Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TẤM VÉ XEM XIẾC




C u Bi là một đứa bé rất ngoan, năm nay em học lớp ba. Ba em là thợ xây bị mất trong một tại nạn lao động, cách đây hai năm.

Một buổi sáng mùa thu, bầu trời mát mẻ, trên không có những cụm mây trắng trôi bồng bềnh, ba cu Bi đang nói cười vui vẻ cùng các bạn đồng nghiệp  ở trên giàn giáo tầng hai của căn nhà đang xây, bỗng nhiên anh bước ra, bị hỏng chân anh rớt từ trên cao xuống, đầu đâp vào đống đá chẻ xây móng còn dư, những người thợ và phụ hoảng hốt vội đưa anh đi bệnh viện, nhưng muộn quá, y học đành  bó tay, ba cu Bi được đưa về nhà, cái chết quá bất ngờ của chồng  làm mẹ em chết điếng, không còn biết gì. Anh em, bạn bè lo ma chay và khuyên nhủ mẹ em, lúc đó mẹ em như người mất hồn.  

Hai vợ chồng cũng nghèo, ở nhà thuê, từ ngày ba mất,  mẹ em bỏ nghề  phụ hồ đi bán vé số, lo cho em tạm đủ ăn học. Cu Bi là đứa bé đẹp trai, trắng trẻo và rắn chắc. Mới chừng ấy tuổi đầu mà em đã tỏ ra mình là đàn ông, bao giờ cũng ra dáng bảo vệ mẹ. Chị Hiếu thương cu Bi lắm, chị lo cho cu Bi đầy đủ không để em thiếu hụt và thua bạn bè, chị Hiều rất hãnh diện về con. Khi ba mất, em chẳng biết gì, vui vẻ, nói cười, đùa giỡn và theo nhìn người ta liệm ba, khiêng ba bỏ vào quan tài với ánh mắt vô tư, tò mò không chút cảm động. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, em từ từ thấm dần nỗi hụt hẫng mất cha là như thế nào, trong bữa ăn hoặc buổi tổi, em thường rơm rớm nước mắt và nói với mẹ; “Mẹ ơi! con nhớ ba”. Mỗi lần em bị mẹ đánh vì tội biếng ăn, em chạy vào bàn thờ ba trốn và gọi: “Ba ơi! mẹ đánh con”. Tiếng kêu của em làm cho lòng chị Hiếu chùng xuống và chị ứa nước mắt, một nỗi nhớ chồng quay quắt, một nỗi cảm thương sâu sắc thấm đẫm vào trái tim chị, chị đứng lặng người, sự giận dữ tan biến vào hư không. Có lần chị bắt cu Bi học mà Cu Bi trốn đi chơi, chị giận quá đánh cu Bi một roi thật đau, cu Bi vừa xoa mông vừa khóc:  

 - Mẹ không thương con, mẹ đánh con đau quá con đi thắp hương cho ba…

  Câu nói ấy như xoáy vào tim chị, làm chị sững sờ, chị nghĩ từ nay cu Bi đã biết nỗi buồn mất cha, sự thiếu vắng người cha trong lòng nó đã hiện hữu rồi. Chị thường dặn cu Bi khi nào tan học mà mẹ chưa về kịp để đón con, thi đứng đợi mẹ trước cổng trường, nhớ đứng chung cùng nhóm ba, bốn bạn, cho vui, vì chị nơm nớp lo sợ cu Bi bị bắt cóc.

 Một chiều cuối hè, em đứng ngoài cổng trường chờ mẹ, nét mặt hớn hở khi  thấy Mẹ vừa đến, em vội khoe :  

 - Mẹ ơi! Con có vé xem xiếc.

 Chị vội hỏi:    

 - Ở đâu mà con có?

  - Lớp con được cô giáo phát mỗi bạn một tấm.

  Từ lúc ấy, trên đường về nhà em nói chuyện huyên thuyên, em vui mừng, nhảy chân sáo, em kể cho chị nghe trong lớp hôm nay có mấy bạn bị phạt, mấy bạn được khen, em còn kể mấy bạn bị phạt cũng nhận được vé xem xiếc. Nói mãi, nói mãi cho đến khi về đến nhà. Em đem tấm vé ra nhìn thật kĩ, đọc đi, đọc lại rồi em hỏi mẹ: “xiếc lúc này có  như hồi lâu ba dẫn con và mẹ đi xem không? Con nhớ hồi đó ba đội con lên cổ và mẹ đi một bên, hôm ấy có chú khỉ mặc quần sort Jean, áo sơ mi trắng, gánh nước, rồi đi xe đạp, có ba chú chó nhảy qua vòng lửa, có các chú chó làm toán cộng, còn có người đi xe đạp một bánh nữa...v...v.. Cu Bi nhớ lại rất đầy đủ, hôm ấy đoàn xiếc trình diễn tại nhà thi đấu thanh niên, cu Bi còn nhớ em ngồi chính giữa, ba mẹ ngồi hai bên, khi vô cửa rất đông, ba để  em ngồi lên cổ. Nhà thi đấu thanh niên có hai dãy bậc cấp đối diện nhau, gia đình em ngồi chính giữa xem rất rõ, khi về ba còn dẫn Mẹ con đi uống nước và mua bánh bao trứng cút cho cả nhà cùng ăn,  thật là hạnh phúc vô cùng, cái giây phút ấy in sâu vào tâm trí em mãi mãi không phai mờ.  

 Buổi chiều hôm ấy, em ăn cơm rất ngon và rất nhanh, em còn khen:  

 - Mẹ ơi! Sao hôm nay mẹ nấu đồ ăn ngon quá.  

   Rồi em dặn: 

  -  Khi vào cửa, mẹ nhớ nắm tay con cho chặt mẹ nhé! con sợ lạc mất mẹ , cô giáo con nói lạc mẹ thì tội lắm.  

 Gánh xiếc này trình diễn tại cung thiếu nhi, đi hơi xa, nhưng mới đến cổng, em ngẩn ngơ, ngắm nhìn người ta bán bao nhiêu là đồ chơi, em nhìn những cái bong bóng nhiều màu, nhiều hình vẽ, đủ màu đủ kiểu,  em thích nhất là những bong bóng hình siêu nhân, rồi đến những chiếc xe bốn bánh bằng nhựa, đồ chơi bằng nhựa rất nhiều đủ các kiểu, rồi bánh bao, rồi chuối chiên, rồi bắp rang bơ, món nào em cũng thích, cũng mê, em nhìn chúng với đôi mắt thèm thuồng, mơ ước...  

Đến cổng em chạy vào trước, mẹ cầm tấm vé đến quày đưa cho người kiểm vé, họ cho chị biết:  

 - Vé này là vé trẻ em, nhưng phải có người lớn đi kèm và người lớn phải mua vé, mới được vào.    

Chị Hiếu đứng sững hồi lâu, chị lần tay vào túi áo trong, mân mê, nhưng chỉ  có được bốn chục ngàn đồng, chị hỏi người bán vé:

- Bao nhiêu tiền một vé?

- Mỗi vé sáu chục ngàn đồng ạ!

 Chị như bị hoa mắt, chị nghĩ:  mỗi ngày mình đi bán vé số chỉ kiếm được năm, sáu chục ngàn, đủ hai mẹ con tằn tiện, ngày nào ăn ngày nấy, giờ đây tấm vé xem xiếc mất hết ngày ăn, rồi làm sao? chị thương con quá, chị cứ bần thần, thơ thẩn ở cửa bán vé, chị mong ước có ai trong xóm đi xem, chị sẽ gửi cu Bi đi theo, chị chấp nhận đứng đợi con ngoài cổng cho đến khi kết thúc buổi xiếc, còn như để cu Bi một mình vào xem thì chị chẳng yên lòng chút nào. Nhưng mà đợi mãi chẳng thấy ai quen, có thể tin cậy được chị đành thất vọng não nề, chị ngại ngùng suy nghĩ sẽ mở miệng nói với con sao đây, chị rất đau lòng và rất thương đứa con mồ côi cha, còn thơ dại của mình, chị cất giọng buồn buồn:  

 - Cu Bi ơi! Mẹ xin lổi con… chúng ta về thôi!  

 Cu Bi hình như cũng biết được sự việc và nỗi lòng của mẹ nó, nó ngoan ngoản, nắm tay mẹ ra về với đôi mắt ươn ướt. Hai mẹ con im lặng đi bên nhau, bỗng cu Bi mở miệng nói yếu xìu:  

 - Mẹ ơi! Đoàn xiếc này chắc dở lắm phải không mẹ? Rất ít diễn viên thú, thú cũng ốm lắm, chắc diễn không hay như năm nào con và ba mẹ đi xem phải không mẹ? thôi, chúng ta về, mẹ đừng buồn mẹ nhé!

   Chị bỗng nghẹn ngào rơi nước mắt, chị không ngờ đứa con trai lại an ủi mình. Chị suy nghĩ và tủi thân, rồi thương con. một tình thương bao la của người mẹ, mà chị luôn luôn ấp ủ mãi trong lòng. Trong xã hội này, biết bao người dư dả, mứa thừa, mà sao mẹ con chị lại thiếu thốn thế nầy, đúng là ông trời quá bất công " kẻ ăn không hết, người lần không ra "


          



| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com