T ôi thật tình không nhớ là đã trở thành gã lẻo mép từ lúc nào. Mặc dù chỉ mới đi làm công việc này gần năm nay. Tôi lạc đường vào thế giới nhộn nhịp không ngủ của Phi trường và trở thành gã lái xe Bus bất đắc dĩ chuyên đưa đón hành khách từ bãi đậu xe đến phi trường và ngược lại đón khách về. Tất cả chỉ giới hạn trong một vòng tròn nhỏ đường kính chưa tới một dặm nhưng lại cực kỳ sôi nổi và lắm buồn vui thú vị.
Khi mới vào làm, ngay ngày đầu nhận việc tôi thực sự khổ sở vì bị bó cứng trong bộ đồng phục (uniform) mặt mày cứ như gã ngố. Tôi được hướng dẫn là trong bất kỳ tình huống nào khách hàng cũng là chủ, khách hàng luôn luôn đúng và bản thân người lái xe phải luôn luôn biết nhận lỗi dù không có lỗi. Khách hàng chỉ A nói B cũng phải ok. Chỉ trắng nói đen cũng ok. Câu kinh nhật tụng là thường xuyên thăm hỏi sức khỏe khách hàng và lời cám ơn không rời cửa miệng. Không những chỉ có thế mà còn phải biết ba hoa chích chòe, vận dụng mọi khả năng kể cả đôi tay trợ lực để hầu chuyện khách hàng và nhất là phải sẵn sàng khiêng vác hành lý của khách hàng thậm chí phải dành lấy túi xách từ trên tay khách hàng khó tính. Như vậy mới đạt hiệu quả về tài chánh. Không phải là chụp giựt nhưng là một cách đặt khách hàng vào tình thế phải cho tiền thưởng phục vụ (Tips). Phải biết làm cho khách hàng thấy có bổn phận phải chi khoản này dù trong điều lệ của Công ty không hề ghi.
Vui buồn từ đó mà ra, những đồng tiền Tips nhỏ nhoi nhưng lại trở thành niềm vui lớn. Tôi vốn tính khiêm cung, ngại tiếp xúc với người lạ chưa kể là phải dùng tiếng bản địa (vì trình độ tiếng địa phương của tôi rất giới hạn) và lại càng không biết dùng tiếng lóng.
Ấy thế mà việc dạy việc, nghề dạy nghề, bây giờ tôi lại được tiếng là dễ thương (nice guy) Thường được khách hàng khen ngợi và cho Tips hậu hỉ, đâu có biết chỉ học được cái mánh lẻo mép của gã đồng nghiệp da đen mà thôi. Cùng một lúc tôi có thể vừa khiêng hành lý, vừa ghi thẻ, vừa đấu hót chuyện mưa nắng ầu ơ ví dầu, dăm câu nói khôi hài hoặc giả khen ngợi khách hàng nào là xe đẹp, áo khoác đúng mốt, mọi điều thật dễ thương...Quý bà thì phải biết khen trang phục, giày vớ kiểu tóc...Quý ông thì khen đồng hồ cà vạt bộ suite thời trang... thật ra thì người Mỹ được mô tả là ăn mặc xấu nhất thế giới. Cứ thế thời gian qua nhanh tôi càng học thêm nhiều mánh mung chiêu dụ khách, đôi khi còn tự sáng tạo (người mình vốn thông minh).Tôi tạm bằng lòng với nghề này theo năm tháng những tưởng mọi việc sẽ êm xuôi thế nhưng cũng có một ngày.
Khi tôi lái xe trở lại bãi đậu (parking lot) của Công ty, định ăn vội khúc bánh mì lót dạ, đã bốn giờ lái xe đưa đón khách không kịp thở. Sắp tới ngày lễ hội Thanksgiving người đi kẻ lại khá tấp nập mà hôm nay lại chỉ có mình tôi. Lão bạn già đồng ca nghỉ ốm, thế là tôi ôm hết hai ca. Mới chiêu xong ngụm nước chưa kịp ăn thì có lệnh từ office gọi tôi xem lại trên xe có một khách hàng vừa đưa ra phi trường có thể để quên vé máy bay. Tôi xem lại thấy có và lập tức trở lại phi trường để giao vé cho khách. Thú thực đã ba năm qua, tôi làm việc như cỗ máy hết thank you, yes sir, đến yes madame liên tục và không hề nhớ mặt một ai vì thực sự có thì giờ đâu mà để ý. Người trực văn phòng cho biết người khách ấy là một phụ nữ mặc áo chemise caro cao bồi đang chờ mang vé lại. Tôi phóng xe khá nhanh sợ lỡ chuyến bay của khách thì sự phục vụ của mình sẽ không còn giá trị. Khi tôi đến cổng check-in hành khách còn đông lắm và xe tới lui rất chật vật. Tôi cố nhìn xem có ai đó chờ không, nhưng đã hơn ba phút đậu xe qui định mà không nhận ra ai. Đang lớ ngớ trước cửa xe tay cầm vé bất chợt một phụ nữ da màu mặc áo ca rô chạy đến thật nhanh ôm chầm lấy tôi như quen biết đã lâu, một cử chỉ hết sức thân thiện và phổ thông ở đất nước này. Nhưng với tôi là một người Châu á thì lại là một biệt lệ. Cô ấy ôm cứng tôi má áp má và cám ơn rối rít, tôi chìa vé ra và từ giã thì cô ấy dúi vào tay tôi mớ tiền lẻ. Lập tức tôi nhớ ra và từ chối vì đã nhận một lần hậu hỉ quá rồi, cô ấy cứ nhét vào tay tôi và biến vào đám đông. Chỉ có thế nhưng lòng tôi lại có chút gì xôn xao.
Càng về khuya thì khách vãng lai thưa thớt dần, tôi có dịp nghỉ ngơi chốc lát, châm một ly cà phê, đốt một điếu thuốc, gác máy liên hợp và nhớ lại chuyện vừa qua. Vâng đó là một cô gái da màu nâu non, tóc cắt ngắn không quăn, gương mặt khá thanh tú, mũi cao mắt sáng điểm sắc xanh, đôi môi mọng nước màu mận chín. Thân hình nhỏ nhắn nhưng nẩy nở toàn vẹn, trang phục áo sọc ca- rô, quần blue jean giày ống trông như những người cowgirl tạo dáng trẻ trung sống động nhưng không kém phần lịch sự. So với những người da màu gốc Phi châu thường có đôi môi dày, bộ mông nở nang vun cao và tóc thì quăn tít sát vào da. Tôi đoán có lẽ đây là một người da màu gốc Nam mỹ hoặc đã lai nhiều đời. Điều làm tôi nhớ lại rõ ràng là vì đây là lần đầu tiên một cô gái da màu với hành lý là một va ly nhỏ gọn nhẹ không cần sự phụ giúp của tôi thế mà khi xuống xe đã đặt vào tay tôi một tờ mười mỹ kim. Đây là một biệt lệ vì dầu cho là hành khách thuộc bất kỳ quốc tịch nào khi có nhiều hành lý cồng kềnh mà tôi phải xách hộ, cao lắm là cho được năm mỹ kim, thông thường tiền thưởng tôi nhận được chỉ là một hay hai mỹ kim mà thôi. Tuy nhiên khoản tiền phụ thu này vẫn là chút niềm vui cho cánh lái xe chúng tôi. Mới đầu tôi nghĩ cô ấy không có tiền lẻ nên cho luôn vì đang vội đi. Nhưng khi tôi trở lại đưa vé bỏ quên, cô ấy lại dúi vào tay tôi thêm một mớ tiền lẻ nữa. Vậy thì cứ như là có một chút cảm tình nào đó. Thật ra cái lối xã giao nghề nghiệp của chúng tôi là luôn luôn bắt chuyện với hành khách, nói về mưa nắng hỏi thăm này nọ chỉ là những câu nói đầu môi, trở thành một thói quen không thể thiếu ngược lại hành khách lại có chút thích thú cứ như là mình đang được phục vụ quan tâm tận tình. Hành khách ai cũng là ông và bà hết, ngược lại tôi cũng được nâng cấp là sir. Câu chuyện chỉ có thế và sau đôi ba ngày là tôi không còn nhớ đến nữa.
Ba tháng sau, khi tôi trở lại làm việc sau hai tuần nghỉ vacation, điều ngạc nhiên đầu tiên là cô thu ngân Emily tốt bụng tuy mặt mày không có mùa xuân, nhưng bộ ngực thì quả là vĩ đại, trịnh trọng đưa cho tôi một bì thư và nói: - là của bạn gái you mới gởi tuần trước. Tôi nhủ thầm lại trò quỷ quái gì đây. Bởi lẽ từ ngày vào làm ở đây tôi chẳng có một bạn gái nào cả. Làm bở hơi tai, hôm nào nghỉ là bia bọt với bạn bè thế là hết cha nó thì giờ. Thậm chí tóc dài thậm thượt mà cứ quên không cắt, may ra tỉa được tí râu. Thật ra tôi cũng đã một thời lãng mạng cứ mãi lụy tình về sau ngộ ra cứ ở một mình cho tiện. Khi cần xả đạn thì cứ ghé tiệm kim chi korea là xong, ăn bánh trả tiền là khỏe nhất. Dĩ nhiên đôi khi cũng thấy lẻ loi, nhất là những ngày lễ lạc, nhà nhà đoàn tụ, thì bản thân cứ đánh đu với mấy chai bia, chạy theo quả bóng cà na mệt xỉu, qua ngày đoạn tháng nào hay.
Khi nhận bì thư tôi cười cười ghẹo Emily:
- Bạn gái duy nhất của me là you chứ không ai khác, cô ấy không cười nhưng trả lới dí dỏm:- chồng tao là võ sĩ Wrestling (đô vật) đấy.
Tôi phang liền:
- Đô vật kiểu mỹ là đánh võ dõm, tao kung-fu thứ thiệt, hơn nữa tục ngữ xứ tao có câu:
- “có chồng thì mặc có chồng ta thương ta bế ta bồng ta chơi” (dĩ nhiên là tôi dịch ra tiếng mỹ kiểu ba bứa) cô nàng cũng hiểu và lần này cười thật:
- Mày nhắm bồng tao nổi hay sao. Tôi rất ngán thân hình đồ sộ của cô nàng nhưng vẫn cố chống chế:
- Thử thì biết chứ gì. Cô nàng dường như cũng thích thích nhưng đã đến giờ làm còn cố nói thêm:
- Thôi đi làm đi bố, mà cái cô da đen ấy cũng có duyên lắm. Tôi ngớ người:
-Thật sao. Và tôi ra xe thử mở thư xem. Nét chữ đúng là kiểu mỹ của những người thuận tay trái cứ ngả rạp vào một bên như muốn chồng lên nhau. Trong bì thư là một cuống vé máy bay đã dùng rồi (của hãng southwest airline) Một mẫu giấy nhỏ chỉ ghi vỏn vẹn một dòng cám ơn - và câu hỏi: - anh có nhớ tôi không, một đia chỉ lạ hoắc, một số phone và ký tên nguyên chữ là Janet Ericson. Tôi đang cố nhớ lại là ai, thì có phone của Emily gọi trên máy liên hợp nói cho biết đừng thắc mắc, thư đó là của cô cowgirl nhỏ lần trước để quên vé trên xe.
Vì tò mò sau nhiều lần gọi phone không được, tôi tìm đến chỗ ở của Janet. Hóa ra đó là một mobile home nằm phía sân sau của một quán giải khát dọc đường (Ice house) rất phổ biến ở vùng ngoại ô của các quận hạt, thường bày trí rất đơn giản, chỉ có quạt máy, không có máy lạnh, một hai bàn bi da lỗ, một quày bán thức uống bàn ghế gỗ mộc, dàn máy hát đĩa cổ lổ sĩ chuyên phát nhac đồng quê, một tủ bia, nước ngọt ướp lạnh thế là xong, nhưng lại là nơi gặp gỡ của giới Red neck hoặc giới blue collar (dân vùng nông trại và lao động). Khá thịnh hành.
Tôi đang lớ ngớ tìm nút bấm chuông thì cửa xịch mở, có tiếng reo vui như vừa gặp lại người thân. Janet ôm lấy tôi má kề má cả thân hình mát rượi. Tôi thấy như có điện chạy trong người, cái cảm giác ngắn ngủi ấy đã đánh thức nỗi khát khao một thân thể trong tôi. Vừa thích thú vừa bối rối thậm chí không nói được lời nào. Janet kéo tôi vào trong, phòng khách nhỏ xíu nhưng mát, gọn và sạch. Chỉ có một sopha, bàn nhỏ và một kệ sách. Trên kệ tôi thoạt thấy một khung hình nhỏ, trong ảnh là một quân nhân trẻ mặc đồ trận màu cát sa mạc. Dường như hiểu ý, Janet buông tay tôi, đến tủ lạnh lấy nước.
Khi đã cùng ngồi vào chiếc sopha duy nhất, Janet mở đầu câu câu chuyện: Anh không ngạc nhiên chứ, tôi cười cầu tài, ngạc nhiên thì chưa hẳn nhưng tò mò thì có. Janet cười hóm hỉnh :- Về việc gì, tấm hình hay là em? - Cả hai.
Vậy thì em kể anh nghe câu chuyện khó tin này nhé: - Mẹ em là người gốc Caribbean, Bố em là một người Pháp lai…Việt Nam. Em lại sinh tại xứ sở Hiệp Chủng Quốc này. Bố Em là một Navy seal của Biệt Hải Việt Nam, thuộc toán bảo vệ yếu nhân. Mẹ em là nữ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, thuộc bộ phận Quân Y cùng làm việc tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam trước năm 1975. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Bố Mẹ em là một trong những người chứng kiến việc cuốn cờ sao sọc của nước Mỹ hùng mạnh và di tản khỏi Việt Nam sau cùng. Mẹ em mang em theo trong… bụng. Còn tấm hình anh chàng Quân nhân kia là bạn trai của em đã hy sinh ở chiến trường Trung Đông mà hôm trước em vội vã đi thăm đến nỗi quên cả vé máy bay. Anh thấy đấy, một hạnh ngộ tình cờ hay là một liên hệ vô hình của cội nguồn khiến em đã gặp được anh. Ngay phút đầu tiên khi anh phải lo hành lý cho khách thì em lại cứ mãi… nhìn anh và ngỡ như là rất thân quen. Anh không để ý đâu nhưng em lại hết sức lưu ý. Cứ mang ý nghĩ là khi trở lại sẽ tìm anh. Đó chính là lý do hôm nay mình lại gặp nhau. Janet nhún vai rất Mỹ và buông lửng…anh nghĩ sao.
Quả thật tôi rất bất ngờ về câu chuyện, và bây giờ thì tôi hiểu tại sao Janet lại không có một chút Á Đông nào trên khuôn mặt duyên dáng kia.Tôi thoáng chút ngậm ngùi, Bố nàng cũng như tôi là một Quân nhân Việt Nam. Không thua trận mà lại phải tháo chạy ở giờ thứ hai mươi lăm sau cùng cuộc chiến.
Janet hồn nhiên vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Anh dùng chút gì nhé, tôi chưa kịp trả lời thì nàng đã dúi vào tay tôi một chai bia thật lạnh (cứ như là nàng đọc được ý nghĩ của tôi, vì tôi có thói quen khi nghĩ ngợi điều gì thì thường là thèm một chút bia). Tôi mở nắp và tu một hơi thật ngọt, chất bia thấm lạnh vào bao tử ngầy ngật từng tế bào. Và không hiểu bằng cách nào, tôi ôm nàng cứng ngắt trong vòng tay thô ráp của mình. Phản ứng của nàng là ôm chặt lấy tôi và dường như đang chuyền cho tôi cái nóng hừng hực của những người dân biển caribbean. Nụ hôn dài, sâu hun hút và ngọt lịm men bia. Chiếc sopha không lớn mà lạ thay lại đủ chỗ cho hai người.
Không, chỉ một thôi, vì nàng đang nhún nhảy trên người tôi. Cái đam mê chất ngất tưởng chừng quên lãng lại đội mồ sống dậy, mạnh mẽ và hung hãn hơn bao giờ hết. Bầu vú săn cứng của nàng ép chặt lồng ngực tôi, màu da nâu non trở thành bánh mật, tôi lịm người vì những nụ hôn rát nắng biển xa. Thân thể bốc lửa của nàng như cát nóng và tôi như chú dã tràng không cần xe cát, cứ mãi lần vào những ngóc ngách lạch khe tìm nơi trú nắng. Mồ hôi hai người như trộn lẫn vào nhau, những hơi thở gấp không còn là trống dục mà nhẹ nhàng như gió thoảng qua. Đôi tay nàng vuốt dọc sống lưng tôi thay lời âu yếm, đôi môi màu mận chín tham lam ôm lấy môi tôi như ngăn lại những lời không cần thiết. Tôi như trôi vào dòng sông chảy và thiếp dần đi không biết tự lúc nào.
Khi chợt tỉnh thì nắng chiều đã tắt, Janet thu người dưới đất gối đầu lên bụng của tôi.Trông nàng như cô mèo con ngái ngủ, chỉ khác là mèo biển caribbean trong người luôn hừng hực lửa. Tôi thầm nghỉ cuộc chiến mới của tôi chỉ mới bắt đầu.
Janet ngước mắt nhìn tôi, màu mắt xanh như chứa cả biển trời.- Anh đang nghĩ xấu về em ư! Nghĩ xấu là thế nào?!
- Cái liếc mắt của anh vừa nói kia kìa. Tôi cười cười:
- Em ạ, anh chưa hề hỏi về đời tư của em kia mà.
- Em đã nói rồi đấy.
- Không, đó chỉ là một chút tiểu sử.
-Thế còn em- em có hỏi anh đâu.
-Thật ra hỏi hay không hỏi thì cũng thế thôi vì lời nói đôi khi không thật.
- Anh lại là gã lái xe lẻo mép em không biết sao
- Cánh lái xe đưa khách của các anh ai mà không lẻo mép.
- Nhưng anh có khác đấy
- Khác ư – Khác chứ, vì anh là lính green beret như dady của em, còn gìn giữ tác phong nên vẫn còn chân thật.
Tôi nhủ thầm, tác chiến thì có đánh nhanh, nhưng e lần này khó mà rút mạnh. Bất chợt nàng cấu vào hông tôi và rít qua kẻ răng - không được âm mưu gì đấy nhé. Tôi lại hoãn binh, cười cười ra chiều khó nghĩ:
- Anh đang âm mưu để… chiếm trọn đời em đây này
- Đố dám -Vậy mình thử thêm lần nữa nhé! Không có tiếng trả lời, nàng kéo tôi xuống đất và lặng lẽ vô tuyến.
Ngoài kia đêm đã lên đèn.
Ông Cụ vẫy tay chào tôi từ khoảng cách khá xa. Khi đối diện là vòng tay ôm khá chặt từ một thân thể cao gầy nhưng ngồi trên chiếc xe lăn. Đây là cử chỉ thân thiện không thể thiếu trong giao tiếp của người bản xứ, mặc dù Ông Cụ là một người Pháp lai Việt. Ngước đôi mắt vẫn còn khá tinh anh Ông hỏi tôi:
- Nghe nói Anh là cựu Quân Nhân green beret. Tôi trả lời: - Yes sir, nhưng chưa giải ngũ sao gọi là cựu được. Ông cười lớn: - Hay lắm, hào khí, hào khí. Đó là sự thật ít ai dám nhìn nhận và cũng ít ai để ý là người lính mũ xanh như chiếc lọ thủy tinh đặt âm thầm trong bóng tối nhưng sẽ chói lòa, lung linh khi tiếp cận ánh sáng từ mọi phía và dầu cho có vỡ thì những mảnh vụn vẫn còn sắc cạnh.
- Nhưng mà này, tôi ở cái nơi hẻo lánh đây dân số ít mà chẳng có người Việt nào. Muốn tìm đồng hương phải đi mất cả nửa ngày lái xe, buồn lắm. Hôm nay Janet đưa anh về thăm nhà tôi vui lắm. Ông Cụ lại cười: - Chắc anh dùng được bia, chưa kịp trả lời thì Janet xuất hiện:
- Không nhiều đâu Bố ạ! Con dè chừng hơn thùng dozen (12) cũng chưa đủ. Ông Cụ lại cười lớn:
- Hào sảng hào sảng. Con đâu, cho Bố một chầu như ý nhé. Có tiếng ho khẽ:
- Vừa ý thì có nhưng như ý thì không. Ông Cụ cụt hứng, Janet nhanh nhẩu:
-Anh ạ! Mẹ em đây này. Bà Cụ cũng bước lại ôm choàng lấy tôi má áp má, tay nhẹ vỗ lưng và quay qua Janet - Con sao mà khéo chọn vậy, e rằng lại thành cặp bài trùng với Dady con đấy nhé. Cụ bà là một phụ nữ còn khá rắn rỏi, tuy thấp người nhưng lại có bề ngang. Mái tóc ngắn muối nhiều hơn tiêu. Nước da màu chocolate nhạt, gương mặt đã có khá nhiều nếp nhăn, nhưng vẫn còn giữ được đôi nét thanh tú. Janet đã thừa hưởng phần nào nhan sắc của bà.
Tôi lưu lại đây ba ngày nhàn nhã tự do. Hai người lính cũ trẻ già chia sẻ kỷ niệm chiến trường xưa giữa tiệc vui tràn ngập rượu bia, đàn hát nhảy múa thả dàn cùng với vài người láng giềng indian. Thưởng thức những món nướng đặc sản da đỏ và đặc biệt được Cụ Ông cho theo… phong tục Á Đông nghĩa là: tôi ở phòng khách còn Janet thì ở với Mẹ. Cụ bảo với tôi:
-Mình là lính cũ, mà lính thì có quy tắc của lính, hơn nữa mình là người Việt nam thì phải theo phong tục Ông Bà. “Chưa kết hôn thì chưa phải là vợ chồng”. Khuất mắt thì cậu và Janet muốn sao cũng được. Nhưng về nhà thì vẫn có lệ nhà, tôi nhắc lại chúng ta là người Việt Nam. Cuộc chiến đưa đẩy chúng ta trôi dạt phương xa, nhưng ở đâu cũng phải có quê nhà bên cạnh, đó là phải giữ phong tục tập quán - Lời Mẹ tôi dạy từ hồi còn bé đấy cậu ạ! Bố tôi là người Pháp đã bị việt minh giết khi tôi mới lên ba, gia sản tinh thần là do Mẹ tôi truyền lại. Nhớ nhé, ta học cái mới, cái văn minh, nhưng không thể mất gốc, mai mốt có con nhớ dạy tiếng Việt cho chúng, như tôi vẫn bắt Janet nói tiếng Việt khi về nhà. Không hiểu khi gặp cậu nó nói tiếng gì?! Tôi nhủ thầm tụi con chỉ hành động thôi đâu cần phải nói.
Tôi và Janet lên xe khi trời vừa hừng sáng, Ông Bà Cụ tiễn chúng tôi ra tận sân xe, những vòng tay ôm từ giã, những dặn dò những hứa hẹn, và có cả giọt lệ già nua như hạt sương buổi sáng lung linh trong ánh bình minh vừa ló dạng soi dáng nằm chắc nịch kéo dài của rặng rocky mountain hùng vĩ. Vui thay, vẫn còn chút gì quê Mẹ Việt Nam ở ngay trong lòng viễn tây nước Mỹ.
Chúng tôi còn phải vượt 24 giờ lái xe để về chốn cũ, Janet nghiêng đầu vào vai tôi và nói khẽ:
- Anh à! Đối với em hạnh phúc chưa có nghĩa là phải có nơi ăn chốn ở, việc làm, truyền giống và yêu nhau. Em vẫn mơ một ngày được nhìn thấy Quê Cha, và sẽ quỳ dưới chân Mẹ anh bên ấy. Chỉ để thưa một điều là:
- Con cám ơn Mẹ vô vàn đã ban cho con một người…lính cũ Biệt Kích Việt Nam. Dường như vì luồng gió thoảng qua, kéo theo vài hạt cát, vừa rơi vào mắt gã lái xe lẻo mép ba hoa. Hay là giọt lệ ngậm ngùi của người lính lưu vong nửa đời mạt vận.
- Janet ơi! Anh xin hứa với em chỉ mỗi một điều là bên đời em vĩnh viễn có anh. Giấc mơ kia sẽ phải thành sự thật. Vì trong anh vẫn máu đỏ da vàng. Màu mũ xanh, áo hoa rừng đã là vết xâm sâu trong trái tim rớm máu Việt Nam. Tôi nhủ thầm như thế, khi Janet đang mềm người trong giấc ngủ yên bình.
Con đường thiên lý vẫn còn dài, như tình người yêu người sẽ không bao giờ biến mất.Và tình yêu không hề phân quốc tịch màu da. Yêu đời yêu người chính là chân lý thật mãi mãi sáng ngời.