Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CHIẾN TRANH ĐI QUA
NỖI BUỒN CÒN LẠI




1-

Huệ vội vàng thu xếp công việc ở công ty, nhờ cô nhân viên trợ lý đi lấy vé máy bay để kịp về quê ngay vào buổi chiều. Theo lời mẹ kể lại qua điện thoại vào lúc 5 giờ sáng nay, thì bệnh trạng của ông ngoại không thuyên giảm chút nào, mà có thêm triệu chứng nặng hơn: Các cơ ở cổ cứng dần, không uống được nước,nói năng khó khăn!Đã không tự ngồi dậy được mà đờm rãi liên tục trào ra, cũng không khạt nhổ được nữa.. Một ngày qua, các bác sĩ khu thần kinh Bệnh viên Quân Y 16 cũng chưa có biện pháp nào để làm thay đổi tình thế ấy. Nàng trách mẹ đã không nài nỉ, thuyết phục ông ngoại xin chuyễn vào Saigon để nàng có thể theo dõi, nhờ bạn bè bên y khoa giúp đỡ -trong trường hợp cần thiết, nàng sẽ xin chuyễn ông sang Mỹ để điều trị tiếp. Mẹ nàng nói giọng trĩu nặng nước mắt : “ Con không biết tính của ông ngoại hay sao? Ông ấy ngại tốn kém cho con ,cho gia đình- tính tiết kiệm thái quá của ông con đã thành nếp khi còn ở trong bộ đội ! Ông thường bảo, tôi hy sinh xương máu, cả đời mang bệnh tật là vì đất nước, bây giò nhà nước phải lo cho tôi chứ? “. Nhà nước lo-nhưng cụ thể là ai? Có mấy người chịu suy nghĩ như ông-để sẵn lòng lo cho ông ?.

Cả tuần không thay đổi, không thêm viên thuốc mới nào-không nghe bác sí, nhân viên nào đề nghị phương cách điều trị tích cực hơn, để các triệu chứng hậu cao huyết áp ổn định ..Huệ cảm thấy lòng tràn ngập nỗi buồn,nỗi xót thương ông quặn thắt.Rời xa vợ con từ năm hai mươi bảy, gần hai mươi năm lặn lội khắp vùng rừng núi Tây nguyên cho mãi đến năm 74 mới được chuyễn về Hà nội vì chứng sốt rét và một mảnh đạn trong đầu! Sau ngày chiến tranh chấm dứt, bệnh tình tạm ổn- lại ba lô lên vai sang Campuchia thêm mấy năm…Được về nghỉ hưu năm 82, sống bên vợ con được 8 năm thì bà ngoại mất-ông sống với người con gái duy nhất là mẹ của Huệ-một giáo viên được lưu dung nhờ có sự bảo lãnh của cha!

Đến lúc Huệ thi đỗ vào đại học Y Dược-khoa dược, đến phường xin cắt hộ khẩu nhập học bị từ chối vì tờ lý lịch được công an ghi :” Cha là sĩ quan ngụy bị mất tích trong chiến tranh.Lý lịch không rõ ràng…” thì ông đành bó tay dù đã đi gõ cửa nhiều cơ quan nhờ can thiệp cho đưa cháu ngoại duy nhất của mình! Ân huệ dành cho ông gần trọn đời hy sinh không cứu nỗi một đứa cháu duy nhất của đời mình ! Huệ không dám trách ông-nhưng bà Kim, mẹ của Huệ-thì ngày đêm than khóc : “ Ba hy sinh cho tương lai của con cháu, ba đã nhìn thấy chưa-con cháu sống như thế nào? “.Từ dạo đó , ông thường lặng lẽ một mình trên gác với tập vở ghi chép dày cộm-ít bầu bạn với ai. Thỉnh thoảng-vài tuần một lần, ông kêu Huệ chở ông lên nghĩa trang thăm mộ vợ.Tại đây, ông thắp hương-ngồi nín lặng –cho đến lúc Huệ nóng lòng thúc giục ông trở về…

Sau khi biết mình không thể vào ngồi ở giảng đường đại học như mong ước của mẹ-nhất là người cha đã bị mất tích trong một trận ác chiến mấy ngày đêm ở Dakto- khi nàng vừa lên ba-Huệ cũng thường yên lặng trong nỗi đau xót không có lối thoát. Nàng không dám lộ vẻ buồn đau trước mặt mẹ-bởi vì, nàng đã thấy rõ trong nét gầy gò xanh xao nhiều đêm không ngủ của mẹ một nỗi xót xa gấp ngàn lần của chính mình!

Cùng số phận với Huệ- trong lớp ,còn có Khuê- người bạn trai mà nàng đã gởi trọn niềm tin yêu, hy vọng của thời con gái thơ ngây hồn nhiên bên đèn sách. Ba của Khuê sau nhiều lần “ trốn quân dịch”bị bắt-đã chạy được một chân trong Hội Đồng xã để được hoãn dịch lâu dài- nhưng yên được một năm thì bị chết thãm bởi một quả lựu dạn được ném vào bất ngờ khi đang ngồi chơi bài tứ sắc ở nhà một người bạn trong xóm . Ông đã bị liệt vào danh sách “ ác ôn” cần phải diệt trừ! Lý lịch của Khuê được trưởng công an phường “ xác nhận: “ Đương sự là con của tên ác ôn bị cách mạng xử tội năm…”. Khuê đã khóc trước mặt Huệ:khi còn cầm trên tay tờ giấy “ xác nhận của chính quyền địa phương”: “ Ba mình đã mất gần 20 năm,chiến tranh đã đi qua lâu rồi …nhưng đến lúc này mình mới cảm thấy chiến tranh thật rõ ràng, thật tàn nhẫn! “ . Bà Liên-mẹ Khuê, khi nghe con đọc lời “ xác nhận “ lý lịch -đã điếng lặng, đờ đẫn như một tượng gỗ! Bấy lâu-bà cố dấu con về cái chết của chồng, để con yên tâm học , vui vẻ với bè bạn mà đến trường. Hôm nay-điều bất hạnh đã được nhắc lại, ghi rõ trên tấm giấy có con dấu đỏ ! Cường- anh trai cả của Khuê-người đã thóat ly lên núi hoạt động sau vụ biểu tình của học sinh sinh viên chống chiến tranh bị cảnh sát vây bắt từ năm học lớp đệ ngũ-nay là trưởng cửa hàng công nghệ phẫm trong thị xã-cũng không thể cứu vãn được gì cho mẹ và em. Bà Liên khóc: “ Mày hy sinh để cho lũ em mày phải như thế sao ?” . Cường nín lặng, và bật khóc…

Khuê là con trai út trong gia đình có đến bốn anh chị em : Ngoài Cường là trưởng nam, hai người chị của Khuê cũng chỉ học đến lớp 9 thì nghỉ. Bà Liên chạy chợ không lo nỗi hai bữa ăn cho con vì cảnh chợ ngày càng dìu hiu-người ta đang truyền nhau câu khẩu hiệu “ đông đồng, tan chợ”, và đang có chính sách đưa dân thị thành lên vùng kinh tế mới để sản xuất! Buổi sáng ra đi với thúng xôi vò lân la dạo khắp ngõ phố; buổi chiều kẽo kẹt gánh đậu hủ đến ngồi trước cổng trường học…Hai người chị của Khuê đều đi học nghề may-nhưng lại treo bảng “ Nhận sửa, khâu vá đồ cũ” vì cả tháng có thấy ma nào đến may áo quần đâu? Vải bô đang là thứ khan hiếm, và người ta lại rất ngại diện vào người bộ áo quần mới!

Gia đình Huệ tuy có mẹ đi dạy, nhưng lương của bà Kim cũng không đủ để lo cho chính bản thân bà , nói gì đến lo cho Huệ? Huệ sống nhờ vào tiền lương hưu hằng tháng của ông ngoại. Lãnh lương về, hay có phiếu mua thực phẫm, hàng công nghệ phẫm-ông đều đưa hết cho mẹ Huệ. Ông nói : “ Ba chỉ cần ngày hai bữa cơm rau mắm thôi,cũng là tốt rồi! “.Huệ đang có suy nghĩ xin mẹ vào Saigon để tìm việc làm, trước là không bớt xén phần ăn của ông, sau có hy vong sẽ đỡ đần cho mẹ…Nàng chưa dám thố lộ tâm sự với mẹ thì Khuê tìm đến.Gần một tháng rồi, cả hai chưa gặp lại nhau vì nỗi buồn lo riêng đang níu giữ ngăn cách. Gặp nhau để làm gì đây? Gặp nhau để rồi cùng ngồi nhìn nhau mà khóc như những lần trước ư? Sự nhớ thương nhiều lúc khiến Huệ thẩn thờ, lơ ngơ-không thiết sống nữa. Sống thêm để làm gì khi ngày mai đã được ghi gọn trong một tờ giấy oan nghiệt chỉ với một câu ngắn ngủi? Sống mà chẳng lo được gì cho bản thân,không làm chút gì lợi ích cho gia đình, xã hội- thì sống như đã chết rồi còn gì? .Huệ luôn nghĩ, nhớ bên cạnh nàng, vẫn còn ông ngoại và mẹ-nguời mẹ bất hạnh góa chồng từ năm hai mươi bốn tuổi vẫn lặng thầm nuôi con, vẫn miệt mài hy vọng về nàng .Nghĩ về mẹ, Huệ thấy mẹ rất giống bà ngoại. Bà cũng đã phải sống xa ông hai mươi mốt năm khi ở tuổi hai mươi sáu.Hai mươi mốt năm sống khó nhọc, trốn chạy, lao đao để nuôi mẹ Huệ ăn học, vào trường sư phạm- chờ cho đến ngày ông ngoại về! Từ những sự cám dỗ, đến những áp lực dọa dẫm-bà vẫn cam chịu vượt qua-giữ lòng mình chung thủy với ông cho dù không biết ngày nào ông về. Và ông đã trở về! Và bà cũng đã được gặp lại ông sau hai mốt năm-dù chỉ được sống bên ông chỉ có 8 năm rồi ra đi mãi mãi…Huệ nhớ bà, thương mẹ-thương hết thảy những người mẹ đã khốn đốn, đau xót trong chiến tranh vì phải mất chồng, xa con-đêm ngày lầm lũi với bao nỗi gian truân vây hãm! Có lẽ, nhờ tình yêu với Khuê-Huệ ngày càng ý thức sâu sắc, thiết thân hơn với sự bất hạnh lớn lao của mẹ? Nàng đã hiểu thế nào là nỗi đau khi hai người yêu phải xa nhau! Tỉnh yêu đã làm cho Huệ ngày càng lớn hơn, dày dạn hơn trong cuộc sống…

2-

Từ xa, Huệ đã nhìn thấy Khuê ngồi ngay ở tản đá cuối bãi hôm nào-dáng im lìm, mặt hướng nhìn ra biền xa. Huệ cảm thấy thương Khuê xót xa, và cũng ngậm ngùi cho số phận hẫm hiu của chính mình!

-Khuê đợi Huệ có lâu không?-Huê khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh.

-Không lâu-nhưng anh nóng ruột quá!

-Có chuyện gì vậy? Lành hay dữ?

-Chưa biết là lành hay dữ-nhưng đã bị dồn vào chân tường rồi thì có thể tính toán được cái gì nữa?

-Anh nói lẹ lên đị-Huệ nhìn đứng lên gương mặt đờ đẫn của Khuê,lòng bồn chồn lo lắng.

Khuê thuật lại chuyện gặp ông chủ hiệu vàngTiến Đat hôm qua cho Huệ : Ông ấy thành khẩn đề nghị anh cùng vượt biển với ba người con của ông ta-mọi chi phí, quan hệ-ông ta sẽ lo cho hết! Ông ấy nói: “ Tôi tin và thương cậu, vì cậu đàng hoàng, học giõi- nên mới giao ba đứa con của tôi cho cậu chăm sóc, dìu dắt chúng giúp…”

Huệ hỏi-giọng gấp gáp: “ Anh đã trả lời thế nào? “

Khuê nhìn chậm lên đôi mắt của Huệ-cảm thấy giây phút này thật thiêng liêng đối với cuộc đời mình-giọng điềm tỉnh lạ lùng: “Huệ đoán xem anh đã trả lời cho ông ta thế nào? “

-Làm sao em có thể đoán được điều bất ngờ quan trọng ấy? “

-Anh đã đồng ý…

-Anh đồng ý ra đi thật sao?-Giọng nàng lạc lõng.

-Anh đồng ý, nhưng với một điều kiện duy nhất là phải cho anh đem theo thêm một người nữa-Khuê nhìn Huệ-người ấy là em…

Huệ im lặng. Khuê nhìn xa ra biển. Biển một màu xanh đậm. Sóng và gió.Và mênh mông…

-Em nghĩ thế nào, Huệ?

-Anh cho em về xin phép mẹ rồi sẽ trả lời anh sau , được không?

-Sáng sớm ngày mai nhé! – Khuê lại nhìn dán lên đôi mắt thâm quầng của Huệ, lòng lao xao sóng dậy-ông Tiến Đạt hẹn phải trả lời cho ông ấy vào 2 giờ chiều ngày mai!

Vừa nghe Huệ kể lại –bà Kim đã ôm chầm lấy Huệ mà khóc : “ Con phải ở luôn bên cạnh mẹ-xa con, mẹ sẽ chết mất! “ Huệ cũng sụt sùi khóc theo mẹ-không đủ can đãm hỏi mẹ một câu mà nàng đã nghĩ trước suốt buổi chiều: “ Mẹ đồng ý cho con ra đi nhé? “ Bà Kim lau vội những giọt nước mắt ràn rụa chảy dài trên đôi má –giọng ướt sũng: “ Ra đi-chết đã chín phần rồi-con à! Mẹ không thể sống mà không có con-con hiểu không? “- “ Con hiểu mẹ! Mẹ còn sống đến hôm nay là vì con. Vì tình yêu còn lại cùa ba con.Nhưng, mẹ ơi! Con không thể cứ mãi nhìn thấy ông ngoại và mẹ phải nhịn ăn vì con từng ngày như vậy được nữa! Xin mẹ hãy hiểu cho con. Con sống mà không nhìn thấy tương lai thì sống thêm để làm gi? “

Huệ lấy chiếc khăn tay của mình, lau khô những dòng nước mắt của mẹ-giọng ráo hoảnh: “ Có anh Khuê cùng đi, có ba đứa con ông Tiến Đạt, có nhiều người nữa trên chiếc tàu ấy chứ đâu chỉ mỗi mình con thôi, mong mẹ hãy yên tâm ! Chỉ có con đường ấy, con mới có thể tiếp tục việc học hành, có thể lo cho tương lai của con-và phần nào giúp đõ cho ông và mẹ …Con ở đây chỉ là gánh nặng cho ông ngoại và mẹ mà thôi!”. Bà Kim nhìn thẳng lên mặt con-nói lớn : “ Mẹ cấm con không được nhắc tới chuyện này nữa-con nhớ không? “

Huệ đã đến ngồi nơi tản đá cuối bãi biền hôm qua trước giờ hen gần ba mươi phút. Nàng muốn được ngồi một mình nhìn mông ra biển khơi-tìm chút yên lành trước khi gặp lại Khuê. Phải trả lời cho Khuê thế nào đây?

-Chào em!

Huệ quay phắt lại: “ Anh đến lâu chưa? “- “ Cũng khá lâu…”

Khuê ngồi đối diên với Huệ-nét mặt rắn rỏi,điềm tĩnh lạ thường.

-Mẹ nói thế nào, em?

-Mẹ không đồng ý…Huệ buông thõng,nhẹ tênh.

-Dễ thôi-Khuê cười, em cứ làm theo anh-nghĩa là im lặng cho đến ngày xuông tàu-Khuê thở dài, anh cũng không hề thưa với mẹ…

-Chuyên hệ trọng vậy mà anh không cho mẹ biết sao?-Huệ mở to đôi mắt, nhìn Khuê không chớp.-Ra đi là đã cầm chắc cái chết đến chín phần-mẹ em nói vậy…

-Em lại sợ chết phải không?

-Em không hề sợ chết, nhưng chết mà mẹ không hề biết được, thì em không đành!-Nước mắt của Huệ đã long lanh-Nếu chết, thì chúng ta sẽ cùng chết bên nhau cũng là điều hạnh phúc-anh có nghĩ vậy không?

-Dĩ nhiên là anh cũng đã nghĩ như em khi yêu cầu ông Tiến Đạt cho thêm một người…

Giữ đúng lời hứa-gần một tháng sau- khi nghe được tin nhắn gởi về-ông Tiến Đạt đã tìm đến báo tin cho Bà Kim và Bà Liên về chuyến ra đi của Huệ và Khuê đã được trót lọt. Cả năm người hiện đang làm thủ tục xin định cư ở nước thứ 3 là Mỹ. Ông hứa, có tin tức gì mới, sẽ quay lại cho hai bà biết sau.Trước lúc ra về,ông đều dặn riêng hai bà : “ Nếu chị cần tôi giúp đỡ gì, xin cứ đến nhà-ba đứa con tôi đã nhờ sự cưu mang che chở của cháu từng ngày ở bên ấy! “

3-

Huệ trở về nước đã được hai năm với tư cách là Giám Đốc trưởng chi nhánh đại diện cho công ty Dược hàng đầu thế giới Medi-Heath tại Việt Nam. Tuy công việc điều hành , giao dịch rất bận rộn-thường ngày, có hôm cả công ty đều làm việc cho đến 8-9 giờ tối-nhưng tháng nào Huệ cũng thu xếp để về quê sống với ông ngoại và mẹ vài ba hôm. Ngay từ khi vừa ổn định công việc ở Saigon-Huệ đã bay về đề nghị với ông ngoại và mẹ vào sống với nàng trong khu biệt thự cao cấp mà nàng đã đặt mua một căn trước khi về lại Viet Nam-nhưng trước tiên là ông ngoại tỏ ra khó chịu, không đồng ý. Tiếp theo là mẹ đã vin vào ý của ông, cũng không chịu rời quê-Bà nói : “ Bà ngoại mất rồi, bây giờ ông chỉ còn mỗi mình mẹ-mẹ ra đi .thì ai sẽ lo cho ông? Tuổi già sống được là nhờ vào tình thương yêu gần gũi sẻ chia của con cháu-làm sao mẹ xa ông theo con cho đành? “. Huệ nín lặng, không dám nói gì thêm.Nàng thầm nghĩ, mình chưa đủ tuổi để hiểu được tấm lòng của người già-rồi mai sau, nàng cũng sẽ cần đến con, cháu để sống. Thật là bất hạnh cho những ai trong đời sống mà chẳng có con cháu gần gũi, an ủi , sẻ chia…Hình như tuổi già ngày càng bị bỏ rơi- bị chia cách bởi tham vọng chạy theo văn minh vật chất ngày càng dồn đẩy lớp trẻ chạy tới, mà chẳng bao giờ có chút thở gian “ ngó lui”…

Vừa bảo taxi chạy thẳng về nhà -nhìn thấy cửa đóng im ỉm-Huệ vội hỏi : “ Chú biết quân y viện 16 không? “-Ngưởi tài xế cười lớn: “ Ô, chạy taxi đã gần 10 năm trong cái thành phố này rồi-cô muôn đi đến chỗ nào-tôi cũng sẽ đưa đến ngay..”

- Tốt! Vậy thì chú hãy chạy nhanh đến đó-tôi sẽ gởi “ tip “ cho chú…

Theo lời hướng dẫn của người bảo vệ trực, Huệ tìm ra ngay dãy phòng cuối khu nội B –nơi có vài cụ lứa tuổi ông ngoại nàng đang ngồi hóng mát dọc dãy hành lang cạnh khu nhà ăn. Trông họ lặng lẽ và nhàn nhã.Cuộc đời họ đã đi chậm lại và có vẻ khép lại dần.Tuổi già cô đơn-nỗi ám ảnh có lẽ lớn nhất của đời người mà khó ai có thể tránh được chăng? Huệ bước vội đến cửa phòng số 8-thấy mẹ đang kê ghế ngồi phía dưới chân giường của ông.” Mẹ, ông ngoại ra sao rồi ? “-Huệ vỗ bàn tay lên vai mẹ-giọng hớt hãi. “ Nói nhỏ thôi-ông vừa chợp mắt được một tý…”-Bà Kim vội đứng dậy kéo tay Huệ ra khỏi phòng. “ Ông đang chuyền đạm vì không ăn được đã mấy ngày rồi! “ . Bác sĩ có cho biết tình trạng của ông ngoại thế nào không? “- “ Không! “.

Huệ tìm lên văn phòng Bác sĩ trưởng khoa để được biết rõ hơn bệnh trạng của ông trước khi nói cho mẹ biết quyết định đưa ông vào Saigon .

Bác sĩ trưởng khoa nói: “ Ngày mai chúng tôi sẽ cho đường dẫn qua miệng để đưa thức ăn! “

Huệ lo lắng : “ Phương cách này có bảo đãm không bị viêm loét họng và dạ dày không ạ ? “

-Nếu không giữ kỹ cũng có thể bị trầy xướt..

-Còn cách nào tốt hơn không, thưa bác sĩ ?

-Có thể đưa trực tiếp ở ổ bụng!

-Xin bác sĩ vui lòng cho biết, ông ngoại tôi đang cần thuốc gì nữa mà ở bênh viện chưa có để sớm ổn định các hệ thần kinh. trở lại ăn uống bình thường ạ ?

-Thuốc cũng\rất cần, nhưng thời gian chờ đợi hồi phục cũng cần kiên nhẫn, cô à!

-À,còn chuyên này- xin được phép hỏi bác sĩ luôn-mảnh đạn hay bom gì ở trong đầu ông tôi-có thể phẩu thuật lấy ra an toàn được không/?

-Ở bệnh viện này thì không! Tôi nghĩ, nó đã ở trong cái đầu ấy mấy chục năm rồi-ông ấy đã “ sống chung” với nó quen rồi-cô lấy ra làm gì cho tốn kém? Có khi lại nguy hiễm nữa!

-Nếu tôi có điều kiện chuyễn ông tôi sang Mỹ, hay Anh để giải phẩu thì có hy vọng không, thưa bác sĩ?

-Nếu được vậy thì rất tốt. Thức ra, nó cũng “ hành hạ “ ông ấy dữ lắm chứ không phải chịu nằm im đâu!

Huệ phải hai lần gọi điện vào Saigon khất lại ngày về-và mỗi ngày vẫn thường theo dõi, đốc thúc, hướng dẫn công việc qua computeur xách tay cho các trợ lý ở công ty.Nàng trực ở bệnh viện thay cho mẹ về nhà tắm giặt, nấu ăn,nghỉ ngơi suốt buổi sáng. Buổi chiều, mẹ Huệ vào thay cho nàng và ngủ lại .Huệ đã nhận ra ngay nét gầy hư, xanh xao của mẹ vì bỏ ăn, mất ngủ trọng suốt một tuần qua khi vừa mới gặp lại bà. Huệ thương mẹ quá chừng. Mẹ đã phải cam chịu mọi nỗi khổ đau trong cô độc từ ngày chồng mất-từ năm hai mươi sáu tuổi-mộng đời còn đang xanh! Tình yêu còn đang nồng thắm. Vậy mà cuộc đời đã vội khép lại trước mắt bà.Ba nàng đã mất đi-chỉ đơn giàn một tấm giấy báo tin của đơn vị-nhưng cũng bắt đầu từ đó , có biết bao nỗi đắng cay tủi cực đã đến với bà. Sống như một sự thỏa hiệp , nhượng bộ không điều kiện! Những lúc nhìn mẹ lau rữa, giúp ông đi vệ sinh, thay áo quần, săn sóc cho ông từng tý-nàng nghĩ thương mẹ và thương ông quá đỗi. Chỉ có lòng yêu thương vô bờ mới không ngại gì dơ sạch, sướng khổ , với ngừoi mình yêu quí .Mới có thể hy sinh tất cả mà không hề đòi hỏi gí cả. Tình yêu thương quả thật linh thiêng, mầu nhiệm và mãnh liệt quá…

Ngày hôm qua, ông ngoại đã uống được chút nước cháo-nước trái cây.Huê vui mừng như vừa tìm lại được một báu vật đã đánh mất. Nàng gọi điện về nhà báo tin cho mẹ-nghe tiếng bà sụt sịt khóc. Hơn một tuàn lễ sau-ông đã ăn được cháo, uống sữa, nước cam vắt…Ông đã tự mình bước từng bước ra hiên, ngồi ở chiếc ghế dựa-nhìn ngó lơ đãng cảnh vật, trời mây với cái nhìn vừa xa lạ, vừa mong manh. Huệ nói với mẹ ;“ Mẹ, mẹ đồng ý để ông vào Saigon với con vài tháng tiếp tục điều trị, dưỡng bệnh cho cứng cáp,chóng lành bệnh nha mẹ? “- “ Con làm sao có thời gian mà lo cho ông? “-Huệ cười : “ Con đã nghĩ rồi-con sẽ nhờ bác sĩ hằng ngày đến nhà theo dõi-điều trị-Còn việc cơm cháo, phục vụ-con đã có chị giúp việc lâu nay rổi-có vậy. con mới có thể gần ông để kịp thời lo cho ông đầy đủ được. Ông khỏe rồi, ông sẽ về với mẹ!”. Bà Kim nhìn con-đôi mắt long lanh một nỗi hạnh phúc bất chợt: “Con cứ thử hỏi ý ông ngoại xem sao? “.

Trước hôm đưa ông vào Saigon –Huệ đến thăm mẹ Khuê lần cuối.Hai người chị của Khuê đều đã có chồng, một người đang ở Pleiku, một người theo chồng về tận Hải Phòng.
Bà Liên sống với vợ chồng Cường một thời gian, rồi cũng quay về sống riêng một mình trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ từ thời ông Liên còn sống ngoài thị xã.Bà bảo –bà không muốn vợ chồng Cường mất hạnh phúc vỉ sự có mặt của bà trong nhà.Vợ Cường thường xuyên gắt gỏng, cau có với chồng-có khi, với chính bà nữa! Nhất là từ ngày Cường bị cho nghỉ việc với mức lương trợ cấp ít ỏi hằng tháng vì bệnh “ phân liệt thần kinh”. Cường thường ngồi khóc một mình. Nói thầm một mình hằng giờ-đôi khi không chịu ăn uống gì..Khuê đã thường xuyên gởi tiền về giúp anh chữa bệnh, nuôi con-nhưng theo lời bác sĩ ở Bệnh Viện Tâm Thần Cầu Đá Trắng-thì bệnh của Cường là không thể chữa dứt hẳn được. Sinh hoạt bình thường được một thời gian-Cường lại ngồi khóc! Và nói lãm nhãm những gì không ai nghe được. Khuê đã gọi điện về cho mẹ, gặp Cường-đề nghị sẽ đưa Cường sang điều trị ở Mỹ một thời gian. Khuê nói: “ Anh ấy nên thay đổi hoàn cảnh sống, môi trường sống-cách ly hết thảy những gợi nhắc cho anh ấy để anh ấy quên đi không còn nhớ lại chuyện gì…Bác sĩ sẽ theo dõi - có đủ phương tiện, phương cách chữa trị tiên tiến phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi tâm bệnh Có như vậy, mới hy vọng dứt hẳn -nếu không mỗi ngày sẽ nặng hơn-có thể sẽ điên loạn thì không thể cứu nỗi- mẹ nên nghe lời con mẹ nhé! “ “. Bà Liên đồng ý. Nhưng Cường thì khóc…

Huệ bước vào: “ Chào mẹ! “

Bà Liên đon đả -kéo ghế: “ Con ngồi chơi với mẹ một chút-mẹ đang buồn! “

-Mẹ còn buồn chuyên gì nữa?

-Làm sao hết buồn được hả con?-Bà Liên thở dải-Từ ngày ba thằng Khuê mất-nó vừa được ba tuổi-mẹ buồn riết đến giờ-đã gần bốn chục năm trời!

-Anh Khuê đã nói cho mẹ biết chưa?

-Nói chuyện gì, con?

Có lẽ hai hay ba năm nữa-anh ấy sẽ xin về nước thành lập công ty kinh doanh chuyên ngành điện tử viễn thông và nhận dạy thêm cho trường Đại học Bách Khoa ở thành phố…

-Còn hai đúa con của tụi bay thì sao?

-Dễ mà mẹ! Chúng đã lớn rồi- thằng lớn đang học đại học , còn thằng nhỏ năm tới đây sẽ thi vào trường của anh Khuê dạy…Chúng tự lo rất tốt! Bên ấy-trẻ con không ỷ lại,không nương tụa nhiều vào cha mẹ những gì chúng có thể làm được…Tụi con bay qua bay lại hằng tháng mà mẹ!Vã lại, ngày nào mà chẳng gặp nhau qua điện thoại. qua net…

Bà Liên lại thở dài: “ Được vậy thì mẹ con anh em gần gũi –mẹ sẽ ráng sống thêm vài ba năm nữa với con cháu! Đi đâu rồi cũng nhớ nhà…”.

4-

Khuê báo tin cho Huệ biết anh đã lo xong các thủ tục bảo lãnh anh Cường sang trị bệnh-nhờ quen biết ở tòa đại sứ và lý do đi chữa bệnh của Cường-nên không gặp trở ngại nào đáng kể!Khuê bảo, anh cũng vừa nói chuyện với mẹ ở quê-anh sẽ trở về nước nhân ngày giỗ của cha, và để thu xếp đưa anh Cường đi một lượt cho tiện. Lúc đầu, anh Cường nói không chịu đi-bảo nhớ vợ con-không có ai ở nhà chăm lo cho hai đữa con của anh ấy, nhưng Khuê đã cam kết sẽ gởi tiền về hằng tháng cho vợ anh, và mẹ sẽ sang ở chung cho đến khi nào anh lành bệnh trở về.. Khuê còn hứa, lúc lành bệnh-nếu anh muốn ở thêm thì Khuê sẽ can thiệp, giới thiệu việc làm cho có chút đỉnh để dành làm vốn mà về Việt Nam làm ăn. Cường im lặng.

Trước ngày giỗ cha của Khuê một hôm, Cường trở bệnh nặng-anh khóc cười, và nói lãm nhãm suốt ngày đêm mà không chịu ăn uống gi. Xưa nay-bệnh của Cường thường tái phát nặng hơn vào dịp ngày giỗ của cha anh. Lần này, bệnh Cường có vẻ trầm trọng hơn vì không những khóc cười nói thầm thì lãm nhảm mà còn đập phá đồ đạc, cửa ngỏ, xé rách áo quần….Khuê về đã hai hôm rồi-nhưng chưa có phương cách gì kéo anh trở lại trạng thái ổn định, bình thường.Nhin thấy anh-Khuê đau đớn như lần cầm tấm giấy “ chứng nhận”của phường ghi đậm nỗi bất hạnh của anh và gia dình. Chiến tranh, bom đạn,chết chóc đã không còn-nhưng chiến tranh vẫn còn nằm ngay trong cuộc đời của Cường,của bao người còn sống đang lầm lũi cam chịu mọi nỗi bất hạnh từ nhiều phía-Và chiến tranh, không khéo sẽ còn kéo dài đến nhiều thế hệ! Người ta đã cố tiêu hủy chiến tranh bằng những tản đá khổng lồ, nhưng tản đá làm sao có thể làm chết sạch được những ngọn cỏ thù hận đang ngày đêm ngoi lên từ mọi ngóc ngách của đời sống?

Cường tỉnh táo trở về từ bệnh viên Tâm Thần Đá Trắng một mình trước sự ngac nhiên của mọi người .Khuê là nguời vui mừng hơn cả, vì nghĩ đến chuyến đi vào tuần sau đã được đăng ký vé máy bay sẽ có Cường cùng đi.Tất cả đều dừng ăn uống, đón Cường như một điềm lạ -một niềm vui lớn, thế vào ngày buồn bã tưởng nhớ người đã mất. Cường im lặng chào mọi người-đi thẳng đến trước bàn thờ của cha-lặng lẽ thắp hương. Mẹ Khuê sụt sùi khóc bên cạnh Cường như để chia sẻ cùng con nỗi đau đã lãng quên từ mấy chục năm qua.

Cường ôm chầm lấy mẹ-khóc rú lên: “ Mẹ ơi! Mẹ hãy tha tội cho con- con đã giết chết cha con rôi!” .

Nhanh như một tia chớp, Cường phóng ra khỏi cửa phòng-chạy ra lan can lầu ba-và lao mình xuống…

(1968-2008)






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com