Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




ÁO TIỂU THƯ  



    Đ ùng một cái Đạo lớn lên. Thì cũng như mọi người vậy: giặc giã, giết chóc, bệnh hoạn, đói khát, hãi hùng, tuyệt vọng vẫn không ngăn được thể xác và tâm hồn con người phát triển (trừ khi nó xuôi sáu tấm), như những mầm cây nẩy từ hốc đá chỉ uống vài giọt sương và đổi lại, phải chịu đựng những đêm lạnh cắt da, những ngày dài nắng rốc; trên khô cằn nứt nẻ ấy tưởng như không bao giờ sự sống có mặt, mầm vẫn nhú, màu ngọc vẫn trong vắt vẫn mơn mởn tươi dòn. Chúng ta cứ hoài kinh ngạc trước sự sống và cái chết: cái chết tức tửơi oan nghiệt dứt khoát tàn bạo dửng dưng nhưng cũng có lúc mang ý nghĩa của một cứu rỗi; sự sống thì lì lợm dây dưa dai dẳng kiên trì mà đôi khi bất ngờ đến kỳ diệu! Hiếm kẻ dứt khoát chối từ sự sống, nhưng những kẻ còn lại không hẳn là ham sống, tuy nhiên đã sống thì phải sống cho ra trò. Lối biểu tỏ này khá rộng nghĩa vì tùy cách hiểu của mỗi người; điều đáng nói là cuộc sống càng khó khăn con người càng nỗ lực biến cải để có thể, hoặc sống có ý nghĩa hơn về mặt tinh thần, hoặc dễ chịu hơn về vật chất. Một điều đáng nói khác là chúng ta không có quá nhiều nhu cầu như chúng ta tưởng và hơn nửa, chúng ta có khả năng xoay xở và chịu đựng nhiều, rất nhiều, trong những điều kiện bất bình thường. Khi bạn đọc đọc những giòng này, giả thiết rằng bạn đang nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế, hai chân đong đưa nhàn nhã (tôi đoan chắc bạn không điên gì khi đang rối ruột rối gan vì một vấn đề sinh tử mà còn gắng đọc tôi!), bạn sẽ tự hỏi làm sao con người có thể, chẳng hạn vừa trải qua một cơn hãi hùng vì máy bay địch ném bom, bò ra khỏi căn hầm tối om, mồm đã lẩm nhẩm hát một bài hát quen thuộc; hoặc sau ngót một ngày tay dìu vợ có bầu, tay dắt con dại vừa lên ba, chạy trối chết vì súng đạn, nhưng vừa về đến thành phố đã mua vé vào ngồi xem xi-nê: một ngày cuối tháng ba năm 1975 chính kẻ viết những giòng này đã hành động như vậy, sau khi chạy từ một làng cách căn cứ Cam Ranh vài cây số (vì lực lượng không quân ở Nha Trang mang bom vào phá một cây cầu gần đấy hòng giảm bớt sức tiến quân của miền Bắc) để về Nha Trang. .

Lòng yêu đời của Đạo hay, đúng hơn , bản năng hiếu sinh, đã giúp nó ngoi lên. Bước vào trung học, nó tưởng như đã thoát được khá nhiều ràng buộc mà nó không thích, thí dụ các môn toán và khoa học tuy nó không kém nhưng tự ý bỏ bê để chỉ rèn luyện văn chương. Nó cũng mê cả âm nhạc. Trong điều kiện thiếu thốn việc học tập chỉ gồm những môn chính. Môn thể dục được thay bằng việc tăng gia sản xuất, học sinh mãn giờ học sẽ ra cuốc đất trồng cây; còn âm nhạc thì hoàn toàn vắng mặt trong chương trình giáo dục, nhưng đừng tưởng vì vậy mà lớp thiếu niên không biết gì về âm nhạc. Trái lại. Nhiều gia đình thiếu ăn vẫn gắng dành dụm tiền mua cho con cây đàn. Đạo tuy không có đàn vẫn có thể nhờ vã các bạn hàng xóm. Bọn trẻ xúm lại chơi cùng nhau và chỉ vẽ cho nhau. Cây mandoline vừa rẻ tiền vừa dễ học, nhưng thực ra sử dụng đàn mandoline cũng tựa làm thơ lục bát hoặc đổ trứng tráng: ai cũng làm được nhưng làm cho ngon, cho hay thì lại là việc khác. Mỗi ngày ngoài giờ học và đọc sách (Đạo rất yêu sách, nó đọc bất cứ cuốn sách nào rơi vào tay nó: "Sự biến đổi ở Lý Gia Trang" của Triệu Thụ Lý, "Nhật xuất" của Tào Ngu, truyện ngắn của Lỗ Tấn, văn Quách Mạt Nhược, "Sông Don êm đềm" của Cholokov, và những cuốn sách còn lại trong gia đình: Tự lực văn đoàn, sách hồng của trẻ em, Thời thơ ấu của Nguyên Hồng, Chân trời cũ của Hồ Dzếnh và ngay cả sách trinh thám Mắt thần để say mê tài ba của nhà thám tử Đoan Hùng) Đạo thả rểu đến nhà bạn bè xem thử nếu cây đàn không nằm trong tay ai thì nó rón rén đở xuống thử trémolo một phát. Nhờ biết hát và biết đàn, chẳng bao lâu Đạo được chọn vào ban văn nghệ của nhà trường, và bắt đầu được bao quanh bởi những khuôn mặt phái nữ..

Hiệp định Genève ra đời đã đóng cánh cửa về phương bắc và mở cánh cửa về phương nam. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, liên khu năm là một ốc đảo. Nó nổi lềnh bềnh một mình không cội không rễ; giờ này nó tìm lại được Khánh hòa về phía nam và Thừa thiên về phía bắc, nối lại giải dài của một nửa quê hương. Những đứa trẻ như Đạo lần đầu khám phá ra mảnh đất ruột thịt vừa trở về. Nha trang là thế giới mới, ung dung với màu xanh của biển màu trắng của cát, nó không hề biết quá khứ kháng chiến gian khổ, máu nó không mang trùng sốt rét, da nó không vàng xỉn quinine. Đạo "tha thứ" cho dửng dưng của nó từ chín năm qua vì nó đáng yêu quá. Đạo ghi tên vào trường tư vì không đủ trình độ vào công lập. Con nhà giàu khi đi học xa, bố mẹ sẽ tìm thuê nhà sẽ thu xếp cho việc ăn ở nhưng Đạo thì tự lo lấy. Cầm lá thư tìm đến người quen, nó đã đoán trước thái độ của đương sự. Thôi thì nó chỉ xin gửi lại cái bị quần áo để rảnh tay tìm nơi trọ. Nhà trọ của Đạo là vài mái tôn che trên bốn cây cột khẳng khiu của một gia đình nghèo từ Bình định vào kiếm sống, nhận Đạo để có thêm tiền đi chợ mua ăn cho cả một nhà hai vợ chồng và hai đứa con. Cuộc đời trọ học của Đạo từ đây sẽ theo nguyên tắc đó: không phải nhà thuê mà là nhà trọ và nó chỉ tìm được công thức làm ăn kiểu này nơi các gia đình nghèo khó..

Tư thục Tương Lai là một trường trung học mới lập trên giải đất mà ngày trước là những rộc rau muống. Qua nhiều năm bỏ luống, vốn liếng Pháp văn của Đạo đã rơi rụng gần hết; Anh văn: số không. Nó phải cố gắng rất nhiều mới theo nổi các bạn đồng lớp nhưng cùng một lúc, một tai hoạ đến với nó. Tai họa đến dưới hình thức của một đôi mắt, đôi mắt sắc như dao cau. Chủ nhân của đôi mắt là một kẻ có tóc dài, áo cũng dài, quần cũng dài. Tất cả đều trắng. Trừ mái tóc. Mái tóc đen như giòng mực tàu đổ lên trang giấy. Nhưng đôi mắt sắc như dao cau ấy chỉ nhìn có hai chiều, hợp nhau thành một góc chín mươi độ: hoặc nhìn xuống đất, hoặc nhìn ra xa. Đạo tìm hoài nhưng chưa bao giờ bắt gặp được tia nhìn ấy. Ngược lại, kề bên Đạo, ở bàn trên, trị vì một Xuân Lan rộn ràng, hớ hênh, nẩy nở tròn đầy, mà tia nhìn hàng ngày chiếu vào nó. Xuân Lan "chị chị em em" với Đạo. "Đạo vẽ cho chị mấy cái hoa trong bài vạn vật đi", "Đạo trình bày cho chị trang đầu tập lý hóa đi"..v..v.. Kẻ đi săn khi đưa súng nhắm con mồi thường nhắm bớt một mắt, Đạo cũng vậy; nó không nhìn thấy ai khác vì đã trót nhắm đi một bên mắt rồi; nó không nhìn thấy Xuân Lan, nó chỉ thấy có Quang. Nhưng đó là một con mồi chạy rất nhanh, rất xa; tệ hơn nữa, con mồi không hề biết đang bị săn đuổi. Vấn đề của các cậu choi choi là tìm một cô bạn gái. Quýnh quáng như những con gà mái đẻ mỗi buổi sáng chạy le te tìm ổ nhưng thay vì đi tìm một chỗ nằm, các cậu đi tìm một con vật tóc dài. Nếu cậu xoay xở dở cậu sẽ đau khổ suốt tuổi vị thành cho đến khi cậu nhận ra là mọi con đường cuối cùng đều dẫn tới La Mã. Ý tưởng làm cụt hứng Đạo là khi nhìn bất cứ người con gái nào vừa mắt, Đạo bao giờ cũng tưởng tượng là nàng đang có một người tình đâu đó. Mọi cử chỉ của nàng đều nói lên nổi bận tâm về kẻ vắng mặt. Nàng vuốt tóc? -Vì nàng đang băn khoăn về nhan sắc mình trên con đường tìm đến gặp chàng. Nàng thẩn thờ cắn môi? -Nàng tự hỏi không biết chàng ở đâu giờ này. Nàng rút mùi xoa lau mặt? -Chiếc khăn ấy phải chăng có hơi hướm chàng trai nàng yêu?.

Nữ sinh trường công mặc đồng phục trắng, nhưng ở trường tư họ mặc gì cũng được. Xuân Lan có chiếc áo hoa mầu xanh, nàng choàng tay qua vai Đạo tìm cách thuyết phục Đạo làm cho nàng việc này việc nọ. Chiếc áo hoa mầu nhạt nhưng hai bên nách gần ngay mũi Đạo mầu xanh thẩm hơn nhị hoa vàng hơn; Đạo nhận ra hơi hướm của người thiếu nữ qua vòng tay tròn lẳng. Trong giờ học, đôi khi nhìn lên giáo sư tầm nhìn bị cắt bởi vai Xuân Lan, bởi tóc Xuân Lan, bởi bàn tay đưa lên bởi nét mặt nghiêng xuống Xuân Lan. Dù không để ý đến Xuân Lan nhưng Đạo phủ nhận lối "chị chị em em" của nàng. Một hôm nó nhận ra quần trắng của nàng có vệt máu đỏ dường như đang có chiều muốn chảy dài. Nó hoảng hốt viết vội mấy chữ trên mảnh giấy nhỏ: "Xuân Lan, máu dính quần! " , xếp lại rồi giật giật tà áo nàng ra dấu. Lan hiểu ý đưa bàn tay ra sau nhận mảnh giấy. Đạo không biết nàng có đọc hay không vì đúng lúc ấy ông giáo sư toán đưa mắt về phía nó, Đạo bèn cúi đầu làm bộ nhìn vào vở; đồ chừng ông thầy đã quay đi nó nhìn lên thì bắt gặp Xuân Lan đang xé nhỏ vo tròn bức thông điệp. Nàng vo mảnh giấy với tất cả sức lực, cẩn trọng tỉ mỉ; Đạo ngờ rằng Lan không thèm đọc: nàng rất "cảnh giác" trước những mảnh thông điệp loại đó do các cậu trai táo bạo từ cuối lớp gửi lên mang những dò dẫm chòng ghẹo; rất có thể nàng đã cho rằng mảnh giấy kia cũng là thứ cùng loại. Nó thấp thỏm dò thái độ Lan và kinh hoàng nhận ra giòng máu đã di chuyển xuống xa hơn sắp đụng vào băng gỗ, ngại rằng chỉ một cử động nhỏ cũng đủ vấy bẩn cả chiếc quần hàng trắng; mà cử động của Lan thì không nhỏ: nàng ồn ào ngay trong những hành động không tiếng. Đó là một cô gái rộn ràng hớn hở và vô tâm. (Chứng cớ là nàng đã phung phí mỗi tháng những phôi châu mà thiên nhiên đã ban cho nàng không mệt mỏi không nản lòng!) Thoạt một cái, khi Đạo đã gần như quên câu chuyện thì Xuân Lan bổng đưa tay xin phép giáo sư ra ngoài và không chờ ông gật đầu, Lan xách cặp đứng lên vụt ra cửa như gió. Nàng không trở lại lớp vào những giờ sau đó. Nàng cũng lờ Đạo như chưa hề quen biết để Đạo thắc mắc mãi về lỗi lầm mà nó đã phạm..

Vì Xuân Lan, vì Quang, Đạo bèn sử dụng lần đầu quyền tự do của một thiếu niên vắng mặt người lớn bên cạnh: nó bỏ trường Tương Lai ra đi, bỏ thày Mậu dạy Pháp văn mắng học trò như giẻ rách, thầy Nhường giáo sư Việt văn nói tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt, ông cựu quận trưởng dạy toán, ông Ngân chạy vespa.. Còn nhiều nơi để nó dung thân, những Kim Yến, Thống Nhất, Lê Quý Đôn... Nhưng dù bỏ trường, Đạo vẫn còn núm níu hình ảnh Quang, không biết có nên cho đó là một mối tình dù..vượt-tuên (virtual)? Nó trở lại khi có dịp, hoặc giờ trống hoặc lúc giáo sư vắng mặt; đứng ngoài hàng rào trường đưa mắt dõi tìm. Hiếm khi nó thấy Quang và nàng thì vẫn tiếp tục tìm kiếm những gì ngoài chân trời xa. Đạo xấu hổ vì những tình cảm quái dị của nó (thời ấy tuổi mười lăm mười sáu không phải là tuổi yêu đương) nên không dám chia xẻ với bạn bè nhưng lâu dần cũng phải có kẻ hiểu ra. Hoàng Kim Thư một hôm đang ngồi trong lớp nói nhỏ vào tai nó: "Cô ta tên là Quang, tớ chắc là cậu không biết tên cô ta đâu. Tớ nói có đúng không?". Cái thằng đoảng thật! Quả là Đạo chưa biết cô ta tên gì, nhưng tại sao nó lại rõ như đọc trong bụng mình vậy? Đạo giả vờ ngây thơ cụ nhưng mặt mày đỏ tía: -Mày nói gì? Ai tên Quang? Nó không biết tên nàng nhưng dường như một linh tính báo cho nó rằng nhất định người con gái ấy phải có tên là Quang, một cái tên thường chỉ dành cho con trai. -Đừng giả vờ nữa ông nội, tớ biết tỏng ra rồi. Đã vậy thì Đạo đành thú nhận. Thư trở thành đồng lõa của nó trong việc theo đuổi Quang. "Theo đuổi" chỉ có nghĩa là lẽo đẽo sau lưng nàng, rất xa, để biết nhà nàng ở đâu, nàng làm gì ngoài giờ học, nàng có thường chơi phố không ..v..v.. Tuy chẳng có nghĩa gì cả nhưng đối với hai đứa thì đó là một đề tài sôi nổi và thú vị mỗi khi đề cập đến. Chính Thư còn say mê hăng hái hơn cả Đạo để, cuối cùng, Đạo hiểu ra là Thư đã tự lọt bẫy hắn. Tựa như hai cầu thủ cùng phe, kẻ này chuyền bóng cho kẻ kia và kẻ kia sẽ đưa bóng vào lưới; trong trường hợp như vậy người ta sẽ không gấu ó nhau..

Các ông giáo sư thời ấy đáng được gọi là lương sư. Không những họ dạy văn hóa, họ còn chăm lo đường ăn nết ở của bọn trẻ. Năm đệ tứ các ông sốt vó từ đầu niên khóa; mỗi người chịu trách nhiệm một lớp, làm thế nào để cuối năm tỷ lệ các em đỗ trung học thật cao. Nhưng trong khi thầy giáo nghĩ đến kết quả học tập thì bọn học trò choi choi chỉ nghĩ đến mấy tà áo dài. Cậu nào cậu nấy đờ đờ đẫn đẫn cứ như trên mây, không nghe giảng bài, không chịu làm bài. Ông thày cáu quá văng tục: "Các anh thần tượng hóa các cô nhiều quá! Đừng tưởng họ không có..lỗ đít!" Ông định ám chỉ một chỗ khác nhưng lỡ lời và nghiệm ra cũng có lý, bèn tiếp: "Hãy tưởng tượng các cô ấy vào nhà cầu khi bị táo bón khuôn mặt các cô ra sao thì các anh sẽ bớt mê mẩn. Phải học! Phải thi đỗ! Hãy tạm quên các cô đi! Lớn rồi hẳn hay"... Phong tục xã hội biến đổi, trên những nấc thang của một đời người ngày nay người ta không tìm thấy cái nấc của thời vị thành. Chiếc cầu nối tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành đã bị đốt cháy. Thật đáng tiếc cho giai đoạn ấy, giai đoạn đầy hoang mang, ngờ vực nhưng lãng mạn thơ mộng biết chừng nào! Đó là thời kỳ chúng ta âm thầm ra sức khám phá sự bí mật mới lạ của ý nghĩa cuộc sống bằng những nổ lực của chính cá nhân chúng ta: mỗi người một cung cách, kẻ chạy ngay đến đích, kẻ nhẩn nha nhẩn nhơ, có kẻ khám phá bằng kinh hoàng bằng sợ sệt run rẩy, có kẻ thất vọng khi đối mặt, có kẻ khi tới phút gay cấn lại vội vã thụt lùi...nhưng dù gì đi nữa tất cả đều là những chọn lựa của những kẻ không được võ trang từ trước. Võ trang ư? Cách dùng chữ nghe ra đầy mỉa mai. Chàng trẻ tuổi hôm nay nhờ những phim ảnh khiêu dâm và trăm ngàn phương tiện khác, chàng hiểu cả, hiểu huych tẹt và... hiểu sai: chàng được "võ trang" đấy! Dưới mắt chàng người đàn bà là con vật tình dục bị ám ảnh bởi cuộc truy hoan. Người đàn bà hoàn toàn bị hạ giá; tình yêu bán xôn. Và chính chàng nữa, chàng cũng đánh mất hết những ảo tưởng đẹp đẽ của thanh xuân mà có lẽ nhờ vậy, khi đã hoàn toàn trưởng thành chàng sẽ vẫn còn có thể duy trì một phần nào hương vị xưa, và cái nhìn của chàng bớt vẩn đục..

Đạo tưởng thất tình thì đau khổ; không, đối với Đạo chỉ có bẻ bàng. Một điều nữa: Hoàng Kim Thư cũng không phải là kẻ đã đá quả bóng lọt lưới mà là Long, đệ tam nhân. Hai đứa ngẩn tò te một ngày nhìn thấy Quang và Long sóng đôi, tay trong tay. Tầm nhìn của nàng lúc này ngắn lại vì đã chạm chân trời. Thư và Đạo bèn quay về làm thơ viết văn để quên sầu. Chẳng hiểu tình yêu là gì, chúng chỉ viết về những đề tài gia đình, ca tụng tình mẹ tình anh em, thi nhau gửi bài về những tờ báo dành cho tuổi thơ và bỏ tiền ra mua lại các tờ báo ấy để tìm xem có được nhận đăng hay không. Bài báo đầu tiên được chọn đăng mang lại cho chúng một lạc thú mới cũng cao độ không kém lúc bắt gặp tà áo dài của Quang trong sân trường.





VVM.7.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com