Vài Hàng Về Tác Giả:
Romain Gary tên thật là Roman Kacew sinh ra tại nước Nga, còn được biết đến với bút danh khác Émile Ajar. Ông là một nhà văn, nhà ngoại giao,
đạo diễn và phi công người Pháp gốc Do Thái. Sau khi bố mẹ ly dị, ông sống cùng mẹ, chịu rất nhiều ảnh hưởng về tư chất nghệ sĩ cùng cá tính
mạnh mẽ của bà. Romain Gary chính thức nhập quốc tịch Pháp năm 1935, thi đỗ bằng cử nhân Luật năm 1938 rồi ngay sau đó tham gia vào quân
đội và gia nhập Không quân Pháp. Ông nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh và Huân chương Giải Phóng. Romain Gary là tác giả duy nhất đã hai
lần giành giải Goncourt dưới hai cái tên khác nhau với các tiểu thuyết Les racines du ciel và La vie devant soi.
Năm 1945, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Education européenne. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, ông vào làm việc trong ngành
ngoại giao Pháp ở Bulgaria và Thụy Sĩ. Năm 1952 ông là thư ký của Phái đoàn Pháp tại Liên Hiệp Quốc rồi trở thành Tổng Lãnh sự Pháp
tại Los Angeles rồi làm quen với Hollywood
Gary là một trong những nhà văn viết nhiều và nổi tiếng nhất ở Pháp, tác giả của hơn ba mươi quyển tiểu thuyết,
tiểu luận và hồi ký. Bên cạnh sự thành công với tư cách là một tiểu thuyết gia, ông còn phụ trách viết kịch bản cho cuốn phim nổi tiếng The Longest Day và đồng kịch bản và đạo diễn bộ phim Kill mà vợ ông là Jean Seberg đóng vai chính Năm 1979,
ông là thành viên của ban giám khảo tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Berlin lần thứ 29. .
- B ức tranh Van Gogh của anh là hàng giả.
Sarkis ngồi sau bàn giấy của hắn ngay dưới bức tranh trong bộ sưu tầm mới mua được sau cuộc đấu giá khó khăn và căng thẳng nhất từ trước tới giờ tại Nữu Ước. Cuộc đấu thầu chấm dứt khi viện bảo tàng vĩ đại nhất thế giới chịu nhận thua .
Ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế rộng là Baretta với chiếc cà vạt màu xám có chiếc kẹp ngọc trai màu đen, mái tóc trắng, bộ đồ vét sang trọng. Hắn lấy chiếc khăn tay lau mồ hôi trên trán.
- Chỉ có một mình anh là nói như vậy. Tôi thừa nhận là có vài điểm nghi ngờ, nhưng dù sao mọi việc đã đâu đấy xong cả rồi: bức tự hoạ này là xác thực, không có một lỗi lầm nào, anh có thể nhìn mỗi nét bút.
Tay Sarkis cầm con dao dọc giấy bằng ngà voi, nét mặt có vẻ chán nản.
- Vậy còn có vấn đề gì nữa? Coi như anh vui vẻ sở hữu một kiệt tác phẩm.
- Điều tôi yêu cầu là anh hãy chấm dứt mọi ý kiến.
- Nhưng mà tôi là đại diện trong buổi đấu giá … Tôi phải ngưng … - Sarkis cười nhăn nhó.
- Những tên lái buôn theo anh như đàn ruồi. Họ lại sợ mâu thuẫn với anh. Ngoài ra, nói thẳng ra là anh kiểm soát một nguồn tài chính rất lớn.
- Anh nói quá rồi – Sarkis xua tay. – Tôi chỉ thận trọng để cho chắc là tôi có ưu tiên nào đó trong cuộc bán đấu giá thôi.
Giọng nói của Baretta như có vẻ van nài:
- Tôi không thấy có gì làm anh chống lại tôi cả.
- Thực là vô lý anh bạn ạ. Rõ ràng là tôi không đấu giá mua vật đó. Ý kiến của một chuyên gia khi nghi ngờ vật đó có xác thực hay không là hoàn toàn có lý.
- Nhưng mà anh đã dùng mọi cách để chối bỏ bức tranh này - Baretta nổi giận, mặt đỏ lên – Tôi biết là anh dùng mọi ảnh hưởng để nói cho mọi người biết đây là bức tranh giả. Ảnh hưởng của anh thật lớn. Mọi việc anh làm là đi rêu rao …
Sarkis ném chiếc dao ngà lên bàn rồi đứng dậy.
- Xin lỗi anh bạn, nhưng đó là nguyên tắc và anh là người đầu tiên phải hiểu rõ điều đó. Tôi không phải là đồng lõa với trò bịp bợm hay là người ngậm miệng ăn tiền. Anh có một bộ sưu tầm thật đẹp nhưng anh phải thẳng thắn mà công nhận là lần này anh bị lừa. Tôi không bao giờ thoả hiệp cho vấn đề có xác thực hay không. Trong một thế giới mà sự lừa đảo và giả mạo được nhiều kẻ sử dụng, chúng ta chỉ còn lại những tác phẩm lớn thôi. Chúng ta cần phải bảo vệ xã hội này bằng cách chống lại mọi hình thức giả mạo. Với tôi, nghệ thuật là thiêng liêng và sự xác thực là một tôn giáo. Bức tranh Van Gogh của anh là hàng giả, Thiên tài ấy đã bị bạc đãi suốt cả đời, vì vậy chúng ta phải bảo vệ ông ta, ít nhất là sự phản bội ngay cả khi ông ta không còn trên thế gian này nữa.
- Lời cuối anh nói với tôi đấy à?
- Tôi rất ngạc nhiên khi một người như anh lại có thể yêu cầu tôi trở thành đồng lõa với việc đó.
- Tôi đã trả ba trăm ngàn đô cho bức tranh. – Baretta nhăn nhó nói.
Sarkis khoác tay nói:
- Tôi biết … tôi biết. Anh đã bỏ công sức cho việc đấu thầu và anh đã thành công.
- Ngay cả khi đưa ra một vài nhận xét mỉa mai, anh cũng thấy vẻ mặt trên mặt mọi người khi họ đứng bên cạnh bức tranh này. Và sau hết, là một nhà sưu tầm tranh, anh là người đầu tiên hiểu rõ.
- Tôi hiểu – Sarkis nói – Nhưng tôi không chấp nhận. Hãy hủy bức tranh này đi như một sự tôn kính đối với tính xác thực và sự vĩ đại thực sự. Đó một hành động nâng cao uy tín không những chỉ cho bộ sưu tập của anh mà còn cả danh tiếng của anh nữa. Hãy nhớ, không phải anh là người bị đe dọa mà là Van Gogh.
Khuôn mặt của Baretta trở nên đanh lại. Nét mặt này đã quá quen thuộc với Sarkis, một biểu hiện xuất hiện trước những đối thủ trong các giao dịch kinh doanh khó khăn. Cũng tốt, hắn cay đắng nghĩ về cách bạn kết bạn trên thế giới phức tạp này. Nhưng việc này lại liên quan đến một điều thực sự quan trọng và chạm vào một trong những nguyên tắc căn bản: tìm ra tính xác thực. Hắn đã thấy quá nhiều gian trá trong cuộc đời. Cuộc sống bị bao quanh bởi một thứ đạo đức giả được che đậy một cách tinh vi, tuy che đậy được trong sự ồn ào của thế giới, nhưng không hoàn toàn che hết tiếng vọng ngấm ngầm của nó.
Bộ sưu tầm quý giá của El Greco vẫn chưa đủ cho hắn mà còn muốn chộp lấy bộ sưu tầm của Rembrandt từ viện bảo tàng Mỹ nữa (Chú thích:El Greco là danh họa, điêu khắc gia và kiến trúc sư người Tây Ban Nha thế kỷ thứ 16). Trước kia hắn chỉ là một thằng bé chân không giầy, thường ăn cắp thức ăn và bán những bức hình khiêu dâm ở bến cảng Smyrna (Chú thích: Smyrna là một tỉnh của Hy Lạp). Hắn là một khối phức hợp. Tất cả những gì theo đuổi trong việc đấu giá những danh họa chỉ là cách dối gạt xã hội, dối gạt với chính mình, quên đi mặc cảm tự ti trong xã hội này. Hắn đang cố gắng quên đi nguồn gốc của mình.
Có lẽ họ nói đúng. Hắn đã đánh mất bản thân mình từ lâu, có thể là cố ý, chứng tỏ đảng cấp của mình qua cuốn sỗ thông hành Anh Quốc, hai lâu đài ở Pháp, căn chung cư tráng lệ ở Nữu Ước và Luân Đôn với những đồ trang trí sang trọng nhất, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng toàn cầu, các tác phẩm điêu khắc của từ thời đại Sumer hay Ashur, vị thần trong tôn giáo Lưỡng Hà, khoảng 3 ngàn năm trước công nguyên (Chú thích: thời đại văn minh Sumer là nền văn minh được biết đến sớm nhất trong khu vực lịch sử miền nam Lưỡng Hà, trong thời đại đồ đá và đồ đồng, khoảng 5,000 năm trước Công nguyên). Tất cả những khoe khoang này khiến mọi người nghĩ hắn ta bị ám ảnh nào đó, phải chăng đó là mặc cảm tự ti về "chủng tộc" hoặc thái độ lố bịch chung của những kẻ mới giầu, nouveau riche.
Baretta đã biết tất cả về những mũi tên này - những mũi tên đã cạn kiệt, bây giờ đang lao vun vút sau lưng hắn. Đố kỵ? Hắn chấp nhận như một sự mặc nhiên phải trả. Ngay cả những người háo hức tìm kiếm viên quản lý công ty của hắn với hy vọng được trải qua một kỳ nghỉ giá rẻ trên du thuyền hoặc trên dinh thự Cap d'Antibes, cũng là những người đầu tiên chế nhạo sự xa hoa phô trương mà họ đương nhiên là những người đầu tiên được hưởng lợi. Và khi sự xấu hổ hoặc đơn giản là chủ nghĩa cơ hội không thể thực hiện được, họ thể hiện sự mỉa mai trong nụ cười để đánh dấu sự khinh bỉ.
Không có thù hận cá nhân nào trong việc Sarkis chống lại bức tranh tự họa Van Gogh của Baretta cả. Trên thực tế, người đàn ông đã tự thừa nhận mình là chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Naples nay trở thành người đứng đầu quỹ tín dụng thực phẩm lớn nhất ở Ý cũng thông cảm với hắn. Hắn thấy có nhu cầu là phải che dấu vết của mình bằng những bức tranh tuyệt vời, biểu tượng địa vị tối thượng mà tiền có thể mua được. Nhưng Van Gogh là đồ giả. Baretta hoàn toàn biết điều đó. Và hắn đang cố gắng chứng minh tính xác thực của nó bằng cách nhờ các chuyên gia hoặc ít nhất là sự im lặng của họ, hắn đang bước vào đấu trường của sức mạnh thuần túy và do đó xứng đáng nhận được một bài học từ những người vẫn giữ gìn luật chơi.
- Bản thẩm định hiện nằm trên bàn của tôi – Sarkis nói. – Tôi không biết làm gì với nó, nhưng sau khi nghe anh nói … hôm nay tôi sẽ công bố cho báo chí biết. Này anh bạn, để mua được bức tranh đẹp mình phải có tiền, mà bạn lại chẳng tôn trọng gì nhiều tới tính chân thực, có thể nói là không tôn trọng thì đúng hơn.
Baretta đứng bật dậy. Đầu hắn hơi cúi, hai tay nắm chặt. Sarkis nhìn thái độ giận dữ đó thì hơi sảng khoái. Nó làm cho hắn thấy trẻ ra, những kỷ niệm về những ngày còn trẻ khi phải đấu trên võ đài, dành từng cen-ti-mét với đấu thủ.
- Để đó coi. – Đôi mắt gã người Ý long lên – Có ngày anh sẽ bò lê trên đường phố tỉnh Naples hay trên bến tàu tỉnh Smyrna.
Khi Baretta ra khỏi văn phòng, Sarkis không còn cảm thấy mình là bất khả xâm phạm nữa. Châm một điếu xì gà, đầu óc suy nghĩ mung lung: tài sản đã hoàn toàn bảo đảm cất giấu kín đáo. Kể từ khi giải quyết ổn thỏa với Sở thuế, toàn bộ tài sản chìm nổi đã chuyển qua ngân hàng ở Panama, như vậy không có gì và không ai có thể đe dọa được nữa. Tuy nhiên qua cuộc trò chuyện với Baretta khiến hắn thấy bất an, tất nhiên là hoàn toàn vô lý, nhưng bằng cách nào đó, hoặc với một lý do bí ẩn khó hiểu nào đó, hắn không thể vượt qua được cảm giác bí mật về lừa đảo, giả mạo đè nặng lên tâm trí.
Dụi điếu xì gà vào chiếc gạt tàn thuốc, hắn đến bên người vợ trong phòng khách. Tuy trạng thái bất an chưa qua nhưng khi hắn cầm tay hay đặt môi lên mái tóc người vợ, hắn lại có một cảm giác an toàn, đó là khoảnh khắc duy nhất cho sự tin tưởng tuyệt đối mà không thắc mắc.
- Nói chuyện lâu quá – Cô ta nói.
- Khó có thể đuổi hắn đi được. Mà em đi những đâu?
- Mẹ đưa em đi hết cửa hàng may này tới cửa tiệm kia, cha thì cằn nhằn, sau hết lại tới Viện Bảo Tàng Hải Quân.
Cha mẹ Alfiera từ Ý sang thăm con. Họ sống ở đây suốt ba tháng và Sarkis tiếp đón họ lịch sự và để họ sống trong một chung cư. Hắn gặp cô vợ trẻ hai năm trước tại La Mã trong một buổi tiệc tại Toà Đại Sứ Lebanese. Khi đó cô ta mới từ gia đình ở Sicily tới, đó là nơi sinh trưởng và lớn lên và cũng là lần đầu cô xa nhà trong vài tuần lễ. Cô đi cùng bà mẹ. Mới mười tám tuổi nhưng có một sắc đẹp thật quyến rũ. Dưới mái tóc đen như tỏa ra ánh sáng là vầng trán, đôi mắt và đôi môi, một sự hài hòa thuần khiết giữa cuộc sống với nghệ thuật. Chiếc mũi, với vẻ ngọt ngào thanh tú, hoàn hảo, là một kiệt tác của thượng đế. Bất cứ ai, dù là khó tính tới đâu khi nhìn vào mặt Alfiera cũng đều có một kết luận như vậy.
Dù cho với những lời tán dương, ca tụng của người đời, Alfiera rất khiêm tốn, đôi khi rụt rè, bản tính của những cô gái được đào tạo từ tu viện. Nàng thường xấu hổ và tỏ ra ngạc nhiên bởi các lời tán tỉnh và tỏ thái độ qua nét mặt rồi bỏ đi. Thật khó để tưởng tượng một cô gái vừa đáng yêu lại vừa có một phẩm hạnh như vậy.
Cha nàng trước kia là một Công Tước sống ở miền Nam nước Ý, nay chỉ còn lại chiếc huy hiệu đã hoen ố và vài mảnh đất bỏ hoang vùng nông thôn được đàn dê gậm nhấm. Ông và bà vợ tán thành cho cuộc hôn nhân giữa Sarkis và Alfiera, dù rằng hắn hơn nàng hai mươi tuổi. Ông cho rằng với tính rụt rè, thiếu tự tin của con gái phải cần phải có một người đàn ông mạnh mẽ, đầy kinh nghiệm che chở. Ngay chính bản thân Alfiera cũng chấp nhận sự cầu hôn của hắn với một niềm vui, thậm chí với lòng biết ơn nữa.
Không có đính hôn, đám cưới được cử hành ba tuần sau lần gặp đầu tiên. Không ai có thể ngờ rằng Sarkis lại "yên bề gia thất" nhanh chóng như vậy. "Nhà thám hiểm", hay "tên cướp biển", ngưòi ta thường gọi hắn như vậy, lúc nào cũng bận rộn với đường dây điện thoại nối kết với những giao dịch kinh doanh, với cổ phiếu. trên thị trường thế giới, bây giờ trở thành người chồng chu đáo, dành nhiều thời giờ cho người vợ trẻ. Sarkis yêu chân thành và say đắm. Tình yêu này có lẽ là một biểu hiện nào đó của chiến thắng mà hắn đạt được. Một số người cho rằng trái tim của người yêu nghệ thuật này đã nuôi dưỡng một thứ gì đó kém thuần khiết: đó là niềm vui giành giật được từ người khác. Có người vợ trẻ và đẹp phải chăng là bộ sưu tập qúy gía, một kiệt tác hoàn hảo hơn tất cả những tác phẩm của Goya và El Greco (Chú thích: Francisco Goya là một danh họa Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 19).
Họ sống ở Ba Lê trong ngôi nhà cũ của đại sứ Tây Ban Nha tại quận Marais. Trong sáu tháng đầu, Sarkis bỏ bê công việc kinh doanh, bạn bè, tranh họa. Những chiếc tàu thương của hắn vẫn tiếp tục vượt biển và những người đại diện của hắn ở bốn phương trên địa cầu vẫn tiếp tục báo tin về các cuộc đấu giá lớn sắp diễn ra, nhưng không có gì quan trọng đối với hắn bằng Alfiera nữa. Cả thế giới này bây giờ chỉ là một vệ tinh lạnh lẽo xa tắp.
- Có vẻ anh đang bực mình.
- Đúng vậy. Chẳng dễ chịu gì khi tấn công một người mà người đó lại không làm hại mình, mà lại đánh vào điểm dễ bị tổn thương nhất của hắn: sự khoe khoang phù phiếm. Nhưng đó là những gì anh sẽ làm.
- Tại sao anh phải làm vậy?
Giọng của Sarkis hơi cao, đó là đặc điểm khi hắn khó chịu, khẩu âm trở nên rõ nét hơn:
- Em à, đó là vấn đề nguyên tắc. Chúng đang cố gắng thiết lập một âm mưu giữ “im lặng” cho việc làm giả mạo, dù cho phải trả hàng triệu đô la. Nếu không ngăn chặn ngay từ bây giờ, chẳng bao lâu nữa sẽ không còn ai bận tâm phân biệt cái thật với cái giả, rồi sau đó ngay cả những bộ sưu tập qúy giá nhất sẽ không còn giá trị gì nữa.
Người phụ nữ trẻ có vẻ bị phiền nhiễu. Nàng cúi mặt với một bộ mặt u sầu, rụt rè đặt tay lên tay chồng:
- Đừng quá khó khăn với hắn.
- Đôi khi phải làm như vậy.
Khi các chuyên viên làm việc trong công ty Falkenheimer công bố cho báo chí về báo cáo với những chứng cớ hiển nhiên, vụ tranh chấp về bức tự hoạ của Van Gogh được giải quyết ổn thoả. Khoảng một tháng sau đó, Sarkis tìm thấy trong đống thư của mình một bức ảnh mà không có một lời giải thích nào. Hắn chỉ lơ đãng liếc nhìn rồi vất vào sọt rác. Đó là khuôn mặt của một cô gái còn rất trẻ với chiếc mũi đặc biệt xấu xí, đỏ và giống như mỏ của một con kên kên. Ngày hôm sau, bức hình lại hiện ra trong đống thư và cứ như vậy suốt trong một tuần, khi cô thư ký đem thư tới, khuôn mặt với chiếc mỏ chim kia lại như chăm chăm nhìn hắn.
Cuối cùng, một buổi sáng kia khi mở thư ra, có một mảnh giấy trong đó một hàng chữ đánh máy đi kèm với bức hinh. Dòng chữ viết: “Kiệt tác của bạn là hàng giả”. Sarkis nhún vai nghĩ làm sao bức hình lố bịch kia lại liên quan tới bộ sưu tập của hắn được. Một ý nghĩ thoáng qua khi định vứt nó vào thùng rác: Nhìn đôi mắt, đôi môi của cô gái trong hình làm hắn chợt nghĩ tới Alfiera. Bì thư đóng dấu nước Ý, vợ hắn cũng có vô số anh chị em họ tại Sicily, tất cả đều yêu mến và nâng đỡ hắn và nàng. Nghĩ là nên đem chuyện này hỏi cô xem sao nên hắn bỏ tấm hình vào túi rồi quên hẳn đi. Trong bữa cơm tối tiễn hai ông bà già vợ về lại Ý, khi sờ tay vào túi áo, hắn mới chợt nhận ra có tấm hình. Đưa cho vợ, hắn nói:
- Này em, anh thấy nó trong đống thư sáng hôm nay. Cô gái có chiếc mũi như trong hình này thật đáng thương.
Nét mặt Alfiera trắng bệch, môi run run và đôi mắt chợt chan hòa nước mắt. Cô tuyệt vọng nhìn người cha, còn ông đang khổ sở với miếng cá, chợt như mắc nghẹn. Má ông đỏ bừng, mắt như lồi ra khỏi hốc mắt, bộ ria mép dày, đen, được nhuộm cẩn thận, trông phù hợp trên khuôn mặt của viên cảnh sát Ý hơn là một hậu duệ đích thực của Vua Hai Sicilies (Chú thích: Triều đại Hai Sicilies nước Ý từ 1818 tới 1860). Ông ta phát ra một vài tiếng gầm gừ giận dữ, chiếc khăn ăn dính trên môi. Viên quản lý phòng ăn đang nghiêng về phía ông với vẻ lo lắng. Bà mẹ vợ, nữ công tước vừa thưởng thức buổi trình diễn tại Nhà hát Opera, miệng vẫn mở, chiếc dĩa trong tay, mái tóc màu nâu vàng, khuôn mặt tròn trĩnh gục xuống.
Bất chợt Sarkis nhận thấy chiếc mũi của mẹ vợ mình hơi giống chiếc mũi trong bức hình. Hắn nhìn chằm chằm với chút lo lắng rồi liếc về phía khuôn mặt vợ mình. Nhưng không, chiếc mũi của nàng không có bất kỳ điểm nào giống với chiếc mũi của bà mẹ. Cám ơn thượng đế. Anh đặt dao nĩa xuống, nghiêng người và nắm lấy tay Alfiera.
Bà mẹ vợ hỏi ông chồng:
- Ông làm sao vậy?
- Bị nghẹn cổ - Ông trả lời – Bà thì chẳng bao giờ cẩn thận với cá cả. Nhưng không sao, tôi thường hay bực mình với bà vì những sơ sót đó.
- Những người ở địa vị như ông thì cần phải vượt lên trên những việc như vậy. – Bà nói khẽ với chồng như nói một câu vu vơ để Sarkis không hiểu gì, như nói về chiếc xương cá hay chuyện gì khác. – Ông thì hay chú ý tới những chuyện tào lao. Chẳng đáng một xu nào cả.
- Mẹ, đừng đề cập tới nữa. - Alfeira run run quay sang nói với bà.
Một loạt tiếng tiếng gầm gừ khác phát ra từ ông bố. Viên quản lý và hai người hầu bàn chạy lại đứng quanh ông ta. Sarkis nhận thấy cả vợ và bố mẹ vợ đều không nhìn vào bức ảnh đặt trên chiếc khăn trải bàn. Thân hình Alfiera như hóa đá. Cô ném chiếc khăn ăn xuống và có vẻ như sắp rời khỏi bàn trong khi đôi mắt đáng yêu của cô dán chặt vào người chồng. Khi Sarkis siết chặt tay cô, cô bật khóc nức nở. Sarkis ra hiệu cho những người hầu bàn ra khỏi chỗ rồi đứng dậy, đến gần vợ.
- Em yêu của anh, anh không hiểu tại sao bức ảnh quái qủy này ...
Với từ ngữ "quái qủy", toàn thân Alfiera rùng mình, sau đó cứng đờ, Sarkis kinh hoàng khi phát hiện ra trên khuôn mặt của người vợ có biểu hiện của một con thú bị săn đuổi. Hắn cố gắng nắm lấy tay cô, cô đã vặn mình và chạy ra khỏi phòng.
- Lẽ đương nhiên là người ở trong địa vị như anh thì có lắm kẻ thù. - Ông bố vợ nói. – Ngay cả tôi đây …
Bà nói chen vào:
- Điều quan trọng là mọi người chúng ta đều vui, đó là điểm chính.
- Alfiera luôn luôn bị xúc động như vậy. – Ông bố nói. – Ngày mai nó lại vui vẻ thôi. Nó còn trẻ, anh nên có thái độ bao dung.
Sarkis rời phòng ăn rồi lên vội vã chạy theo vợ. Phòng ngủ của cô bị khóa chặt và có tiếng khóc vọng ra. Mỗi lần hắn gõ cửa, tiếng khóc lại lớn hơn. Sarkis tuyệt vọng vì không khuyên được cô vợ trẻ mở cửa, hắn trở vào phòng làm việc. Quên hẳn tám hình, hắn tự hỏi nguyên nhân nào khiến Alfiera ở trong tình trạng như vậy. Một nỗi lo sợ mơ hồ len lỏi trong trí khiến hắn không thể nào tập trung vào công việc được. Khoảng mười lăm phút sau, tiếng chuông điện thoại reo. Cô thư ký nói Signor Baretta muốn nói chuyện.
- Nói với ông ta là tôi không có nhà.
- Ông ấy có dặn đây là vấn đề rất quan trọng. Về tấm hình …
Giọng nói của Baretta ở đầu giây bên kia vui vẻ chào hỏi nhưng Sarkis đã quá quen với việc trả lời những người đối thoại với mình một cách nhanh chóng.
- Anh muốn gì đây?
- Bạn có nhận được tấm ảnh chứ?
- Ảnh nào?
- Đó là bức ảnh của cô vợ anh đó mà. Thật là khó khăn lắm mới có tấm hình đó vì cha mẹ cô ấy rất cẩn thận. Họ không cho cô ấy chụp hình trước khi giải phẫu. Còn tấm hình anh nhận được là tôi mua được từ tu viện Palermo. Tấm hình chụp cả nhóm nhưng tôi phải nhờ một anh thợ chụp hình tài ba tách ra và phóng lớn lên. Tôi nghĩ là tôi mắc nợ anh. Chiếc mũi của cô ấy được một bác sỹ thẩm mỹ ở Milan sửa lại hoàn toàn khi cô ấy được mười sáu tuổi. Anh thấy chứ, không phải chỉ tấm họa Van Gogh của tôi là hàng giả mà kiệt tác phẩm của anh cũng vậy. Anh có sẵn chứng cớ ngay trước mặt rồi đó.
Có tiếc chặc lưỡi rồi đối thoại bị cắt. Baretta đã cúp điện thoại.
Sarkis ngồi bất động trên ghế. Đồ cu li! Quân hạ cấp! Những tiếng đó như vang ngập khắp căn phòng làm việc. Hắn nghĩ là đã bị hai người không đồng xu dính túi từ Sicily lừa, còn những người được gọi là bạn cũng chẳng cho hắn biết sự lừa đảo này. Họ cười sau lưng hắn, hớn hở vui mừng khi thấy hắn bước vào cái bẫy: tôn sùng việc giả mạo. Hắn, một chuyên viên được biết đến với con mắt sắc bén và người không bao giờ thỏa hiệp trong vấn đề thẩm định tính xác thực.
Kiệt tác trong bộ sưu tập của bạn là hàng giả. Đối diện là bức tranh Chúa bị đóng đinh treo trên tường như trêu chọc hắn với màu vàng nhạt và màu xanh đậm, sau đó mờ đi và biến mất, để lại trong đầu là một thế giới khinh miệt và thù địch. Mọi người đã coi anh ta không hơn một kẻ dị hợm, một tên giầu nổi. Alfiera! Con người mà hắn hoàn toàn tin tưởng, con người duy nhất mà hắn hoàn toàn dựa vào. Thế mà cô đã đóng vai trò là đồng phạm, công cụ của hai tên lừa đảo Sicily, cô đã che giấu bộ mặt thật của mình và trong suốt hai năm thân mật dịu dàng, chưa bao giờ nói rõ cho hắn biết sự thật. Đồ cu ly, quần đê hèn! Hắn cố gắng kiểm soát bản thân, để vượt lên trên sự rẻ rúng này. Đã đến lúc quên đi quá khứ, để thoát khỏi một lần và mãi mãi.
Có một tiếng động nhỏ, hắn mở mắt ra. Alfiera đang đứng ở cửa. Hắn đứng dậy và biết phải làm gì. Hắn biết sự mềm yếu của con ngưòi là sẵn sàng tha thứ. Hắn là một người lịch sự, đứng dậy và cố gắng lấy lại bình tĩnh của một người đàn ông bao dung, hài hước và khôn ngoan, nhưng khi cố gắng mỉm cười thì khuôn mặt nhăn lại, cố gắng giữ thản nhiên nhưng đôi môi lại run rẩy.
- Tại sao em không cho anh biết? Em …
- Cha mẹ em …
Hắn nghe thấy giọng nói lanh lảnh, gần như cuồng loạn của chính mình từ cõi xa xăm nào đó: "Cha mẹ em là kẻ lừa đảo"
Cô ta khóc lớn, một tay cầm chiếc nắm cửa nhưng không dám bước vào đối diện với hắn. Hắn muốn đi tới ôm cô vào lòng. Hắn muốn chứng tỏ bản lãnh, tính cao thượng và thông cảm, vượt lên trên cái gọi là phù phiếm, một tình yêu chân thật trước đôi vai run rẩy với nước mắt. Nhưng một việc kinh sợ lại xuất hiện, đó là khi nghĩ tới tính xác thực. Dĩ nhiên hắn có thể tha thứ cho Alfiera mọi thứ, như không phải là Alfiera đứng trước mặt kia.
Đó là một người khác, một người lạ mà hắn không biết, người mà kỹ năng của một người lừa đảo đã che giấu khỏi mắt hắn. Một sự lừa đảo sống động. Trên khuôn mặt đáng yêu, một sức mạnh nào đó vừa tò mò, vừa tàn ác thúc dục hắn tái tạo lại chiếc mỏ con kên kên gớm ghiếc với cái lỗ mũi rộng, tham lam; Bằng con mắt sắc bén của một chuyên gia, hắn tìm kiếm dấu vết có thể lộ ra sự lừa dối.
- Đừng nhìn em như vậy.
- Cứ bình tĩnh. Em sẽ hiểu … dưới trình trạng như thế này …
Sarkis gặp một số khó khăn trong việc ly dị. Những chứng cứ đưa ra không đủ thuyết phục nên bị toà án bác bỏ. Với một thỏa thuận bí mật với gia đình Alfiera - số tiền chính xác không được tiết lộ - Sarkis mới ly dị được người vợ trẻ mà một thời hắn yêu say đắm và cũng chính nàng đã khiến cho hắn thua Baretta một cách đau đớn trong việc thẩm định tính xác thực.