Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NÀO HAY ĐỜI CẠN



C huyến về Việt Nam của Linh hoàn toàn không được chuẩn bị trước.

Linh cũng không nghĩ có thể thực hiện chuyến đi xa nửa vòng trái đất khi đang bận bịu với đứa con đầu lòng mới sinh hai tháng. Một phần do Kim rủ rê, một phần do chồng cô thúc hối. Lý do chính là An muốn Linh có mặt đúng lễ giỗ 100 ngày của mẹ vợ, lý do phụ là tháng sau An bắt đầu nhận một việc làm đúng sở trường mà anh vẫn mỏi mắt tìm kiếm nhưng đổi lại, thời gian anh dành cho gia đình sẽ rất eo hẹp. Có nghĩa hiện tại là thời điểm rảnh rang, thích hợp nhất để anh thay vợ chăm sóc con. An rất thương Linh xuất cảnh theo chồng đã ngót sáu năm mà chưa có điều kiện một lần về nước thăm mẹ và em trai.

Ngày mẹ mất, Linh đã vào tuần cuối của thai kỳ nên Lộc -em cô- giấu bặt, sợ chị mình quá xúc động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cả mẹ lẫn con. Hơn hai tháng sau, đợi mọi việc đâu vào đấy rồi, Lộc mới gửi E-mail báo tin.

Linh ngất lên ngất xuống, hầu như đã khóc đến khô kiệt nước mắt vì thảm cảnh bất ngờ. Trong chuyến hành hương cùng một số người cao tuổi đến tỉnh Q, mẹ Linh gặp tai nạn giao thông thương tâm, do một xe tải mất thắng gây nên. Người ta rất khó khăn mới đưa được nạn nhân rúm ró dưới gầm xe tải lên cáng cứu thương, máu me ướt sũng mặt đường nhựa nóng. Sau mấy tuần hôn mê sâu trong phòng cấp cứu, mẹ Linh không qua khỏi.

“Chị đừng trách em không tận tâm cứu chữa cho mẹ. Em đã phải gõ cửa cầu cứu tất cả bạn bè, van lạy từng người quen biết để mượn ba trăm triệu lo thuốc thang… Thế mà chị ơi, tiền mất người cũng mất…”, E-mail của Lộc gửi, vừa thuật vừa ra sức thanh minh.

Dĩ nhiên Linh không trách Lộc. Cô hiểu nỗi đau đớn của em trước cái chết bi thảm của mẹ. Cô càng xót xa thương Lộc hơn và tự trách mình thiếu sót bổn phận. Trong biến cố này, Linh chẳng khác một người dưng. Nhà neo đơn, không họ hàng thân thích bên cạnh, Lộc phải một mình lo hậu sự cho mẹ. Chỉ tính riêng quãng đường đưa mẹ từ Q. về, hẳn đã vắt của Lộc rất nhiều sức lực lẫn nước mắt. Đúng như ý nguyện của mẹ từ trước, Lộc đã hỏa táng gửi di cốt vào chùa chu đáo.

Dù E-mail không đính kèm hình ảnh thì Linh vẫn hình dung được thân thể mẹ biến dạng thế nào sau tai nạn thảm khốc. Nhầy nhụa. Be bét.

Càng nghĩ, Linh càng đau đớn như bị mũi dao nhọn đâm thấu ruột gan. Cả ngày lẫn đêm hễ nhắm mắt ngủ là cô gặp ác mộng. Khuôn mặt nhăn nhúm có tròng mắt vỡ nát của mẹ cứ đăm đăm dõi theo cô như còn muốn nhắn nhủ một điều gì. Sức khỏe Linh sa sút thảm hại.

Dĩ nhiên Linh không nỡ để em trai è cổ gánh món nợ lớn như vậy. Hai vợ chồng bàn nhau gom tất cả số tiền ít ỏi đang có, gửi về cho Lộc trang trải.

♣ ♣
      

Thời gian đầu định cư ở Mỹ, Linh làm việc chung trong một tiệm nail với Kim. Hai nhà cùng một khúc đường, hoàn cảnh lại tương đồng nhiều điểm giúp họ mau chóng thành đôi bạn thân thiết.

Cũng như Linh, tám năm nay sang Mỹ, Kim chưa lần nào về nước. Đời sống vợ chồng cô khá chật vật, nhiều lần thay đổi việc làm lẫn chỗ ở mới dần dần ổn định. Hai năm trước, Kim lại sinh con, đứa bé khuyết tật cuốn đi sức khỏe lẫn thời gian của Kim, nên dù rất nhớ thương người mẹ lớn tuổi và hay đau ốm, cô chỉ hẹn lần hẹn lựa mãi mà chưa thể về thăm.

Kim còn ba anh chị ở Việt Nam. Các anh chị đều nghèo, công việc bấp bênh khi có khi không, nên tất cả đều trông hết vào cô em út. Kim phải nỗ lực rất nhiều để làm việc gửi tiền về giúp đỡ, nhưng như “gió vào nhà trống”, họ vẫn liên tục than thở kêu ca thiếu thốn. Hết anh Hai cần tiền chữa bệnh viêm gan siêu vi thì chị Ba xin một số vốn buôn bán, đến anh Tư muốn mua chiếc xe máy chạy xe ôm. Rồi đứa cháu này mổ hở van tim, đứa cháu nọ thiếu tiền học nghề... Lý do nào cũng bức thiết cả.

Lần lượt, Kim cắn răng âm thầm đáp ứng yêu cầu từng người, không dám để chồng biết. Dành trọn số tiền trợ cấp hàng tháng của đứa con khuyết tật gửi về không đủ, Kim phải cặm cụi tăng giờ làm hơn, phải tiết giảm nhiều thứ, phải tước bỏ mọi mua sắm cho bản thân, chắt chiu từng đồng.

Đôi lần bí bách quá, Kim từ chối thì các anh chị giận hờn, trách móc. Thậm chí, họ còn kể lể chuyện ngày xưa lúc Kim còn bé tí, họ đã phải vất vả bồng bế, tắm giặt, xúc cho ăn, dắt đi học... để nhắc Kim nhớ mà đừng quên đền trả công lênh cho họ.

Họ thường so sánh em gái mình với các Việt kiều khác mà họ biết. Những người ấy mỗi khi tung tẩy về Việt Nam đều xài tiền như nước, còn xây nhà cho người này, mở công ty cho người kia. Trong mắt các anh chị Kim, đã là Việt kiều Mỹ thì đương nhiên đều giàu sang, đô-la từng bó bỏ mốc meo trong ngân hàng vì không biết xài sao cho hết; còn chuyện tích lũy vàng hay kim cương đơn giản như… nhặt vỏ ốc bờ biển!

Chẳng bao giờ họ tưởng tượng được hết những vất vả, cay đắng của Kim để kiếm nhiều tiền đều đặn gửi về. Giả sử nghe Kim kể rằng: cả năm rất hiếm hoi nhìn thấy mặt trời, vì chưa hửng sáng Kim đã phải lái xe đến chỗ làm và chỉ trở về nhà khi trời đã sập tối, hẳn các anh chị sẽ cười ồ, cho là cô em vui tính đang kể một chuyện hài!

Cuối năm ngoái, mẹ Kim bị nhồi máu cơ tim, phải mổ cấp cứu hai lần. Chị Ba điện thoại sang kể rằng: lần mổ nào tình trạng mẹ cũng thập tử nhất sinh, nếu Kim không kịp gửi tiền về, chắc chắn mẹ đã không qua khỏi.

Cái chết đột ngột của mẹ Linh đã đánh động Kim sâu sắc.

Kim bàng hoàng nhận ra: đời người mong manh lắm, mẹ đã già lại mang bệnh nguy hiểm như thế, liệu còn kéo dài được bao năm? Nếu lần lữa mãi, Kim sợ rồi mình cũng phải hối tiếc như Linh.

Trùng vào dịp giỗ trăm ngày của mẹ Linh nên Kim rủ bạn cùng về Việt Nam một chuyến. Cả hai bàn nhau không báo trước để người nhà khỏi trông ngóng hay mất công ra phi trường đón đợi.

Trong khi Linh chỉ kéo một va li gọn nhẹ thì Kim tay xách nách mang nhiều thứ. Va li này chất đầy những món quà biếu mẹ, mấy túi lớn kia nặng trĩu tặng phẩm cho các anh chị, những gói lớn gói bé dành riêng phân phát cho từng đứa cháu… Lỉnh kỉnh, đùm đề.

Kim tưởng tượng giây phút đột ngột bước vào nhà, nhất định mẹ cô sẽ mừng đến òa khóc, tính bà vốn dễ khóc. Hai mẹ con sẽ ôm nhau thật chặt, kể lể nhớ thương. Ngắm con gái thật kỹ, mẹ Kim sẽ hỏi: “Ôi, sao con gầy đi nhiều thế?” Dĩ nhiên không kể thật những vất vả nơi xứ lạ quê người, Kim sẽ chỉ cười cười, nũng nịu: “Mẹ ơi, con gầy đi vì nhớ mẹ quá đấy thôi!”. Đến bữa cơm, mẹ sẽ ngồi cạnh, ép Kim ăn đến căng bụng, toàn những món ngày xưa cô thích. Kim sẽ lấy ra từng bộ quần áo mua sẵn giục mẹ mặc vào rồi tạo dáng cho cô lấy điện thoại chụp lại, thu kỹ từng góc cạnh, không bỏ sót mọi biểu cảm trên gương mặt thân thương của mẹ. Bộ ảnh sẽ thành kỷ vật cuối cùng của mẹ để Kim lồng vào Album lưu giữ.

Trong suốt hành trình, nghe Kim luôn miệng hào hứng nhắc đến mẹ, Linh không khỏi nhói lòng, ứa nước mắt. Mẹ Linh còn trẻ hơn mẹ Kim nhiều nhưng đã xấu số qua đời rồi, lần trở về này Linh chỉ có thể nhìn thấy mặt mẹ trong di ảnh gắn trên hũ hài cốt. Lộc không gửi hình qua nên Linh không đoán được em trai đã chọn tấm chân dung nào. Cô hiểu Lộc cố ý như thế để tránh cho chị mình thêm đau lòng mà thôi.

♣ ♣ ♣
      

Ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, Linh và Kim gọi chung một Taxi. Mẹ Kim ở Gò Vấp còn Lộc xa hơn, tận Đồng Nai. Linh cũng không có tâm trạng nôn nóng gặp mẹ nên cô đồng ý cùng vào thăm mẹ Kim chốc lát.

Kim sửng sốt đứng trước căn nhà nhỏ cũ kỹ đang xuống cấp, chứ không phải ba tầng lầu khang trang xây lại mấy năm trước từ tiền Kim gửi về giúp, như anh Hai đã kể. Nhà khóa cửa im ỉm, tối tăm và buồn tẻ.

Kim đứng thừ ra một lát mới sực nhớ để lấy điện thoại gọi cho anh Hai. Máy phát tín hiệu báo bận. Kim chuyển qua số máy của chị Ba.

-Kim phải không? Giờ này còn chưa ngủ hả em?

Kim ngập ngừng:

-Em... nhớ mẹ... nên...

-À, mẹ hả? Mẹ đang nằm bệnh viện, lại nhồi máu cơ tim… Lần này nguy hiểm lắm… Bác sĩ vừa bảo cần phải mua rất nhiều thuốc đặc trị...

Chị Ba còn đang nói nhưng Kim đã thõng tay cầm máy xuống rồi. Một linh cảm rất xấu làm Kim sợ hãi, run rẩy cả hai chân. Cô nhìn Linh, nói như khóc:

-Linh ơi... mẹ Kim lại đang bệnh… Nặng lắm...

Vừa lúc đó, từ nhà hàng xóm bên cạnh, một bà lớn tuổi phúc hậu mở cửa đi ra.

Thấy hai cô gái đứng đó, bà kêu lên:

-Con Kim phải không? Mới về đấy à, cháu?

Kim trấn tĩnh lại, gượng gạo chào:

-Chào bác Mận... Bác có khỏe không?

Bà Mận đon đả tiến lại, kéo tay Kim:

-Bác khỏe. Vào nhà bác ngồi nghỉ đi, cháu. Giờ này thằng anh mày còn đang cắm đầu trong sòng bài, biết khi nào nó về mà đứng chờ?

Rồi như chợt nhớ ra một điều tối quan trọng, bà Mận nghiêm mặt, chất vấn:

-Sao ngày mẹ mất, cháu không về hả Kim? Tội nghiệp, bà ấy nhắc cháu luôn... Mất cũng ba năm rồi đấy nhỉ?

Đầu óc choáng váng, hai tai lùng bùng không nghe thêm gì được, Kim đổ vật xuống đất.

Hôm ấy, ngồi trong nhà bà Mận, Kim khóc một trận như mưa. Chỉ khóc mà không nói năng gì.

Qua lời kể của bà hàng xóm, Kim biết anh Hai không bị viêm gan siêu vi, chị Ba chẳng buôn bán gì, anh Tư cũng chưa hề chạy xe ôm buổi nào. Đã có tiền Kim gửi về đều đặn cho họ sống ung dung, nhàn hạ. Mẹ Kim mất từ ba năm trước, bình an trong giấc ngủ đêm không thức dậy, đâu có bị nhồi máu cơ tim hay mổ xẻ lần nào.

Không cần hỏi thêm, Kim cũng hiểu toàn bộ sự thật tàn nhẫn bấy lâu nay. Trái tim cô như bị lưỡi dao vô hình băm nát.

Gửi tất cả số quà kềnh càng nhờ bà Mận trao lại cho anh Hai, Kim đi theo về nhà Linh. Cô quyết định sẽ đổi vé máy bay để quay về Mỹ, sớm nhất có thể. Còn lý do gì cho Kim ở lại đâu?

Linh ái ngại nhìn bạn phờ phạc, ủ rũ như lá héo. Hy vọng nhiều bao nhiêu thì tuyệt vọng lớn bấy nhiêu. Linh thấy Kim đáng thương chẳng khác gì mình.

Căn nhà cũ của Linh không thay đổi, ngay cả màu sơn. Nhìn cây xoài trước sân tỏa bóng mát rượi, Linh bùi ngùi nhớ lại trước ngày cô lên máy bay đi Mỹ, ba mẹ con đã cùng ngồi ăn tối dưới gốc xoài này, khi ấy mới cao hơn đầu người đôi chút. Bữa cơm chung cuối cùng không thể thiếu món cà muối và tô canh cua đồng mà ba mẹ con đều rất thích. Hình ảnh ấm áp thân thương ấy chẳng bao giờ lặp lại được nữa. Nghĩ thế, Linh lại nghẹn lòng, mắt bỗng nhòe ướt.

Cánh cửa nhà đang mở nhưng nhìn vào không thấy ai, Linh ra hiệu cho Kim cùng bước vào. Việc đầu tiên của Linh là nín thở đảo mắt một vòng, hồi hộp tìm nơi em trai đặt bàn thờ mẹ.

-Trời!... Chị Linh!

Linh quay lại, thấy Lộc thình lình xuất hiện sau lưng, vẻ mặt thảng thốt một cách kỳ lạ.

-Ai đấy?

Từ nhà trong, có người lên tiếng hỏi cùng lúc với tiếng dép kéo lệt xệt.

Bây giờ thì người thảng thốt nhất chính là Linh. Mặt trắng bệch, cô bàng hoàng khi nhìn thấy người đang từ buồng trong chầm chậm đi ra. Là... mẹ cô!

Bà mẹ cũng sửng sốt, lập bập mãi mới bật ra được một tiếng “Con!” là Linh đã quỵ gối xuống đất.

Đúng là mẹ Linh chưa chết cũng không hề gặp tai nạn giao thông nào. Tất cả những rùng rợn thảm khốc chỉ là sản phẩm Lộc tự biên tự diễn, cốt lừa cho chị mình đổ tiền về. Chọn đúng thời điểm Linh vừa sinh, sức khỏe chưa phục hồi lại phải bận bịu chăm sóc con, Lộc yên chí phải mất vài năm nữa thì chị mình mới có thể về thăm nhà. Mà nhiều khả năng Linh cũng chẳng muốn về làm gì nữa khi mẹ đã không còn.

Vỡ òa trong nỗi vui mừng quá lớn lại trộn lẫn đôi chút uất nghẹn, Linh sà vào lòng mẹ, khóc nức nở. Cô xoa mãi hai bàn tay lên mặt mẹ, như cẩn thận kiểm tra xem có vương chút vết tích gì chăng. Cô hít sâu mùi thịt da mẹ để rùng mình nhớ lại hình ảnh mẹ be bét dưới bánh xe tải Lộc kể đã dày vò hành hạ cô khổ sở bao ngày đêm. Mẹ vẫn còn nguyên vẹn đây, chỉ có trái tim Linh đang bị nghiến nát.

Từ một quán cà phê bên đường đối diện, văng vẳng bay sang tiếng hát Duy Quang ấm áp và day dứt: “…Người từ trăm năm / về khơi tình động / ta chạy vòng vòng / ta chạy mòn hơi / nào có hay đời cạn...”

Đời cạn hay lòng người cạn?





VVM.03.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com