1.
Sinh nhật 72, tình cờ được xem tấm ảnh đôi dép đơn sơ của đức Đạt Lại Lạt Ma trên net, chạnh nhớ lại cái thời trẻ trai gắn liền những đôi dép lẹp xẹp… Thú thật thì ‘dung nhan’ các gã trai trẻ học Triết thời ấy – thập niên 60 và 70 - thường kém trung thực bởi bị các anh ngầm‘tạo dáng’ ít nhiều, đó là ra vẻ ‘hơi hơi triết gia lại pha chút chút nghệ sĩ’ nên bất cần bề ngoài, tóc tai để bù xù hay dài như ca sĩ nhạc psychedelic Mỹ Âu, áo sống thì xuề xòa bỏ ra ngoài cho lôi thôi, lếch thếch. Đặc biệt về món giày, dép dưới chân thì cũng biết là mang giày, vớ đàng hoàng xem ra bảnh bao, trịnh trọng hơn (có người nói ngoại hình hoàn hão thì dễ có tự tin hơn) nhưng dù nghèo nàn hay khá giã, rốt cuộc khi đi chơi, đi ngồi cà phê, đến giảng đường gì các chàng trai cũng thích lết đôi dép lẹp xẹp dưới chân, vừa gọn, vừa khỏi mắc công xỏ vớ, buộc dây chi cho rắc rối.
Các ’thiền sư’, ‘triết gia’, ‘hành giả’ trẻ măng và giả hiệu của chúng ta lại thường có quí tướng lười nhác là đi không nhấc cao bàn chân nên dép rất mau mòn do cứ bị cọ sát mặt đường lẹt xẹt, từ xa nghe tiếng dép là biết các quí anh sắp xuất hiện.
Tuy nhiên, mặc cho cái bề ngoài có vẻ nhẹ tênh, bất cần đời ấy, tâm tư bên trong của anh em mình thời ấy đều chẳng nhẹ nhàng gì. Nỗi buồn thời thế đất nước chiến tranh, loạn lạc đi đôi với nỗi lo phải thi năm-nào-cũng-phải-đậu để được hoãn dịch/học tiếp cho đến tốt nghiệp, mà có tốt nghiệp rồi hầu hết anh em cũng bị động viên thôi. Sâu xa hơn là nỗi khắc khoải lớn/nhỏ không-thể-miễn-trừ trước ý nghĩa nhân sinh và vũ trụ, tồn tại hay không tồn tại, Hữu thể và Vô thể, Chấp hay Vô Chấp.v.v…. – xin bỏ qua cho cái tật xấu bày-đặt-tư-duy-siêu-hình này nọ của hầu hết dân học Triết. Và sau cuối là lãng đãng nỗi sầu thầm kín, tình yêu đơn phương có dính mặc cảm này nọ trước một bóng dáng yêu kiều nào đó gặp gỡ trong trường… Cứ thế mà anh nào cũng làm thơ, cũng viết gì đó mà không cầu được đăng ở báo nào, nhiều khi còn thủ sẵn 1-2 bút danh, ‘thi hiệu’ nghe thiệt là trúc trắc, khó nghe như để ‘nhát’ bạn bè.
2.
Bây giờ già rồi, ai cũng nói đàn ông lớn tuổi ra đường phải mang giày trông mới đàng hoàng, nghiêm trang nên mình thường tự nhũ phải ráng mang giày cho tử tế. Bác sĩ, y học cũng khuyên người lớn tuổi nên mang giày cho an toàn bàn chân hơn là mang dép. Phải ý chí lắm khi quyết định mang giày khi ra đường, bởi Một là - phải chịu đựng cái tư thế ngồi cúi mình xỏ vớ, xỏ giày, nhất là khi đã bỏ áo vào trong quẩn, cài thắt lưng ngay ngắn đến cứng người, lúc nào cũng làm đau cái lưng già thoái hóa cột sống; và Hai là - phải kềm chế ý nghĩ tơ tưởng đôi dép, cứ muốn buông thả ‘thôi mang dép cho nó khỏe!’ …
Tuổi già thích mang dép/ngại mang giày bởi yếu đuối, chỉ muốn dễ dãi, nhẹ gọn cho đôi bàn chân khi ra đường, chứ không phải bởi bất cần đời. Ngay thời còn trẻ trai, hay ăn mặc xuề xòa, dẹp lẹp xẹp dưới chân thật ra chính là do tâm lý lười nhác/ngại mang giày mất công/mất thì giờ và cũng do nghèo/khó sắm giày, vớ các kiểu, chứ không do mình bất cần đời, mà nếu có, tâm lý này cũng rất mờ nhạt. Anh nào gàn dở nhất hạng cùng tự biết mình có lạnh lùng, làm dỗi thế nhân thì cũng chỉ vô nghĩa, chẳng ra trò trống gì vì ngoài kia, đời mới bất cần mình. Và anh không thích hợp khi chọn lối-sống-mang-dép bởi không phải thiền sư, hành giả, mang dép đi rao giảng đạo thánh hiền hay (nhiều) dân Tây ba-lô mang dép bước vào bất kể nhà hàng, nhà chùa…
Dù sao, giờ này già rồi lại rất nhớ, rất thương cái hình ảnh một thời phất phơ - có phần khờ khạo và vụng dại - của những gã trẻ trai hay mang dép và hay giải thích mang dép cho mát, lại nhẹ, thoáng hơn là mang giày, vớ gây nóng chân. Và một khi đã thường xuyên phải mang giày - như khi đã đi dạy học chẳng hạn, lúc nào đó được cởi giày ra, trở lại với đôi dép thì anh nào cũng cảm thấy nhẹ nhỏm, thoải mái. Có gì đó như thanh thản cho toàn thân, cảm nhận TỰ DO HƠN khi bỏ giày mang dép…
(Sinh nhật trúng mùa dịch Covid 2021)