Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



CHỢ CHIỀU



Đ ông tàn đã từ lâu lắm. Thế nhưng cái rét vẫn còn ẩn nấp đâu đây, phả hơi lạnh mơn man, khiến cho chợ chiều vốn buồn càng thêm áo não.

Bà Ngâu trùm vội chiếc khăn rằn lên đầu, giấu hai bàn tay vào trong áo, tìm chút hơi ấm trong lớp vải bạc màu. Mấy con cá lóc thỉnh thoảng quẫy đuôi đành đạch trong thau. Nước bắn tung tóe, ném mùi tanh vào không khí. Một ít nước bẩn bám vào quần áo bà như muốn rải “ hương đồng nội “. Cô gái bán rau ngồi cạnh quay mặt đi. Bà Ngâu biết cô khó chịu vì mùi tanh. Cặp chân mày rậm nhíu lại, rúm ró. Cái mũi to bè chum chum trên đôi môi dầy bĩu ra, khinh khỉnh. Bà Ngâu thầm nghĩ “ Rõ chán! Tự làm cho mình xấu đi!”.

Hiểu ý bà, cô gái đổ quạu xẵng giọng:

- Bà cười ai vậy hả?

Bà Ngâu nói xeo:

- Tôi cười mấy con cá nầy. Sắp đến bước đường cùng rồi mà còn quậy quạng.

Cô gái sa sầm nét mặt, nhưng chẳng có cớ gì bắt lỗi bà Ngâu. Cô nín lặng giây lâu, chẳng hiểu sao, cô bưng thúng rau đến khoảng trống gần chân cầu rồi ngồi xuống.

Bà Ngâu chợt cảm thấy trái tim mình se sắt, nhoi nhói trong lòng ngực. Nụ cười ác ý của bà biến mất. Nỗi đau cũ tưởng đã ngủ yên chợt thức dậy trong lòng bà, buôn buốt làm sao! Mới đó mà đã hơn hai mươi năm. Thời gian khá dài đủ để thân xác chồng bà mục rữa dưới đáy mồ, đủ để khổ đau vẽ hoàn chỉnh những nếp nhăn ngoằn ngoèo trên khuôn mặt bà, đủ để hoàn cảnh sống đổi thay. Nhưng thời gian không xóa tan hình ảnh quá khứ, cảnh chồng bà nằm chết sóng soài trên vũng máu ở bên đường, dưới dốc cầu Tầm Phương, ngay chỗ cô gái bán rau vừa ngồi xuống.

Ngày xưa, ông Hai La, chồng bà cũng bán tại đó. Ông bán thuốc đủ loại: tây, tàu, ta lộn xộn. Tất cả những gói thuốc tán, những viên cao đơn, hàng tá vĩ thuốc bọc đường đều được đựng trong một cái túi xách, do chính tay chồng bà tự may lấy. Nó có rất nhiều ngăn. Mỗi ngăn, chồng bà đựng một loại thuốc. Tùy theo công dụng của nó, ông cho vào một cái bọc ni-lông rồi buộc cẩn thận bằng một sợi dây thun. Nhờ vậy, khi cần, tìm thấy dễ dàng.

Chiều chiều, khi mặt trời chênh chếch phía tây, chồng bà mang cái túi thuốc đặt lên cái yên sau xe, ràng dây cẩn thận rồi đạp xe ra chợ Tầm Phương. Chợ nhỏ nhưng được nhiều người chú ý vì vẻ riêng biệt của nó. Chợ nhóm vào buổi chiều, trên khoảng đất không lớn lắm, ở một bên dốc cầu. Ngoài cá, tép, rau sống, còn có vài gian hàng bán tạp hóa, vải, dăm ba gánh nước lèo, một sạp hủ tiếu, mấy quán cà phê và một “xe thuốc” của ông Hai La, chồng bà. Tên thật của ông là Nguyễn Văn Hai nhưng không ai để ý đến cái họ mà lại đệm thêm chữ La đằng sau tên gọi để phân biệt với những ông Hai khác. Không như mọi người, bạn hàng ngồi chờ khách tới gần mới mời mọc, ông Hai la om sòm suốt buổi bán, thỉnh thoảng mới ngừng lại ăn hoặc uống.

Ông đứng cạnh chiếc xe đạp, mở toang miệng túi xách, để lộ lỉnh kỉnh thuốc. Ông còn lấy một xâu thuốc đã được kết dính vào nhau như một cái chuỗi đeo vòng quanh cổ. Thoạt trông như choàng vòng “hoa thuốc”. Tay trái ông hay nâng … vòng thuốc, tay phải huơ huơ trước mặt, miệng… la:”Ai có con bị đau ban, ghẻ lở, còi xương, sán sơ mít, kiết lỵ, tiêu chảy, nhức đầu…ghé lại đây…mua thuốc” hoặc “Cảm nắng, cảm sương, thương hàn…thuốc nào cũng có, mua vô, mua vô…”. Có hôm, trái gió, trở trời, ông bị ốm thì bạn hàng trong chợ chỉ còn nghe ông… la ngắn ngủn:”Ai bệnh…mau… mua…thuốc”. Có người cắc cớ hỏi:

- Thuốc uống hết bệnh không?

Ông gân cổ:

- Sao không!

- Vậy sao ông không uống đi?

Hai La mỉm cười dễ dãi:

- Sợ cụt vốn!

Thật ra, chồng bà không hề sợ cụt vốn. Ông đi bán như người ta đi… chơi. Ông muốn thoát ra khỏi nhà, tránh mặt bà để không phải cự nự lôi thôi. Bởi lẽ, ông không thích cờ bạc, nhất là gầy sòng tại nhà. Ông thường bảo rằng không chịu nỗi giọng lưỡi của mấy bà bạn bà. Họ cười hi hi, hỉ hỉ nghe bực làm sao. Họ toàn là những người đàn bà chỉ biết hưởng thụ. Không nghĩ tới ai ngoài bản thân. Đôi khi bà Ngâu cũng bị lương tâm cắn rứt. Bà tự hứa sẽ lo chăm sóc chồng con, làm công việc nhà. Nhưng lúc mấy bà bạn kéo tới thì bà không sao cưỡng lại được. Bà thả sức cờ bạc, bỏ mặc ông lo nấu nướng, giặt giũ, vun vén vườn rau, ao cá …và bán thuốc.

Bà biết tiền lời bán thuốc của ông không đủ cho bà chơi vài ván bài tứ sắc, chưa kể gặp bữa có người nghèo khổ bị bệnh tới khóc lóc, ông cho thuốc không lấy một đồng. Lâu lâu còn đạp xe tìm tận nhà xem bệnh, cho thuốc như ông lang.

Mặc cho bà phản đối, ông vẫn làm theo ý mình. Điều gì ông cũng chìu theo bà , trừ chuyện làm phước. Ông đã nói thẳng vào mặt bà rằng:” Ừ, tôi vậy đó! Thấy người khổ, tôi không thể làm ngơ được. Chừng nào tôi lấy tiền của bà để bố thí thì bà nói. Đàng nầy…Bà cứ lộn xộn, coi chừng tôi!”. Nổi nóng, bà giãy đong đỏng:

- Được, vậy thì tôi đi khỏi nhà nầy cho ông được tự do!

Tưởng ông sẽ quýnh quáng, bà biết ông rất quí bà. Ông đã từng thì thầm bên tai bà :” Tôi thương bà còn hơn thương tôi nữa”. Nhưng lần ấy, ông không cản , để cho bà thu xếp quần áo. Lỡ bộ, bà đành phải tới nhà bạn bè ở tạm. Chưa hết một ngày đã cảm thấy buồn bực, ê chề bởi những cái nguýt, hấy, lườm của mấy người nhà bạn. Chịu không nổi, bà lại giả bộ nhớ con, quay về nhà. Ông hiểu nhưng làm ngơ và bà biết rõ nếu khôn, đừng có ý kiến gì về chuyện “cho thuốc “ của ông.

Dù vậy, bà vẫn cho rằng chồng mình là một người ngu. Vườn tược rộng thênh thang, ao cá không nhỏ. Tới mùa cứ hái trái đem ra chợ bán. Năm nào chẳng dư ra vài chỉ vàng. Tội gì lặn lội ngoài chợ không biết. Đã vậy còn la bài hãi như mắc thằng Lữ Bố. Kiếm giỏi lắm hai chục ngàn. Hôm nào gặp người nghèo thì …lỗ vốn. Như người nghiện. Ông ăn cơm trưa xong, dỗ hai đứa nhỏ ngủ rồi dắt xe ra cổng, đến chợ. Dường như ánh nắng chiều chợ Tầm Phương mới chính là thức ăn nuôi sống ông. Thiếu nó, ông chết.

Nhưng, cuộc đời lắm nỗi bất ngờ. Ông Hai La chồng bà chết ngay chỗ đứng bán thuốc. Người ta kể lại rằng ông đang rao sang sảng:”Ai mua thuốc Tây, thuốc Tàu, thuốc ta…ghé lại đây nè”. Bỗng, một chiếc xe "jeep" từ trên cầu đâm sầm xuống như lạc tay lái. Mọi người kinh hãi té chạy, tránh né. Phải chi ông ném chiếc xe đạp, phóng mình đi thì may ra kịp lúc. Đàng này, ông lôi chiếc xe theo. Người ta chỉ nghe được một tiếng “rầm” rợn người xen lẫn tiếng rú của ông. Mọi người chỉ còn cách nhìn theo chiếc xe cán ngang người ông Hai rồi còn trờ tới trước một đoạn ngắn. Chồng bà chết ngay tại chỗ. Hay tin, bà chạy ra chợ thì chỉ còn thấy xác chồng nằm sóng xoài trên vũng máu. Những viên thuốc bọc đường bị nhuộm máu chồng bà, văng tung tóe. Đúng lúc đó, tên sĩ quan định chuồn thẳng nhưng người hàng xóm với bà là Ba Thà chạy tới, kêu lên:” Không được bỏ đi, không được bỏ đi!”. Bà cũng nhào đến bấu tay hắn, gào lên: ” Đền mạng chồng tao, đền mạng …”.Tên sĩ quan rút súng ngắn, chĩa vào Ba Thà, miệng thét:” Muốn làm loạn hả, đúng là…Việt cộng rồi!”.

Mọi người nhao nhao cãi:

- Không phải, họ là dân làm ruộng mà!

Hắn quay lại, chĩa súng về phía họ khiến ai cũng sợ, nín bặt! Hắn thản nhiên leo lên xe, Ba Thà tức tối, chạy tới, gã vô lương đã nổ súng. Viên đạn đã cắm vào vai Thà. Anh ngã xuống, người ta té chạy, còn tên vô lương mở máy, cho xe phóng đi. Bây giờ, bà mới nhớ ra là quên xem số xe của hắn. Mà dù có để ý đi nữa bà biết làm sao đây.

Cũng may là viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm nên vết thương của Ba Thà cũng mau lành. Nhưng người dân quê hiền lành được chứng kiến cảnh bất công, vô lý, anh nhận ra một điều: muốn sống còn phải đấu tranh chống áp bức. Ba Thà từ giã vợ con và gia đình bà rồi xung vào du kích, trở thành người của cách mạng thật sự.

Bà Ngâu chợt cảm nhận được sự hy sinh âm thầm của chồng bà, một người có chân trong tổ chức cách mạng. Ông đã chuyển chẳng biết cơ man nào mà kể những lọ thuốc tây, tàu… ra vùng giải phóng. Vì vậy cái chết của ông đã gieo nỗi hoài nghi vào lòng bà và mọi người. Phải chăng là một cuộc mưu sát? Trước đây, bà chỉ lo cờ bạc, sống dựa vào chồng. Đến lúc ông nằm xuống, bà chẳng biết ra sao nữa. Bà cứ bán dần bán mòn ruộng vườn rồi đồ đạc trong nhà. Đến lúc không còn gì quí, bà mới sáng mắt, phải nhìn nhận:”Phải làm mới có ăn. Trông cậy vào may rủi thì thật là dại dột”. Từ đó, bà bắt đầu những ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt để có tiền nuôi con. Giữa lúc khó khăn tột cùng thì đất nước được giải phóng.

Hòa bình, Ba Thà trở về. Anh nhớ ơn chồng bà đã giúp đỡ gia đình anh khi xưa nên tìm cách trả ơn. Ba Thà hướng dẫn bà đến sở TBXH khai báo và ông Hai được công nhận là liệt sĩ. Người ta cấp ruộng đất cho bà cày cấy, đưa hai đứa con bà trở lại trường học và còn cho vay vốn để chăn nuôi. Nhờ vậy, ao cá trong vườn nhà được phục hồi. Cuộc sống bà đã ổn định.

Cũng như chồng, bây giờ bà trở nên nghiện chợ chiều Tầm Phương. Ngày nào bà cũng mang không vật này thứ nọ ra chợ bán. Chẳng có ai mong đợi gì ở bà, cần bà tiếp tế. Nhưng chợ chiều ở đây gắn bó với bà tự bao giờ. Không đến, lòng bà không yên.

Chợ chiều Tầm Phương, đó là nơi chồng bà đã ngã xuống, là nơi ghi nhận sự hi sinh của một người cách mạng. Đó là nơi để bà sám hối, nghiền ngẫm về lối sống vô vị ích kỷ, vô tâm của mình khi xưa. Và, đó cũng là nơi bà tự đày đọa, trừng phạt mình trong những ngày xế bóng.





VVM.13.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com