Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ĐÀ NẴNG – MỘT ĐOẠN ĐỜI




Đ à Nẵng, hai từ thân thương nghe nhói lòng kẻ đi xa. Mặc dù nơi ấy không phải là quê hương, nhưng chính nơi ấy tôi đã sống cả một thời tuổi trẻ của mình, từ khi vừa cởi bỏ chiếc áo thư sinh để bước xuống cuộc đời. Hòa nhập vào dòng đời với bao nhiêu hăm hở, bao nhiêu ước mơ, hoài bão trong vai trò một cô giáo.

Tôi đến với Đà Nẵng từ khi mới 22 tuổi. Thời ấy tốt nghiệp Đại học Sư phạm ra trường chọn được nhiệm sở tại ngôi trường Nữ Trung học Đà Nẵng là ước mơ của nhiều sinh viên. Tôi thấy hài lòng với công sức học tập của mình để có kết quả hôm nay. Ngày đền trình diện với bà Hiệu trưởng tôi vẫn mặc áo dài trắng. Vì thế bước vào cổng dành riêng cho giáo viên, tôi bị bác cai trường quạt cho một trận vì tội học sinh mà dám đi cổng dành riêng cho các thầy cô giáo! Lại còn không mang huy hiệu nữa. Thì ra bác ấy lầm tưởng tôi là học trò. Cũng là một kỷ niệm vui vui.

Những năm tháng chiến tranh ấy Đà Nẵng chưa to lớn đẹp đẽ như bây giờ, Nhưng cũng vẫn là một thành phố lớn, chỉ đứng sau Sài Gòn. Thời ấy người ta hay nói câu: “ Nhất Sài Gòn, nhì Đà Nẵng”. Tuy là một thành phố lớn nhưng không khí chiến tranh vẫn hiện diện đâu đó, qua hình ảnh những chuyến xe nhà binh lăn bánh ì ầm trên đường phố, qua những tiếng đại bác từ một nơi xa xăm đêm đêm vẫn vọng về. Tôi đã sống hai năm thời chiến ở Đà Nẵng cho đến khi thành phố hoàn toàn giải phóng. Một anh bộ đội trẻ người Hà Nội đã nói với tôi, anh chưa thấy cảnh tượng nào đẹp bằng hình ảnh mỗi buổi tan trường, áo dài trắng của nữ sinh ngôi trường nơi tôi giảng dạy, tung bay trắng cả phố phường.

Sau giải phóng, tôi và một số bạn bè lại thay đổi nhiệm sở. Vì trường Nữ Trung học Đà Nẵng đã trở thành trường đại học Ngoại Ngữ. Mất đi một ngôi trường con gái, tôi thấy tiếc, vì ở nơi đó nữ tính dễ phát triển hơn là để các em học chung với nam sinh. Tôi được điều về một ngôi trường ở khu vực ngoại ô thành phố, và hai năm sau lại được thay đổi nhiệm sở một lần nữa. Lần này tôi về ngôi trường lớn nhất của thành phồ: Trường cấp ba Phan Châu Trinh. Chính ở nơi này tôi đã giảng dạy gần ba mươi năm, cho đến khi nghỉ hưu. Với bao nhiêu nhiều thế hệ học trò, có khi dạy cả con cái của học trò cũ. Hơn ba mươi năm đứng lớp với ba ngôi trường và bảy, tám ngàn học sinh mình trực tiếp giảng dạy, bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui ở thành phố thân yêu này. Các con tôi cũng đã lần lượt lớn lên ở nơi đây – chính nơi quê Nội của chúng – cho đến khi đủ lông cánh để bay xa vì chuyện học hành.

Sau khi chồng mất, con cái đứa ở nước ngoài, đứa lập nghiệp ở thành phố Sài Gòn, vì không thể sống đơn lẻ một mình, tôi xa Đà Nẵng vào Sài Gòn từ dạo ấy. Những năm tháng sống ở thành phố ồn ào đông dân nhất nước, tôi vẫn đau đáu hướng về Đà Nẵng với một trời kỷ niệm ở thành phố tôi vẫn xem là quê hương thứ hai của mình. Nhớ con đường Bạch Đằng ven sông Hàn mỗi khi đêm về, những ngọn đèn xanh đỏ chi chít hai bên bờ sông, những cây cầu hiện đại, những tòa nhà cao tầng soi bóng xuống dòng sông làm du khách ngẩn ngơ như đang sống trong một thành phố Châu Âu. Là người dân Đà Nẵng tôi không khỏi cảm thấy tự hào trước sự phát triển của thành phố. Nhớ bãi biển trước Công viên Biển Đông từng được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất hành tinh. Nhớ những buổi tắm đêm cùng bạn bè trên vùng biển này. Cũng không làm sao quên được những trận bão ngữa nghiêng trời đất mà thành phố phải đón nhận mỗi mùa đông. “ Thành phố đáng sống” du khách vẫn gọi Đà Nẵng bằng cụm từ này - nơi ấy tôi đã sống và làm việc gần bốn mưới năm. Một thời gian đáng kể của đời người. Thành phố là nơi đến cuối cùng của con sông Hàn trước khi đổ vào biền. Nơi ngọn núi Sơn Trà đứng sát bờ biển Đông như thể minh họa cho câu ca dao:

Sớm mai lên núi đốt than
Chiều về xuống biển đào hang bắt còng.

Một thành phố mà núi, sông và biền gần nhau trong gang tấc. Một sự hội tụ hoàn hảo của thiên nhiên.

Và bây giờ ở một nơi xa xôi nửa vòng trái đất, tôi càng xa thêm mảnh đất thân yêu Đà Nẵng. Nơi ấy có bao nhiêu kỷ niệm vẫn còn in dấu ấn trên từng góc phố thân quen, bao nhiêu khuôn mặt học trò cũ, bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp đã từng đứng bên tôi trong những ngày vui, cũng như những ngày gian khó nhất của một đoạn đời.

Mỗi lần ghé qua Đà Nẵng trong những dịp trở về Tổ Quốc, tôi vẫn thường đứng lặng lẽ trước cổng trường THPH Phan Châu Trinh, một phút tưởng niệm những ngày xưa đứng lớp, tưởng như âm vang tiếng trống trường vẫn còn đâu đó, trong một cõi sâu thẳm của tâm hồn.

( Highlands Ranch – CO – USA )






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com