Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




CHẾ LAN VIÊN
DẬY TÔI LÀM THƠ NHƯ THẾ NÀO ?  


        

    T hay lời tựa

Tốt nghiệp khoa văn trường Đại học tổng hợp, lại làm báo được ba năm nên sự say mê văn chương bẩm sinh càng có điều kiện phát triển. Năm 1973 tôi được báo Văn Nghệ in cho bài thơ đầu tiên có đầu đề khá dài viết về anh hùng phi công cùng làng bắn Chèm bắn rơi máy bay Mỹ mà nhà thơ Phạm Hổ biên tập lại đầu đề là “Xung quanh một chiến công”cùng giải thưởng thơ do Bộ Nội thương tổ chức mà nhà thơ Xuân Diệu trong ban giám khảo trao. Hai sự kiện này đã khiến tôi nẩy ra một việc làm khá táo bạo là tập trung những bài thơ và truyện ngắn viết từ hồi là sinh viên thành tập thơ mang đầu đề “Thơ gửi ra chiến trường”và tập truyện ngắn “Chuyện vụn làng tôi” và gửi tới Nhà Xuất bản Văn học. Mặc dù vẫn biết một gã viết văn làm thơ nghiệp dư, vô danh như tôi thì chuyện được in khác chi lấy được sao trên trời. Nhưng tôi vẫn nôn nóng chờ đợi.

Không ngờ gần ba tháng sau, tôi có giấy mời của Nhà xuất bản Văn Học đến làm việc về bản thảo tập thơ.

Người tiếp tôi hôm ấy là nhà thơ Chế lan Viên biên tập viên nhà xuất bản Văn học. Nhưng nơi tiếp lại là nhà ở của nhà thơ trong khu tập thể các nhà văn, giờ là trụ sở của Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo.

Tôi còn nhớ nhà của Nhà thơ Chế Lan Viên ở căn phòng giờ là văn phòng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Vì tôi khi đến tôi thấy nhà văn Vũ Thị Thường vợ nhà thơ Chế Lan Viên cầm rổ rau vừa nhặt xong đi ra vòi nước ngoài sân rửa. Khi nghe chồng giới thiệu tên tôi, chị Thường dừng lại nhìn tôi rồi nói luôn ” Hiếu à. Tôi có đọc qua bản thảo tập truyện ngắn của chú rồi. Chú viết những người đàn bà tam toạng được đấy. Quan sát tốt lắm ”.Nhà thơ Chế Lan Viên ngồi trên chiếc chõng tre, còn tôi ngồi ở chiếc ghế đẩu.

Hồi trong trường Đại học tổng hợp văn, tôi từng cùng với Vũ Xuân Khoa ( Vũ Ân Thi), Bế Kiến Quốc lập thành một nhóm tôn thờ trường phái thơ của tác giả “Điêu tàn”, “Ánh sáng và Phù xa”… Mà nhóm chúng tôi gọi là thơ triết học. Chính vì thế nên lần đầu được gặp thần tượng thi ca của mình tôi không khỏi rụt rè, e ngại. Đó là một người đàn ông tầm thước, mặt chữ điền, da trắng, và đặc biệt đôi mắt sáng nhìn vào chỗ nào cũng như muốn phát hiện tất cả mọi điều thuộc về bản chất của sự vật. Nhà thơ nhìn gã thanh niên ngượng ngùng đang ngồi trước thoáng chút mỉm cười, sau đó nghiêm nét mặt nói:

- Anh đang tập làm thơ mà tập hợp được tập thơ thế này chứng tỏ rất trân trọng những gì mình viết, đó là một đức tính quý của người làm văn chương….

Vừa lúc đó tôi thấy một người đàn ông cao lớn mặc quần sooc ka ki mầu vàng nhạt đến lặng lẽ ngồi xuống chõng. Nhà thơ Chế Lan Viên giới thiệu:

- Đây là nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông im lặng nhìn tôi gật đầu. Chế Lan Viên hỏi luôn:

- Trong Hội nhà văn Việt Nam tôi thuộc típ người thông minh. Ông công nhận không ?

Nhà thơ Hoàng Trung Thông thản nhiên gật đầu.

- Vì thế nên tôi có thể nói cho anh những điều nhận xét về thơ anh khá chính xác mà anh nên nghe.

Tôi ngoan ngoan :

- Vâng ạ.

- Trong tập thơ của anh có nhiều câu thơ hay như “tiếng bom nổ làm méo cả vầng trăng”.Nhưng nhìn tổng thể, thì không có bài thơ nào của anh có thể gọi là thơ hay. Bên cạnh câu thơ rất hay là nhiều câu thơ dở, có khi rất dở. Đọc kĩ thấy anh có tứ thơ, thỉnh thoảng có những tứ độc đáo, nhưng anh không diễn đạt trọn vẹn và làm thăng hoa tứ thơ bằng những câu thơ và kết cấu thơ phù hợp.

- Em hiểu, vì em…

- Để tôi nói nốt. Anh có năng khiếu thơ vì đã làm được một vài câu thơ hay, nhưng người mới làm thơ như anh, nếu thấy xuất hiện tứ thơ thì gi ra rồi làm dàn bài thật kĩ xong, theo đó làm những câu thơ…

- Em nghĩ là…

Chế Lan Viên nhìn nhanh Hoàng Trung thông đang thận trọng uống từng ngụm nước nhỏ, rồi nói tiếp.

- Đây này, Lý Phương Liên là nữ mà cô ấy có những bài thơ kết cấu rất chặt, anh đừng cậy là đàn ông, con trai mà cứ nghĩ gì, đặt bút viết ngay là không thận trọng. Nếu anh muốn tiếp tục làm thơ thì nên nghe tôi.

Mặc dù cảm thấy áy náy khi nghe thần tượng nói, nhưng tôi vẫn khẽ gật đầu. Nhà thơ nói luôn:

- Giờ tôi phải đi có việc. Tuần sau anh đưa cho tôi mấy bài thơ anh mới viết, không có trong tập này, tôi xem để hiểu thêm thơ anh

Hôm đó về tôi có kể lại cho bố tôi nghe việc nhà thơ Chế Lan Viên bảo nên làm thơ theo dàn bài với vẻ không tán thành, thì bố tôi bảo:

- Con nên nghe theo lời chú Chế Lan Viên

Đúng ngày hẹn tôi mang sáu bài thơ chưa đưa vào tập bản thảo “Thơ gửi ra chiến trường” chép trên giấy khổ ba hào hai đến. Đó là các bài “Cờ của nước Việt Nam”(9/1970),”Mùa thu và tình yêu “( 8/ 1970),”Những ràng buộc” (3/1968),’Dưới cửa sổ nhà”(8/70),”Có lẽ rồi khi hết chiến tranh”(8/1970), “Cho đến bao giờ anh cởi lá ngụy trang” ( 9/ 70). Tôi nhớ khi đến thì nhà thơ đang họp ban biên tập, nhưng ông vẫn ra tận nơi nhận và nói với tôi:

- Anh rất đúng hẹn. Vậy là tốt. Tôi phải xin lỗi anh vì đang họp. Mười ngày nữa, sau khi tôi đọc kĩ sẽ cùng bàn bạc.

Mười ngày sau, tôi gặp lại nhà thơ. Khác hẳn mọi lần, trong khi tôi nóng lòng để nghe ông nói về sáu bài thơ của mình thì Chế Lan Viên lại hỏi tôi rất nhiều về công việc tôi làm ở Đài TNVN, và gia đình tôi. Khi nghe tôi nhắc lại lời bố tôi khuyên nên nghe theo “chú Chế Lan Viên làm thơ theo dàn bài” tôi thấy nhà thơ hơi mỉm cười. Ngay sau đó ông nghiêm mặt nói:

- Người ta cứ nói làm thơ là theo cảm hứng. Nhưng muốn cảm hứng trở thành một tác phẩm của bất kì thể loại nào trong văn chương cũng phải được dẫn dắt theo lý trí sáng suốt. Thơ cũng không ngoại lệ và khi làm thơ càng phải cần đến sự tỉnh táo của lý trí, nếu không chỉ là sự ghép vần, ghép chữ tùy tiện lọt tai, thuận mồm mà thôi. Thơ không có lý trí đi kèm thì không bao giờ thành thơ hay được. Đây anh mang chùm thơ của anh về, tôi đã đọc rất kĩ và xin lỗi anh đã viết lời nhận xét vào những chỗ giấy trống trên bản thảo của anh. Đó là những điều tôi đã nghĩ kĩ để góp ý cho anh. Hi vọng anh đọc và hiểu những điều tôi nói nếu anh muốn tiếp tục làm thơ…

Tôi mang bản thảo sáu bài thơ về và đọc đi đi lại đến thuộc lòng những điều nhà thơ viết. Tất cả sáu bài thơ, bài thơ nào cũng đều được Chế lan Viên đọc kĩ càng và ghi lại nhận xét một cách tỉ mỉ công phu như một người thầy. Ông vẽ ra những đồ thị tam giác giữa “Tôi”( tác giả ) em,và tổ quốc. Gạch chân dưới những câu thơ ông chua chữ “hay”… hoặc “có ý “ như khổ thơ trong bài thơ ”Những ràng buộc”

Tôi biết yêu thơ,nên chỉ một tia trăng/Xỉa qua mây trong một đêm đông/ Cũng thành dây thừng trói tôi, rít chặt/Một dẫy núi con phủ mây trước mặt/ tạo thành ngục tù tôi không dám vượt qua …

Đối với những nhược điểm trong từng bài thơ ông đều không né tránh, chỉ ra một cách rõ ràng quyết liệt “rối rắm, có khi tối mò, nhiều lúc ngô nghê. Văn viết rất ẩu”. Bên lề bài thơ “Cho đến bao giờ anh cởi lá ngụy trang” nhà thơ phê “Nếu không tự đề phòng anh sẽ rơi vào tư tưởng nhân văn đấy. Đến cái là ngụy trang mà anh còn chê làm mất cá tính con người thì…anh đừng làm thơ nữa”… và bên lề bài thơ “Những ràng buộc” ông viết “ tôi chưa hiểu anh lắm nên có thể nhận xét sai, nhưng tôi đề nghị. -Đầu tiên anh phải làm cho ý anh rõ.-Phải thật trong sáng, tránh suy nghĩ lệch lạc có thể xen vào.-Viết rất lao động , đừng ẩu….”

Cho đến bây giờ hơn nửa thế kỉ theo nghiệp văn chương, mỗi khi cầm bút viết văn tôi vẫn luôn luôn nhớ đến những điều nhà thơ Chế Lan Viên nhắc tôi để cố gắng làm theo điều ông đã dậy tôi.

Trại sáng tác Hội Nhà văn VN, Đà Lạt 7/10/2020.Hoàn thiện, chỉnh sửa 16/5/2021




VVM.16.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com