Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


SÔNG MÃ ÊM ĐỀM


Sông Mã êm đềm

Sông Mã cuồn cuộn chẩy
chiếc mảng đã xa bờ
em không quay đầu lại
cuộc tình hay cơn mơ...


Thơ Trần Mộng Tú

H iếu sực tỉnh vào quãng nửa đêm khi chuyến tàu hỏa băng qua một cây cầu sắt ngắn. Ở cuối giấc mơ tiếng còi tàu nhỏ dần hút về miền xa, chàng bật dậy trong tiếng loảng xoảng của kim khí va chạm, con tàu rung chuyển rầm rộ qua cầu rồi lại vụt êm, đều đều rũa bánh trên đường ray.

Hiếu nhìn ra ngoài. Bóng tối mênh mang. Dán sát vào mặt kính khi quen mắt cảnh vật hiện ra tỏ dần dưới ánh trăng. Trong sương đêm con trăng tròn và to rọi ánh nhạt nhoà. Đồng ruộng, lũy tre, triền đồi, bãi sông... lướt qua trong lúc con tàu ầm ầm lao đi trong đêm tối. Mỏng và dài phía chân trời là dải Trường Sơn im lìm bất động nhưng con trăng vắt ở cao thì hình như cùng với đoàn tàu lãng đãng trôi đi trên các đỉnh núi xa. Trong đêm đen thỉnh thoảng một ánh lửa loé rồi vụt tắt, một tàn lửa kéo dài chập chờn.

Trong toa đèn bật nhưng không rộ sáng. Bọc trong lưới sắt ngọn đèn trên nóc leo lét tỏa ánh vàng trên khuôn mặt hành khách. Dọc theo hai bên toa tàu là một dẫy những ngăn nhỏ, mỗi ngăn có bốn ghế da đôi mặt mỗi bên hai ghế qua một cái bàn nhỏ. Chính giữa là lối đi. Đối diện Hiếu qua mặt bàn là một cặp vợ chồng già đang ngủ. Người vợ nghẹo đầu gục trên vai chồng, trong lúc ông này ngửa cổ trên thành ghế, ngáy khò khè, miệng há hốc, chiếc đầu lắc lư theo từng cú nẩy của con tàu. Trong bốn ghế ở ngăn bên kia thì hai ghế trống, hai ghế còn lại phía đối mặt chàng một người đàn bà trẻ ngồi chống khuỷu tay lên bàn nhìn ra ngoài cửa số, trên ghế cạnh một đứa bé co chân nằm ngủ, đầu gốí trên đùi người đàn bà.

Hiếu chú ý ngay đến người thiếu phụ này. Không hẳn vì nhan sắc của nàng mà vì nàng là người duy nhất còn thức trong khi mọi hành khách khác đều say ngủ. Ngoài ra cái dáng ngồi tư lự của người đàn bà này, tay chống cằm nhìn miết vào đêm tối, cho thấy như nàng đang có một tâm sự buồn. Khuôn mặt thanh tú, đôi má mịn màng, hai cặp môi mọng thì môi dưới hơi trề ra như nũng nịu, đôi lúc răng nàng lại khẽ cắn vào môi dưới như thể nàng đang có điều gì suy nghĩ. Nàng có cái vẻ đẹp căng rộ của người đàn bà vào thời đỉnh điểm. “Gái một con trông mòn con mắt”. Hiếu nghĩ và đột nhiên thấy khuôn mặt ấy có đôi nét hao hao giống một người con gái nào đó đã đi qua đời chàng trong quá khứ.

Cặp vợ chồng già và hai mẹ con là những hành khách mới lên từ ga Thanh Hoá trong chuyến tàu xuôi nam khởi hành từ Hà Nội. Trước đó trong toa không có một ghế trống. Trong hai ngăn tám ghế thì bẩy ghế thuộc về một đám hành khách từ Hà Nội đáp tàu đi nghỉ mát ở bãi biển Sầm Sơn. Đám đó gồm hai cặp vợ chồng trẻ và ba đứa nhỏ. Họ xuống ga Thanh Hoá vào buổi chiều tối.

Từ Hà Nội đến ga này Hiếu ngồi một mình lạc lõng trong đám người trẻ tuổi. Gần suốt cuộc hành trình chàng nhìn ra ngoài cửa sổ. Thỉnh thoảng Hiếu lấy ra từ trong ba-lô cái máy ảnh rồi hai tay nâng máy chụp vài pô phong cảnh bên ngoài. Chụp xong chàng đặt máy ảnh trên đùi. Lâu lâu thấy cảnh lạ trên tàu, vẫn để máy trên đùi chàng khẽ nâng ống kính lén chụp vài bức. Là một nghiếp ảnh gia tài tử Hiếu thường về Việt Nam chụp ảnh. Lần về này chàng đã để gần một tháng chụp phong cảnh miền thượng du miền biên giới Việt Hoa. Lộ trình đi chụp ảnh của chàng là con đường cánh cung Lai Châu-Lào Cai-Hà Giang-Cao Bằng. Sau đó chàng đáp chuyến tàu xuyên Việt này, dự tính sẽ bay trở về Mỹ từ thành phố Sài Gòn.

Chiếc máy ảnh của Hiếu có ống kính dài để trên đùi mãi cũng thấy nặng chàng đặt máy lên bàn, điều chỉnh sẵn ống kính và tốc độ để nếu cần có thể chụp thật nhanh. Mấy đứa trẻ xem ra có vẻ khoái cái máy ảnh đồ sộ của chàng. Một đứa tò mò nhổm người thò tay toan cầm chiếc máy bị mẹ nó quắc mắt bẻ gập cánh tay ra sau. Thằng bé mặt tiu nghỉu. Hiếu vẫy nó lại gần. Cầm máy soát lại mấy bức ảnh chụp lén lúc trước chàng đổi tay nắm ngang ống kính xoay ngược máy giơ màn ảnh dí vào mặt thằng bé. Nó há hốc mồm nói to:

– Ảnh con bố mẹ ơi! Lại có ảnh của thằng Tèo nữa này!

Ở ngăn bên kia hai thằng bé nhổm qua nhìn vào máy. Thằng Tèo quay lại nói với mẹ:

– Mẹ ơi, ông này chụp cả ảnh con đang ăn kem đây này.

Rồi nó quay qua Hiếu năn nỉ:

– Ông cho cháu bức ảnh này đi!

Hiếu nói:

– Cháu nói với mẹ cho bác địa chỉ. Bác sẽ gửi đến tận nhà.

Rồi quay qua mẹ thằng Tèo chàng nói:

– Chị cho tôi địa chỉ e-mail. Như vậy nhanh hơn.

Người đàn bà nói với chồng, một thanh niên ngồi đối diện Hiếu:

– Anh cho bác đây cái e-mail của anh đi.

Anh ta viết e-mail đưa cho chàng:

– Xem ra bác là tay nghề chụp ảnh. Nhìn cái máy của bác là tôi biết.

Xong anh ta lôi trong sắc tay một máy ảnh để trên bàn nói:

– Tôi cũng thích chụp ảnh lắm. Cái máy này tôi mới mua tính để chụp ở Sầm Sơn, nhưng chưa rành cách xử dụng. Nếu được bác chỉ cho cách dùng thì hay quá!

Liếc qua Hiếu biết ngay cái máy canon này thuộc loại khá tốt. Chàng cầm máy ảnh của anh ta giơ ra ngoài cửa sổ. Ở bờ một con sông nhỏ hai con trâu đang đi xuống nước, chàng bấm máy chụp liên tiếp hai ba bức rồi trao máy lại cho anh ta. Sau khi chỉ cho anh ta cách xử dụng máy Hiếu nói thêm về nhiếp ảnh và cách tạo hình nghệ thuật. Anh ta tỏ vẻ chăm chú theo rõi.

Hai người mê mải nói chuyện. Chiều xuống lúc nào không biết. Hiếu cho anh ta xem vài tấm ảnh chàng chụp ở Sapa:

– Anh để ý xem những tấm ảnh này tôi đều chụp vào lúc bình minh hay lúc chiều tà. Tôi tránh chụp lúc buổi trưa khi mặt trời đứng bóng, đẹp nhất là cảnh xế chiều lúc đó ánh nắng xiên tạo chiều sâu cho bức ảnh.

Đến đây anh thanh niên xem đồng hồ tay rồi xây qua nói với vợ:

– Chắc sắp đến ga Thanh Hoá rồi. Em cho chúng nó sửa soạn để xuống tàu.

Rồi quay qua Hiếu anh ta nói:

– Bác cầm máy theo tôi ra ngoài này. Chốc nữa tàu sẽ băng qua một cây cầu dài rất nổi tiếng. May ra thì chụp được ảnh cây cầu trước khi mặt trời lặn.

Hai người hai máy ảnh đi ra cuối toa đẩy cửa bước ra ngoài đứng chỗ khoảng trống tiếp giáp giữa hai toa tầu. Bên ngoài không gian òa vỡ. Mùi khói khét lẹt. Con tàu rầm rập nghiến trên đường sắt. Cột điện, mái nhà, bụi chuối, lũy tre... vùn vụt lướt qua. Về hướng tây mặt trời xuống thấp trên đỉnh núi xa. Đến một khúc quanh đầu tàu thúc còi. Bỗng phía trước mặt một bãi sông mở ra bát ngát. Chĩa máy phía trước anh thanh niên la to nhưng giọng anh ta bị át trong tiếng còi hụ kéo dài khiến Hiếu chỉ nghe được loáng thoáng mấy tiếng “Cầu Hàm Rồng... Sông Mã...”. Ngay sau đó hiện ra một cây cầu sắt dài và phẳng, cây cầu hùng vĩ ánh lên màu thép trong ráng chiều. Chàng chụp cầu Hàm Rồng rồi chĩa máy trên sông Mã lấy toàn cảnh con sông từ gần ra xa. Phía chân cầu con sông rộng cuồn cuộn chẩy. Về hướng tây sông nhỏ dần êm đềm mất hút về phía những rặng núi xa ở chân trời.

Nơi chân trời xa ấy... ở cuối dòng sông Mã kia...

Cả một thời quá khứ bỗng vụt hiện. Xẹt trong trí chàng hình ảnh máy bay Mỹ nhào lộn trên không trung thả bom tinh khôn phá hủy cây cầu Hàm Rồng vào thời cao điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam. Vụt một cái con sông Mã làm Hiếu sống dậy cả một vùng trời quá khứ thời hậu chiến trong những năm tháng dài chàng ở trong trại lao tù Thanh Cẩm.

Đã bao nhiêu năm trôi qua... từ dạo ấy… đã bao nhiêu nước của con sông Mã chẩy dưới chân chàng, qua cây cầu Hàm Rồng này...

Sau khi ngừng ở ga Thanh Hóa thả đám người đi tắm biển Sầm Sơn, con tàu tiếp tục xuôi nam trong bóng đêm. Hiếu ngồi tư lự, không buồn để ý đến bốn hành khách vừa mới lên tàu. Với dòng sông Mã in trong trí tưởng, chàng nhớ lại những ngày xưa cũ... Theo với đà hồi tưởng con sông Mã hung hãn mất dần đi đợt sóng dữ, trả lại mặt sông vẻ thanh thản mịn màng của nó như làn da của người con gái bên sông mà chàng đã từng yêu.

Trại Thanh Cẩm nằm sát bờ hữu ngạn của sông Mã. Từ cổng trại đám tù nhân sau một ngày lao động mệt nhoài thường xuống tắm và giặt rũ trên con sông ấy, nhìn sang bên kia sông là bờ cỏ, là rừng cây và xa hơn nữa là rặng núi xanh cao sững chắn ngang tầm mắt. Lưng chừng núi há ra một cái hang mà tù nhân tắm dưới dòng sông Mã nhìn thấy rất rõ, dân địa phương ở đây gọi là Hang Cháy. Vào mùa nước lũ con sông Mã đục ngầu lồng lộn chẩy xiết như “ngựa phi” là một đe dọa lớn cho những tù nhân toan tính trốn trại. Nhưng trong ký ức chàng dòng sông ấy óng lên một vẻ đẹp êm đềm hiền hoà.

Vẻ êm đềm ấy phải chăng là do kết quả của mối tình đẹp và ngang trái xẩy ra giữa chàng và người con gái tên Hà trong trại Thanh Cẩm khiến ngoại cảnh như được thăng hoa: sông Mã trở nên hòa dịu, đời tù vẫn còn đáng sống, và ngay cả cán bộ thứ dữ dằn nhất cũng đôi lúc có vài nét đáng yêu. Câu chuyện về mối tình nẩy nở giữa Hiếu, một tù nhân cải tạo, với Hà, vợ của một cán bộ xây dựng được lan đi trong trại Thanh Cẩm như một câu chuyện hoang đường không có thực. Trong hoàn cảnh lao tù mà cơn đói, bệnh tật và cái chết đã thường trực ám ảnh con người, ngay cả tình yêu trong tưởng tượng cũng bị xem là viễn mơ, thì câu chuyện tình có thật nẩy nở giữa một tù nhân “ngụy” và vợ của cán bộ cộng sản là chuyện không ai nghĩ là có thể xẩy ra.

Năm 1979 khi xẩy ra cuộc chiến tranh Việt Hoa thì các tù nhân bị giam ở một số trại gần biên giới được di chuyển về hướng nam đến trại giam Thanh Cẩm thuộc tỉnh Thanh Hoá. Năm đầu cuộc sống trong trại này cực kỳ khốn khó, căng thẳng, nhưng qua những năm đầu thập niên 1980 thì tình hình đã có triệu chứng thay đổi và dễ thở hơn. Tù bắt đầu được nhận quà từ gia đình và được gia đình đi thăm nuôi. Tù nhân được phân công thành nhiều Đội làm công tác lao động. Hiếu được chỉ định làm Đội phó cho đội 7 Rau Xanh. Trong khi đó thì Hà là nhân viên nấu ăn trong khu nhà bếp của “Khung”. Khung là chữ gọi tắt của Ban Chỉ Huy Trại. Hà người xinh xắn, trắng trẻo. Chồng Hà là chuẩn úy Sơn, cán bộ xây dựng. Đó là một người đàn ông gầy và hơi xanh xao, nghe nói rất sợ vợ. Thời gian làm việc tại trại Thanh Cẩm họ chưa có con. Theo quy định của Trại thì tù nhân phải gọi vợ của các cán bộ là Cô và xưng tôi. Ngược lại họ cũng xưng tôi và gọi các tù nhân bằng Anh.

Hai người quen nhau là do cơ duyên này. Cô Hà thường ra các đội Rau Xanh để xin các thứ rau loại vứt đi để mang về cho lợn ăn. Khi đến Đội Rau Xanh của Hiếu, thấy cô là người trắng trẻo dễ thương chàng có cảm tình nên thay vì cho cô những loại rau già vất đi chàng cố ý “độn” thêm một số rau tươi, rau này tùy mùa có thể là rau cải hoặc đậu... Hiếu chắc là Hà cũng để ý đến chàng và ghi nhận những “món quà rau” mà chàng ngầm tặng cô. Có lần Hiếu đề nghị gánh rau mang về tận nhà cho cô Hà và cô vui vẻ để cho chàng gánh. Chính tại căn nhà gỗ ở ven rừng sắn này là địa điểm mây mưa của hai người sau này khi tình yêu đã chín mùi và khi chồng của cô Hà đi công tác xa. Đội 7 Rau Xanh của Hiếu ngoài các mẫu đất trồng hoa màu đặc biệt có khoảng ba, bốn sào trồng đậu xanh. Ngoài ra kế cận Đội 7 là Đội 4 Rau Xanh có khoảng hai ba mẫu cũng trồng đậu xanh. Đến mùa thu hoạch, chàng thường dẫn một toán của Đội 7 mang đậu về kho của Ban Chỉ Huy Trại. Cùng đi với chàng có Bùi, Đội Phó của Đội 4, cũng dẫn một toán mang đậu về kho của “Khung”. Vì đậu xanh là thực phẩm “cao cấp” nên ai cũng muốn “chôm chỉa” kể cả cán bộ và nhân viên nhà bếp. Hiếu chia sớt đậu xanh cho họ, nhưng vì đội của chàng trồng có ba sào cho nên nếu cho nhiều thì cũng sợ thiếu, nên chàng phải lấy thêm đậu của Đội 4 cho. Đội 4 trồng tới ba mẫu, năm đó lại trúng thời vụ, đậu xanh rất nhiều. Do đấy mà Bùi và chàng có dịp tiếp cận và gần gũi với các bà các cô làm việc ở nhà bếp của Khung, trong đó có Hà, cô nấu bếp xinh đẹp.

Cuộc tình giữa hai người nẩy nở lúc nào không biết. Mỗi lần bà chị của Hiếu đi thăm nuôi và cho quà chàng thường san sẻ biếu cô, có khi quần áo, có khi thức ăn... Ngược lại cô Hà cũng hay nấu thức ăn đem lén cho chàng gọi là để “bồi dưỡng”. Rồi tình cảm thầm kín ấy giữa hai người một hôm kia bùng phát. Hôm đó Hiếu có việc bất ngờ đến Khung gặp cán bộ Trí để tường trình về kết quả công tác của Đội Rau Xanh, nhưng Trí đi vắng. Lúc về qua nhà bếp chàng thấy Hà đang rửa rau. Hiếu yên lặng tiến lại gần. Lúc ấy bữa ăn trưa đã xong nên nhà bếp vắng hoe. Quen nhau đã gần nửa năm nhưng chưa bao giờ hai người có dịp gặp nhau riêng rẽ. Hà quay lại và khi thấy Hiếu nàng sững sờ. Hiếu đảo mắt nhìn quanh và khi biết chắc không có ai khác trong nhà bếp chàng quả quyết và liều lĩnh tiến lại hai tay nắm hai bờ vai Hà cúi mặt xuống. Chàng bật gọi “Cô Hà” rồi chuyển nhanh thành “Em...” trước khi đôi môi hai người gắn chặt vào nhau. Hà vùng vẫy. Một con mắt nàng sợ hãi mở to, tròng đen liếc xéo về phía cửa, nhưng rồi toàn cơ thể của nàng dịu dần, con mắt khép lại, chiếc rổ rau cầm tay rơi xuống đất. Hiếu mê man trong cái hôn đầu tiên của cuộc đời tù cải tạo.

Vài tuần lễ sau đó Hiếu không gặp Hà. Chàng có cảm tưởng là nàng tránh gặp mình. Sau hôm đó Hiếu nhớ nàng da diết. Đồng thời một cảm giác lo âu xâm chiếm lấy chàng. Nếu nàng không thuận mà lại mách với chồng thì thật là một tai họa không sao mà lường.

Mấy đêm liền phần vì nhớ Hà phần vì lo sợ Hiếu không sao chợp mắt. Nằm trong trại giam nghe tiếng ngáy đều đều của các bạn tù chàng chong mắt nhìn sâu vào đêm tối. Trong đêm khuya từ phía sông Mã vang lên rõ mồn một tiếng mõ “lóc cóc, lóc cóc...” của đám dân chài cá, thỉnh thoảng lẫn trong tiếng mõ lại điểm thêm bốn nốt rời rạc của một loài chim rừng kêu đêm, bốn tiếng có âm vang “bắt cô trói cột... bắt cô trói cột...”. Gần sáng chàng thiếp đi rồi choàng tỉnh trong tiếng kẻng từ phía cổng trại đánh thức tù dậy đi lao động.

Rồi một buổi trưa kia Hà xuất hiện trong lúc Hiếu lao động ở Đội 7. Nàng đến Đội Rau Xanh lấy rau già về cho lợn ăn như thường lệ. Gặp Hiếu nàng không nói gì, nhưng ánh mắt nàng nhìn chàng tha thiết khác thường khiến mối lo sợ trong lòng chàng tan biến. Cách ăn mặc của nàng cũng có vẻ khác. Chiếc áo cánh và chiếc quần lĩnh của Hà nom cũng có vẻ tươm tất hơn. Khi hai sọt đã chất đầy rau nàng ra hiệu cho Hiếu gánh giúp nàng về nhà. Vì việc nàng nhờ chàng gánh rau đã xẩy ra trong quá khứ nên không một ai, kể cả cán bộ quản giáo Đội 7, để ý đến sự vắng mặt của chàng buổi trưa hôm đó. Không như những lần trước, lần này nàng xăm xăm đi thật nhanh khiến Hiếu phải vất vả mới theo kịp. Trưa hôm ấy trời lại nóng gắt, chẳng mấy lúc mồ hôi đổ sau lưng chàng. Hai người đi men theo con đường mòn một bên là bìa rừng một bên là khu vực trại. Đến một ngọn đồi trước mặt hai Đội 4 và 7 Rau Xanh, thay vì đi thẳng về hướng nhà nàng thì bỗng nhiên nàng rẽ phải rồi đi thẳng lên đỉnh đồi.

Chặp lâu sau đến một khoảng đất phẳng Hà dừng lại đợi chàng đi lên. Tuy chưa tới đỉnh nhưng chỗ này đã khá cao. Phía dưới xa thấp thoáng sau rừng cây chàng nhìn thấy con sông Mã lấp lánh dưới nắng. Đặt gánh rau xuống đất Hiếu ngừng lại thở dốc. Hà tiến lại cầm lấy hai gánh rau và đòn gánh dấu vào một bụi cây gần đó rồi ra hiệu cho chàng đi theo. Lấy tay rẽ lá hai đứa luồn qua một bụi cây rậm rạp cao quá đầu người. Bên kia bụi cây mở ra một khoảng đất tròn cỏ xanh mướt, bao bọc xung quanh và trên đầu là lá cây che phủ, Hiếu có cảm giác như mình vừa lạc vào một căn nhà vòm lá xanh.

Đến một gốc cây ở chính giữa khoảng đất trống Hà quay người lại tựa lưng ngả đầu vào thân cây, đôi mắt nàng mở lớn nhìn chàng tiến lại gần. Khuôn mặt nàng hồng lên vì nắng, tóc xõa xuống trán bết ướt mồ hôi. Vòng hai cánh tay sau gáy nàng, bàn tay vịn thân cây, Hiếu nhìn sâu vào mắt nàng và thấy đôi mắt này bỗng dại hẳn đi vì cảm xúc.

Không trao nhau một lời tình tự hai đứa ôm ghì lấy nhau ngả xuống cỏ trong hơi thở dồn dập như hai con thú rừng vồ nhau vào mùa động đực. Tất cả chỉ còn là âm thanh của gió rừng lao xao trên đồi, tiếng lá khô nghiến dưới lưng, rồi đến tiếng hổn hển rên rỉ của loài thú bị thương. Bàn tay thô bạo của bao nhiêu năm tháng lao động nhọc nhằn đè lên đồi cỏ mịn màng căng phồng, trườn xuống miền thâm u của khe suối róc rách, người đàn bà cong lên run bần bật, cổ họng nàng thốt lên một tiếng kêu ngắn và tắc nghẽn như một con ve đang kêu bị một con chim nuốt chửng, chàng trút hết vào người nàng tất cả sinh lực của chàng, cái sinh lực cạn kiệt của một tù nhân sau bẩy năm trời cải tạo khốn khó, rồi chàng thiếp đi...

Khi chàng bật dậy Hà không còn đó. Hai gánh rau cũng biến mất. Chàng hoang mang nhìn quanh. Buổi trưa hè trong cái im phắc của khu rừng nổi lên tiếng vo ve vo ve. Một con ong bay qua. Một con ruồi trâu xà đậu vào mặt. Trên cao kia tia nắng chói lọi rọi thẳng vào mắt. Hiếu đứng dậy người lảo đảo. Bò qua bụi rậm chàng tìm đường dẫn xuống đồi, nhưng khi vừa tìm thấy con đường mòn đứng dậy thì mắt chàng lại hoa lên. Chàng ngất xỉu. Trong khi đó trên con đường mòn toán Đi Rừng của Đội 4 vác nứa từ trên đồi về Trại.

Tin tù nhân Hiếu bị xỉu trên đồi lan đi trong trại nhưng không một ai thực sự biết chuyện gì xẩy ra giữa chàng và Hà. Nhưng điều nguy hiểm là sau đó Hà không dấu giếm cảm tình của nàng đối với chàng. Hà nấu ăn và mang cơm cho chàng hầu như hàng ngày. Ăn không hết chàng san sẻ với các bạn tù trong trại. Giấu giếm không được Hiếu đành thổ lộ với vài người trong Đội Rau Xanh là hai người “thương” nhau, nhưng mức độ thương ấy như thế nào thì chàng không tiết lộ. Thời gian này Hiếu và Hà do công việc thường phải đi cùng nhau sang bên Đội 4 Rau Xanh. Theo qui định của trại hai người không được đi song hành, chàng bao giờ cũng phải đi trước hoặc đi sau Hà. Nhưng kể từ ngày có sự cố trên đồi thì nàng thích đi sánh vai chàng để nói chuyện khiến chàng sợ hãi nhìn xung quanh xem có cán bộ nào lảng vảng gần đó nhìn thấy không rồi chàng giả lơ không đáp đi tụt hậu sau lưng nàng.

Qua tháng sau trong một lần gánh rau về nhà nàng, Hà cho biết là chuẩn úy Sơn chồng nàng dạo này phải đi công tác xây dựng xa trên Thanh Hóa. Tại nhà Hà hôm đó trên chiếc chõng tre ọp ẹp cuộc mây mưa của hai đứa bắt đầu. Được tiếp sức nhờ đồ ăn “bồi dưỡng” của Hà dạo này sức khỏe khấm khá nên chàng phục vụ nàng tận tình. Tiếp theo đó những buổi trưa hè cái chõng tre lại “kẽo kẹt” hòa âm với tiếng ve sầu kêu râm ran trong khu rừng sắn sau nhà nàng.

Đi đêm mãi có ngày gặp ma... Hôm đó hai đứa vừa vào trong nhà chưa kịp lâm trận thì ngoài cổng đã có tiếng gọi to: “Bà Sơn có nhà không?”. Rồi tiếng chân người xầm xập qua hiên. Hà hốt hoảng đẩy Hiếu thoát ra cửa sau rồi tiến lên chặn cửa trước. Ra ngoài chàng chạy thục mạng vào khu rừng sắn. Đằng sau chàng có tiếng oang oang của cán bộ Chương: “Thấy có bóng người tôi ngỡ là đồng chí Sơn đã về”. Rồi tiếng Hà trả lời ú ớ chàng nghe không rõ...

Hiếu sống trong tâm trạng cực kỳ lo âu suốt một tuần lễ sau đó. Mỗi ngày trôi qua không bị mời lên Ban An Ninh chàng lại mừng thầm.

Rồi một buổi chiều trong lúc Hiếu đang tắm trên sông Mã thì một anh bạn tù khá thân lại gần. Anh ta tên là Lân, trại viên Thông Tin Văn Hóa. Với chức vụ này anh ta thường có dịp lên Khung và tiếp xúc với các cán bộ của Ban Chỉ Huy. Lân nói nhỏ vào tai chàng:

– Ông Hiếu này, ông coi chừng đấy. Sáng nay tôi nghe cán bộ Chương nói chuyện to nhỏ gì với Ban Lăng có nhắc đến tên ông. Tôi không biết chuyện gì, nhưng đoán là chuyện không hay. Nói để ông liệu mà đề phòng.

Hiếu giật mình. Ban Lăng, sĩ quan An Ninh nổi tiếng là hung thần của trại Thanh Cẩm. Tay này là cánh tay phải trại trưởng Thực. “Ban” là tiếng để gọi các sĩ quan trong trại. Chương mà to nhỏ với Lăng thì chỉ có thể là chuyện “hủ hoá” giữa Hà và chàng. Vậy là có vấn đề lớn rồi.

Ý nghĩ trốn trại xẹt qua trong trí chàng. Nhưng nghĩ đến vụ “bố” Lễ cùng mấy người khác trốn trại thất bại năm trước ý nghĩ đó tắt ngay. Bố là tiếng dùng để ám chỉ các linh mục bị giam trong một dãy nhà riêng, mà anh em tù nhân đặt một biệt danh là “khu Vatican”. Hậu quả ghê rợn của vụ trốn trại bị bắt lại và bị trừng phạt ra sao mọi người đều biết.

Hôm sau Hiếu lục lại các “bùa hộ mạng” thấy chỉ còn một sấp vải “hàng ngoại” do bà chị chàng gửi trong lần thăm nuôi mới đây, sấp vải này chàng tính dùng để tặng Hà, nhưng nay với cơ sự này thì đành phải dùng nó vào việc khác. Hồi đó chàng có cô em ở bên Mỹ nó thường gửi quà cho chàng qua ngã Pháp về địa chỉ bà chị ở Sài Gòn. Để mua chuộc cảm tình của các cán bộ nhằm đổi lại một không khí dễ thở các tù nhân thường tìm mọi cách “hủ hoá” cán bộ bằng quà cáp, không phải trực tiếp đưa họ mà là qua tay các bà vợ. Việc Hiếu chia sớt đậu xanh lấy được từ Đội 7 và Đội 4 cho vợ của các cán bộ trong ban nhà bếp cũng nằm trong mục đích đó. Nhưng vũ khí mạnh nhất của tù cải tạo là những thùng đồ của thân nhân từ nước ngoài gửi về và mang đến do thăm nuôi. Những người ở nước ngoài không thể hiểu nổi yêu cầu quái đản của tù nhân cải tạo: trong khi đời sống cơ cực như thế mà chỉ xin gửi những đồ xa xỉ dùng cho phụ nữ như khăn tắm, nước hoa, xà phòng, vải vóc, thậm chí còn xin gửi cả áo ngực và quần lót đàn bà nữa. Những thứ này tù nhân gọi là “bùa hộ mạng”.

Với cái bùa ấy Hiếu đến gặp vợ của Ban Lăng. Bà này người quê mùa cục mịch nhưng không có cái tướng độc ác của chồng. Nhìn thấy bà ta mê mẩn tay sờ vào xấp vải lụa rồi áp lên má, Hiếu biết ngay là cái bùa này có hiệu nghiệm. Sau đó chàng mới trình bầy câu chuyện giữa bà Sơn và chàng, đó là chuyện bịa đặt do ác ý của các bạn tù chứ thật ra giữa hai người không có tư tình gì cả.

Sáng hôm sau tù nhân tập họp trước sân chuẩn bị “xuất số” đi lao động. Khi qua cổng trại Ban Lăng đứng đó chỉ vào mặt Hiếu nói chàng phải ở nhà “làm việc”. Các anh em tù nhìn Hiếu ái ngại vì Ban Lăng muốn “làm việc” với ai thì người đó cầm chắc là bị đánh tàn nhẫn và sau đó bị gửi lên “vùng trên”, tức là khu nhà Kỷ Luật.

Hiếu chuẩn bị tinh thần để đón nhận hình phạt nặng nề nhất mà Ban Lăng có thể đem ra thi hành với chàng. Nhưng khi gặp hắn chàng ngạc nhiên hết sức. Trước hết hắn bảo chàng phải “thành khẩn” khai báo mọi chuyện giữa chàng và bà Sơn, không được giấu diếm một chi tiết nào.

Hiếu giải trình với Ban Lăng trên cơ sở “chối chết bỏ”: thôi thì đủ lý do lý chấu là chuyện liên hệ tư tình với bà Sơn hoàn toàn không có, có chăng chỉ là do các bạn tù có ác ý gán ép mà thôi.

Nghe xong Ban Lăng ngoắc tay cho chàng về Buồng. Hắn nói:

– Anh về viết trình nội vụ về việc anh liên hệ với bà Sơn để tôi trình ông Thực.

Ngừng một chút hắn hạ giọng nói trấn an:

– Vợ ai thì người ấy giữ chứ, phải không nào?

Hiếu thoát nạn. Mừng hú. Sau này hiểu chuyện chàng mới biết cái “bùa hộ mạng” không giúp chàng nhiều như chàng tưởng lúc ban đầu. Hiếu thoát vì lý do này: chuyện vợ của một cán bộ “hủ hoá” với tù nhân là chuyện tối kỵ đối với chế độ cộng sản. Vì thế bằng mọi cách Ban Chỉ Huy trại phải ém nhẹm chuyện xấu xa này đi để nó khỏi loan truyền ra ngoài.

Vì vậy họ đã giải quyết chuyện này một cách êm thắm: không một ai hay biết nguyên do vì sao vợ chồng cô Hà lại bị thuyên chuyển về làm việc tại nhà máy xi-măng Bỉm Sơn ở Thanh Hóa.

Trong khi chuẩn bị dọn nhà đi Bỉm Sơn họ cần nứa để đóng bè. Hiếu điều đình với một số anh em thuộc “phe ta” tức toán đi rừng Đội 4 để thương thảo với vợ chồng cô Hà. Anh em đội rừng chặt nứa mang tới cái bè do chồng của cô Hà đóng tại mé sông, đổi lại Hà trả bằng gạo với giá cả được thỏa thuận: “một bó nứa lớn được bốn bò gạo”.

Ngày giao nứa sau cùng là một buổi chiều vàng rất đẹp nhưng buồn bã. Ánh nắng lọt qua đám lá cây bên bờ sông phủ lên mặt sông Mã êm đềm những đốm sáng lăn tăn. Mấy tù nhân đứng bên bờ sông nhìn chiếc bè từ từ ra giữa dòng. Nhìn chuẩn úy Sơn dáng người gầy gò cong lưng chống sào Hiếu tự hỏi người chồng đáng thương này có hay biết gì về câu chuyện tình của hai người. Lòng trắc ẩn của Hiếu với anh ta quả là không đúng lúc vì nó làm chàng sao lãng mấy phút quí giá: chàng đã quên không nhìn thẳng vào đôi mắt của Hà để nói với nàng bằng ánh mắt lời từ biệt sau cùng. Khi chàng định thần thì chiếc bè đã cách bờ khá xa, Hà đứng thẳng người, mặt trời phía sau lưng khiến mặt nàng chìm trong tối và bây giờ thì đôi mắt đẹp của nàng, đôi mắt buồn não nuột ấy đang dương to nhìn Hiếu nếu có chăng thì cũng chỉ là ở trong trí tưởng tượng của chàng.

Tiếng loảng xoảng rung chuyển của con tàu băng qua một cây cầu sắt đánh thức Hiếu về với hiện tại. Chàng nhìn quanh khoang tàu. Trước mặt chàng qua mặt bàn hai vợ chồng già nay đã đổi vị trí. Ông chồng vẫn say ngủ, miệng há hốc, nhưng đầu gục trên vai vợ trong lúc bà này đã thức, ngồi thẳng trên ghế, nhìn chàng đăm đăm với cặp mắt mệt mỏi vô hồn.

Ở ngăn bên kia, thằng bé cũng tỉnh ngủ, nhỏm dậy khỏi đùi người đàn bà, nói to:

– Mẹ ơi, con không ngủ được.

Người thiếu phụ cúi xuống nói:

– Sao vậy con?

– Cái đèn kia kìa, nó chiếu vào mắt (Thằng bé chỉ vào bóng đèn trên nóc toa).

– Để mẹ che mặt cho con. Ngủ đi!

Thằng bé ngồi thẳng dậy, nói:

– Tối đen con mới ngủ được, phải đen xì, đen như mực cơ!

Im một lát.

Thằng bé lại nói:

– Lúc nãy con ngủ con trông thấy một ông tây to tướng.

Im một lát.

– Mẹ ơi! Tại sao trên cánh tay ông tây lại có nhiều lông thế hở mẹ?

Người mẹ ấn đầu thằng bé lên đùi mình, gắt:

– Ngủ đi, mày chỉ hỏi vớ vẩn!

Rồi người đàn bà chống tay lên bàn nhìn ra cửa sổ.

Im lặng. Chỉ còn tiếng phông của con tầu đều đều nghiến trên đường sắt.

Hiếu chống khuỷu tay lên bàn nhìn ra ngoài cửa kính. Bỗng chàng giật mình. Trong đêm đen ngoài kia lơ lửng hình một người đàn bà tay chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ. Định thần thì đó là hình ảnh hai mẹ con ở ngăn bên kia. Hình ảnh ấy như bị vứt ra khỏi con tàu chơi vơi bên ngoài. Thì ra tấm cửa kính nếu được nhìn ở một khoảng cách nhất định có tác dụng của một mặt gương. Nếu dán sát mặt vào kính hay lùi ra xa thì tác dụng đó không còn. Hiếu nhích một chút xíu điều chỉnh để tấm kính có tác dụng của một nửa tấm gương: một nửa có thể nhìn xuyên bên ngoài, một nửa phản chiếu hình ảnh trong toa. Cả hai hình ảnh trong và ngoài toa tàu đè chồng lên nhau lơ lửng trong màn đêm đen.

Bỗng người đàn bà ngoài toa tàu kia quay lại nhìn thẳng về phía chàng. Đôi mắt nàng mở lớn. Ngay lúc ấy một tàn lửa ánh lên ở ngoài đêm. Ánh lửa lóe sáng chập vào tròng mắt của người đàn bà. Hiếu thảng thốt kêu thầm trong trí: “Hà!” rồi quay ngoắt người lại nhìn vào trong toa.

Nhưng không. Người đàn bà còn quá trẻ này không thể nào là cô Hà của chàng ba mươi năm trước. Khi chàng đột nhiên quay lại nhìn nàng, cặp mắt người đàn bà này vẫn giương to nhìn suốt qua chàng, không tránh đi, chứng tỏ là lúc nãy nàng không có ý nhìn trộm Hiếu trong lúc chàng nhìn ra cửa sổ.

Chàng lại nhìn ra cửa kính kín đáo quan sát “nàng” qua phản chiếu. Nhìn kỹ người đàn bà này thì Hiếu lại không thấy có điểm nào giống người trong mộng của chàng, nhưng lâu lâu bất chợt, qua một ánh mắt hay một dáng điệu nào đó người thiếu phụ làm loé trong trí chàng sự liên tưởng đến Hà.

Sự khám phá cái mặt kính như một trò chơi kích thích khiến Hiếu không ngủ lại được. Dần dà, tất cả mọi người trong hai ngăn của toa tầu đều ngủ say, ngoại trừ hai người. Và cả Hiếu lẫn nàng đều cùng tì khuỷu tay trên bàn và cùng nhìn ra ngoài cửa kính.

Nàng có trông thấy Hiếu trong mặt kính giống như chàng đã thấy nàng? Hay nàng không thấy gì cả, hoặc nếu thấy thì đó là hình phản chiếu một chỗ khác trong toa?

Gần sáng Hiếu thiếp đi mang theo hình ảnh người thiếu phụ này vào trong giấc mơ của chàng, một giấc mơ trốn trại khá dữ dội...

Đêm khuya, trời mưa, lúc Hiếu vừa bò ra khỏi hàng rào cổng trại thì một tiếng súng nổ chát chúa. Chàng chạy thục mạng qua bãi sắn về hướng sông Mã. Nhào xuống sông lúc này nước chẩy xiết như thác lũ chàng thả mình bơi xuôi dòng dọc theo các bụi rậm ven sông. Rồi tiếp theo hai ba phát súng nổ từ phía trại, tiếng chân người chạy rầm rập trên bờ lẫn tiếng la hét của cán bộ. Lát sau tiếng chân người xa dần. Chàng mò mẫm lội trong đêm tối mò tới điểm hẹn dưới một gốc cây lớn bên sông. Có tiếng gọi rất nhỏ “anh Hiếu” từ một bụi rậm, rồi một chiếc ghe nhỏ hiện ra. Hiếu bám lên ghe trong lúc Hà chống sào đẩy ghe xa bờ. Đúng lúc ấy tiếng chân rầm rập của đám người quay lui, đồng thời từ phía trại tăng cường cán bộ dắt chó săn truy lùng. Bờ sông vang dội tiếng la hét, tiếng chó sủa, tiếng súng va chạm lách cách. Có tiếng quát tháo của Ban Lăng rồi một tràng đạn bắn lia ra sông. Trong đêm đen chiếc ghe vọt ra giữa dòng... Qua bờ sông bên kia Hà đẩy chiếc ghe cho trôi xuôi dòng rồi hai đứa lên bờ nhắm hướng núi trước mặt tiến tới. Tờ mờ sáng hai đứa đến chân núi. Rặng núi đá xanh sừng sững trước mặt. Chàng chỉ lên cao. Lưng chừng núi hoác ra một cửa hang đen ngòm. Chàng bảo Hà: “Mình trốn trong hang đó”. Hai đứa leo lên. Đến gần trưa thì đến miệng hang. Miệng hang to và cao như một toà nhà, bên trong sâu thẳm đen ngòm. Hai đứa đứng ở miệng hang nhìn xuống núi. Phía xa, sau rừng cây, con sông Mã đục ngầu uốn khúc như một giải lụa đào. Trại Thanh Cẩm nhỏ bé nằm bên kia sông chìm khuất trong cây chỉ nhô lên dẫy nóc bằng của khu Kiên Giam là nơi cao nhất trong trại. Hiếu vòng tay ôm sau lưng Hà chỉ vào trong hang và nói với nàng: “Đây là tổ ấm của chúng mình. Anh sẽ trồng rau xanh mà sống...”. Hà hỏi: “Sao anh lại chọn cái hang này để trốn?”. Hiếu trả lời nàng: “Vì đây là căn nhà trong mộng của anh. Mỗi lần tắm trên dòng sông kia là anh lại mơ ước được sống với em trong hang đá này suốt cuộc đời. Căn nhà này, cái hang này... anh đặt tên là Văn Dú”.

Một hồi còi kéo dài, tiếng hãm ken két, rồi con tàu giựt mạnh, ngừng khựng. Hiếu bật dậy khỏi giấc mơ ngơ ngác nhìn quanh. Có tiếng nói lao xao: “Ga Huế! Ga Huế”. Trời đã sáng.

Một số hành khách trên tàu đang sửa soạn xuống ga, trong số có hai mẹ con ở ngăn bên kia. Người thiếu phụ cúi xuống dưới bàn tính lôi một cái va-li khá lớn ra nhưng nó mắc kẹt ở chân ghế. Nàng ngồi hẳn xuống cầm quai va-li giật mạnh mấy cái nhưng vô hiệu. Hiếu đứng dậy bước ra quỳ xuống cạnh nàng, thò hai tay qua chân ghế kéo được cái va-li. Hai người cùng đứng dậy một lúc. Vì hành lang giữa toa tầu hẹp nên khi đứng dậy hai người ở vị trí ép sát vào nhau. Nàng khẽ hất đầu cho tóc khỏi rối trên trán, ngước mắt nhìn Hiếu, đôi mắt mở lớn, nói lí nhí trong miệng:

– Cám ơn bác.

Thoáng một cái hình ảnh Hà vụt hiện khiến chàng buột miệng thốt ra:

– Cô Hà...

Người thiếu phụ sững sờ nhìn Hiếu như không hiểu chàng nói gì. Hiếu ấp úng:

– Cô... cô...trông giống hệt một người mà tôi quen. Xin lỗi cô... có phải... mẹ của cô tên Hà?

Nàng nhướng to đôi mắt nhưng vẫn không nói gì. Chàng tiếp theo:

– ... và bố của cô tên là Sơn?

Mắt của nàng ánh lên:

– Vậy là bác có quen biết bố mẹ cháu.

– Tôi biết mẹ cô. Cũng lâu lắm rồi. Hồi đó mẹ của cô làm việc ở trại tù Thanh Cẩm... Chúng tôi quen nhau hồi ấy...

– Thanh Cẩm? Mẹ cháu có nhắc đến trại Thanh Cẩm....

– Mẹ cháu bây giờ ra sao? Có được mạnh khỏe không?

Hiếu dồn dập hỏi. Thiếu phụ yên lặng nhìn xuống đất. Rồi một tay nhấc va-li tay kia nắm tay thằng bé nàng đi ra cửa. Gần đến bực thang nàng quay lại nhìn chàng nói:

– Mẹ cháu mất được hai năm nay rồi.

Hai mẹ con xuống tàu. Hiếu nhìn nàng đi lẫn trong đám đông. Ngồi thừ một lúc lâu chàng ngó qua cửa sổ nhìn đám hành khách qua lại tấp nập trên sân.

Bỗng chàng hốt hoảng đứng bật dậy đi nhanh ra cửa xuống sân ga. Hiếu vừa chợt nghĩ ra người con gái ấy, phải chính nàng, rất có thể là kết quả của mối tình Thanh Cẩm của chàng và chàng phải gặp nàng để lấy địa chỉ liên lạc.

Trên sân ga trong đám người qua lại nhốn nháo Hiếu kiễng chân nhìn tứ phía. Nhưng chàng không thấy đâu người thiếu nữ ấy, người thiếu nữ mang hình ảnh người đàn bà đã đi qua đời chàng ba mươi năm trước, người thiếu nữ mà hình bóng đã đi vào trong giấc mộng của chàng ba mươi năm sau trên chuyến tàu xuyên Việt này.

Một hồi còi tàu rú lên. Hiếu thẫn thờ bước lên tàu vừa lúc con tàu bắt đầu chuyển bánh.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com