Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




ĐÁM RƯỚC  




Vài Hàng Về Tác Giả:

              Những truyện ngắn của E.G. Chipulina được dịch sang nhiều thứ tiếng và rất phổ biến tại Âu Châu, Mỹ Châu và Nam Mỹ.
                           Là một nhà văn chuyên nghiệp với lòng yêu thích Sử Học, tác giả cũng đam mê văn học và ngôn ngữ học, ông cũng viết nhiều sách và truyện ngắn cho thanh thiếu niên.



H ọ nói với tôi là tôi đã nằm bất tỉnh suốt hai ngày. Mẹ bề trên quản đốc bệnh viện cũng đã làm hết sức để cho tôi được thoải mái cũng như các sơ chăm sóc tôi thật là tử tế. Ánh nắng ban mai xuyên qua cửa sổ, chan hoà trong căn phòng, nhiều bình hoa đủ loại để trên bàn, trên nóc tủ. Mọi người vào thăm tôi đều tươi cười và nói là ý Chúa mong muốn tôi bình phục và mọi hoạt động bình thường sẽ trở lại sớm. Chẳng một ai hỏi tôi một lời về việc gì đã xảy ra. Dù gì đi nữa, mọi người đều hiểu đó là việc chẳng nên bàn tới và ít nhất là tránh cho người lính gác lúc nào cũng ngồi sát bên chiếc cửa ra vào nghe thấy.

Hắn còn rất trẻ, tờ báo luôn trên tay với nét chán chường lúc nào cũng hiện trên bộ mặt kẻng trai, hút thuốc không ngừng dù rằng đó là việc trái với luật lệ của bệnh viện, nhưng mà ai dám nói ra cho hắn biết. Quần áo gọn gàng, sạch sẽ giống như bao nhiêu thanh niên trẻ tuổi khác nhưng chắc hẳn là có giấu khẩu súng trong đó. Tôi chưa lần nào thấy hắn nhìn tôi cả. Với anh ta, tôi chỉ là một nhà tu già nua lụm khụm, chẳng có gì phải đáng quan tâm, chẳng yêu mà cũng chẳng ghét. Thái độ này cũng giống như những người trẻ tuổi trong lực lượng đối nghịch. Chẳng có khoản nào trong tâm hồn của họ dành cho Chúa. Nhưng những việc xảy ra cho xứ sở khốn khổ này thì ai chịu trách nhiệm đây?

Cuộc thẩm tra sẽ bắt đầu khi tôi bình phục. Tôi không nghĩ là họ dám dùng áp lực mạnh. Có thể tôi sẽ qua được cơn đau tim trong cuộc thẩm tra này, nhưng lại còn nhiều phương pháp khác nữa. Họ không muốn tôi chết. Phải tỉnh táo, ăn nói mạch lạc. Ngoài ra còn Ðức Tổng Giám Mục cũng bị rắc rối nữa. Họ biết là không hề có việc mất lòng tin yêu giữa “Lực Lượng Dân QuânVõ Trang” chống đối với nhà thờ, nhưng Ðức Tổng lại hữu dụng cho họ nên họ không muốn chọc giận Ngài. Ngài không xía vào chuyện chính trị của họ, Ngài lại có nhiều ảnh hưởng trên nhóm quan chức quan trọng trong chính quyền. Còn tôi thì chỉ là một tu sĩ trong một tu viện cổ nằm giữa vùng đồi núi chập chùng nhưng không xa thủ đô bao nhiêu.

Cho dù là cuộc tra hỏi thẳng thắn nhưng mà là một cực hình cho tôi. Nếu tôi không biết được những điều quan trọng thì thật là nhẹ nhõm, nhưng trái lại tôi mang trong người những tin tức mà họ thiết tha muốn biết. Tâm hồn tôi nặng trĩu về vấn đề đạo đức: Tố cáo hay che giấu? Ðầu óc tôi điên đảo, rối mù.

Khi cánh cửa phòng đọc sách mở ra, tôi ngẩn người vì có khoảng trên hai mươi người đã ở trong đó. Tất cả đều mang mặt nạ, trang bị súng tiểu liên. Hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Làm sao những người này vào đây được? Còn việc họ là ai thì cũng dễ hiểu thôi: Tin tức về hoạt động của toán dân quân kháng chiến trong vùng núi đồi này lan truyền nhanh chóng mặc cho việc tuần tra, ngăn chặn gắt gao của chính quyền. Ðiều ngạc nhiên nữa là di chuyển một lực lượng đông đảo như thế này tới tu viện vào ban ngày là một việc rất khó thực hiện. Tu viện nằm đơn độc trên một ngọn đồi, một đài phát thanh của chính phủ với lực lượng bảo vệ hùng hậu chỉ cách có nửa cây số, giữa tu viện và đài phát thanh lại không có gì chắn ngang tầm nhìn.

Một người cao lớn, có lẽ là thủ lãnh của nhóm dân quân lên tiếng:

– Thưa Cha, Cha hãy nghe kỹ đây: hãy làm những gì tôi nói thì không việc gì xấu xảy ra cho những người trong tu viện này cả.

Giọng nói dõng dạc như một mệnh lệnh đọng lại giữa bầu không khí đặc quánh trong căn phòng, tuy vậy hơn hai mươi họng súng chĩa về phía tôi còn có sức mạnh hơn cả lệnh trên gấp ngàn lần.

Thấy tôi đứng sững như trời trồng, hắn nói tiếp:

– Hãy ngồi xuống và lấy lại bình tĩnh, thưa Cha. Ðừng có lẫn lộn lại gây ra hiểu lầm. – Tôi vâng lời một cách máy móc, cố gắng suy nghĩ và quan sát thật minh bạch. Có hai chiếc thùng lạ để ở dưới sàn nhà không thuộc về vật dụng trong phòng này. Dây điện thoại trên chiếc bàn làm việc của tôi bị cắt và giữa bức tường có một lỗ hổng lớn.

Thấy tôi ngạc nhiên, tên thủ lãnh cười khan:

– Vâng, thưa Cha, đó là tác phẩm của chúng tôi. Chúng tôi làm lối vào từ ngôi mộ giả trong khu nghĩa địa ở ven rừng đó.

Từ lâu tôi đã đọc được lịch sử tòa tu viện cổ này. Sách có ghi chép là tu viện có một con đường hầm bí mật được xây vào thời tôn giáo bị ngăn cấm, các tu sĩ bị bức hại, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn tìm hiểu hay khám phá ra tính xác thực của câu chuyện này. Vấn đề là làm sao toán du kích này lại biết sự bí mật trên?

– Chúng ta không cần tốn thời giờ nữa. Hiện thời các tu sĩ kia ở đâu?

Tôi trả lời:

– Họ đang tụ tập trong phòng hội. Chúng tôi có buổi rước kiệu lúc ba giờ. Ðó là buổi lễ hàng năm sùng kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở vùng đồi núi này.

– Mọi người đều tham dự buổi rước này à?

– Vâng, đúng vậy.

Hắn hất đầu làm một dấu hiệu. Hai người trong bọn tiến về phía cửa ra vào. “Hãy kiểm soát mọi ngõ ngách và để ý xem có đường dây điện thoại nào nữa không”.

Tôi tò mò hỏi:

– Các con định làm gì vậy?

Hắn bước về phía cửa sổ:

– Cha đừng lo gì cả, tất cả các tu sĩ trong tu viện đều an toàn.

Cảnh đồi núi chập chùng trước mắt, lấy ngón tay chỉ về phía trước hắn nói tiếp:

– Nhìn kìa, cái đài phát tuyến đó. Ngày đêm nó phát ra những lời tuyên truyền dối trá tới mọi nơi, lùa dân quê về thành phố, đem những lời phỉnh gạt như là đời sống giàu có, lương cao, tặng tiền thưởng thật lớn cho ai tố cáo các hoạt động của kháng chiến quân, phun nọc độc nói xấu các lãnh tụ kháng chiến …

Tôi liếc nhìn hai chiếc thùng để ở dưới sàn nhà. Chắc là chất nổ ở trong đó chứ không sai. Nhưng làm sao họ có thể …

Hắn ngưng nói khi cánh cửa phòng bật mở. Tất cả các tu sĩ được hai người dân quân dẫn vào. Mọi người có vẻ ngạc nhiên hơn là sợ hãi. Viên thủ lãnh mở cánh cửa thư viện thông với phòng đọc sách rồi quay nhìn mọi người ra lệnh:

– Tất cả vào đây.

Vài tu sĩ quay nhìn về hướng tôi rồi tất cả đi vào thư viện như một đàn cừu. Giọng viên thủ lãnh lại vang lên:

– Bây giờ tất cả cởi áo choàng ra.

Rồi tôi nghe thấy một giọng hài hước:

– Véo vậy mà không đau à? Lạy Chúa tôi, khát nước quá đi.

Các kháng chiến quân từng người một đi vào thư viện. Họ hơi khó khăn choàng những chiếc áo màu nâu mà các tu sĩ vừa cởi ra vào người. Khi tất cả đã ăn mặc gọn gàng, viên thủ lãnh bước ra. Ðợi cho đám đồng bọn ra hết mới khóa cánh cửa thư viện lại rồi đặt chiếc chìa khóa lên bàn.

– Cha có thể thả họ ra khi mọi việc xong xuôi. Một người của tôi sẽ cùng với Cha ở đây. – Hắn liếc nhìn đồng hồ. – Mình còn mười lăm phút nữa. Bây giờ tập trung tại phòng hội.

Cả toán quân lần lượt bước ra khỏi phòng ngoại trừ một người ở lại. Vũ khí của họ được giấu trong những chiếc áo choàng rộng thùng thình. Viên thủ lãnh đi sau cùng. Ngoái nhìn lại tôi, hắn nói:

– Nếu may mắn thì sẽ gặp lại Cha khoảng một giờ nữa nhé.

Khi tên canh chừng tôi có vẻ lơ là, tôi đứng lên nhìn qua khung cửa sổ, hướng về phía chiếc cột của đài phát tuyến. Chỉ trong ít phút nữa thôi, tất cả sẽ thay đổi ghê gớm. Tôi kêu khẽ: “Chúa ơi…”

Hơn một trăm năm trước, một tu sĩ già đi kiếm củi trong rừng bên đã thấy Ðức Mẹ Vô Nhiễm hiện lên. Từ đó như một thông lệ, hằng năm tu viện tổ chức buổi rước kiệu nhỏ đi qua nơi vị tu sĩ gặp Ðức Mẹ để kỷ niệm biến cố kỳ diệu này.

Hơn chục năm trước, sau khi cuộc đảo chánh với nhiều xáo trộn xảy ra, một trạm phát thanh được thành lập. Ðể cho tiện, trạm này được xây dựng ngay cạnh đường giao thông chính, cửa chính chỉ cách đoàn rước kiệu đi qua khoảng mười mét. Toán lính gác thường mệt mỏi nhìn chúng tôi đi qua, đôi khi còn chọc ghẹo nữa.

Không còn nghi ngờ gì về chủ tâm của nhóm dân quân kháng chiến này nữa. Ðiều nghi ngại nhất là họ có khôn khéo đủ để đóng trọn vẹn vai trò những thầy tu khiến cho toán canh không nghi ngờ mà thôi.

Gõ nhẹ lên bàn làm dòng suy nghĩ của tôi bị đứt quãng, anh lính gác hỏi:

– Thưa Cha Tu Viện Trưởng, Cha không sao chứ. – Nói rồi anh ta bước lại gần cửa sổ nhìn ra ngoài. Bất chợt anh ta quát khẽ: – Im lặng, tránh ra khỏi chỗ này ngay!

Trong khoảng giây phút im lặng kế tiếp khi ngồi im bên chiếc bàn làm việc, nghĩ tới cảnh tượng chém giết nhau giữa hai toán thanh niên tràn đầy sức sống ngoài kia khiến tim tôi quặn đau, tôi muốn nôn mửa.

       Ave Maria con dâng lời chào mẹ

       Ave Maria con dâng lời chào mẹ

       Khi tàn màu nắng chiều

       Và khi sương đêm nặng gieo …

Trong một thoáng tôi tưởng như các tu sĩ trẻ tuổi của tu viện đang say sưa hát lên những lời ca ngợi Ðức Mẹ. Nhưng không, tiếng hát từ bên ngoài vọng lại.

       Con hân hoan lời ca mừng: Ave Maria

       Maria Mẹ dịu dàng, xin nghe lời con cầu khẩn:

       Cho nhân dân được mau thoát ách quỷ thần …

Tôi thấy mặt anh lính gác tôi hơi cau lại thì vội đứng bật dậy nhìn qua cánh cửa sổ. Ngoài kia, trên con đường ngoằn ngoèo, đoàn rước kiệu giả mặc áo nâu đang chầm chậm di chuyển như con sâu đang bò. Những chiếc mũ trùm đầu che kín mái tóc lính và mặt nạ, bước chân chậm rãi, và tiếng hát trang trọng dù rằng hơi khan nhưng cũng vang vọng trong cái yên tĩnh của vùng núi đồi này.

       Maria Mẹ ơi, hồn con héo úa rã rời

       Con trông lên Mẹ dịu dàng

       Ôi Sao Mai bừng sáng

       Maria tình thương …

Chúa ơi! Tôi phải nằm trên giường suốt ngày. Ngay cả việc ngồi dậy các sơ cũng không cho nữa. Tôi chẳng có việc gì làm mà chỉ nằm mà suy nghĩ thôi. Tâm trí tôi quanh quẩn về biến cố ghê gớm xảy ra ngày hôm đó. Trong suốt cuộc đời tôi, bất cứ cuộc tàn sát hay hung bạo dưới bất cứ hình thức nào đều đáng nguyền rủa. Với suy nghĩ là không muốn cuộc đời mình vô dụng, đó có thể là động lực chính khiến tôi xin vào tu viện này. Và… đó là con đường Chúa đã dẫn dắt tôi.

       Ave Maria con dâng lời chào mẹ

       Khi lòng con gặp u buồn

       Và trong cơn đau triền miên …

Giờ đây lời kinh cầu của đoàn rước kiệu lại thoang thoảng trong tâm trí tôi như một làn hơi thật mỏng, như thực như ảo. Trò chơi đáng sợ, phải, một trò bắt chước khôi hài giễu cợt kia không thể không nghĩ tới việc làm cho người nào đó bừng tỉnh, dù trong chốc lát, một ý nghĩ thánh thiện và rồi chỉ một lát sau người đó sẽ trở thành xác chết vô hồn.

Tim tôi đau quặn khi nghĩ tới việc tử thần đang từ từ tiến lại gần họ. Tôi có thể trông thấy hình ảnh thật rõ ràng toán lính canh, súng đeo trên vai, đứng bên hàng rào kẽm gai của trạm truyền thanh lơ đãng nhìn đám rước kiệu đang tiến lại gần. Tôi đang nhìn họ ở trong giây phút cuối cùng trước khi chết. Tôi hoàn toàn bất lực, không thể ngăn cản được chiếc máy đang được vận hành một cách chậm chạp, thật chậm chạp… Khi đám rước tới gần cổng chính, họ lại cất cao giọng lời kinh cầu:

       Ave Maria con dâng lời chào Mẹ

       Khi trời ngập nắng hồng, bình minh êm vui trời đông

       Con hân hoan lời ca mừng: Ave Maria.

Khung cảnh an bình giữa cảnh trí đơn giản chốn đồng quê trộn lẫn với lời thánh ca bất chợt biến thành một cảnh tượng ghê gớm: Những khẩu súng đen ngòm lộ ra ngoài những chiếc áo choàng màu nâu trên người đám tu sĩ giả hiệu trong đám rước, tiếp sau đó là những tràng súng ròn rã biểu tượng cho lời reo hò của thần chết, những thân hình nhuốm đầy máu tươi ngã gục xuống, trên mặt còn vương những nét sửng sốt.

Tôi co người lại rồi đứng bật dậy. Hai tay ôm lấy hai tai như không muốn nghe những lời reo hò và kêu la ghê gớm ngoài kia. Các tu sĩ bị nhốt trong thư viện đập cửa rầm rầm:

– Cha Tu Viện Trưởng… Cha Tu Viện Trưởng … Việc gì xảy ra vậy?

Tên lính gác đang bận rộn theo dõi những diễn biến bên ngoài nên không chú ý tới họ, còn tôi thì sợ là sẽ ngã gục xuống nếu cất câu trả lời. Tên lính gác lẩm bẩm:

– Họ sẽ thành công, sẽ diệt hết bọn đó mà.

Thế rồi sau một lúc, như vở kịch ở hồi nghỉ giải lao, một cái im lặng ghê rợn bao trùm lấy vạn vật. Người lính gác như nói với chính hắn:

– Họ rút lui.

Tôi tiến lại bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Toán tu sĩ giả lưng đeo súng xuất hiện trên đường cái, họ đang đi một cách không trật tự và rất nhanh. Sau đó một loạt tiếng nổ phát ra phía trong trạm phát thanh, rồi một loạt tiếng nổ lớn hơn nữa, tiếp theo là những làn lửa xẹt ra rồi hai cột phát tuyến đổ gục lên nhau như hai thân cây bị đốn gãy.

Hôm nay có một người to béo mang kính đen đến gặp tôi. Chẳng khó khăn gì cũng đoán được đó là nhân viên mật vụ. Tôi giả bộ ngủ và loáng thoáng nghe thấy Mẹ bề trên đang khó khăn thuyết phục ông ta là việc tra hỏi tôi lúc này chưa thích hợp.

Tôi có nhiều thì giờ để cân nhắc về sự khám phá của tôi với những hệ lụy của nó. Khoảng mười năm trước, Fray Esteban từ chủng viện tới tu viện này. Ðó là một thanh niên trẻ tuổi mà tôi có cảm tình với anh ta ngay từ đầu. Tính tình thật thà, thông minh, chăm chỉ lại ưa đọc sách. Tôi đưa ra ý muốn sắp xếp lại sách trong thư viện theo thứ tự và đề mục. Anh ta không phản đối và âm thầm hoàn tất công việc. Những suy nghĩ của anh ta có vẻ cấp tiến hơn mọi người trong tu viện, lại không bao giờ phản đối hay làm phật lòng ai, và nhất là không tỏ vẻ khinh khi bất cứ tu sĩ nào. Tôi nhớ lại có lần hỏi tại sao lại chọn cuộc sống trong tu viện, anh ta trả lời:

– Con cần thời gian đọc sách và suy nghĩ. Ðời sống ngoài kia vội vã quá, con cần tìm hiểu xem đường nào là đúng trước khi có một quyết định.

Tôi rất mừng. Còn trẻ mà có suy nghĩ chín chắn và không có những lầm lỗi của tuổi trẻ, anh ta cũng nhận những điều làm không phải là do thiếu kinh nghiệm, đó là con đường dẫn tới sự toàn hảo. Theo nhận xét của tôi thì anh ta không thuộc về ngôi tu viện cổ kính và quê mùa này. Một ngày nào đó anh ta sẽ là một người trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo. Sau khi đã ở đây được hai năm, tôi cũng không ngạc nhiên khi được tin anh ta sẽ rời nơi này vì được một học bổng theo học tại một trường đại học ngoại quốc. Sau đó tôi thất vọng biết bao vì chẳng biết tin tức gì của anh ta trong những năm sau đó. Có lẽ anh ta đã tìm ra một đường đi đúng nhất trong việc thờ phụng Chúa và phục vụ nhân loại tại một nơi xa xôi nào đó. Hơi thất vọng, người ta thường nói là lòng nhân ái nên bắt đầu từ ngay nơi đây, và Chúa cũng biết là đất nước khốn khổ này cần những người như vậy.

Người lính gác quơ cây súng. Chúng tôi sợ hãi đi xuống rồi ngồi trong phòng hội. Một lát sau những tu sĩ giả mạo ùa vào như đàn thú chen nhau đi vào chuồng. Họ ngồi hay nằm thở dốc, vài người còn có những vết máu vấy trên chiếc áo choàng. Thay vì ngồi hay nằm như những người khác, viên chỉ huy đứng thẳng như không bị thương tích gì và bắt đầu đếm. Dù cho không biết bao nhiêu người tham gia vào đám rước kiệu tôi cũng biết có vài người vắng mặt.

– Ta phải đi nhanh. – Hắn nghiêm nghị ra lệnh. – Còn phải băng qua cánh rừng nữa.

Tôi bị người lính gác đẩy đứng sát vào tường. Quang cảnh hiện ra trước mắt như đang ở trong cơn ác mộng. Máu loang lổ trên trần nhà, những người bị thương đang được đồng bọn băng bó và viên chỉ huy như có sức chịu đựng bền bỉ của một siêu nhân, di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác như để tiếp sức cho họ: “Cố lên, bạn. Cố lên, nào … nào …” Rồi từng người một gượng đứng lên. Cuối cùng nhận ra tôi đang đứng nhìn, hắn tiến lại gần:

– Thưa Cha, xin lỗi đã đưa đến tình trạng như thế này. Coi không được chút nào nhưng không còn cách nào khác hơn để chống lại sự áp bức và bất công.

Ðứng đối mặt và nghe giọng nói của hắn rõ ràng hơn, tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Rồi tôi làm một việc ngu xuẩn nhất trong đời khi khẽ nói:

– Có phải con là Fray, Fray Esteban?

Hắn im lặng và cũng không tỏ một cảm xúc nào. Bây giờ tôi thấy mọi người im lặng. Trong cái im lặng và căng thẳng này, sự nhận diện trên chẳng khác gì bản án tử hình dành cho hắn. Chợt nhận ra câu hỏi ngu xuẩn trên có thể mang đến những hậu quả không lường cho toán dân quân, tôi muốn rút lại nhưng đã quá trễ. Bây giờ tôi biết là chỉ còn trông cậy nơi Chúa thôi.

Hắn nhìn tôi với đôi mắt sâu thẳm:

– Vâng, thưa Cha. Con biết là cha đã nhận ra con. Chúng con phải làm như vậy vì không còn cách nào khác.

Một người trong bọn tiến lại gần, khẩu súng chĩa thẳng vào người tôi. Nhưng Fray đã nhanh nhẹn gạt nòng súng sang một bên, miệng quát lớn:

– Không.

Nét mặt người nọ căng thẳng, đôi mắt long lên:

– Ông ta sẽ cho bọn khốn đó biết chi tiết về gia đình anh … Mẹ và những người thân của anh. Anh biết là hậu quả như thế nào rồi chứ?

– Không! Ông ta không biết gì cả. Không biết gì về gia đình tôi cũng như của tất cả mọi người chúng ta. Ðây là quyết định của tôi.

Nhìn tôi với ánh mắt rực lửa một lát, người đó giậm chân trên sàn rồi quay trở lại chỗ ngồi, miệng lẩm bẩm câu gì như: “Tên tu sĩ tay sai”. Ðôi mắt đen láy của Fray dưới chiếc mặt nạ vẫn chăm chú nhìn tôi rồi quay lại hối hả ra lệnh cho đồng bọn triệt thoái. Tôi lẳng lặng nhìn họ từng người một ra khỏi phòng hội. Fray đi cuối cùng. Ra tới cửa, hắn dừng chân rồi quay lại nói với tôi:

– Thưa Cha, con để cho lương tâm Cha quyết định mọi việc đó.

Rồi hắn biến mất và tôi run lên như chiếc lá dưới ngọn cuồng phong.

Hôm nay tôi thấy khỏe. Cuộc tra khảo như tới gần hơn và tôi ngày đêm phải vật lộn với vấn đề lương tâm. Nếu tôi giữ im lặng có nghĩa là tôi che giấu một người đã quay lại Chúa, mang đến sự tàn bạo, máu chảy thịt rơi. Còn nếu tôi khai báo ra thì tôi đã phản bội lại lòng tin, lòng tin của một người mà lương tâm của người đó không cho phép người khác giết tôi. Tôi bị giằng co giữa bầy quỷ này với bầy quỷ kia, giữa sự tàn nhẫn được ngụy trang bởi thế lực của nhà cầm quyền và sự tàn khốc của nhóm dân quân kháng chiến.

Cuối cùng tôi đã có một quyết định. Tôi sẽ nói tất cả những điều mà họ muốn biết, mọi chi tiết của trận tấn công vừa qua mà tôi đã được chứng kiến. Tôi sẽ cho họ biết người lãnh đạo toán dân quân đó là một người cao, mang mặt nạ mặt. Nhưng Chúa ơi hãy giúp con, tôi sẽ không bao giờ khai báo về tông tích của Fray cả.

Trong “Như Một Giấc Mơ”, hai mươi sáu truyện ngắn quốc tế chọn lọc của Trần Hồng Vân





VVM.30.6.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com