Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




MỘT NGÀY DÀI
MỘT ĐỜI NGƯỜI





              ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỀ TRUYỆN DÀI “MỘT NGÀY DÀI MỘT ĐỜI NGƯỜI” của NHÀ VĂN TIỂU NGUYỆT


Cho đến thời điểm hôm nay - cuối năm 2019, sau 45 năm, tôi mới được đọc một Tác phẩm văn học, ghi lại hậu quả cuộc di tản lịch sử đầy nước mắt, và máu trên con lộ huyết mạch liên tỉnh số Bảy, nối liền các tỉnh cao nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung. Có thể nghĩ, truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời Người” là cuốn phim cuối cùng của gần 21 năm chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, mà những vết thương hằn sâu về sự mất mát, chia ly, phân biệt, còn kéo dài suốt một đời người, có khi cả một thế hệ.

Nhớ lại bối cảnh lịch sử tháng Ba năm 1975: “…Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, ngày 14 tháng 3 năm 1975, trong cuộc họp khẩn cấp của các tướng lãnh cao cấp và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Cam Ranh đã đưa đến quyết định triệt thoái tất cả chủ lực quân của Quân Đoàn II và tất cả chiến xa, pháo binh cũng như máy bay ra khỏi Pleiku và Kontum. Lệnh triệt thoái được giữ kín trong vòng bí mật giữa những cấp chỉ huy Quân Đoàn, để tránh sự hoang mang cho tầng lớp hành chánh cũng như dân chúng địa phương. Phần còn lại của các lực lượng Địa Phương Quân và các cơ sở hành chánh vẫn tiếp tục làm việc với cấp tỉnh trưởng cũng như các cấp quận trưởng, như không có gì thay đổi (!).

Con đường cho cuộc triệt thoái lịch sử này đã được chọn là con đường hoang phế Liên Tỉnh Lộ 7B.

Từ Pleiku theo con Quốc Lộ 14 về hướng Ban Mê Thuột khoảng bốn mươi cây số sẽ gặp đầu mối đường Liên Tỉnh Lộ 7B. Ngã ba đường này thường được gọi là “chĩa ba” Mỹ Thạnh. Từ đây, con lộ 7B dài hơn hai trăm cây số xuyên qua vùng rừng núi hiểm trở, đi ngang qua thị xã Phú Bổn (Cheo Reo) và huyện Phú Túc trước khi đến Tuy Hòa.(1)”. Mấy ngày gần cuối tháng Ba, trên con đường số Bảy hoang phế, gồ ghề, hiểm trở sau nhiều chục năm không hề được tu sửa, hàng vạn con người già trẻ và các phương tiện xe cộ, đã chen nhau suốt ngày đêm để mong sớm về thị xã Tuy Hòa, giữa những làn bom đạn và sự đói khát, mệt mỏi rã rời. Trong đoàn người hỗn loạn, tháo chạy tìm sự an lành cho cuộc sống nầy, có bà Kim Trâm dẫn theo hai đứa con - bé Toàn hơn một tuổi, và bé Uyên vừa lên sáu, từ Pleiku, tìm về quê nhà Phú Hiệp, huyện Tuy Hòa.

Cuộc dìu dắt hai con - là tài sản quý giá nhất của bà, đã trải qua bao gian nguy, sống chết trong gang tấc, rủi may chỉ vài phút, trên con đường đã thấm máu, và rải rác đây đó xác người nằm lại! Cuối cùng, Bà Kim Trâm đã tìm về đến quê nhà Phú Hiệp nhờ một duyên may, nhưng đã bỏ lạc mất bé Uyên giữa rừng.

Về với cuộc sống ở quê, những ngày đầu gian khó, bên hai người mẹ già, những người thân, cũng bấp bênh lận đận; bà Trâm đã vắng chồng - anh Tư, còn đang trôi nổi, hay bị gom học tập ở đâu đó, và nhất là bé Uyên không hề biết tin tức. Người đàn bà can đãm nầy, đã phải tự mình vượt qua mọi gian nguy, để đi thăm chồng (khi đã có tin tức); rồi nhiều lần mò lên con lộ số Bảy ngày nào, ghé lại những nơi đã cùng con bên cạnh, để dò tìm! Nỗi khổ thân xác của những tháng năm vào hợp tác xã nông nghiệp khi chưa biết việc đồng áng, số lúa công điểm hằng tháng không đủ hai bữa cơm cho gia đình; không bằng nỗi đau chia ly tình nghĩa vợ chồng, và nỗi buồn quặn thắt khi mất đi một khúc ruột yêu quý.

Mãi bị cuốn trôi theo dòng đời oan nghiệt, đổi thay, đến chuyện cơm áo thời bao cấp, nhưng bà Trâm không ngớt nhớ thương chồng và tìm con. Hai niềm vui lớn của đời sống, với bà Trâm đã không còn lại gì. Bà khắc khoải từng ngày mong chờ chồng về sum họp, và hy vọng tìm thấy bé Uyên còn sống vất vưỡng ở đâu đó, quanh những ngôi làng hiu quạnh ven đường.

Sau bốn năm, anh Tư đã được phóng thích, trở về với gia đình, nhưng bóng dáng bé Uyên vẫn còn mù mịt. Người ta đã tu sửa mới lại con lộ kinh hoàng, xây dựng lại nhà cửa; nhưng làm sao xoa dịu, bù đắp, hàn gắn lành lặn lại những mất mát, những vết thương tâm trong lòng hằng vạn con người, trong đó có bà Trâm? Vết thương chiến tranh để lại bao hậu quả nghiêm trọng sâu rộng, nghiệt ngã, thương đau, hơn người ta làm lại con đường, những chiếc cầu, những ngôi biệt thự, phố chợ.

Người ta hãnh diện đã “hàn gắn” vết thương chiến tranh dễ dàng, nhanh chóng, đàng hoàng hơn; nhưng những nỗi đau thầm lặng, sâu kín dài dặt tận đáy lòng, suốt cuộc đời mỗi người, thì dường như đã bị quên lãng? Từ “Một Ngày Của Tháng Ba” (chương I) đã kéo dài một đời của người đàn bà đau khổ!

Mười chương của truyện dài “Một Ngày Dài Một Đời Người” đã ghi lại một cách sâu sắc, đầy đủ, từng chặng đời gian truân của người đàn bà giàu lòng nhân ái, như một phát thảo đau buồn của kiếp nhân sinh, của con người, sau cuộc chiến tàn khốc. Đó là bức thông điệp khẩn thiết về Tinh Thương Yêu, Niềm Tin và lòng Can Đãm trước bao nỗi thăng trầm của đời sống! Trong từng chương truyện, người đọc sẽ tìm thấy triết lý sống của đạo Phật được chuyển hóa, vận dụng một cách tinh tế, nhuần nhuyễn, linh hoạt; là những giọt sương tưới mát cho bao cảnh đời khô héo.

Sau cùng, “Cuộc Hạnh Ngộ Mầu Nhiệm” (chương 9) của bà Trâm và bé Uyên sau bao biến chuyển đau lòng, và “Niềm Vui Còn Lại Với Đời” (chương 10) như một “cái quả” phải đến, dành cho những ai có tâm thành, biết trân quý nghĩa tình, sống cho Tình Yêu Thương trên đời nầy vậy!

(1) Ngày Tàn Cuộc Chiến (ký sự của Vĩnh Hiếu)
Quê nhà, tháng 12, Năm 2019

MANG VIÊN LONG


CHƯƠNG MỘT

MỘT NGÀY CỦA THÁNG BA


B à Trâm bước xuống xe, móc túi áo trả tiền, rồi đi thẳng về phía bên kia đường, xuống chỗ có tảng đá lớn gần chân cầu, bên lùm cây cao che bóng mát. Bà đưa tay sờ, vuốt tảng đá, rồi ngồi xuống; ngước nhìn lên bầu trời cao xanh ngắt, lòng bâng khuâng, ray rức, nhớ nghĩ. Tại không gian im vắng này đây, bầu trời xanh này đây, rừng núi bạt ngàn xa xa phía kia; bà đã mất bé Uyên, đứa con gái vừa mới sáu tuổi, đã phải chịu đựng cái đói, cái khát, sự hoảng sợ vì bom đạn suốt ngày đêm.

Dường như, năm nào vào những ngày tháng ba lịch sử ấy, bà đều tìm về đây - nơi bà đã lạc mất đứa con gái bé bỏng, ngây thơ, để tưởng nhớ, tìm kiếm. Mọi người trong gia đình, ai cũng cho rằng bé Uyên đã chết; nhưng linh cảm của một người mẹ, bà luôn nghĩ Uyên vẫn còn đâu đó trên cõi đời này; nên bà cố kiếm tìm, dù mọi hy vọng còn mờ xa phía trước. Tuy vậy, niềm hy vọng vẫn luôn le lói trong trái tim khô héo, đau khổ, yêu thương của người mẹ đang mong chờ.

Những tán lá cây rung rinh trong gió sớm như chào đón bà Trâm trở lại với vùng đất đỏ hoang vắng, cheo leo này. Trước mắt bà là vùng trời quá khứ đau thương, chia ly, ảm đạm vẫn còn thấp thoáng, réo gọi không nguôi. Bà Trâm ray rứt mãi với ý nghĩ, nếu như ngày ấy, bà không bị ngất ở tảng đá kia, thì bà đã không lạc mất bé Uyên trong tay. Bà hối hận, loay hoay với ý nghĩ mình có lỗi, nên đã khiến bà bị bệnh đau liên miên - lâu dần, bị trầm cảm, nhớ nhớ, quên quên; nhưng hình ảnh Uyên với những ngày loạn lạc, luôn in đậm trong tâm trí bà, thật rõ ràng, đau đớn.

Đã hơn ba mươi năm qua, dù xa cách phương trời, bé Uyên vẫn sống mãi trong lòng bà, với một đứa bé sáu tuổi, không lớn lên chút nào. Bé vẫn ngây thơ, trẻ con, trong từng giấc mơ đêm đêm mà bà có được. Trong tiếng xạc xào cây lá buổi sớm mai quanh khu rừng dọc đường, bà như nghe tiếng Uyên văng vẳng đâu đây: “Mẹ ơi! Con đói!. Con mệt!”, khiến nước mắt bà ràn rụa, chua xót. Hình ảnh cuộc chạy loạn hơn ba mươi năm trước bỗng trở về như một thước phim - từng đoạn, chậm rãi, rõ ràng…

Buổi sáng hôm đó, Kim Trâm xách giỏ đi chợ. Chị ngạc nhiên khi thấy chợ hôm nay sao mà vắng vẻ, chỉ còn lơ thơ vài hàng bày bán thưa thớt, kẻ mua cũng không có mấy người. Trông họ có vẻ vội vàng, thoáng chút sợ hãi. Có người mua ít đồ dùng rồi nôn nóng quay về. Kim Trâm không hiểu chuyện gì đã xảy ra, dù có chút lo lắng, nhưng vẫn bước thẳng vào trong chợ. Chị gặp Lành - một người quen thường đến may quần áo tiệm của chị.

Lành nhìn chị ngạc nhiên:

-Chị Trâm. Chị còn ở đây à? Vậy mà em tưởng chị đưa các cháu về quê rồi chứ? Người ta chạy hết rồi, chị không biết gì sao?

Kim Trâm lo lắng:

-Có chuyện gì sao? Mấy hôm nay chị không ra khỏi nhà, bận may lô quần áo cưới của khách quen. Gì vậy em?

Một người đàn bà chạy ngang qua, giọng hớt hải:

-Trời ơi! Còn đứng đấy nói. “Mấy ổng” sắp tới đây rồi, mau về lo mà chạy đi, kẻo không kịp.

Kim Trâm hốt hoảng:

-Thiệt không chị? Chị nghe ở đâu vậy?

Người đàn bà vừa chạy, quay lại nói:

-Còn thiệt với hổng thiệt! Người ta chạy hết trơn rồi, kìa!

Lành giục:

-Tin thiệt đó chị, về lo thu xếp đi, kẻo không kịp.

Kim Trâm nhìn thấy đoàn người dắt nhau chạy hối hả dồn về phía tỉnh lộ 7, vội quay về nhà, lấy giấy tờ tùy thân, tiền bạc, bỏ ít quần áo vào cái xách mang lên vai, gùi Toàn - đứa con trai một tuổi trên lưng, tay dắt bé Uyên hòa theo bà con chòm xóm rời khỏi Pleiku di tản tránh bom đạn về hướng quê nhà - Tuy Hòa, Phú Yên, tìm sự sống. Vừa đi, chị vừa lo lắng cho anh Tư - chồng chị, chị không biết tin tức gì về anh, kể từ hai tuần trước anh về thăm nhà rồi trở lại đơn vị. Cả thị xã xôn xao sẽ cắt bỏ Pleiku từ mấy hôm trước, nhưng chị nghĩ, chỉ là tin đồn thất thiệt mà thôi. Sao lại cắt bỏ? Đất nước nơi nào cũng quý, cũng tình nghĩa cơ mà!

Mỗi lúc, Kim Trâm thấy dòng người càng đông dần - người già, đàn bà trẻ em, lính tráng, chen nhau, hối hả, hỗn độn, réo gọi, hô hét theo đoàn quân đang rút chạy ở phía trước, như dòng nước lũ hung bạo tràn về biển. Con đường đất nhỏ hẹp, bụi đỏ tung mù trời dưới cái nắng nóng hầm hập giữa tiết trời muốn chuyển vào hạ.

Tất cả cuộn chảy, trôi xuôi, không ngừng nghỉ - như cố chạy để thoát “cái chết” đang gần kề rượt đuổi phía sau lưng. Chạy mà không dám nhìn lui, không dám dừng nghỉ dù thân xác, đầu óc đã rũ rượi. Chiến tranh, bom đạn như gã hung thần, đói khát, đang nhe hàm răng chực vồ chụp những kẻ yếu đuối, quỵ ngã.

Trên bầu trời nắng chói, thỉnh thoảng có một vài chiếc trực thăng vòng qua, rồi bay thẳng, để lại tiếng động cơ ầm ì, càng làm cho cái nắng, nỗi khiếp đãm thêm gay gắt hơn. Kim Trâm, cảm thấy khát nước đến khô cổ, dường như cuống họng chị nóng rát, xơ cứng lại, nhưng ngó quanh không thấy dòng suối, ao nước nào; rồi chị vẫn phải bị cuốn theo dòng người đến rã rời, mệt lã.

Trong cảnh hỗn loạn, Kim Trâm luôn kéo bé Uyên bên mình, sợ con gái bị lạc giữa dòng người ào ạt. Bé Uyên ráng chạy lúp xúp theo mẹ, nhưng dường như cô bé đã quá đuối sức, vì đói khát, nhất là khiếp sợ!.

Bé Uyên thều thào:

-Con mệt, mẹ ơi! không đi nữa đâu.

Kim Trâm an ủi con:

-Ráng lên con gái, người ta đi được, mình đi được.

-Nhưng con khát nước, đói bụng quá!

-Cố lên con ơi! Về đến Tuy Hòa, mẹ cho con đủ thứ.

Thế là Kim Trâm xốc gùi bé Toàn trên lưng cho ngay ngắn lại, rồi cúi xuống bồng Uyên trên tay, cố chạy theo mọi người.

Cắm cúi chạy mãi, chạy mãi, như bị sức đẩy từ phía sau, sức hút từ phía trước; chị cảm thấy con đường như hẹp dần, dòng người chật cứng, va vào nhau, xiêu vẹo, thật hãi hùng. Con đường lòi lõm, đầy “ổ gà, ổ voi”, hình như ít ai qua lại, trông rất hoang vu; bước chân cứ muốn chúi nhào, vấp té. Trẻ con la khóc, tiếng người gọi nhau, kẻ chạy xuôi, người chạy ngược vì thất lạc; cùng tiếng động cơ xe; tạo thành thứ âm thanh hỗn loạn, hối hả. Ai cũng có cảm giác cái chết đang gần kề quanh đây, nên dù có mệt, có đói, có khát, vẫn cứ lê lết, không dừng. Trước nỗi sợ chết, con người thật đáng thương làm sao!

Đi đã một ngày đường, đôi chân Kim Trâm run rẩy, không thể lê đi được nữa. Mẹ con chị cùng một số người phải dừng lại tìm chỗ nghỉ qua đêm lấy sức, để sáng mai lên đường tiếp tục. Chị bẻ lá lót bên vệ đường cho bé Uyên nằm xuống, bên cạnh một gia đình (hai vợ chồng và hai đứa con - một trai, một gái). Kim Trâm nằm xuống, trật áo, ngực nhễ nhại mồ hôi, cho thằng Toàn bú. Cả ngày không được bú, nên cậu bé ôm chặt vú mẹ nuốt ừng ực. Chị nghe như dòng sữa nóng chảy râng râng trong lồng ngực, cùng với cảm giác choáng váng vì đói khát, vì mệt, lã người. Toàn bú một chút đã hết sữa, cố bám chặt đầu vú mẹ nút mạnh, nhưng vẫn không còn gì. Kim Trâm đau nhức khắp người, rã rời; nỗi đau thể xác chị ráng chịu được, nỗi đau vì không có gì cho con ăn, làm chị choáng váng. Người vợ của gia đình kia nhìn mẹ con chị ái ngại:

-Sáng mai chúng ta phải đi sớm, một mình chị mà hai đứa trẻ, chị có đi được không?

Kim Trâm lo lắng, nhưng quả quyết:

-Tui sẽ cố gắng chị à! Không biết chúng ta đến đâu rồi nhỉ?

Người chồng trả lời:

-Con đường này tui chưa đi qua lần nào, không biết được đâu là đâu, chị à! Cứ đi, khi nào tới thì tới thôi.

Dòng người vẫn hối hả đi từng bước trong đêm tối.

Kim Trâm nói với vợ chồng gia đình nằm nghỉ lại bên cạnh:

-Khi nào anh chị đi, nhớ đánh thức giùm với nhé!

-Được rồi. Chúng ta phải nghỉ mới có sức đi tiếp. Chị ngủ một chút đi, tui sẽ gọi chị.

Nhiều người cũng nghỉ lại như Kim Trâm. Có lẽ, họ không đủ sức để lê bước theo đoàn người, phải nghỉ ngơi, để sớm mai còn có thể tiếp tục.

Bé Uyên rên rỉ:

-Mẹ ơi! Chân con đau.

Kim Trâm ôm con gái vỗ về:

-Cố lên con gái! Ngày mai sẽ có xe đi thôi. Con ngủ đi nhé!

Thằng Toàn bú một chặp không có gì, khóc tức tưởi một lúc rồi lăn ra ngủ. Kim Trâm ứa nước mắt khi liếc nhìn Uyên, chị biết ngày mai làm gì có xe mà đi. Hình ảnh ngôi nhà ngói đỏ rợp bóng tre ở quê nhà thấp thoáng, hiện dần trong suy nghĩ. Trâm ước ao được nằm trên chiếc phản kê bên cửa sổ nhìn ra khu vườn xanh mát rau cỏ, lá hoa. Chưa lúc nào chị cảm thấy quê nhà cần thiết, đượm tình cho đời sống như lúc này. Cuộc đời người đàn bà làm vợ lính như chị, phải rày đây mai đó, theo chồng lên tận miền cao heo hút; có được bao ngày êm ấm, hạnh phúc đâu? Sự sống chết không biết như thế nào, có được may mắn hay không? Nhưng đã thương, đã nguyện sống cùng nhau, thì dù có trôi nổi, gian khổ thế nào, cũng phải chia sẻ, gánh chịu.

Kim Trâm là một thợ may giỏi, lành nghề, lại rất cần mẫn, chịu khó, nên dù ở đâu, chị cũng có thể sống được. Theo chồng lên Pleiku mấy năm nay, chị thuê nhà dọc phố Hoàng Diệu mở tiệm may, cả tuần chồng chị mới xin ra trại về thăm nhà một lần. Đôi khi, có lệnh “cắm trại” trăm phần trăm, hai ba tuần chồng chị mới xin được cái phép hai mươi bốn giờ. Tuy là đàn bà, Trâm cũng hiểu rằng, người đàn ông thời chiến là vậy, biết sao hơn được? Ai chẳng muốn được sống ấm êm trong mái gia đình, có vợ con bên cạnh? Nghĩ vậy, nên chị lấy công việc làm niềm vui, mong muốn có ngày im tiếng súng, hòa bình được lập lại; vợ chồng chị sẽ trở về ngôi nhà xưa, sống cuộc đời đạm bạc cùng ruộng vườn, bên lũy tre làng như thuở nào mới yêu thương nhau.

Kim Trâm chập chờn theo niềm mơ ước về quê, sống êm ả bên lũy tre làng rợp bóng mát; bên bà con xóm giềng luôn gần gũi, đùm bọc, yêu thương. Ở đó, lưu dấu tuổi thơ hái hoa, bắt bướm; có những buổi trưa hè rong chơi không ngủ; có những đêm trăng cả nhà quây quần bên rổ khoai lang luộc, với những câu chuyện đời xưa. Nhớ lại, Trâm thấy lòng lâng lâng, như bay bổng về với những hoài niệm dấu yêu một thuở. Chị thiếp dần vào khung trời kỷ niệm xa xưa, với niềm hạnh phúc được sống lại những phút giây bình yên ngắn ngủi.

Trời chưa kịp sáng, mọi người đã nhốn nháo thức dậy, vội vã lên đường để tiếp tục những bước chân trốn chạy.

Kim Trâm lưng gùi con trai, tay bồng con gái, cái xách trên vai chị đã rơi mất giữa đường tự lúc nào trong đám đông hỗn loạn buổi chiều. Một tiếng nổ lớn bỗng vang lên như trời long, đất lở ở phía trước. Khói thuốc súng, thuốc đạn ngui ngút bay lên trời cao và những tiếng la thất thanh, hãi hùng. Người người ngã xuống, lớp lớp người phía sau tràn lên, dẫm nhau mà chạy. Tiếng đạn pháo kích lại tiếp tục. Đoàn người hốt hoảng, chạy tán loạn. Kim Trâm không biết chạy về hướng nào, đôi chân chị mềm nhũn vì sợ hãi. Chị khóc. Từ nhỏ, chị chưa hề thấy cảnh nào hãi hùng như hôm nay - chị nghe ớn lạnh khắp sống lưng, run lẩy bẩy. Một người đàn ông phía sau chạy tới nói lớn: “Chạy vào rừng tránh đạn pháo kích, bà con ơi! Chúng ta nhắm hướng đông mà đi, thế nào cũng về được Tuy Hòa”. Nhìn thấy Kim Trâm lưng gùi con trai, tay bồng con gái, đứng khóc; anh ta vừa nói, vừa đưa tay ẵm bé Uyên thốc một cái, cõng trên vai: “Để tui cõng con bé giúp chị”. Kim Trâm nhẹ hẳn đôi tay, vội chạy theo bên cạnh anh ta cùng mọi người rẽ vào rừng, tránh xa con lộ loang lỗ máu.

Người đàn ông cõng bé Uyên, hình như cũng là một người lính, đã cởi bỏ quân phục hòa lẫn vào dân, nên rất rành việc đi trong rừng. Anh ta đi trước dẫn đường, mọi người im lặng dè dặt, dò dẫm đi sau, sợ bị phát hiện và pháo kích. Đi một lúc, gặp một tốp người đang đi lạc trong rừng, thế là đoàn người lại đông thêm. Cả đoàn, ai cũng rã rời vì đói, khát, vì mệt mỏi, kinh hoàng; họ lết từng bước chậm rãi, với những vết xước, vết cào đầy máu vì gai, vì cây rừng cản lối.

Thỉnh thoảng, tiếng pháo kích vẫn vang lên đì đùng, tiếng súng M16 từng tràng dài và AK “cắc bụp, cắc bụp” từ hướng con lộ 7 phía trái làm mọi người thêm kinh hoàng, hoảng sợ. Ai cũng giật mình khi có con chồn, con sóc, con chim sợ hãi những bước chân, tiếng nổ, chạy trốn xào xạc. Kim Trâm liên tưởng, mình như những con sóc, con chồn, con chim kia, cũng chạy trốn khỏi cái chết, chớ có gì khác hơn?. Súng đạn, cái chết không phân biệt ai. Mọi sinh vật đều ham muốn sống. Sự sống thật đáng quý làm sao!.

Một số người ngã quỵ không đi nổi, phải nằm lại dọc đường trong rừng; không biết rồi họ sẽ ra sao, có sống sót trở về không, hay là vĩnh viễn nằm nghe rừng hát khúc bi ca muôn thuở? Đôi chân Kim Trâm đã bị gai cào rách chảy đầy máu đau đớn, chị thèm nằm ngủ một giấc dài cho quên hết mọi lo âu, phiền não; nhưng đứa con trai trên lưng luôn nhắc nhở chị, phải gắng sức để đưa chúng trở về quê nhà an toàn như chị đã hứa. Nghĩ đến con, Kim Trâm như được tiếp thêm nghị lực, gắng bước những bước xiêu vẹo, đau đớn nghe thốn tận trong tim.

Cuối cùng, đoàn người cũng ra được khỏi rừng, gặp lại tỉnh lộ 7, tiếp tục xuôi về phía Tuy Hòa. Đi mãi, đi mãi, gặp một chiếc cầu, mọi người hăm hở ào xuống sông rửa mặt, uống nước. Khát nước từ hôm qua, nên ai cũng uống một hơi dài cho thỏa cơn khát. Dòng sông im lìm, lặng lẽ chảy, như gắng chở nỗi niềm của miền cao về biển cả mênh mông; có hiểu được số phận những người đang uống nước kia, sẽ sống chết thế nào?.

Kim Trâm uống nước xong, không thể nào nhấc nổi chân, lết lại nằm ngã dài bên tảng đá bên cầu, chỗ có lùm cây che mát.

Người đàn ông cõng Uyên lại cho chị - giọng lo lắng:

-Chị có đi tiếp không?

Kim Trâm thấy trời đất như quay cuồng, chao đảo trong chiếc đầu khô nóng của mình. Chị thều thào:

-Cảm ơn anh! Tui không bước nổi.

Anh ta đưa bé Uyên lại cho chị, nhìn chị có vẻ dò xét:

-Mẹ con chị nằm nghỉ một lát rồi đi sau nhé! Tui đi đây.

Mọi người tiếp tục lên đường.

Kim Trâm nghe tiếng bé Uyên yếu ớt:

-Mẹ ơi! Con mệt! Con đói!

Kim Trâm muốn đưa tay ôm bé Uyên vào lòng, nhưng dường như đôi tay chẳng chịu nghe lời chị, nó không nhúc nhích. Thằng Toàn bò qua, bò lại trên người chị, la khóc đòi bú. Trâm gắng gượng chồm dậy, nhưng không thể. Rồi chị nghe tiếng khóc, tiếng kêu đói của các con văng vẳng, như từ đâu xa lắc vọng về. Âm thanh dìu dặt đứt đoạn trong gió. Kim Trâm cố mở đôi mắt thật lớn, nhưng sao mắt chị vẫn cứ nhắm nghiền, nặng trĩu. Chị cảm thấy một màu đỏ trước mắt, rồi rộng dần lên, trở thành bảy sắc cầu vồng, các màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, như trộn lẫn vào nhau, chớp nháy liên hồi. Kim Trâm thấy mặt đất rung chuyển, nhấc bổng chị lên; rồi bay bổng nhẹ nhàng lên cao, hòa vào những đám mây trôi lơ lửng giữa bầu trời rộng lớn. Chị bất tỉnh!


♣ ♣ ♣

Kim Trâm nghe hơi ấm tỏa ra từ một vùng ánh sáng trong suốt trên cao phủ xuống người mình, có cảm giác được ai đó cho uống từng giọt nước cam ngọt ngào, tươi mát. Các cơ trong người chị như căng ra, đón nhận sự tươi mát thấm dần vào từng tế bào, từng thớ thịt, làm chị mát dịu, khỏe khoắn. Trâm thấy mình như vừa được trở về, sau một chuyến đi chơi xa, sống lại một cuộc đời khác. Chị cố mở mắt, hít thở thật đều, cựa mình, từ từ tiếp nhận cuộc sống. Kim Trâm nhúc nhích tay chân chậm rãi, cảm giác có gì đè nặng trên người. Chị tỉnh dần, đưa tay rờ lên ngực, giật mình vùng dậy, hai tay ôm chặt đứa con trai, nhìn sang bên cạnh không thấy Uyên, chị hoảng hốt nhìn quanh quất tìm kiếm. Trâm nhớ dần lại, tất cả như hiện ra trước mắt chị!.

Như có phép mầu, Kim Trâm đã hồi sinh, trở về từ cõi chết. Trong chị, nỗi lo sợ lạc mất Uyên làm chị gây gây lạnh. Mỗi lúc, sự hoảng sợ tăng dần, chị hoảng hốt ôm con trai chạy tìm Uyên. Kim Trâm gọi lớn: “Uyên ơi! Uyên ơi!” hy vọng con gái chạy quanh quất đâu đây, tìm cái gì để ăn vì đói, nghe tiếng chị gọi sẽ trở lại với chị. Nhưng rồi, Trâm cảm nhận được rằng, Uyên đã không còn ở gần nữa, toàn thân chị tê điếng, giọng gọi con lạc dần, cùng nỗi khổ đau tận cùng. Nhìn thấy ai, chị cũng hỏi: “có thấy con bé Uyên nhà tui không chị ơi, anh ơi, cô bác ơi!”, trong niềm hy vọng mong manh, le lói. Người chạy ngang qua nhìn thấy, đều lắc đầu thương cảm - cái cảnh này họ đã chứng kiến đầy dẫy trên đường loạn lạc này từ hôm qua rồi, biết làm sao được - sự may và cái rủi thật mong manh, gặp phải ai, thì người ấy phải gánh chịu, vậy thôi. Tất cả còn đang khập khiểng trên con đường may rủi đầy máu và nước mắt này.

Như người mất trí, Kim Trâm chắp tay, quỳ gối cúi lạy bốn phương tám hướng, cầu xin cho chị tìm được đứa con gái thương yêu. Nước mắt ràn rụa quanh mặt, chị khóc như chưa bao giờ được khóc. Chị lăn lộn trong nỗi đau đớn tột cùng, như ai đã cắt đứt ruột gan chị. Trâm choáng váng, nhìn đâu cũng thấy bóng Uyên, với tiếng khóc “Mẹ ơi con đói! Con mệt!”. Chị khóc đến mờ cả mắt, nhìn cảnh vật nhòe nhoẹt; đứa con trai trên lưng chị cũng gào thét vì đói khát.

Kim Trâm bỗng nhìn thấy Uyên thấp thoáng trong những đám mây trôi trên bầu trời cao trong xanh - thiên thần có đôi cánh nhỏ của chị ngày nào. Uyên nhìn chị vẫy vẫy đôi tay, như muốn nói với chị một điều gì đó, mà chị không nghe rõ. Chị cố sức gọi con thật lớn, hy vọng con chị sẽ nghe thấy mà trở về; nhưng con bé vẫn cứ bay cùng đám mây lơ lửng trên cao, mỉm cười nhìn chị. Kim Trâm cố hết sức chạy đuổi theo, giơ tay gào thét gọi Uyên trong tuyệt vọng. Chị lết dần ra giữa khoảng đất trống bên bờ sông, rồi ngã gục.

Một chiếc trực thăng đang bay trên bầu trời, bỗng vòng lại, hạ xuống thấp dần, thấp dần; rồi có một người nhảy xuống, bế xốc mẹ con Kim Trâm đưa lên máy bay. Mọi người chung quanh vội chạy tới chỗ máy bay đang đứng yên, nhưng chiếc trực thăng đã cất cánh vút lên trời cao thật nhanh, thả những vệt khói lam mờ, rồi bay thẳng về phía Tuy Hòa, Phú Yên. Tiếng động cơ ầm ĩ nhỏ dần và mất hút giữa trời chiều ảm đạm.



CHƯƠNG HAI

VỀ VỚI QUÊ NHÀ


M ấy hôm nay, từ thị xã đến làng quê, đâu đâu cũng cũng xôn xao về cuộc di tản trên tỉnh lộ 7 đầy máu và nước mắt, để tránh né bom đạn, thù hận; khiến bà Chín bàng hoàng, lo lắng cho số phận vợ chồng con trai bà - Anh Tư, chị Trâm và hai đứa cháu nội đang bị kẹt ở thị xã Pleiku.

Bà Chín đứng ngồi không yên, như có lửa đốt trong lòng, liền qua nhà ông bà Hải - cha mẹ con dâu bà, để nghe ngóng tin tức.

Vừa bước vào nhà, bà gặp Kim Lan - em gái của Kim Trâm, vừa dưới bếp đi lên. Bà hỏi:

-Ba má đâu cháu? Hổm nay có nghe tin tức gì của anh chị không?

-Dạ con chào bác Chín. Ba má con lên Đông Tác, chỗ tập trung những người di tản đưa về, tìm người quen hỏi thăm anh chị Tư rồi. Bác ngồi chơi uống chén nước, chắc cũng sắp về rồi đấy.

-Vậy hả cháu? Sao bác lo quá cháu ơi!

Kim Lan an ủi:

-Chắc hổng sao đâu bác. Hổm nay tụi cháu có học hành gì đâu, lo đi ủy lạo, quyên gạo, tiền, quần áo, thuốc men; giúp đỡ cho những người được cứu về từ cuộc di tản, đang tập trung ở mấy trường học trên Đông Tác mà thôi, bác ạ.

Bà Chín hỏi dồn dập:

-Cháu có nghe tin gì về anh chị không? Có ai gặp tụi nó không vậy?

- Mạnh ai nấy chạy thoát thân, ai biết được ai, hở bác!. Ai cũng mệt mỏi, đói khát, bệnh đau, không nói năng gì nhiều - thấy thương lắm bác!

Bà Chín thẫn thờ:

-Cầu Trời Phật phù hộ cho tụi nó trở về an toàn. Có gì chắc bác chết mất cháu ơi!

Kim Lan nhìn gương mặt hốt hoảng, tái xanh của bà Chín - giọng nhỏ nhẹ:

-Không sao đâu bác. Mình ở hiền, sẽ gặp lành thôi. Chắc nay mai ảnh chỉ về chứ gì.

-Mong là vậy, cháu à!

Ông bà Hải đèo nhau trên chiếc xe đạp từ sáng sớm, lên Đông Tác tìm kiếm, thăm hỏi tin tức vợ chồng con gái từ những người chạy thoát được, trở về trong cuộc di tản ở tỉnh lộ 7. Hỏi thăm không ai biết gì về vợ chồng anh Tư, chị Trâm, càng làm ông bà lo lắng, sốt ruột hơn; nhưng đành trở về nghỉ ngơi, để sáng mai trở lên tìm kiếm tiếp.

Ông bà Hải vừa về đến nhà, chưa kịp dựng chiếc xe đạp, bà Chín vội chạy ra mừng rỡ:

-Chào anh chị! Có tin tức gì của tụi nó không anh chị?

-Không gặp ai quen chị à. Mai tui sẽ đi tiếp, biết đâu có người quen biết được tin tụi nó thì sao. Nghe nói chết nhiều dữ lắm chị ơi!.

Bà Hải bỗng khóc òa lên:

- Hổng biết tụi nó có sao không, tui lo quá đi.

Bà Chín khóc theo:

-Cầu Trời Phật chứ biết sao chị!

Ông bà Hải nghĩ thương cho bà Chín. Chồng bà mất khi bà mới ba mươi lăm tuổi, bà nuôi ba đứa con thật vất vả, khó khăn. Đứa con gái lớn cũng bỏ bà ra đi khi chưa mãn tang ông Chín, chỉ sau một đêm nóng sốt, được cô y tá trong làng chích cho mũi thuốc, khiến bà đau đớn muốn chết đi; nhưng vì thương con, bà gắng sống nuôi hai con còn lại trưởng thành. Con gái lấy chồng xa, con trai thi rớt tú tài 2, phải vào Thủ Đức, ra trường về đóng quân ở Pleiku; quân đoàn 2, chiến trường đang sôi động, đánh nhau ầm ì, khiến bà lo sợ, thảng thốt suốt ngày khi nghe có tin đánh nhau. Bà sống một mình, cô đơn, quạnh quẽ trong ngôi nhà cha mẹ để lại; ngày đêm luôn cầu nguyện, mong được hòa bình, để con trai về sống cùng, tuổi già có nơi nương tựa.

Ông Hải - giọng trầm thấp:

-Chắc không sao đâu chị. Nay mai tụi nó về liền ấy mà. Hổm nay có đứa nào về ở với chị không?

-Có đứa nào đâu anh. Con Ba, mười ngày nửa tháng về thăm tui một lát rồi đi. Mấy đứa con nó, đứa đi học, đứa đi làm, rảnh đâu mà về với mình. Đơn chiếc phải chịu vậy thôi. Mai mốt mong cho vợ chồng thằng Tư về thì mừng biết mấy!

-Tui cũng mong là vậy. Tụi nó về là mừng rồi - quay sang Kim Lan, ông nói, cơm chín chưa con, dọn cơm mời bác Chín ăn luôn thể, về nhà ăn một mình, buồn lắm.

-Dạ cơm chín rồi ba, để con xuống dọn cơm.

Nói xong, Kim Lan quay xuống bếp dọn cơm lên mời cả nhà cùng ăn. Mọi người cùng ngồi xuống, ăn cho có ăn, ai cũng lo lắng, chộn rộn, nuốt không nổi cơm. Bà Chín nghĩ tủi thân, nước mắt cứ ứa ra như chực trào, vẻ mặt buồn thiu. Mỗi người đều đuổi theo mỗi ý nghĩ, yên lặng. Bữa cơm sum họp, lại trở nên ngậm ngùi. Kim Lan thở dài không dám nói gì, sợ động đến nỗi buồn lo của mọi người. Nhưng rồi, Lan cố gượng vui, mời mọc:

-Ba má và bác Chín ăn đi chứ! Con nấu canh tập tàng với cá mành, bỏ ít lưỡi rồng, ăn cho mát. Ngon lắm á! - nói rồi, Lan lấy muỗng múc canh đổ vào chén của bà Chín, giục - Ăn đi bác Chín!

Bà Chín như sựt tỉnh, lua một miếng cơm, gật gật đầu, khen:

-Ngon thiệt. Cháu giỏi lắm.

Kim Trâm gùi thằng Toàn trên lưng, đôi chân run rẩy, bước vào ngõ xiêu quẹo như sợi bún, rồi ngã quỵ xuống sân. Mọi người vội chạy ùa ra sân.

Bà Hải khóc hét lên: “Con ơi! Con sao vậy?”, rồi ôm lấy thằng Toàn, đỡ lưng con gái dậy, nhưng Kim Trâm không gượng nổi. Ông Hải bế xốc con gái chạy vào nhà, đặt nằm trên divan. Bà Chín chạy theo vào, khóc quêu quao:

-Trâm ơi! Con sao thế này? Còn thằng Tư đâu rồi, hở con?

Kim Trâm nghe tiếng mọi người, mở to đôi mắt nhìn, cố gượng dậy, nhưng không thể. Cả người chị mềm nhũn, không nhúc nhích nổi. Hơi thở yếu ớt, miệng chị cứng ngắt không nói được gì, dầu gắng mở miệng. Chị đang trong cơn bấn loạn, rã rời.

Bà Chín giục Kim Lan:

-Cháu chạy lấy cho bác thau nước ấm và cái khăn, pha cho chị ly sữa. Nhanh lên, cháu.

Kim Lan “dạ” rồi chạy xuống nhà dưới lấy thau nước ấm và cái khăn nhỏ mang lên. Bà Chín nhúng khăn vào nước, vò nhẹ, vắt cho ráo rồi lau nhẹ nhàng lên mặt, lên tay chân cho Kim Trâm. Kim Lan bưng một thau nước ấm nữa, đưa bà Hải lau cho Toàn. Hai ly sữa nóng đã được Kim Lan đặt sẵn trên bàn.

Ông Hải nói với Lan:

-Con xuống bắt nồi cháo loãng cho chị và cháu ăn thêm nhé!

-Dạ!

Kim Lan xuống bếp bắt nồi cháo.

Thằng Toàn bỗng khóc thét lên, khiến cả nhà mừng rỡ. Bà Hải sai Kim Lan chạy đi mua thêm hộp sữa mới cho cháu. Bà ôm Toàn đung đưa trên tay vỗ về, mà nước mắt cứ chảy dài trên má, nghẹn ngào. Bà biết con cháu bà vừa trải qua cơn hãi hùng gần hai ngày đêm, thoát được cái chết chờ chực trong gang tấc, trở về. Bà nghĩ, biết bao người trong dòng người đổ xô về lộ 7, đã nằm lại đâu đó ven rừng; Trâm và Toàn được mò về đến nhà là điều may mắn cho gia đình bà lắm rồi, không cần gì hơn nữa.

Kim Trâm nghe nước mát thấm dần vào người. Chiếc đầu chị nặng trịch, như có ai đè xuống, ghìm chặt. Nghe tiếng khóc của con trai, chị giật mình như vừa qua một cơn mộng dữ. Chị vùng ngồi dậy, rồi ngã xuống lại, cố mở đôi mắt thật lớn, nhưng chỉ hé được một chút rồi nhắm chặt, môi mấp máy như muốn nói điều gì, nhưng không ai nghe được. Bà Chín kiên nhẫn múc đổ từng muỗng sữa cho Trâm.

Ông Hải xuống bếp múc chén cháo loãng đem lên đổ cho con gái. Bấy giờ mọi người mới nhớ tới bé Uyên, không biết đã xảy ra chuyện gì, mà bé Uyên không về cùng mẹ nó?. Ai cũng lo sợ, nhưng không dám nói ra, chỉ biết chờ Kim Trâm khỏe dần lại. Ông Hải khuyên mọi người, “chuyện gì xảy ra, thì cũng đã xảy ra rồi, có lo lắng, sợ sệt thì cũng vậy thôi. Trước mắt lo cho Trâm và Toàn bình phục là điều cần làm nhất thôi”. Nói dứt câu, ông Hải bước thẳng lên nhà trên, thắp ba cây nhang, đứng trước bàn thờ ông bà lâm râm cầu nguyện.

Kim Trâm uống hết chén nước cháo, nét mặt trông tươi tỉnh lại, soãi dài tay chân, ngủ một giấc.

Nửa đêm, Kim Trâm mới tỉnh dậy. Mọi người bu quanh giường chị, chờ đợi. Chị vừa khóc vừa kể lại mẹ con chị đã chạy theo đoàn người di tản như thế nào, chị bị mất bé Uyên ra sao? Chị không nhớ ra, vì sao Uyên lạc mất, ai đã đem con bé đi, hay nó tự bỏ chị đi, khi tưởng rằng chị đã chết? Còn anh Tư? Chị không biết tin anh như thế nào từ buổi sáng bỏ nhà ra đi? Anh có trong đoàn quân di tản không? Chị chỉ biết, hai tuần trước, anh có về nhà thăm mẹ con chị, rồi trở lại đơn vị vì có lệnh cắm trại; kể từ hôm ấy, chị không liên lạc được với anh. Bà Hải ngồi bên Kim Trâm - chị ngã vào lòng mẹ, khóc tức tưởi, nghẹn ngào. Cả nhà, ai cũng khóc theo chị. Bà Hải, bà Chín - hai người mẹ của chị, dù đang đau đớn, nhưng gắng gượng tìm lời an ủi chị cho nguôi ngoai: “Con ơi! Bé Uyên sẽ không sao đâu. Rồi mình sẽ tìm lại thôi, biết bao người cũng bị thất lạc giữa đường, con à!”

Ai cũng tin tưởng, hy vọng, sẽ tìm được bé Uyên.

Bà Hải quay sang bà Chín, giọng nhỏ nhẹ:

-Xin chị để cho mẹ con nó ở đây thời gian, khi nào khỏe hẳn sẽ về bên ấy nhé! Tui sẽ chăm sóc cho mẹ con nó thay chị thôi.

-Cảm ơn chị! Cứ để mẹ con nó ở đây, khi nào khỏe hẳn mới về trên tui cũng được. Tôi sẽ chạy qua, chạy về.

Mẹ con Kim Trâm được bà Hải chăm sóc rất kỹ, từ việc ăn uống, đến giấc ngủ; luôn được bà yêu thương, vỗ về, nên đã bình phục nhanh chóng. Sự ân cần của bà Hải, lòng thương quý của bà Chín, đã như những liều thuốc bổ mầu nhiệm, vực Trâm đứng dậy. Tuy vậy, trong lòng chị vẫn nặng trĩu nỗi lo, nhớ thương bé Uyên, cùng người chồng không biết hiện trôi dạt ở phương trời nào?

Bà Chín đã đón mẹ con chị về nhà, rồi giao hết năm sào ruộng cho chị làm, bà chỉ phụ giúp chị cơm nước, và chăm cháu Toàn. Cảm thấy sức khỏe, công việc nhà đã tạm ổn định, Kim Trâm gởi con cho bà Chín, trở lại tỉnh lộ 7, dọc theo những nơi đã đi qua, để tìm kiếm bé Uyên.

Nhìn những lùm cây cằn cỗi, có nơi bị cháy sém khô khốc, hoang dại hai bên đường, chị càng nhớ bé Uyên quay quắt. Có lúc, chị cảm thấy mình không hít thở nổi, nghèn nghẹn trong cổ. Chị thầm thì “con đường còn trơ vơ, rõ ràng đây, mà Uyên của mẹ đâu rồi?”.

Chị lần vào thôn xóm, thăm hỏi, những người dân sống quanh vùng, nơi con gái chị biến mất; nhưng không có tin tức gì của bé Uyên. Cả ngày, chị thơ thẩn như người mất hồn, quanh quẩn bến sông, dò la tin tức; với niềm hy vọng mong manh, sẽ có người mách bảo cho chị, bé Uyên hiện ở đâu?

Trong các bờ cây, dọc con đường như còn rờn rợn mùi tanh, của những xác chết nằm vắt quẻo hôm nào phảng phất. Chị bỗng rùng mình, như thần chết còn quanh quất đâu đây, muốn nuốt chửng chị, khiến chị nhanh chân đi vội về chỗ tảng đá dưới chân cầu - nơi lần cuối bé Uyên ở cùng chị. Chị ngồi xuống tảng đá, gọi con “Uyên ơi! Con ở đâu? Về cùng mẹ đi con ơi!”, rồi bật khóc, nghẹn ngào. Chị trở về nhà, người bần thần cả mười ngày, nửa tháng, mới nguôi ngoai được đôi chút; nhưng nỗi ám ảnh, thương nhớ con luôn đau đáu trong lòng; chị luôn nghĩ, sẽ trở lại tìm con, tìm mãi, tìm mãi khúc ruột đã lìa xa ngày nào.

Chị quần quật làm năm sào ruộng bà Chín giao cho, và cắm cúi nhận may quần áo cho bà con trong xóm, để kiếm thêm thu nhập, cũng để quên dần nỗi nhớ thương. Vải vóc khan hiếm, nên chị chuyên sửa, vá quần áo cũ, lâu lâu có đợt hợp tác xã bán vải cho bà con, mới có khách may đồ.

Bà Chín ngày càng già yếu, đôi mắt đã mờ vì ngày đêm khóc thương con trai không tin tức, cháu nội bị lạc mất, không biết sống chết thế nào. Bà chỉ mong ước, được nhìn con trai bà trở về, rồi có chết cũng an lòng.

Buổi trưa, bà thường ngồi trên chiếc chõng tre ngoài hiên, ngoáy trầu, nhìn chừng ra ngoài ngõ. Bà dõi mắt nhìn, như bà đang trông đợi một người hẹn đến. Có lẽ, bà đang hy vọng, một ngày nào đó, con trai bà sẽ từ ngoài ngõ bước vào.

Bà Chín bổng giật mình, khi thấy thấp thoáng, lờ mờ bóng một người bước vào từ ngõ; bà mừng rỡ, chồm đứng dậy, như con trai bà đang rảo bước trở về với bà. Đó là dáng bà Dư, nhà đối diện cổng nhà bà, đến chơi. Hai bà chơi thân nhau, từ thời mới về đây làm dâu, san sẻ cho nhau từ củ khoai, chén chè. Biết bà Chín mắt mờ, ít đi lại, nên bà Dư thường sang thăm chơi, nói chuyện, để bà Chín vui; vậy mà, mỗi lần bà Dư đến, là mỗi lần bà Chín ngỡ tưởng con trai trở về với bà.

Giọng bà Dư rổn rang, khi vừa bước vào sân:

-Có tin tức gì của thằng Tư chưa chị Chín ơi? Chị biết thằng Điệp con ông Cử xóm Chùa không? Người ta đồn nó đã chết ở biển Tuy Hòa, vậy mà nó vừa báo tin về nhà là đang học tập tận đâu ngoài Bắc, đó chị.

Bà Chín hướng đôi mắt nhìn ra ngõ, giọng xa xăm:

-Sao lại tận ngoài Bắc hở bà Dư? Hổng lẽ thằng Tư cũng… - đang nói, bỗng bà Chín giật mình nín thinh một lát, rồi chép miệng - mà có số hết bà Dư ơi! Con người sống chết đều có số hết, phải không?. Nếu thằng Tư còn sống, chắc cũng bị bắt học tập ở đâu đó rồi, phải không bà Dư?

-Chắc là vậy. Dù sao thì học tập vẫn hơn, còn có ngày trở về, phải không chị? Nay mai sẽ có tin nó cho mà coi. Chị đừng lo gì hết, tui tin là nó sẽ về mà. Nó hiền lành, dễ thương mà chị!

Bà Dư thường đến thăm chơi, nói chuyện với bà Chín một chút rồi về, không ngồi lâu; vậy mà hôm nào bà Dư không đến, bà Chín cảm thấy thiếu thiếu, trống vắng, buồn làm sao ấy. Có tin gì mới về cuộc di tản, hay những ai bị bắt, học tập ở đâu, bà vội đến thăm, báo cho bà Chín hay liền, không để lâu trong bụng được. Có món gì ngon, bà Dư luôn múc mang sang cho bà Chín. Bà Chín cũng vậy, có gì ngon, cũng ngóng chờ bà Dư đến để cùng ăn. Hai bà, như hai chị em ruột thịt, dù một người sinh ra ở miền cao, một người ở miền biển.

Gần một năm sau, Kim Trâm nhận được thư chồng gởi về từ một trại cải tạo ở miền Nam xa xôi. Chị mừng rỡ vì biết tin chồng còn sống, nhưng lo lắng vì anh học tập tận trong miền Nam, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn. Dù vậy, chị quyết đi thăm anh, để nhìn thấy tận mắt anh còn tồn tại, còn hít thở; để niềm ước mơ thuở nào trong chị mãi xanh mầm - được sống cùng nhau giữa quê nhà thân yêu, không còn chiến tranh, chết chóc, hận thù.

Lần đầu đi thăm anh, chị sợ một mình thân gái đến một nơi xa lạ, chưa biết, nên nhờ cha đi cùng. Chị chuẩn bị mọi thứ đầy đủ - một chồng bánh tráng, một thẩu đường đen chị chặt sẵn từng cục, một bịch bột ngũ cốc, thịt cá thưng riêm khô, và không quên mua một bịch thuốc rê cho anh.

Cha con chị xuống xe ở ngã ba ông Đồn, lên xe lam đi vào Long Giao, Xuân Lộc, như anh Tư đã chỉ dẫn trong thư. Hai bên đường đất rộng bạt ngàn, xanh xanh một màu trải dài với những rẫy bắp, sắn, đậu thẳng tắp. Tự nhiên chị ứa nước mắt, thương chồng đã lao lực ngày đêm cực khổ từ bấy lâu nay, mà chị không hay biết. Chị nghĩ trong lòng, sẽ ráng làm thêm kiếm tiền đi thăm nuôi anh, cho anh có chút bồi dưỡng dù khó khăn, vất vả.

Gặp mặt được anh, chị mừng mừng, tủi tủi, nước mắt cứ chực trào ra, phải lâu thật lâu, mới bình tĩnh nói chuyện được. Anh an ủi, dặn dò chị, cố gắng nuôi dạy con, chăm sóc mẹ già thay anh. Chị nhìn sâu vào đôi mắt anh, thấy được bao điều yêu thương anh muốn nói, mà không nói được bằng lời với chị.

Đi một chặng đường dài bốn, năm trăm cây số, chỉ được gặp nhau hai, ba mươi phút, rồi chia tay. Chị cố nén những giọt nước mắt chia tay anh, để anh thấy chị mạnh mẽ sống mà an lòng; nhưng chị không kềm chế được lâu, nước mắt cứ trào ra chảy dài trên má, nghẹn ngào; rồi bỗng khóc nức nở, khi anh bước theo người cán bộ trở về trại. Đôi vai chị run lên mỗi lần trông thấy anh quay nhìn lại. Cả anh và chị, ai cũng muốn níu kéo giây phút chia tay đầy nước mắt này - đi được năm, mười bước, anh quay nhìn lại, rồi đi tiếp; đến khi gần khuất hẳn, anh đi lui quay mặt về phía chị, cho đến khi không còn nhìn thấy nhau được nữa.

Lần đi thăm tiếp theo, tiếp theo sau nữa, luôn có cha chị đi cùng, bởi ông không muốn để con gái đi xa một mình trong nỗi buồn. Lần nào gặp anh, chị cũng khóc, rồi dặn dò, anh cố gắng giữ gìn sức khỏe, học tập rồi trở về với chị, cùng chị tìm kiếm con gái. Chị nghĩ, một mình chị tìm hoài không có, biết đâu có anh cùng tìm, sẽ có tin về bé Uyên sớm hơn.

Ông Hải lâm trọng bệnh, rồi qua đời. Chị mất đi người cha kính yêu luôn kề cận bên mình, là mất đi chỗ dựa vững chắc. Đi thăm chồng lần này, anh đã chuyển đến trại Z30 A - Đồng Nai; chị một mình tay xách, tay mang, lặn lội tìm đường thăm anh; chị nghĩ thương cha, nếu như có ông đi cùng, luôn an ủi, nhắc nhở - không phải lo lắng, sợ sệt gì.

Chị xuống tàu ở ga Gia Ray lúc bốn giờ sáng. Chị nằm ở nhà ga chờ trời sáng, rồi mới hỏi thăm người dân ở đây, đường lên trại cải tạo Z30 A. Sáng sớm, chị đứng trước sân ga chờ những người đi chợ, đi rẫy ngang qua để hỏi thăm đường. Hai vợ chồng một nông dân, vác cuốc trên vai ngang qua sân ga để đi lên rẫy, chị vội chạy lại hỏi thăm, giọng nhẹ nhàng:

-Anh chị cho xin hỏi, đường lên trại cải tạo Z30 A đi lối nào, và có xa lắm không vậy?

Người vợ nhanh nhảu:

-Rẫy tôi làm gần trại, chị có đi lên đấy, thì đi cùng chúng tôi. Chị đi thăm chồng hở?

Kim Trâm mừng rỡ:

-Dạ, tôi đi thăm chồng. Cảm ơn anh chị nhiều lắm. Cho tôi đi cùng với, lần đầu tiên đến trại, nên chưa biết đường đi.

Chị vội tay mang, tay xách đồ đạc đi theo vợ chồng người nông dân, rẽ vào một con đường nhỏ trước mặt sân ga. Người vợ tỏ vẻ thân thiện:

-Đây là con đường tắt, dân làm rẫy thường đi lối này gần hơn. Người ta đi thăm nuôi theo con đường lớn chạy thẳng đến trại trước cửa chợ đấy chị. Nhưng đường lớn hơi xa, hơn cả cây số ấy chứ.

Con đường đất rộng chừng hai mét, hai bên là những rẫy bắp mới lên, xanh mượt. Một màu xanh trải dài, thẳng tắp, rẫy tiếp nối rẫy, bạt ngàn. Người vợ thấy Kim Trâm xách nặng, liền nói:

-Đưa tôi xách giùm giỏ bánh tráng cho. Chị ở ngoài miền Trung hở?

-Dạ, tôi dân Phú Yên chị à! Xa xôi, mỗi lần đi thăm, khổ quá chị ơi!

Người chồng góp chuyện:

-Chị đi bằng tàu lửa à? Tàu xe khan hiếm, lại đông người đi, chắc gì có chỗ ngồi, hở chị?

-Tôi đứng rần cả chân, đến ga Tháp Chàm mới có chỗ ngồi được một chút, nhờ đứng gần người mới xuống tàu.

Người vợ xuýt xoa:

-Trời đất. Chị đứng từ ngoài đó vô tới Tháp Chàm luôn đấy hở? Tội chị quá!

Kim Trâm thở dài:

-Biết sao được chị, người đông quá, mà tàu xe thì ít, phải ráng mà đứng thôi.

Đến rẫy của hai vợ chồng người nông dân, người vợ đưa giỏ bánh tráng lại cho Kim Trâm, rồi chỉ tay về phía trước, nói:

-Chị đi một chút nữa là gặp con đường lớn của trại, rẽ trái, vô một đoạn nữa là tới trại Z30 A. Chị đi nhé!

Kim Trâm cảm ơn đôi vợ chồng người nông dân tốt bụng, rồi đi tiếp.

Đến trại, chị trình giấy cho cán bộ trực, rồi ngồi ở phòng chờ thăm nuôi, như những người khác, đợi chờ. Chờ thật lâu, khoảng chừng gần hết buổi sáng, (người tù đi làm trở về), một cán bộ đi trước, dẫn những người tù phía sau, từ trong đi ra. Chị mừng rỡ, đưa mắt tìm anh, lòng hồi hộp chờ đợi. Anh bước vào phòng thăm nuôi, đưa mắt nhìn quanh quất tìm kiếm chị. Chị đứng dậy, chạy lại nắm tay anh đưa lại chỗ ngồi của mình, đôi mắt đỏ hoe.

Anh nhìn chị, lòng dạt dào thương cảm:

-Cảm ơn em đã vì anh. Anh sẽ trở về, dù mau hay lâu, để yêu thương em và con, bù đắp lại những vất vả, khổ đau mà em đã phải chịu.

Nghe anh nói vậy, chị vui và cảm động vô cùng. Đấy như là một lời hứa, một lời thề nguyền - “sẽ trở về”, rất cần thiết cho sự chờ đợi, hy vọng trong chị ngày đêm. Chị có ý giấu, không cho anh biết cha chị đã chết, nhưng khi anh mở gói thuốc rê, quấn một điếu hút, rồi chép miệng: “Thuốc kỳ này em mua lạt quá!”. Chị vô tình bảo: “chắc tại mắt hơi đó anh à”. Anh giật mình: “Mắc hơi gì?”. Chị bỗng òa khóc lớn, khiến anh hoảng hốt: “Cha mất rồi hở em?”. Chị gật gật cái đầu, khóc ngất, không nói thành lời được. Anh nghẹn ngào khóc theo chị, nhưng rồi anh gạt nước mắt, an ủi chị: “Thôi nín đi em, cha ở trên cao, sẽ phù hộ chúng ta, anh sẽ mau được tha về, và sẽ tìm được con gái thôi”.

Chị cũng tin là vậy. Niềm tin sẽ tìm được con, luôn vững chải trong chị. Chị nghĩ, dù năm, mười, hay bao nhiêu năm đi nữa; có niềm tin, thì sẽ có ngày mình tìm được. Thế là, chị gắng sống, làm việc nuôi con, chăm sóc mẹ già thay chồng, và tìm kiếm bé Uyên. Mỗi năm, cứ vào tháng ba, là chị trở lại liên tỉnh lộ 7, thật đều đặn; để tìm con, để ghi nhớ cái ngày đau thương nhất cuộc đời mình.

Hai vợ chồng chị Trâm, anh Tư ngồi nhìn nhau, biết bao điều muốn nói, nhưng không nói được gì. Có lẽ, lời “vô ngôn” là ý nghĩa lớn lao đối với cả hai, nên chỉ nói bằng mắt, bằng cái nhìn đau thương, chan chứa nỗi niềm. Sự im lặng trong nỗi cảm thông, là lời nói chân thật, đầy dủ nhất.

Người cán bộ bước lại chỗ hai người, nhắc nhở: “Đã hết giờ thăm nuôi”. Kim Trâm giật mình bàng hoàng, vội nói nhanh, như không kịp thời gian để nói cho anh nghe, lời mình muốn nói - một lời hứa, một lời dặn dò: “Em sẽ lo cho con, chăm sóc mẹ, và tìm bé Uyên, chờ anh về. Anh yên tâm học tập và trở về với mẹ con em, anh nhé!”. Anh cầm tay chị đưa lên môi hôn, rồi vội bước theo người cán bộ đang đứng chờ anh.

Chị nhìn theo bước chân anh ngập ngừng, không muốn rời, phía sau người cán bộ. Anh đi mươi, mười lăm bước, quay đầu lại như những lần trước, rồi đi tiếp - cứ thế, cho đến khi khuất hẳn.

Chị hít thật sâu, rồi thở ra nhẹ nhàng, nén cơn xúc động, rồi thu xếp đồ đạc, trở về. Ánh nắng gay gắt, hanh hao, trải xuống núi đồi buồn bã, theo những bước chân vội vã của chị trở lại con đường cũ; như thúc giục chị nhanh hơn nữa, cho kịp giờ tàu chạy.

   .... CÒN TIẾP ....






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com