H àng dâm bụt ngăn cách đất vườn nhà với lối ngõ người ta dong trâu mỗi sớm mỗi chiều. Ông tôi xưa đã xén thành bờ dậu cao ngang vai người, bằng chằn chặn như bức tường xây. Ngày ngày, người dân quê tôi đồng hành cùng chiếc đòn gánh lên nước bóng loáng, những cán mai cán cuốc trơn nhẵn chỗ thường cầm, theo những cơn mưa kéo dài, những đợt nắng gay gắt, những tuần gió lạnh tê chân…đổ mồ hôi khắp cánh đồng mà mọi người vẫn tự hào gọi là bờ xôi ruộng mật.
Sau ngày ông mất, nhà cửa bận rộn, không ai chăm sóc cắt tỉa gì, cành cứ vươn dài, lả lướt trước gió. Cây cao một đầu một với mà vẫn đung đưa, chông chênh, không chắc chắn như trước. Sớm sớm đi học, chúng tôi hè nhau, ngắt bông bụt ra khỏi đài, thích thú với chút mật ngọt lịm từ cuống hoa. Không nhiều nhưng theo thời gian mật hoa hóa thành giọt kỷ niệm không phai nhòa được. Hoa dâm bụt nở rộ, đẹp mĩ mãn vào mùa hè, màu đỏ thắm. Cành vươn ra, chạm cả tình thương vào mặt người đi. Hoa vắt vẻo từ nách lá, nở rạng rỡ. Cánh cong cong mềm mại màu hồng tươi. Giữa năm cánh mọc ra một voì nhị dài với chùm tơ màu hồng nhạt, nhụy vàng. Hoa mọc như mời. Ai muốn ngắt thì ngắt. Chỉ tươi đẹp một ngày tưởng mây đang lững thững trôi cũng ngừng hẳn lại. Hôm sau hoa rủ, buồn rười rượi. Dăm ba ngày, hoa teo tóp lại, lặng lẽ rụng để lại cành một đài quả. Đài quả thường tồn tại một tuần rồi úa rồi rơi. Hoa thân thuộc với chúng tôi - đám trẻ nghèo áo quần không đủ, chân đất đầu trần. Với năm cánh mỏng đỏ thắm, hoa dâm bụt nghiêng mình thả xuống từng hàng trông nhấp nhô rập rờn như những chiếc lọng che. Không biết từ đời nảo đời nao, các cụ bảo hoa dâm bụt là hoa dâng Phật rồi từ đó gọi chệch mà thành tên. Vào những ngày đầu hè, dâm bụt nở thắm hàng rào với cái nhuỵ dài lốm đốm phấn vàng. Cánh hoa mỏng mảnh luôn nhún nhảy, vẫy vẫy đung đưa trong làn gió nhẹ…
Dưới nắng vàng lung linh, những cánh bướm rập rờn bên hàng rào dâm bụt như thôi miên chúng tôi. Chúng tôi đội nắng, tay cầm que nhựa đi dính ve sầu, rình bắt bướm, câu chuồn chuồn. Chuồn chuồn ông, chuồn chuồn bà, ai có con thì ra mà nhận. Khi mệt lử lả, ngắt tìm vị ngọt từ những cuống hoa, chúng tôi lại bày đồ chơi bên dưới những hàng rào để trốn nắng. Chứ đâu như bọn trẻ nhỏ bây giờ, ra đường một mình cũng sợ, chỉ ăn rồi ngủ.
Khoảng cách giữa các nhà là những bờ rào dâm bụt xanh quanh năm. Màu xanh mơn mởn của lá, màu đỏ tươi của hoa vào độ xuân sang hè đến. Làm sao mà quên được những chiếc lá mỡ màng, xanh vàng, non tơ với cái cuộng nâu. Hoa màu hồng tươi, không hương nhưng vô tư như lứa tuổi chúng tôi. Lá cứ dần dần già. Hoa cứ dần dần nặng nhọc. Đến ngày đông ken, trên những cành già màu vàng đất, một vài bông hoa màu hồng xỉn cũ, nở như có như không. Chúng tôi muốn sang nhà nhau học tổ, học nhóm, chơi bời chỉ cần lách rào thành lỗ hổng thoải mái chui qua chui lại. Những tối chơi trận giả, chúng tôi lấy hàng rào làm nơi che chắn, luồn lách. Hai đứa gần sát nhau mà chẳng nhận ra. Người lớn đứng cạnh rào, gọi với sang nhà bên xin tí lửa, chút mắm, chút muối hoặc vay vài bơ gạo. Các ông có ấm chè tươi nóng hôi hổi vừa hãm. Các bà có nồi lang luộc còn bốc khói cũng chỉ cần ới nhau ngoài hàng rào. Lát sau, mọi người đã tụ họp ồn ào, cùng chia ngọt sẻ bùi. Chuyện làng trên xóm dưới, chuyện nước non, chuyện cợt đùa nở như ngô rang. Lá cây dâm bụt vốn mát và lành nên những khi giao mùa khan hiếm rau xanh, bà tôi lại hái lá bánh tẻ, nấu cùng tép khô hoặc cua đồng giã nhỏ. Vị nhơn nhớt, đăng đắng của canh rau dâm bụt đã theo chúng tôi đi dọc tuổi thơ tuy không thường xuyên hiện diện như những loại rau khác. Dâm bụt cũng hiền hành, nhàn nhạt nhưng quyến rũ đậm đà hương vị quê với những người còn nặng lòng khi xa. Mùa hè, hoa dâm bụt nở rộ làm rực rỡ cả lối ngõ. Những bông hoa như chiếc chuông đỏ thắm đung đưa trong gió. Bướm vàng, bướm trắng, bướm đen rập rờn lượn từng vòng. Tiếng ve cũng nô nức bao quanh. Không bằng mùi hương quyến rũ, ngạt ngào, hoa dâm bụt có sức hút kỳ lạ. Chúng tôi tự nhiên tập trung lại. Ngõ càng trở nên đông vui, rộn rã tiếng cười, tiếng nói, tiếng cãi vã. Mấy đứa con gái hái lá làm tiền chơi trò buôn bán, trao đổi hàng hóa cho nhau. Tất cả của cải xã hội làm bằng những bông hoa, lá non của rặng dâm bụt ấy. Cũng chèo kéo, tranh giành khách mua, khách bán ra trò. Cũng than vãn hàng hóa đắt rẻ này nọ bằng giọng bắt chước ai chua loét. Bọn con trai nghịch ngợm, ngắt từng cánh hoa, dán đầy lên má môi, mi mắt, lên trán giả làm Triệu Tử Long, Quan Công, Trương Phi… Thằng Bắc được chúng tôi công nhận là giỏi hóa trang. Nó dán lá dán hoa khắp mặt chả rõ từ đâu nhảy ra chồm chồm, la hét mồ hôi mồ kê ròng ròng khiến bọn con gái phải chạy ré. Khi chúng tôi ồ lên thì nó biến mất. Lát sau, Bắc lại xuất hiện với điệu bộ khác, giọng nói khác. Rồi nó bắt chước giọng đứa này đứa khác y hệt khiến chúng tôi cười như nắc nẻ. Tôi làm sao quên được những buổi mưa đột ngột, người lướt thướt, cởi trần nhảy ra mưa. Nước từ mọi nơi chảy về thành dòng. Chúng tôi ra đồng, chặn bắt cua cá, chao vợt trạch lươn. Cả bọn chạy đuổi nhau ầm ầm dọc bờ rào dâm bụt trước khi rẽ về nhà, cười ngặt nghẽo.
Từ xa xưa, dâm bụt đã được sử dụng. Người ta cắt cành mang trồng làm hàng rào, tạo nên những hàng rào xanh đẹp mắt. Nơi đất hoang hóa, cây mọc thành từng bụi, cao tới hai, ba mét. Lá đơn mỏng hình trứng, mọc cách, có lá kèm, phiến lá khía răng cưa. Hoa to, mọc đơn độc, lưỡng tính, màu đỏ tươi hoặc hồng nhạt. Quả nang bé xíu, tương tự như quả chua me đất, màu vàng nhạt thường úa rụng ngay sau khi hoa héo một tuần. Bóc ra, hàng loạt hạt li ti bám quanh. Hình như dâm bụt cũng biết mình là con nhà nghèo, cam phận quây quần với nhau, không dám chơi trèo, làm cao cùng các chị em nhà hoa khác. Nhụy của hoa dài và cong xuống như cái cần câu nhỏ xíu. Bố tôi bận làm, thỉnh thoảng mới dọn ngõ, vung dao phát một hồi. Cây cành tơi tả, ngả rạp. Vài ba ngày sau, lá héo tái, bà tôi lại ra thu gọn vào. Chỉ sau mấy trận mưa, các gốc dâm bụt đâm chồi lên xanh tốt ken dần thành rặng dày, trổ muôn vàn búp non tươi. Dăm bảy ngày sau, những cành cây tơ non ấy nở tung ra chi chít màu hoa rực rỡ.
Chúng tôi thường nô nghịch, chạy nhảy lung tung quanh các bờ ruông, sườn đồi. Mùa hè, tay chân đứa nào cũng bị mụn nhọt, rôm sảy. Đầu gối, khuỷu tay sứt sát, ngã đến không mấy khi trên người không có vết đau. Chỉ tới khi không thể đi, không thể chịu đựng phải xuýt xoa, chúng tôi mới chịu nằm nhà. Bà tôi lại lấy lá và hoa dâm bụt giã nhỏ trộn với muối đắp trên mụn nhọt, lên vết thương đang mưng mủ. Chỉ sau mấy ngày, vết đau đã se miệng, chúng tôi lại tiếp tục nô nghịch được rồi.
Bà tôi hay càu nhàu khi rặng bông bụt bị tàn phá tơi bời sau những nhát dao vung không thương tiếc của bố tôi. Bà than thở: - Chúng bay lười quá! Chịu khó cắt tỉa, dâm bụt cho ta một hàng rào vừa đẹp vừa bền chắc. Ngày xưa, nhà bếp thấp thường lợp bằng rơm rạ, lá lẩu. Củi lửa không khéo dễ thành hỏa hoạn, lan từ nhà nọ sang nhà kia. Nghe nói có nơi cháy nửa làng. Thủy hỏa đạo tặc cơ mà. Dâm bụt làm hàng rào kiên cố không sợ cháy. Nó không bắt lửa. Ông cha đã truyền dặn vậy mà tảng lờ không biết.
Hoa dâm bụt nhà quê. Vì mọc thành bờ rào ở quê mới có. Một thứ hoa dễ trồng, mọc bất cứ nơi đâu. Chỉ cần chặt cành tìm bờ bụi nào giặm chặt. Bất chấp đất khô xác cỗi cằn, mưa nắng gió bão…dâm bụt vẫn sống khỏe sống tốt, có khả năng chịu đựng các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nắng nóng, mưa bão, đất sỏi, cát đá chịu được tất, nó cũng như người dân quê xưa, một nắng hai sương. Dâm bụt nở hoa quanh năm và rất đẹp nếu được chăm sóc tốt. Có điều, hoa chỉ để ngắm, không cắt rời cành. Lìa cành là hoa sẽ héo gục. Đó là loài hoa gắn kết cộng đồng không thể sống thiếu cành, thiếu quần thể và thiếu… đất đai.
Những đoá hoa dâm bụt bình dị khoe sắc bên hàng rào tưởng như thản nhiên trôi đi đã làm đầy trong chúng tôi biết bao nhiêu thương nhớ. Bây giờ, cuộc sống hiện đại với tường xây vây kín, ngột ngạt ngày hè, tê lạnh mùa đông. Người ta ít trông thấy mặt nhau, ít nghe tiếng nhau nói. Lũ trẻ cũng ít còn dịp quanh những hàng rào dâm bụt đầy ắp vị ngọt ngào, khó quên thấm đẫm từng ngõ quê.
Đến bây giờ, người ta cải tiến, hãm, đì, chích, chiết…lai tạo ra hoa dâm bụt khá nhiều màu. Đi trong muôn ngàn dâm bụt đơm hoa sặc sỡ, tôi vẫn không thấy thú vị gì. Những cành hoa như thật như giả vật vờ, nhún nhảy như rô bốt trong chiều cả gió.
Tôi và Bắc trở lại quê hương tết này bất chợt gặp nhau. Cả hai đi trên con đường làng bắt đầu có người mang thóc ra phơi, tìm kiếm mãi không thấy màu xanh mướt mát của hàng rào dâm bụt thân quen. Bà tôi mất đã lâu. Đường bê tông bỏng rát chân dẫn tôi ra thăm mộ. Chúng tôi không còn những phút giây thảnh thơi vừa đi vừa ngắm cảnh, không còn bất chợt dừng trước một màu hoa xưa.. Tường xây đơn điệu thay dậu vườn, cắm chi chít mảnh chai liền kề nhau với từng cổng sắt im lìm khiến ta có cảm giác tình làng nghĩa xóm đã vợi đi nhiều lắm!