B uổi chiều mưa rây rây. Thành phố lạ. Nhà hàng có cái tên quen. Chúng tôi vào, náo nức gọi món ăn. Sau gần một tuần lễ rong ruổi núi đá chênh vênh, với thác nước tung bọt trắng, với mặt hồ biếc xanh, với vô vàn những con dốc cheo leo, chúng tôi về thành phố. Cả tuần lễ ăn toàn đồ Tây, hôm nay ai cũng thèm món Á châu.
Vừa ngồi vào ghế, âm thanh nhốn nháo đã kéo tôi ngước nhìn màn hình ti vi trước mặt. Khung cảnh quen thuộc từ ký ức nào đó bỗng dưng chói lòa. Lũ người chen chúc nhau bu quanh chiếc máy bay khổng lồ đang lăn bánh trên phi đạo. Mắt tôi dán lên màn hình. Ngực tôi thắt lại. Tôi không dám nhìn. Tôi nhắm mắt. Tôi cố không nghe. Nhưng hình ảnh và những âm thanh ấy vẫn còn. Thật rõ nét. Dù tôi chỉ tình cờ bắt gặp.
Rồi tôi mở mắt. Những hình ảnh trên màn hình nhòe đi. Tôi dụi mắt để nhìn cho rõ, và tôi nhận ra mắt tôi ướt mèm. Tôi xô ghế đứng bật dậy, chạy vội vào nhà vệ sinh. Nơi yên ổn cuối cùng. Tôi đứng đó, khóc một mình. Tôi khóc mùi như đứa con gái yêu thương hết lòng mà bị người yêu ruồng rẫy.
Tiếng cửa mở. Một người đàn ông vào nhà vệ sinh. Tôi giấu vội cơn xúc động. Tôi quay mặt vào vách tường. Tôi chờ. Nước mắt nước mũi tràn trề. Tôi không dám khịt mũi. Tôi sợ người ta nghe thấy. Tôi mặc cho nước mũi chạy tuột xuống cằm. Cảm giác nhột nhạt, ngứa ngáy bò lan trên mặt. Những hình ảnh chợt thấy trên ti vi hiện ra trên vách tường, ngay trước mắt tôi. Có một lần tôi đã thấy những người tôi quen, những người thân yêu của tôi cuống cuồng tháo chạy như thế.
Dùng nhà vệ sinh xong, gã đàn ông đứng mãi trước tấm gương soi. Tôi chờ bên trong cầu vệ sinh. Không có gì để làm. Tôi đứng đó. Tôi cố gắng xoá bỏ những hình ảnh vô tình trông thấy trên màn hình. Tôi bị nghe chưa đầy một phút nhưng giọng người phóng viên hằn rõ đến từng chữ trong óc tôi. Tôi không thích cái mạch lạc của những câu nói trong bài tường trình của anh ta. Tôi cũng đã cố không nghe nhưng tôi không thể làm gì hơn. Những câu tường trình gẫy gọn bằng thứ Anh ngữ tiêu chuẩn. Rõ ràng, rành mạch. Tôi không thể ở đó mà không nghe thấy. Phải như anh ta tường trình bằng thứ ngôn ngữ nào khác thì hay biết mấy. Như tiếng Ả Rập, tiếng Ma Rốc, tiếng Nga hay ngay cả tiếng Dari hoặc Pashto là ngôn ngữ của cái nơi người ta đang chen lấn xô đẩy nhau để cố bám vào càng chiếc máy bay quân sự khổng lồ kia.
Bỗng dưng tôi ghét tiếng Anh, thứ ngôn ngữ quốc tế mà không có nó thì sẽ phải xoay sở chật vật trong cái thế giới chật hẹp này. Tôi ghét đài truyền hình thành phố nỡ trình chiếu giây phút lịch sử bi thảm của một dân tộc ngay trước mắt tôi. Tôi cũng ghét anh chàng phóng viên nói tiếng Anh gẫy gọn, lưu loát. Tôi ghét tôi tại sao lại học tiếng Anh. Tôi ghét chủ nhà hàng khi không lại mở ngay cái đài truyền hình, lúc đài ấy đang truyền đi hình ảnh giây phút hấp hối của một đất nước mà cái bi thảm của thân phận những con người chạy trốn sự man rợ lại vô cùng quen thuộc và gần gũi với đất nước tôi.
Người đàn ông trong nhà vệ sinh đã mở cửa bước ra ngoài. Tôi biết rõ bởi tôi nghe tiếng cánh cửa đóng sập lại. Và tôi không kềm được nữa. Tôi khóc òa. Cơn ấm ức bị nén chặt trong lồng ngực bung ra. Tức tưởi. Trong đời đây là lần thứ nhì tôi khóc như đứa trẻ. Lần đầu tôi khóc khi lầm lũi bước theo sau quan tài của mẹ tôi.
Ngày Sài Gòn của tôi thất thủ tôi cũng không khóc như thế bởi lúc ấy tôi là người trong cuộc, tôi bận rộn trong bệnh viện lo cấp cứu những người chạy ngược chạy xuôi, đã ngã xuống vì những viên đạn vô hồn. Hôm ấy tôi không có thời gian để khóc. Hôm nay tôi đứng ngoài, nhìn thoáng một cảnh đời mà một lần tôi đã sống. Và tôi không hiểu vì sao chuyện xảy ra ở một nơi xa lơ lắc lại làm tôi khốn khổ đến như vậy. Tôi đứng trước bồn cầu, tôi giật nước cầu tiêu để không ai nghe tiếng khóc của tôi. Tôi khóc thỏa thuê. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước bồn cầu ngưng chảy, tôi lại giật cho nước ào ào tuôn xuống.
Tôi để mặc cho nước mắt tuôn. Tôi mong nước mắt làm nhoè đi hay xóa hẳn hình ảnh tôi lỡ thấy trên màn hình. Những con người xô đẩy nhau cố chạy theo chiếc máy bay, mong lọt được qua khung cửa đã khép kín của chiếc máy bay khổng lồ. Tôi để mặc nước mắt tuôn chảy để nước mắt cuốn đi hình ảnh những con người bị bỏ đói trong trại giam, những thân hình còm cõi, kéo gỗ trên núi, bên ngọn đèo heo hút, gió lạnh cắt da. Và xóa luôn đi hình ảnh tên đàn ông có chiếc khăn đen che nửa khuôn mặt, kề lưỡi dao vào cổ một người đồng hương mà cắt thật ngọt.
Tôi khóc hoài trong cầu tiêu. Tôi giật nước cầu không biết bao nhiêu lần. Cho đến khi tiếng gõ cửa và giọng em vang vọng bên ngoài, “Anh ơi, anh có ở trong đó không?”
Tôi vội vàng lên tiếng nhưng giọng tôi khê đặc. Tôi không nói nên lời.
Bên ngoài, em vẫn cuống cuồng, “Anh ơi, anh có sao không?”
Tôi vội vàng giật nước thêm một lần để em biết tôi vẫn ở trong nhà vệ sinh, và tôi vẫn bình yên.
Tôi nuốt cơn nghẹn. Tôi vớt nước lạnh lên mặt. Một lần, mắt tôi vẫn đỏ ngầu. Tôi vớt nước lên mặt thêm một lần, rồi bao nhiêu lần nữa tôi cũng không nhớ. Tôi mở vòi nước lạnh, áp sát mặt tôi vào dòng nước. Mong nước cuốn đi hình ảnh những con người cuống cuồng chạy về phía bình yên.
Chính tôi cũng đã một lần cuống cuồng chạy về phía bình yên như thế.
“Anh ơi, anh có trong đó không?” Giọng nói em đã đọng đầy lo âu.
Tôi đằng hắng, rồi tôi nói vọng ra, “Anh không sao hết.”
“Sao anh ở trong ấy lâu vậy?”
“Anh hơi bị đau bụng chút xíu.”
“Lẹ đi, đồ ăn nguội hết rồi kìa.”
“Anh ra liền.”
Tôi lắc đầu thật mạnh, cố không nghĩ tới hình ảnh vô tình bắt gặp trên màn hình ti vi gắn trên tường nhà hàng trước mặt chỗ tôi ngồi ban nãy. Rồi tôi vớt nước lạnh lên mặt thêm một lần, nhìn mặt mình trong gương một lần nữa, rồi rụt rè bước ra ngoài.
Đĩa mì xào dòn, đĩa thịt vịt Bắc Kinh, đĩa rau cải xanh biếc, tất cả đã sắp hàng chờ đợi trên bàn. Và những người bạn kiên nhẫn ngồi chờ. Những con mắt nhìn tôi đăm đăm.
“Are you okay?”
Tôi vội vã gật đầu. Trên tường màn hình ti vi vẫn tiếp tục bản tin ban nãy. Tôi thoáng thấy hình ảnh tổng thống Mỹ. Âm thanh lùa vào tai tôi. Tôi cố không nghe. Dường như ông ta đang đọc diễn văn gì đó và chắc chắn bài nói chuyện ấy liên hệ đến chuyện đang xảy ra ở cái xứ sở nghèo nàn, khốn khổ kia.
Tôi rụt rè, “Làm ơn cho tôi đổi chỗ ngồi được không.”
Người bạn đứng dậy nhường chỗ cho tôi. Tôi bước qua, ngồi xuống chiếc ghế, xoay lưng lại phía màn hình ti vi.
Em nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi mừng vì em không hỏi như vẫn thường hay thắc mắc. Nhưng rồi em vẫn không để tôi yên, bởi bỗng dưng em nhỏ giọng, “Sao mắt anh đỏ ngầu vậy?”
Tôi ngập ngừng, “Dị ứng đó.” Và tôi đổ thừa cho bầu trời mịt mù khói xám của những trận cháy rừng ngày hôm trước. Rồi tôi cố lên giọng khôi hài, “Chừng này tuổi rồi mà vẫn dị ứng với khí hậu.” Và tôi thầm nói trong đầu, “thứ khí hậu bất lương của con người.”
Tôi không nói thật với em vì sao mắt tôi đỏ ngầu. Bởi em còn nhỏ, em chẳng bao giờ hiểu được tâm trạng của những con người cùng đường, trốn chạy sự hung hãn, tàn bạo của những kẻ cùng màu da với mình.
Hôm nay Kabul thất thủ, em biết không?
Calgary ngày 17 tháng Tám 2021