khi ông ngồi bên bàn viết hay chén nước. Chú Tám-thuồl thì hay réo tôi cùng nhìn ra cửa chòi hay kẽ vách mỗi khi trăng về. Những ngày đó, hoặc Vững vùng dậy đội lục bình mò sang chỗ hoạ sĩ Tiến hoặc chính người yêu của chị lần sang với chúng tôi. Anh im lặng khào khào hút thuốc và ăn với nhóm mấy ngụm cơm khô rang vàng rồi thất thểu ra về. Tôi như kẻ thất tình, cho đến khi tôi tiễn được chị Nguyệt lên trời, thỉnh thoảng, cho tới hôm nay tôi vẫn gặp chị nhìn tôi, thăm hỏi tôi qua vẻ đẹp ngậm ngùi của nó./.  


                                                    


VVM.16.10.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com