Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHỜ



T háng Sáu, những bông hoa của tháng Năm và mùa xuân rực rỡ trên đường phố đã tàn. Tàn như dự định của anh, dự định qua Paris, về nơi này thăm tôi. Anh đã từng nói nhiều lần về chuyện này. Dặm trường! Nghe thì biết vậy.Thật sự tôi không chờ đợi, mong mỏi nên cũng không buồn. Nhưng tôi cảm động khi anh nói là anh muốn làm tôi ngạc nhiên. Vé máy bay đã sẵn. Anh sẽ gọi điện thoại cho tôi, ngay khi anh đến Paris. Anh than thở, vậy mà hỏng. Hỏng hết! Còn  tôi, rõ là không chờ, cũng không nghe anh dự trù hay hứa hẹn một chuyến đi nào khác nữa. Sao lòng  bỗng nao nức bồn chồn. Tưởng như tuần tới hay tuần sau nữa anh sẽ có mặt nơi này. Sau khi cúp điện thoại với anh. Tôi đi ra đi vào, lúc ngồi thừ người trên ghế. Lúc đứng ngó mông ra cửa sổ, thái độ của một kẻ vô tích sự. Tôi muốn gì? Tôi, buồn vui không rõ.

Tôi nhớ đã từng nói với anh về ngôi nhà tôi đang ở.

 “Nhà, chìm khuất trong một ngõ cụt. Muốn vào nhà phải đi qua hai cánh cửa của một hành lang, qua một vuông sân mà các cửa sổ của những nhà lân cận đều nhìn ra mảnh sân gạch ấy. Không một bóng cây, chỉ toàn một màu ngói đỏ và những ống khói lố nhố chiếc thấp chiếc cao dựng trên những mái nhà. Có những đêm qua khung cửa sổ nhìn ra cái bóng lờ mờ của chúng tưởng tượng như đang ở trong một đền đài thuở xa xưa. Tôi nghĩ, cách kiến trúc của tám căn nhà liền lạc, giao tiếp bởi một vuông sân biết đâu ngày xưa đây chẳng là một toà nhà lớn của một đại gia đình mà theo thời gian, nó đã được chia cắt từng mảng diện tích khiêm nhường, và bây giờ đến đời tôi và bảy người khác được sở hữu  một phần của nó. Nhưng tôi nào biết ai là ai, những ông hay bà hàng xóm của tôi. Gần khu đại học nên những căn hộ bé nhỏ này đã trở thành nhà trọ, phố trọ. Rặt một đám sinh viên ở xa đến thuê nhà trọ học. Nay cô này, mốt cậu nọ, nườm nượp đến rồi đi. Chưa bao giờ  tôi nhận diện rõ một khuôn mặt nào. Ai mới đến và ai đã bỏ đi? Chỉ là những chiếc bóng đi về thấp thoáng ở hành lang. Sự xuất hiện của họ là những ánh đèn loé lên trong đêm tối. Và tôi thấy gì nữa nơi này vào những chu kỳ nghỉ học, sau cái hành lang kia khi cánh cửa xám xỉn đóng lại? Đó là một khoảng im lặng, tịch mịch. Thỉnh thoảng có những tiếng chuông ngân lên từ chiếc khánh treo trên cửa sổ để tôi biết gió về. Chiếc khánh có đến tám âm thanh. Nhưng tôi chỉ nghe được hai điệu. Giống như tiếng chuông ngân. Lúc thánh thót thả từng giọt như chuông đồng hồ. Lúc dồn dập như chuông nhà thờ sau giờ tan lễ. Nhanh và chậm, tùy theo tốc độ của gió.”

Nhà không xa phố là bao. Mỗi tối, buồn tình thích đi uống cà phê, chỉ thả bộ chừng mười phút. Sẽ đi qua đường Pasteur, qua đường Hoà Bình là gặp ngay  phố chính. Ngay góc Hoà Bình cũng có một quán cà phê. Mùa hè, người ta đặt bàn ghế cho khách trên vỉa hè, dưới những tàng cây phong. Tôi chưa có dịp ngồi  ở đấy, thỉnh thoảng lái xe ngang qua. Nhưng tôi cảm thấy thích quán này hơn những quán ngoài phố chính.

Đường Hoà Bình, cái tên  được tôi dịch từ chữ “Rue De La Paix”. Tôi thích dịch như vậy vì nó cạnh đường Pasteur. Vì chữ Pasteur làm tôi nhớ Sài Gòn. Tả tỉ mỉ thế mà anh vẫn không hình dung nổi. Trong trí tưởng của anh, nơi tôi ở buồn như một ngoại ô vắng vẻ. Nhiều năm rồi tôi chưa gặp lại anh. Nhiều năm rồi  chắc chắn tôi không còn là tôi ngày nào. Tôi đã nói nhiều về nơi ăn chốn ở của mình với anh, và chẳng bao giờ tôi kể chút nào về tôi cả.

Năm mươi tuổi, chưa phải tiêm vào người kích thích tố để níu xuân thì, mà đôi khi thân thể bị bơm phồng một cách quá độ. Dáng gầy, tôi níu được tuổi trẻ của tôi từ nó. Đánh lừa những con mắt nhìn hời hợt. Nhưng có khuôn mặt năm mươi nào rạng rỡ, tươi trẻ trong một sớm mai thức dậy mà chưa đắp lên mặt một lớp kem, thoa một làn phấn. Chưa vẽ đường chì đen mùi vòng theo khoé cho mắt thêm phần linh động.

Buổi sáng, tôi nhìn mãi miết khuôn mặt mình trong gương. Đôi mắt lâu rồi dường như chỉ còn nhìn gần, quan sát tính toán những thực hư, tốt xấu. Đôi mắt chưa có vết nhăn, nhưng phần dưới của hố mắt bọng lên như thể dưới  làn da có dấu một túi nước. Bọng nước ấy là lệ chảy ngược vào hay lệ đang tích lũy để một lúc nào trào ra. Đó chỉ là ý nghĩ  đẹp, lãng mạn cho tôi thỉnh thoảng cười cợt làm dáng với đời.  Cách gì thì nó cũng là một dấu hiệu khác của sự tàn phai không cách nào tránh khỏi. Tôi đưa ngón tay chà nhẹ lên lớp da mặt, từng phần, từng phần. Những chiếc mụn đỏ, bé xíu như đầu tăm. Làm thế nào cho chúng biến đi. Mặt trời, nắng, cái nóng oi bức của mùa hè. Tôi dị ứng mùa hè. Mùa hè, tôi dấu tôi trong sở. Tôi  làm việc liên miên. Làm nhiều hơn bình thường cho đồng nghiệp thảnh thơi đi biển, đi rừng hay đi phố. Vậy mà tôi vẫn không trốn được nắng. Mùa hè, da mặt tôi lúc nào cũng tấy đỏ.

 Tôi thoa kem chống nắng lên da, thay loại kem giữ nước vẫn dùng hàng ngày. Rồi tự trách mình từ nào lơ là, không chăm sóc cái phần quan trọng nhất trên gương mặt. Tôi vẽ mắt, thoa phấn và lại thêm một lần nữa trách mình lẩn thẩn. Hôm nay không đi làm, nghĩa là không ra đường. Ai nhìn mình mà phải kỹ càng che dấu.

Ngày nghỉ, sự nghỉ ngơi với tôi là những phút giây một mình trong khoảng sân khuất, trò chuyện cùng đám cây cỏ thưa thớt, nhặt nhạnh từ những nơi chốn lạ, một thuở còn thích đi xa. Mỗi chậu cây là một kỷ niệm. Cây Quỳnh mang về từ  San Jose. Năm vừa qua, mùa đông quá lạnh và mùa hè quá nóng. Cũng có thể vì dọn nhà. Bứng ra bứng vào nên nó mệt mỏi tàn tạ, mỗi ngày mỗi héo, không nhú nổi một nhánh lá non. Vậy mà từ cái cành thật thấp, thiếu diệp lục tố, nâu sẫm khô cứng như một lưỡi dao kia lại trổ ra đến bốn nụ hoa. Hoa nở từ hai hôm trước và đã tàn từ hôm qua. Những cánh hồng pha tía, thứ màu rượu nhạt, dài và mỏng, xoè rộng như những ngọn pháo bông bây giờ rủ xuống khép kín, chẳng khác nào những bó rau héo dập trong buổi chợ chiều.  Tôi biết anh có nhiều đam mê. Một lần tôi hỏi anh. Anh có thích cây cỏ không? Có phải khi người ta bắt đầu thích cây cỏ điền viên là kể như đã về già? Anh nói, anh yêu tất cả những cái đẹp. Một cuốn sách đẹp, một cử chỉ đẹp, một hình ảnh đẹp, một cuộc sống đẹp, một tình yêu đẹp, và ngay cả một cái chết đẹp. Anh cũng yêu cây cỏ nhưng anh lướt trên chúng. Tôi nghĩ, anh có nhiều thứ để mê, để sống. Lẫn và lướt.

Tôi không lướt như anh. Thời để mơ, để yêu, để muốn ôm hết cả cuộc đời không còn nữa. Tôi sống điềm tĩnh già nua, như một chị đàn bà nhà quê, lỡ thời và an phận.

Chị đàn bà tôi bây giờ đang ở trong sân, đang nhặt những chân cỏ dại mọc lên từ những kẻ nứt của các tàu gạch đỏ, đang cắt bỏ những cánh lá khô. Quỳnh mới rũ chết đêm qua. Hồng, Forsythia và Jonquille đã tàn từ lâu lắm. Cho đến đầu đông, Hồng có thể cho thêm vài nụ nhưng Forsythia và Jonquille thì phải đợi mùa sau. Còn Trúc, trúc xanh mướt thế kia mà biết đến bao giờ cao lớn để tôi được nhìn tóc lá múa may, tắm gội bóng trăng? Bóng trăng lênh láng từng vũng sáng trên sân tôi chợt gặp một đêm nào thức giấc. Đêm trăng ướt lá dừa *, hình ảnh chưa bao giờ tôi được nhìn thấy, chỉ nghe qua một bài hát, bỗng nhớ lại ngay phút giây đó làm tôi xúc động thẩn thờ …và những cây cành đã có mặt trong sân từ buổi ấy.

Nắng mỗi ngày đang dần thổi bay lớp nhựa từ những thân củi xếp dọc ở một góc sân. Tôi mê những thân gỗ, những cành khô. Đó là những đám cây gẫy trong rừng từ trận bão năm nào. Món quà mà những người bạn tốt bụng có dịp đi chơi ngang rừng, góp nhặt mang về cho tôi đốt lò sưởi. Đốt lò sưởi để sưởi ấm là chuyện phụ, chính là để vui. Tôi bận bịu khá nhiều với cái vui này. Tháng Bảy trời hay mưa. Những ngày mưa tôi phải dời chúng vào một góc hiên có mái che thay vì phủ lên  đó một tấm bạt nylon. Tấm bạt sẽ làm mất vẻ thẩm mỹ của những phiến gỗ mà tôi cố tình trang trí,  sắp xếp chúng cạnh những chậu hoa. Dời chỗ này chỗ nọ cũng là một trò chơi của tôi. Trò chơi cực nhọc, vất vả.

 Tôi ngồi xuống vuốt ve mặt cắt nham nhám đường cưa, từng sớ gỗ uốn lượn khắn khít những đường vân tròn như vẽ. Lớp ngoài đã trắng khô nhưng bên trong  còn sẫm một màu nhựa ướt, thơm thơm. Tôi thích ngửi thứ mùi thơm này, mùi rừng.

Mùa hè chỉ mới bắt đầu. Nắng còn đổ dài vài tháng nữa cho củi khô thêm. Và tháng Chín, tháng Mười, khi hoa Cúc nở vàng một góc sân. Khi sương mù bắt đầu đổ xuống phố, tôi sẽ mang hết đám củi ấy cất vào nhà kho. Sẽ chuyển những thước củi đã khô từ năm trước lên xếp trong  ngăn chứa bên dưới lò sưởi, chờ đợi một ngày đông giá đốt lên. Kho chứa nằm dưới lòng đất nên lạnh như một căn phòng gắn máy lạnh. Nhiệt độ lý tưởng để cất những chai rượu. Tôi biết thế, nên  cũng tập tành tìm hiểu về rượu, lựa chọn mua những chai rượu đúng ngày mùa, năm tháng chất vào. Có lúc xuống kho tìm một vật gì đó, tôi cứ đứng ngắm nghía chúng cùng đám củi khô. Những thước gỗ im, những chai rượu ngoan nằm đấy, chờ để cháy để tràn.

Tưởng tượng anh sẽ về mùa đông năm nay. Căn nhà tôi sẽ tràn đầy ánh sáng của những ngọn nến. Anh sẽ ngồi nơi kia, chiếc ghế cạnh lò sưởi ngắm những ánh lửa bùng lên. Anh sẽ im lặng lắng nghe những câu chuyện kể của tôi. Tôi sẽ nói gì với anh? Chuyện củi lửa, chuyện cỏ cây…Ngoài những chuyện vặt vãnh ấy, tôi còn gì khác để kể?

Tưởng tượng thêm một điều khác nữa… Sau bữa ăn, tôi sẽ pha cho anh một tách trà nóng, từ tốn ngồi xuống bên anh, sẽ nhẹ nhàng đặt tay lên vai anh... Rồi thế nào nữa?

Tự dưng tôi cảm thấy bần thần. Tôi quay trở vào nhà đặt mình nằm xuống nệm ghế ngó mông lên trần nhà. Lòng lại chợt nhẹ tênh. Cảm giác thân thể đang thư giản, đang ở trong một sự nghỉ ngơi tuyệt đối khiến tôi nhìn ra một điều là lâu rồi tôi đã không được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Tôi tất bật làm việc. Việc này chưa xong tôi nghĩ ngay đến việc khác. Tôi không có một chút thời gian để nghĩ về mình.

 Hai bàn tay, tôi đang nhìn ngắm những ngón tay. Những ngón tay lam lũ với đất cát, củi lửa, tro than. Những ngón tay từ lâu chẳng còn được nâng niu ấp ủ bởi đôi bàn tay nào khác. Có lẽ chúng đã tê, bại. Không còn cảm xúc. Hay chính đầu óc tôi, tâm trí tôi đã sượng cứng, trơ khấc.

Sự tưởng tượng đã dừng lại. Tôi cố gắng, nhưng không tưởng được thêm gì khác.

Dù thế nào tôi cũng mong anh về. Những chai rượu chờ để tràn, những cành khô chờ để cháy. Và tôi chờ tìm lại tôi. Có thể cũng chẳng còn gì để mà tìm nữa trong mớ thời gian hỗn độn chất chồng.

 Anh về, anh đi. Một điều tôi biết chắc không cần phải tưởng tượng là tôi sẽ buồn khi thu dọn, lau chùi bụi bậm, hốt hết những tàn tro trong lò sưởi. Nỗi buồn của những ngày đông, rất thầm, rất thân mỗi khi tôi làm cái công việc này. Anh đi, nỗi buồn ấy sẽ dữ dội đến ngần nào? Tôi sẽ ngồi bệt xuống thảm, mở tung cánh cửa kiếng của lò sưởi. Nghe tiếng gió hú phía ngoài vọng xuống từ ống khói. Củi lửa chỉ để vui, không hẳn để ấm. Nên chẳng cần một lần nữa cháy lên. Và tôi sẽ không hốt bỏ những tàn tro ấy. Tôi giữ chúng lại để nhớ về một đám cháy hạnh phúc.

(tháng bảy, 2005)
* Tình Quê Hương
Nhạc Đan Thọ, thơ Phan Lạc Tuyên


          




| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com