Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




KHÔNG CHỌN ĐỂ SINH RA!



Lời tựa: Sau đây là câu chuyện ngắn, dựa trên sự kiện có thật.

T hủy cảm nhận rằng nuôi con thật là hạnh phúc, nhưng cũng thật nhiều thử thách.

Thủy thường tự hỏi cách tốt nhất nuôi dạy con là gì? Có phải là nương theo con, mỗi giai đoạn mỗi khác, cứ tương kế tựu kế, để làm sao giúp các con phát triển tối đa và tích cực, bởi không có công thức nào hay nguyên lý nào thích hợp cho mọi người mọi lứa tuổi và mọi giai đoạn phát triển!

Nhưng lắm khi Thủy tự nghi vấn. Thủy tin rằng làm cha mẹ thì ai cũng quan tâm đến mọi mọi phát triển của con cái, nhưng dường như ai cũng nghi vấn chính mình. Nếu không nghi vấn thì chẳng lẽ mình tin tưởng hoàn toàn về cách thức của mình sao! Như thế thì là chủ quan rồi. Mà chủ quan là hỏng. Làm sao mà biết được chắc chắn ngày mai, nói gì đến tương lai sau này. Làm sao biết được cách thức nào đó sẽ giúp cho con cái mình sau này trở nên thành công và hữu ích cho xã hội, và được hạnh phúc nữa.

Thế nhưng có khi Thủy cũng không kiềm chế được cảm xúc của chính mình.

“Con nên đi ra khỏi nhà này…” Đó là những lời nói đau lòng từ Thủy dành cho cô con gái tên Linh sáng nay. Thủy không thể nào ngờ là mình đã phải dùng lời lẽ như thế đối với Linh.

Thủy vốn là người ôn tồn, kiên nhẫn, và đầy cảm thông. Thủy luôn ý thức trong việc quản lý cảm xúc của mình để nó không đi quá xa, không gây tác hại cho các mối quan hệ, dù là trong nhà hay tại sở làm. Mấy tháng qua, Thủy nhìn Linh lớn nhanh quá, vừa thể xác lẫn tinh thần. Chỉ trong vòng một năm mà Linh đã cao hẳn lên, gần bằng Thủy. Chưa đầy 12 tuổi mà Linh đã thể hiện một tính cách riêng biệt và mạnh mẽ. Thủy hiểu đây là điều tốt cho con. Muốn con mình trở nên một người độc lập trong ý chí và hành động thì cũng phải tạo điều kiện để con bắt đầu hành trình này. Thật ra, Thủy đã làm như thế một cách rất ý thức ngay từ khi các con của mình ra đời. Tuy vậy, tách rời (detachment) để trở thành một cá nhân độc lập vẫn là một quá trình giằng co, chiến đấu không ngừng, và lắm khi mệt mỏi. Thủy mong muốn hướng dẫn con mình để có những hành xử chừng mực, thích đáng. Nhưng Linh không muốn đón nhận các ý kiến hay chỉ vẽ vào lúc này.

Phương, chị dâu của Thủy, có lần chia sẻ với Thủy rằng: Tuổi 11, 12 trở đi, công việc của cha mẹ là nhìn con lớn lên, thay vì dạy dỗ uốn nắn chúng như lúc trước 10 tuổi.

Qua Úc năm 7 tuổi, Thủy rành tiếng Anh hơn tiếng Việt. Cách suy nghĩ và hành xử của Thủy chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền giáo dục và môi trường làm việc của Úc. Thủy hiểu rõ mình không hoàn toàn Úc, hay Tây phương, và cũng không hoàn toàn Việt. Thế hệ một rưỡi. Thủy thấy được cái hay của hai nền văn hóa. Và cả cái dở của cả hai. Từ khi có con, Thủy càng ý thức hơn sự khác biệt trong cách nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. Trong thâm tâm, Thủy không muốn nuôi dạy con theo kiểu hoàn toàn Việt Nam hay Tây phương. Kiểu Việt Nam ở đây, nên được hiểu là kiểu mà Thủy được trải nghiệm trong gia đình mình, từ chính bố mẹ, ông bà và gia đình mở rộng của Thủy. Từ gia đình của chồng Thủy nữa. Bố mẹ Thủy thì làm lụng suốt ngày và không tham gia hay tìm hiểu nhiều về những sinh hoạt của con cái. Thủy không muốn vậy. Thủy muốn cho con mình mọi thứ cần thiết trong cuộc sống về mặt vật chất lẫn tinh thần, muốn tham gia tích cực vào tiến trình phát triển trí tuệ và cảm xúc của con cho đến khi con đủ trưởng thành. Nhưng mục tiêu sau cùng vẫn là làm sao giúp cho các con có được tự do cá nhân và một ý chí độc lập nhiều nhất có thể.

Với ước mong đó, Thủy đi tìm con đường riêng cho mình. Thủy hiểu rằng, không có công thức nào cho cuộc thử nghiệm này. Thủy đọc nhiều sách, nhưng không áp dụng máy móc. Thủy vừa làm, vừa học, và vừa tự điều chỉnh lấy. Thủy hiểu rõ nguyên lý không có đứa trẻ nào giống đứa nào. Một công thức chứng minh thích hợp để áp dụng cho một đứa trẻ này, chưa chắc là sẽ thích hợp cho đứa trẻ khác. Thủy có hai con và cảm nhận điều này rất rõ. Hai đứa khác nhau về nhiều mặt, nên sau vài thử nghiệm, Thủy đành phải chấp nhận bỏ một số nguyên tắc nuôi dưỡng, dù nó rất hiệu quả cho đứa khác.

Linh vốn là một bé gái biết quan tâm, tốt bụng và lo lắng cho người khác. Từ bé, Linh thích chơi với em trai mình, và các em bé nhỏ tuổi hơn. Lúc còn ba tuổi, chỉ có mỗi Linh là người bạn dành nhiều thời gian cho Edward, một bạn bị tự kỷ học cùng lớp tại trường Montessori. Linh quen biết và có rất nhiều bạn, và nhớ tên của tất cả các bạn trong lớp mình và luôn cả các lớp khác. Tuyệt vời hơn nữa, là Linh còn nhớ luôn cả tên của cha mẹ hay anh chị của các bạn mà Linh có dịp tiếp xúc. Linh luôn tử tế và quan tâm đối với người chung quanh.

Nhưng ba năm trở lại đây, Linh thay đổi nhiều. Ở tuổi này mà Linh đã có nhiều định kiến. Biết mình giỏi, Linh trở nên chủ quan và tự tin, có khi thái quá. Dạo gần đây, Linh có những lời phê bình nặng hoặc bất công với em trai Khang, hoặc với người khác. Hoặc có thái độ coi thường người và việc. Cũng khó biết được Linh học điều này từ ai, từ đâu, từ lúc nào. Trước đây, Linh rất biết lắng nghe nhưng giờ đây Linh nghe một vài chữ, nghe chọn lọc, hơn là nghe toàn bộ ý người nói. Lắm khi chưa nghe hết ý người nói, là Linh đã vội kết luận về một người hay sự việc nào đó. Linh thiếu kiên nhẫn nên hay hấp tấp, từ cái ăn uống, nói chuyện, cho đến vệ sinh cá nhân. Phòng ngủ của Linh thì thường bề bộn, ly tách khắp nơi, khăn giấy ngổn ngang, mền gối bừa bãi. Bố mẹ nhắc nhở hoài mà Linh cũng hiếm khi để ý những vấn đề này.

Sinh hoạt của Linh trước đây đa dạng. Nào là đọc sách, chơi đàn, làm toán, viết truyện hay nhật ký, tìm hiểu thế giới động vật, và vẽ. Giờ đây, phần lớn chỉ xoay quanh nói chuyện với bạn gái qua Internet, và chơi game trên iPad hoặc Surface Pro. Cũng như bao đứa trẻ khác hiện nay, Linh cũng mê game Roblox. Phần lớn, thế giới của Linh nằm trong đây. Mọi sinh hoạt khác, ngoài giờ cắp sách đến trường, chỉ là thứ yếu.

Linh đang bước vào tuổi dậy thì. Cách đây 6 tuần Linh bắt đầu có tháng. Tánh tình cũng thay đổi luôn. Lúc vui lúc buồn. Lúc trầm lúc bổng. Tựu chung, cảm xúc và hành xử của Linh tùy thuộc nhiều vào Hormone. Linh không nhận ra sự thay đổi đó mà thường đổ lỗi cho ngoại cảnh. Vì người khác. Vì vấn đề khác. Vì yếu tố môi trường v.v… Lúc đầy cảm xúc như thế, Linh chẳng chịu nghe ai. Linh lại nhủ thầm chẳng ai hiểu Linh cả. Là người mẹ, Thủy hiểu Linh hơn ai hết. Nhưng hiểu là một chuyện. Chia sẻ để Linh cùng hiểu vấn đề như mình lại là chuyện khác nữa. Thật không hề đơn giản chút nào!

Lắm khi Thủy nghĩ, thôi thì ai ai cũng đều phải trải qua mỗi giai đoạn để thấu hiểu cuộc đời!

Vài tuần qua, có những lúc Linh quên làm việc nhà nên Thủy phải nhắc nhở thường xuyên. Ham chơi Roblox và nói chuyện với bạn nên việc nhà trở thành một gánh nặng, một cản trở cho Linh. Những khi phụ việc nhà thì Linh tỏ vẻ bực dọc, như thể đang làm một công việc mà chẳng có can hệ gì đến trách nhiệm của mình. Linh hay so sánh với em Khang rằng sao mình cứ phải làm nhiều hơn. Thủy đã tìm nhiều cách để chia sẻ và khuyến khích Linh. Nhưng gánh nặng tâm lý cộng với hormone trong người làm cho Linh không kiềm chế được cảm xúc.

Sáng nay, lúc dọn dẹp chén đũa, Linh bực bội thốt lên: “Con như là một nô lệ.”

Như mọi ngày, Linh phải phụ vào việc nhà. Như cùng với em trai phơi áo quần; gấp quần áo sau khi khô; dọn dẹp chén đũa sau khi rửa; tưới cây; dọn dẹp và làm ngăn nắp nhà cửa. Mỗi ngày trung bình chỉ 15, 20 phút làm việc nhà. Nhưng việc nhà thì vô số, và không tên. Trong khi thời gian được chơi thì trung bình ba tiếng, ngoài giờ học. Cuối tuần thì được chơi đến bảy, tám tiếng.

Cho nên khi nghe con ví mình như nô lệ, Thủy thật không vui trong lòng.

“Con thật sự nghĩ con là nô lệ sao?” – Thủy hỏi Linh.

“Con phải làm mọi việc nhà, mọi thứ cho bố và mẹ” – Linh đáp.

“Những gì bố mẹ làm cho con không tính sao? Gia đình là gì đối với con? Nếu con thực sự cảm thấy rằng con không hơn một nô lệ thì con nên đi ra khỏi nhà này để không phải làm bất cứ điều gì cho bất kỳ ai ngoài chính mình. Con được tự do sống cuộc sống của con theo cách con muốn sống. Con chỉ cần tự lo thân mình thôi.” – Thủy khuyên bảo Linh.

“Nhưng con là người bị bắt phải làm, làm cái này làm cái kia. Mẹ nghĩ con muốn được sinh ra sao? Con không chọn để được sinh ra.” – Linh đáp.

Quả là một giọt nước tràn ly đối với Thủy. Một câu nói như thể Linh không biết mình là ai và không hề ghi nhận hay trân quý những gì mình đang có, kể cả công ơn sinh thành của cha mẹ. Đối với Thủy, thái độ này không thể chấp nhận được.

“Vâng, con không có quyền lựa chọn khi được sinh ra, nhưng con có quyền lựa chọn cách con muốn sống cuộc đời của mình. Mẹ cho con cái đó. Bây giờ hãy rời khỏi nhà và sống cuộc sống của con như thế nào con thấy phù hợp. Không có gì ở đây cho con nếu tất cả những gì con cảm thấy về gia đình này như là con nói.” – Thủy nhấn mạnh với Linh.

Linh vào trong phòng ngồi suy nghĩ. Một lát sau, Linh thay đồ, và bước ra khỏi nhà. Linh không nói cho ai biết Linh đi đâu. Thật ra Linh cũng không biết mình sẽ đi đâu. Linh chỉ tự động nhắm hướng về phía công viên.

Lẽ ra hôm nay Linh và Khang đều có lớp Taekwondo. Vậy mà đến giờ đi học, Linh vẫn chưa về. Khang lo lắng hỏi Thủy có định đi kiếm Linh không. Thủy bảo Khang đừng lo, Linh sẽ quay về nhà thôi. Khang hỏi khi nào, thì Thủy nói sớm muộn gì Linh cũng trở về. Khang bảo còn lớp võ Taekwondo thì sao. Thủy nói không quan trọng.

Khang không hài lòng, nên liền chạy ra ngoài đi tìm Linh. Khang nhỏ hơn Linh hai tuổi. Tuy thương chị nhưng cũng nể sợ chị. Tánh chị Linh có khi mạnh mẽ quá làm Khang cũng khớp. Nhìn hoài không thấy Linh đâu, nên Khang phải về nhà để đi học võ, không thì trễ.

Trong lòng tuy lo lắng cho con, nhưng bề ngoài, Thủy ráng không biểu hiện điều đó. Thủy cũng không thể đi đâu được, dù có muốn. Thủy vừa mới trải qua một ca mổ lớn, phải nằm giường ít nhất 6 tuần. Đi xuống thang lầu còn không được, thì làm sao đi kiếm ai. Tuy lo lắng, nhưng Thủy biết Linh sẽ không đi đâu xa cả. Bảo bọc quá, con mình sẽ không học được gì, Thủy nhủ thầm. Thật ra, thìThủy đã chuẩn bị cho các con mình cách suy nghĩ và xử thế trong tình huống rủi ro khó khăn. Từ nhỏ, Thủy đã dạy bảo Linh và Khang phải làm gì khi gặp nguy hiểm, từ nguy cơ cháy nhà đến bị dụ dỗ và bắt cóc v.v… Dạy là một chuyện, ứng xử ra sao, nhất là lần đầu, là chuyện khác. Dù sao, Thủy cũng không quá lo lắng cho Linh vào ban ngày.

Cuối cùng rồi Linh cũng trở về nhà, sau gần ba tiếng đồng hồ.

“Tại sao con ở đây?” – Thủy hỏi Linh.

Linh nhìn mẹ, rồi đi thẳng vào phòng mình, không nói tiếng nào.

Mừng thấy con đã về. Nhưng Thủy nghĩ rằng, dừng tại đây Linh sẽ chẳng học được gì. Thủy quyết định nếu cần thì vẫn phải sẵn sàng cho Linh ngủ ngoài nhà vài đêm để học bài học.

“Mẹ không muốn con ở đây sao!” – Linh nói trước khi Thủy mở lời.

Thủy nhìn Linh một cách nghiêm nghị: “Nhà này không cho người nô lệ. Nhà này chỉ cho con của mẹ thôi.”

Linh lặng lẽ cúi đầu. Rồi bước ra khỏi phòng. Linh mở cửa nhà đi ra lần nữa.

Nửa tiếng sau, Linh lại quay về. Trong lòng hối hận đã lỡ lời. Vừa vào đến nhà, trên đường bước lên lầu, Linh nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng: “Con xin lỗi mẹ.”

“Con xin lỗi mẹ chuyện gì?” – Thủy hỏi linh.

“Xin lỗi là con nói con là một nô lệ.” – Linh nhìn Thủy với sự ăn năn hối lỗi.

“Vậy con có còn nghĩ con là nô lệ trong nhà này không?” – Thủy hỏi Linh cho ra lẽ.

“Dạ không.” – Linh trả lời.

“Linh, những gì con nói làm mẹ đau lòng, vì mẹ thấy chúng ta là một gia đình và, trong một gia đình, chúng ta chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta thương yêu nhau và làm những điều cho nhau. Thật đau lòng vì nếu con nghĩ rằng tất cả những gì có giữa chúng ta chỉ là con phục vụ mẹ như nô lệ của mẹ. Như thế không có tình yêu và sự ràng buộc gia đình ở đây.” – Thủy giải bày với Linh.

“Con xin lỗi mẹ, con đã lỡ lời. Con không nghĩ con là nô lệ và con biết mẹ quan tâm và yêu thương con.” – Linh nhìn mẹ.

“Khi con nói rằng con đã không được chọn để sinh ra, điều đó thực sự đau lòng. Bởi vì điều đó ngụ ý rằng con không nghĩ việc bố mẹ sinh con ra là xứng đáng, và rằng bằng cách nào đó con đã bị thượng đế đối xử tồi tệ. Đối với mẹ, vâng con đã không chọn được sinh ra. Mẹ thậm chí còn không chọn con. Nhưng thượng đế đã ban con cho mẹ. Đối với mẹ, đó luôn là một điều may mắn khi mẹ có được con như chính con, một bé gái của mẹ, chứ không phải một bé gái nào khác. Và đó thực sự là một điều may mắn trong mắt mẹ. Cho nên làm sao có thể không đau lòng khi một điều mà mẹ nghĩ là một phép màu và một phước lành lại có thể được chính con gái mẹ xem như một sự trừng phạt của thượng đế khi được sinh ra mà mẹ là mẹ của con.” -

“Không mẹ, con rất xin lỗi!” – Linh xác nhận.

“Linh, mẹ biết con đang rất tức giận và vì vậy con không có ý như những gì con nói. Mẹ đã tha thứ cho con và yêu con. Con đến đây với mẹ.” – Thủy vừa nói vừa ôm chầm lấy Linh, và hôn lên đầu con.

Đi học võ về, Khang nhìn thấy Linh đã về nhà nên vui mừng khôn tả. Mẹ ít khi nào la mắng Linh hay Khang lắm, nhưng mỗi lần bị la, Khang cảm thấy bầu trời như sụp đổ. Nên Khang hiểu được tâm trạng của Linh khi bị mẹ la rầy.

“Linh, chị muốn chơi Roblox với em không? Em mới xây xong căn nhà đồ sộ, tốn nhiều thời gian và tiền lắm mấy tuần qua. Chị vào xem và cho em biết ý kiến nhe” – Khang muốn gợi chuyện để Linh vơi đi nỗi buồn phiền.

“Được thôi. Nhà của em đồ sộ đến mấy thì làm sao bằng nhà của chị. Chị sẽ tiếp tục xây nó để một ngày nào đó nó sẽ là đặc biệt nhất, đồ sộ nhất, giá trị nhất. Em nghĩ chị làm được không?” – Linh hỏi Khang.

“Chị hơn em hai tuổi mà. Dù em có cố gắng mấy, cũng không thể bắt kịp được chị, nếu chị dành nỗ lực như bấy lâu nay” – Khang nhượng bộ.

Hai chị em cùng cười, và mở máy ra chơi. Thủy nhìn con và hạnh phúc với niềm vui của con, một thế hệ tìm niềm vui quá khác với những gì Thủy đã trải qua.




| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com