Hương miền Tây Từ Sài Gòn đi về quê ngoại Cao Lãnh bây giờ có thêm một con đường đi qua huyện Mộc Hóa (Long An) và huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Đây là con đường đi qua một phần Đồng Tháp Mười, có từ lâu nhưng là đường nhỏ ngoằn nghèo và không liền lạc, gần đây được nối liền, nắn thẳng và nhiều đoạn được đắp mới.
Cũng như những con đường ở miền tây Nam bộ, trên đường có hàng chục cây cầu lớn, rất đẹp, tĩnh không cao, hầu hết bắc qua những dòng “kinh xáng” thẳng tắp, nước phèn trong xanh hai bên bờ còn chưa mọc kín dừa nước cỏ lác - những dòng kinh thoát nước và xả phèn vào mùa nước nổi của miền hạ lưu Mê Kông. Với độ tĩnh không cao như thế những con kinh xáng là đường giao thông nối liền vùng sâu của Đồng Tháp Mười ra đến đường lộ mới. Ghe xuồng chở lúa, chở phân bón, hàng hóa xuôi ngược trên kinh, và rồi không lâu nữa, ngay dưới chân cầu trên con đường tạm đi vòng khi xây dựng cầu sẽ là nơi đổ hàng lên xuống xe vận tải, về thành phố hay trở vô vùng bưng biền, đúng theo “quy luật” hình thành chợ búa (bến) của hàng trăm ngàn cái chợ như thế khắp miền Tây. Những cây cầu mới chắc không còn làm ai đó than rằng Lâu nay muốn qua thăm em nhưng ngại vì cầu tre lắc lẻo… như lời một bài hát quen thuộc.
Từ trên những cây cầu có thể phóng tầm mắt nhìn xa hơn. Có cánh đồng lúa non xanh ngát, có đầm sen lớn nhỏ hoa trắng hoa hồng xen giữa bưng lầy đầy cỏ lác, có rừng tràm rừng đước mới trồng, cây thẳng hàng ngay ngắn, và lấp lánh cánh cò trắng bay về đậu rợp trên ngọn tràm ngọn đước. Chỉ vài năm nữa thôi, hy vọng sẽ có thêm những “sân chim” mới ở nơi đất lành này.
Con đường đi qua vùng lúa đang mùa gieo sạ. Hình như là “cánh đồng mẫu lớn” vì trên đó cắm nhiều tấm bảng cho biết 4 loại phân bón được sử dụng ở đây. Cánh đồng bát ngát xanh, chỉ cần hạ cửa kính xe hơi là có thể hít đầy lồng ngực hương lúa non thơm lạ lùng, hương thơm không thể so sánh với bất cứ mùi hương nào, làm ta nghẹn ngào thương đất, thương lúa, thương người… Có nơi đang gieo sạ bằng những chiếc máy đơn sơ nhưng đỡ đần được cho bao công lao động. Màu đất bùn đen cũng thơm thơm mùi phù sa mới của mùa nước nổi vừa qua. Có nơi nước chưa rút hết, dưới ánh mặt trời cuối chiều hiện rõ màu nước lợ giao nhau của lớp phèn đọng hàng ngàn năm với phù sa theo mùa nước nổi tràn về.
Tôi rất dị ứng với ai đó bây giờ cứ luôn miệng, rằng “mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long” hay than thở “quê em mùa nước lũ”… Đừng biến ngôn ngữ văn chương báo chí thành “hiện thực” để rồi ứng xử với mùa nước nổi miền Tây Nam bộ như ứng xử với mùa lũ sông Hồng. Bởi vì, cho dù chế độ nước của sông Mê Kông có sự thất thường hơn trước do biến đổi khí hậu, do bị tàn phá nơi đầu nguồn bằng hàng chục nhà mát thủy điện lớn nhỏ… thì mùa nước về vẫn theo quy luật thời gian, là mùa làm ăn sinh sống của người dân đồng bằng Nam bộ, là mùa “đổi mới” những cánh đồng nhờ con nước rửa phèn và phủ lên lớp phù sa mới.
Nhiều lần về miền Tây Nam bộ vào mùa nước nổi, đi trên kinh rạch dọc ngang, đi vô vùng Tháp Mười trên những chiếc xuồng “năm quăng” (xài một năm/ một mùa nước thì quăng, vụt bỏ vì đóng bằng gỗ tạp, rẻ tiền), tôi chỉ ước ao, thay vì cứ cứu trợ gạo mắm nước tương mì gói, chính quyền và doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm hãy làm những chiếc xuồng chắc chắn cho người dân sử dụng kiếm sống lâu dài nhiều mùa nước, thay vì xây dựng “khu dân cư chạy lũ” tốn kém mà không nhiều hiệu quả, hãy làm những ngôi nhà sàn mà cọc bằng bê tông mái tôn cho bền vững để dân không phải tất bật chạy lên những khu đất trống hơ trống hoác giữa đồng, rồi không làm được gì để sống lại kéo nhau về giữa đồng, bám trụ trong những ngôi nhà lá nhỏ nhoi trên biển nước.
Con đường chạy qua vài khu dân cư như những thị trấn nhỏ, có cả một nhà máy “bột giấy” xây dựng vài năm nay nhưng im lìm như chưa từng hoạt động. Sao không xây dựng ở đây những nhà máy xay sát lúa gạo nhỉ? Là vùng lúa mới, đường xá kinh rạch thuận tiện giao thông chuyên chở, nếu rút ngắn thời gian vận chuyển thì giảm thiểu mức độ hư hao của lúa, đỡ thiệt thòi cho người trồng lúa, bởi vì vẫn còn đó một nghịch lý: được mùa ép giá rớt giá, thất mùa lên giá nhưng không đủ lúa ăn lấy gì để bán? Mùa nào nông dân cũng là người thua thiệt!
Đường dài gần trăm cây số hai làn xe chạy nhưng cũng vắng, chỉ có xe tải, vài chiếc xe du lịch nhỏ, hầu như không có xe khách vì hai bên đường chỉ là những cánh đồng ngút mắt mà ít có khu dân cư tràn ra mặt tiền như nhiều con đường mới mở khác. Thi thoảng có vài “quán võng” bán cà phê hay là quán nhậu, luôn có chỗ dành chỗ treo một hàng võng đung đưa, người đến quán có thể nằm nghi lưng nghe câu vọng cổ hay những bản nhạc bolero thân thuộc của người miền Tây. Về miền Tây mà chưa thưởng thức hai điều này thì coi như chưa đến miền Tây, phải không?
Phía đông cơn mưa sầm sầm kéo tới. Trong cơn mưa cuối mùa mãnh liệt lạ thay gió vẫn đẫm hương lúa non, hương đất, hương sen, hương lá rừng tràm… Những mùi hương trong lành đầy sức sống như những con người miền Tây giản dị.
Về miệt Hậu Giang
Lâu lắm tôi mới có dịp về miệt Hậu Giang.
Nam bộ có một từ rất hay: miệt. Miệt vườn, miệt ruộng, miệt U Minh, miệt Cà Mau… nghe xa ngái mà như trải dài trước mắt. Từ Sài Gòn đi về miền Tây qua gần 250km thì miệt Hậu Giang cũng đang hiện ra ngút ngát trước mắt tôi: cánh đồng, dòng kinh, con đường, xóm làng xanh mướt…
Cung đường mới từ Cần Thơ về thành phố Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang qua nhiều địa danh rất lạ theo số đếm như Một Ngàn, Bảy Ngàn, Bảy Ngàn Rưỡi, Mười Ngàn… Trong một cuốn sách nhà văn Sơn Nam cho biết: những địa danh này gắn liền với kênh xáng Xà No – con kinh quan trọng nhứt vùng Hậu Giang do người Pháp cho đào từ đầu thế kỷ XX - nối từ Cần Thơ qua Kiên Giang, vùng trồng lúa quan trọng ven sông Hậu. Từ kinh lớn này có những con kênh sườn, cứ cách 500m thì đào một kênh nhỏ, 1.000m đào một kênh lớn và đào theo lối “xôm lươn” (nằm lệch nhau), vì vậy mới có những địa danh như trên. Do vậy chỉ khoảng 40 km thôi mà có tới 27 cây cầu kiên cố chưa kể những cống hộp trên con đường này. Hệ thống kinh “xôm lươn” mang nước từ sông Hậu vô tưới mát những đồng lúa bạt ngàn, rồi từ đây ghe xuồng lại chở lúa ra kinh Xà No nơi có những chiếc xà lan lớn đang chờ ăn lúa đưa về Cần Thơ, Kiên Giang, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Cho tới giờ tuy đã có hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh nhưng kinh Xà No vẫn được coi là “con đường lúa gạo” của miệt Hậu Giang.
Xe chạy giữa những đồng lúa chín vàng, có nơi gặt xong chỉ còn thân rơm khô dần dưới nắng tháng sáu. Đây đó những thửa ruộng vừa gieo sạ xong, mầm mạ đã nhú lên đều khắp. Có đoạn đường mờ khói đốt đồng, mùi khói phảng phất thơm mùi lúa chín… Mùa lúa Hậu Giang nhưng chỉ thấy thấp thoáng vài cái lán của thợ gặt dựng ở bờ ruộng, treo mấy bộ quần áo phất phơ trong gió chiều… Nông dân bây giờ lên thành phố làm công ty, làm khu chế xuất hết rồi. Ruộng nhà ai không chạy máy gặt được thì rất khó thuê người: trước đây tiền công gặt chỉ một hai trăm ngàn cho một công ruộng nhưng bây giờ năm trăm ngàn cũng khó kiếm người. Gặt xong phải thuê tuốt lúa phơi khô đóng bao, rồi công vác lúa từ đồng ra ghe hay ra xe tải… cộng lại cũng gần cả triệu. Vậy mà “lái” còn chê không mua vì lúa không khô không đều… Người nông dân cầm chắc là lỗ cho dù trúng mùa.
Cứ một đỗi thì nhìn thấy chiếc máy gặt đập thong thả vòng quay trên “cánh đồng mẫu lớn”. Máy gặt và xuốt (tuốt) lúa vô bao đều đặn, ít hư hao nên gần tới mùa thì “lái” đã vô tận ruộng, trả giá đặt cọc rồi khi lúa chín cho ghe cho xe về tận nơi nhận lúa. Có tiền cọc thì đi mướn máy về làm. Một chiếc máy thay cho hàng chục người, ai mà không ham, nhưng đâu phải ai cũng được sở hữu “cánh đồng mẫu lớn” để có thể dùng máy?
Những chiếc máy trên cánh đồng lúa vàng vắng bóng người, và vắng những đàn sáo mỗi sáng mỗi chiều bay về đồng lúa Hậu Giang quấn quýt bên người, vắng cả những đàn vịt chạy đầy đồng ăn lúa trên cánh đồng vừa gặt xong mà chỉ còn mấy bầy vịt vài chục con ăn quẩn ven bờ… Đêm qua vừa có cơn mưa lớn nhưng mới sáng sớm trời đã nóng nực báo hiệu một ngày nắng gắt.
Vị Thanh là một địa danh không xa lạ với tôi, bởi nhiều lần tôi đã được nghe ba má tôi kể về những ngày kháng chiến chống Pháp ở đây. Nhiều lần đi ngang qua thị trấn Vị Thanh êm đềm nhưng chưa có dịp ghé lại cho đến lần này.
Từ hơn mười năm trước khi thành lập tỉnh Hậu Giang thì Vị Thanh được nâng cấp là thành phố của tỉnh. Từ khu phố cũ nằm dọc đôi bờ kinh Xà No giờ đây Vị Thanh mở rộng đến 118 km2, nhiều đường phố mới, những kiến trúc hiện đại, khu hành chính lớn được xây dựng ở hai bên đại lộ lớn nhất thành phố. Trụ sở một cơ quan lớn còn có cả sân bay trực thăng để khi cần “khảo sát vùng lúa Hậu Giang”. Về phía Đông – Đông Bắc (giáp Vị Thủy của Hậu Giang và Giồng Riềng của Kiên Giang) khu vực các trường cao đẳng, bệnh viện của thành phố đang được xây dựng… Vị Thanh ngày nay mang dáng dấp của một thành phố hiện đại với mười mấy con đường chính, đại lộ có dải phân cách và vỉa hè rộng trồng cây xanh đã lên cao, hệ thống đèn giao thông, biển báo hoàn chỉnh.
Tuy là thành phố nhưng Vị Thanh vẫn giữ được vẻ hiền hòa và có phần lặng lẽ của thị xã Vị Thanh ngày trước. Vào những ngày cuối tuần phần đông cán bộ công chức của tỉnh, của thành phố đều về Cần Thơ hoặc xuống Kiên Giang, thậm chí Cà Mau, vì nhà cửa vợ con của họ vẫn còn ở đó. Đây là tình trạng chung của nhiều tỉnh trước nhập sau lại chia tách: một phần cán bộ của tỉnh Hậu Giang cũ mà trung tâm là Cần Thơ về tỉnh Hậu Giang mới. Tỉnh mới, cơ sở vật chất chưa có gì, điều kiện làm việc của vợ chồng rồi chuyện học hành của con cái chưa thuận lợi, vậy là họ cứ một chốn đôi nơi suốt hơn mười năm qua.
Ngày trong tuần thành phố còn đông người đi lại, các quán ăn quán nhậu tấp nập vui vẻ, nhưng từ chiều thứ sáu thì Vị Thanh trở lại dáng vẻ một “thành phố buồn” mà dân số nhiều năm nay chưa vượt con số trăm ngàn. Những con đường vắng bóng người, ghe xuồng, xà lan đi trên kinh Xà No có khi còn nhiều hơn xe máy xe hơi chạy trên đại lộ hai bên bờ. Thành phố có một hồ sen rộng, mùa này sen nở trắng hồ, có thể thoải mái ngồi quán cà phê hay thong thả từng bước ven hồ để cảm nhận hơi thở đẫm hương sen tinh khiết… Cái hồ này mà nằm ở Sài Gòn thì quán cà phê quán nhậu sẽ vây quanh không có chỗ ngồi ngắm sen, còn ở Hà Nội thì sẽ “trắng” những tấm lưng trần sau manh yếm mỏng mải mê tạo dáng chụp hình, ai ngó đến sen?
Mấy ngày ở đây tôi được ăn những món ăn đồng quê thức ăn tươi rói: lươn nấu canh chua bông súng, tép bạc xào bông hẹ, cá kèo kho rau răm, cá bống kho tiêu… rồi baba nấu chuối mẻ, và đặc biệt là cá thác lác ướp tẩm gia vị, để nguyên con với lớp da dày chiên giòn mà miếng cá dai như chả cá đã được nạo quết. Bạn muốn mua đặc sản này của Vị Thanh mang về Sài Gòn, thậm chí về Hà Nội cũng không khó, vì nó sẽ được nhà hàng đóng hộp ướp đá lạnh, cho vào thùng xốp dán băng keo kín mít có thể giữ lạnh trong 30 giờ để cá và chả vẫn tươi ngon.
Cách Vị Thanh không xa là thị xã Ngã Bảy của huyện Phụng Hiệp. Lúc mới nâng cấp thành thị xã nó được người ta đặt cho cái tên mới là Tân Hiệp nhưng không lâu sau thì phải trở lại tên Ngã Bảy vì… người dân không chịu. Chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng từ lâu, không chỉ là một nơi giao thương hàng hóa độc đáo mà còn vì phong vị văn hóa miền sông nước Hậu Giang. Cũng nghe đâu người ta đã “dẹp” chợ vào một địa điểm khác cách đó 2-3 km với lý do “trật tự an toàn giao thông đường thủy”, nhưng rồi chợ mới không ai mua bán nên cũng chẳng ai đến tham quan du lịch… Rồi chợ nổi Ngã Bảy lại được phục hồi.
Thật tình tôi cứ tiếc. Giá mà thành phố của tỉnh Hậu Giang là thị xã Ngã Bảy thì hay biết mấy, một thành phố kế bên đầu mối của những con sông dòng kinh quan trọng nhất nhì Nam bộ, một thành phố có loại chợ đã trở thành biểu tượng của văn hóa Nam Bộ, chẳng phải là độc đáo nhất hay sao?
“Từ trên những rạng đông con chim sáo nó bay ra đồng… tình phù sa tuy đục mà trong”… Về miệt Hậu Giang chưa xa đã thấy thương nhớ lạ lùng…
Sông nước miền Tây
Người miền Tây mỗi khi đi Sài Gòn thì kêu bằng “lên thành phố”. “Thành phố” gần như trở thành danh từ riêng để chỉ Sài Gòn dù miền Tây có nhiều đô thị sầm uất, như Cần Thơ – được coi là thủ phủ miền Tây, như Long Xuyên – thành phố bên bờ sông Hậu, như Mỹ Tho bên sông Tiền – một “đại phố” từ thủa mới hình thành…
Trên những con đường tỏa khắp miền Tây có đến hàng ngàn cây cầu lớn nhỏ bắc qua hàng trăm con sông, kinh, rạch… chằng chịt. Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những dòng sông, trên trục lộ chính cứ qua một bến phà lớn một cây cầu dài là vào địa phận một tỉnh khác. Chỉ mươi năm trước qua sông Tiền sông Hậu còn phải có chuyến phà bến bắc thì nay đã có những chiếc cầu dây văng đẹp như mơ: cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang và Vĩnh Long, từ đó qua cầu Cần Thơ là vào Tây Đô, cầu Rạch Miễu nối Mỹ Tho với Bến Tre, qua cầu Hàm Luông là vào đất Trà Vinh… Mai mốt xây xong cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp và Long Xuyên, rồi qua cầu An Hòa vào Rạch Giá… thì quốc lộ Một gần như liền lạc không còn cảnh ngăn sông cách bến. Hồi gần hai mươi năm trước, khi khánh thành cầu Mỹ Thuận, đoạn quốc lộ hai đầu cầu kẹt xe hàng tuần, dưới sông thì đặc kín ghe xuồng… bà con các tỉnh kéo nhau về đây để tận mắt được nhìn thấy câu cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, cây cầu trong mơ của bao nhiêu đời người miền Tây.
Đường lên thành phố bây giờ chủ yếu là đường bộ. Quốc lộ Một như “xương sống” từ Sài Gòn về tới Cà Mau, đi qua hoặc tỏa nhánh vào các thành phố, thị tứ bằng những tỉnh lộ… gần đây tuy được mở rộng nhưng phần lớn vẫn là “độc đạo” chật hẹp, xe hơi xe máy ngày đêm cứ đan vào nhau, tai nạn nghiêm trọng không ngày nào không có. Ở vùng sâu còn bao nhiêu cây cầu thô sơ, sức tải yếu, hàng ngàn cầu khỉ chênh vênh… tuy là hình ảnh thân thuộc lâu đời của quê hương nhưng trở ngại cho lưu thông hàng ngày, cho sự phát triển của địa phương. Để có thể làm đường xây cầu ở khắp miền Tây thì rất tốn kém và cần nhiều thời gian nữa…
Nhiều lần đi dọc đường miền Tây tôi luôn tự hỏi, tai sao không sử dụng và phát triển giao thông đường thủy – một lợi thế tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cư dân tận dụng từ hàng trăm năm nay?
Sông Cửu Long chảy vào Nam bộ dài khoảng 250km theo hai nhánh lớn là Tiền Giang và Hậu Giang. Sông Tiền qua Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long rồi tỏa nhánh qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đổ ra biển bằng Cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Sông Hậu cũng qua Châu Đốc rồi qua Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và ra biển bằng cửa Định An, Ba Thắc và Tranh Đề. Hàng trăm kinh đào và sông rạch tự nhiên đã tạo nên hệ thống đường thủy nối liền chứ không chia cắt miền đồng bằng rộng lớn. Cùng với đường biển, Nam bộ có cả một nền văn minh sông nước trong đó phương tiện đi lại và giao thông đường thủy là một nét văn hóa đặc sắc.
Ngày trước ghe thương hồ và chợ nổi là những “đầu mối” mang hàng hóa từ miệt vườn, miệt thứ, miệt u minh… đi ra nơi thị tứ, lên thành phố. Ngày nay đi dọc các con sông ta còn thấy nhiều “chành” lúa gạo, trái cây, gần đây có những chành gốm… là nơi tập kết thu mua và chuyên chở sản phẩm đi khắp nơi. Thế mạnh của miền Tây là nông sản: trái cây, lúa gạo, thủy hải sản… quanh năm mùa nào thức ấy. Phần lớn là hàng hóa tươi sống cần vận chuyển nhanh để đảm bảo chất lượng bên cạnh việc phục vụ nhu cầu lớn của thị trường cả nước và xuất khẩu. Mặc dù đã có một số nhà máy chế biến nông sản, thủy hải sản tại địa phương nhưng việc đưa sản phẩm đến vùng miền khác còn nhiều trở ngại. Vì vậy giao thông là yêu cầu hàng đầu cho miền Tây, tuy đã có những loại xe chuyên dụng bảo quản trái cây tôm cá… nhưng chỉ cần một sự cố gây kẹt xe tắc đường là nguy cơ hàng hóa hư hỏng, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Theo thời gian, đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở thành vùng nông nghiệp quan trọng nhất nước. Vậy nhưng hiện nay nơi đây vẫn chỉ “độc đạo” quốc lộ Một với mật độ lưu thông dày đặc. Trong khi miền Tây chờ đợi một tuyến đường cao tốc như nhiều nơi ở miền Bắc đã có, chờ đợi việc phục hồi và xây mới tuyến đường sắt từ Sài Gòn đi các tỉnh, nên chăng cần sử dụng đường thủy nhiều hơn để giảm tải cho đường bộ, để có thể thuận tiện hơn khi đi vào vùng sâu vùng xa thu mua nông sản, để góp phần lưu giữ một nét văn hóa độc đáo của miền sông nước? Tất nhiên, những phương tiện như ghe, tàu, xà lan… cần được hiện đại hóa, đáp ứng về tốc độ, an toàn, bảo quản hàng hóa, không làm ô nhiễm nước sông … Đường thủy cần được bảo đảm an toàn, an ninh, hạn chế nạo vét khai thác cát hay xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.
“Từ nghìn đời vẫn dòng sông quê hương
Vẫn tàu ta đi muôn dặm nẻo đường
Mà đêm nay tàu nhổ neo rời bến
Nghe dạt dào sông nước trong đêm…”