Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



HÀ THÀNH  PHIÊU LƯU KÝ




R a Bắc hôm 1/5/2021, vợ chồng mình có chương trình rất cụ thể cho ba tuần như sau: Vui với con cháu, họp mặt anh em bà con họ hàng ở Hà Nội, bạn bè nhóm “TTST” (“trí thức suy thoái") nhóm CLB Nguyễn Trọng Vĩnh, nhóm Cánh Buồm và một số thân hữu để báo cáo việc thành hôn của Trang và Chi, sau một năm “sống thử” thấy OK, kẻo mang tiếng “cưới chui”!... Kim Chi đã lên kế hoạch ngày giờ, địa điểm “mấy mâm”” rất cụ thể…

Sau các sự kiện ở Hà Nội sẽ về quê Vũ La thăm họ hàng,  rồi ra Quảng Ninh thăm gia đình cô em và các cháu ở Bãi Cháy, Hồng Gai, rồi ghé thăm “đặc khu" Vân Đồn và du thuyền trên vịnh Hạ Long… Một cuộc du ngoạn được dự định sẽ rất lãng mạn, thú vị...

Thế mà cái con covid Vũ Hán tái bùng phát làm “bung”, “toang” hết cả kế hoạch của tụi mình.  Cuối cùng đành hoạt động du kích, phiêu lưu, mạo hiểm với con Covid Tàu và … quanh quẩn tại Hà  thành thôi!

Ngày 1/5/2021 

Chuyến bay mãi 02.30 chiều mới ra Hà Nội, về đến nhà, con gái Út Hà và các cháu ra đón. Chúng làm mấy món đặc sản, vẫn đợi ông bà về cùng ăn. Cảm động động quá!

Ngày 2/5 đến thăm cô Nguyên Bình trưởng nữ của Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, em kết nghĩa với KC. Nguyên Bình mới chuyển nhà về khu đô thị Ciputra, căn hộ hơn 100m2 rất đẹp và rộng, tiện lợi. Nhưng vợ chồng cô vẫn sống giản dị như xưa; vẫn còn có mảnh vườn để “tăng gia sản xuất", tự túc rau sạch...   

Chiều thăm cụ Nguyễn Khắc Mai, được cụ bà Băng Thanh, phu nhân Cụ thết món chè sen Huế thật tuyệt. Vui mừng nhất là Cụ Mai khỏe mạnh hồng hào. Mình trêu: Cụ mà đi quảng cáo thuốc “Thập toàn đại bổ” thì sẽ ăn khách lắm đó! Kể ra Cụ cũng liều, mấy tháng trước Cụ vào bệnh viện vì tim mạch có vấn đề khá nghiêm trọng, bác sĩ bảo phải đặt stent, Cụ không nghe. Hỏi, Cụ giờ sao rồi?  Cụ bảo, mình tập Pháp luân công, có “cải tiến" cho hợp với mình… Nay thấy bình thường rồi...

Vui quá, thấy hai Cụ khỏe mạnh và rất vui vẻ, ung dung… Cụ hẹn hôm nào chỉ có “bốn đứa chúng mình" đi nhà hàng Huế, Cụ chiêu đãi một bữa đặc sản Huế… 

  

 Ngày 3.5 tổ chức sinh nhật của con gái Út Hà rất vui. Có Yến và Hiền bạn học phổ thông của Hà đến dự. Rồi Hà Phương, bạn của Hà Phương và cháu Tú Anh. Lâu rồi mới có dịp họp mặt con cháu đông vui thế này.


Sáng 4-5 vợ chồng mình đi thăm cô Lân Tường Thụy, vợ của tù nhân lương tâm, Nhà báo tự do Nguyễn Tường Thuỵ, hiện đang trong nhà giam, chịu án tù 6 năm.    Bữa trưa được cô chiêu đãi món lòng lợn và món cháo lòng do tự tay cô làm, rất tuyệt. Mình bảo, cô Lân mở quán Lòng lợn, bún mắm tôm, Cháo lòng thì đắt khách phải biết! 

Mọi người bảo, Lân Tường Thuỵ đảm đang, nấu ăn ngon và hiếu khách lắm, bạn bè đã đến chơi là mời cơm với mấy món dân dã mà ai cũng rất thích.

Có cô Nguyên Bình, nhà giáo Vũ Mạnh Hùng và hai người bạn nữa cùng dự bữa ăn trưa đầm ấm, thân tình như anh chị em một gia đình. Một thứ tình người đẹp đẽ, tự nhiên đối với những người tù chính trị và thân nhân của họ, như mạch ngầm cứ lặng lẽ chảy trong lòng dân tộc hết từ đời này sang đời khác, hết chế độ cai trị này sang chế độ cai trị khác, như sự An ủi và niềm Hy vọng...    

Hỏi thăm tình hình anh Tường Thuỵ, biết anh sức khỏe đã khá hơn, thấy yên tâm. Cô Lân bảo, bận túi bụi với hai cháu nội và ngoại, rồi chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… thế mà mấy thằng công an cứ thỉnh thoảng lại đến canh gác. Có hôm đi chợ, nó bảo để cháu đưa cô đi. Cô đi đâu cứ bảo cháu đèo xe cô đi nhé.…  Nghĩ vừa bực lại vừa thương chúng nó… 

Kim Chi bảo, em đừng có dữ dằn, đối đầu với các cháu ấy làm gì. Chúng nó chỉ vì miếng cơm manh áo, theo lệnh trên mà phải làm vậy thôi…

- Vâng. Trước thì em tức lắm, có lúc chửi té tát vào mặt chúng nó. Nay thì em cũng thông cảm như chị nói...

Chiều 4 - 5 vợ chồng mình cùng cô Nguyên Bình đến thăm vợ con “Hùng Gàn”. Nhà Hùng ở ngõ 325 Kim Ngưu, rẽ vào con hẻm rất hẹp, hai bên tường cao; hẹp đến nỗi chỉ có thể đi … hàng một! Cho nên CA nấp ở hai đầu hẻm, chờ Hùng đón con đi học về là xông ra chặn lại, bịt miệng, xích tay, lẹ đến nỗi chung quanh không thể biết. 

Con hẻm đâm thẳng vào cửa nhà Hùng. Trên cửa căn nhà tồi tàn, có tấm biển đỏ trang trọng đề dòng chữ vàng nghiêm chỉnh: “VĂN PHÒNG ỨNG VIÊN ĐBQH LÊ TRỌNG HÙNG"... 

Nhìn vào căn phòng chật hẹp hơn 20 m2  của Hùng, chỉ có cái giá sách là nổi bật, còn mọi đồ đạc đều tuềnh toàng. Bất chợt liên tưởng đến bài  thơ VÔ CÙNG của Hoàng Nhuận Cầm, trong đó có câu: 

... “Tất cả chúng ta căn nhà chật chội
          Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi.
          Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
          Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi”!... 

Thương Hùng Gàn quá.

Vợ Hùng, cô Đỗ Lê Na ôm bé Bảo An ba tuổi trò chuyện rất tự nhiên. Cháu Bảo An lúc đầu nhút nhát, sau quen, cũng cười đùa...

Lê Na gọi cháu Bảo Minh từ trên gian gác xép xuống chào ông bà… Trông cháu giống bố Hùng, khỏe mạnh, bạo dạn, hoạt bát, chào hỏi lễ phép... Cháu bảo, cháu học lớp Bốn, nhưng bây giờ học online tại nhà… 

Kim Chi bảo, chụp tấm hình chung rồi để cháu đi học bài…

Lê Na bị khiếm thị từ nhỏ, nhưng có nghị lực và thông minh, nên học sư phạm, làm cô giáo dạy văn tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Lê Na từng có Thơ đăng trên báo. Chính Hùng rung động vì thơ của Lê Na mà đi tìm nàng để “cưa" bằng được. Tìm hiểu mối tình này, viết thành truyện sẽ hay lắm đó… Sao Hà Nội bao nhiêu nhà văn, nhà báo đến giờ vẫn im lặng nhỉ? 

Mình biết Lê Na phải rất giỏi về chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị, nhưng không hiểu cô đọc, viết FB thế nào, nên hỏi, Lê Na đọc, viết facebook làm sao?

- Dạ, smartphone của cháu có phần mềm đọc để máy viết và máy đọc bài cho mình nghe… nên cũng thuận tiện... 

Lê Na trò chuyện rất bình tĩnh, nhỏ nhẹ.  Cô bảo, anh Hùng nhà cháu rất tự tin. Tin rằng mình chỉ làm những việc ích nước, lợi dân thì không sợ gì cả. Anh nghiên cứu, phổ biến Hiến pháp, mua rất nhiều bản Hiến pháp để tặng cho dân. Trên giá sách đủ các loại tài liệu về Hiến pháp, Luật pháp... Anh bảo ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ đề xuất lập Tòa Bảo Hiến để bảo đảm cho Hiến Pháp được thượng tôn và thực thi trong đời sống… Cháu thấy chồng làm việc đúng thì mình là vợ phải ủng hộ chồng…

Mình trêu Lê Na: 

- Hùng nó đặt tên hai thằng con là Bảo Minh, Bảo An, đẻ đứa nữa nó sẽ đặt là Bảo Hiến đó!

Cả nhà cười. Lê Na cười, ai cũng bảo hai thằng giống bố như đúc, cháu chỉ “đẻ thuê” cho anh ấy thôi!

Kim Chi hỏi:  

- Nay an ninh có gây khó khăn gì cho ba mẹ con không?

- Trước họ làm dữ lắm. Họ đến đầy nhà, khám xét, lục tung mọi thứ trong nhà. Họ bảo cháu ký biên bản, nhưng bảo, tôi không nhìn thấy các anh làm những gì, lấy gì, nên không ký… Rồi họ canh gác, không cho người đến thăm; nay thì họ không canh nữa, nhưng phổ biến cho dân chung quanh thế nào đó để xa lánh và cản trở người đến thăm…

Nguyên Bình bảo, cái Nguyên con gái em lần trước đến thăm, gửi xe ở trước ngõ, họ nhận; lần sau họ không cho gửi xe vào nhà Hùng. Thế là nó đi xe về nhà, đi bộ sang. Nhà nó cũng gần đây nên hay chạy qua, chạy lại…

Kim Chi lại hỏi:

- Hùng bị bắt rồi, ai đưa Lê Na đi làm, đưa con đi học, chợ búa làm sao?

- Dạ, có chị ở trên nhà xuống và mọi người giúp đỡ, nhưng lâu dài thì rất khó…

- Từ ngày Hùng bị bắt có được thăm gặp không?

- Chỉ được gửi tiền, gửi đồ thôi, không được gặp. Không biết anh ấy giờ ra sao nữa!

Kim Chi động viên, an ủi Lê Na và trao chút quà của CLB Lê Hiếu Đằng và của vợ chồng mình cho Lê Na. Cô cảm động không nói lên lời.

Mọi người đều im lặng, nghẹn ngào, tràn ngập trong lòng tình cảm xót xa, thương mến, cảm phục…

Trên đường về, mình cứ nghĩ, đúng là thằng Hùng Gàn: Vợ mù, con thơ, nhà ổ chuột, đồ đạc tuềnh toàng, không lo làm giàu cho vợ con sung sướng lại đi lo “cho Dân cho Nước", còn ứng cử đại biểu Quốc hội, lo lập Tòa Bảo Hiến!    

Nhưng nghĩ lại, trên đời này có khối “thằng gàn". Có anh còn “đại gàn" bỏ cả bố mẹ, anh em, vợ con, quê hương đi tìm những cái mông lung mơ hồ, thế mà nên sự nghiệp. Xã hội có nhiều anh “Gàn" thì mới nên chuyện. Donald Trump cũng là anh chàng “Đại gàn" thời hiện đại đấy thôi.

Nhưng điều ám ảnh tôi mãi là hình ảnh đôi mắt đục mờ, ứa lệ của Lê Na khi cô ôm chặt bé Bảo An vào lòng và nói lời chia tay chúng tôi.

Hình ảnh đó khiến tôi có thể quỳ xuống, xin dâng lời cầu mong lên ông Trọng, ông Phúc, ông Chính, ông Tô Lâm: Hãy thả Lê Trọng Hùng ra để anh ta về sửa sang căn nhà tồi tàn, chăm sóc người vợ mù loà và hai đứa con thơ. Anh ta không có dao, súng gì để “chống phá" đe dọa các ông cả; anh ta chỉ có mở miệng ra thực hiện những quyền đã ghi trong Hiến pháp 2013. Các ông hành hạ những con dân tội nghiệp như vậy không đem lại điều gì tốt đẹp đâu. Hãy một lần để trái tim biết thổn thức trước nỗi đau của người dân khốn khổ.


Ngày 5/5/ 2021

Kim Chi liên hệ trước để vợ chồng mình đến thăm anh Nguyễn Quang Khuê, vì anh là Thầy hướng dẫn Thiền cho Kim Chi mấy năm nay, nhưng anh bảo: Không, tôi sẽ đến thăm vợ chồng Kim Chi chứ!

Tính Quang Khuê đã quyết là làm, không thay đổi được. Nhớ có lần anh kể, hồi 1980 đang là đại úy quân đội làm cán bộ kĩ thuật, trên bảo giao cho trọng trách mới, nhưng anh nhất quyết từ chối. Thế rồi bị kiểm điểm lằng nhằng, anh bực mình liền bỏ về, chả cần cái gì, kể cả lương hưu. Anh bảo không có lương hưu buộc mình phải lao động kiếm sống, càng giúp mình phát huy năng lực và bản lĩnh… Đấy, mấy chục năm qua, cuộc sống của gia đình mình cũng mỗi ngày một khá giả, tự do thoải mái, chẳng vướng bận gì...

 Kim Chi bảo, tình hình không tập trung được cả nhóm “TTST” thì anh mời vài người gần gũi đến uống rượu với anh Quang Khuê cho vui. Vậy là mình gọi được Thái Kế Toại, Nguyễn Quang A, còn mấy ông nữa mắc bận.  

Đại tá an ninh Thái Kế Toại với việc “giải cứu" những hệ lụy của vụ “Nhân văn Giai phẩm" đã ghi dấu ấn sâu đậm với giới văn nghệ sĩ và xã hội cũng như những hoạt động của TS Nguyễn Quang A thì đã quen biết với cộng đồng mạng từ nhiều năm nay. Còn anh Quang Khuê thì ít xuất hiện trên mạng xã hội ...

Thật cảm động, trời mưa tầm tã mà anh Quang Khuê, Thái Kế Toại trùm áo mưa, phóng xe máy lần mò trong xóm ngõ ngoằn ngoèo đến được tận cửa nhà mình. 

Quang A thì đi xe bus từ mãi Gia Lâm đến bến xe bên kia Cầu Giấy rồi đi bộ vào.  Chuyện Quang A đi bộ rất nổi tiếng. Đó là hồi nhà thờ Thái Hà tổ chức buổi thuyết trình về vấn đề Bảo vệ Nhân quyền mà Quang A là một diễn giả; CA ngăn chặn không cho Quang A đi xe ô tô, xe máy… Anh liền đi bộ. Mấy CA đi theo để ngăn không cho anh lên các phương tiện giao thông, nhưng anh cứ đi bộ mãi, đi càng lúc càng nhanh… Mấy chú CA không theo kịp, mệt quá bỏ cuộc. Thế là Quang A đi bộ từ Gia Lâm sang tận nhà thờ Thái Hà! 

 Kệ trời mưa. Có mấy bạn thôi, nhưng chuyện trò cũng chẳng ngớt và rượu ngon cũng say sưa…    

Chiều 5/ 5 Trang, Chi cùng với anh Quang Khuê đến thăm Trần Văn Thủy. Lão Thuỷ này rất “hâm”, bạn bè ai hoạn nạn là Lão xông đến ngay, hết lòng lo lắng… Nhưng khi Lão ốm đau, bệnh tật thì Lão nhất quyết không muốn ai đến thăm. Lão bảo gọi điện thăm hỏi là quý lắm rồi…      

Trò chuyện qua điện thoại thì thấy Lão bi thảm lắm: Năm 2020 Lão bị nhiễm trùng đường tiết niệu, rồi phải mổ u xơ tuyến tiền liệt và phải nằm BV mấy tháng trời; sang năm 2021 lại bị bệnh gì đó, Lão nói tên bệnh gì nghe như bệnh “lạ", Lão bảo từ Tết ta, nằm BV 2 tháng chỉ tiếp nước, sụt mất 7kg rồi… Nay về nhà chỉ ăn sữa với cháo... và không biết phải nhập viện bất cứ lúc nào! Lão bảo buồn lắm, vì mình mà vợ con khổ sở, “thất điên, bát đảo"!...

Kim Chi gọi điện rồi viết thư động viên, anh phải lạc quan lên! Vợ có cơ hội chăm sóc chồng là hạnh phúc; con được chăm sóc cha là có cơ hội báo hiếu… Sao anh cứ lo buồn vậy! Càng bệnh nặng càng muốn gặp bạn bè chớ, nhìn bạn, nắm tay bạn lần cuối cũng ấm lòng hơn chớ sao!

Anh Khuê bảo, Trần Văn Thuỷ là cái đinh gỉ gì! Cứ báo cho hắn, không đồng ý ta cũng cứ đến xem hắn ra sao! Anh phóng xe máy. Vợ chồng mình đi taxi. Anh Khuê là tay chơi xe máy có hạng. Nhà anh có chừng chục cái xe máy đủ loại, từ loại khủng nhất đến xe bình dân. Anh chỉ đi xe máy, phóng xe máy đi vài trăm km đường đèo núi là thường.

Ối giời ôi. Đến cổng đã thấy Trần Văn Thuỷ ra đón, cười hơi nhăn nhó, méo mó, nhưng có đến nỗi gì đâu. Trông mặt mũi, thần thái vẫn nhận ra rất giống bức tượng bán thân của Thuỷ đặt bên thềm nhà kia mà!

Cô Hằng phu nhân của Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thuỷ vẫn trẻ trung, xinh tươi, duyên dáng gái Hà Nội xưa, có gì mà xót xa kêu ầm lên “làm khổ vợ khổ con"! (Trộm vía, gái nuôi chồng ốm có phốp pháp hơn xưa tí chút!).     

Thấy Lão Thuỷ vậy, ai cũng sung sướng vui cười, chuyện trò rôm rả. Ở nhà bảo nhau đến chơi độ nửa tiếng rồi về kẻo Lão ấy mệt... Thế mà đến đây trò chuyện rôm rả đến ba tiếng, mà lão Thuỷ nói là chính, Lão càng nói càng hăng, càng hùng biện, quên hết bệnh tật… 

Nhưng rồi Lão lại tâm tư, bảo, mình: Anh hơn tôi mấy tuổi mà vẫn làm được khối việc ý nghĩa; tôi bây giờ không làm được gì nữa rồi, buồn, tiếc lắm... Lắm lúc nằm đếm từng giọt nước rơi xuống ống chuyền mà như đếm thời gian còn lại của cuộc đời!…

 Mình bảo, ông đừng nghĩ vớ vẩn thế. Đời người “tự diễn biến, tự chuyển hoá" vô thường. Từ những năm 1980 tôi còn u mê thì ông đã sớm giác ngộ, làm bộ phim “Hà Nội trong mắt ai", rồi “Người tử tế" gây chấn động nhân tâm còn gì. Đặc biệt phim “Phản bội" của ông vạch trần bản chất gian manh, lật lọng phản bội của Trung cộng với Việt Nam qua cuộc chiến biên giới 1979, rồi còn bao nhiêu phim tử tế nữa. Đời vậy là tuyệt lắm rồi. Mỗi con người như một ngọn nến để thắp sáng cho đời. Có cây nến lóe sáng rồi tắt; có cây nến cháy rừng rực một đoạn rồi ngừng; có cây nến cháy âm ỉ đến giọt cuối cùng mới tắt … Quan trọng là cây nến đã từng cháy sáng lên, chứ không nằm im trong bóng tối, chưa một lần cháy sáng mà đời đã tàn! Ông cứ bằng lòng với những gì mình đã hết lòng, hết sức để làm được. Chứ còn đủ thì biết thế nào là đủ!

Trần văn Thuỷ bảo, có một anh Việt kiều kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống mang tên “TỬ TẾ"; trong mỗi cửa hàng anh ấy đều có tấm biển, trang trọng viết dòng chữ lời bình trong phim Tử tế:

    “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…”

Đấy được thế còn gì nữa. Vừa nói mình vừa quàng tay lên vai Lão, ghì chặt và bảo, phải về thôi!   

   Trời mưa lác đác, bảo Lão tiễn khách đến thềm, không được ra mưa. Lão cứ che ô đi trước, dẫn mấy người ra tận hết ngõ xa mấy chục mét...    

  Sáng hôm sau gọi điện hỏi thăm, Lão bảo vẫn bình thường, không vấn đề gì. Đúng là “Thuỷ quái", Thuỷ Cinema, tưởng chết, rồi lại sống nguây nguẩy cho mà xem!    


    Ngày 7/ 5/ 2021

     Sáng sớm Nguyễn Xuân Diện gọi điện bảo, sáng mai mùng 8/5 đi viếng mộ Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Bên mộ Cụ còn một ô đất trồng cây để trống, chú xem mua cây gì nho nhỏ để trồng thì hay… Mình bảo, ồ thế thì may mắn quá. Cụ vẫn để dành cho vợ chồng mình một vinh dự đây!      

    Kế hoạch đi viếng mộ cụ Vĩnh, Kim Chi đã hẹn với Nguyên Bình và Xuân Diện từ trước. Kim Chi vốn là con đỡ đầu của Cụ Vĩnh, được Cụ rất yêu quý…  

   Sáng 7/5 mình sang bên Bưởi. Nhiều cây giống đẹp quá. Nhưng ngắm đi ngắm lại, mua một cây mẫu đơn nho nhỏ đã trổ hoa để mang đi dễ dàng và trồng cũng hợp cảnh, hợp tình… 

     Sáng 8/5 vợ chồng mình đợi ở Cầu Giấy, xe của nhóm đến đón. Cùng đi có Nguyên Bình, TS Nguyễn Xuân Diện, đặc biệt có cô Ngô Thị Hồng Lâm từ Sài Gòn ra. Anh Nguyễn Quang Khuê sẽ đi xe máy từ nhà ở Hà Đông thẳng lên mộ Cụ tại xã Đường Lâm, cách Hà Nội hơn 50km, thuộc về thị xã Sơn Tây.   

   Trong khi mọi người dọn dẹp, lau bia mộ, mình với Quang Khuê cặm cụi trồng cây. Chà trồng có cái cây bé xíu mà hai lão già chổng mông, đào đất toát mồ hôi…  Thế mới biết các vj lãnh đạo tài thật, chỉ đeo găng tay, gẩy vài xẻng đất, tưới tí nước … thế là đã trồng được cái cây to đùng, có cả cây cổ thụ 100 năm, rồi gắn tên vào. Tài đến thế là cùng!

 Thắp hương mộ Cụ Vĩnh lại thương Cụ bà Lê Thị Ban vẫn còn phải “sinh hoạt đảng bộ” tại nghĩa trang Mai Dịch; “nhà cửa” đàng hoàng thế kia mà vẫn chưa được về bên Cụ ông! (Cụ ông cuối đời rất tỉnh táo, dặn: Để tao ở nghĩa trang Nhân dân, cấm không đưa tao vào Mai Dịch! Quả thật đây là chuyện “lạ đời” ở xứ CHXHCN Việt Nam. Hiếm có cặp vợ chồng lão thành cách mạng cộng sản tiền bối nào mà hai người cùng được tiêu chuẩn an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, vậy mà lại cố thoát ra!).

Nhớ Cụ Vĩnh, không thể nào quên được hình ảnh vị Lão tướng, lúc nghỉ hưu, Cụ đứng hẳn về phía nhân dân, không ngừng “phản biện xã hội" ngày càng quyết liệt. Lúc Cụ 103 tuổi vẫn viết bài phản biện cuối cùng: Kiên quyết ngăn chặn không để Trung cộng làm đường cao tốc Bắc - Nam!  

Viếng mộ cụ Vĩnh xong, sang viếng mộ Sứ thần Giang Văn Mình - Người thà chịu chết chứ không để “thiên triều" làm nhục quốc thể.  Khi thi hài của Ngài được đưa về đến Kinh thành Thăng Long, “vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công, ban tặng câu: "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ)... 

Trong điếu văn của vua Lê có câu:

Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh.
     Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh.

Tức là: Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống. Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống” (Theo Wikipedia).

TS Nguyễn Xuân Diện tư vấn và góp công đưa Cụ Vĩnh về đây thật tuyệt vời. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh từng làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc suốt 13 năm (1974 - 1987) - giai đoạn quan hệ Việt - Trung căng thẳng nhất, phải đương đầu, ứng phó với bao nhiêu thử thách, hiểm nguy từ phía đối phương “vừa là đồng chí vừa là thù địch"... Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang một cách xuất sắc.

Giờ đây hai vị Sứ thần danh tiếng được ở bên nhau luận đàm thế sự, thì còn gì bằng!

Mỗi con dân đất Việt đến viếng hai Ngài cảm thấy như được tiếp thêm lòng tự hào và hồn thiêng dân tộc...

Trời mưa, mọi người phải trú ẩn một lúc. Tiếp đó đi viếng Đền và Lăng Ngô Quyền, cách đây chừng dăm km. 

Khi nói đến sử Việt người ta hay nhắc đến Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, rồi các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… mà ít nhắc đến Ngô Quyền. Phải nói vị vua đầu tiên dựng nền độc lập là Ngô Quyền chứ! 

“Ngô Quyền (chữ Hán: 吳權; 12 tháng 3 năm 898 – 14 tháng 2 năm 944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương (前吳王) hoặc Ngô Vũ Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. 

Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, trị vì từ năm 939 đến năm 944”. 

Ngô Quyền nằm trong danh sách mười bốn anh hùng dân tộc Việt Nam. Phan Bội Châu xem ông là vị Tổ Trung hưng của Việt Nam. (Wikipedia)

Sau khi Ngô Quyền mất, đất nước rơi vào cảnh loạn 12 sứ quân kéo dài hơn 20 năm, rồi Đinh Bộ Lĩnh mới dẹp loạn, lên ngôi....

Lăng và Đền Ngô Quyền đều nhỏ bé khiêm nhường ẩn mình dưới những tán cây xanh trong một không gian rộng lớn và yên tĩnh lạ thường, giữa vùng đất địa linh nhân kiệt…

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình trầm ngâm trong suốt thời gian viếng Đền và Lăng, rồi thổ lộ tâm tư: Cụ Ngô Quyền có công đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt nghìn năm bắc thuộc, mở ra nền độc lập, tự chủ cho đất nước, mà cái Lăng của Cụ bé tí, sơ sài thế này đây… 

Mình lại nghĩ thế này mới hợp cảnh hợp tình. Người xưa không có điều kiện xây những công trình hoành tráng, nhưng rất khéo léo tinh tế, xây lăng tẩm, đền, chùa nhỏ nhắn hoà quyện với cảnh quan thiên nhiên cây xanh, hồ nước, núi non...tạo thành một “quần thể kiến trúc” hài hoà… Cái thiêng liêng không phải ở những công trình đồ sộ mà ở hồn thiêng Nhân vật và sự kiện ẩn tàng trong những công trình lịch sử và trong lòng nhân dân...

Sau cuộc “hành hương" ý nghĩa, buổi trưa cả nhóm về nhà mình lúc hơn 12 giờ. Kim Chi đã đặt trước hàng vịt nướng gần nhà đem vào con vịt, mấy tô miến và mấy thứ đã chuẩn bị sẵn. Chai rượu ngon và mấy thứ thắp hương Cụ Vĩnh đem ra “thụ lộc”. Vậy là bạn bè có bữa trưa thật ngon miệng, vui vẻ, thân tình...


9/5/2021

Không ngờ Kim Chi bị cảm sốt và mất tiếng!

Hôm qua lúc đi viếng mộ Cụ Vĩnh bị mưa ướt sơ sơ, rồi lên xe máy lạnh khiến KC bị cảm lạnh. Ăn trưa xong thì sốt. Uống thuốc, xông, đánh cảm thấy hơi đỡ. Nhưng sau một đêm nằm phòng máy lạnh, sáng hôm sau mất tiếng hoàn toàn và sốt hơn 38 độ. Giữa lúc cúm tàu bùng phát mà lại sốt, ho thì cũng hơi sợ!

Nhưng mọi người vẫn bình tĩnh, tin là không phải cúm Tàu, vì ít ho và không tức ngực, khó thở, cảm nhận mùi vị vẫn rất tốt. Hơn nữa chuyện bị nước mưa, cảm sốt, mất tiếng thì KC đã bị vài lần tương tự rồi.

Mai Phương gọi về bảo, con cũng giống mẹ, bị cảm lạnh mất tiếng phải uống kháng sinh mới khỏi. Rồi Mai Phương chụp hình mấy loại thuốc gửi về, lại dặn ngậm quả Kha tử nữa. May quá mình đi đến hiệu thuốc thứ 4 thì có thuốc kháng sinh của Pháp như Mai Phương gửi mẫu về. KC uống thuốc đã đỡ một chút. Đặc biệt là hết sốt và ho. Như vậy càng tin không phải nhiễm covid- 19.

Ngày 10/5 Nguyên Bình đến chơi hỏi thăm sức khỏe KC và cho nhiều quà…

11/5 gọi cho chú Trịnh Bá Khiêm, chồng của TNLT Cấn Thị Thêu, nói là KC bệnh, không đến thăm gia đình chú như đã hẹn được. Tiện thì chú qua nhà chơi để trò chuyện tâm tình và nhận chút quà của CLB Lê Hiếu Đằng.

Vậy là gần trưa, chú Khiêm đến. Trời, cái xe máy cà tàng của chú buộc loằng ngoằng đủ thứ đồ nghề như dân du mục. Vợ và 2 con trai đang trong nhà tù, nhưng người đàn ông này rất điềm tĩnh, trên khuôn mặt sạm nắng rắn rỏi hiện lên đầy vẻ tự tin kiên định… Trò chuyện một hồi rồi mời chú dùng cơm trưa. Chú kể nhiều chuyện liên quan đến chính quyền thật bi hài. Mình bảo, bây giờ cả nhà trông cậy vào chú, chú phải bảo trọng đấy.

Chú bảo, em cũng quen những trò “đánh dưới thắt lưng của bọn nó rồi". Nhiều lần nó định chèn xe em để gây tai nạn đấy!...

Cuộc trò chuyện với Trịnh Bá Khiêm mình đã viết trong bài “CHUYỆN VỀ NÔNG DÂN CẤN THỊ THÊU" (mời xem tại đây: https://baotiengdan.com/2021/05/19/chuyen-ve-nong-dan-can-thi-theu/)

Ngày 13/5 TS Đinh Hoàng Thắng dẫn đến bác sĩ Ánh - một BS giàu kinh nghiệm, khám bệnh cho KC. Bác sĩ thăm khám và kết luận: KC bị cảm lạnh, viêm thanh quản rất nặng và lan xuống viêm phế quản, dùng kháng sinh như của Mai Phương là quá nhẹ, BS kê cho đơn thuốc và bảo mua cái máy xông thuốc trực tiếp vào họng, phổi sẽ hiệu quả nhanh hơn thuốc uống, thuốc tiêm… Trả tiền công, tiền xe đi về, BS nhất định không lấy. Chỉ biết cảm động và ghi ơn BS Ánh.

Sau khi uống thuốc và xông thuốc KC thấy đỡ hẳn… Lại còn vừa xông thuốc vừa học tiếng Anh hoặc chơi cờ caro với máy, chứ có chịu ngồi yên đâu!

Trong những ngày bệnh, KC vẫn giữ nếp sinh hoạt như thường ngày: Sáng dạy vệ sinh cá nhân rồi luyện khí công, học tiếng Anh, ngồi thiền 20 phút nhận tín hiệu và năng lượng phát đi từ anh Nguyễn Quang Khuê.

KC tin chắc không phải bị covid-19, nhưng cảm cúm cũng có thể lây bệnh sang mọi người, nên từ chối tất cả các cuộc mời họp mặt hay bạn bè bảo đến thăm… (Chỉ có Trang thì luôn luôn ở bên cạnh mà không sợ lây nhiễm!)

Dù đã thông báo như vậy nhưng mấy thằng cha ương bướng cứ nhất quyết đến thăm, “không có gì phải sợ"! Đó là “nhóm ba tên": Trương Dũng, Nguyễn Vũ Bình, Vũ Hùng (Tụ tinh thần).  Bọn này thông báo rồi sùng sùng đến nhà. 

Chuyện trò rôm rả một hồi, mình bảo, gần trưa rồi, gọi con vịt nướng, uống rượu cho vui nhé. Có chai rượu ngon đấy, vừa uống vừa trò chuyện… Ba cậu ok liền, rất tự nhiên, như bạn bè thân thiết lâu rồi, dù mình mới gặp lần đầu. Thì ra chẳng gặp mặt nhau, nhưng quen nhau, hiểu nhau trên mạng xã hội mà lại thân tình…

Tửu nhập, ngôn xuất, ba cậu kể đủ thứ chuyện, hoá ra có ba tên ngồi với mình thì hai tên đã từng đi tù vì “phản biện" là Vũ Bình và Vũ Hùng. Chuyện nhà tù kể ra nhiều trò dở khóc dở cười...

Chuyện chuyến thăm đột kích này Trương Dũng đã  tiết lộ hết trong bài “THĂM ANH CHỊ MẠC VĂN TRANG & NGUYỄN KIM CHI.” đăng trên FB Dũng Trương rồi. (https://www.facebook.com/truong.v.dung.73)

14/5 KC hết sốt, ho, mệt, đã nói được rõ tiếng, nhưng giọng khàn khàn. Có nhiều cuộc điện thoại, nhưng không để chi KC nói, vì đã nói là nói nhiều. Mình thành người phát ngôn của KC, quen thông tin ngắn gọn. Dù đỡ bệnh, nhưng cho đến những ngày 15,16,17,18, 19 KC chỉ ở nhà, chợ búa, cơm nước quanh quẩn cùng con cháu, từ chối mọi cuộc tiếp xúc.. Cả nhà và bạn bè đều vui mừng vì KC đã khỏe mạnh, mọi việc lại bình thường, chỉ mỗi giọng nói là vẫn còn “vịt đực “!

Cảm ơn ông bạn Đinh Hoàng Thắng, Cảm ơn BS Ánh và con cháu, bạn bè đã hết lòng quan tâm săn sóc trong những ngày KC bị bệnh.


12/5/2021

Tối 12/5  nhóm Cánh Buồm mời họp mặt tại nhà Mình Hà, bên Hồ Tây.  Kim Chi bệnh không đi được. Một mình mình đi sớm để dạo ven Hồ một chút.  Hơn 50 năm ở Hà Nội mình có thói quen khi thư thái hay lúc bế tắc chẳng biết làm gì, lại phóng xe ra Hồ Tây, Hồ Gươm đi dạo loanh quanh rồi ngồi thơ thẩn ngắm mặt nước hồ lăn tăn, nhìn cành lá đung đưa trước gió…

Sau những giây phút thư giãn như vậy, cảm thấy tâm hồn thư thái, tươi mới…

Tối nay một mình ngắm mặt hồ mênh mang tím dần, tím dần, quanh hồ vắng người… bỗng thấy cô đơn. Nhìn về phía sau thấy quán CỘNG Caphe lại nhớ hồi cuối năm 2019 đưa Kim Chi đi quay phim cảnh Hồ Tây; quay một hồi thì điện thoại hết pin phải vào quán cà phê này ngồi nhâm nhi cà phê, sạc pin và ngắm Hồ Tây ban chiều, chuyện trò miên man…

Rồi hai đứa tha thẩn đi dạo quanh hồ, lòng thấy bâng khuâng …

Mình nhớ đêm đó về viết mấy vần thơ ngô nghê gửi cho KC: 

   “Bên Tây Hồ
          Cơn gió chiều miên man
          Chiếc lá vàng bay bay rơi trên mặt hồ
          Mắt em chợt buồn 
          Bâng khuâng…
          Anh nắm tay em, nhìn lên bầu trời trong xanh 
          Nắng trong mắt em cười long lanh
          Sóng dâng mặt hồ mênh mang
          Bóng hình em ngập tràn trong anh” …

Mới đó đã gần 2 năm rồi. Giá tối nay có KC cùng ngồi đây nhỉ… Đang còn mơ màng thì Minh Hà gọi…

Nhóm Cánh Buồm tối nay họp mặt ở nhà Minh Hà, cánh tay phải của nhà giáo Phạm Toàn trong việc biên tập; Cô biên tập hầu hết sách giáo khoa Cánh Buồm. Minh Hà là BTV lâu năm của NXB Phụ Nữ, giàu kinh nghiêm, bản lĩnh, làm việc tình nguyện, say sưa hết lòng ủng hộ Cánh Buồm…

Bữa nay vắng mất mấy cô cậu gắn bó với Cánh Buồm, vì nằm trong vùng giãn cách xã hội. Hôm nay chỉ có Minh Hà, Thảo “Mít" trưởng nhóm Cánh Buồm Ô Xinh, Tuyết, Thủy và đặc biệt có Phạm Mai Hiền, con gái cưng của nhà Giáo Phạm Toàn.

Buổi họp mặt vẫn giữ truyền thống của Cánh Buồm, ăn uống giản dị, chuyện trò tự do thoải mái, không có “Chương trình nghị sự"...

Mấy em Cánh Buồm cho biết, trang ebook và website Cánh Buồm vẫn hoạt động bình thường; CLB Cánh Buồm Ô Xinh thuê địa điểm mới khang trang hơn, hiện vẫn duy trì 10 lớp: “Đồng Cảm, Tưởng tượng, Liên tưởng, Bố cục, văn nghị luận, đọc sách”… Nhưng hiện thời phải học online.

Điều đặc biệt là nhiều giáo viên đã qua Đại học sư phạm, đã dạy học lại có nhu cầu theo các lớp tập huấn “Phương pháp Cánh Buồm” do mấy em này tổ chức; nhiều phụ huynh muốn được giới thiệu, tìm hiểu sách Cánh Buồm. 

Thảo “Mít" bảo, mới đây anh Tấn giới thiệu sách lớp 9 Cánh Buồm ở lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp, họ rất ngạc nhiên và thích thú… Nghĩ, hay thật đấy nhỉ?

Các cô cậu vẫn tiếp tục “âm mưu" với dự án lập trường tư thục Cánh Buồm và nhiều dự án âm thầm khác nữa. Vẫn theo kiểu Phạm Toàn là cứ lặng lẽ việc mình mình làm, làm đúng, làm tốt sẽ được cuộc sống chấp nhận…

Có chuyện bi hài: Mấy nơi trước đây dạy theo sách Cánh Buồm, nay thì phải dạy sách Cánh Diều mà theo phương pháp Cánh Buồm; có nơi vẫn dạy chui sách Cánh Buồm!... Thì trước Đổi mới vẫn “khoán chui” mà! Cái nước mình thời nay nó vẫn vậy đó!

Mình bảo các em phải đánh giá kết quả học tập ở học sinh, xem khả năng Đọc, Viết ra sao, những sản phẩm của “Đồng cảm", “Tưởng tượng", “Liên tưởng", “Bố cục"... biểu hiện ra thành sản phẩm hoạt động như thế nào. Những tư liệu đó phải lưu giữ cẩn thận để xuất bản; khi xuất bản thành sách mới có giá trị khoa học và quyền bản quyền. Nhớ giữ cẩn thận và đừng dễ dãi trao những tư liệu đó cho người ngoài …

Trong cuốn sách TÂM LÝ LỨA TUỔI VÀ GIÁO DỤC mình có nêu ra mấy phương pháp dạy học hiệu quả của Cánh Buồm, có mấy hình ảnh học sinh “hội thảo cuối năm"… Đó cũng muốn khẳng định những phương pháp này của Cánh Buồm đã được ghi vào sách tâm lý học…

Trên đường Mai Hiền đưa mình về nhà, hai chú cháu ngồi trong  xe chuyện trò mãi. Mình bảo, Cụ Toàn sướng nhất là Cụ ra đi rồi nhưng có những bạn bè, nhất là các đồ đệ trung thành, tiếp nối sự nghiệp của Cụ, đưa thành quả của Cụ tiếp tục sinh sôi nảy nở trong cuộc sống…


15/5 /2021

TS Đinh Hoàng Thắng rủ đi “Cà phê thứ bảy với anh em”... Đinh Hoàng Thắng là cán bộ ngoại giao, từng làm Đại sứ tại Hà Lan, nhưng từ hình dáng đến phong cách rất dân dã, tự nhiên, gần gũi, nhiệt tình, thật dễ mến. Mình đã quen ĐHT từ mùa hè 2017 khi gặp nhau tại Hội thảo ở Hungary, từ đó đến nay ĐHT vẫn thế…  

Sau khi nghỉ hưu, ĐHT càng say sưa tham gia nghiên cứu với nhiều tổ chức phi chính phủ. Anh là con người làm việc hăng say, năng nổ, hình như không hoạt động không chịu được. Anh có nhiều bài viết không chỉ về quan hệ quốc tế mà cả các vấn đề  Chính trị, Kinh tế, Xã hội… Anh có thói quen, viết xong bài nào đó có tính phức tạp, thường gửi cho bạn bè “xin ý kiến"... Những bài viết của ĐHT thường rất mạch lạc, hệ thống và phong phú sự kiện...

Thì ra sau khi tốt nghiệp đại học  Khoa Quan hệ quốc tế ở Hungary, anh đã làm tiếp Luận án Tiến sĩ với đề tài: “Phân tích hệ thống (rendszerelemzés) như một vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu quốc tế”... 

Anh bảo, ngày nay, “tư duy hệ thống” đang nhường bước cho “tư duy phức hợp”, nhưng khi tham gia nghiên cứu các vấn đề phức tạp và gay cấn như vấn đề Biển Đông, vấn đề quan hệ Mỹ -Trung và an ninh khu vực…. cách tiếp cận theo phân tích hệ thống vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự…

Đến địa điểm cà phê thì gặp nhà văn Nguyên Bình,  PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam - Vusta), cụ Trần Đình Hiến...

Chà, Cụ Hiến 89 tuổi mà nom rất gọn gàng nhanh nhẹn. Nghe nói Cụ nghiên cứu về Trung quốc  hơn 50 năm, từng làm phiên dịch cho Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông. Cụ dịch hàng chục cuốn sách từ tiếng Trung sang tiếng Việt. Riêng sách của Mạc Ngôn đã có 5 cuốn: “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình”, “Cây tỏi nổi giận”, “Tửu quốc”, “Rừng xanh lá đỏ”...   

Đúng là sinh hoạt kiểu “cà phê”. Mỗi người gọi một ly đồ uống rồi vừa nhâm nhi vừa trao đổi đủ mọi chuyện trên đời. Ai có chuyện gì hay thì đem ra nói, rồi mọi người trao đổi, có khi tranh luận khá sôi nổi… Rất vui là có dăm bạn trẻ không chỉ ngồi ‘hóng" chuyện, mà rất ham hỏi và hay  “ý kiến”...

Nào là vấn đề chống covid 19 trong tình hình mới nên thế nào; chuyện giải quyết vacxin ngừa covid-19 ra sao; vấn đề Trung Quốc tập trận ở biển Đông; sôi nổi nhất là chuyện chính phủ mới của thủ tướng Phạm Minh Chính có gì mới…

Mình hỏi Cụ Hiến, liệu chính phủ của ông Chính đối với Trung Quốc thế nào Cụ ơi?

Cụ bảo: Về kinh tế thì ta vẫn phải tăng cường thông thương làm ăn với Trung Quốc, nhưng mà phải luôn luôn cảnh giác. Bài học của ông cha ta là khi nó xâm lược thì đánh cho tơi bời; đánh xong rồi lại sang triều cống, xin hòa hiếu… Vậy đó! Những người lãnh đạo Trung Quốc họ kiêu căng, sĩ diện lắm. Đừng làm họ mất thể diện. “Thằng” Đài Loan trát bẩn đầy mặt nó rồi, mình không nên làm nó bẽ mặt nữa!...

Nói xong Cụ ra ngoài châm thuốc lá hút rồi bảo, tớ về đây! Cụ vẫn nhanh nhẹn lắm.

Mình bảo anh Giao, Viện PLD của anh làm được nhiều việc hay đấy. Nào là tổ chức các cuộc  hội thảo về Đặc khu kinh tế, về BOT, về Biển Đông, nhất là sự kiện gây tiếng vang ở trong và ngoài nước là cuộc hội thảo khoa học về vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế tổ chức tại Hà Nội vào hồi  tháng 10/2019… Cuộc ấy mới đúng là “hội thảo khoa học", thu hút bao nhiêu chuyên gia từ đủ mọi phía, ý kiến khác nhau, tranh luận sôi nổi, nhưng tất cả đều một lòng yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia… 

Sau cuộc hội thảo đó, Anh hùng, Thiếu tướng Lê Mã Lương và GS Chu Hảo bị lôi ra VTV1 đấu tố là “Kiêu ngạo cộng sản"(?). Nghĩ lại ai cũng buồn cười. Đang chuyện lên án Trung cộng quậy ở bãi Tư chính, bị quy ra “kiêu ngạo CS"! Hi hi!!

Chuyện tếu một lúc, mình  lại hỏi anh Giao, Viện anh sắp tới làm gì?

Anh bảo, nhiều vấn đề lắm. Nhưng trước mắt tập trung vào nghiên cứu một số vấn đề về cải cách thể chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế, nhất là đi sâu vào một số chuyên ngành như phát triển nông nghiệp hiện đại; môi trường và phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế 4.0; vấn đề cải cách hành chính phân cấp phân quyền cho địa phương, cho các ngành… Rồi vấn đề về chủ quyền an ninh quốc gia tùy tình hình, diễn biến của các sự kiện mà tổ chức luận đàm … 

Phương thức hoạt động chủ yếu là nghiên cứu, tư vấn độc lập của các chuyên gia, phát hiện vấn đề, tổ chức tọa đàm trao đổi để tìm ra giải pháp phù hợp rồi kiến nghị với nhà nước…

Mình bảo, hay quá, vậy là các anh chủ yếu “khai Quan trí”, còn như CLB Lê Hiếu Đằng thì có lẽ chủ yếu “khai Dân trí” thôi!

Anh ĐHT bảo, anh Trang giới thiệu vài nét hoạt động và kinh nghiệm của CLB Lê Hiếu Đằng xem sao?  

Mình bảo, anh Lê Thân Chủ nhiệm CLB đã ra Bắc gặp các anh học hỏi trao đổi kinh nghiệm rồi còn gì.  Tôi mới tham gia sinh hoạt với CLĐ, kiểu vui “đâu chầu đấy" đi cùng bà xã cho vui. Tôi thấy CLB đó tập hợp chủ yếu các cựu cán bộ hoạt động trước đây và những người quan tâm, gọi là các “thân hữu”. Mỗi tháng họp mặt cà phê một buổi vào 25 hàng tháng tại 1 địa điểm, công khai, đàng hoàng, không có gì e ngại cả. Bởi vì CLB tập hợp những người đàng hoàng tử tế, toàn bàn chuyện ích nước lợi dân, góp ý cho chính quyền, chứ có ai bàn “chống phá nhà nước” đâu mà sợ.

Các anh chị ở đây hầu hết là những chuyên gia nghiên cứu các lĩnh vực chuyên sâu của các Viện, Trung tâm của Nhà nước hay các tổ chức NGO… “Các sĩ phu Bắc Hà nhiều lý luận" nên hay bàn, góp sâu về lý luận!

Còn CLB Lê Hiếu Đằng chủ yếu là thấy vấn đề gì bức xúc trong kinh tế, xã hội thì thảo luận và lên tiếng, kiến nghị giải pháp. Ví dụ gần đây, như vấn đề giải pháp cho Đồng bằng Sông Cửu Long; Vụ án Hồ Duy Hải và yêu cầu cải cách Tư pháp; vụ án Đồng Tâm và những sai lầm của Đảng CS đã không  “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo", mà làm ngược lại!; vấn đề dân oan và cải cách Luật đất đai; vấn đề CA đưa tù nhân lương tâm vào BV Tâm thần v.v…

 Gần đây CLB có thảo luận và thống nhất “Thổi bùng lên ngọn lửa Phan Chu Trinh", các hoạt động hướng vào Khai dân trí, Chấn dân khí, quan tâm vấn đề dân sinh. Không bàn lý thuyết nhiều mà bàn phải làm gì? Làm như thế nào?

Có người nói “Dân trí VN chưa bao giờ cao như ngày nay, dân khí thì thể hiện chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu đó thôi; dân sinh thì đời sống được cải thiện; vấn đề là giải quyết Dân chủ thôi"!

Nhưng mọi người thấy đấy, “Quan trí” toàn GS, TS, cử nhân nhưng nhiều người soạn mấy cái văn bản còn ngớ ngẩn, nói những câu như tâm thần, lối sống thì mê tín, lạc hậu; “Quan khí" thì bị dân cho là HÈN với giặc, ÁC với dân, đấu tranh nội bộ, tố cáo tham nhũng, sai phạm thì im lặng; làm sai, có lỗi không dũng cảm nhận lỗi…

Còn “Dân trí” thì bao nhiêu quyền của công dân ghi trong Hiến pháp, Pháp luật không biết; nạn mê tín dị đoan, mê muội tràn lan;  “Dân khí” thì bao nhiêu phần trăm dân dám lên tiếng trước những bất công phi lý? Bao nhiêu phần trăm dám lên tiếng, biểu tình chống giặc nội xâm, giặc ngoại xâm? Bao nhiêu phần trăm dân dám lên tiếng ủng hộ các dân oan?... Nói chung vấn đề Dân trí, Dân khí, Dân chủ, Nhân quyền… cần có những giải pháp đẩy mạnh đồng thời với vấn đề cải thiện Dân sinh… Mà phải kiên nhẫn, kiên trì, phi bạo lực...

Mấy anh chị em phát biểu cũng cho rằng CLB Lê Hiếu Đằng hoạt động như vậy là đúng hướng.  Hiện thực hoá tư tưởng của cụ Phạn là một công cuộc cách mạng sâu xa từ văn hoá, giáo dục, khoa học, đời sống…

Nhà văn Nguyên Bình bảo, đọc cuốn “Thiện đàn và Giáng bút" của TS Nguyễn Xuân Diện mới thấy các cụ ta ngày xưa hoạt động xã hội dân sự rất đa dạng, phong phú. Nghĩa là cuộc sống có nhu cầu thì các hội đoàn, tổ chức sinh ra để đáp ứng những nhu cầu của xã hội thì thành xã hội dân sự, chứ có gì đâu… 

Thế rồi buổi sinh hoạt kết thúc vui vẻ ...

P/S: Rất tiếc hôm đó mình không chụp được hình, nên đành lấy hình cũ của các nhân vật:

 

* Hình 1: TS Đinh Hoàng Thắng;  * hình 2: Cụ Trần Đình Hiến; 
* hình 3: PGS TS Nguyễn Ngọc Giao trong Hội thảo về Bãi Tư Chính;  * hình 4 Cô Nguyên Bình ngồi với Mạc Văn Trang sau Hội thảo ở Hungary, 2017)


20/5/2021 Đến chơi nhà vợ chồng Lê Vũ Khánh 

Mình mến Lê Vũ Khánh từ hồi ở Viện Dạy nghề, rồi Viện ĐH&GDCN. Chưa ra Hà Nội, Khánh đã hẹn, khi nào ra Hà Nội vợ chồng em mời anh chị đến nhà chơi; còn nếu vào Sài Gòn vợ chồng em sẽ đến thăm anh chị … Chả là vợ em rất muốn gặp chị Kim Chi trò chuyện và muốn học chị… nhịn ăn 7 ngày! Không chỉ thế đâu, còn nhiều chuyện khác nữa cơ… 

Vậy mà cứ trắc trở mãi.

Hôm 9/5 cuộc họp mặt “Hội 106” tức ACE Viện Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp cũ, vợ chồng mình dự định sẽ gặp bạn bè ở đó, trong đó có Lê Vũ Khánh, nhưng bị hoãn vì con Covid!

Sau đó sếp Khuê và em Hoè rất tận tình, bảo sẽ tổ chức gặp mặt hẹp với anh chị cùng GS Đường, GS Lãm và mấy người, trong đó có vợ chồng Khánh… Nhưng rồi cũng không được. (Đây là sai lầm của em Hoè đấy nhé, lại cứ đi kiếm các nhà hàng, trong khi lẽ ra kéo về nhà Khánh, hay nhà ai đó là ok). Sau đó bà xã mình bị bệnh hơn 10 ngày, mãi 20/5 mới hẹn Khánh đến đón được. 

Chà cậu Khánh này oách thật: Có xe hơi, nhà lầu sang trọng, vợ đẹp, con khôn (hai con gái học giỏi một đứa ở Canada, một đứa ở Anh). Hai vợ chồng nó bảo phải bán nhà đi, chứ to rộng quá chả cần gì! Cuộc đời cũng hay nhỉ: Ra sức phấn đấu chết thôi, xây cái nhà rõ to đẹp, rồi lại bán đi chia tiền cho con… Mà chúng nó có cần đâu!

Chuyện trò một hồi rồi phải vào chủ đề chính là nói về nhịn ăn thế nào. Mình bảo Kim Chi vẫn khản tiếng để mình nói thay. Mọi chuyện chi tiết đã viết trong bài “XONG NHỊN ĂN 7 NGÀY" đăng trên FB, bạn đọc kỹ và làm theo đó. Chỉ còn kỹ thuật “luyện khí công" thì KC làm mẫu cho các bạn ghi hình các động tác là ok.

Về tác dụng, như KC nói, trước đây hồi hơn 40 tuổi, có u xơ tử cung to như quả trứng gà, BS Phượng bảo phải mổ, nhưng KC hãi không mổ. Và nghệ sĩ Bạch Tuyết hướng dẫn nhịn ăn 7 ngày, siêu âm  thấy u nhỏ đi; nhịn tiếp 7 ngày nữa, vào siêu âm thấy u xơ hết. Bác sĩ Phượng ngạc nhiên, nhưng bảo, đó là vấn đề khoa học, có thể hiểu được. 

Năm 2012 KC bị sưng cánh tay trái rất lớn, không mặc vừa tay áo, chữa cả Đông, Tây y ở Hà Nội hơn một năm không khỏi. Vào Nam theo lớp của Thầy Phạm Văn Chính nhịn ăn 7 ngày, thấy cái tay sưng dẹp được 80%, nhịn tiếp đến ngày thứ 13 thì tay như bình thường… Từ đó đến nay có vài lần ăn phải cá ngừ, dị ứng sưng tay, lại nhịn ăn là khỏi...

Tin rồi thì học kỹ thuật “luyện khí công” nhé. Thế là KC “thị phạm” mấy động tác còn vợ chồng Khánh vừa chăm chú quan sát vừa ghi hình…  

Có tin mới đây: Cô Hoàng Hà gọi điện cho biết, cô đã nhịn ăn xong 7 ngày như cách của KC, giảm được 3,5 kg và cảm thấy rất nhẹ nhõm, khoan khoán, khoẻ mạnh...

Trưa vợ chồng nó chiêu đãi một bữa thịnh soạn, ngon và lạ nhất là rượu Nếp Cẩm sản xuất công nghiệp như rượu vang. Hương vị rất đặc biệt. 

Thực hiện nhịn ăn  thế nào thì gọi điện cho biết nhé.


22/5 Vợ chồng chú Biên, con ông Chú và vợ chồng cậu Dự, em cô Thuận đại diện họ nên Nội và bên Ngoại đến chơi ăn cơm với anh chị để chị dâu Kim Chi “ra mắt"! “Âm mưu” là mời ba mâm họ hàng anh chị em ở Hà Nội cơ đấy, nhưng mà nay chịu. Quê Vũ La cũng không về được. Ra Quang Ninh thăm vợ chồng cô em và mấy cháu cũng phải huỷ… Vợ chồng hai em Oanh - Biên mời đến nhà chơi ăn cơm, nhưng anh chị cũng không đi được. Các em đều thông cảm.

Vậy thì bà con anh em họ hàng cũng lượng thứ nhé. Nhớ anh em con cháu họ hàng lắm đấy. Không biết bao giờ mới gặp nhau. Không gặp được thì nhớ đến nhau, thăm hỏi nhau, nghĩ tốt về nhau là quý rồi. Vậy nhé.

Dù mình đi đâu, ở đâu thì quê hương Vũ La, bà con, hình ảnh đồng ruộng, xóm làng, lịch sử quê hương vẫn trong tâm tưởng.

Mình cũng đã đến thắp hương GS Phan Đăng Nhật trước bàn thờ Cụ tại tư gia. GS Phan Đăng Nhật là nhà nghiên cứu Văn hoá dân tộc, nhưng cuối đời lại tìm về gốc họ Mạc và dồn hết tâm sức nghiên cứu về các vua nhà Mạc, nhất là thời kỳ Cao Bằng và Hậu Cao Bằng. Cụ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam và tận tâm, tận sức đóng góp cho dòng họ. Cụ luôn tin cậy mình là “cánh tay đắc lực” của Cụ và chia sẻ biết bao tâm tình…

Ngày Cụ về với Tổ tiên, mình từ trong Nam chỉ có thể bái vọng Cụ và cầu chúc Cụ về miền Cực lạc. Nay đến ngôi nhà trống vắng, hai Cụ đều đã ra đi, lòng biết bao lưu luyến… Rất may Cụ có con rể TS Chu Xuân Giao cũng là nhà nghiên cứu Văn hoá để tiếp quản di sản đồ sộ của Cụ. Vậy là Cụ có thể yên lòng.

Thì ra Xuân Giao vẫn đọc FB của mình, nên biết mọi chuyện và bảo, mối tình của Cô Chú rất đẹp, truyền cảm hứng cho bọn chúng cháu. Muốn đến thăm Cô Chú, nhưng bệnh dịch thế này, cháu gửi lời thăm Cô Kim Chi…

Đương kim Chủ tịch HĐMTVN Thái Khắc Việt, cháu Phan Đăng Thuận cũng gọi điện hẹn gặp nhưng giữa thời dịch bệnh, lại vội quá, đành “gặp nhau online"! Còn nhiều anh em họ Mạc: Phạm Hùng, Bùi Trần Tuấn, Phan Đăng Long, Hoàng Minh Tuấn, Phan Mạc Tuấn, Hoàng Gia Cương, Nguyễn Đăng Quang … rất thân thiết mà không gặp nhau được.

Hẹn cuộc ra Hà Nội lần tới nhé.


23/5/2021 

Đúng ngày “Hội toàn dân nô nức đi bầu cử" thì mấy cô em hẹn kéo đến thăm Kim Chi, chúc mừng chị đã khỏi bệnh… Mấy Cô lại rủ mấy Anh nữa, vậy là đến 7 người. Mình bảo KC, dưới 10 người là không vi phạm quy định. 

KC có thói quen, bạn bè đã đến chơi là phải dùng bữa cùng nhau mới tình cảm và có cơ hội chuyện trò thân tình hơn… Vậy là chuẩn bị đơn giản thôi. Nhưng các bạn đem  mấy thứ đến thành ra rất thịnh soạn…

Vợ chồng Nguyên Bình đến đầu tiên. Rồi Bích Phượng, Cẩm Hường...  Hoàng Hà đến và bảo, hai thằng công an nó đưa em đến đây đấy.  Hôm nay bầu cử, nó gác cửa. Em ra, nó bảo cô đi đâu cháu đưa đi, cô không được tự đi… Vậy là em bảo, đưa cô đến địa điểm này. Một thằng chở em, một thằng đi kèm đằng sau. Vừa đi, vừa nghĩ cứ buồn cười. Ngày trước em tức lắm, bây giờ kệ chúng nó, việc nó nó làm, việc mình mình làm. Nó chở mình đi càng đỡ tiền xe ôm...

Một lúc thì Lân Tường Thuỵ đến. Cũng hai công an một chở, một đi kèm. Bích Phượng đã viết status: Công an quận Thanh Xuân kém quá. Lâu nay công an quận Tây hồ có canh gác em với chị Nguyên Bình nữa đâu. Vậy mà Thanh Xuân vẫn canh gác hai bà già này là sao? Anh bạn Viễn và Phan Khang lại đến sau chị em nhé!

Bạn bè đến đủ rồi, mình ra ngoài khép cửa lại, thì cháu gái hàng xóm bảo, ông ơi, có mấy thằng công an nó rình nhà ông đấy. Ông chụp hình nó bêu lên mạng đi ông…

- Đâu, để ông ra xem nào…

Vừa lúc đó thì anh Khôi ở Cục An ninh nội địa gọi điện bảo, biết tin hai bác ra Hà Nội, nhưng covid dữ quá không đến thăm hai bác được… Sổ tiết kiệm của bác gái đã mất, có lấy được tiền không? Bác đã đi bầu cử chưa?...

Mình bảo, Tổ trưởng nói mình có hộ khẩu ở đây, sẽ làm danh sách bổ sung, mời đi bầu. Nhưng mình từ chối vì ở Nam ra, không biết ai vào ai. “Không biết, không bầu", như phương châm của ông Chu Hảo!...Rồi mình bảo, hôm nay có mấy bạn đến thăm bà xã mình, mấy công an đang canh ở cửa là sao? Anh Khôi bảo, sao lại thế? Không có chuyện đó đâu bác ơi....

Mình nhìn ra, thấy 4 cậu mặc thường phục, tuổi tầm 23 - 24, ngồi xổm ngay trước ngõ, mắt dán vào điện thoại, trông rất tội nghiệp… Mình bảo, này các cậu, sao lại canh cửa nhà tôi thế này?

- Dạ, không… Chúng cháu chở mấy cô đến đây và chờ…

- Các cậu không phải chờ, không phải canh. Các cậu có biết anh Khôi trên Cục ANNĐ không? Anh ấy vừa gọi điện thăm tôi, số điện thoại của anh ấy đây… Cậu tên gì, đơn vị nào? Tôi hỏi anh Khôi xem các cậu canh thế này có đúng không nhé… Mấy cậu lúng túng, một cậu bảo, không chúng cháu chỉ đợi mấy cô thôi…

- Vậy các cậu được tự do, về đi. Chiều các cô ấy mới về, sẽ gọi xe ôm. Các cậu ngồi thế trông tội nghiệp, phản cảm lắm… 

Một cậu gọi điện, chắc là báo cáo với sếp, rồi cả nhóm lặng lẽ rút đi…

Cô bé hàng xóm, ông ơi chụp đi không chúng nó đi mất.

- Mấy cậu ấy đẹp trai đấy. Ai lại bêu nó lên phây. Biết đâu nay mai cháu lại chả chôm một thằng!

- Ông này! Cháu không bao giờ thèm công an nhé. Bọn nó bây bửa lắm.

- Ghét của nào Trời trao của ấy cho mà xem, cô bé xinh đẹp ạ. Công an cũng nhiều anh đẹp trai,  tử tế, học giỏi siêu lắm đấy! … Rồi có lần cháu gặp cướp, có anh công an quên mình, lao ra cứu cho mà xem… Hi hi!...

Trong nhà thì đang ồn ĩ. Người ta bảo hai người đàn bà và một con vịt là thành cái chợ. Úi chà, nhà mình lúc này những 6 người đàn bà và 2 con vịt … nướng cơ mà! Công nhận mấy chị em rất tình cảm, gặp nhau là ôm chầm lấy nhau, chuyện trò tíu tít, ríu rít… Mọi người ai cũng nhắc đến Thuý Hạnh, Đoan Trang với biết bao thương nhớ, lo âu…

Tự nhiên hình thành hai bàn: Bàn trên 6 chị em ngồi với nhau không uống rượu; còn 4 anh “lực điền” ngồi bàn dưới tha hồ cụng ly…

Bên ngoài đình làng thì nô nức dân đi bầu và cuộc Bầu cử chắc chắn thành công rực rỡ! Bên trong nhà mình thì anh chị em nâng cốc chúc nhau khỏe mạnh, an lành! Hôm nay quả là một ngày đặc biệt!

Lại thêm niềm vui nữa, khi vợ chồng nhà văn Thiên Sơn tức Xuân Hoàng cũng vợ là cô giáo Anh văn Thanh Thuỷ đến thăm.

Hai vợ chồng Thuỷ - Hoàng từ thuở hàn vi có nhiều kỷ niệm sâu nặng với KC,  tình nghĩa đó gắn bó hai bên thật đáng trân quý. Tết nào hai vợ chồng Thuỷ - Hoàng cũng gửi lời Chúc mừng và quà cho Kim Chi; vào Sài Gòn dù vội chỉ có hai ngày cũng tranh thủ đến thăm vợ chồng mình… Tình cảm thân thiết như gia đình.

Ngắm Xuân Hoàng không có vẻ gì là nhà văn Thiên Sơn cả: Râu tóc gọn gàng, ăn mặc chỉn chu như một công chức nhà nước; nói năng nhỏ nhẹ, nghiêm túc, tác phong chừng mực... Vậy mà Thiên sơn đã xuất bản ba bốn tập Thơ, mấy truyện Thiếu nhi, Truyện ngắn, đặc biệt anh đã xuất bản 5 cuốn Tiểu thuyết, trong đó cuốn “Đại Gia” (2 tập) và cuốn “Gió bụi đầy trời" gần 500 trang... 

Mình đang đọc dở cuốn “Gió bụi đầy trời" thấy rất hấp dẫn. Đây là cuốn Tiểu thuyết viết về những biến động lịch sử vô cùng phức tạp, gay cấn của Việt Nam, giai đoạn 1945 - 1946. Tác giả đã có cái nhìn khách quan về các nhân vật lịch sử và mô tả với thái độ chân thực, khác hẳn cách viết sử, dạy sử của ta lâu nay: Ta chính nghĩa - Địch phi nghĩa; Ta mưu trí, dũng cảm -  Địch ngây ngô, hèn nhát; Ta nhân đạo - Địch tàn ác; Ta thắng lợi vinh quang - Địch thất bại nhục nhã… Không! Nhà văn cho thấy Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, …, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… tất cả họ đều thiết tha yêu nước, thương dân, lo lắng cho vận mệnh dân tộc, nhưng với quan điểm, đường lối, cách thức khác nhau với tính cách khác nhau của mỗi nhân vật… Cuốn tiểu thuyết khiến ta nhìn lịch sử khách quan, đa chiều, mở rộng không gian suy nghĩ và cảm nhận lịch sử một cách sâu sắc hơn. Dạy và học sử đọc thêm những cuốn sách như thế này hết sức bổ ích.

Còn cô giáo Anh văn Thanh Thuỷ mảnh mai, dịu dàng mà quá giỏi. Hai vợ chồng và hai con mới dọn về căn hộ mới mua, nhưng vợ chồng mình chưa đến chúc mừng tân gia được. Hẹn dịp sau nhé.  

Những ngày tháng 5 ở Hà Nội, dù dịch covid đe doạ, luôn phải giữ gìn, cảnh giác, nhưng bất chấp tất cả những điều đó, bạn bè vẫn luôn tìm cách gặp gỡ, thăm hỏi với bao tình cảm thân thiết. Có một chút mạo hiểm, đời càng Đẹp thêm!  


25/5/ 2021  

Đã book vé MB về Sài Gòn sáng 28/5 rồi, những ngày cuối của đợt ra Hà Nội lần này, càng thấy gấp quá. Mai Phương bảo, bố mẹ cứ ở Hà Nội hơn, lúc này đi máy bay về Sài Gòn mạo hiểm quá… Út Hà cũng bảo thế. Nhưng hai ông bà già này đã quyết rồi. Mạo hiểm cũng chơi! Kim Chi bảo, thăm bạn bè nốt ngày nay, từ ngày mai ở nhà vui với con cháu và sắm sửa, chuẩn bị…

Sáng nay hẹn thăm bác Nguyễn Trung. Nhưng bác gọi điện bảo thôi thăm online vậy, bảo vệ không cho người ngoài vào khu này!

Vậy là nói chuyện qua Zalo. Bác bảo ta nói gì họ nghe được hết đấy nhé.  Nghe thì nghe, có gì đâu mà ngại. Toàn nói chuyện ích nước lợi dân cả mà!

Trời! Ông già này đầu óc gớm thật, ông theo dõi báo chí nước ngoài, nắm tin tức rất sâu, rất kỹ và phân tích tình hình thế giới vừa thấy toàn cảnh, vừa rất  cụ thể. Ông Cụ bảo, muốn giải quyết vấn đề của Việt Nam phải đặt trong bối cảnh thế giới, phải nhìn toàn cục, đừng chỉ thấy cây mà không thấy rừng…

Nói đến 20 phút, Cụ bảo nghỉ tí để coi bà xã đã… Thì ra ở nhà chỉ có Cụ ông trông nom cụ bà đang bệnh già, yếu lắm.

Một lúc Cụ lại alo tiếp. Mình chủ yếu nghe và hỏi. Nghe các Cụ nói rất sướng vì có nhiều thông tin hay, nhiều suy nghĩ sâu sắc… Còn các cụ nói có đứa chăm chú nghe, tâm đắc là các cụ cũng sướng. Giọng Cụ vẫn hùng hồn lắm. Tư duy của Cụ vẫn mạch lạc lắm. Rất mừng.

Chu Hảo thì bảo, đang ở nhà con ở Hà Nội. Hai vợ chồng mua vé về Đà Nẵng rồi mà phải bỏ. Ở nhà con gái, nó bảo ông bà không đi đâu tiếp xúc với ai cả! Chuyện một hồi Chu Hảo bảo, về Cụ Phan Chu Trinh, cũng viết khá đủ rồi, bây giờ là làm. Mình bây giờ tập trung vào xuất bản sách thôi...

Kim Chi thì đi thăm bà chị Ánh kết nghĩa từ thuở học lớp ba ở khu Học xá  Nam Ninh. Chị em vẫn xoắn xít lo cho nhau. Chị Ánh cứ hỏi chuyện chồng con của KC, sợ em nhẹ dạ cả tin lại vớ phải thằng chồng ất ơ thì khổ! KC tâm sự một hồi thì bà chi bảo, thế thì chị yên tâm rồi. Chúc mừng em... Rồi KC đi thăm người bạn gái từ lớp diễn viên đầu tiên, nhiều kỷ niệm với nhau. 

Buổi chiều theo hẹn đến nhà bác Nguyễn Khắc Mai để KC phỏng vấn ghi hình, định làm một clip về Bác. Mình không có nhiệm vụ nên ra sân ngắm cảnh, đi loanh quanh xem ngôi nhà của hai bác. Nhà ở làng Kim Hoa thuộc phường Kim Liên.   Bác gái  Băng Thanh nghiên cứu lịch sử, có phòng làm việc mở cửa ngay ra vườn. Bác bảo ngày xưa đất ở làng rẻ lắm, nên mua được rộng rãi một chút... Bác Băng Thanh sinh 1938 bằng tuổi mình mà tóc chỉ loáng thoáng bạc, nom rất trẻ trung, nhanh nhẹn. Khách đến làm việc với chồng, bác gái vui vẻ đón chào, phục vụ trà nước và ngồi lặng lẽ tiếp khách, nghe chuyện. Có hỏi gì, bác chỉ nói rất nhỏ nhẹ, kiệm lời, kiểu phụ nữ ngày xưa, luôn khiêm nhường trước mặt chồng và bạn bè của chồng. Kiểu phụ nữ này ngày nay hiếm gặp lắm.

Cụ Khắc Mai sống ung dung tự tại như tiên ông, hẳn một phần quan trọng là nhờ phu nhân Cụ luôn chăm chút và giữ cho chồng một không khí gia đình thanh tịnh, an lạc… Tiếc mãi kế hoạch “chỉ bốn đứa chúng mình đi nhà hàng Huế" của bác Mai bị phá sản bởi con Covi cúm Tàu!    

Xong việc ở nhà bác Mai thì đến thăm Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm). Thực ra Vinh hẹn đến thăm vợ chồng mình, nhưng mình bào, đằng nào bọn mình cũng đến chỗ bác Mai, từ đo đến nhà Vinh luôn cho tiện. Vinh bảo, vậy thì hay quá. Tối anh chị ăn cơm với em nhé.

Nhà Vinh ở cái ngõ rộng rãi và thật yên tĩnh. Cái nhà vẫn từ thời bao cấp của các cụ để lại, hình như chưa được sửa chữa gì nhiều. Cái cầu thang chật hẹp dẫn lên căn phòng của Vinh. Căn phòng quá đơn sơ cũ kỹ, cái tủ, cái bàn, cái giường vẫn kiểu thời bao cấp. Chỉ có phương tiện làm việc là hiện đại. Vinh kể rất nhiều chuyện, miên man chuyện nọ đến chuyện kia. Trong đầu óc Vinh quả là một kho tư liệu, tri thức quý giá.

Giờ mới biết Vinh từng học trường Chu Văn An với Vũ Trung, con nuôi ông Vũ Kỳ, mà người ta thường gọi là Nguyễn Tất Trung. Vinh rất thân với Trung, biết Trung vào bộ đội và người ta đưa vào thành cổ Quảng Trị, nhưng may không sao… Rồi khi thấy Trung khó khăn, Vinh đã rủ Trung về Công ty của mình, góp cổ phần và làm phó giám đốc, lương bổng đàng hoàng… Thời ông Nông Đức Mạnh làm TBT, người ta lại đưa Trung về quân đội, phong cho chức Trung tá, được cấp nhà cửa, sắp xếp việc cho vợ Trung và giao cho phụ trách một trường dạy nghề bên quân đội. 

Chuyện Trung đi tìm mộ Mẹ rất gian nan, nhưng đi tìm Cha còn khổ cực hơn nhiều…

Chuyện dừng ở đấy thôi! Nhưng một cái gì đó cứ day dứt trong tâm tưởng của mình: Thật lạ lùng tại sao thân phận một con người mà cứ phải mập mờ, làm khốn khổ người trong cuộc và gây nỗi bận tâm của biết bao người? Vì cái gì thế nhỉ?  

Mình cũng không ngờ Vinh lại tin vào NHÂN - QUẢ đến thế. Vinh kể về mấy ông Bộ trưởng, Thứ trưởng Công an đã chết đau đớn như thế nào…

Ăn tối xong, Vinh lại tiếp tục câu chuyện. Hình như hàng ngày Vinh sống khá cô đơn, ít có người tâm giao trò chuyện, nên khi gặp tri kỷ, anh có dịp “dốc hết bầu tâm sự"... Máu nghề nghiệp nổi lên, KC lại ghi hình phỏng vấn Vinh mấy điều…

Mình càng quan sát căn phòng quá đơn sơ của Vinh càng thấy thương Vinh quá.

Mình bảo, Vinh ơi, phải lo sức khỏe, làm việc bớt đi. Mỗi ngày em điểm báo, bình luận hàng mấy chục bài báo trong và ngoài nước; rồi dịch, giới thiệu mấy bài liền… Mình biết, Vinh cố gắng chuyển tải thông tin “Khai dân trí" cho tầng lớp có học, chịu đọc mở mang kiến thức và tư duy đa chiều. Nhưng một mình Vinh làm như một “Thông tấn xã" thì cực quá. Làm ít đi Vinh ơi, rồi tập tành, giữ sức khỏe cho lâu dài…

Vinh bảo, em vẫn thỉnh thoảng đứng lên, đi lại hoặc nằm nghỉ đấy chứ…

Khá muộn, vợ chồng mình mới chia tay Vinh.

Trên đường về, KC cũng tâm sự, phục Vinh quá mà cũng thương Vinh thiếu bàn tay một phụ nữ chăm sóc. Đàn ông sống độc thân thường rất tuỳ tiện, không chừng mực, say mê cái gì là tập trung vào quên hết thời gian, sức lực… Dù có con cháu ở bên nhưng chúng bận bịu với cuộc sống của chúng, khó chia sẻ tâm tình với người lớn tuổi được…

Mình bảo, nhưng chưa bao giờ Vinh được Độc lập, Tự do như hiện nay. Đó cũng là điều kiện tốt để làm được nhiều việc, và như thế cũng là niềm hạnh phúc của cá nhân. Thôi, chấm dứt cuộc “Hà thành phiêu lưu ký” vào tối nay. Còn bao nhiêu người thân, bạn bè chưa gặp được, đành gặp nhau trong tâm tưởng, nhớ những kỷ niệm, những hình ảnh tốt đẹp về nhaunhau.

Hà Nội ơi! Hẹn lần tới nhé!

6/6/2021






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com