L ại một mùa mưa.
Bốn bề ướt sũng, trái cây rụng bồm bộp trên mái nhà và tiếng côn trùng i uôm bài ca tẻ ngắt khàn đặc của ca sĩ cuối mùa. Chị tần ngần nhìn ngọn lửa vừa nhóm lên, nhớ những ngày còn thơ bé. Lúc ngồi đợi củ khoai nướng thơm phức, khúc mía lùi ngọt lịm mẹ cho. Lúc mê mẩn nghe bà kể chuyện cổ tích và tưởng tượng có một kinh thành lung linh bên ngọn lửa. Chị tưởng như vị ấm áp của những tháng năm đã xa lan tỏa trong không gian. Tiếng gà trưa nhảy ổ đột ngột làm chị giật mình. Ngoài sân, mưa bong bóng vỡ. Mịt mùng những bọng mây sầm sì từng vệt dài đặc trên trời, mưa chắc sẽ còn lâu lắm.
Chị tình cờ gặp anh trong buổi chợ tàn. Đang gom số trái cây còn sót lại bán cho dân chợ ven sông thì anh ghé lại. Không ra dáng người mua hàng, anh hỏi thăm đường về cù lao Ngọt. Chị tần ngần. Nhìn anh mang dáng vẻ mệt mỏi của những ngày đi từ xa đến. Giọng miền Trung nghe nằng nặng thương thương mà có phần rắn rỏi. Chị dè dặt mời anh lên thuyền, dù gì cũng về chung đường. Nét mặt anh thoáng giãn ra, rồi trở lại trầm ngâm.Ở anh có một cái gì rất khó nắm bắt, không hiểu sao chị thấy gần gũi và tin tưởng ngay từ những ánh nhìn.
Anh hỏi thăm về một người tên Tính. Phải khựng ra một lúc, chị nhớ ra không phải ai xa lạ mà chính là bác Bảy. Nhà bác có vườn trái cây to nhất vùng, cách nhà chị hai lối nhưng phải đi vòng hơi lâu. Neo đò lại chắc chắn, chị nhiệt tình dẫn đường anh vào khi vừa cặp bến. Nhìn từ sau, chị ngờ ngợ một nét gì đó như thể rất quen từ anh. Bất chợt anh quay lại, chị nhìn lảng đi nơi khác. Trước giờ chị chưa nhìn lâu người con trai nào, như thế sợ bị nghĩ là dạn qúa.
Tần ngần trước cửa nhà bác Bảy, đột nhiên anh hỏi chị, thật lạ :
- Ông ấy có vợ con chưa ?
- Ờ, ba đứa con. Bác Bảy gái là giáo viên trường làng này. Con cái đi học hết trên huyện.
- Phiền cô...chỉ giúp tôi chỗ nào có thể nghỉ lại một hôm, được không? Nhà trọ hay nhà khách gì cũng được.
Khẽ nhíu mày, chị bối rối. Khái niệm ấy còn xa lạ với vùng cù lao này. Một người khách lạ ghé qua đây cũng là chuyện hiếm khi.
Chợt lúng túng, anh thanh minh :
- Tôi nghĩ là đã nhầm nhà. Sáng mai, tôi sẽ về, trời bây giờ lại sắp mưa.
Mưa dần nặng hạt. Chị băn khoăn một lát, rồi dè dặt :
- Hay là...anh về nhà tui !
- Tôi có làm chị ngại không ?
Chị lặng im rồi khẽ lắc đầu thật vội. Chị đi nhanh về phía trước dẫn đường, không dám ngoảnh lại phiá sau, cảm nhận có một ánh mắt rất lạ nhìn theo mình .
Khuya. Càng khuya bổng dưng càng lo ngại. Từ khi ba má chị lên phố, nhà vắng hơi người quá thể, quẩn quanh bóng chị vào
ra với mình. Vì một vẻ ấm áp yêu thương, một niềm tin trong đôi mắt ấy mà chị không nỡ từ chối. Để khi đối diện với bóng đêm, chị lại băn
khoăn. Dẫn một người đàn ông về nhà, liệu anh có coi thường chị ?. Bên ngoài, tiếng trở mình thật khẽ rồi tiếng thở dài giấu mãi bỗng vuột ra.
Đêm đặc quá nên những âm thanh não nề kia kéo chùng cả không gian. Chị nén tiếng thở dài, rồi bất chợt cũng đánh hơi ra khỏi lồng ngực.
Giọng anh trầm ấm :
- Chị không ngủ được hả ?
Lặng một lúc lâu. Anh khẽ "xin lỗi". Chị vội vã "không". Rồi trở mình, giọng chị chợt nhỏ đi :
- Lâu lắm rồi nhà không có ai ghé ! Sao anh không ghé vào nhà bác Bảy, tôi biết, anh không nhầm nhà .
Khoảng không yên lặng quá. tiếng côn trùng thì thoảng rúc lên từ đất thẳm. Rồi lộp bộp mưa, gió đập những cành dừa lên mái nhà, rào rạt gió. Một lúc, anh đánh trống lảng : " Nhà dột rồi, để mai tôi sửa lại. Chị tự trách mình nhiều chuyện rồi tự à ơi ru mình vào giấc ngủ. Từ khi chỉ một mình, chị có thói quen tự ru như vậy trong những đêm khó ngủ, để bớt thấy đơn côi. Đôi lúc, chị có cảm giác, nhờ thế trong giấc mơ chị dễ gặp mẹ, gặp bà hơn.
Nhưng suốt đêm ấy, chị không chợp mắt lấy được một chút, chị nằm như đếm tiếng thở dài và trở mình của anh lọt qua vách.
Mưa ngớt đôi chút, anh leo lên gốc mận bên hông nhà, sửa lại mái. Nhà chỉ một người con gái nên đến cái thang cũng không có. Chị cời than, ủ nồi cơm cho chín nóng rồi ra cửa đứng nhìn. Trời nhợt nhạt một màu mây xám, báo hiệu những cơn mưa nối tiếp cơn mưa. Mảnh sân đầy hoa dừa, trái mận non rụng một màu trắng dịu trên nền đất nhờ nhờ những vũng nước đọng. Chị lắc đầu, xõa mái tóc dài đen mướt. Đan tay vào mái tóc, thấy bàn tay mình chợt trống trải khi chưa từng có bàn tay ai đan vào. Cái cảm giác ấy, ô hay !
Đã bao giờ có ở chị đâu. Chị cảm giác lạnh lẽo, thấy bếp lửa ấm nồng hơn, chị quay vào. Phải chăng vì lâu quá rồi mới đỏ bếp nấu một bữa cơm cho hai người.
Chị không biết anh vào từ lúc nào, vẫn ánh mắt ấm nồng, anh chọc chị :
- Từ trên mái nhìn xuống có thể thấy hết căn nhà, cô không sợ trộm rình mò sao, cô ở đây một mình à ?
Chị gật đầu xác nhận :
- Chỉ khi nội tôi mất đi, ba má và hai đứa em lên huyện, thỉnh thoảng ghe lại. Dạo này họ chuyển hẳn lên phố, cũng ít khi về được. Một mình cũng phải quen, đã ở từ lúc sinh ra tôi không thể xa nơi này.
Chị bật cười, nhớ lại cái lần chị dọn đồ lên phố khi hết tang nội. Mùi chăn nệm và những bông hồng kiêu sa cắm trong phòng kín không át được vị trống trải. Chị nhớ mùi thoang thoảng hương dừa, hương cau, mùi ngọt nồng của gốc hoàng lan phía đầu ngõ, và cả mùi nồng hăng hắc của đất bùn từ khúc sông đầy ăm ắp phú sa phía sau nhà. Không đầy ba ngày, chị nhớ khúc sông ấy, mảnh sân nhà và những gốc cây quen thuộc đến phát cuồng. Chị vội vã rời phố.
Từ xa, cây mòng cổ thụ với cái dáng nghiêng nghiêng tần tảo tỏa rợp cả bến sông. Chỉ nhìn thấy dáng cây ấy, chị như thấy dáng nội lam lũ, dáng những người thôn quê tần tảo ruộng vườn. Chị bật khóc và hiểu sẽ không thể rời xa nơi này. Như duyên nợ tiền kiếp, chốn ấy đã in vào lòng chị.
Những cơn mưa níu chân anh ở lại. Không hiểu tại sao tận trong lòng, chị không muốn anh ra đi. Chỉ một thời gian ngắn, chị thấy anh như người trong nhà vậy. Anh kể cho chị nghe về miền Trung, nơi chưa bao giờ chị đến. Là dòng sông Lam xanh ngăn ngắt, núi Hồng chín mươi chín ngọn và huyền thoại đôi trai gái yêu nhau bị cấm đoán vì lời nguyền ranh giới hai vùng. Họ nguyện thề và mong thoát sang kiếp khác để được ở bên nhau mão mãi. Bao năm rồi, dòng sông như áng tóc mướt dài, xanh dịu vợi ôm vòng quanh ngực núi, căng phồng sức trẻ. Câu chuyện muôn đời ở đâu trên mặt đất này đều có thể thân quen như thế mà sao nghe nhói một niềm riêng.
Những lúc rảnh, anh tước lá dừa bên thềm nhà, tết tặng chị những con thú dễ thương, con châu chấu đuôi dài, chú dế ngóc cao cái đầu tròn như vênh vang ra mặt, những cánh hạc bay mềm...Cả cái xe đạp, giỏ mây...vật nào cũng rất khéo, trông xinh và sinh động hẳn căn nhà.
Trời đã ngớt mưa từ ban trưa. Không ai muốn nhắc nhau rằng mưa đã ngớt. Những tia nắng hửng lên, len vào cửa sổ như trêu ngươi. Chiều xuống, phía khúc sông sau nhà, lục bình trôi, chị bật khóc. Lần đầu, chị biết đến nỗi cô đơn khi bên cạnh một người. Những đám lục bình hợp rồi tan. Cớ chi phải hợp để thấy nỗi chia xa?
Bàn tay khẽ đặt lên và nắm chặt bờ vai chị. Chị không quay lại. Chị nức nở.
- Đừng khóc...Anh sẽ trở lại thăm em.
Chị dựa vào vai anh tin tưởng. Anh nhẹ đan tay vào tóc. Lần đầu, mái tóc chị biết đến bàn tay đàn ông. Để rồi ngày mai, còn trống trải hơn
cả khi chưa từng biết.
- Rồi hai người không gặp nhau hả bà ?
Đứa cháu gái nâng niu những con thú xác xơ với một vẻ yêu thương. Nó chăm chú nhìn ngón tay và gân guốc với mảnh lá dừa kết hình con hạc.
- Một lần, khi ông Bảy ốm nặng. Con người ta, ruột rà máu mủ bao giờ cũng có linh tính? Lần đó, bà mới biết ông ấy là con ông Bảy. Ông Bảy không biết mình có một đứa con trong lần tập kết ra Bắc. Cha con nhận mặt nhau không đầy một tháng, chỉ suốt ngày kề cận chăm nom bên giường bệnh.
- Rồi thì ông Bảy mất đi, đất vườn này không niú nổi chân người ấy. Dù mùa mưa, sông vẫn đỏ nặng lòng phù sa. Suốt ngày, anh chỉ ngồi trầm ngâm, lặng im và suy nghĩ hung lắm. Con người ấy, kể cũng lạ, lúc không muốn nói thì chẳng cách nào có thể đoán biết nỗi niềm gì...Anh lại đi, xa bến sông với lời hẹn cũ. Chị biết, chẳng thể níu kéo, biết trước mắt lại là những ngày chờ đợi, nhớ nhung...
Đưá cháu gái bùi ngùi, nắm bờ vai gầy xương của bà. Thằng em từ đâu chạy về, lạ lẫm nhìn rồi cười khanh khách :
- Í, chị ơi, bà khóc nhè !
Con chị trợn mắt . Thằng em vô tâm loay hoay với những con thú lá dừa, nheo mắt hỏi nội :
- Nội biết xếp máy bay không ? Siêu nhân cũng được nữa ,
Bà lão lèm nhèm cố nhớ. Máy bay thì bà còn mường tượng ra được chứ siêu nhân siêu nhiếc gì đó thì đã thấy bao giờ đâu.Nhưng xếp máy bay thì chưa thử bao giờ. Tuy nhiên, để chiều lòng đứa cháu, bà gật đầu khất hứa lần sau đưa đồ chơi về, bà sẽ xếp theo mô hình.
Khúc sông sau nhà tha thiết chảy. Hương hoàng lan thoang thoảng buồn. Tôi bần thần trước những bọc lá dừa kết đủ hình, đủ con hong nơi góc bếp. Bao nhiêu năm, bao nhiêu nỗi nhớ ? Những con thú lá dừa không còn giữ màu xanh, chỉ còn những hình thù cong queo, co nhúm, màu nâu nhợt nhạt. Bà tôi đã từng xếp thật nhiều, đã cất giữ bấy nhiêu lâu mà người cũng không trở lại. Tuy vậy, nhìn những xác lá, tôi hiểu tình yêu ấy đã sống trong nội lâu đến thế. Biết yêu, biết tin và biết nhớ cũng là hạnh phúc dù người có xa xôi. Tôi bất chớt nhớ câu chuyện về nghìn con hạc mà người con gái xếp để đạt ước nguyện trong câu chuyện cổ tích.
Có ước nguyện nào không trong đời thực, khi ngày đã qua, tháng đã qua, năm đã qua...xa lắm. Hay là nỗi nhớ chắt chiu trong những cánh chuồn, cánh hạc để đến một lúc nào đó bỗng hoá quen thân như một phần trong cuộc sống vậy. Người năm xưa đã xa lâu lắm. Người con gái năm xưa cũng đã khác, nhưng nỗi nhớ lạ thay vẫn vẹn nguyên. Đứa cháu gái đang tuổi yêu của bà lần đầu tiên thấy mình biết chia sẻ một nỗi ngậm ngùi với người.
Chập chờn giấc ngủ của tôi hôm đó, bóng cây mòng đổ dài trên bến sông, nghiêng nghiêng dáng nội tần tảo đứng chờ sau mỗi buổi tan chợ. Rồi ngày kia, bóng cây đơn côi, bến sông trưa không ai đứng ngóng. Một lần, người con trai năm xưa trở lại dáng khổ hạnh và rắn rỏi sau những ngày lam lũ mưu sinh. Nhưng anh chỉ có thể tần ngần đứng trước ngõ, khi lối vào nhà đã khác. Thấy một cảm giác không rõ dợn lên. Không rõ buồn, không rõ tủi, nhưng chẳng lấp đầy yêu thương. Anh đành quay đi, cũng chẳng thể trách ai ngoài tự trách mình mê mải qúa. Thấm thoắt mà mười năm, người con gái không thể chờ nữa. Nhưng đêm đêm, bóng đổ dài trên vách, cô tỉ mẩn
kết lá dừa với những nỗi niềm riêng. Chẳng ai biết điều đó, có thể không như thế, nhưng tôi vẫn tin những cái kết kiểu như thế ...
Tôi nhờ bà kết những hình thù đưa về phố. Trong căn phòng đầy sắc màu, màu xanh sẫm của lá dừa tươi như những nốt trầm yêu thương
trong bản nhạc tình yêu mà tôi biết. Cánh hạc mềm, chú dế với cái đầu tròn hãnh diện như muốn ca khúc hát muôn thưở của mình...Những con
thú lá dừa lung linh...Khúc sông đầy phù sa và bóng cây mòng che rợp màu xanh mát long lanh...một niềm ký ức xanh của bà in trong tôi,
để chợt thấy yêu hơn nơi chốn ấy.