Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



FORGET ME NOT



C hị Thảo tôi bị bệnh đã mấy năm, nhưng âm thầm chịu đựng. Chị âm thầm mua bán mỗi ngày, lo nhà cửa, chồng con…như chẳng hề đau. Mãi sau này, cơn đau bộc phát dữ dội, vào viện, gia đình mới phát hiện ra bệnh, chị bị viêm gan siêu vi C, đã chuyển sang ung thư. Sau khi được chẩn đoán, định bệnh, bệnh viện chuyên khoa áp dụng tất cả các biện pháp trị liệu, nhằm giảm đi nhiều nhất những đau đớn, ngăn chận sự phát triển của căn bệnh quái ác. Có lần. vị bác sĩ già điều trị cho chị hằng năm bảo : “Người nào cho đến lúc chết, mà không chết vì bệnh ung thư, có nghĩa là người ấy không bị bệnh ung thư !”. Vậy đó. Đã đành “ trời gọi ai nấy dạ “ nhưng tại sao trời lại gọi đúng vào chị tôi ? Ung thư khi đã phát bệnh là giai đoạn cuối, là nan y ! Cho nên dù lo lắng bao nhiêu, người thân cũng không thể chia xẻ được sự đau đớn của chị, nhìn chị quằn quại với những trận đau, hình hài teo tốp dần, chỉ biết cắn răng, rơi nước mắt, lặng lẽ lắc đầu !

Phòng bệnh, nơi chị Thảo nằm tận trên lầu 10 bệnh viện lúc nào cũng nhờ nhờ ánh sáng đèn néon. Máy lạnh chạy suốt ngày, nhưng trên trán chị Thảo cứ lấm tấm mồ hôi. Khi chị vật vã trong cơn đau, và cả những khi chị thiêm thiếp ngủ mê nhờ những liều morphine hay những viên valium…đều làm tôi thắt ruột ! Thời thơ ấu của Chị Thảo và tôi gắn liền với gia đình trong căn nhà gỗ của bố mẹ chúng tôi ở ngoại ô Đà Lạt. Chị hơn tôi hai tuổi, học hơn tôi hai lớp từ tiểu học. Lên trung học, trường chúng tôi là ngôi trường toàn nữ, đứa nào cũng sớm biết làm duyên vì hay bắt gặp ánh mắt của những chàng bên trường nam trung học, hoặc các anh sinh viên học bên đại học, cách trường chúng tôi chưa tới nửa cây số. Thành phố tôi là thành phố hoa nên trên đồi, dưới phố, chỗ nào cũng có hoa. Ngày ngày chúng tôi đi về trên những con đường đầy hoa, nào cẩm tú cầu, nào là lồng đèn, nào là bướm vàng, nào là margarit… nhưng ấn tượng nhất là forget me not. Hoa có nghĩa tiếng Việt là “ Xin đừng quên tôi “, thường được người ta gọi bằng tên tiếng Anh “ Forget me not “, từ thế kỷ trước, nên quen. Forget me not là loài hoa nhỏ, cao khoảng ba gang tay, có từng chùm hoa tím, đậm hơn mầu “ tím Huế “ . Hoa mọc khắp nơi, tím một mầu giản dị, mộc mạc, thân thiết với bao nhiêu thế hệ học trò chúng tôi. Đang trên đường đi học, gặp một đám Forget me not bất ngờ tím lẫn vào cỏ xanh, ai mà không xúc động ! Nhiều người còn có thói quen bẻ một cành hoa tím ấy về cắm trên bàn học, trong đó có chị Thảo của tôi. Hình như ngày ấy, chị Thảo đã có một kỷ niệm sâu sắc với Forget me not. Đó là một bông hoa Forget me not được ép vào cuốn Nhật ký của chị. Chị Thảo giữ gìn nâng niu bông hoa ấy cả mười năm, cho đến năm 1975…Chị Thảo chuyển về Sài Gòn sống cùng chồng, tôi không biết số phận của cành hoa khô ấy ra sao nữa. Làm sao không đau lòng, khi chị Thảo đang trong cơn đau ốm, đã mấy lần ao ước được về Đà Lạt !

Chị Thảo cựa mình, khẻ rên :- Ơ… Anh Dũng, chồng chị Thảo, lấy chiếc khăn giấy, rời ghế đến bên vợ : -Em uống nước nhé ! Chị Thảo lắc đầu :-Anh về kẻo muộn ! Rồi tiếp tục nhắm mắt… Chị bỗng gọi : -Hoa này ! Tôi rời bàn nước, đến ngồi vào mép giường, cầm tay chị : -Chị đau lắm phải không ? Em bóp tay cho chị nhé ? Chị Thảo lắc đầu, bóp nhẹ tay tôi : -Em ở đây với chị lâu rồi, bỏ chú ấy và các cháu ở nhà tội nghiệp quá ! –Chị đừng lo…” chú ấy “ bảo em cứ ở thành phố để săn sóc chị, chỉ mong chị chóng khỏi thôi ! -Ừ chị sẽ chóng khỏi thôi! Ước gì bây giờ chị đang ở Đà Lạt của mình ! Nghe chị lại nhắc đến Đà Lạt, Tôi sợ đến toát mồ hôi ! Rời Đà Lạt hơn 30 năm, cuộc sống chị Thảo gắn chặt vào thành phố. Sạp vải ngoài chợ Kiến Thiết, chị có mặt mỗi ngày hai buổi, nhập hàng xuất hàng bất kể sớm tối, huê hụi, tiền vay, tiền góp…những con số còn ám vào cả giấc ngủ. Về, thăm mẹ, thăm em và thăm Đà Lạt… ba trăm cây số nào có xa xôi gì nhưng chị không thể rứt ra khỏi được cuộc sống cân, đong, đo, đếm… đời thường, họa hoằn chỉ có ngày giỗ bố hay ngày tết . Tôi cảm thấy như là một điềm gỡ, nhất là khi chị Thảo nói khẻ vào tai tôi -Chị muốn Forget me not !

Như mọi ngày, cứ đến 6 giờ tối là anh Dũng rút về nhà, vì đêm là ca trực của tôi. Sinh hoạt ở bệnh viện mấy tháng trời, nhưng tôi vẫn chưa quen , không ăn được cơm bệnh viện. Có khi không kịp ăn cơm ở nhà, đói , tôi ra phía trước bệnh viện mua một ổ bánh mì thịt là xong bữa. Còn nước, tôi chỉ uống loại đóng chai nửa lít, không bao giờ sử dụng nước đóng chai lít rưỡi, vì cỡ chai này, bác sĩ hay dùng để rút nước từ trong bụng chị Thảo ra ! Cảnh thân nhân người bệnh ăn ở vất vưởng ngoài hành lang, cảnh rên siết của người bệnh, cảnh những chiếc băng ca mang người chết phủ khăn trắng…, lúc đầu tác động, làm tôi căng thẳng cả đầu óc, chẳng còn bụng dạ nào để ăn uống cả. Ngay chỗ ngủ, cho dù phòng cao cấp, có máy lạnh, có một chiếc giường xếp cho người nuôi bệnh, nhưng tôi chỉ ngủ khi đôi mắt đã không còn mở ra được, ngã xuống, thiếp đi thôi. Tôi thèm chiếc giường quen thuộc, trong căn nhà nhỏ của mình ở Đà Lạt vô cùng. Nó không tiện nghi như nhà chị Thảo, nhưng nó là chỗ của tôi, cho dù có lúc chị Thảo đã đùa : “ Báu gì cái ổ lợn của mày ở trên ấy ! “. Thì, có gì lạ đâu ! Chị Thảo tha thiết ngôi nhà ba tầng, gạch men, máy lạnh… của chị ở thành phố bao nhiêu thì tôi cũng tha thiết với căn nhà nhỏ đơn sơ của mình bấy nhiêu, vậy thôi ! Căn nhà nhỏ của tôi có hơi hướm của Trí, chồng tôi và tiếng cười đùa của thằng út, trong khi các anh chị nó đã đủ lông, đủ cánh ... Cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy, tôi không thể tìm thấy ở đâu khác. Có những đêm, nằm với chị ở bệnh viện, tôi nhớ chồng, con đến ray rức…Nhớ là nhớ thế, nhưng nghĩ chị mình không còn sống được bao lâu nữa, nhìn chị vật vã, tôi chỉ thấy đau xót, bụng dạ nào rời chị mà về. Thời kỳ học cấp 2, tôi thường được thừa hưởng quần áo của chị, sau công đoạn dao kéo của mẹ tôi. Ngày tôi mới quen Trí, chị Thảo là người ủng hộ hai đứa hết lòng cho đến lúc trở nên vợ chồng. Càng nghĩ lại chuyện cũ, tôi càng thương chị nhiều hơn. Có điều, chuyện của tôi, bất kỳ lớn nhỏ, chị Thảo đều “ biết tỏng tòng tong “ thì có nhiều chuyện của chị, tôi hoàn toàn mờ mịt ! Cho nên, chị Thảo vẫn cứ xem tôi là “ đồ trẻ con, biết gì !”, Những đêm chỉ có hai chị em trong bệnh viện, chị Thảo đã kể tôi nghe biết bao là chuyện, chuyện gia đình chồng con, đến chuyện mua bán, làm ăn…, nhưng tôi biết còn nhiều chuyện chỉ không kể, trong đó có chuyện Forget me not. Chuyện Forget me not hình như có từ tình yêu đầu đời của chị, chị đã dấu kín, chôn chặt, chưa hề hé răng với ai, kể cả tôi là người gần gũi thân thiết! Tranh thủ lúc còn hai chị em, tôi khẻ hỏi :-Chị ! –Gì ? –Chị còn nhớ anh Quang không ? -Quang nào ? –Anh Quang văn khoa, ngày ấy ở gần nhà mình đó ! Chị không trả lời tôi, còn hỏi nhát gừng: -Sao? –Chị có biết hồi đó anh Quang để ý đến chị không ? –Làm gì có ! –Có phải anh Quang là người đã tặng cho chị bông hoa Forget me not, rồi sau đó chị đã ép vào nhật ký phải không ? -Mày thì biết gì! – Em biết chứ bộ, ngày ấy em đã 16 mà ! Chị Thảo lặng yên không nói. Hồi lâu, chị nói một cách mệt nhọc : -Thôi ! để chị nghỉ một chút …Nói xong, chị nhắm mắt như chìm vào giấc ngủ. Trên khuôn mặt xanh mét, đôi mắt nhắm nghiền của chị, bỗng có hai giọt nước mắt lăn tròn…! Buông tay chị, tôi lặng lẽ rút về chiếc giường mình. Đêm ấy, tôi đã phải một đêm mất ngủ, vì những cơn đau của chị đã đành mà còn vì những giọt nước mắt bất ngờ, vì hoa Forget me not của chị nữa…

Rồi, Forget me not cũng được gởi về thành phố cho chị Thảo. Đó là một bức ảnh mầu khổ 20x 30cm lộng kính, một chiếc nón lá, một bó hoa Forget me not. Bức ảnh có một góc máy được cân nhắc, ánh sáng hợp lý, đầy đủ… làm nổi bật lên mầu xanh của lá và mầu tím của hoa trên nền mầu trắng của chiếc nón . Trí đã bỏ ra nửa ngày chạy quanh Đà Lạt, mới tìm thấy một đám forget me not mọc lẫn vào cỏ ở hàng rào một đơn vị quân đội ở tận Chi Lăng. Trí nhổ về nhà, dựng lại theo ý muốn, bấm máy mấy chục lần để chọn ra một tấm ảnh vừa ý. Khi mở hộp giấy đựng ảnh, chị Thảo vội giật lấy, ngắm nhìn thỏa thích rồi úp tấm ảnh vào ngực với một động tác trân trọng, trìu mến...

Chị Thảo trở về Đà Lạt ! Hình hài sáu mươi mấy năm chỉ còn là nắm tro trong chiếc hũ đá trắng, trở về nơi chị đã ra đi ! Chị nhắm mắt sáng thứ 5, được hỏa thiêu vào sáng chủ nhật, khuya chủ nhật xe khởi hành, về đến Đà Lạt khi trời vừa sáng. Trong ba ngày ấy, Trí đã kịp làm sẵn một ngôi mộ nhỏ bên cạnh mộ bố chúng tôi. Khi mặt trời vừa mọc, hai tu sĩ Phật giáo làm thủ tục cầu siêu cho chị bằng những lời kinh giọng ai thống thiết, bên những giọt nước mắt, sự nghẹn ngào thổn thức của người thân…Trong khói hương mịt mù, Chiếc hũ tro được đặt vào huyệt mộ, hoa huệ, cúc, lay-dơn…mầu trắng phủ lên. Xong !

Khi đưa mẹ lên thăm mộ chị Thảo, tôi bắt gặp một bó Forget me not còn đẫm sương . Bó hoa mới được đặt trên mộ, những chiếc lá chưa kịp héo và những bông hoa tím vừa nở dịu dàng, tươi tắn ! Tôi đảo mắt một vòng, xem có ai, người nào có thể là người mang hoa đến mộ chị Thảo ? Tuyệt nhiên không ? Trong số hoa cũ được người quản trang cho dọn bỏ ra bãi đất trống bên cạnh, chờ dọn đi, đã có bao nhiêu là mầu tím của Forget me not. Bây giờ, trên mặt ngôi mộ được rải cuội trắng, bó hoa tím nổi bật như một lời bày tỏ, một tiếng nói về sự có mặt của mình.

Không có ai cả, chỉ có hoa, một bó Forget me not cho chị Thảo, của một người nào đó mà chị thân quen, đã lâu…

Tôi cắm nhang lên chiếc lư hương dưới tấm bia của chị. Bất ngờ, tôi ngỏanh lại, hy vọng sẽ nhìn thấy một người…Nhưng không có ai cả! Chỉ có những ngôi mộ lặng yên dưới nắng sớm.

Đà Lạt tháng 6/2009




VVM.15.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com