Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ĐƯỜNG VỀ THÁNH ĐỊA




H ải cảng Massouah, ngày 21-4-1951. Một đoàn lữ hành thong thả di chuyển qua hải cảng này thuộc Hồng Hải, dọc theo miền duyên hải xứ Erythrée ở phía Đông Châu Phi. Thành phần đoàn lữ hành bao gồm ba phụ nữ, một người đàn ông và 18 em nhỏ, cộng với hai chú lạc đà chở nặng lặc lè. Đây là cảnh ngư dân sinh sống ở hải cảng này gặp hàng ngày vì nơi đây là một trạm trên đường về thánh địa La Mecque.

Đi đầu đoàn lữ hành là người đàn ông trạc 50 tuổi, khá to béo, mình mặc áo thụng, đầu đội mũ đấu, Ông ta tên Mahmoud Housseni, người xứ Nigeria, là chủ tịch xã và là người giàu có nhất trong vùng ông sinh sống. Lúc này, ông đang đưa vợ con đi hành hương về thánh địa La Mecque. Muốn là một người Hồi giáo tốt và đúng nghĩa, người ta phải đi hành hương về thánh địa La Mecque ít nhất một lần trong đời. Về vấn đề tiền, ông có cả đống tiền trong những túi da chất đầy trên lưng hai chú lạc đà – ngoài tiền còn có những tấm da dê thượng hảo hạng. Nhưng theo đúng giới luật, tiền và của cải này chỉ được phép đem ra sử dụng trong những trường hợp cực kỳ cần thiết. Giả dụ thuê bao một người dẫn đường…

Silma Moussalem vừa được thuê, và anh ta đang bước đi bên cạnh nhà triệu phú người Nigeria. Là một sinh viên ở Khartoum, xứ Soudan, Silma Moussalem thỉnh thoảng lại nhận là hướng dẫn viên đưa du khách đến thánh địa La Mecque. Xuất thân từ một bộ lạc du mục, chàng biết rất rành rẽ lộ trình, và đây cũng là cách duy nhất để chàng kiếm tiền tiếp tục ăn học.

So với thân chủ của chàng, vóc dáng Silma Moussalem khác hẳn. Khoảng 25 tuổi, chàng có vóc dáng nhỏ bé và nét mặt thanh tú thường thấy ở những người sinh sống trong vùng sa mạc. Trên đường đi từ Khartoum, chàng và thân chủ trao đổi với nhau rất ít lời. Nhưng người hướng dẫn vừa nói gì đó với nhà triệu phú: chàng yêu cầu ông ta, các bà vợ và lũ trẻ dừng lại để chàng ghé vô hải cảng tìm thuê một chiếc “dhow” – thứ thuyền lớn có cánh buồm tam giác – để băng ngang qua Hồng Hải, tiến vào nước Ả Rập…

Việc thuê thuyền được thực hiện rất nhanh. Chỉ mười lăm phút sau, Silma Moussalem đã trở về, mang theo một người đàn ông gầy đét, râu dài và trắng phau. Người hướng dẫn giới thiệu:

- Đây là ông Oma Allasi, ông ấy bằng lòng chở với giá mười bảng Anh.

Mười bảng Anh, ôi thật quá rẻ… Mahmoud Housseni dùng tay ra dấu cho đứa con trai lấy tiền trong bị, vài phút sau, mọi người đã yên vị trên con thuyền đang nhổ neo. Hải càng Massouah nhanh chóng biến mất ở phía sau…

Mahmoud Housseni, ba bà xã và 18 đứa con nằm dài ở trên thuyền vì quá mệt mỏi bởi cuộc hành trình. Đoạn đường khó nhọc nhất của cuộc hành hương đã được vượt qua, bây giờ họ chỉ còn việc nghỉ ngơi thoải mái, chờ thuyền đưa họ tới một hải cảng sát ngay cạnh thánh địa La Mecque.

Tâm trạng của họ không giống với tâm trạng của Silma Moussalem đang ngồi sát bên cạnh ông già lái thuyền. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ địa phương mà những người hành hương không hiểu được.

- Này ông chủ, các thuyền viên của ông đâu cả rồi?

Omar Allasi lắc đầu và nhe mấy cái răng hiếm hoi còn lại để trả lời:

- Tôi tự lái đấy, đâu cần thuyền viên, mình đi gần xịt mà…

Người hướng dẫn trẻ tuổi đứng bật dậy:

- Chúng tôi đã thuê ông đưa chúng tôi tới thánh địa La Mecque mà.

- Đừng làm rối lên và đừng hét to, nếu không họ nghi ngờ bây giờ. Hãy nghe tôi đây này…

Ngạc nhiên và bị kích thích, Silma Moussalem ngồi xuống và nghe người chủ thuyền nói bằng giọng đầy thuyết phục:

- Họ rất giàu, cậu thấy không? Tôi đảm bảo với cậu là trong các bị da kia đầy nhóc tiền, và cả những tấm da dê quý giá nữa. Những thứ này khách hành hương từ Nigeria bao giờ cũng mang theo…

Silma Moussalem không trả lời. Omar Allasi ngó thẳng vào mắt chàng:

- Cậu thấy không, tôi với cậu đều gầy như que tăm, nghèo khổ, không chút tương lai. Tôi chắc chắn rằng khi không có việc làm, cậu ít khi được no đủ… Hãy nhìn họ xem, họ mập quá trời, thấy không?...

Silma Moussalem vẫn làm thinh. Chàng cảm thấy mình làm thinh là có lỗi, nhưng chàng không thể không nghe người chủ thuyền đang nói khẽ để trình bày kế hoạch của lão:

- Xế chiều hôm nay, chúng ta sẽ tới trước một hòn đảo nhỏ, đảo Ladhu. Chúng ta sẽ bảo với họ là cần phải ghé vào đảo nghỉ qua đêm, mọi người có thể nghỉ trên bãi cát cho mát và thoải mái. Và, ngay khi họ xuống xong, chúng ta dông…, cố nhiên với hành lý của họ.

Silma Moussalem phản ứng:

- Nhưng sẽ không ai tìm ra họ ở trên hòn đảo hoang và nhỏ này, vậy họ sẽ chết đói, chết khát à?

Chủ thuyền vẫn tiếp tục mỉm cười:

- Không, sẽ không như vậy, tôi bảo đảm với cậu…

Thuyền đã đi rất xa bờ, cánh buồm tam giác căng phồng trước gió. Silma Moussalem đặt một câu hỏi chót:

- Mà tại sao lại phải chọn đảo nhỏ này thay vì đảo khác?

- Rồi cậu sẽ biết…bây giờ cậu quyết định ra sao?

Silma Moussalem liếc mắt về phía gia đình hành hương, toàn những người béo tốt, khoẻ mạnh… Chàng nhìn lâu hơn đống bị da to đùng, cái nọ chồng chất lên cái kia. Chàng nghĩ tới cuộc sống bấp bênh của mình ở Khartoum, đã có những lúc thiếu thốn đến cùng cực, đã là lý do khiến chàng phải đi làm hướng dẫn viên để kiếm tiền học tiếp. Chàng thầm thì trả lời:

- Được rồi… Chia đôi nhé!

Omar Allsi nháy mắt và gật đầu.

Đã gần sáu giờ chiều và mặt trời đã gần lặn. Chủ thuyền ra dấu cho Silma Moussalem và chỉ hòn đảo nhỏ ở mạn phải thuyền. Đây rồi, đảo này đây… Silma Moussalem đứng dậy, đi tìm các thân chủ của mình. Bằng vài lời ngắn gọn, chàng cho họ hay thuyền không thể đi được trong đêm, nên cần phải ghé vào đảo nghỉ qua đêm; khách có thể xuống ngủ trên bãi cát trắng cho thoải mái. Chắc Mahmoud Housseni nghĩ rằng đây là chuyện bình thường vì ông ta không thắc mắc, phản đối gì cả.

Đảo Ladhu nằm ở giữa một quần đảo và là hòn đảo nhỏ nhất. chiều dài chỉ độ một cây số. Từ thuyền nhìn vào, hòn dảo rất dễ thương với bãi biển cát trắng thật đẹp, ở trên chỉ lơ thơ một vài loại cây nhỏ. Buổi chiều hòn đảo êm ắng và đẹp, nhưng ban ngày chắc nắng rất gắt.

Mahmoud Housseni xuống thuyền, vươn vai có vẻ khoái trá. Ba người vợ và các con ông xuống theo ngay… Omar Allasi bất ngờ quay phắt mũi thuyền, bỏ chạy ra xa… Các tiếng hét lớn vang lên từ trong bờ, những tiếng thét giận dữ của Mahmoud Housseni:

- Quay trở lại , đồ chó đẻ! Quay trở lại ngay!...

Do sức gió đẩy, thuyền lướt như bay. Các tiếng gào thét bớt dần, các lời chửi rủa đã nhường chỗ cho những lời van xin của Mahmoud Housseni, xem lẫn với tiếng gào khóc của những bà vợ và những trẻ nhỏ:

- Nhân danh đấng Allah nhân từ, xin hãy trở lại!

Vài phút sau, những tiếng van xin đã im lắng, mất dạng, và mặt trời đã lặn. Con thuyền đi sát ngay một hòn đảo khác trong quần đảo, to hơn đảo Ladhu, cũng có một bãi biển cát trắng khá đẹp. Đột nhiên Silma Moussalem hét lên một cách sợ hãi:

- Trời ơi…nhìn kìa?

Đang cầm lái, Omar Allasi khẽ nhún vai:

- Thấy không? Ta đã bảo là bọn họ không chết vì đói khát mà. Tốt hơn là cậu nên mở các túi da xem ở trong đó có những gì…

Silma Moussalem ù tai, chẳng nghe thấy gì cả, có hàng ngàn, phải nói hàng triệu con cua khổng lồ đang từ dưới biển bò lên đảo. Chúng chen chúc nhau, mai sát mai, mỗi con to đến 30 phân đường kính, với những cặp càng vĩ đại, ma quái…

Đứng ở bánh lái, Omar Allasi, tên ngư phủ gầy quắt queo, bình tĩnh giải thích:

- Mỗi ngày, khi mặt trời lặn thì lũ cua mò lên đảo. Với những hòn đảo nhỏ như đảo Ladhu, chúng sẽ phủ kín đảo và ở lại suốt đêm. Chúng sẽ ăn hết tất cả những gì chúng gặp ở trên đảo, chỉ để lại xương, mà cũng chưa chắc, vì chúng cặp càng vĩ đại và cực mạnh. Trong một tuần lễ nữa thì quần áo và đồ đạc cũng chẳng còn. Mọi người sẽ tin rằng bọn họ bị đắm thuyền, còn chúng ta đã ở rất xa nơi đây…

Silma Moussalem làm thinh, không trả lời. Hơn nữa, bây giờ đã quá muộn, chả làm gì khác được nữa!

Ngày hôm sau, 22-4-1951, một con thuyền có lá buồm ba góc giống như con thuyền của Omar Allasi đang chở những khách hành hương từ thánh địa La Mecque quay trở về Ả Rập… Cách đây mấy tiếng đồng hồ, thuyền trưởng đã phát hiện bánh lái hơi bị trục trặc. Ông ta quyết định ghé vào bờ một vài tiếng đồng hồ để sửa chữa. Mà thuyền của ông ta đang ở giữa một quần đảo với nhiều hòn đảo nhỏ với bãi cát trắng thật đẹp và nên thơ. Tại sao ông lại chọn đảo Ladhu để ghé vào? Đây chỉ là một sự tình cờ thật đơn giản của định mệnh…

Hành khách và vài nhân viên trên thuyền đổ bộ lên đảo. Họ bắt gặp trên đảo nhiều gò đống tản mác ở trên bãi cát phẳng lặng, trắng đẹp… Họ tiến lại gần và thấy rằng đó là những đồng quần áo bị cắn nát bét. Lật những đống quần áo đó lên, họ nhận ra những mảnh xương bị nghiền vụn nát – những mảnh xương người…

Chưa kịp hoàn hồn vì những khám phá khủng khiếp, rùng rợn này thì họ đã nghe thấy từ phía giữa đảo phát ra những tiếng rên la, hay nói cho đúng những tiếng than khóc cực kì thê thảm.

Một vài người thận trọng tiến về phía đó. Trên đường đi, họ gặp nhiều đống áo quần và xương vụn khác. Cuối cùng, họ thấy trước mắt một quang cảnh khó có thể tưởng tượng ra nổi: trên một mỏm đá, có thể nói là mỏm đá duy nhất trên đảo, có ba người đàn bà, mỗi người ôm trên tay một đứa nhỏ, đang đứng chênh vênh trên đó, túm tụm vào nhau, người nọ dựa vào người kia để khỏi bị ngã. Tất cả đều đang rên la, khóc lóc…

Mọi người đưa họ xuống và hỏi họ nguồn cơn; nhưng cả mấy nạn nhân đều không nói nên lời vì quá kinh hoàng. Họ là những người da đen ở Phi Châu nên mọi người thấy rõ là họ không hiểu và không nói được tiếng xứ Erythrée…

Mãi tới ngày hôm sau, một trong ba goá phụ của Mahmoud Housseni mới kể lại được câu chuyện khủng khiếp với ông cảnh sát trưởng ở Massouah qua trung gian người thông ngôn.

Bà bắt đầu bằng sự trở mặt của người hướng dẫn và chủ thuyền. Bà mô tả kỹ nhân dạng của Silma Moussalem và Omar Allasi. Bà ta kể lại sự tuyệt vọng của chồng con khi biết họ thật sự bị bỏ lại trên đảo, và tới đây, bà ta run rẩy, giọng lạc đi vì sợ hãi. Viên cảnh sát trưởng ở Massouah cũng phải thật cố gắng giữ bình tĩnh để nghe phần kế tiếp của câu chuyện thảm khốc này:

- Thoạt đầu chúng tôi chẳng hiểu điều gì đang xảy ra, chỉ thấy bãi cát bỗng đụng đậy, đụng đậy… Một trong các cháu trai bước ra, cháu liền bị lũ cua bao vây, cắp và cắn. Cháu không thoát chạy được…

Người đàn bà bỗng ngừng nói, như để thì giờ cho những hình ảnh khủng khiến đi qua trí nhớ của mình, rồi tiếp:

- Tất cả chúng tôi bỏ chạy, nhưng vì hòn đảo quá nhỏ, nên khi chạy sang phía bên kia, chúng tôi cũng gặp một bãi cát khác, cũng có lũ cua đang bò lên trùng trùng điệp điệp. Chúng tôi đành chạy trở lại giữa đảo, chỉ có một mỏm đá duy nhất… Mahmoud đã cho ba chúng tôi lên và đặt vào tay mỗi ngưới chúng tôi một cháu nhỏ nhất, còn các cháu khác đành chịu ở lại dưới chân với bố của chúng…

Bà goá phụ Housseni nhìn ông cảnh sát trưởng bằng cái nhìn của người bị ảo giác:

- Lũ cua tràn đến ngay… Chồng tôi và các cháu dùng đá ném chúng nhưng không xuể. Sau đó họ quì xuống và cầu nguyện…

Nhờ sự mô tả nhân dạng của người goá phụ, Silma Mousslem và Omar Allasi bị bắt giữ ngay. Vững tin là các nạn nhân của chúng sẽ không bao giờ được tìm thấy, sẽ không để lại dấu vết gì, bọn chúng vẫn còn nhởn nhơ ở lại hải cảng Massouah…

Vào thời điểm đó, công lý xứ Erythrée không có tính hoa hoè hoa sói và tỏ ra rất thẳng thừng. Ngay ngày hôm sau, hai tên sát nhân bị đưa ra xử tội. Ba goá phụ tới kể lại câu chuyện thảm khốc và kết tội chúng một cách dữ tợn. Silma Moussalem và Omar Allasi ngồi gục đầu. Chúng không có ảo tưởng gì về số phận chúng; chúng dư biết đã cầm chắc cái chết trong tay.

Tuy nhiên, khi vị chánh án Hồi giáo đọc bản án, cả hai đều hét lên vì sợ hãi. Cử toạ ai nấy đều rùng mình.

- Silma Moussalem và Omar Allasi đều bị kết án tử hình và phải bị thi hành án bằng cách phải chết như những nạn nhân của chúng đã chết. Trước lúc mặt trời lặn, chúng sẽ bị giải tới đảo Ladhu. Để đề phòng việc chúng có thể leo lên mỏm đá, dù sao cũng đủ chỗ cho ba người, chúng sẽ bị xích hai tay bằng khoá tay. Nếu sáng ngày hôm sau mà bọn chúng còn sống thì xem như đó là ý của thánh Allah và chúng sẽ được trả tự do…

Bản án này, bắt nguồn từ luật phạt “bằng ngang” (ăn miếng trả miếng), tuy nhiên lại không thể áp dụng. Lý do là năm 1951, dù xứ Erythrée là một nước tự trị nhưng lại được Liên Hiệp Quốc đặt dưới sự giám hộ của Anh Quốc. Do đó, chính quyền Anh có quyền can thiệp, ngay cả về mặt pháp luật. Khi vị toàn quyền của Nữ hoàng Anh đựơc thông báo về bản án, ông ta tức lộn ruột, mời ngay vị chánh án Hồi giáo tới để bày tỏ sự ngạc nhiên:

- Chả lẽ thi hành bản án, bắt chúng phải bị cua ăn thịt sao?

- Đây là luật của đấng Tiên tri. Chính chúng đã để cua ăn thịt các nạn nhân của chúng.

- Luật phạt “bằng ngang” đâu còn tồn tại.

- Đó là luật của chúng tôi.

Ông toàn quyền kết thúc cuộc gặp gỡ:

- Còn tôi, tôi ra lệnh cho ông phải áp dụng luật của Hoàng gia Anh. Hai tên này sẽ phải bị treo cổ cho tới chết. Ông phải đích thân chịu trách nhiệm về việc thi hành bản án...

Ông chánh án Hồi giáo lặng lẽ rút lui. Ngay chiều hôm đó, ông công bố việc các tử tội sẽ bị treo cổ vào ngày hôm sau.

Ngày hôm sau, Silma Moussalemvà Omar Allasi bị đưa ra từ nhà ngục, cả hai đều bị trói tay quặt ra sau lưng. Nhưng các cảnh bị không giải chúng tới công trường chính ở Massouah, nơi thường được dùng để thi hành các bản án tử hình. Họ đưa chúng ra bến tàu, đẩy chúng lên một chiếc thuyền máy và thuyền lặp tức rời bến…

Ông chánh án cũng có mặt trên thuyền máy… Hai tử tội vô cùng kinh hãi khi thấy thuyền máy chạy về hướng đảo Ladhu, cặp bến lúc mặt trời sắp lặn. Trên bãi biển ở trên đảo, hai đoạn đầu đài được dựng lên. Silma Moussalem và Omar Allasi vô cùng kinh sợ khi thấy sợi dây treo cổ trễ dài xuống gần tới mặt đất…

Chỉ vài phút sau, chúng đã bị trói chặt, đầu đưa vào thòng lọng, và chiếc thuyền máy ào ào chạy về. Trong tiếng máy nổ ròn rã, không ai nghe thấy những tiếng lúc nhúc rào rào đang đều đều tiến tới từ phía bãi biển: đàn cua đang bò đến…

Luật của đấng Tiên tri đã đựơc thi hành. Và các tội nhân được hưởng ân huệ cuối cùng: Hai đoạn đầu đài được đặt quay về thánh địa La Mecque…

dịch một truyện của BELLEMARE

 



VVM.11.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com