tranh “Thiếu Nữ Dâng Trà” của Lê Phổ
Đi sông bến lạnh lên ngàn
Khóc thời xa cũ đã tàn thanh âm.
(Hoài Khanh)
III
Nhân bước ra khỏi Barracks trong khi mọi người còn ngủ. Chàng đi lên dốc đường, rẽ vào quán cà phê. Chủ quán cười, gật đầu chào.
- Chào chị. Chị cho tôi ly cà phê sữa.
Chị chủ quán đem cà phê đến, đặt ra bàn, rồi nói:
- Hôm qua phái đoàn Mỹ đến, anh lại bận rộn cả tuần.
Nhân nói:
- Bận rộn mà vui, chị ạ. Vui vì bà con, anh em đến tấp nập đầy phòng, đầy sân chờ vào phỏng vấn và vui vì nghĩ là sắp đến phiên mình.
- Diện của anh nhanh lắm, chỉ 4 hay 5 tháng thôi - Chủ quán vừa bước đi vừa nói.
Nhìn hộp thuốc Dunhill màu nâu với ly cà phê và nghe Hà Thanh hát Mấy Dặm Sơn Khê từ máy cassette, Nhân thấy những năm tháng vừa qua ở Việt Nam như một giấc mộng dữ, và nay chàng hy vọng là sẽ tìm lại được đời sống của mình. Đời sống đó là yên vui, không sợ hãi những người quanh mình, và có thể nghĩ đến tương lai. Trên tàu Cao Ủy Tỵ Nan đi nhặt những người vượt biển bị trôi giạt vào những đảo nhỏ thuộc Indonesia, Nhân đã hỏi người đại diện Cao Ủy là ở Galang chúng tôi có thể làm gì? Ông cười trả lời: “Đảo chứa mấy chục ngàn người, nên phải có những cơ sở phục vụ như bệnh viện, Kho thực phẩm, vệ sinh, trường học… Các anh có thể làm việc trong những cơ sở ấy. Nhưng quan trọng hơn là các anh phải học tiếng Anh để chuẩn bị cho ngày đi định cư”. Vì thế chỉ mới lên đảo được hai tuần chàng đã nhận lời làm trưởng toán phụ giúp cơ quan JVA (Joint Voluntary Agency) của Mỹ thay thế ông thiếu tá không quân tên Long đi định cư, qua sự giới thiệu của Ban Đại Diện Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở Galang.
Khách cà phê đã bắt đầu vào nhiều. Hai người mới vào đến bên Nhân:
- Chào anh.
- Chào hai anh – Nhân chào lại, rồi nói: Nhìn sắc diện, tôi đoán hai anh có tên vào phỏng vấn kỳ này.
- Anh đoán thật hay. Bọn em nghe tên trên loa phóng thanh từ chiều hôm qua.
- Xin mừng hai anh – Nhân đứng dậy bắt tay hai người, rồi nói: Uống cà phê rồi lên cho sớm.
Hai người chào Nhân, rồi nhập bọn với hai người khác mới vào đi đến chiếc bàn ở góc trong.
Một người trong toán hỏi với qua một bàn khác:
- Sơn, mày cũng có tên kỳ này?
Người tên Sơn cười:
- Gia đình tao và cả họ nhà thằng Phong nữa. Kỳ này đi hết, giã từ Galang.
Nghe những lời rộn ràng và nghe loa phóng thanh liên tục đọc tên những người được vào phỏng vấn sáng nay, Nhân cười nghĩ đến việc mình với mấy người thuộc toán JVA Việt Nam đã làm suốt chiều qua để có kết quả của việc gọi tên những người được vào phỏng vấn.
Quán đã đông và ồn ào. Nhân nghe hết bản “Cuối cùng cho một tình yêu” do Khánh Ly hát, rồi đứng dậy tới quầy trả tiền. Bước ra khỏi quán, đi lên đoạn đường dốc thoai thoải, Nhân thấy nhẹ người và tận hưởng những cơn gió mát của Galang vào sáng sớm. Chàng chưa quen cái nắng và nóng của nơi gần xích đạo làm ẩm người, dù Galang là đảo với núi rừng bạt ngàn. Nhưng đặc biệt là khoảng chiều tối, khi mặt trời đã khuất thì những cơn gió mát trở về đưa tới cái lạnh trong đêm.
Lên hết dốc, rẽ vào Trung Tâm JVA, Nhân tưởng mình tới sớm, nhưng vừa lên tới sân đã nghe những tiếng cười nói của mấy chục anh em nam nữ đang xếp dọn lại bàn ghế.
- Chào anh.
- Chào chú.
- Morning…
Nhân cười:
- Chào các bạn. Các cô các cậu đều ở Galang 2 mà tới đây trước tôi.
- Những ngày JVA làm việc là những ngày vui trên đảo, nên bọn em dậy sớm đi uống cà phê để đón chào những người được may mắn đi sớm.
Nhân nói:
- Trước sau chúng ta cũng sẽ đi hết. Hôm nay mình vui với cái vui của bà con, ngày mai mình sẽ vui với cái vui của mình. Biết đâu kỳ này sẽ có một số anh em chúng ta vào phỏng vấn, chẳng hạn cô Vân, cô Thanh và cậu Tuấn …, nhưng khi Vân, Thanh đi rồi thì khó có thể tìm được cô nào có thuật đánh máy như mưa rơi trên mái tôn của hai cô (có những tiếng cười), còn Tuấn mà đi thì chúng ta mất một người trẻ, đẹp trai và nói tiếng Mỹ như người Mỹ. Và còn ai nữa, toán chúng ta trên 30 người mà người nào cũng đáng yêu đáng quí… ra đi thì sẽ nhớ nhau..., (có những tiếng cười khúch khích)
- Anh Nhân nói đúng. Chúng ta nhớ nhau và sẽ đi định cư cùng nhau.
- Ghép form thì đi định cư chung chớ khó gì.
Những tiếng cười rộ lên của toán JVA đã kéo theo tiếng cười của những người lên chờ vào phỏng vấn.
Đúng 8 giờ, toán JVA Mỹ tới, người nào cũng tay xách và ôm những cặp hồ sơ. Cùng với những tiếng chào nhau, toán thanh niên JVA Việt Nam đã xuống đường giúp toán Mỹ khiêng lên những thùng Coca, Pepsy và Seven Up ngâm nước đá, những thùng bánh mì sandwich và chocolate. Lần này toán JVA gồm 6 người, ngoài bà Nancy là toán trưởng, còn 5 người phụ trách phỏng vấn.
Sau khi nhân viên Mỹ và những người thông dịch đã ngồi vào bàn, Nhân nói với người phụ trách gọi tên: Bắt đầu đi anh Châu - Rồi cầm một xấp danh sách đi qua chỗ hai cô đánh máy:
- Cô Vân đánh danh sách ngày mai, còn cô Thanh, danh sách ngày mốt.
Nhân trở về chỗ coi lại xấp danh sách, rồi lẩm bẩm: Đây mới một nửa. Như vậy họ phải ở lại cả tuần. Chợt Nhân mỉm cười với xấp danh sách dày và nghĩ đến niềm vui của những cái tên sẽ được gọi trong tuần này.
- Anh Nhân, tứ diệu đế và bát chánh đạo dịch thế nào?
Nhìn về phía người hỏi, ông Đại Đức Tâm Hòa ở chùa Galang 2 và người thông dịch đang chờ, Nhân lấy tờ giấy đi đến vừa nói vừa viết: The Four Noble Truths and Noble Eightfold Path, và dịch cho ông sư một câu rồi trở về chỗ.
Vừa định đọc tiếp tập danh sách thì Nhân nghe tiếng gọi:
- Anh Nhân.
- Nhân nhìn lên, đứng bật dậy sửng sốt: Điệp – và phải đứng một lúc mới có thể bước ra: Gặp Điệp ở đây ư? Chàng nói rồi bước qua chỗ bàn đánh máy lấy chiếc ghế đem về để trước bàn:
- Điệp ngồi đây.
Điệp ngồi xuống, vừa định nói thì nước mắt trào ra, nên vội lấy khăn lau những dòng nước mắt lăn xuống má.
- Đừng khóc nữa …, tôi chưa biết gia đình Điệp ra sao, nhưng Điệp thoát được tới đây là bước qua một cuộc đời khác – Nhân chờ một lúc rồi hỏi: Điệp đi với những ai?
- Em đi một mình và tới đây từ tháng 7 năm ngoái - Điệp ngừng lại đưa khăn lên mắt… bị trục trặc giấy tờ nên mãi tới tháng 2 năm nay mới được gọi lên phỏng vấn, nhưng không may lại bị lây dịch đau mắt đỏ, nên bị hoãn… Mắt mới hết đỏ từ tháng trước. Hôm nay em định tới đây hỏi xem những người bị hoãn đến bao giờ sẽ được phỏng vấn, không ngờ lại gặp anh.
Nhân nhìn Điệp một lúc rồi nói:
- Mọi chuyện sẽ nói sau, còn bây giờ tôi sẽ hỏi bà Trưởng Phòng Nancy xem có thể giúp gì trong trường hợp của Điệp.
Vừa lúc ấy bà Nancy bước ra khỏi phòng đi đến chỗ để thùng Coca ướp đá lấy một lon.
- May quá, bà ấy ra kia, đi theo tôi, Nhân vừa nói vừa bước nhanh tới chỗ Nancy:
- Excuse me, Ms. Nancy, I would like to talk to you some words and I hope you’ll give me a favor.
Nancy cười:
- What can I do for you?
Nhân chỉ Điệp:
- Bà Điệp là bạn tôi từ thuở nhỏ tôi mới vừa gặp lại, được vào danh sách phỏng vấn từ tháng 2/1985, nhưng bị bệnh mắt đỏ nên bị hoãn. Nay bệnh đã hết, bà Điệp nhờ tôi hỏi bà xem bà có thể giúp gì trong trường hợp này.
Bà Nancy nhìn Điệp, rồi nói:
- Việc đó dễ, tôi có thể cho bà Điệp phỏng vấn kỳ này. Anh lên trụ sở JVA lục tìm hồ sơ của bà Điệp, rồi ghép vào danh sách phỏng vấn ngày mai.
Bà Nancy nói rồi tới bàn của Nhân lấy một tờ giấy viết mấy hàng đưa cho Nhân:
- Anh đưa tờ giấy này cho ông John. Ông ấy sẽ mở cửa văn phòng. Anh vào tìm thùng có mấy chữ “Bệnh Mắt Đỏ”. Hồ sơ của bà Điệp trong thùng đó.
Bà Nancy quay lại Điệp:
- Mừng bà gặp được bạn cũ trên một đảo tỵ nạn.
Điệp nói:
- Cám ơn bà đã giúp tôi.
- Tôi rất vui là đã giúp được bà, vì đó là việc của tôi – Nancy nói rồi quay lại Nhân: Bây giờ anh có thể đi chứ?
- Vâng, cám ơn bà, tôi đi ngay bây giờ và trong khi tôi vắng mặt, nếu bà cần gì, xin gọi Cường.
- Được rồi – Nancy gật đầu nói rồi đi vào phòng.
Nhân để tập danh sách vào ngăn kéo, rồi cùng Điệp đi ra sân.
Điệp hỏi:
- Em có thể đi với anh được không?
- Trời nắng, Điệp chờ ở đây để tôi đi một mình cho nhanh. Chỉ có một thùng hồ sơ thì dễ tìm - Nhân nói rồi đi nhanh xuống những bậc xi măng ra đường.
Khoảng hơn một giờ sau Nhân về, tay cầm một kẹp giấy, vừa bước lên mấy bậc xi măng đã thấy Điệp bước ra:
- Tìm được hồ sơ rồi, hả anh?
Nhân đưa kẹp giấy cho Điệp:
- Tìm thì nhanh, nhưng phải chờ ông John khá lâu.
Chàng đứng lại dưới bóng râm của mấy cây dương, nhìn lại Điệp sau gần 30 năm: Vẫn dáng thanh tú, dù hơi đẫy đà. Mặt vẫn tươi, hồng nhuận với đôi môi và đôi mắt đen sắc. Cổ vẫn tròn cao trong cổ áo sơ mi rộng. Nhìn bàn chân, bàn tay, Nhân thầm nghĩ: Chân tay thế kia thì sau 75 Điệp không vất vả.
Điệp lật coi qua hồ sơ, rồi đưa lại cho Nhân:
- Cám ơn anh, không gặp anh thì chẳng biết đến bao giờ họ mới xét lại hồ sơ của những người đau mắt.
- Tôi nói với bà Nancy cũng là cầu may vậy thôi. Có thể bà ấy có thiện cảm với Điệp nên đã quyết định nhanh chóng. Cứ cho đó là cái may của Điệp ngày hôm nay - Nhân đưa tay cầm tay Điệp: Chúc mừng Điệp. Bây giờ Điệp về nghỉ để chuẩn bị cho ngày mai.
Điệp lấy quyển sổ trong cái túi xách, xé một tờ, ghi số Barracks đưa cho Nhân:
- Em ở Barracks 16, phòng 4, Galang 2. Chiều nay anh lên em được không?
- Chiều nay tôi phải sắp xếp một số việc ở đây, lên Điệp thì muộn quá. Thôi để sau phỏng vấn.
2
Sau bữa cơm chiều, Điệp đưa Nhân lên quán cà phê Gió trên giải đồi cao, gần khu Barracks. Hai người chọn chiếc bàn ngoài trời gần mấy tảng đá lớn.
Chủ quán là một thanh niên đi nhanh tới, đon đả:
- Chào anh, chào chị Điệp, đã khá lâu không thấy chị lên uống cà phê. Anh chị uống chi ạ?
Nhân nói:
- Anh cho tôi cà phê sữa và một bao DunHill - rồi hỏi: Em cũng cà phê sữa?
Điệp đáp:
- Không, em không uống cà phê - rồi nhìn chủ quán: Anh cho tôi Milo thêm sữa.
Chủ quán đi nhanh vào quán, một lúc sau có tiếng hát từ máy cassette vọng ra.
Nhân lắng nghe bản Nhà Anh Nhà Em một lúc, rồi nói:
- Bao nhiêu năm, hôm nay mới nghe lại giọng lả lơi của Trúc Mai. Quán Cà phê trên đồi này thật đắc địa. Dưới đường lên không bao xa, rồi lại gần những Barracks.
- Thế mà khách không bao nhiêu, anh ạ. Có lẽ người ta ngại lên dốc. Quán ở dưới đường đông khách hơn.
Khi chủ quán bưng khay cà phê, milo đến để ra bàn, Nhân hỏi:
- Ở đảo thế này, anh mua cà phê, milo, thuốc lá và những thứ hàng khác ở đâu?
Chủ quán đáp:
- Ở đây hàng tuần có chuyến tàu đi Penang. Chúng tôi xin phép đi những chuyến tàu đó, sáng đi chiều về. Penang là đảo lớn, là thành phố, hàng hóa như núi.
- Anh mở quán thế này, khi được đi định cư thì tính sao?
- Sang cho người khác. Gọi sang là có người bắt ngay. Quán Gió này tới nay đã qua tay nhiều người. Tôi sang quán đã được trên 2 năm, và mong sớm có ngày kêu người sang lại để ra đi.
Nhân cười:
- Galang có những tên quán thật hay, không quán nào đề bảng, nhưng có tên mà ai cũng biết như Tống Biệt, Vượt Biển, Biển Đen, Người Ở Người Đi… Quán này lấy tên Gió thật tuyệt, vì ở trên đỉnh đồi cao, gió biển gió núi đều bay thổi đây.
Chủ quán cười, vừa bước đi vừa tiếp: Còn Tình Sù, Tình Nhớ, Tình Câm… Thôi mời anh chị.
Nhân cười nhìn theo chủ quán, rồi nói:
- Năm 1957, gặp lại em ở Sài Gòn, anh mời em tới cà phê Gió Bấc. Năm 1985, gặp em ở đảo Galang, em đưa anh tới cà phê Gió… Ở đây phải gọi là Gió Biển hay Gió Ngàn. Năm 57, anh chỉ uống cà phê, còn năm 85 thêm thuốc lá – Nhân mở bao DunHill, rút một điếu xoay vòng ngắm nghía, rồi bật diêm châm – Đêm từ tàu Cao Ủy lên bến tàu Galang, trong khi ngồi xếp hàng để người ta gọi tên, kiểm lại người, Ban Đại Diện Người Việt Tỵ Nạn mời mỗi người một điếu thuốc 3 số 5. Đêm gió mát, với cái vui cập bến đã biến điếu thuốc thành hương vị đặc biệt. Anh chưa bao giờ được hút một điếu thuốc ngọt ngào và ý vị đến như thế.
- Tàu vượt biên vào đảo nào mà tàu Cao Ủy phải tới đón?
- Tàu anh đi là tàu đánh cá loại nhỏ, chạy được một đêm một ngày thì bể máy, và trôi theo sóng gió một ngày một đêm thì dạt vào đảo Subii, một đảo nhỏ, dân số chừng trên 500. Anh phải ở đó 3 tuần thì được tàu Cao Ủy, trong chuyến đi nhặt người tỵ nạn giạt vào các đảo nhỏ, nhặt về.
Điệp đang nâng ly Milo uống, nghe thế bỏ xuống:
- Tàu em đi cũng lạc vào một đảo nhỏ, tên dài khó nhớ và phải ở đó trên 3 tháng. Dân trên đảo thiếu gạo, phải ăn độn khoai lang và củ mì, nhưng rất tốt, chia cho mình từng ký gạo, ký khoai.
- Em vượt biên một mình, thế gia đình em và các cụ đâu?
Điệp lặng đi một lúc, mắt chơm chớp như muốn khóc:
- Toàn là chuyện buồn cả anh ạ. Ba em đi tù cải tạo về và mất đầu năm 1982, còn bà cụ mất cuối năm 1982. Dũng đi Thủ Đức sau Mậu Thân, tình nguyện vào Thủy Quân Lục Chiến và chết ở Quảng Trị năm 1972 - Điệp ngưng lại một lúc lâu – Còn em, sau chuyện của chúng ta, em buồn, lấy học làm vui. Xong tú tài em vào được Đại Học Sư Phạm, ra trường phải xuống Cần Thơ dạy và lấy chồng, một giáo sư dạy cùng trường. Sau 75, anh ấy dạy toán nên vẫn được tiếp tục dạy, còn em dạy văn, sử địa nên phải nghỉ. Năm 81, chồng em và đứa con trai, đứa con duy nhất, vượt biên. Tàu bị hải tặc cướp và phá vỡ ở vịnh Thái Lan…. Mẹ em để lại cho em một số vàng, nhưng vượt biên mấy lần cụt hết vốn. Không biết làm gì để sống nên em liều. Gia đình rủi cả, chỉ có em may tới được Galang và gặp được anh.
Trời về chiều với những cơn gió cuốn đi cái nóng ban trưa, và quán đã nhiều khách. Cả một khu đồi rộn lên tiếng nói, tiếng cười với mùi cà phê và thuốc lá.
Nhân hỏi:
- Trước 75 ông cụ còn đi làm hay đã về hưu?
- Ba em về hưu năm 72. Sau 30/4/75 ông không đi trình diện, nên tháng 6/75, họ tới nhà bắt và phải đi cải tạo ở trại Long Giao, rồi Z30A, Xuân Lộc, Long Khánh. Cuối năm 81 ba em được về, nhưng chỉ được 3 tháng thì mất – Điệp ngừng một lúc rồi hỏi:
- Còn anh phải đi cải tạo ở đâu?
Nhân châm điếu thuốc khác, hút mấy hơi:
- Cùng với đội quân tan rã ở Thừa Thiên tháng 3/75, anh bị bắt và bị giam ở nhiều nơi, rồi sau tháng 4/75 một thời gian được chuyển tới trại cải tạo Bình Điền, Thừa Thiên.
- Anh chỉ ở một trại cải tạo hay phải qua nhiều trại?
Anh chỉ ở Bình Điền cho tới ngày được tha, cuối năm 82. Hoàn cảnh của anh không khác em. Chỉ khác là phải đi tù cực khổ hơn. Khi được về thì gia đình cũng chẳng còn ai. Ông bà cụ mất sau 75 một hai năm, em vượt biên vào những ngày sau 30/4/75 và mất tích, còn vợ con, anh cũng chỉ có một đứa gái, đi kinh tế mới đã chết, con đi trước, mẹ đi sau, vì thiếu ăn và bệnh.
Điệp nói:
- Khoảng đầu năm 58, Dũng đã tới anh nhiều lần và lần nào cũng kể em nghe những gì Dũng và anh đã nói với nhau. Và đến hè 1958 thì Dũng cho em biết gia đình anh đã bán nhà và chủ nhà mới cho biết là gia đình anh di chuyển lên Đà Lạt. Em ngạc nhiên, vì gia đình anh đã yên ổn ở khu Ông Tạ. Ai cũng có việc, tại sao lại bỏ để đi lên một chỗ mới, một thành phố nhỏ, làm ăn sẽ khó khăn hơn.
- À, gia đình di chuyển lên Đà Lạt vì ông cụ xin được việc làm ở Bệnh Viện Đà Lạt, bà cụ tiếp tục bán cơm ở chợ, còn anh có thể xin chuyển vào trường Trần Hưng Đạo. Nhưng đúng như em nói, ở Sài Gòn anh có việc bán báo, còn lên Đà Lạt thì chẳng biết làm gì. Vì thế, lên đó được chừng hơn một tháng, anh trở lại Sài Gòn. Thời gian đầu ở nhà người bạn đã cho anh mượn chiếc xe gắn máy Capri để chở em đi chơi. Sau đó, anh kiếm được một chỗ kèm trẻ ở tư gia, và thuê được một căn gác xép ở cuối đường Trương Minh Giảng. Vẫn đi bỏ những mối báo cũ nên thường đi qua khu Phú Nhuận và thỉnh thoảng buổi chiều, anh thấy em trên đường Hai Bà Trưng hay Võ Di Nguy, vẫn áo dài xanh, trắng và mỡ gà, thêm màu nâu nữa, lao xe Solex vun vút giữa phố đông người.
Điệp xúc động:
- Anh vẫn nhìn thấy em ư…, vậy anh ở Sài Gòn đến năm nào?
- Hết hè năm 60, xong tú tài, anh lên Đà Lạt kiếm chỗ dạy học và làm vườn cho đến năm 66 phải động viên vào Thủ Đức. Chín tháng ở trường Bộ Binh Thủ Đức, những ngày thứ Bảy, Chủ Nhật được nghỉ phép về Sài Gòn, anh vẫn thường đi qua đường Hai Bà Trưng, Võ Tánh và mong có một buổi chiều nhìn thấy Điệp.
Mắt Điệp chơm chớp:
- Thời gian này em đã xuống Cần Thơ dạy học.
Nhân nói:
- Trong những năm quân ngũ ở chiến trường Thừa Thiên, Quảng Trị anh thường nghĩ là em vẫn còn ở Sài Gòn. Sau khi ra tù, sống ở Sài Gòn, đi qua đường Võ Tánh thấy nhà em thay đổi với những người lạ và sân không còn giàn hoa giấy nữa, anh lại nghĩ là gia đình em đã vượt biên.
- Nhà bị họ chiếm sau khi bà cụ mất, vì em đã sống ở Cần Thơ từ năm 66 nên không có hộ khẩu, còn người cháu gái con ông bác ở với bà cụ đã bị đuổi ra khỏi nhà. Chuyện vượt biên với gia đình em và họ hàng bên em là một thảm kịch, vì hai gia đình chú bác sạt nghiệp vì vượt biên mà con cái đều chết cả. Phần em thì đi ba lần mới thoát, cũng có cái may là không bị bắt lần nào.
Bỗng Nhân đứng dậy nói:
- Anh vào gọi thêm cà phê. Em uống Milo nữa không?
- Dạ, anh cho em một ly nữa.
Nhân đi vào quán và khoảng 15 phút sau bưng một cái khay có cà phê, Milo và một gói bánh quế. Chàng khuấy ly Milo để trước Điệp, rồi bóc gói bánh quế, lấy một cái đưa cho Điệp:
- Bánh này làm ở Singapore, em ăn xem có bằng bánh quế Sài Gòn không?
Điệp ăn chiếc bánh quế rồi nói:
- Trước kia em ít ăn bánh quế nên không nhớ hương vị ra sao, nhưng em nghĩ bánh sản xuất ở Singapore phải ngon hơn, vì họ làm để xuất cảng, phải cạnh tranh. Còn mình làm chỉ để tiêu thụ trong nước.
- Ở Sài Gòn không biết có mấy nhà sản xuất bánh quế, nhưng anh chỉ nhớ bánh quế Bảo Hiên Rồng Vàng, chuyên dùng cho những đám hỏi – Nhân cười: Thời gian ở Đà Lạt mỗi lần nhà được biếu quà đám hỏi, anh thường thấy một hộp bánh quế Bảo Hiên, một hộp trà Chính Thái hoặc trà Bảo Lộc, một quả cau và mấy lá trầu, đôi khi có thêm hai chiếc bánh xu xê.
Nghe hai tiếng đám hỏi, Điệp nhìn Nhân một lúc, rồi hỏi:
- Trong mấy năm đầu xa nhau, có bao giờ anh có ý định tìm gặp lại em không?
- Có nghĩ chứ. Bao giờ anh cũng nhớ em, nhưng không dám gặp.
Nhân nâng ly cà phê uống mấy hớp, rồi để xuống:
- Cuối năm 57, Dũng thường đến anh và lần nào cũng bảo anh tìm cách gặp lại em và Dũng sẵn sàng làm trung gian để giải hòa. Anh cảm động vì Dũng qúi mến anh và quá nhiệt thành muốn chúng ta trở lại với nhau. Anh cũng muốn thế, nhưng nghĩ đến mấy dòng chữ quyết liệt của em, nên đã nói với Dũng là khi tình cảm đã chết là hết, chẳng có gì nối lại được. Bao nhiêu năm nay nghĩ lại, thật sự anh không hiểu em và cứ truy vấn mãi về cái lỗi của mình – Nhân ngừng lại châm điếu thuốc khác. Trăng đã lên cao, soi tỏ những hàng cây trên đồi. Giữa không gian ấy có tiếng hát, tiếng nhạc từ một quán nhỏ vọng ra. Tiếng hát Việt Nam vang lên giữa núi rừng ở một xứ xa lạ. Bỗng Nhân nghẹn thở với ý nghĩ là chàng đang nói lại chuyện tình cho người tình của 30 năm trước nghe, trên đỉnh đồi của một hòn đảo cưu mang người Việt trên đường chạy trốn khỏi quê nhà. Nhân uống cà phê và hút mấy hơi thuốc cho dịu cơn xúc động, rồi tiếp: Anh truy vấn mãi về cái lỗi của mình. Nhưng có phải cái lỗi đó chỉ mình anh gây ra?
Điệp nói:
- Lỗi ở em. Bao nhiêu năm em ân hận về sự tự ái vô lý của mình. Lúc đó thái độ bất ngờ và lạ lùng của anh đã làm em nổi giận vì xấu hổ và tự ái.
- Bất ngờ và lạ lùng, em nói đúng, vì anh đã giật mình ngừng lại với ý nghĩ: Học trò nghèo. Em thử nghĩ, nếu chúng ta đi tới và em có thai thì cuộc đời của chúng ta sẽ ra sao? Anh có thể nói gì với mẹ em khi bà tin yêu mình?
- Sao anh không nói những điều này ngay lúc ấy?
Nhân lắc đầu:
- Không thể nói, phải tự hiểu. Anh nghĩ em hiểu vì chúng ta đã lớn chớ đâu còn như thời đi thả thuyền ở Cát Bà.
Điệp nói:
- Em không nghĩ như thế mà nghĩ là anh coi thường em và chê em nên em hận.
Nhân nhìn Điệp một lúc:
- Sao lại có thể nghĩ như thế Điệp? Chúng ta là gì của nhau mà coi thường nhau? Nghĩ vậy là em quên mất lúc anh nắm bàn tay em suốt buổi ciné ở Quảng Yên, quên mất lời anh nói là ba năm em biệt tích khi di cư vào Nam, anh đã coi chiếc khăn tay, bức ảnh và cuốn Nắng Đào như sự hiện hình của em… Mà sao em không viết thư nói những điều này, vì nếu viết như thế anh sẽ có thư trần tình và chúng ta sẽ cùng hiểu một lẽ chớ không có tình trạng mỗi người hiểu một cách để phải đoạn tuyệt nhau – Nhân ngừng lại uống mấy hớp cà phê, rồi tiếp: Cái đêm mà sáng hôm sau gia đình anh di chuyển lên Đà Lạt, anh với người bạn tên là Vịnh, người cho mượn chiếc xe Capri, đã đi bộ lên đường Võ Tánh. Khi anh rủ Vịnh đi bộ lên ngã tư Phú Nhuận, Vịnh hỏi: Có xe sao lại phải đi bộ?. Anh trả lời: Mấy năm bán báo, đi lại nhiều con đường thuộc khu Phú Nhuận, Chi Lăng, nhưng tôi nhớ nhất đường Võ Tánh, vì Võ Tánh là đường về mỗi đêm. Đêm nay là đêm cuối cùng tôi muốn đi để ghi nhớ những ngày vui, buồn, mưa nắng trên đường này và đi bộ để giã từ nó. Nghe thế, Vịnh cười, gật đầu.
Tới ngã tư Phú Nhuận, anh quay lại và dừng ở chỗ cái xe bán bánh tiêu, dầu chao quẩy, ở phía trước nhà em, em nhớ cái xe đó chớ?
- Dạ nhớ, em cũng thường mua bánh tiêu, dầu chao quẩy ở đó.
- Anh mua 2 cái bánh tiêu, đưa Vịnh một cái và nói: Mấy năm bán báo, tôi đã ăn không biết bao nhiên cái bánh tiêu ở đây. Cứ mỗi đêm khi về là mua một cái. Vịnh đứng, anh ngồi trên cái ghế đẩu ở gần cột điện, nhìn lên phía gác, phòng của em, lúc đó khoảng hơn 10 giờ, hình dung là em đang ngồi học bài hay đọc sách và cảm được sự kín cổng cao tường của một tiểu thư khuê các. Vịnh mua thêm bánh tiêu, đưa anh một cái và nói: Ăn bánh tiêu nóng kiểu này ngon hơn ở nhà. Hai tay cầm hai cái bánh tiêu, anh vẫn nhìn lên phía cửa sổ có ánh đèn vàng… và lúc ấy anh mới cảm được là em đã ở xa và cao quá, với không tới.
- Với không tới hay là chê?
Nhân nhìn Điệp:
- Em vẫn giữ ý nghĩ đó ư?
Điệp cầm tay Nhân:
- Em buột miệng nói đùa, xin lỗi anh.
Nhân nâng ly cà phê uống mấy hớp, rồi nói:
Thời gian đó anh đọc một truyện ngắn của nhà văn Trung Hoa do Vi Huyền Đắc dịch, trong đó có hai câu thơ:
Thiên nhai hải giác hữu cùng thì
Duy chỉ tương tư vô tận xứ.
(Chân trời góc bể còn đi tới
Chỉ có tương tư không bến bờ)
Cả tập truyện anh chỉ nhớ hai câu và hai câu ấy đã đi theo anh mấy chục năm.
Điệp lấy khăn tay lau những dòng nước mắt chảy dài trên má, rồi nắm tay Nhân:
- Sao lúc đó không đi tìm em? Anh đi tìm, em sẽ hết tự ái, hết hận.
- Thư đoạn tuyệt viết như thế, sao dám đi tìm.
- Em xin lỗi anh. Lỗi ở em, sự kiêu hãnh, tự ái của tuổi trẻ - Điệp bật khóc …. nghẹn lời – đã làm đời chúng ta dang dở.
- Chuyện đã gần 30 năm, mất nửa đời. Bây giờ gặp nhau mà hiểu được chuyện ngày trước thì đời chúng ta vẫn còn đó. Đừng khóc nữa Điệp… Hãy nghĩ đến hai cái vui em đang có trong tay: Cái vui thoát nạn và cái vui lưu lạc chân trời góc biển mà gặp được nhau.
Điệp ngước lên với cái khăn tay trên má:
- Cám ơn anh đã giải tỏa cho em cái hận ngày trước.
Nhân nói:
- Chuyện cũ buồn, nhưng đã qua. Chúng ta thả nó ra biển để nghĩ đến chuyện ngày mai.
Hai người yên lặng. Nhân lắng nghe Hà Thanh hát bản Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa và đang định nói với Điệp về chuyện đi định cư thì Điệp hỏi:
- Anh có biết ngày nào đợt được phỏng vấn kỳ ày sẽ đi Bataan không?
- Anh không biết rõ, nhưng theo lịch trình thuờng lệ thì khoảng 2 hay 3 tuần họ sẽ đưa em qua Singapore, rồi từ Singapore đi máy bay qua Phi Luật Tân. Em sẽ ở Bataan 6 tháng để học tiếng Anh và văn hóa Mỹ. Thời gian này cũng là thời gian để người tỵ nạn tìm người bảo lãnh ở Mỹ.
Điệp Nói:
- Em có người bạn thân ở Denver, tiểu bang Colorado. Chị ấy sẽ bảo lãnh em.
- Thế thì yên đường đi định cư.
- Vậy còn anh?
- Anh có mấy người bạn ở Cali, Texas và Washington, nhưng chưa định nhờ ai bảo lãnh. Khi nào qua Bataan sẽ tính. Theo bà Nancy thì những sĩ quan đi cải tạo, dễ xác minh, nên sẽ được phỏng vấn trong vòng 4 hay 5 tháng. Có thể anh sẽ gặp em ở Bataan 1 hay 2 tháng trước khi em đi Mỹ - Nhân cười - Biết đâu mình sẽ có dịp đi với nhau ra Manila.
Điệp như reo lên:
- Cứ hy vọng như thế đi anh.
Nhân nhìn Điệp một lúc, rồi nói:
- Mấy người bạn ở Mỹ gửi cho mấy trăm. Anh chia cho em một ít - vừa nói Nhân vừa với tay bỏ vào túi áo Điệp 200.
Điệp nói:
- Anh còn ở đây lâu, lại thời gian ở Bataan nữa, cho em rồi anh lấy gì chi dùng?
- Phụ nữ có nhiều nhu cầu hơn… Về thôi em ạ, kẻo lạnh – Nhân nói rồi đứng dậy vào quán trả tiền.
Dưới ánh trăng, Điệp cầm tay Nhân đi xuống đồi. Đến trước Barracks 16, thấy có nhiều người kê ghế ngồi ở hàng hiên, nên Điệp chỉ nắm chặt tay Nhân một lúc, rồi nói:
- Chiều mai anh lên ăn cơm với em.
Nhân gật đầu:
- Chiều mai anh lên.
oOo
Khi Nhân tới bến tàu Galang thì bến đã đầy người đưa tiễn. Sân trong là một cái nền xi măng dài lợp tôn với vách gỗ chỉ tới nửa người, đã có 5 hàng người ngồi chờ. Chừng 20 phút sau, 4 chiếc xe kiểu GMC chở đầy người từ Galang 2 tới. Nhân cười vẫy tay khi nhìn thấy Điệp trên xe thứ hai. Người trên xe xuống xếp hàng đi vào sân trong. Nhân đứng cạnh lối vào nên khi Điệp đi tới, chàng giơ tay nắm tay Điệp: Em đi may mắn, khỏe mạnh. Điệp nói: Anh ở lại khỏe mạnh. Hẹn gặp anh ở Bataan.
Đã tới giờ xuống tàu. Những người xếp hàng, nghe gọi tên, lần lượt đi xuống 4 con tàu sơn trắng, đậu dọc kè bến. Khoảng 15 phút sau thì tàu nổ máy, tháo dây buộc. Khi 4 con tàu rời bến thì trên bến có người khóc, người cười, người vẫy tay.
Nhân đứng tựa vào vách ván nhìn Điệp xuống tàu thứ ba, và đã nhìn theo con tàu cho tới khi màu trắng của tàu biến mất trong màu xanh của biển.
Nhân rút điếu thuốc, bật diêm châm. Hơn hai tháng trước đến đây vào đêm nên Nhân không thấy gì, chỉ biết là mình đã ngồi xếp hàng trên cái nền có mái tôn để người ta gọi tên, được một điếu thuốc thơm rồi lên xe về Barracks. Hôm nay Nhân mới thấy toàn cảnh bến tàu Galang. Công trình xây dựng đơn giản, thô sơ, gồm mấy ngôi nhà lợp tôn và một bến dài mà tàu lớn có thể vào như chiếc tàu của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã đi nhặt những thuyền nhân tỵ nạn trên các đảo nhỏ vừa qua. Đối diện với bến tàu là một đảo nhỏ án ngữ, cách bến khoảng gần một cây số với rừng cây xanh biếc. Màu xanh của eo biển nhập vào màu xanh của đảo xanh thành một bức tranh. Bến tàu Galang là một bức tranh hiền hòa mà ngoạn mục. Nơi đây đã chứng kiến niềm vui của người cập bến và người rời bến.
Nhân nhìn ra khơi, biển xanh thẫm lóng lánh màu nắng vàng và nhủ thầm chỉ vài giờ nữa Điệp sẽ lên Singapore. Năm 1953 ở đảo Cát Bà, Nhân đã tiễn Điệp đi Hải phòng, cũng trên chiếc tàu sơn trắng mà Nhân đã nhìn theo cho tới khi tàu khuất sau những hòn núi giữa biển. Hơn 30 năm sau, trên đảo của xứ người, Nhân tiễn Điệp đi về một nơi bình yên không phải quê hương mình. Đứng lặng dõi theo những đám mây trắng ở chân trời, Nhân lẩm bẩm: Rồi mình cũng sẽ tới đó.
■