B àn đi tính lại, cuối cùng hai họ đi đến nhất trí: Sẽ tổ chức lễ cưới chung cùng một địa điểm. Để tăng thêm tình đoàn kết, khách đến dự sẽ ngồi chung một hội trường. Không phân biệt họ nhà trai ngồi nửa hội trường bên phải, họ nhà gái ngồi nửa hội trường bên trái như các đám khác thường làm. Để giải quyết cái khoản phiền phức về kinh tế, tiền mừng bỏ chung vào một cái giỏ để trên bàn. Để mở, công khai. Thế là rành mạch. Thực ra, ai cũng hiểu: nếu không có cái khoản “mừng” ấy thì tiền đâu mà lo tiệc cưới linh đình. Ô tô kết hoa đi hàng dãy. Quay hình, chụp ảnh lia lịa. Đàn hát om sòm. Pháo giấy, sâm banh nổ bôm bốp. Tất cả đều trông vào khoản “mừng” của thực khách. Hai họ và cô dâu chú rể lo bạc mặt. Cái khoản lo nhất là lỡ mời khách rồi mà họ không đến thì có mà ế cỗ. Vừa mất vui, vừa phải è cổ ra mà thanh toán...
Có đám sang trọng mời thực khách đến hội trường quốc tế. Đội ngũ phục vụ có trình độ 4 sao. Khách cứ ngồi vào bàn là nhân viên ăn vận chỉnh tề nhanh chóng xuất hiện. Mở bia, rót rượu. Khách bước ra khỏi bàn, trên bàn tiệc còn ê hề biết bao cao lương mĩ vị. Cả con cá quả to đùng, đĩa chim quay đầy ắp chưa hề đụng đũa nhưng theo nguyên tắc lịch sự cũng bị đám nhân viên dọn bàn hất tuột vào cái thùng dọn cỗ lẫn với cơm thừa, canh cặn. Trông mà xót cả ruột. Người ta giải thích: lịch sự là phải làm như thế. Dọn dẹp đem vào sau hội trường hóa ra là dọn cỗ thừa đem cho khách ư? Thời buổi này có ai đi ăn tiệc lại đút quả cam vào túi để ra cửa cho trẻ em nghèo?
Bởi thế, hai họ quyết định: chọn hội trường cỡ trung bình thôi. Đồ ăn thức uống hậu tiệc do ban tổ chức của hai gia đình tự xử lí. Chỉ ngại nhất cái khoản cỗ đặt rồi mà khách không đến. Chẳng nhẽ bê về cả thúng xôi, thúng thịt mà tự xử lí ư? Khốn nỗi cái khoản cỗ ế này thì cứ phải è cổ ra mà trả. Tiền triệu cả, đâu có ít...
Nhận được thiếp mời cưới con ông bạn cũ. Tình bạn từ thuở ấu thơ, ai lỡ chối từ. Vả lại, đến đây cũng là dịp may để bè bạn cũ gặp lại nhau. Tôi đến đúng giờ. Nhìn trước, nhìn sau cả hội trường mênh mông, chưa thấy bè bạn đâu thì đã được các cháu váy ngắn váy dài đon đả rước vào một mâm cho đủ chỗ. Người ta chẳng cần biết ai vào ai, cốt sao cho đủ mâm, đủ chỗ và mọi người yên vị là cụng li, là chén. Chẳng biết người sau, kẻ trước. Rào rào như tằm ăn rỗi, không cần biết xung quanh ra sao. Cũng chẳng cần biết đang ngồi ăn với ai. Nếu tiệc kéo dài thì thật phiền. Đám sau chực sẵn ngoài cửa. Giờ thuê phòng cưới chỉ có thế. Bạn cũ gặp nhau muốn lai rai xin mời kéo nhau ra quán nhậu tiếp.
Xung quanh toàn người lạ hoắc, có cả trẻ con, bà già móm mém ngồi nhai trầu. Chẳng biết chào hỏi, chuyện trò ra sao. Người nọ nhìn người kia ra ý dò hỏi. Đợi dăm phút, chèo kéo nhau vào mâm cho đủ chỗ mà cũng chưa xong, các bàn bên đã tự nhiên mặt đỏ gay, ăn uống rào rào. Nhạc xập xình vẫn vang vang chát chúa...bỗng từ ngoài, một ông khách com lê cà vạt, đeo kính trắng xách cái cặp da to đùng bước vào ngồi cạnh tôi, chìa tay ra bắt rất nhiệt tình. Tôi ngỡ ngàng không nhớ ông này là ai. Cũng rụt rè không dám hỏi, ông khách lịch sự chủ động:
- Ông là người nhà Bác Thành?
- Dạ, em là bên nhà gái, nhà cô Bích.
- ồ, không sao, không sao. Chúng ta đều là họ hàng cả. Từ hôm nay hai cháu nó thành vợ thành chồng thì chúng ta cũng không là họ hàng thì cũng là chỗ bè bạn cả mà. Tôi có giờ giảng trên trường, hết giờ lại vội sang họp bên hội. Chẳng giấu gì bác, tôi bận nhiều việc lắm. Tạt qua vui với hai cháu, hai gia đình rồi lại phải đi ngồi hội đồng. Chiều lại đám nữa đấy bác ạ....
Cứ thế, gã thao thao bất tuyệt rồi nâng lên hạ xuống. Khi cô dâu, chú rể vừa đến bàn, gã đã vội đứng lên rút trong túi ra một phong bì dày cộp dán kín. Góc phong bì có in sẵn tên một trường đại học Quốc Gia. Gã đon đả: Bác chúc hai cháu trăm năm hạnh phúc. Mừng hai cháu...Chẳng cần biết các cháu có nhận ra mình là ai. Các cháu có tài thánh cũng không thể nhận ra hết thảy người quen, họ hàng của cả hai bên nên chỉ biết lễ phép nhận chiếc phong bì dày cộp. Cô dâu, chú rể đi khỏi bàn một lát, gã đã lịch sự xin lỗi chào bàn, xách cặp lủi ra ngoài...
Tôi cố lục tìm trong trí nhớ xem đã từng gặp tay này ở đâu. Thực tình mà nói, tôi ít khi để ý đến các chuyện vặt. Nhất là chuyện vặt trong đám cưới. Tuy nhiên, có một điều khiến tôi hơi nghờ ngợ vì nom vị “giáo sư” mà gã tự giới thiệu hao hao giống gã trùm tá lả ngoài quán bia mà thỉnh thoảng lũ bạn nhậu rủ đi tôi vẫn thấy gã mặc cái may ô đen ngồi trấn ở một góc lầm lì sát phạt với lũ đàn em. Điều khiến tôi đặc biệt để ý là nơi cổ tay hắn có xăm hình trái tim rỉ máu và mũi tên kèm chữ “hận tình”. Khi nâng cốc, cụng ly, cái măng xét trên cổ tay áo tụt xuống bỗng tôi chợt thấy cái hình xăm kì quái trên tay vị “ giáo sư” đáng kính khiến tôi sinh nghi.
Ngồi lại một lúc, tôi cố ý để mắt tìm mấy ông bạn cũ mà chẳng thấy đâu. Bỗng phía đầu bàn có chuyện khác thường. Đội tiếp tân chạy đi chạy lại. Có mấy cô váy vớ lê thê mặt tái xanh, mồ hôi vã ra như tắm chui xuống tìm lục cái gì dưới cái bàn trải chiếc khăn trắng trên có chiếc bút dạ để hai họ kí làm kỉ niệm cùng chiếc giỏ đựng phong bì. Chiếc bút và chữ kí thì vẫn nguyên vị cùng hàng trăm chữ kí đủ kiểu loằng ngoằng của hai họ đến chia vui nhưng lạ thay, chiếc giỏ đựng phong bì đã không cánh mà bay. Một vài chàng trai trong họ vội vã chạy ngay ra cửa trước cửa sau để truy tìm chiếc giỏ quý. Cô dâu chú rể mặt buồn rười rượi. Cô dâu chực khóc nhưng cố kìm nước mắt miễn cưỡng đi chào hai họ...
Hết giờ thuê phòng, hai họ nhà trai, nhà gái đăm chiêu nghiêm nghị chào khách ra về. Ai còn lòng dạ tâm trí nào mà tiễn khách ra tận cửa...
Chuyện chẳng lành đã xảy ra nhưng hai họ đều không dám nói nửa lời đành ngậm hột thị để hậu hồi phân giải.
Rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau đám cưới này?
Hai họ sẽ giải quyết việc thanh toán bữa tiệc ra sao?
Có trời mà biết!
Nhưng chuyện gì rồi cũng có hậu. Sáng nay, tình cờ vớ được tờ báo Công an, tôi lại ngờ ngợ nhận ra một hình ảnh quen quen. Hóa ra gã “giáo sư, tiến sĩ” ngồi cạnh tôi hôm nào là một tên trùm lừa bịp, trùm trộm cắp chôm chỉa trong các đám ma cùng đám cưới. Hắn vừa bị “bỏ bóp”!