Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CÒN LẠI CHÚT HƯƠNG XƯA




H ai người ngồi trên thảm cỏ bên ngoài đồi Cù, cùng nhìn màu nắng vàng hanh cỏ úa đang chiếu lấp lánh lên mặt nước của hồ Xuân Hương, lâu thật lâu không ai nói với nhau một câu nào, sự im lặng đôi khi còn là một cảm thông sâu lắng, đọng lại trong tâm hồn hơn nhiều lời nói. Cả hai đang cùng hoài niệm về ngày xưa, lúc mà hai người còn là sinh viên của trường Đại Học Đà Lạt. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp, đẹp đến nỗi đôi khi làm cho trái tim người ta phải đau đớn, ngộp thở vì nuối tiếc, vì muốn quay trở lại ngày xưa ấy – dù chỉ một lần, và trong một phút mà thôi – nhưng không thể nào được.

Tước là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng giữa hai người:

- Hoài này, mình thấy Đà Lạt có quá nhiều thay đổi, nhưng chỉ có một CÁI là không bao giờ thay đổi, biết là gì không?

Hoài cười:

- Biết chứ; Tước muốn nói đến màu nắng của Đà Lạt và mùi hương của các loài hoa phải không?

Tước cười, ngậm ngùi:

- Bao nhiêu năm qua đi tụi mình cũng giống như thành phố này: đã có quá nhiều sự thay đổi, tụi mình ngày càng già đi rất còn thành phố thì ngày càng trẻ lại, trẻ đến độ làm cho mình khó mà thích ứng với nó, khi ngày xưa thành phố này rất nên thơ, trong trẻo như tuổi trẻ của tụi mình, bây giờ thì chỉ còn lại màu nắng chiều sau cơn mưa là không bị thay đổi, muôn đời vẫn thế...còn mùi thơm của các loài hoa trong không khí...thì bị pha trộn với mùi khói bụi của xe cộ nên đã mất đi ít nhiều mùi hương hoa thuần túy.

Hoài triết lý:

- Bởi vì bàn tay con người không thể can thiệp được vào màu nắng của trời đất, chứ nếu không…chúng mình sẽ có nắng màu xanh, màu tím, màu đen…rồi.

- Này, bạn quên rằng mặt trời có tia cực tím hay sao? Trong ánh sáng của mặt trời người ta phân tích có đến bảy màu lận đó.

- Biết rồi, nhưng mình đang nói đến màu nắng mà mắt thường của con người nhìn thấy được, đâu nói đến cái màu phải nhìn qua lăng kính hiển vi.

Hai người cùng cười, dù sao thì với một chút tranh cãi cũng làm cho bầu không khí sôi động hơn và không gian bừng sáng vui tươi nhờ có tiếng cười. Nhưng sau giây phút đó Hoài lại trầm ngâm đưa mắt nhìn phía bên dưới, chỉ cần xuống hết con dốc nhỏ là đã tới ngay quán nước bên bờ hồ. Nơi đây ngày xưa ấy của Hoài, của Tước và của biết bao nhiêu người đã từng có một khoảng trời thơ mộng đẹp như mơ. Nhưng sao kỳ quá; ngày xưa… khi ấy đang là “Thì Hiện Tại” của Hoài mà Hoài lại không nâng niu quý trọng nhỉ? Hoài lại để cho ngày tháng qua đi một cánh hờ hửng, thơ ơ lạnh nhạt, đến khi nó trở thành Quá Khứ rồi thì ngồi đây mà nhớ nhung tiếc xót?

Tước vẫn là người lên tiếng trước:

- Nắng Đà Lạt sau cơn mưa trông đẹp quá Hoài nhỉ? Mình rất thích màu nắng này, nó không giống như màu nắng bình thường của mỗi buổi chiều nắng ráo, Hoài có thể diển tả dùm mình được không?

Hoài cười:

- Điều này Tước phải hỏi mấy nhà khoa học mới đúng, họ sẽ phân tích cho bạn biết…vì màu nắng đặc biệt ấy có thể bị tác động bởi nước mưa và khí trời…

- Nói gì mà “trớt wuốc”, tôi đang muốn bạn phân tích theo tâm hồn của một nhà thơ, nhà văn, nhà họa sĩ, nhạc sĩ kìa.

Hoài la lên:

- Trời đất, nếu phân tích theo kiểu của “bốn nhà” ông kia thì…màu nắng ở nơi đâu cũng vậy, nó rất là lung tung và có lắm màu. Này nhé: buổi sáng nắng có màu Thủy tinh, màu Hồng, rồi chiều thì có màu Tím, màu Vàng…bạn cứ tìm mua những bản nhạc của các ông nhạc sĩ nổi tiếng thì biết ngay…còn các ông họa sĩ thì khỏi nói, mấy ông phả trên giấy đủ mọi sắc màu của nắng, có luôn cả màu đen, màu xám hoặc pha trộn đủ mọi màu lại với nhau...các ông văn sĩ, thi sĩ cũng vậy…nói chung thì tùy lúc, tùy sự xúc động và cảm nhận trong tâm hồn buồn vui của con người ta lúc đó mà nắng sẽ có màu gì, và đó là những màu sắc rất riêng; rất đặc biệt…

- Ừ nhỉ, nhưng chỉ có màu nắng chiều sau cơn mưa ở Đà Lạt thì bao giờ cũng đẹp và không hề thay đổi. Nếu tụi mình không nhớ đến ngày Truyền Thống xưa kia của cựu sinh viên Đàlạt để mà về thăm trường củ, có lẽ chẳng được gặp nhau để cùng nhau ngồi đây mà hàn huyên tâm sự.

Hoài thở dài:

- Ừ, nhớ ngày xưa quá Tước nhỉ.

Tước cũng thở dài than:

-Tụi mình về thăm trường xưa thì chỉ như là những "người đứng loanh quanh bên ngoài"... Bao nhiêu năm lo toan cho cuộc sống, cho gia đình với những cơm áo gạo tiền, đến khi tuổi đã xế chiều, được phép nghỉ ngơi…giật mình một cái…đời như giấc chiêm bao. Rảnh rang rồi mới nhớ bạn củ trường xưa, lọ mọ tìm về thăm một thủa dấu yêu của một thời thơ mộng…thấy khác xưa nhiều quá. Hoài ơi, ước chi mình được sống lại một chút thôi của ngày xưa ấy…

Hoài xoa vào lưng Tước, rơm rớm nước mắt:

- Thôi Tước ạ..."tiếc chi cũng vậy thôi", qui luật của tạo hóa mà, hai đứa mình còn được gặp lại nhau, cùng ngồi với nhau trên bãi cỏ này để nhìn nắng chiều sau cơn mưa, và cố gắng tìm lại chút gì của Đà Lạt ngày xưa là quí lắm rồi.

Tước bức một cọng cỏ rồi vò vò trong tay, buồn bườn khi nói với Hoài:

- Điều tôi buồn và xót xa nhất là Đồi Cù không còn là của Đà Lạt nữa, không còn là nơi để cho các em sinh viên học sinh được tự do dạo chơi hay ngồi trên cỏ; dưới những gốc cây thông già để ôn bài; hoặc cùng sinh hoạt nhóm như ngày xưa tụi mình từng được hưởng. Đồi Cù nằm ngay trong thành phố Đà Lạt nhưng không còn là của người Đà Lạt…người Đà Lạt mất Đồi Cù của mình ngay trước mắt mình. Bạn thấy không, ngày xưa tụi mình băng từ đồi bên này qua đồi bên kia rồi còn được tự do vui chơi trong đó, bởi vì Đồi Cù là không của riêng ai mà là của tất cả mọi người, còn bây giờ thì…tụi mình cũng như mọi người…chỉ được ngồi bên rìa; ở một chút xíu mé ngoài…muốn “dòm” vô trong đó cũng không thể dòm thấy gì vì hàng rào bao kín…lơ ngơ không khéo còn bị bảo vệ đuổi đi ấy chứ.

Hoài cười nhẹ:

- Đà Lạt đã bị mất đi nhiều thứ quá, như một nàng công chúa kiều diễm bổng chốc trở nên diêm dúa kệch cỡm, không còn những nét sang trọng, quí phái rất riêng của Đà Lạt. Những con đường ngày đó trồng đầy cây hoa Anh Đào nay đã không còn…Tước nhớ không, ngày xưa chúng mình đi lên đi xuống những con dốc, trên những con đường của Đà Lạt, đến mùa Noel là hoa Anh Đào nở hồng rực rỡ, bây giờ thì hết rồi, buồn và tiếc quá đi thôi…

- Ừ, Đà lạt mất nhiều thứ lắm, nhưng cái mất đáng kể nhất, lớn nhất và làm cho mình đau đớn nhất: đó là mất Đồi Cù và mất những con đường trồng cây Hoa Anh Đào.

Tước thở dài, mắt nhìn xa xăm và nói tiếp:

- Ngày xưa Đồi Cù cũng là sân Golf, nhưng không làm hàng rào ngăn người đi qua đi lại như bây giờ, lúc đó ai cũng có quyền tự do vào chơi trong đó, còn bây giờ thì Đồi Cù chỉ để dành riêng cho một số rất ít người thuộc giới giàu có thượng lưu Tây, Tàu, Ta…còn những “người nghèo và thường thường bậc trung” thì chỉ đứng bên ngoài dòm vào mà thôi. Một sự phân biệt đối xử về giai cấp quá rỏ rệt trong một xã hội lúc nào cũng hô hào là bình đẳng bình quyền…

Hoài ngậm ngùi:

- Tước nói đúng quá; miệng hô to “bình đẳng giai cấp” nhưng…lại phân biệt giàu nghèo rất rỏ rệt. Người nghèo có một miếng đất nhỏ xíu để xây nhà cho gia đình mình ở; thế nhưng lỡ như mà miếng đất ấy nằm vào một vị trí khá đẹp là…alê hấp…mấy ông lớn trưng cái bảng “qui hoạch” bự chần dần lên; ấy thế là dân nghèo đành chảy máu và chảy cả nước mắt, ngậm đắng nuốt...nỗi uất hận mà giao đất cho mấy ổng. Làm ông lớn sướng thiệt, hễ cứ “muốn là được”, hễ cứ “thích là lấy”…hà hà...“dân làm chủ” hay nói ngược lại là... “làm chủ dân”?

Tước lại nói theo kiểu châm biếm như ngày xưa:

- Tôi có nhờ cậu em vẽ dùm tôi một bức biếm họa có nội dung như thế này: một đám “thần dân”…nam phụ lảo ấu…gầy trơ xương; cổ rụt tới vai, lưởi le ra thè lè dài gần chấm đất, hai tay thì chống, chân thì khụy xuống; mồ hôi với nước mắt rớt từng giọt; họ đang cùng nhau è người cõng trên lưng một tảng đá to đùng ghi hai chử “Thuế và Phí”...Ngồi trên tảng đá ấy là một “bầy” ông lớn mập ú, mặt mày hỉ hã đang ngồi ăn nhậu bên mâm rượu thịt ê hề; một ông vổ vô cái bụng bự mà cười hô hố và “than” to lên rằng: “- làm đầy tớ của dân…sướng thật”…còn đám dân đang còng lưng “cỏng” tảng đá thì hổn hển "reo":“-hỡi ôi…thân phận của những ông chủ như tụi tui đây…sao mà…khổ quá chừng”.

Hoài ôm bụng cười ngặc nghẽo vì “bức tranh” của Tước:

- Rồi cậu em có vẽ không?

- Có…nhưng tôi đâu dám trình làng…thế là đành dẹp vô “kho”, đợi bao giờ có dịp tôi sẽ đưa đi dự thi…ha…ha…

Hoài quay lại chuyện củ:

- Nhớ ngày xưa sinh viên tụi mình thích nhất là qua bên Đồi Cù vì nó nằm bên kia đường của viện đại học, tan học là tụi mình băng qua Đồi Cù để xuống Hồ Xuân Hương…

- Ngày đó người Đà Lạt không biết quí những gì mình đang có, để khi bị mất rồi thì đau đớn xót xa, đi quanh quanh bên ngoài mà than thở…

- Ai thì cũng vậy...vì không biết quí những gì mình đang có để mà ra sức gìn giữ, đến khi bị mất thì mới khóc la cuống cuồng rồi tìm đủ mọi cách để dành lại, y như chuyện …ruồi bu; thấy buồn cười hết sức.

Tước buồn rầu lẫn uất ức than với Hoài:

- Đà lạt bây giờ đang bị phá nát tanh bành té bẹ...những kẻ phá nát Đà Lạt là những người ở đâu đâu tới đây; chứ người Đà Lạt thì không bao giờ làm những chuyện đó.

- Ừ...nhưng...những người phá nát Đà Lạt là những người có nhiều quyền hành lắm đó nghe bạn.

Hai người ngồi mà triết lý lan man, từ chuyện Đồi Cù qua chuyện thế thái nhân tình rồi đền chuyện gia đình nọ kia…câu chuyện của hai người chưa hẳn đã dừng lại nếu như…

…Vừa lúc đó có anh bảo vệ bước tới ra dấu cho Hoài và Tước phải đứng lên đi chổ khác chơi, bởi vì họ ngồi rất gần với…cái cổng của sân golf.

Ngồi ngoài rìa gần cổng của Đồi Cù cũng bị đuổi…Ôi chao; may mà còn một chút nắng sau cơn mưa chiều và hương thơm của những loài hoa vẫn bay đầy trong không gian của thành phố mộng mơ này; nếu không thì…mất hết.

Hai người cùng thở dài một lúc vì nhớ và tiếc quá chừng một Đà Lạt của ngày xưa; đã từng được mệnh danh là Petit Paris, còn bây giờ thì...chịu thua; phá nát Đà Lạt là coi như đã làm mất luôn cái danh hiệu Petit Paris dễ thương của một thời...

...Ai lên xứ Hoa Đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi...






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com