Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHUYỆN CỦA CHÂU



C hâu bấm remote để nổ máy chiếc xe, đợi cho lớp băng đóng trên kính xe tan bớt trước khi đi ra khỏi nơi làm việc.  Chiều nay tuyết không còn rơi như mấy ngày qua, nhưng trời rất lạnh, nhiệt độ bên ngoài có thể gần tới không độ F.   Châu không ngờ mình đã sống ở đây hơn mười lăm năm, một nơi được các bạn của nàng đặt cho là ‘cái túi tuyết’ của nước Mỹ; cứ hết snow storm lại tiếp đến lake effect! Các bạn bè của Châu sống ở những vùng có khí hậu ấm áp thường bảo rằng quả tim của nàng cũng lạnh lùng giống như cái thành phố mà nàng đang ở, thành phố Mishawaka, một địa danh rất lạ lùng đối với ngôn ngữ của Mỹ.  Nàng vẫn thích gọi thành phố này là Princess City, thành phố của nàng công chúa, bởi vì Mishawaka là tên của một cô công chúa thuộc bộ tộc Indian trong vùng.

Bước vào tuổi bốn mươi, vậy mà Châu vẫn chưa hề có một mối tình để ‘bỏ túi’.  Nàng không đẹp, nhưng cũng không đến nỗi xấu.  Với một sắc diện trung bình, Châu có thể có những người theo đuổi chứ!  Vậy mà Châu đành phải để cho tuổi xuân của mình trôi qua một cách hờ hững.  Châu biết ở xứ sở này nàng chưa phải là gái già, nhưng đối với người Việt Nam thì nàng đã thuộc vào loại ‘quá lứa!’

Ngày cha xách túi đi vào trại ‘cải tạo’ bỏ lại mẹ nàng với ba chị em, Châu mới vừa lên sáu, nhưng dường như Châu cũng đã hiểu thế nào là nỗi khổ của mẹ và sự mất mát của các chị em mình.  Hàng ngày Châu đã phải trông chừng hai em để mẹ kiếm sống. 

Rồi gia đình Châu bị cướp nhà và đuổi đi vùng ‘kinh tế mới’ Lê Minh Xuân.  Cả gia đình sống trong tình trạng bữa đói bữa no, vật vờ lây lất.  Châu phải hàng ngày đi mót rau, bắt cá bắt cua để phụ thêm vào cho bữa ăn của gia đình. 

Nàng và hai em trai không được đến trường, nhưng vì là một cô giáo của ‘chế độ cũ’ mẹ nàng đã dành mỗi buổi tối dạy dỗ ba chị em từng bài tập đọc, từng bài toán với mong muốn là các con của mình sẽ không đến nỗi dốt nát.  Không ai trong gia đình nàng dám nghĩ đến một ngày mai vì thấy nó quá đen tối; cũng chẳng ai còn dám mong đến ngày đoàn tụ với người cha đang mờ mịt ở miền Bắc xa xôi.

Rồi bỗng như một phép lạ, người cha trở về mặc dù với một thân xác tàn tạ.  Và một điều kỳ diệu khác lại xãy ra, cả gia đình nàng lên phi cơ để sang Mỹ trước bao cặp mắt thèm thuồng và ganh tỵ của những người chung quanh. 

Không một thân nhân ở nơi xứ lạ, gia đình Châu được đưa về định cư ở thành phố băng giá Mishawaka thuộc tiểu bang Indiana vào một ngày mùa đông trắng xoá.  Những người Mỹ tốt bụng trong một nhà thờ Baptist đến với gia đình Châu, thuê giúp một apartment có ba phòng ngủ với giá tượng trưng, mang đến giường tủ bàn ghế, chăn nệm, quần áo và cả thức ăn.  Đang từ một xó xỉnh của vùng ‘kinh tế mới’ đến một nơi có đầy đủ tiện nghi, Châu tưởng như mình đang sống trong mơ.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì cha của Châu ngã bịnh và qua đời!  Không còn cha, mẹ thì âu sầu đau khổ, ở tuổi hai mươi ba, Châu đã trở thành chổ dựa cho cả gia đình. 

Không biết một tiếng Anh, không một nghề nghiệp, nàng cứ thế mà lao vào đời ở nơi đất lạ quê người.  Rồi lại cũng nhờ vào sự giúp đở của những người trong nhà thờ, Châu được nhận vào làm trong một hãng lắp ráp điện tử.

Hai em trai một đứa mười tám một mười bảy cũng muốn đóng góp với chị một tay, nhưng Châu cương quyết mong muốn hai em phải cố gắng vươn lên bằng học vấn.  Vậy là hai cậu em vừa đi làm bán thời gian ở chợ vừa đi học.  Mặc dù rất khó khăn trong lúc đầu vì cả hai chỉ học ở nhà với mẹ chứ chưa được đến trường bao giờ, nhưng rồi các em Châu cũng qua được cái bằng GED và tiếp tục theo học ở một trường Community College để trở thành những technicians.  Riêng Châu thì vẫn hàng ngày đi làm ở hãng và đêm đêm cố gắng đi học thêm một chút tiếng Anh để có thể giao tiếp với những người xung quanh.

Thành phố nàng ở người Việt Nam có thể nói đếm trên đầu ngón tay.  Khi gia đình mới đến, cũng có một vài thanh niên ghé qua nhà để làm quen.  Nhưng có lẽ nhìn vào cái gánh nặng gia đình của nàng, hoặc họ thấy nàng chỉ là một cô gái quê, nên tất cả đều lần lượt rút lui.  Về Việt Nam cưới vợ dễ dàng hơn!  Vậy là thời gian cứ thế mà trôi. 

Nay thì hai em đã có gia đình riêng và đã rời xa tổ, mẹ thì đã gần bảy mươi, Châu thì vẫn hàng ngày bám với công việc của hãng và không còn cái mộng mơ của tuổi hai mươi.  Đôi lúc nàng cũng định nhận lời của các anh bạn người Mỹ làm chung với mình, nhưng nhìn cảnh ‘tan hợp, hợp tan’ của họ nàng đành phải nén lòng lại.  Còn mẹ nàng nữa, người đã hy sinh hết cả một đời cho các con, nàng không thể có được một quyết định nào cho riêng mình.  Châu không lạnh lùng như các bạn nàng thường nói, nàng cũng bình thường như mọi người con gái khác, nhưng làm gì được bây giờ?

Châu chầm chậm lái xe về nhà, ngôi nhà nhỏ mà nàng đã dành dụm mua được để làm tổ ấm cho hai mẹ con.  Cô thay quần áo rồi vào bếp nấu một vài món ăn cho buổi tối, và rồi một ngày nữa lại trôi qua trong cuộc đời nàng.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com