Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



NGỌC LAN



G ia đình tôi thuở ấy có hai căn nhà, nên tôi là cư dân của cả hai xóm liền kề nhau: Xóm Chùa và Xóm Ðạo.

Ngôi chùa Vĩnh Quang nhỏ xíu, nằm đầu con hẻm rộng. Chùa nhỏ nên vườn chùa cũng xinh xinh, với các loại cây trồng làm bóng mát và nhiều loại hoa kiểng, tạo nên một màu xanh tươi êm đềm sau cánh cửa sắt vững chãi làm cổng chùa. Tôi thích nhất cây Ngọc Lan cổ thụ ngay góc sân, những buổi trưa vắng có dịp đi ngang qua, mùi thơm của hoa toả lan phảng phất theo những ngọn gió lay thật dễ chịu, nhè nhẹ đi vào lòng người, làm quên hết những âu lo bận rộn đời thường, dù chỉ là trong phút giây.

Mỗi mùa rằm tháng bảy, tôi hay theo lũ bạn trong xóm đến chùa để “xí” thức ăn chùa cúng cho… cô hồn các đảng. Ði theo chúng cho vui, chớ tôi yếu ớt làm sao giành giựt được nhiều lộc chùa, cùng lắm chỉ được vài khoanh chuối, mấy miếng khoai lang, nhưng tôi không hề buồn, vì tôi còn mê thứ khác thú vị hơn, đó là …Ngọc Lan. Thường thì chúng tôi chỉ được nhặt những cụm hoa rụng rơi dưới sân chùa, nhưng vào những dịp lễ lớn nhộn nhịp, sư cô cũng vui vẻ rộng lòng từ bi, thoải mái chiều chuộng đám trẻ. Sư cô sai người dùng cái cây dài để hái Ngọc Lan cho chúng tôi. Những cánh hoa thon dài, trắng muốt, thanh tao, được tôi nâng niu đem về nhà, thả vào ly nước, đặt trong phòng ngủ, tha hồ mà thả hồn lãng đãng với làn hương quyến rũ.

Rồi tôi lớn lên, không còn đến chùa chơi đùa với đám bạn bè vì đứa nào cũng bận chuyện học hành. Tuy nhiên, mỗi khi đi học về, hoặc đi chơi xa trở về, khi đến đầu ngõ vườn chùa, tôi cảm nhận được ngay mùi Ngọc Lan quen thuộc vẫn còn đấy, đợi chờ tôi trong lặng lẽ, và bao mệt mỏi bỗng như tan biến, hồn tôi mềm yếu như áng mây trời, xuyến xao nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ xung quanh ngôi chùa nhỏ bé.

Chị ấy tên thật là Thanh Lan. Thực ra, chị không phải là cư dân xóm tôi, mà là ở Xóm Mô, kế bên. Lũ trẻ con chúng tôi, thời mới bị “giải phóng”, chỉ có niềm vui chạy ra vườn chùa, hoặc đến sân nhà xứ chơi những trò chơi trên mảnh sân xi măng rợp đầy bóng mát: tạt lon, ô quan, nhảy dây, banh đũa, thiên đàng địa ngục hai bên… Nhưng vì vườn chùa thường hay kín cổng cao tường, hầu như lúc nào cũng lặng im thanh tịnh cho việc khói nhang cùng tiếng mõ tụng kinh, nên chúng tôi tụ tập ở sân nhà thờ hoặc sân nhà Cha xứ thường xuyên hơn. Chúng tôi mãi mãi nhớ ơn Cha xứ luôn mở rộng cổng cho chúng tôi vào chơi đùa, quậy phá. Buổi tối, Cha còn mở cửa nhà, cả lũ ùa vào ngồi trên thềm đá hoa mát lạnh xem ti vi, chương trình “Những Bông Hoa Nhỏ”. Khi chương trình ti vi chuyển qua mục Thời Sự, chúng tôi lại bị lùa ra sân vì đến giờ ca đoàn tập hát! (Không hiểu sao lúc ấy lại tập hát ở nhà xứ mà không phải ở nhà thờ? Chắc là thỉnh thoảng cần Cha đệm đàn piano chăng?).

Tuy còn bé, nhưng tôi cũng nghe các anh chị lớn và chòm xóm xung quanh bàn tán về một giọng ca solo nữ của ca đoàn, nên cũng hớn hở chen lấn ngoài cửa sổ, dưới tàn cây mận cổ thụ của nhà xứ, chỉ để say sưa ngắm nhìn nhan sắc dịu dàng và nghe tiếng hát của chị Thanh Lan. Dáng người nhỏ bé, mái tóc dài, đôi mắt buồn và giọng nói miền Nha Trang êm ái, chúng tôi thấy chị đẹp nhất cả nhà thờ, cả giáo xứ, chị chính là hoa hậu trong lòng chúng tôi. Người yêu của chị là anh Quang, một trong những ca trưởng của ca đoàn giáo xứ. Anh ít nói, khiêm nhường, là sinh viên Ðại Học Y Khoa. Hai anh chị đúng là một đôi trai tài gái sắc. Trời đêm long lanh đầy sao, gió mát rượi, tan buổi tập hát, chị khép nép đi bên anh ra về, tay ôm chồng sách Thánh Ca, còn anh mang cây đàn guitar, khuôn mặt thông minh với đôi kính cận, nụ cười hiền hoà. Chu choa ơi, lãng mạn còn hơn phim Hàn Quốc, làm cô bé tôi nhiều lần mộng mơ, ước gì sau này lớn lên cũng có một tình yêu nên thơ như thế. Nhà chị Lan khá giả trong khi nhà anh Quang nghèo hơn, nhưng chuyện tình của họ được hai bên gia đình và cả giáo xứ cổ vũ, nên khi gia đình chị Lan tổ chức vượt biên cũng mang anh Quang đi theo.


Ngọc Lan (áo dài sậm màu) tại ca đoàn giáo xứ Đức Tin, Hạnh Thông Tây Gò Vấp thuở ấy. Người phía cuối đeo mắt kiếng là anh Quang.


Hồi tôi ở trại tỵ nạn Thailand, đi đến bất cứ lô nhà nào, cũng đều nghe người ta mở máy cassette băng nhạc của Ngọc Lan, cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần, tôi còn khóc nức nở theo giọng ca đầy mê hoặc, buồn tái tê: “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời! Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời…”. Tiếng hát liêu trai, như sương khói mong manh, đã ủi an vỗ về những mảnh đời tha hương trên đất tạm dung, quên đi những ngày dài đợi chờ, buồn tênh…

♣ ♣

Và buồn thay, một bông hoa đẹp, cả hương lẫn sắc, đã phải úa tàn khi đang ở đỉnh cao của tuổi xuân và sự nghiệp, như câu thơ “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.

                  Ngọc Lan xinh đẹp, dịu dàng

                  Buồn vương đôi mắt, nồng nàn lời ca

                  Mong manh như một kiếp hoa

                  Luyến lưu hương sắc thiết tha dâng đời

Có một bài hát mang tên Ngọc Lan của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, từng được nhiều ca sĩ thử sức nhưng chỉ có tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh trình bày là hoàn hảo hơn cả. Tôi biết, nhạc sĩ đã sáng tác bài này từ rất lâu, xa lắc xa lơ ngoài miền Bắc thuở đất nước chưa bị chia cách, nhưng tôi cứ ngỡ như bài hát được viết cho những đoá Ngọc Lan “nhành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song” của Xóm Chùa, và đặc biệt là viết riêng cho đoá Ngọc Lan biết nói của Xóm Ðạo chúng tôi: “Bông hoa đời ngàn xưa tới nay. Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây, cho tơ trùng đàn hờ phím loan…”, nghe sao mà trầm bổng, thiết tha buồn rười rượi như đôi mắt của nàng.

♣ ♣ ♣

Giờ đây nơi tha phương, những ngày cùng tháng tận của một năm, khi trời Canada đổ tuyết mịt mùng trắng cả không gian vào tháng Mười Hai, những giai điệu Thánh Ca Giáng Sinh bắt đầu vang lên, tôi lại tìm nghe tiếng hát Ngọc Lan vào những đêm khuya vắng, day dứt u hoài những tiếng vọng quá khứ, nơi Bóng Nhỏ Giáo Ðường của một miền dĩ vãng yêu thương:

“Có ai về miền quê lửa khói, cho tôi nhắn vài câu …?!”

Edmonton, Tháng 12/2020




VVM.30.6.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com