D ường như buổi trưa nào Tuệ Nguyên cũng đều đi nằm nghỉ - theo thói quen; có hôm ngủ được một chút, hôm nào không ngủ được, cũng nằm thư giãn, để tâm trí nghỉ ngơi; buổi chiều mới có thể minh mẫn làm việc được.
Hôm nay, sau giấc nghỉ trưa, Tuệ Nguyên pha ly trà lipton ngồi trước hiên, nhâm nhi, nhìn ra sân, cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái. Nàng chợt giật mình, khi nhìn thấy những chùm Phượng đỏ rung rinh trong nắng xế - cây Phượng trước sân nhà, đã nở hoa tự lúc nào, mà nàng không để ý. Thì ra mùa hè đã đến!
Bỗng dưng, Tuệ Nguyên cảm thấy bâng khuâng theo cánh Phượng ngoài kia, nhớ nghĩ, lao xao, về những mùa hè đã đi qua cuộc đời mình, còn đọng lại trong ký ức; như những cơn gió nhẹ, lay lắt, trong ánh nắng chiều nghiêng, cùng nỗi thương nhớ mông lung.
Mùa hè, luôn mang đến trong nàng, một “hương vị” gờn gợn, lạ lùng; khiến nàng miên man, xao xuyến. Hình như chỉ có mùa hè, nàng mới cảm nhận được “cái mùi” này - vừa lạ, mà rất quen thân.
Rất quen, bởi cái mùi ấy gợi nhớ nhiều thứ hương sắc của một thời quá vãng, nỗi nhớ đến da diết, nao lòng; để nàng ngỡ ngàng, ngẩn ngơ, và tự hỏi - thứ mùi này mình đã gặp ở đâu rồi nhỉ?! Nàng có cảm giác như mình vừa lạc vào miền ký ức xa xưa đầy ánh nắng, hoa bướm mộng mơ, của tuổi học trò xa xăm; mà giờ này chỉ còn đọng lại trong ký ức sắp tàn phai. Với nàng, bốn mùa trong năm cũng đều có những “dấu ấn” ghi lại trong lòng những kỷ niệm đẹp; dù có thế nào đi nữa, thì đó là một phần của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân đầy mơ ước, khát vọng của đời người. Những năm tháng ấy, ở cái tuổi hồn nhiên, ngổn ngang bao suy tư, lạc lõng; rồi cũng sẽ trôi theo thời gian; nhưng chắc chắn luôn đọng lại trong ký ức mỗi người nỗi nhớ thương khi ngồi “nhìn lại”.
Mùa hè, là mùa chia tay, tạm biệt mái trường, tạm biệt bạn bè, thầy cô, của mọi tuổi học trò, về quê vui chơi thong dong trong ba tháng để trở lại trường, bước vào năm học mới - được lên một lớp, lớn hơn một chút, trưởng thành hơn; sau ba tháng tạm “xếp bút nghiên”. Chặng đường phía trước với Tuệ Nguyên, với các bạn, dù chưa biết ngày mai sẽ ra sao; nhưng mùa hè tuổi trẻ luôn đẹp, đáng trân trọng nhất: “Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”!.
Mùa hè tuổi thơ của nàng, là những ngày chạy nhảy, vui chơi cùng đám trẻ trong làng, trên cánh đồng trơ gốc rạ; là những cánh diều chắp vá đủ màu chấp chới; những chiếc chong chóng bằng bìa vở học trò quay tít mù; những chùm dú dẻ chím thơm vàng hấp dẫn; những trái keo ửng đỏ béo ngọt; những trái trứng cá chín mọng ngọt lịm treo lủng lẳng trước sân nhà.
Mùa hè tuổi thơ của nàng, còn là nỗi chờ đợi, được nội dắt vào Vũng Tàu thăm ba má và các em. Thuở chín, mười tuổi ấy, xa lắm rồi; nhưng sao nàng cảm thấy như mới hôm nào đây thôi, thật gần, thật rõ ràng. Nàng nhớ, mình được nội dẫn đi bằng máy bay, trông lạ lẫm làm sao. Được bay ở trên cao, nhìn qua ô cửa sổ bằng kính, nàng thấy mọi vật phía dưới là những chấm nhỏ, nhiều màu, xa xôi. Ôi! Thích lắm! Nàng nghĩ thầm, sẽ kể cho đám bạn nhỏ trong làng, những gì mình cảm nhận được, nhìn thấy được khi bay trên bầu trời xanh, mênh mông.
Những thắng cảnh của vùng đất ven biển Vũng Tàu xa lạ mà quyến rũ, như “Thích ca Phật Đài, Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa…”, đã mờ xa; hơn 50 năm rồi còn gì, nhưng vẫn réo gọi, vỗ về. Nàng chỉ còn nhớ, những lần được ba má đưa đi chơi, thường mua cho nàng chiếc bong bóng thật to, mà ở quê, nàng chưa bao giờ thấy được, có được.
Nàng được ba má đưa đi xem phim ở rạp Tân Tân, được ăn bánh, ăn kẹo, ăn măng cụt, chôm chôm. Lần đầu tiên trong đời, nàng biết xem phim - những hình ảnh sinh động ghi lại câu chuyên cổ về hai chàng Lưu Bình, Dương Lễ - một tình bạn cao quý làm sao!
Tuệ Nguyên cúi xuống, hớp ngụm trà lipton, cảm thấy thật dịu ngọt - ngọt như những kỷ niệm êm đềm đang ùa về trong tâm trí nàng.
Thuở còn đi học, nàng rất thích hoa Phượng; bởi cái màu đỏ chói chang khoe sắc, nổi bật, bên những chiếc lá xanh, khiêm nhường, góp phần làm tăng vẻ đẹp cho hoa; cho nên, dù đổi mấy lần nhà, nàng luôn trồng trước sân một gốc Phượng, để nhìn ngắm mỗi mùa Phượng trổ bông, mà nhớ.
Nhìn những chùm hoa Phượng rung rinh, lấp lánh trong nắng, nàng chợt nhớ đến Nhi - người bạn học ngồi cạnh nàng trong suốt năm học lớp Chín. Cũng cái màu đỏ chói chang ấy, chói chang đến bồi hồi, của buổi chia ly. Nàng như nghe tiếng Nhi thầm thì từ thuở nào, xa lắc, vọng về; khi nàng đến bên Nhi, đang ngồi trầm ngâm dưới gốc Phượng trước phòng 5, tay cầm nhành hoa Phượng mân mê, buồn bã. Nhi đưa nhành hoa Phượng đang cầm cho nàng, giọng trầm lắng, buồn buồn: “Tuệ Nguyên biết không, mình rất thích hoa Phượng, bởi với mình, Phượng không những là hoa Học Trò, mà còn là nỗi buồn chia ly, là nỗi nhớ nữa. Cái màu đỏ tươi sáng, chói chang ấy, sẽ làm mình nhớ về mái trường thân yêu này, nhớ lớp học chúng ta, nhớ thầy cô, và các bạn; nhất là với Tuệ Nguyên, sau năm học này. Bạn biết đấy, nhà mình nghèo, lại đông con, ba mình vừa mất ở Pleime - mẹ mình không đủ điều kiện để lo cho mình tiếp tục đi học nữa. Có thể sau vài ngày nữa, kết thúc năm học, bạn sẽ không còn gặp mình, nhưng mình sẽ luôn nhớ đến bạn; có dịp, mình sẽ ghé thăm bạn. Mình luôn mong bạn sức khỏe, học hành thật tốt, có một tương lai tươi đẹp”. Và nàng như thấy Nhi trong chiếc áo dài trắng, nhìn nàng với nụ cười buồn bã, trong ký ức cũ càng, thương nhớ. Tuệ Nguyên rưng rưng, theo những mảng ký ức rời rạc trở về. Nhi đã giữ đúng lời hứa, đã ghé thăm nàng nhiều lần, khi có dịp xuống huyện; và cho đến những năm tháng sau này, hai đứa luôn gặp nhau, nhắc kể lại những kỷ niệm học trò, đầy nhớ thương, day dứt.
Mùa hè trong ký ức Tuệ Nguyên còn là những trang lưu bút viết vội vàng trao tay, thật lưu luyến, ngây thơ, ngộ nghĩnh. Trong một, hai tuần lễ cuối trước kỳ nghỉ hè; đến lớp là vội vội, vàng vàng, ghi lưu bút cho bạn này, rồi bạn khác; và chuyền quyển lưu bút của mình cho các bạn ghi.
Tuệ Nguyên chợt mỉm cười, khi nhớ một vài lời ghi trong quyển lưu bút của mình, năm lớp 10 - “Hôm nay, ngày… tháng… năm… L T có viết trong lưu bút của Tuệ Nguyên 22 dòng, tổng cộng 155 chữ, chưa kể chữ ký. Chấm hết.” - “Hè về, tao chúc mày ăn no, ngủ kỹ, nhưng đừng mập như cái thùng phi…”. - “Ôi! Hè về! Sao tao buồn quá! Ở nhà 3 tháng chắc tao chết. Nhớ tụi mày lắm lắm, biết không? Nhớ!”…
Mùa hè năm 1975, với bao biến cố, đổi thay, khiến Tuệ Nguyên cảm thấy hoang mang, hụt hẫng, với bao ước mơ, dự định. Ba nàng đã “học tập” tận miền Nam xa xôi, có thể năm học tới đối với nàng là năm học cuối cùng; bởi nàng khó mà được bước chân vào ngưỡng cửa Đại học. Mùa hè năm 1976, sau khi thi tốt nghiệp phổ thông, nàng không thể làm hồ sơ nộp thi vào Đại học được, vì ba nàng là “ngụy quyền”, còn đang cải tạo.
Đó là mùa hè buồn bã nhất trong cuộc đời học trò của nàng; bao nhiêu mơ ước đành khép lại; tập làm quen với ruộng đồng, với nhọc nhằn lao khổ. Nhiều lúc nhìn đôi tay chai phồng, nàng rưng rưng nước mắt; muốn khóc một hơi cho thỏa lòng ấm ức. Nàng khóc, khi gặp những sinh viên về thăm nhà trên chuyến tàu xuôi ngược mua bán kiếm sống ngày ấy.
Tuệ Nguyên bỗng rùng mình, vội đứng lên, không muốn nhớ lại quãng thời gian đau lòng ấy nữa; nàng hít thở, vươn vai, bước ra sân, đứng dưới gốc Phượng, nhìn ra dòng sông trước nhà; lòng ngổn ngang bao nỗi niềm xuyến xao, ray rứt. Nàng chợt nhớ lại bài thơ “Mùa Hè Gỉã Biệt” của Thầy Trần Huiền Ân đã đọc cho lớp nghe vào buổi học cuối buồn hiu hắt năm nào - Thầy còn kể cho biết, đây là bài thơ đầu tiên của Thầy được đăng báo (Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, năm 1958) - cũng chính là năm nàng được sinh ra!. Nàng đã không giữ được những giọt nước mắt khi nghe Thầy đọc đến hai đoạn cuối:
“(…) Chỉ còn một bữa nữa mà thôi
Mai cửa trường im khép lại rồi
Tàu đến sân ga, tàu chuyển bánh
Mang người ly cách đến ngàn nơi
Thôi nhé, dù sao mình vẫn hẹn
Một ngày hội ngộ ở tương lai
Hè buồn, hè vắng, hè nhung nhớ
Không cản tình ta đến trọn đời”.
Buổi học cuối năm ấy, luôn là những âm vang, rộn rã sắc màu kỷ niệm, đã sống mãi trong lòng nàng.
Những mùa hè tiếp theo sau đó, là những nỗi buồn, nỗi nhớ, với bao nhọc nhằn trên cánh đồng hợp tác xã. Nàng hòa cùng bà con xã viên cắt lúa, gánh chạy theo bờ ruộng nhỏ gồ ghề, khiến nàng vấp ngã hoài, vì chưa quen gồng gánh.
Nỗi buồn cứ dâng lên, tràn về với những hoài niệm, đến nỗi ngẩn ngơ; khi tiếng gà gáy trưa từ xa vọng lại rời rạc, não nùng, giống tiếng gà từ thuở nào, vọng về trong ký ức thương đau. Cái nắng hanh hao buổi xế chiều, chiếu rọi xuống dòng sông im vắng ngoài kia, lấp lánh nỗi nhớ; tựa những đợt sóng vỗ vào bờ kè, khiến nàng ngỡ ngàng trôi theo như những bọt nước.
Mùa hè, với Tuệ Nguyên, còn là mùa của những chuyến công tác lên Lạc Sanh phát hoang, nhổ mì, chặt mía. Trong cái nắng hầm hập, như thiêu như đốt ấy, mồ hôi nhễ nhãi, tuôn ướt người; nhưng nàng phải tình nguyện ghi tên đi, để có số công điểm đỡ hơn, đến mùa mới đủ lúa ăn giáp hạt.
Một buổi chiều hè nọ, anh Quân - con của người cậu họ của nàng, tìm gặp nàng và nói: “Em vào đội văn nghệ đi nhé! Em hát hay mà, chỉ hát vài bài góp vui, phục vụ cho bà con trong những buổi làm việc; chứ ra mà cuốc cỏ, nhổ mì, chặt mía, làm sao sức em làm nổi?. Đồng ý nhé anh ghi tên cho, công điểm lại nhiều hơn đấy!”. Nàng nhìn Quân, cười nhẹ: “Tui nghĩ, người ta làm được, thì mình làm được; hát hò cái kiểu đó, cho tui đống tiền, tui cũng không làm được đâu. Cảm ơn anh đã có ý giúp đỡ”. Anh lắc lắc cái đầu, rồi lầm bầm: “Đúng là giọng điệu tiểu thư, em coi chừng, mấy ổng mà nghe được, thì em mệt đấy!”.
Mùa hè khi nàng trên 50 tuổi, là những lần thu xếp chuyện nhà, về thăm lại quê xưa; được trầm mình dưới làn nước xanh mát của biển quê; được thăm lại những người bạn học cũ; chị em thân thiết trong họ hàng sau bao tháng ngày xa cách. Ánh nắng đó, tuy vẫn chói chang, gay gắt; nhưng nàng cảm thấy dịu ngọt, vì món chè khoai môn chị Hai nấu; vì tình cảm ưu ái của bạn bè, dành cho nhau. Nàng thầm cảm ơn người chị gái thân yêu, cảm ơn các bạn học cũ - những tình thân này, như dòng suối mát, xua tan cái nắng nóng oi bức, gay gắt của mùa hè; để nàng cảm nhận được, Quê nhà đối với nàng thiêng liêng biết ngần nào.
Mùa hè hôm nay, mùa hè của năm trên 60 tuổi. Tuệ Nguyên cảm nhận được, mình đã đi gần hết cuộc đời, qua bao mùa hè buồn vui, bao nỗi thăng trầm hệ lụy; nhưng những truân chuyên đã trải qua, như những áng mây đen không che nổi lâu dài bầu trời hy vọng, đang lỏe sáng trong ký ức nàng. Những thử thách, bất hạnh đã trôi qua, là những trải nghiệm cần có trong bể đời gian khó; để nàng sống tốt hơn, vững vàng hơn trong phần đời còn lại của mình.
Nàng tự nhủ, tất cả mọi thứ rồi sẽ tan biến theo dòng thời gian, ngay cả bản thân mình; cái còn lại, là sự dâng hiến, chia sẻ, yêu thương, để khi ra đi, không hối tiếc.
Tuệ Nguyên mỉm cười, nhìn những cụm mây trắng đang trôi lờ lửng trên bầu trời trong xanh trước mặt; lòng nhủ thầm:
Giá mình được như những áng mây vời vợi trên cao, bay khắp nơi, với lòng ung dung, nhẹ hẫng, giữa bầu trời rộng lớn tràn ngập yêu thương,
thì hạnh phúc biết chừng nào nhỉ!.