Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TRỌNG THỦY




T rước mắt các sử gia Chính Thống, Trọng Thuỷ luôn bị kết án là tên gián điệp. Nay xin được nhìn nhân vật này như một con người.

Dưới ánh trăng lãng đãng, một bóng người đứng sững trên đỉnh núi cao, mắt dõi về cuối trời Nam. Trời Nam trải rộng hun hút dưới kia. Hình như người đó vô cảm trước ngọn gió cắt da xẻ thịt của núi rừng phương Bắc.

Một giọng nhỏ nhẹ vang lên phía sau.

- Phụ thân ! Suốt mấy tháng ròng, đêm đêm người đứng chôn chân một chỗ. Chẳng lẽ dưới kia có gì hấp dẫn lắm sao?

Tiếp đó là một khoảng khắc yên lặng nặng nề, rồi một giọng chớm già trầm đục chậm rãi cất lên:

- Dưới ấy ư? Đó là một giải bình nguyên trù phú, đất bằng vạn dặm, sông rạch dọc ngang. Bình có thể tận lực canh tác, tích thảo đồn lương phòng khi hữu sự. Chiến có thể mượn dải núi trùng điệp phía Bắc làm thành cao án ngữ. Mượn sông rạch làm phương tiện tiến lui. Mượn biển cả rút nhanh về hậu cứ chờ thời. Mượn thế thủy triều lên xuống, triền nước quanh co làm chỗ phản công diệt địch.

Tiếng thở dài ngắt ngang. Bóng người từ từ quay lại, ánh trăng vừa đủ sáng để nhận ra một khuôn mặt đứng tuổi đượm vẻ khắc khổ, phong trần, đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt lấp loáng, đảo lộn của một tay gian hùng thời loạn.

Người đứng tuổi chỉ tay vào phiến đá :

- Thủy nhi ! Con ngồi xuống đây.

Chờ cho chàng trai yên vị, người đứng tuổi chậm rãi :

- Con thấy ta là người thế nào ?

- Đánh đuổi bọn Trưởng lại nhà bạo Tần, gồm thâu ba quận, quay về phương Nam mà xưng vương, cũng có thể nói tâm nguyện đã hoàn thành.

- Tầm mắt của con hạn hẹp thế sao ? Rẻo vườn dăm trượng chỉ đủ chỗ cho loài di, loài sẻ mặc tình bay nhảy, nhưng còn chim Hồng, chim Hộc ? Ta ư ? Xuất thân làm một chức lệnh nho nhỏ ở huyện Long Xuyên. Nhờ ơn tri ngộ của Nhâm Ngao bá, mà kế thừa chức Nam Hải quận uý, rồi lấy đó làm bàn đạp, tiến chiếm Quế Lâm, Tượng quận. Đối với đứa ngu phu, có thể coi là tâm nguyện một đời. Nhưng xét kỹ đại cuộc thì sao? Từ khi đánh đuổi bọn Trưởng lại bạo Tần, ta với triều đình Hoa Hạ đã thành thế nước lửa.

- Phụ thân ! Nay nhà Tần đã mất.

- Sở, Tần với Hán, dòng họ tuy khác, nhưng dã tâm thì cũng giống nhau. Hiện thời nhà Hán cơ đồ chưa vững, lại thêm cái nạn Cao hậu họ Lã (1) tiếm quyền, buông rèm nghe việc chính sự, nên chưa đủ sức hưng sư vấn tội phiên bang. Nhưng nếu cứ tử thủ ở chốn hoang vu này, ắt không phải là kế sách lâu dài. Con có biết Lục giả (2) không ? Hắn đã tìm tới ta rồi đó.

- Phụ thân ! Hài nhi hiểu rồi. Cái cơ sinh tồn chính là dải đất bằng vạn dặm dưới kia.

Lão ngửa mặt nhìn trời.

- Triệu Đà ơi ! Triệu Đà ! Anh hùng sao không có đất dụng võ ?

- Phụ thân ! Chẳng lẽ gồm quán ba quân chưa đủ mạnh sao ?

- Hẳn con còn nhớ, ta với Nhâm bá bá, kẻ bộ người thủy đã từng là bại tướng dưới chân Cổ Loa thành.

- Cổ Loa thành, thành hình trôn ốc, chẳng hay có gì đáng sợ ?

- Chạ Chủ (3) 32 nghìn hộ dân, kiến trúc dựa vào thiên nhiên : mượn thế sông Hoàng làm hào sâu án ngữ; mượn hệ thống ngòi rạch làm thủy đạo tiếp ứng giữa ba vòng thành nội, ngoại và trung; mượn địa hình cao thấp mấp mô làm chỗ mai phục cung nỏ. Cao Lỗ (4) quả là danh tướng giỏi phép đắp lũy dàn quân. Huống hồ... còn... Linh quang kim trảo thần nỗ.

Lão lại thở dài ngắt ngang.

Chàng tuổi trẻ rụt rè :

- Chẳng lẽ bậc hùng tài như phụ thân cũng đành bó tay, bất lực ?

Lão nhìn sâu vào đôi mắt chàng trai, giọng ngập ngừng:

- Ta có một kế sách, nhưng nếu đem ra thực hiện, ắt phải khuất tất con rồi.

Đột nhiên lão phất tay áo rộng:

- Xuống thôi.

♣ ♣

Giữa Loa thành nghìn dặm vuông, quán xá mọc lên san sát. Thiên hạ có vẻ thái bình. Trong quán rượu rực rỡ ánh đèn, khách khứa vào ra tấp nập. Bỗng từ giữa quán, một gã trung niên bề ngoài có vẻ thô hào dằn mạnh ly rượu xuống bàn.

- Cái tin người đẹp Loa thành kết duyên cùng gã mặt trắng phương Bắc hóa ra là sự thật.

Một giọng bông đùa :

- Ngươi tiếc lắm sao ?

Gã trợn mắt:

- Thiên hạ thiếu chi gái đẹp. Điều ta lo là mối nguy rước giặc vào nhà. Ba xe ngọc cơ, vàng bạc, bảy xe vải lụa Quý châu, lại thêm một đoàn mỹ nữ. Giọng gã sang sảng, chói tai. Quốc quân ơi ! Người há chẳng thấy đó là cái cớ mất nước hay sao ?

Ông lão tóc bạc như sương, ngồi cùng bàn góp ý :

- Đúng đó. Cái hùng tâm vạn trượng đánh đuổi Đồ Thư (5), diệt họ Hồng Bàng, lập nên nghiệp lớn đã tiêu ma rồi. Giờ thì quốc quân xa xỉ, khinh xuất, tướng kiêu, quân lười. 72 ngọn Hỏa hồi (6) chưa leo đã thấy run chân, còn nói chi việc trực diện nghinh địch.

Có tiếng cãi lại :

- Chẳng lẽ lão quên nỏ thần rồi sao ?

- Nỏ thần ư ? Đó là cách bắn tiếng lòe đời. Thần nỗ chẳng qua là một lợi khí cực kỳ tinh xảo, do tướng quân Cao Lỗ chế ra. Cánh nỏ cứng, phải người rất khỏe mới giương nổi. Tên làm bằng đồng tốt, mũi sắc nhọn, thân dài mà nhỏ, một lần bắn theo thế liên châu được ba mũi, mỗi mũi có thể xuyên suốt ba người. Quốc quân xưa là tay kiệt hiệt, thần lực kinh người, lại có tài cung nỏ. Địch tới cận thành một phát bắn ra, sát thương liền mấy tướng, địch hoảng loạn mà vỡ trận, rồi cứ thế một đồn trăm.

Quốc quân nay rượu thịt sa đà, thanh sắc tiêu ma chí lớn. Hơi sức đâu mà giương nổi cung cứng, tên dài. Hỡi ơi ! Thần nỗ khác gì đống sắt vụn.

Giọng khi trước cố cãi :

- Nỏ thần dù vô dụng, ta vẫn còn Thanh Giang sứ chống lưng.

Ông lão cười cay đắng :

- Cho dù thần Kim qui có thật chăng nữa, nhưng trời với thần chỉ giúp kẻ có lòng. Ngươi phải biết, nhờ ở sức mình mà lập nghiệp lớn, thì biết trân trọng, ra công cố giữ. Cậy ở sức thần mà được thiên hạ, thì sinh thói ỷ lại, kiêu căng. Bởi thế thần giúp cho vua nhất thời, lại chính là giáng họa cho dân muôn đời. Lẽ đó ngươi có biết không ?

Ông lão ngước mắt trông ra màn đêm. Đêm tối mung lung, gió Bắc lạnh lẽo:

- Quốc quân ơi ! Quốc quân! Đời có đạo Thánh nhân giúp cho thành. Đời vô đạo thánh nhân giữ lấy mình (Lão Tử - Đạo Đức kinh). Ta không phải là thánh nhân, song cũng đành đi thôi.

Nói đoạn, ông lão vén áo đứng dậy, lập cập từng bước bỏ đi.

Những lời bàn tán của đám kẻ chợ sắc như dao nhọn, xoáy vào tai chàng tuổi trẻ trong góc quán, chàng đang ngồi đối ẩm với một ông già dáng lão bộc. Ông già khẽ lay chàng tuổi trẻ.

- Đúng là lũ quá chén quàng xiên. Đã qua giờ Hợi, hay là chúng ta về.

Ra khỏi cửa quán, chàng trai hít một hơi thật sâu, giọng bồn chồn:

- Thúc thúc ! Ta luôn thấy lòng canh cánh không nguôi.

- Vì một người con gái ư ?

- Hừ, xá gì một người con gái.

- Thiếu chủ chẳng lẽ vẫn coi lão là người xa lạ?

- Đâu dám, lão với phụ thân ta tuy là nghĩa quân thần, nhưng tình như thủ túc. Lão với ta bề ngoài là chủ bộc, nhưng bên trong thật là thúc bá, điệt nhi.

- Đúng đó, bởi thế chủ nhân mới giao thiếu chủ cho lão trông coi từ bé.

Chàng tuổi trẻ cúi nhìn xuống đất, câu nói vọt ra như một lời thú tội :

- Dù sao vợ con cũng là máu thịt.

Giọng ông lão có vẻ chua chát :

- Nhưng vẫn phải nhớ : việc thiếu chủ đang làm vốn là nghĩa lớn.

Chàng tuổi trẻ khựng lại, nắm chặt hai tay ông già.

- Chao ơi ! Hai tiếng nghĩa lớn ràng buộc, làm lụy con người. Lâu nay tiểu điệt hằng suy nghĩ để tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống : quyền lực ư ? Tài sản ư ? Hay là một chút hạnh phúc cỏn con, nhiều khi bị coi là vô nghĩa ?

Ông lão nhìn chàng trai bằng đôi mắt xót xa. Chàng trai gằm mặt đếm từng bước chân. Gần tới cầu đá dẫn vào nội cung, chàng bỗng giật mình vì một tiếng nói cất lên trên cầu :

- Phu quân đã về đó sao ?

Giọng nói nhỏ nhẹ, ngập ngừng :

- Quán xá là chốn xô bồ.

Chàng trai trẻ bất chợt gắt lên, như muốn trút cả nỗi bực dọc trong lòng :

- Ta đâu cần ai quản cố.

Chợt chàng dịu giọng :

- Nàng còn đợi ta ư ? Nơi này gió sương bất tiện.

- Trong nhà nóng bức, thiếp ra đây hóng mát, ngắm cội mai già. Chàng thấy không, trời chớm vào hạ, mà gốc lão mai bảy cánh vẫn còn sót lại mấy bông cuối mùa.

Người thiếu phụ cúi đầu thật sâu, ánh mắt dịu dàng, tiếng nói nhẹ như gió thoảng :

- Mất mẹ từ rất sớm, cảm giác ngày ấy ăn sâu vào lòng, nên thiếp luôn luôn muốn níu chặt lấy những gì sắp mất. Thiếp thích cảnh chiều tà, trăng lặn, cùng những bông hoa cuối mùa, chẳng mấy chốc những bông hoa sót lại sẽ héo úa dưới cơn nắng hạ. Trọng Thủy ơi ! Cuộc đời có giống thế không ?

Trọng Thủy thoáng rùng mình, vội choàng tay qua lưng vợ dìu đi. Người thiếu phụ run giọng tiếp :

- Đôi lúc thiếp linh cảm sắp mất một cái gì rất lớn, rất lớn. Hạnh phúc ư ? Lẽ sống ư ? Niềm tin ư ?

Khi ngừng nói, nàng thoáng nghe một lời tâm sự, tiếng mất tiếng còn :

- Mỵ Châu ! Nếu ta có làm gì để lụy đến nàng, xin nguyện lấy cái chết tạ tội.

♣ ♣

Tiết đông chí

- Thúc thúc tìm ta ?

- Cả tháng bặt tin, thiếu chủ! Chẳng hay công việc tiến hành được đến đâu rồi ?

- Nỏ thần cất trong ngự phòng, mà quốc quân ngày đêm quấn quýt với bọn gái đẹp. Mọi việc trong triều, quan nội chính chỉ còn cách tâu bên mâm rượu.

- Thiếu chủ ! Tin nhà thúc dục, thiếu chủ chớ nên cố tình lần lữa.

Giọng điệu nghiêm khắc hình như làm Trọng Thủy bực mình.

- Ta biết, nhưng có lẽ phải chờ đến tiết xuân quốc quân làm lễ tế cáo trời đất, ta mới có cơ may đột nhập.

Trọng Thủy quay đầu ngựa, nói gấp :

- Huống chi... nội tử sắp đến kỳ khai hoa.

Câu nói chưa dứt, ngọn roi đã quất mạnh vào lưng ngựa, thớt ngựa vọt ra ngoài thành Nam, cất vó như cuồng, chàng trai tiếp tục ra roi, người với ngựa biến mất trong lớp bụi mù.

Ông già nhìn theo thở dài :

- Là duyên ? Là nợ ? Có lẽ chỉ biết hỏi trời.

♣ ♣

Tiết lập xuân.

- Thiếu chủ hình như cố ý lánh mặt lão.

- Ta việc gì phải tránh, chỉ vì nội tử mới sinh, ta phải kề cận săn sóc cho mẹ con cứng cáp.

- Phụ tử nằm trong thiên luân, dù sao đó cũng là huyết nhục Triệu gia. Nhưng hiếu, trung vốn là đạo lớn. Chẳng hay thiếu chủ còn nhớ lời chủ nhân dặn dò trong dịch xá lúc lên đường ?

Trọng Thủy gắt lên :

- Ta không cần lão giáo huấn.

Nói rồi lại quất ngựa phóng đi. Ngựa phi không biết mấy dặm dài, đến khi quay lại, trời bắt đầu chạng vạng. Vào đến thành nội, phố xá đã lên đèn. Trước cửa cung, một thiếu phụ đứng chờ, nàng âu yếm lau từng giọt mồ hôi dính đầy bụi cát.

- Mỗi giọt mồ hôi là một điều phiền muộn tiết ra.

Trọng Thủy cố tránh ánh mắt vợ:

- Nàng còn chờ ta sao ?

- Cơm canh còn nóng, ta vào thôi.

Ngồi vào bàn, Trọng Thủy ngập ngừng :

- Hỡi ơi, phụ vương lâm bệnh, có ý gọi ta về, mà ta thì không nỡ bỏ đi khi hài nhi chưa cứng cáp.

Mỵ Châu ánh mắt mung lung.

- Thiếp biết tình chàng sâu nặng, nhưng phụ thân tuổi già như đèn trước gió, mà hài nhi khôn lớn ngày tháng còn dài, chàng cũng nên cân nhắc nặng nhẹ.

- Đa tạ nàng đã thể tất cho ta.

Mỵ Châu gục đầu vào vai chồng:

- Thiếp nguyện làm người đàn bà quê mùa, ngày ngày bồng con, tựa cửa ngóng trông.

Không gian vắng lặng, nghe rõ từng hơi thở. Trọng Thủy nhỏ nhẹ :

- Vạn nhất can qua dấy lên ta biết tìm nàng ở đâu ?

- Thiếp có chiếc áo lông ngỗng (7), sẽ lấy lông làm dấu chỉ đường.

Chợt nàng cười hồn nhiên :

- Mà lo gì, phụ hoàng còn có nỏ thần.

- Nỏ thần ư ?

Trọng Thủy chợt im bặt

♣ ♣

Tiết hạ chí.

Tháng ngày lần lữa, xuân qua rồi hạ đến. Cuộc hành trình đã hoãn lại nhiều phen.

Nửa đêm trời lặng gió, Trọng Thủy từng bước nhẹ, bồn chồn, hết ra lại vào. Chàng dừng lại, hé màn lụa mỏng. Trong đó một thiếu phụ nằm bên đứa hài nhi. Đứa bé bụ bẫm, hồng hào. Nét mặt thiếu phụ ánh lên niềm hạnh phúc, tin tưởng. Trọng Thủy run tay khép cánh màn, lẩm bẩm :

- Ta không muốn bịn rịn lúc chia tay, xin nàng muôn vàn trân trọng.

Trọng Thủy nhìn khắp gian phòng. Gian phòng quen thuộc, ấm cúng như có hồn người lẩn quất. Mỗi vật là một kỷ niệm, là dấu tích một cuộc tình, một cuộc đời phù du. Trọng Thủy đóng nhẹ cửa phòng, khép lại sau lưng một thế giới. Ngoài kia là bóng đêm, gió hiu hiu mà vẫn lạnh run người. Trọng Thủy lầm lũi dắt ngựa qua cầu đá, lặng lẽ, đơn độc, tiếng vó ngựa lộp cộp trong đêm, vọng lên khô khốc như tiếng vồ đập trên săng. Ánh trăng mơ hồ, lãng đãng, đom đóm lập lòe. Trọng Thủy dừng chân, ngó sững, mường tượng thấy hai bóng dáng bé nhỏ, mong manh từ hai đầu cầu chạy vội lại với nhau chập làm một, rồi tan loãng trong màn đêm. Đêm sâu thẳm, gió trở chiều. Trọng Thủy đột ngột với tay sau lưng, ánh kiếm lóe lên, bóng kiếm như cơn lốc, hoảng loạn chém nát cội mai già, mấy bông hoa bảy cánh cuối mùa tơi tả, theo gió bay đi. Trời chợt đổ mưa, con đường trước mặt khó đi vô cùng.

♣ ♣

Tiết trọng thu.

Kinh thành có biến. Nam Việt Vũ Vương Triệu Đà xuất quân ba quận tiến đánh Cổ Loa (8). Địch chuẩn bị vượt hào, An Dương Vương ung dung ngồi trên lầu cao, cùng mỹ nữ uống rượu nghe đàn.

Địch qua sông, quốc quân nhìn xuống quát :

- Tên bại tướng phản phúc còn dám vác mặt tới sao ? Hay là chê nỏ của ta không đủ cứng.

Đám quân sĩ lố nhố trên mặt thành chỉ trỏ, vỗ tay reo cười.

Địch tới chân thành, quốc quân chậm rãi mở bao gấm lấy nỏ thần. Nỏ hôm nay dường như quá nặng, mà sao lẫy nỏ chưa bấm đã gẫy làm đôi.

Quốc quân xuất hạn cùng mình, vội quát :

- Cao Lỗ đâu rồi ?

Viên quan già đứng hầu run rẩy :

- Cao Lỗ đã bị bệ hạ đuổi từ năm ngoái, còn Đình Toán tháng trước cũng đã bỏ đi.

Địch vào thành. Từ đám hậu quân một kỵ sĩ vọt ngựa xông lên. Kinh khuyết tan hoang, nội cung vắng ngắt. Kỵ sĩ hốt hoảng bay ngựa ra ngoài thành Nam. Giữa lối mòn, những chiếc lông ngỗng rải rác phơi mình trên cỏ. Ngựa phi nước đại, kỵ sĩ cả ngày không kịp ăn, chỉ đổi ngựa ba lần. Mặt trời sắp lặn, dấu lông ngỗng dẫn tới một bãi biển hoang (9). Kỵ sĩ nhảy xuống đất, trước mắt là một thân hình thiếu phụ, chiếc áo trụi lông, đầu lìa khỏi cổ, dòng máu loang sẫm một vùng biển Đông. Kỵ sĩ là một chàng trai, chàng trai đổ xuống, khuôn mặt thấm đẫm mồ hôi lẫn bụi cát, những giọt mồ hôi lấm tấm bằng hạt đậu, không phải nước mắt, kỵ sĩ không khóc, chỉ thảng thốt kêu lên :

- Mỵ Châu ! Ta đã để lụy đến nàng ! Con chúng ta đâu ?

Đó là câu nói cuối cùng. Kể từ giờ phút đó bọn tả hữu chỉ còn bắt gặp kẻ mộng du lầm lì, hai tay ôm một bọc lớn, đi giữa phố phường mà như chẳng thấy ai.

♣ ♣ ♣

Mấy chục năm sau đó có lão thuật sĩ phương Bắc đến kẻ chợ, lão lang thang khắp chốn, kiếm ăn bằng nghề tướng số. Những lúc vắng khách, lão thường ngồi bệt xuống đất gõ bồn, vừa ca, vừa kể chuyện.

Lão kể câu truyện tình ngắn ngủi của đôi trai gái giữa bối cảnh một cuộc tranh bá đồ vương. Truyện kết thúc bằng việc: khách thương có kẻ lấy ngọc trai biển Đông rửa trong giếng Trọng Thủy, sắc ngọc liền sáng ra.

Dân kẻ chợ xúm xít ba vòng nghe kể, có gã nghiến răng mắng Trọng Thủy là tên gián điệp bạc tình, có gã lấy lại việc tự sát tạ tội để biện bạch cho con người bất hạnh. Bọn kẻ chợ lớn tiếng tranh cãi không thôi, đôi lần đã nhờ lão thuật sĩ phân giải, lão không trả lời, chỉ cười trừ.

Một hôm Triệu Văn Vương, húy là Hồ (10), xuất cung, thấy lão đang ca, liền dừng bước lắng nghe. Nghe một lúc, Văn Vương chau mặt rồi thở dài bỏ đi. Từ đó dân kẻ chợ cũng không thấy lão thuật sĩ xuất hiện.

Chú Thích :
1. Cao hậu: vợ Hán Cao Tổ. Cao hậu lấn quyền Hiếu Huệ hoàng đế, giải quyết mọi việc chính sự (từ 187-180 TTL).
2. Lục Giả: Sứ thần nhà Hán. Năm 196 TTL, Lục Giả sang phong cho Triệu Đà làm Nam Việt Vũ Vương. Năm 178 lại sang trách việc Triệu Đà tiếm xưng đế hiệu.
3. Chạ Chủ:
a. Tên thành:
-An Nam chí lược (ANCL) của Lê Tắc, quyển đệ nhất, mục cổ tích, viết về việc xây Loa Thành có ghi: "Việt Vương thành tục gọi là Khả Lũ."
-Việt sử tiểu án (VSTÁ) của Ngô Thời Sĩ viết: "Loa Thành còn có tên là Trung Quy Thành, người nhà Đường gọi là Côn Lôn Thành".
-Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) của Ngô Sĩ Liên và Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (KDVSTGCM) của sử thần triều Nguyễn đếu nói Cổ Loa còn gọi là thành Tư Long.
-Lịch sử Việt Nam (LSVN, 1983) của nhóm Phan Huy Lê viết "Khả Lũ đọc nôm là Chạ Chủ" (số liệu 32 ngàn hộ dân lấy ở cuốn trên). Chúng tôi mượn danh xưng này.
b. Năm xây - Hình dáng:
KĐVSTGCM (bản dịch của Viện Sử học): "Năm Bính Ngọ (255 tr.c.ng) Vua Thục đắp thành ở Phong Khê, rộng đến nghìn trượng, xoáy tròn như hình trôn ốc, nên gọi là Loa thành.". Trong phần dẫn sách ghi thêm: "Xoáy tròn chín vòng như hình trôn ốc"
Hiện nay chỉ còn di tích ba vòng khép kín, không cân đối, vì uấn theo dòng chảy của sông rạch, đó là thành Nội, Trung và Ngoại.
4. Cao Lỗ: tướng của An Dương Vương, có tài kiến trúc và chế nỏ. ANCL gọi là Cao Thông.
5. Đồ Thư: tướng nhà Tần, tử trận khi đem quân sang đánh Âu Lạc.
6. Hỏa Hồi: theo nhóm sử gia Phan Huy Lê, Hỏa Hồi là nhũng ụ đất cao để mai phục bắn nỏ, phóng lao.
7. Áo lông ngỗng (Nga mao). ĐVSKTT và VSTÁ ghi: "chăn (hoặc đệm) gấm (nhồi) lông ngỗng thường dùng để đắp".
8. Đánh Cổ Loa:
-Các bộ sử lịch triều như ĐVSKTT và KĐVSTGCM đều thống nhất: Năm Qúy Tỵ, năm thứ 50 đời Thục An Dương Vương, tức năm thứ 2 đời Tần Nhị Thế Hồ Hợi (208 TTL)
-Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải và Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cùng ghi năm 207 TTL
Như vậy theo 4 bộ sử trên, Triệu Đà chiếm Loa Thành trước khi Hán Lưu Bang diệt Tần.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên, phần Liệt truyện, thiên 113, Nam Việt úy Đà: "Triệu Đà chiếm Âu Lạc sau khi Cao hậu chết 1 năm" (Cao hậu chết năm 180 TTL).
Các nhóm sử gia sau này thường căn cứ vào niên đại trên:
-Nhóm Phan Huy Lê: 179 tr.c.n.
-Phạm Văn Sơn (Việt sử toàn thư): 180 TTL. Ở đây chúng tôi dựa theo tài liệu của Tư Mã Thiên.
9. ĐVSKTT: "An Dương vương chạy đến núi Mộ Dạ, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An"
10. Triệu Văn vương (137-125 TTL):
Theo một số bộ sử cũ thì Triệu Hồ là cháu nội Triệu Đà, hoặc rõ hơn: cháu Triệu Đà, con Trọng Thủy.
Riêng Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn xác định: "Văn vương húy là Hồ, cháu đích tôn Triệu Đà, con trai Trọng Thủy, Mỵ Châu" Không rõ dữ liệu trên tác giả lấy ở đâu. Viết truyện này, chúng tôi tạm mượn chi tiết do PVS dẫn, cho phù hợp với nhân vật.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com