Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TRONG SƯƠNG MÙ



S ương mỗi lúc mỗi xuống thấp, dầy đặc, rút ngắn lại buổi chiều để hứa hẹn cho một đêm dài mênh mông ở những con mắt trằn trọc, khát khao tìm giấc ngủ. Bốn phía tòa nhà như tràn ngập, chìm đắm trong một biển sương. Bụi hoa hồng xơ xác ngoài khung cửa mới vài phút trước còn nhìn thấy rõ được những trái màu nâu cam tròn trịa, bây giờ chỉ còn là những cành khẳng khiu, mù mờ lay động trong gió.

Tôi với tay bật ngọn đèn. Dựa lưng thu người trong lòng ghế và mệt mỏi quấn những lọn tóc của mình áp lên môi. Mùi thơm của tóc lẫn mùi xà bông gội nhẹ nhàng thoảng lên mũi, như thầm thì vỗ về một nỗi nào đó rưng rưng, xót xa buồn tủi. Tóc đã dài quá vai, đã có thể quấn được hai vòng trên những ngón tay. Hình như lần đầu tiên tôi mới ngửi thấy mùi tóc của mình. Tôi không có thói quen, điệu bộ mân mê ấp yêu những lọn tóc. Thế mà lúc này tôi lại nâng niu chúng một cách cẩn trọng. Những ngón tay, sợi tóc và đôi môi chúng đều cô đơn và buồn bã như nhau nên quấn quít tìm đến nhau. Có phải như thế không?

Ôi những sợi tóc ! Tôi vuốt ve chúng như thế rất lâu với hai con mắt buồn rầu ngó về quá khứ. Sự tưởng nhớ nào lại chẳng mang theo bóng dáng của nỗi niềm hối tiếc, mà buồn phiền vẫn thường đi theo đó như một thứ đồng hành trung tín và tôi tưởng muốn vỡ tan, cuốn xoáy trong nỗi buồn. Như từng lớp bụi bay mù giữa xác xao nắng gió. Nỗi buồn ngày hôm nay có giống không nỗi buồn ngày hôm qua ? Những ngày tháng đã xa, mà mỗi ngày đi qua là một thách thức. Bởi chưng mỗi ngày, xen lẫn giữa những hoan hỉ buồn vui rất thực của cuộc đời, trong tôi luôn có những bất chợt xót xa thầm lặng dấy lên. – Hãy cố gắng sắp đặt lại, rồi cũng qua thôi ! Định đã nói điều ấy với tôi. Và tôi đã cố gắng ngửng lên trong thứ tiếng nói khô nhọn đắng cay ấy, đắng như những giọt thuốc phải mím môi bịt mũi uống vào dù biết chẳng cứu vãn được gì cho một căn bệnh, nhưng ngoài nó chẳng còn sự lựa chọn nào khác hơn … Tôi đã ngửng lên như thế biết bao lần, bao ngày nhưng thời gian với tôi đã chưa hẳn là một liều thuốc mầu nhiệm có thể làm biến mất, chữa lành mọi thương tích trong đời sống như người ta vẫn thường ví von.

Và suốt cả buổi chiều tôi lẩn thẩn ra vào nhớ Định bởi cái vòng thời gian khi quay đều nhẹ nhàng, lúc rã rời chao đảo ấy đang dừng hẳn lại ở hai con số đen đậm trên tờ lịch mỏng manh. Định đã tít tắp xa xăm khỏi đời sống tôi nhưng hẳn rất gần đâu đó, một nơi nào mà tôi không còn được biết bởi cánh cửa định mệnh muôn đời khép kín dửng dưng, không còn một cơ hội nào có thể mở ra cho tôi gặp lại chàng nữa. Bao giờ cũng thế, ở một nơi chốn thân quen khi Định vừa rời khỏi cũng là lúc tôi bước vào. Chẳng hẹn hò nhưng tôi không khỏi ủ ê lạnh ngắt cả toàn thân khi nhận biết điều đó. Chúng tôi luôn có những tình cờ vô lý, rất ư tàn nhẫn.Tình yêu đã đến muộn màng nên tất cả mọi điều đều đảo nghịch lệch lạc. Tôi vẫn ứa nước mắt trong cách suy nghĩ ấy.

Buổi sáng chị Hảo nhắc tôi về cái hẹn của hai đứa.

– Còn hai ngày nữa, nhớ nghe Trâm.

Hai ngày nữa tôi và chị phải vào một trung tâm y khoa ngăn ngừa bệnh tật, để làm một cuộc theo dõi tổng quát về sức khoẻ. Phải khoác trên người tấm áo choàng trắng thùng thình của viện và lượn hết phòng này sang phòng khác, linh động như những bóng ma biết cười biết nói. Há mồm trợn mắt, vạch áo đưa lưng cho từng vị bác sĩ nhìn vào nghe ngóng tìm tòi. Dơ cánh tay dâng tặng những lượng máu rồi được đền bù bằng một bữa cơm xoàng xĩnh, mà đầy đủ sinh tố bổ dưỡng. Trung tâm lúc nào cũng nườm nượp người xin xem bệnh. Những con người còn rất tha thiết với cuộc sống. Tôi không ham điều này. Cực chẳng đã, mỗi năm một lần, như những người đàn bà khác, tôi bắt buộc phải dẫn xác đến gặp vị bác sĩ chuyên môn về phụ khoa của mình, rồi thôi. Nhưng tôi chiều lòng chị Hảo. Có lẽ chị Hảo là mẫu người mà thượng đế sinh ra để làm kiểu mẫu cho đời. Chị sống rất kỹ lưỡng, khám bệnh đúng từng chu kỳ. Ăn uống đều đặn có công thức hẳn hòi để giữ gìn sức khoẻ, cân bằng thân thể cũng như để gánh vác cái cơ ngơi hạnh phúc êm ả, bình dị mà thượng đế đã ban tặng chị. Thứ hạnh phúc thật tình tôi chẳng có một ao ước thèm muốn nào khi ngắm nghía, nhưng đôi khi nhìn chị, cuộc sống của gia đình chị tôi vẫn tự hỏi rằng nó có thật hay không ở kiếp sống này ? Hay cũng là một trong những vở kịch nhan nhản mà tôi từng chứng kiến. Cũng như tôi cũng cần phải kịch để sống cho vẹn toàn. Có ai dám sống tưới hột sen, lẫn hột dền, sống thật, sống hết đời theo ý mình chưa ? Chị vẫn moraliser tôi từng li từng tí. Chị bảo tôi đứng không vững, chân thấp chân cao, rồi tôi sẽ ngã. Hãy bằng lòng, và yêu lấy những gì mà mình đang có. Tôi nghĩ, sống là một cuộc đuổi bắt, một đối kháng liên miên, không ngừng nghĩ trên mọi hình thức và đó chỉ là một cách khoanh tay ủi an, vuốt ve trước những ê chề bất lực mà thôi. Chẳng hiểu chị đã có những kinh nghiệm gió bão nào để cho tôi những lời khuyên giải như thế ? Còn tôi hình như chỉ có những ngờ vực qua cơn biến động tình cảm. Ngờ vực cả chính lòng mình, về cái gọi là tuyệt đối, là hạnh phúc, là yêu thương. Tuổi nào là tuổi để yêu thực sự ? Hay đam mê cũng được tính theo cấp số nhân, tỉ lệ thuận với tuổi tác. Tôi đã thực sự yêu bao giờ chưa ? Tại sao khi đời sống đã an bày, giữa bao muộn màng ngăn trở tôi lại có thể yêu Định nồng nàn, như tình yêu của một thiếu nữ mười tám đôi mươi ? Và cả Định, tôi cảm nhận được tình yêu của chàng nhưng tình yêu ấy chưa đầy, chưa đủ để chàng có thể vượt qua, để đạt đến mục đích cuối cùng, một kết hợp toàn vẹn. Rõ ràng là như thế. Dĩ nhiên, chẳng bao giờ tôi dám nói những ý nghĩ này với chàng. Tôi chỉ âm thầm ôm giữ niềm đau. Vờ vĩnh tự làm đẹp cho mình cũng bằng cánh áo lãng mạn thêu kết những bông hoa đạo đức. Định lãng mạn hay Định lý trí ? Hai sự việc không rõ nét. Cả hai trộn lẫn trong nhau, hổ trợ nhau, nhập nhằng. Tôi mù mờ ngơ ngác trong mọi tìm kiếm, mất thăng bằng bởi những mặc cảm. Ngay cả với chị Hảo, một đời sống êm ả thực sự chỉ là một kết luận qua một cách nhìn chung chung, hời hợt dễ dãi nơi tôi. Bởi tôi vẫn thỉnh thoảng chợt gặp những nét tư lự khó hiểu, ẩn chứa trong đôi mắt của chị. Điều gì đó trong chị tôi không rõ, có thể tôi mang nhiều tưởng tượng. Suy bụng ta ra bụng người ( Chị Hảo thường nói thế ) nhưng chẳng bao giờ tôi tin có thứ hạnh phúc tuyệt đối. Những bất chợt băn khoăn nào đó trong mắt chị Hảo, lẽ nào không dung chứa, không phản ảnh một nỗi niềm ?

Nhưng dù sao với tôi thì chị cũng rất vững vàng, vững không đủ để vực tôi đứng lên mà chỉ đủ để có thể săn sóc tôi, giúp đỡ tôi, nhắc nhở tôi như chuyện khám bệnh trong hai ngày nữa.

– Đừng ỷ y quá, lúc này chị thấy Trâm hay bệnh. Đàn bà mình phải cẩn thận bắt đầu vào tuổi này.

Tôi đi với chị cho vui và cũng để không phụ lòng lo lắng của chị. Tôi cũng không chối cãi một điều là lúc này mình yếu thật, nhưng chẳng bác sĩ nào biết được những cơn bệnh của tôi bằng tôi cả. Những cơn sốt, những cơn lạnh, những ho hen dài theo đuôi mắt ướt, những chóng mặt đau đầu, những mất ngủ tráo trơ con mắt. Tôi ngã quỵ một cách dễ dàng không khởi nguồn từ trở trời trái gió mà từ những hệ lụy vô tình đưa đẩy, đẩy đưa, từ Định… Từ những mùa gió chướng chẳng khi nào được tiên liệu trong mục loan báo thời tiết. Ngày xưa tôi vẫn thường cười cợt khi nghe nói đến những căn bệnh này, không thật, giả tạo cải lương, tưởng tượng màu mè … Bây giờ tôi mới hiểu sự tương quan mật thiết tuyệt vời giữa tâm và xác. Tâm ta đau, hồn ta héo, xác cũng héo và đau. Chẳng cần một thứ thuốc men nào, khi niềm vui đến, hạnh phúc đầy, cơn bệnh sẽ tự động ngoan ngoãn rút lui ngay. Tôi chỉ nghi hoặc về cái gọi là thần giao cách cảm. Hai lần tôi bệnh nói chẳng ra hơi, tôi sốt gần bốn mươi độ. Tôi nhớ Định và gọi cho chàng. Cả hai lần, lần nào Định cũng đều bảo là chàng cũng cảm thấy khó chịu trong người. Có thật không hay chỉ là một trùng hợp, một ủi an dỗ dành tế nhị của Định dành cho tôi ?

Tôi cười trêu chị Hảo.

– Còn hai ngày nữa, hôm nay là ngày mấy nhỉ ? Để coi lại agenda xem, biết đâu em lại quên, lại hẹn cái gì khác.

– Con nhỏ này lẩn thẩn, đến cả ngày tháng cũng quên.

Chị nhắc lại ngày và luôn cả tháng trong nụ cười như có một chút nhăn nhó. Tôi cũng nhăn nhó theo. Có Chị Hảo tôi không dám cúi xuống, không ngẩng lên. Tôi ngó khoảng đường trước mặt. Sương mù đã tan từ lâu. Nắng rực rỡ, phản chiếu thứ ánh sáng sắc nhọn từ những phiến gương đục của tòa nhà cao ngất cạnh đó.

– Sao tự dưng lại ngơ ngẩn thế này ?

Tôi không thoát được cặp mắt tinh tế của chị.

– Chị nhắc đến ngày mười ba làm em sợ, ngày xui phải không chị ?

– Có phải thứ sáu đâu mà xui với xẻo. Chị nhớ Trâm vẫn nói ngày mười ba là ngày hên của Trâm mà.

Tôi nhíu mày.

– Tại sao chị lại nói thế ?

– Chứ không phải Trâm đã lấy được bằng lái xe ngày mười ba sau bao phen vất vả đó chăng !

– Thôi em về, đôi khi định mệnh cũng khởi đầu từ những sự may mắn.

– Lại văn vẻ nữa rồi, coi chừng định mệnh nằm trong thứ văn chương của Trâm đó, cứ tưởng tượng cái gì rồi nó sẽ vận vào đời mình cái đó.

Câu nói không làm tôi lạ lùng vì chính đó là những suy gẫm của tôi trên bao sự việc đã xảy ra trong đời mình, mà có lần vui tôi đem ra kể lể bàn bạc cùng chị. Tôi không muốn nói gì thêm với chị Hảo. Tôi cần một nơi chốn, thèm được một mình. Chị Hảo cũng chẳng muốn tìm hiểu gì nữa nơi tôi, đã từng bất thường như trời mưa trời nắng.

Tôi đi về trong tiếng cười trong vắt của chị mà không cười đáp trả nổi một nụ cười chia tay. Trời đẹp quá, sau mù sương của đêm tối, khí hậu bao giờ cũng ấm áp. Tôi vẫn thường ngây ngất với những đổi thay tuyệt diệu của thiên nhiên, nhất là những ngày bắt đầu vào xuân như khoảng thời gian này. Nắng như lụa mềm óng ánh mơn man trên cỏ, trên hoa. Thành phố đầy những hoa, đủ mọi loại hoa nở dọc suốt quảng đường tôi về. Hoa thì thầm trong nắng. Thứ nắng mời gọi những bước chân tình nhân quấn quít trên những công viên gần, những ngọn đồi xa. Thứ nắng rủ rê tưởng tượng, khát khao được thong dong, yên bình ở một cánh rừng nào đó và tôi bỗng nghe thèm quá đỗi một vòng tay, một hương hơi ấm êm quen thuộc, một ngày nào đã mất hút, xa xôi …Tôi lắc đầu, tôi thường hay lắc đầu, những cái lắc đầu không kềm chế đã có từ bao giờ tôi chẳng nhớ nhưng đó là những lúc tôi nhớ chàng. Tôi nhớ chàng và tôi như miên man trong cơn mộng du suốt quảng đường dài. Chẳng bao giờ tôi có thể đi bộ được lâu đến thế. Tôi trở về với đôi chân mỏi, lâng lâng một niềm vui mộng mị với nhánh hoa được biếu tặng tình cờ.

Cánh hoa vàng, Corête, tên một loại cúc Nhật Bản không phải là điều tôi mong mỏi ngắm nhìn khi dừng chân trước ngôi nhà đó mà là một chuỗi hợp âm được nâng niu, ve vuốt nhẹ nhàng từ những ngón tay của một bàn tay phải điêu luyện nào đó, dàn trải tận cùng giai điệu buồn bã cuả khúc Sonate 14 vọng ra từ khung cửa. Không là đêm, vậy mà tôi như ngẩn ngơ cuốn hút theo dòng nhạc, theo từng cụm ba, những chấm đen buồn, rải ra từ đêm huyền hoặc của Beethoven dành tặng Clara cho đến khi tiếng nói được cất lên từ cuối khu vườn. Người đàn ông tuổi độ quá ngũ tuần với cán cuốc đang cầm trên tay đang bước tới nhìn tôi cười mỉm.

– Hoa đẹp nhưng thưa thớt quá phải không cô ? Nó chỉ nở nhiều vào khoảng giữa tháng Năm khi thời tiết thật sự ấm áp.

Bây giờ tôi mới nhận ra một vài bông hoa vừa nở, e ấp khép nép trên một cành thấp ở bờ tường cạnh đó. Người đàn ông lại tiếp lời như để giúp tôi thoát khỏi sự lúng túng không thể tránh được.

– Tôi chưa thấy có người nào ngắm hoa một cách say mê như cô.

Tôi không nỡ để ông ta thất vọng vì sự suy đoán lầm lẫn, dù là một lầm lẫn nhỏ. Tôi nói dối trơn tru.

– Vâng, hoa đẹp quá. Tôi vẫn thích những nhánh hoa thưa thớt đơn lẻ. Cái gì ít vẫn quý, vẫn dễ đập vào mắt. Nếu là một cây cành đầy đặc những hoa là hoa chắc tôi không nhìn như thế đâu. Hoa đẹp, nhạc hay và tôi có say mê trong khung cảnh này đâu phải là một điều vô lý. Phải không thưa ông ? Tiếc rằng tôi đã không có thêm được một ánh trăng !

Ánh mắt của người đàn ông long lanh, toát ra những nét kiêu hãnh trong cái nhìn dừng lại nơi khung cửa, nơi giòng nhạc được phát ra.

– Cô cũng yêu bài nhạc ấy sao ? Con gái tôi đó, đang học năm thứ năm trung cấp dương cầm ở nhạc viện thành phố.

– Vâng, nghe qua thì tôi biết không phải là một tay amateur. Không chuyên nghiệp không thể nào chơi một cách điêu luyện như thế.

Người đàn ông nhìn tôi với một thoáng đăm chiêu nghĩ ngợi.

– Cô này .. Cho phép tôi được tò mò đôi điều. Cô là người Tàu, hay Việt, hay Lào ?

Tôi cười mỉm.

– Ông thử đoán xem ! Nhưng chắc chắn là ông sẽ đoán trật lất. Khó phân biệt lắm. Dưới mắt người Pháp hầu như người Á châu nào cũng bị gọi là Chinois.

– Chính vì thế tôi mới hỏi cô, bởi lẽ tôi có quen biết một vài người Lào, người Thái nhưng chưa có người nào có lối nói chuyện như cô. Xem ra cô có vẻ nghệ sĩ và khá rành về âm nhạc.

– Nếu mà nói về âm nhạc thì người Nhật đã giật giải dương cầm quốc tế trong những năm gần đây, nhưng tôi nghĩ không phải là không có những nhạc sĩ người Tàu hay người Thái. Tôi là một người Việt Nam chính cống nhưng chẳng phải là người của âm nhạc đâu thưa ông. Tôi chỉ có cái may mắn được gần gũi một người bạn gái chuyên nghiệp về bộ môn này và có một trái tim biết thưởng thức rung động, tham lam. Tôi luôn tìm hiểu tận cùng mọi điều mình yêu thích.

Đúng là một cơn mộng ! Không biết sao tôi lại có thể dài dòng đến như thế với một người ngoại quốc xa lạ. Người đàn ông tỏ ý muốn mời tôi vào nhà để gặp đứa con gái chơi đàn, nhưng tôi từ chối. Tôi chỉ nhận cánh hoa với những thoáng ngẩn ngơ xúc động không ngờ …

– Để tôi cắt tặng cô nhánh Hoa.

– Chỉ có vài nụ, ông giữ cho đẹp. Khi nào hoa nở nhiều tôi hứa sẽ ghé xin.

– Cô nói thế nhưng tôi biết chắc chẳng bao giờ cô ghé lại. Cầm lấy đi, cô xứng đáng để nhận nó.

– Vâng ! Cám ơn ông nhiều. Ông nói đúng, tôi xứng đáng để nhận bởi hôm nay là ngày sinh nhật của tôi mà.

Tôi cắm cành hoa trong chiếc ly cao, mân mê tờ lịch mỏng. Sinh nhật với một nhánh cúc đầu mùa, gầy guộc mong manh. Kể như tôi đã được sinh ra từ ngày đó. Đời sống đã bắt đầu từ ngày đó hay chết đi cũng khởi nguồn từ ngày đó ? Một nơi nào, trong khoảng khắc này, có thoáng nhớ nào gợi về trong Định ? Mà nếu có, chắc chẳng thể nào Định có thể mường tượng hình dung nổi ra tôi ? Bóng tối của gian nhà, sương mù bốn phía bên ngoài và sự thiếu vắng vô tình những âm thanh quen thuộc hằng ngày là những thứ cửa ngõ mở bung những nhớ nhung mê muội thường vẫn khép kín dấu che. Góc tối này, khoảng sáng kia, những chỗ ngồi xưa của Định. Hạnh phúc như còn quấn quít đâu đó trên những tĩnh vật im lìm. Hạnh phúc của tôi, của chàng nữa chứ bởi vì Định đã nói, chàng chỉ chờ mong có cơ hội là trở về ngồi lại nơi đó, trong thế giới của tôi. Tôi không tin chàng nói dối. Thà im lặng không nói chứ chẳng bao giờ Định dối tôi. Vậy mà chàng đã bỏ đi, không ngoảnh lại. Với danh nghĩa nào thì đó cũng là một sự chối bỏ, mang hình dáng của vàng phai đá nhạt.

Không ai dại dột đi dưới mù mịt lạnh giá nên đêm lạnh căm, im thinh. Có thể ví như một cõi chết nếu không có những ngọn đèn đường phóng ra thứ ánh sáng yếu ớt, tội nghiệp, không xuyên thủng nổi lớp sương chùng thấp phía dưới, nhưng đủ để thấy lờ mờ những rèm đêm, những vuông cửa trên cao, biểu hiệu cõi sống của nhân gian…

Tôi ném cánh hoa xuống lòng đường. Cánh hoa nhẹ hẫng rơi trong bóng tối, trong vũng sương mù lênh láng chan chảy, không lưu giữ được một dấu vết nào nơi tầm mắt đuổi theo. Giá tôi cũng có thể được nhẹ nhàng rơi, mất hút như cánh hoa kia nhỉ ! Tại sao tôi lại có ý nghĩ như thế ? Có phải tôi đang tập trung tư tưởng về tâm lý của một nhân vật đang có ý định tự hủy mình ở một bài viết đang còn dang dở ? Định mệnh nằm trong thứ văn chương của Trâm đó ! Sáng nay chị Hảo đã nói như thế… Hoa vàng, vàng của thất vọng phôi phai, nhưng là một cánh hoa đẹp. Màu sắc nào lại chẳng có một vẻ đẹp riêng và mùa xuân vẫn còn dài. Nhánh cúc vàng ! Tại sao tôi lại có thể phủ phàng vứt bỏ đi khi nó còn đang tươi tốt mà tôi đã đón nhận với những xúc động từ một tấm lòng tử tế. Tại sao và tại sao ? Như không phải là tôi vừa ném cánh hoa đi. Cũng không còn là tôi nữa trong thứ mù sương buồn thảm của đất trời.





VVM.07.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com