Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



TRẮC ẨN




T rong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc năm 1956, các “địa chủ” bị đưa ra “Tòa án Nhân dân” đấu tố. Một chi họ của tôi cũng lâm vào cảnh này.Bản thân tôi không phải chứng kiến cái cảnh người nhà của mình bị đưa ra đấu tố, nhưng sau ngày 30/4/1975, người nhà tôi vào thăm kể lại những câu chuyện không chỉ có ở quê tôi, thuộc miền đồng bằng sông Hồng ,mà còn ở các làng xã trong vùng. Sau này, một số nhà văn phục vụ chế độ miền Bắc cũng đã viết về chiến dịch này. Có người bảo đó là một việc “long trời lở đất”.

Câu chuyện tôi kể dưới đây liên quan đến một cán bộ trong làng có dính dấp đến chiến dịch đấu tố địa chủ ngay trên mảnh đất quê tôi.Nếu như ông này không ký tên vào một Thư Mời những người đồng hương xa quê như chúng tôi, ở Sài Gòn cũng như ở nước ngoài, kêu gọi đóng góp tài chính vào việc sửa chữa và nới rộng ngôi nhà thờ ở làng tôi, sau gần một trăm năm (từ năm xây dựng 1914 đến lúc khánh thành 1918), nay đang trong tình trạng hư hỏng và với dân số của làng trên 2000, toàn tòng, nay trở nên chật hẹp, thì chúng tôi,những người đã xa quê từ trước khi xảy ra những trận bão tố trong lòng người dân ở quê, cũng không muốn nói đến nữa.Vết thương theo thời gian và những sóng gió của cuộc đời, bình thường thì có lẽ cũng đành quên, nhưng nay tận mắt lại nhìn thấy tên của kẻ đã gây nên những tan hoang đổ vỡ của cả một chi tộc, trên Thư Mời gửi cho từng người xa quê đã bao nhiêu năm trời, cho dù bên cạnh chữ ký của người cán bộ này, quan trọng hơn hết, vẫn là tính danh của Linh mục Tổng Quản cả một khu vực trên mười giáo xứ lớn nhỏ cũng như được sự chấp thuận của Giám mục Giáo phận, thì cũng khó mà bảo những con cháu của nạn nhân quên đi nỗi hận thâm căn trong lòng. Vì vậy, giữa những người đồng hương chúng tôi tại Sài Gòn có hai ý kiến.

Một vị có tuổi cao nhất đảm nhận việc gửi những lá Thư Mời cho người đồng hương ở nước ngoài,đã tự ý xóa tên người cán bộ ký tên trên Thư với lý do là người này chẳng những đã gây nên bao nỗi khổ cho con cháu của một chi tộc trong họ nhà mình, mà người này còn can thiệp vào đời sống đạo của cả dân làng, bằng đe dọa, cấm cản những biểu hiện lòng đạo của họ, như thấy ai cầm hoa thì giật lấy ném xuống đất, lấy bàn chân dẵm lên, day day cho nát, vì biết người cầm hoa là để dâng vào nhà thờ hoặc trên bàn thờ của mình.Mặc dù những việc này đã xảy ra lâu rồi, nhưng vẫn phải xóa tên người ấy, vì không nên để con cháu của những người đã chết thấy cái tên của người đó, rồi lại nghĩ ngợi, đau khổ.Mặt khác,đây là cái thư chung của cả dân làng, những người ký tên vào lá thư chỉ là đại diện, cho nên việc riêng tư không nên nói đến, để cho con cháu những người đã khuất cũng chung một lòng đóng góp tài chính, sửa chữa lại ngôi nhà thờ mà chính tổ tiên dòng họ nhà mình đã cùng với các dòng họ khác trong làng, khó nhọc xây dựng nên trong suốt mấy năm trời, theo như lời các cụ kể lại.Nếu không xóa tên người ấy đi thì thử hỏi, con cháu của người đã chết, nhìn thấy cái tên của người ấy,chắc gì họ chịu đóng góp ?

Một vị khác thì nói, cái thư người ta gửi cho mình,viết những gì, ai ký tên thì cứ để nguyên như vậy, không việc gì phải xóa đi. Trước kia ông ta là cán bộ, nhưng nay đã nghỉ công tác. Vả lại cũng có lòng hoán cải thì phải tha thứ cho ông ấy (Lc 17,4).

Vì cái thư đã xóa tên người cán bộ ấy gửi đi rồi nên không ai có ý kiến gì thêm. Còn thư gửi cho những người đồng hương khác tại Sài Gòn thì vẫn để tên người cán bộ, không thấy có dư luận gì về người này.

Hai ý kiến trên đây có khác nhau về ngôn từ, nhưng xét về mặt tâm linh tôn giáo, tôi nghĩ rằng ranh giới thù hận – tha thứ không còn khoảng cách nữa.Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể nói điều này thay cho chính con cháu theo dòng trực hệ của những người đã nằm xuống trong oan khuất khi việc đấu tố địa chủ xảy ra.Ngày nay, những con cháu của họ đã thành đạt. Mấy lần tôi về thăm nhà đều được nghe những lời nói trong chỗ riêng tư, tín nhiệm : Con cháu của các cụ nhà ông, bây giờ đều khá giả. Ngày trước họ chẳng làm điều gì ác đức. Năm đói 45, còn đổ thóc gạo trong nhà cho người nghèo vay mượn. Sau này ai có thì trả, không có thì thôi, không đòi.Thế mà, khi Đội Cải Cách về, một người thì bị bắn chết ở đầu làng.Ông cụ của ông buộc phải tới tận nơi để tận mắt nhìn cảnh cháu mình chết. Còn một người thì đi tù, nhưng vì có sửa sai nên được tha về, ít lâu sau cũng chết. Người thứ ba trong nhà ấy chết không ở trong thời kỳ có chiến dịch vì lúc đó ông này đang ở Hà Nội. Nhưng chả biết làm sao, bỗng dưng quay về làng. Ngày ngày ra đồng chăn một đàn vịt mấy trăm con. Cán bộ năm nào thỉnh thoảng đến nhà chơi, cười nói vui vẻ, kéo nhau ra quán đầu làng chén thù chén tạc, ai mà chả thấy. Vậy mà, có một ngày, cũng người cán bộ ấy đến nhà, bảo ông giơ tay lên, bắt trói ông. Tưởng cán bộ đùa dỡn, ông không tin, còn cười. Nhưng lần này thì người cán bộ ấy không cười như những lần trước nữa.Ông bị trói giật cánh khuỷu,bị bỏ đói, bị dẫn đi các làng quanh vùng, những nơi ngày trước ông đi hành quân vì lúc đó ông là lính của Bảo Đại. Cuối cùng ông bị dẫn xuống bờ sông Chuôn ( cách làng tôi vài cây số ). Các người trong họ hàng cũng bắt phải đi theo để chứng kiến cảnh xử ông ấy. Tại đây, một cái hố đã được đào sẵn, ông bị điệu đến đứng bên miệng hố. Cán bộ đọc bàn án tử hình. Vừa dứt thì ông bị xô ngã xuống đó. Đất được lấp lên vội vã!

Buổi chiều hôm mấy người đồng hương chúng tôi nói chuyện về cái Thư Mời, kêu gọi đóng góp tài chính để sửa chữa nhà thờ ở quê, tôi dự lễ tại một nhà thờ nhỏ ở trong một cư xá, nơi có một cộng đoàn nữ tu áo trắng, Dòng thánh Phao-lô. Hôm đó cộng đoàn nữ tu này có một thánh lễ đặc biệt.

Trong bài diễn giảng Tin Mừng, linh mục chủ tế kể lại một câu chuyện về một toán cướp xông vào một nhà dòng cướp của và toan giết vị đan sĩ. Nhưng đan sĩ yêu cầu bọn cướp hai điều trước khi ông chết. Chúng đồng ý.Đan sĩ nói : Các ông chặt cho tôi một cành cây, nhỏ thôi. Bọn cướp làm liền, chẳng những một cành mà nhiều cành nữa.Đan sĩ nói tiếp : Điều thứ hai là các ông hãy hàn gắn lại những cành cây mà các ông vừa chặt. Bọn cướp phá lên cười, mắng đan sĩ là thằng điên, làm sao mà gắn lại được. Đan sĩ mới nói : Người anh hùng nhất, mạnh nhất chính là người hàn gắn được những gì đổ vỡ, hay hư hỏng. Nếu các ông làm được điều đó thì giờ đây tôi có chết cũng là đủ rồi. Nghe nói thế, bọn cướp suy nghĩ một tí rồi lặng lẽ bỏ đi, không giết đan sĩ và cũng không lấy một vật gì của Đan viện nữa.

Linh mục chủ tế kết luận: Thời đại chúng ta hôm nay cũng thế,chúng ta phải biết tha thứ, khoan dung để hàn gắn những chia rẽ và thù hận.

Ngoài trời có mưa nhẹ, gió hơi lạnh lùa vào thánh đường. Thánh lễ cũng vừa xong. Kinh cuối cùng là Truyền tin. Từng tiếng chuông tắt lửa âm vang nhè nhẹ, hòa trong hơi gió lạnh, trong lời kinh của cộng đoàn đức tin, trong đó có tâm tư tận hiến của các Nữ tu Áo trắng. Đèn trong nhà thờ đã tắt, chỉ còn ngọn đèn chầu như một đốm lửa nhỏ, dấu chỉ của một sự HIỆN DIỆN Mầu Nhiệm. Tôi cúi đầu bước ra khỏi hàng ghế quì, lặng lẽ đi trong sân nhà thờ thấm lạnh. Bên ngoài, đường xá cũng thấm ướt. Mưa như hơi sương ban chiều ở cao nguyên Ban mê thuột của những năm nào tôi sống trên đó, sau khi rời ghế nhà trường. Rồi những con đường làng quê tôi, nghèo khó nhưng an lành từ một thuở xa xưa.

Đối với tôi, một buổi chiều như thế là dấu ấn của hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi đến bây giờ tôi mới lại được nếm cái hương vị ngọt ngào như mật ong của nó.

Cái dòng văn của tôi viết tới đây thì như gặp phải một tia sáng của sao băng, đột nhiên ngừng lại. Câu chuyện tưởng như đến đấy là hết, nên theo thói quen, tôi hạ bút ghi tên mình và năm tháng xuống dưới bài ở bên phải. Một lúc sau chợt nhớ còn một chi tiết về người cán bộ ở quê, đã ký tên vào Thư Mời kêu gọi những người đồng hương xa quê đóng góp tài chính trùng tu nhà thờ làng.Chi tiết tôi chưa nói thuộc về đời sống thiêng liêng của ông.Mặt khác, có bắt đầu thì cũng phải có chung cuộc, ở đây là việc sửa chữa và hoàn tất. Với một công trình lớn như ngôi Thánh đường cổ đã trăm năm, thì việc hoàn tất cũng có nghĩa là một ngày hội của cả dân làng, nên có ngày lễ Tạ Ơn, ngày Khánh thành.

Hai năm sau đó, chúng tôi lại nhận được một Thư Mời khác, lần này là về dự lễ khánh thành.Một phái đoàn trở về được thiết lập, trong đó có người là anh em với người cán bộ nói đến ở đây.Sau ngày lễ, chúng tôi trở lại Sài Gòn, người anh em này mới kể lại câu chuyện liên quan đến người cán bộ ấy.

Theo lời kể, ông ta được người anh em chúng tôi yêu cầu đi “xưng tội” sau mấy chục năm bỏ để đi theo Đảng. Anh có thấy cả làng người ta đi xưng tội không. Các cha trong Sài Gòn ra, có lúc nào được rảnh đâu, hay là ngồi tòa liên tục. Anh không thể khất lần khất lữa mãi. Nghỉ hưu rồi, lại đang giúp giáo xứ, thì đây là dịp tốt cuối cùng.Tổ tiên của dân làng đã xây dựng ngôi nhà thờ này, bây giờ đến phiên chúng ta, đều là con cháu các cụ, đứng ra sửa chữa những gì hư hỏng. Làm mới lại ngôi nhà thờ bằng gạch, xi măng, sắt thép thì chúng ta cũng phải làm mới lại lòng chúng ta, tâm hồn chúng ta, bằng cách tẩy rửa, sám hối. Đó là đi xưng tội…Anh yên tâm đi, các cha người nhà mình không bắt anh làm việc đền tội nhiều đâu, cần cái lòng thành thật của mình.

Người anh em tôi kể tiếp: Đến ngày hẹn đi xưng tội, anh đến nhà người cán bộ anh em để cùng đi, thì thấy ông đang nằm trên giường, chùm chăn.Anh biết đây là cách giả vờ sốt, nên đến ngay giường, tung chăn lên và lôi ông dậy. Đã hẹn hôm nay đi thì phải đi…

Ngày lễ khánh thành nhà thờ, được coi như Ngày Hội của cả dân làng. Cho nên, một người từ xa về thì chỉ biết còn dịp này thôi.Hơn nữa, người anh em chúng tôi cũng đã trải qua tình trạng bỏ bê phần linh hồn trong nhiều năm của tuổi trẻ, nên anh không thể bỏ lỡ dịp này như những lần về trước. Còn người cán bộ kia, thì thấy cảnh trí bên ngoài dân làng từ một tuần lễ nay, nhà nào cũng cờ xí phất phới, trang hoàng đẹp đẽ trước cửa nhà, đặc biệt với những nhà nằm trên các con đường chínhdẫn đến nhà thờ. Ngôi tháp chuông nhà thờ cao ngất kia, cũng biểu lộ niềm tin và vui mừng một cách công khai sau mấy chục năm vắng bóng, qua lá cờ hai màu Trắng Vàng, mà dưới cái nhìn của người công giáo bình dân, đấy là sự hiện diện của Tòa Thánh Vatican, dấu chỉ của hiệp thông, của tinh thần hiệp nhất giữa một đơn vị nhỏ nhất là giáo xứ với Trung Tâm của Giáo Hội Công Giáo trên hoàn vũ là Tòa Thánh.

Người cán bộ ấy bất ngờ ngồi dậy với một thái độ mạnh mẽ. Ông nhìn người anh em của mình từ xa về vẫn ngồi ở thành giường từ lúc vào nhà, kiên nhẫn đợi chờ.Ông nở nụ cười rất tươi, nói lời “Xin Lỗi”. Rồi cả hai cùng song hành đi về phía nhà thờ…

(Tháng 9/2008)




VVM.15.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com