Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



CÁNH CHIM KHÔNG MỎI



A nh phụ xế vỗ rầm rầm vào hông xe, miệng hét tóe khói: Tốp, tốp..! Chiếc xe rướn thêm một đổi rôi dừng hẳn. Hành khách ngã chúi tới trước, bật ngữa ra sâu. Tiếng cười rộ lên, họ bảo nhau:”Tới rồi, xuống đi!”

Chờ cho hành khách xuống hết, tôi mới vói lấy túi xách , thong thả đứng lên. Chân tôi vừa chạm đất, chiếc xe lao vụt đi. Bây giờ, chỉ còn lại mình tôi đứng chơ vơ giữa phố huyện. Tôi bồi hồi chưa muốn dời chân. Đã mấy mươi năm xa cách, cảnh cũ thay đổi đến ngạc nhiên. Mấy căn nhà lá lụp xụp đã biến mất. Thay vào đó san sát những ngôi nhà tường đứng xếp hàng thành hình chữ U. Cửa ngõ hướng vào chợ.Nắng chiều lấp lóa trên những tấm sáo kẻ sọc trắng xanh. Phía dưới, hàng hóa bày la liệt. Dù chợ đã tan, chẳng có người mua sắm, chủ các quầy hàng vẫn ngồi chồm chồm trên ghế xếp, nhong nhóng nhìn ra.

Hồi đó, chợ lưa thưa người. Hàng hóa cũng chẳng được bao nhiêu. Chợ nhóm khoảng một giờ là tan.Tiếng là chợ huyện nhưng đấy chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của vài chục hộ sống rải rác đây đó. Từ tờ mờ sáng , từ các ngõ ngách chằng chịt, họ đỗ ra chợ . kẻ bán, người mua. Loáng cái, hết vèo. Lúc nầy, chợ trông giống một bãi đất trống vương vải rác. Trẻ nhỏ thường tụ tập chơi ô quan, trốn tìm…Nội chợ, chỉ có quán bánh bèo của bà ba là đặc biệt nhất. Bà ba cứ bán hoài, bán mãi cho tới khi nào hết bánh mới dọn Có hôm đến xế trưa. Tôi không sao quên được những tấm bánh Bèo trắng phau, deo dẽo như những cái đĩa tí hon đựng đầy đậu xanh nghiền nhuyễn. rưới một lớp nước cốt dừa đặc sánh, béo ngậy, ăn vào ngon không thể tưởng. Ai thích vị mặn thì cứ bảo, bà ba xúc thêm cho một muỗng nhân tôm, chan ít nước mắm tỏi ớt. Bây giờ, một quán cà phê mọc lên ở đó. Bàn ghế đều bằng nhựa, bày chật ních gian trước. Dăm ba người ngồi há hốc mồm nhìn lên màn ảnh nhỏ của một cái ti vi màu. Họ đang xem phim kiếm hiệp Hồng kông. Tiếng vũ khí chạm nhau loảng xoảng. Tiếng cát chạy, đá bay ầm ào. Tiếng thét rùng rợn của diễn viên…Tất cả trộn lẫn vào nhau, làm cho một góc chợ chiều trở nên nhộn nhạo.

Qua khỏi phố chợ là cánh đồng bát ngát. Men theo đường đất quanh co, khúc khuỷu, tôi đến đầu làng. Tôi ngõ ngàng nhìn nhà cửa mọc lên chi chít, Không như ngày xưa, nhà nọ cách nhà kia một mảnh vườn, vuông sân hay một con lạch nhỏ. Ban đêm, những ngọn đèn dầu leo lét ẩn hiện , chập chờn như những đốm lửa ma.

Vật còn tồn tại với thời gian là cây đa và tấm bia đình làng. Nhưng năm tháng đã phủ một lớp bụi cằn cỗi lên cây đa cổ thụ. Nó già rũ như một ngôi nhà cổ lợp lá xanh mông mốc. Tấm bia đá đứng gần đó xám xịt, trơ trọi. Những hàng chữ đã phai màu. Lớp rêu xanh rì bám dầy đặc quanh khung như một đường viền vừa được tô màu. Giữa sân đình một dãy lớp học đứng chắn ngang. Cái đình làng biến đi đâu mất? Chợt trông thấy một người đàn ông tóc hoa râm, đang ngồi ở bậc thềm trước một lớp lọc, tôi liền tới gần:

- Ông anh này, cái đình đâu rồi?

Ông ta nhìn từ đầu xuống chân, rồi từ chân lên đầu, cuối cùng dừng lại ở cái túi xách của tôi. Ông ta gật gù:

- À, ở đâu mới lên đây hả?

- Dạ, ở thành phố Hồ Chí Minh.

- Ờ, “Sài Gòn” đó chớ gì! Hèn gì không biết cái đình bị kẹt đàng sau dãy lớp học.

Nghe giọng nói chắc hẳn phải là dân rặc ri ở đây, tôi mừng rỡ hỏi tới:

- Ủa, sao kì vậy anh? Tôi nhớ hồi đó đâu có dãy lớp học nầy. Hết chỗ xây trường rồi sao mà…?

Anh ta quơ tqy một vòng, vẻ tức tối:

- Ờ, nghĩ cũng kì thiệt.. Nhưng dận ấy vừa mới giải phóng. Cha nào cha nấy sợ tàng lan, tùm lum. Tầm bậy ,ầm bạ. Cho là cái đình nầy thờ quan lại thời xưa. Phong kiến quá xá, đâu dược! Mà dẹp cái đình thì sợ ông thần bẻ cổ, vặn tay. Lớp sợ dân chúng chửi. Bàn bạc mấy ngày, trưởng làn tìm ra một cách là giấu cái đình, tức là cái phong kiến ra đằng sau dãy lớp học. Vậy đó, xúm lại đóng góp, xây liền một dãy phòng án ngữ cái đình.

- Trời đất! Rồi làm sao vô cúng đình?

- Đi vòng.

Anh ta chỉ một lối đi nhỏ bên hông lớp học. Thấy anh cởi mở, tôi hỏi:

- Điệu nầy, nếu mời gánh tới thì diễn ở đâu ?

- Thì diễn ở đây. Sân khấu dựng trước cửa mấy lớp học nè. Dân làng ai tới trước ngồi trong vòng rào. Ai chậm chân thì đứng ngoài lộ ngó vô.

- Ông thần trong kia, hát hò ngoài nầy thì còn nghĩa lý gì nữa!

Liếc tôi một cái rõ dài, anh nói:

- Sao không nghĩa lý cha nội. Cúng thì có xôi, chè, hoa, quả, gà, vịt. Còn hóat hò chủ yếu để phục vụ bà con làng xóm. Còn như ông thần, nếu ổng muốn xem hát thì đi vòng ra đây chớ khó khăn gì. Ủa, bộ anh có bà con gì với ông thần đình làng này sao mà trách móc đủ thứ vậy anh bạn.

Ngồi xuống cạnh anh, tôi hưởn đải nói:

- Tôi là người làng nầy. Đi biệt xứ bấy lâu mới quay về. Nhà tôi ở ven sông, chỗ khúc quanh vào vườn bưởi đó.

Vỗ đánh bốp vào vai tôi, anh kêu lên:

- Té ra là con bác ba Thời, là…Hai Minh, Minh đờn cò. Nhớ tôi không? Hai Sự nè!

Tôi chợt nhớ tới người thanh niên khi xưa. Anh hay cởi trần, mặc độc có cái quần xà lỏn. Hai Sự quê tận Cà Mau, nơi tiền rừng, bạc bể. Thế mà hai vợ chồng anh chèo chống về đây lập nghiệp. Họ sống trôi nổi trên sông. Cứ bìm bịp kêu nước lớn, chiếc ghe trở về. Nước ròng lại tháo lui theo triều nước. Người vợ quảy gánh hàng tạp nhạp như tiêu, tỏi, hành, ớt, đường đậu, hột vịt…lên chợ huyện bán. Tan chợ, về thổi cơm trên bến. Ăn xong, vợ chồng chui vào trong cái mui ghe, đánh một giấc đến xế. Những hôm bán ế, họ phải neo ghe lại. Đêm, người chồng mồ ra sân đình , tắp vào quán hớt tóc, nhập bọn với những người đàn ca tài tử để nghe đàn hất đến khuya. Thuở đó, ở đay ai cũng phục ngón đờn cò của tôi. Mỗi lầ tôi se dây tiếng dần như một bàn tay mỹ nhân ve vuốt cõi lòng người nghe, họ cảm thấy buồn da diết như đắm chìm trong nỗi khoắc khoải, nhớ tiếc xa xăm.

Tôi còn nhớ, ngày đó thật là khủng khiếp. Giặc mở trận càn quét lớn. Một tốp lính ập vào làng bắn phá. Giữa lúc đang họp chợ, mọi người kinh hoàng bỏ chạy tán loạn. Vợ Hai Sự bụng mang dạ chửa gần ngày sinh, lệt bệt quá, chạy không kịp, bị trúng đạn chết tại chỗ, nằm vắt ngang quang gánh. Đứa nhỏ trong bụng vẫn còn chòi đạp. Trong lúc mọi người luýnh quýnh tìm cách cứu đứa nhỏ , đem nó ra khỏi bụng mẹ thì pháo địch bỗng đập ì đùng.tới tấp. lại một phen chạy bán sông bán chết. Chừng tiếng súng im, tôi chạy về nhà , bàng hoàng trước cảnh nhà tan, cửa nát. Mẹ và em gái tôi cũng bị trúng đạn pháo, chết tự bao giờ. Đó là một ngày thê thảm nhất của làng tôi. Nhà nào cũng có người chết. Tiếng khóc than dậy trời. Tôi không biết nhờ vào sức lực nào mà tôi đã lo xong mồ mã cho mẹ và em gái, Tôi chỉ nhớ rằng sau đó tôi bị sốt mấy ngày liền. Nhờ láng giềng giúp đỡ , lo thang thuốc tôi khỏe lại. Rồi vì buồn không chịu được, tôi khóa cửa, gởi nhà cửa, vườn tược nhờ người anh họ trông chừng rồi tìm ra vùng giải phóng xung phong vào đội văn công. Chúng tôi phục vụ những đơn vị trực tiếp kháng chiến. Bộ đội đánh tới đâu, chúng tôi theo tới đó. Chúng tôi dùng lời ca tiếng nhạc tiếp sức cho bộ đội ta đánh giặc. Tôi học sử dụng một số nhạc cụ khác như đàn tranh, đàn bầu…

Hòa bình, tôi được mời gia nhập đoàn biểu diễn nhạc cụ dân tộc và được tham gia nhiều đợt giao lưu văn hóa với nước ngoài. Chúng tôi được người ngoại quốc hoan nghênh nhiệt liệt. Mới đây, tôi đuợc phong tặng nghệ sĩ ưu tú.

Hôm nay, trở lại làng xưa , trước thực trạng đau lòng nầy, lòng tôi như bị ai cào xé. Tôi dò ý người bạn cũ:

- Anh có muốn đình ra đình, trường ra trường không?

- Muốn chớ sao không. Chính quyền có bàn bạc sẽ xây trường chỗ khác rồi cho trùng tu đình làng nhưng hiện giờ chưa có đất, tiền cũng chưa đủ. Không biết đến bao giờ mới xong !

Tôi chợt nhớ ruộng vườn nhà mình thênh thang. Vợ con tôi người thành phố, không biêt cày cấy nên tôi phải nhờ người anh bà con đứng ra cho láng giềng thuê đất làm ruộng hay trồng rẫy. Lâu lâu, anh ấy mang tiền lên cho chúng tôi. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không hiến bớt hai công đất cho chính quyền xây trường học chứ. Tôi nói liền ý nghĩ ấy cho anh Hai Sự nghe, anh vỗ vai tôi cười ha hả.:”Tốt quá! Tốt quá! Đúng là khó trăm lần dân liệu cũng xong . Tôi kết anh rồi nghe anh Hai Minh!”

Tôi đứng lên, mỉm cười:

- Bây giờ, tôi phải về nhà anh họ. Tối nay, anh có rảnh ghé chơi!

Tôi rẻ vào con đường nhỏ dọc bờ sông. Nắng đã tắt lâu rồi. Nước đang lên, sóng nhấp nhô. Xa xa, thấp thoáng những cánh chim màu nâu, ức đỏ như chứa lửa. Ôi! Thương làm sao loài chim gọi nước về. Tôi xiết chặt cái túi xách có cây đàn cò trong đó. Tôi mơ tưởng đến ngày mai. Cạnh khu vườn nhà tôi mọc lên ngôi trường mới.





VVM.03.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com