S
ương rơi ướt đẫm trên cỏ, từng làn gió thổi sít vào nhau nằng nặng. Đám côn trùng thỉnh thoảng lại kêu rên hoan hỉ trong giấc mơ bầu trời.
Phía cuối đồng, trăng sáng xanh xanh xa vời vợi, những ngôi sao mệt mỏi đã ngủ vùi trong mây tự bao giờ. Từ đằng đông, mây vén sương mở ra
một vầng hồng ưng ửng. Ngày lên. Sinh khoác lên vai chiếc áo sơ mi màu gạch, lững thững bước về nhà. Trời bảnh mặt người, Tú phóng xe đạp
sang chơi bảo:
- Bà bảo mấy hôm rồi mày không ngủ ở nhà, thế ngủ ở đâu?
- Ngoài đồng.
- Gì?
- ...
- Dở hơi à! Ra đồng hoạ có ma mới ngủ. Vậy đấy, Sinh đã ngủ ba đêm ngoài đồng. Có nghĩa Sinh là ma, hoặc Sinh ngủ với ma. Mà Sinh có ngủ đâu,
anh ra đồng ngắm ngày tàn, để hứng sương trong sự yên tĩnh và nhìn thấy tận mắt bầu trời ái ân, giao thoa với đêm, lên ngày. Sinh không nhớ
từ bao giờ anh lại thích ra đồng. Xa bé trốn mẹ ra đồng chơi với bạn, nay lớn rồi Sinh vẫn ra đồng, thích thú với cảm giác sương quện vào bóng
đêm phủ trên cơ thể sau những mệt nhoài phố thị. Sinh yêu đêm, vì đêm đen nhưng mềm mại và thăm thẳm sâu. Chính đêm khiến Sinh nhận ra
nhiều triết lí giản dị. Ví như gió, lúc dịu dàng đắm đuối nhưng lắm khi bão táp tơi bời. Đêm Sinh được sống đúng mình, đối diện với
trăm suy nghĩ nhằng nhịt như bàn chân con cuốn chiếu đang bò trong đầu mà vốn khi ban ngày nó đầy toan tính.
Ngắm từ đêm sang ngày, trong chờ đợi mà Sinh không biết chán. khi Sinh trở về, mẹ cũng đã dậy, cặm cụi quyét quyét. Công việc chỉ có thế thôi,
nhưng hôm nào cũng dậy thật sớm, sớm đến mức, nếu như ở ngoài Hà Nội, lúc ấy Sinh mới bắt đầu leo lên giường đi ngủ. Ngày mai Sinh lại phải đi,
dễ có mấy tháng mới về nhà một lần. Về để đưa tiền cho vợ rồi thăm mẹ và con. Nhưng cũng có khi Sinh thấy ngột ngạt nơi phố thị, thì bỏ về quê
vài hôm. Công việc quản lý ở nhà nghỉ chỉ cần giao lại cho Lãnh - người bà con xa lắc xa lơ anh nhận về làm quản lý phụ. Riêng phần sổ sách,
tiền nong thu gom trong một ngày đã có Diễm lo. Người ta bảo đừng tin đàn bà, mà đàn bà làm cái nghề ngửa ra kiếm tiền thì lại càng không nên.
Mặt Sinh bì bì, đôi môi đầy đầy lẩm bẩm: Nghề nào mà chẳng là nghề, đàn bà tính sao lại với đàn ông.
Trước ngày cưới, Sinh nói với vợ: Ai cũng có quá khứ, cô cũng vậy, mà tôi cũng thế. Nhưng quá khứ là quá khứ, đang sống với hiện tại,
không ai nhắc quá khứ. Nếu có điều gì khó chịu thì cứ nói thẳng ra để giải quyết, không chuyện dưa cà gì hết. Công việc của tôi như thế,
tránh không khỏi những tiếng tăm, cô không ghen tuông vớ vẩn. Vợ Sinh không nói gì. Cho đến khi thấy Sinh cất trên nóc tủ một cái hộp
lẫn với nhiều thứ linh tinh khác, bèn hỏi. Sinh bảo: Vài thứ lung tung, đừng đụng tới.
Một dạo Sinh từ thành phố về, thấy vợ nằm úp mặt vào tường im bặt. Chưa kịp hỏi, mẹ bảo: Nó khóc, lại đang mang bầu, không tốt cho đứa bé.
Sinh đi vào trong, liếc nhìn xung quanh thấy chiếc hộp dịch chuyển sang một góc. Khẽ thở dài, Sinh ra hè với chiếc khăn mặt đi vào trong vắt
ở thành giường nói: Tôi đã bảo cô rồi, đừng đụng đến, quá khứ là quá khứ. Vừa nói, Sinh đưa tay lấy chiếc hộp đựng toàn thư từ của người
yêu cũ ra giữa sân đốt. Sinh hỏi: Khói bay về đâu đấy? Thư cháy hết rồi, mà lòng Sinh cảm thấy cứ chờn vờn những nỗi buồn không nói được.
Đã không quên được người ta sao còn lấy vợ. Vì thương mẹ già quạnh quẽ hay còn bởi vì Linh người yêu cũ đã bỏ Sinh mà đi. Thế thì Sinh phải
lấy vợ, lấy vợ là một giải pháp tốt nhất, liều thuốc hữu hiệu nhất khoả lấp tâm hồn. Tú cằn nhằn: "Lấy mối tình này, để khoả lấp mối
tình kia chỉ là sự vá víu của tâm hồn". Sinh chẳng hiểu nổi cái gì vá cái kia, những triết lý của Tú từ xa khi hai đứa học phổ thông đến
tận bây giờ Sinh vẫn không hiểu hết.
Nhà Tú và nhà Sinh cùng làng nhưng khác ngõ, hai đứa chơi với nhau từ thuở mới lọt lòng. Mẹ Tú bị bom gài trong lúc đi đào củ mài ngoài
đồng, cha vẫn đang ở nơi sa trường. Khi ấy Tú mới vừa vặn 4 tháng tuổi. Sinh phải nhường một bên vú sữa ít ỏi của mẹ cho Tú. Lớn lên
hai đứa thân nhau từng buổi đi bắt cá ngoài mương, đến những con chữ đầu tiên học được từ một anh bộ đội về làng. Chỉ có điều Tú vừa hiền,
học chữ rất nhanh và viết đẹp còn Sinh thì thông minh nhưng nghịch ngợm, chữ nghĩa viết như gà bới. Sau khi tốt nghiệp cấp ba,
Tú được nhận thẳng vào đại học sư phạm, nhưng cứ nhất quyết đòi nhập ngũ. Sinh thì đi học nghề, cũng có một hai cái chứng sơ cấp.
Bôn ba với đủ nghề giữa chốn phồn hoa, đã có nhiều khi Sinh muốn buông xuôi, nhưng Sinh có Linh. Linh đẹp, hàng mi cong, mái tóc đen mượt.
Linh cũng từ chân quê ra phố thị, làm bưng bê cho một nhà hàng, anh may mắn gặp trong một lần tới ăn cùng cấp trên. Rồi đến cái ngày
Linh đến thăm Sinh trong nước mắt tức tởi. Sinh im lặng, ngước lên nhìn trời, ấp đôi bàn tay sần sùi vào mặt. Linh xin lỗi và giải thích.
Sinh không cần lời giải thích, khi ánh mắt Linh mãi chờn vờn, đôi má hồng lên, bên chiếc váy mới mua. Đúng lúc đó Sinh được nhận về để
làm ông chủ cho một nhà nghỉ matxa. Mà nói chính xác hơn là vừa làm bảo vệ, kiêm quản lý nhân viên. Trên anh còn có ông chủ quản lý hàng
chục cái nhà nghỉ như thế này nữa. Sinh không muốn nghĩ nhiều đến Linh, nó làm anh thấy mình uỷ mị quá chừng. Bỗng nhiên Sinh muốn lấy vợ,
chỉ thế thôi.
Tiếng là ông chủ, nên việc anh lấy vợ dễ như việc bắt cá ở đầm. Vợ Sinh tên Nhung, là một cô gái có nhan sắc bình thường nhưng da
trắng và khoẻ mạnh, làm văn phòng cho một công ty trách nhiệm hữu hạn ở quê bé như cái kẹo, chuyên kinh doanh bát đĩa, men sứ.
Nhung thấy cũng chẳng thể lấy ai hơn Sinh, thế là đám cưới tưng bừng diễn ra. Công việc của Nhung khá nhàn rỗi, Sinh cũng thích thế.
Cậu con trai chào đời, đem lại niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt Sinh, mẹ bỗng khoẻ hẳn ra. Đám thanh niên trong làng xì xào,
thằng bé không giống bố, Sinh cười: "Cá vào ao nhà mình, thì cứ vậy mà nuôi, một chứ hai đứa cũng được". Rồi Sinh đi, đêm đó Sinh
chong đèn nói với vợ: Tôi đi suốt, lâu lâu mới về nhà hai ba hôm. Có những chuyện... mà nói thẳng ra là nhu cầu chuyện kia tôi không
đáp ứng được, ở nhà cô đi với ai tôi cũng không thấy, làng xóm nói gì tôi không nghe, nhưng nếu tôi về, thì cô phải ở nhà, là vợ tôi.
Vậy mà, lần này về mặc dù Sinh đã gọi điện báo trước, nhng Nhung vẫn về muộn. Đứa bé sốt, Sinh bực nhưng không đi tìm, mãi tận mười
một giờ Nhung về quần áo lành lạnh, khẽ nói:
- Công ty có việc đột xuất, em phải trực. Sinh định không nói, nhưng Nhung lại giải thích, khiến anh bực dọc, bực dọc vì sự giải thích.
- Ngời ta trả cô tháng mấy triệu mà đi đến tận bây giờ. Có mấy trăm bạc thôi, thì không đến mức phải đi sớm về khuya như thế!
- Em cũng không muốn vậy, nhưng... Sinh không nói nữa, sờ trán thấy thằng bé ngắt cơn sốt, đưa tay lấy chiếc áo khoác lên người đi ra cửa.
Nhung với theo:
- Còn anh ngày ngày kè kè với nhau. Sinh bỗng đứng khựng lại, khẽ thở dài rồi bước dứt khoát xuống đồng.
Đồng quê vào hạ, gió mát lộng, tối tối đám trẻ con ra bãi cỏ hoang để chơi te cộp, chơi trốn tìm, xưa kia Sinh cũng thế.
Nhưng giờ này thì bọn trẻ đã về nhà ngủ cả rồi, trời hoang vu xào xạc gió như tâm hồn xác xơ của Sinh . Bãi cỏ hoang rộng, trên bờ
đê có cây bồ kết rất to, ngày xa vào buổi trưa nắng, nhà không có quạt, Sinh xuống đồng, trèo lên cây bồ kết mà ngủ. Bây giờ Sinh không
trèo, mà dựa vào gốc để ngồi. Ngồi và nhìn ra phía cánh đồng bát ngát hương ngô. Qua những luống ngô xanh mềm, đến những luống khoai
và qua những ruộng lúa đồng sâu trơ trốc gốc rạ, đang chờ đến vụ đông xuân để cấy là đến những đầm lớn của Hợp tác xã.
Tất cả những cái đầm đó, sau khi Tú đi bộ đội về, đã xin thầu lại nuôi cá, trồng sen, năm hai đận đánh bắt cũng có khối tiền.
Nghe bảo người ta giữ lại làm bộ đội chuyên nghiệp mà nó nhất định xin về làng, cái thằng hâm quá. Bây giờ chắc Tú đang nằm
chỏnh chơ ở cái lều chơi vơi giữa đồng. Qua những chiếc đầm cá, là bãi tha ma của làng. Bãi tha ma có trồng nhiều phi lao,
đêm đêm gió thổi vi vút như tiếng hú, trẻ con sợ chết khiếp nếu đi chơi về khuya. Định tới đầm cá, nhưng nghĩ
thế nào Sinh lại thôi.
Diễm điện thoại thông báo với Sinh, ngày kia có đợt kiểm tra . Sinh lẩm bẩm: Chúng lại đói rồi, mỗi năm vài lần kiểm tra là ăn đủ. Việc đầu
tiên khi Sinh đặt chân đến công ty là chấn chỉnh tác phong làm việc và ngay buổi sáng mời bác sỹ đến khám sức khoẻ cho nhân viên,
tất nhiên có cả Diễm. Công ty của Sinh, trừ khu vực nhà nghỉ là làm cả ban đêm, còn khu vực mát xa thì chỉ làm đến 9 giờ tối.
Sinh nói với đám nhân viên nữ: "Còn để thời gian các em đi kiếm nữa, chứ lương tháng vài trăm tiền quần áo, son phấn sao đủ".
Đám nhân viên cười, khen sếp tâm lý, nhưng thấy Sinh đưa Diễm từ nhân viên lên làm phục vụ ở quầy lễ tân thì lại tỏ ra đố kị ghen ghét.
Sinh bảo Diễm: "Kệ mẹ chúng nó". Sinh đi ra ngoài, lầu bầu: Bọn này, không cứng rắn thì chúng nó cỡi cổ. Diễm làm ở quầy lễ tân,
nhưng vẫn kiêm luôn phần matxa, tất nhiên là chỉ với khách quen, hoặc khi nào thật đông khách và cần người. Lương mà Sinh trả thì
tất cả đều như nhau, nhưng những khoản bo của khách, cộng với tiền làm thêm thì Diễm vẫn cao hơn cả. Mới có nửa năm làm ở đây mà
Diễm đã để được mấy chục triệu. Mỗi ngày làm được bao nhiêu, đến nửa đêm khi Sinh và Diễm cổng sổ sách, cô đều đưa cho Sinh giữ hộ.
Diễm xinh, cao ráo, và quan trọng đối với Sinh đấy là cô biết điều, như thế là đủ để sống rồi. Diễm hỏi Sinh:
- Mấy đứa đang bảo về quê, làm lại cái chứng minh là người dân tộc. Em sống ở trên miền núi, nhưng lại là dân tộc kinh. Em có cần đi xin
một cái chứng minh dân tộc. Sinh bảo:
- Không cần, kiếm như thế là khá rồi, đủ tiền cho chồng cho con, lại để ra được ít vốn, làm làm gì nữa. Diễm không nói gì, nhưng rất
biết nghe lời Sinh. Cứ đến tháng Diễm lại gửi một ít tiền về cho chồng và con. Chồng Diễm là một người nghiện hêrôin nặng. Nhà Diễm nghèo,
cha mất sớm vì bệnh lao, mẹ nợ nần chồng chất. Thương mẹ Diễm lấy chồng giàu, với hi vọng đỡ đần mẹ nhưng ai ngờ của nả cứ theo làn khói
xám đi theo. Diễm gói gém quần áo, gửi con một người bà con rồi đi lên thành phố tìm việc. Nhưng thỉnh thoảng chồng Diễm vẫn điện thoại
xin tiền, nếu không có tiền hắn sẽ làm khó cho đứa con gái mới lên ba. Sinh bảo:
- Bế luôn đứa bé lên đây.
- Không được. Diễm nói trong gây gắt.
- ...
- Em cố gắng làm vài năm nữa, lận lưng ít vốn, rồi đi đến một nơi nào đó mở một cửa hàng nho nhỏ nuôi con. Sinh chẳng nói gì,
bỗng dưng nhớ vợ. Lần đầu tiên trong hơn hai năm lấy nhau, Sinh bỗng nhớ vợ. Mà nhớ vì lẽ gì chứ! Vợ Sinh ghen tuông với mấy
cô nhân viên của Sinh. Thấy Sinh thở dài, Diễm hỏi: Sinh tảng sang chuyện khác. Thấy Sinh có vẻ không vui, Diễm không hỏi nữa,
chợt thấy buồn buồn.
- Em biết mình, làm cái nghề mạt hạng này người ta khinh. Sinh chặn ngang:
- Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người một nghề. Mà có người muốn làm nghề này mà không được. Diễm ngạc nhiên
- Có cái gì dễ bằng cái nghề này chứ, mà ai muốn mà không được. Sinh cười.
- Có những cô sinh ra đã quá xáu xí, chó mèo thấy cũng bỏ đi, trẻ con thấy thì khóc vậy thì làm sao được.
- Anh cứ đùa, có ai xấu như thế chứ. Sinh vẫn thao thao:
- Người ta cứ bảo nghề này nhàn hạ, kinh doanh bằng vốn tự có. Nhưng một ngày mà vớ phải thằng hút hêrôin thì có mà bã ra. Diễm nhìn
Sinh cảm động, bỗng thấy được an ủi khi Sinh đã cảm thông.
Đêm đó Diễm không ngủ, ngày hôm sau mắt hơi sưng sưng. Sinh biết, nhưng không nói gì. Sáng nay, giám đốc của công ty Sinh xuống.
Sinh nhắc Diễm chuẩn bị nước nôi sổ sách đầy đủ. Khi giám đốc xuống, Diễm thấy Sinh đứng trân trân, da mặt cứ bì bì nhìn cô thư ký xinh
đẹp của xếp. Diễm nghĩ thầm: Đúng là đẹp thì ai cũng thích, nghĩ vậy Diễm dẫm vào chân Sinh. Bất giác Sinh quay sang Diễm nhìn thân thiện,
đặt tay vào sau eo cô mà thao thao nói chuyện với xếp. Giám đốc giới thiệu cô thư ký mới tên Linh cũng là vợ sắp cưới của ông.
Anh còn lạ gì xếp nữa, tất cả các cô thư ký đều là bồ và đều được ông giới thiệu là vợ sắp cưới. Sau khi Xếp và cô thư ký bước lên
ô tô Sinh vẫn còn ngẩn ngơ đứng, da mặt đỏ sẫm. Sinh muốn khóc, khóc như một đứa trẻ giận mẹ, chứ không phải khóc vì Linh người yêu cũ
của anh, nay là thư ký của sếp ... Buổi tối vào sổ cộng tiền, Diễm vô tư hỏi Sinh:
- Cô thư ký của giám đốc xinh nhỉ. Sinh khẽ ừ! Rồi im lặng. Sinh tự đánh lừa mình bằng sự phản biện ngu ngốc: Linh người yêu cũ của anh,
ngày xưa tóc đen dài chấm gót, nay cắt ngang vai nhuộn vàng xoăn tít. Linh người yêu cũ của Sinh. Không đó không phải là Linh...
- Anh Sinh.
- Anh Sinh
- Gì? Diễm nhìn Sinh như kẻ mất hồn
- Tối qua em buồn à? Sinh lảng tránh.
- Thôi, làm sổ sách xong anh chở em đi kiếm, sẽ hết buồn. Chưa nói hết câu, thì điện thoại của Diễm phát lên một bản nhạc êm dịu.
Sinh cũng chẳng còn thời gian để mà đau xót nghĩ suy.
- Alô. mấy giờ. Anh lo hậu trường. Sinh khẽ thở nhè nhẹ, nhìn vào mặt Diễm cười:
- Anh mát tay lắm! đi anh chở, tiền xe ôm lấy rẻ. Diễm cũng cười cười, đôi môi chúm chím không quên cảm ơn. Sinh chở Diễm đi loằng ngoằng
qua các con đường qua nhiều ngã rẽ, rồi Diễm bảo:
- Đợi em ở đây. Sinh xuống xe, chống xe bằng chân chống giữa, nằm ngửa lên yên xe ngắm trăng. Sinh chợt nhớ ra, mình đang ở giữa thành phố,
chỉ có ánh đèn điện vàng kè thô bạo mơn trớn trên cơ thể anh còn chút ánh trăng vàng ngọc vương lại sau những lần về quê. Có tiếng nói the thé,
Sinh nghếch đầu dậy, thấy hai thằng choai choai đang chích thuốc. Sinh đã chứng kiến cảnh này nhiều lần khi còn là chạy xe ôm, kiêm bảo
vệ nhà nghỉ nên thấy chẳng có vẻ gì đáng ngạc nhiên cả. Khẽ nhích mép, rồi Sinh lại chắp tròn tay trước ngực nằm, chúng đi qua thấy
Sinh mở mắt tháo láo như rắn ráo và lặng lẽ đi tiếp.
- Đi ăn phở. Diễm đã đứng cạnh Sinh từ lúc nào, miệng cười rất tơi.
- Nhanh thế. Diễm không nói, chỉ chực leo lên xe ngồi vắt vẻo.
Đang đi thì, chiếc điện thoại của Diễm lại vang lên bài ca cũ, điệp khúc cũng quen thuộc:
- A lô. ở đâu? Bao nhiêu? Anh lo hậu trường.
- Ở đâu? Sinh hỏi. Rồi phóng vèo đi, khiến Diễm bất ngờ khẽ ngã người về sau, đôi tay bấu chặt vào hông Sinh. Lần này trong lúc chờ đợi,
Sinh sẽ nằm ngửa lên yên xe và tưởng tượng ra trăng. Chao ôi! Sinh bỗng thấy mình yêu trăng quá thể. Sinh nghĩ: Không biết ở trên cung trăng,
không khí sẽ như thế nào nhỉ! Sinh bỗng khao khát được lên cung trăng. Thế mà có lần, Tú hỏi sau khi chết Sinh có thích lên thiên đàng không?
Sinh đã phá lên cười. Sinh chỉ muốn xuống địa ngục thôi, địa ngục sống cho thoái mái, chắc gì lên thiên đàng đã sướng hơn. Chắc gì, con người
ở nơi tốt đẹp sống chân thật với nhau hơn ở những nơi tối tăm. Tối tăm khiến con người bộc trực thẳng thắn hơn. Miên man một chút, bất
chợt có bàn tay cù nhẹ vào người:
- Đi ăn phở. Sinh giật mình quay ra nhìn Diễm, khuôn mặt có phần nhợt nhạt phấn. Có lần Sinh bảo Diễm: Nếu Diễm không son phấn thì trông
vẫn đẹp, bởi các nét của Diễm khá sắc. Diễm cũng trang điểm nhẹ hơn, nhưng do thói quen nên khó bỏ hẳn được. Sinh chở Diễm tới một quán phở,
gọi cho Diễm hai quả trứng chần ăn trước:
- Ăn đi, lấy sức. Vừa ăn xong hai quả trứng chần, thì chuông điện thoại vang lên, Sinh nghe bản nhạc không còn êm dịu như lần trước,
mà nó có phần phù phiếm.
- Alô. Vâng. ở đâu? Mới sớm ra, anh mở hàng thế nào đây? ô kê. Sinh cười khẩy.
- Đã có mấy người mở hàng rồi còn gì?
- Thì anh tính, nghề của bọn em nó thế?
- Ừ! Nhưng nếu ai cũng được như em thì no. Diễm quay sang Sinh cười. Lần này đợi mãi không thấy Diễm ra, Sinh bỗng thấy bồn chồn.
Đã tiếng rỡi rồi. Giật mình khi sự sốt ruột xuất hiện, Sinh cười khẩy. Hoá ra không phải Sinh là một kẻ chai lì cảm xúc như vẫn tưởng.
Diễm ra, khuôn mặt nhầu nhĩ nhưng vẫn cười cười khi nhìn thấy Sinh. Vừa đi đến nơi chiếc điện thoại màu đỏ mượt mà một lần nữa lại reo:
- A lô. Dạ. Vâng. Ôkê. Sinh gắt:
- Bao giờ đến lượt tao. Diễm nhìn Sinh chằm chặp.
- Anh có bao giờ.... Sinh biết mình lỡ lời.
- Đi đâu? Sinh hỏi.
- Không. Người ta điện thoại bảo, hôm khác gặp lại và chúc ngủ ngon. Sinh liếc đồng hồ, đã 5 giờ sáng, khẽ gật đầu, ừ chúc ngủ ngon.
Xong việc Sinh bắt xe sớm về quê, không quên dặn Diễm và Lãnh quản lý những việc cần thiết. Lần này về quê, Sinh bỗng thấy hồi hộp đến lạ.
Chao ôi! Sinh thèm được ra đồng quá, thèm được ngủi mùi bùn. Sinh thấy mùi bùn thật hấp dẫn, nó làm Sinh thanh thản và nghĩ suy mọi
việc sáng suốt hơn. Lần này về Sinh tạm biệt cây bồ kết ra đầm ngủ. Hai đêm nay nằm bệt ngoài đầm, Sinh muốn ngửi mùi bùn quện vào hương sen.
Sen đang chớm nụ, chúm chím, thoang thoảng thơm. Tú nói:
- Mày về nhà ngủ đi? lâu lâu mới về, ở nhà với vợ con. Hay thì đưa cả nhà ra ngoài đó, ở nhà nhếch nhác.
- Năm nay thả nhiều cá không. Sinh dường như chẳng để ý gì đến câu nói của Tú. Tú vẫn kiên trì:
- Khổ thân bà cụ, cứ bảo bà già rồi lẩm cẩm. Mắt không thấy, tai không nghe. Tao biết, bà nghe hết, thấy hết đấy. Hôm nọ tao sang chơi,
biếu cụ con cá trắm, cụ vui lắm, cứ bảo là nhớ thằng Sinh... Sinh đảo con mắt, lảng tránh tiếp:
- À nghe bảo mày với cô giáo Lan dạy ở trường mầm non. Thế định khi nào cưới. Tú gắt:
- Mày còn coi tao là bạn nữa không? Sinh quay sang Tú cười, gợn gợn chút buốn, rồi nhảy tùm xuống đầm.
- Bạn ơi, hôm nay bạn thích ăn cá gì nào. Lâu lắm rồi không được ăn món cá đồng nướng rạ, thấy thèm quá. Sinh không muốn Tú hỏi nữa,
tất cả những điều đó Sinh biết hết. Mẹ đã già, Sinh vẫn mua sâm về cho cụ, cụ để dành không uống. Sinh muốn về nhưng không thể bỏ công ty
mà về lâu được. Nếu bỏ công ty, thì chỉ có đến mức đi tù. Lại có điện thoại của Diễm, sóng chập chờn. Diễm nói run run:
- Nguy rồi anh ơi! chiều qua có đợt kiểm tra gấp, em điện cho anh nhưng máy không liên lạc được. Sinh quẳng con cá rô to xuống cỏ văng tục:
- Có cái gì mà bữa nay kiểm tra liên tục thế. Rồi Sinh cúp máy, không quên vỗ vào Tú giặn dò:
- Công ty có việc gấp, tao bắt xe đêm ra đấy gấp. Mai mày qua chỗ bà, nói với bà mấy câu. Xong việc, tao sẽ về nhà cả tháng. Rồi Sinh vội vã đi,
Tú đứng nhìn Sinh, thấy thương bạn:
- Thế không nướng cá à? Chưa nói hết câu, Sinh đã chạy sấp đi rất xa đầm rồi. Sinh ra công ty lúc 8 giờ sáng, thấy vắng ngắt. Diễm hớt hải:
- Công ty tạm thời ngừng hoạt động. Hôm qua, họ kiểm tra thấy mấy nhân viên của ta...
- Thôi. Sinh gắt.
- Đội nào? Sinh hỏi
- Vẫn là đội hôm nọ. Sinh cáu thực sự
- Cái gì?
- Vẫn là đội hôm nọ. Diễm tưởng Sinh chưa nghe rõ nên nhắc lại.
- Mẹ kiếp, có ngồi mút tất cũng không thể nộp cống cho chúng nó tháng hai lần. Diễm nhìn quanh quẩn không thấy ai rồi mới nói nhỏ vào tai Sinh.
Em nghe một anh khách quen của em bảo cô Linh thư ký sếp, hình như chơi rất thân với tổ trưởng trong đội đó, mà hôm anh về thấy cô Linh đến
tìm anh Lãnh, rồi đi đâu đó. Lúc về Anh Lãnh hỏi em...
- Gì?
- Có phải giữa em và anh có chuyện không? Sinh tái mặt lơ mơ hiểu ra mọi chuyện. Không nói gì nữa, thõng thợt đi vào trong. Giám đốc gọi Sinh
lên bảo lãnh. Ông bảo Sinh: Em nói với Linh một câu. Mất gì đâu, anh đã nói với Linh rồi, Linh muốn gặp em, ở địa chỉ này. Sinh không đến,
cũng chẳng năng gì, thu xếp đồ đạc về quê. Trước khi về, Sinh trả Diễm tổng cộng mấy chục triệu tiền cô làm anh giữ hộ. Diễm đưa cho Sinh một ít,
bảo biếu bà cụ. Sinh không cầm, bảo Diễm mua lấy một quầy hàng nuôi con.
Sinh về quê, cả ngày lẫn đêm nằm ở đầm. Thằng bé con đã lên ba, nó không chịu rời Sinh nửa bước, ngày nào cũng lẽo đẽo đi theo anh ra đồng.
Nó chơi quanh quẩn qua mấy cái đầm. Sinh dặn:
- Không được xuống nước, hà bá lôi chết đuối. Thằng bé vâng vâng dạ dạ, rồi chạy đi hái cỏ gà. Mãi nó mới tìm được một cọng cỏ gà, nó
thích thú dơ lên khoe với Sinh, điệu cười nhếch mép giống Sinh như lột. Thế mà người ta bảo nó không giống anh. Sinh nghĩ bụng, nhưng
anh cũng không cần biết, bởi Sinh yêu nó, nó là con Sinh. Tú đi họp ở uỷ ban xã về, ngồi dưới lều nói với Sinh:
- Mày ở nhà đi, hai đứa cùng thầu mấy cái đầm. Một mình tao làm không xuể. Ngày mai bầu, ban quản lý thôn, tao sẽ xin bổ sung mày.
Sinh chẳng nói gì, nằm nhìn buổi chiều xanh ngắt, gió miên man. Bỗng có tiếng thằng bé khóc ré lên, Tú chạy vội tới, Sinh ngóc đầu dậy,
thấy con lấm lem bùn đất, đoán ngay thằng bé bắt cá, chắc bị con gì cắn. Tú tụt quần thằng bé, bắt con đỉa nhỏ đang bò ở bẹn ra.
Bỗng Tú hét toáng lên:
- Mày xuống mà nhìn đi, cha làm sao thì con làm vậy. Sinh ngồi hẳn dậy không hiểu chuyện gì.
- Mày đếm đi. Cha nào con đấy, của mày có bao nhiêu nốt ruồi, thì trên đầu chim của nó có bấy nhiêu. Bẩy cái. Ha ha...
Tú xoa đầu và khẽ thơm vào má thằng bé. Sinh mủm mỉm cười một mình. Sinh nhớ, bỗng một ngày, lúc cha Sinh còn sống và sinh cũng chỉ mới lên ba.
Cha đã cười phá lên, rồi nâng Sinh lên cao và cứ thơm vào chỗ đó. Ông vừa thơm vừa bảo. Rất giống, rất giống, gái giống mẹ, trai giống bố.
Sinh thấy gió thổi lộng lên, chợt nhớ ra một điều cần phải làm. Anh lẩm bẩm: Ngày mai phải làm một con diều thật to. Mà lạ kì là đến giờ
anh vẫn mê trò thả diều. à quên! phải làm diều cho thằng bé chơi chứ! Sinh khẽ cười nhếch mép, nhảy xuống thảm cỏ, bế thốc thằng bé kiệu
lên cổ về làng.