T ôi rời Việt Nam vào đầu tháng 4 năm 1991.
Cuối tháng ba ở VN trời nắng chói chang, hầm hập và ẩm ướt.
Tôi khóc cũng nhiều khi rời bỏ quê hương bởi ra đi mà không biết mình có còn dịp quay về hay không. Căn nhà và mảnh vườn là bao nhiêu mồ hôi chúng tôi đã bỏ ra tạo dựng. Những buổi trưa hè cả nhà hì hục trên mảnh đất để trồng rau trồng khoai để thêm vào bữa ăn công nhân nghèo khó. Cây trong vườn đã bắt đầu ra trái. Những quả ổi xá lị sai oằn, táo tàu to mọng ngon ngọt, những hàng điều sai những quả. Mọi thứ là công sức và mồ hôi.
Căn nhà là tâm huyết của hai vợ chồng muốn tạo dựng lại mái ấm để con cái có chỗ ở đàng hoàng yên tâm học hành. Nơi đây là điểm dừng chân cho những ngày xa cách, là niềm vui hy vọng một cuộc sống bình yên. Khi căn nhà đã xong, chưa dọn đến ở, tôi đi một vòng quanh đó và bất giác rùng mình. Tôi nói với chồng:
- Tự dưng em sợ.
- Mẹ mày sợ gì?
Tự dưng em có cảm giác mình sẽ bỏ nó lại và ra đi với hai bàn tay trắng.
- Lại suy nghĩ vẩn vơ. Chồng tôi nói xong bước vào trong căn nhà chưa ráp cửa trước.
Tuy nhiên sự linh cảm của tôi không dừng lại. Tôi đã nhiều lần mất nhà, mất tất cả vì chiến tranh. Cứ mỗi lần tôi ổn định nơi ăn chốn ở thì lại phải bỏ tất cả để ra đi.
Thật vậy, tôi có một căn nhà nhỏ tại quận lỵ Long Thành. Căn nhà màu tím thời con gái. Căn nhà không lớn nhưng ấm cúng và nhiều kỷ niệm. Đây là nơi các em học sinh đến học thật vui. Trước ngày cưới, các em hướng đạo đến phụ làm cổng vu quy. Các em dùng lá dừa kết thành vòng cung, treo hai chùm trái đùng đình hai bên cho đông con nhiều cháu. Mấy em học sinh gái thì trang hoàng phòng tân hôn cho cô giáo. Các em dùng hồ dán giấy màu ở vách phòng ngủ. Ngoài phòng khách treo lồng đèn, kết hoa. Trước cửa nhà mấy em cắt dán hai chữ Vu Quy màu đỏ. Đám cưới cô giáo các em coi như là ngày vui chung, mặc sức nói cười phá phách và trổ tài trang hoàng. Chúng tôi có cả một chuỗi dài những kỷ niệm để nhớ để yêu thương. Thế rồi khi có mang con bé đầu lòng, tôi đóng cửa nhà để thực sự theo chồng ra Đà Nẵng dạy học. Căn nhà này sau 30/4/1975 gia đình anh tôi dọn đến ở tới bây giờ.
Tại thành phố Biên Hòa chúng tôi cũng có một căn nhà khang trang tương đối thuận lợi ngay Ngã Ba Thành. Nhà này gần với rạp hát Biên Hùng nơi mẹ chồng tôi có một địa điểm bán nước sinh tố. Mẹ chồng và tôi cũng bỏ lại căn nhà đó cho cô em chồng để tay trắng ra đi vì chồng tôi đã đổi ra Đà Nẵng.
Ở Đà nẵng một thời gian, mấy mẹ con dành dụm mua lại căn nhà mình đã mướn. Bà chủ nhà bán với giá phải chăng để cả gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Thế rồi cuối tháng ba Đà Nẵng mất, căn nhà được tháo ra về dựng lại ở quê chồng. Tôi bị mất dạy chồng đi tù. Từ một cô giáo yếu đuối, tôi phải vào hợp tác xã nông nghiệp lao động chân tay. Được vài năm, mẹ chồng tìm cách cho tôi chạy trốn vào Nam. Tôi về ở với cha mẹ và xin vào làm công nhân cao su.
Sau hơn 8 năm tù Cộng Sản, chồng tôi được thả về và vào miền Nam với vợ con. Tôi được cấp một căn nhà công nhân để ở. Bây giờ tới lượt mẹ chồng tôi bỏ làng ra đi. Bà để lại vườn đất, nhà cửa, tài sản lại cho người cháu. Với vài bộ đồ bà theo xe đò khăn gói vào Nam để theo con.
Cây có tổ, người có nhà, đã đến lúc tôi phải có một giang sơn riêng cho gia đình mình. Tôi mua thêm đất và quyết định về gần nơi tôi làm việc để ổn định cuộc sống. Ngoài tiêu chuẩn vật tư nhà công nhân được cấp, tôi mua thêm vật liệu, hai vợ chồng vẽ sơ đồ nhà và thuê thợ làm. Căn nhà cuối làng, có thêm căn gác rộng rãi, vườn tược xanh tươi. Tôi nghĩ đây là căn nhà cuối cùng để chúng tôi làm lại từ đầu để gia đình ổn định cuộc sống vì tuổi chúng tôi cũng không còn trẻ nữa. Vốn liếng, tư trang đồ cưới mẹ chồng tôi mang vào đã giúp vợ chồng tôi gầy dựng lại nơi này. Bao nhiêu công sức và mồ hôi chúng tôi đã đổ xuống. Có những đêm trăng sáng, tôi ở lại cùng chồng bưng đất đổ nền đến nửa đêm mới về nhà. Để bảo vệ vật tư, chồng tôi cất một cái chòi nhỏ để ở lại đêm. Riêng tôi, đoạn đường dài, một bóng chênh vênh trên chiếc xe đạp cà tàng tôi vẫn không nản chí.
Bây giờ đứng trước căn nhà sắp hoàn thành còn hôi mùi vôi mới, tôi thật sự rất sợ một lần nữa phải bỏ lại tất cả ra đi với hai bàn tay trắng. Vì lý do gì tôi cũng không biết. Chỉ mơ hồ thấy viễn ảnh ấy sẽ xảy ra trong tương lai.
....
Nhà cửa đã xong, con cái đi học, đi làm. Mẹ chồng tôi vui với vườn tược chăn nuôi. Đời sống công nhân thiếu thốn nên mỗi năm tôi phải trồng xen canh thêm lúa để có đủ lương thực. Vừa vất vả vì miếng cơm manh áo, bất mãn chế độ, tự ái của một người tù chính trị chồng tôi thường bực bội gay gắt với tôi vì những bất công ngoài xã hội. Điều đó anh không dám nói với ai, chỉ có tôi được nghe, phải nghe vì chỉ có tôi anh mới dám trút giận. Tôi hiểu tâm lý bất thường của chồng sau những chấn động khủng hoảng trong thời gian tù đày nên chấp nhận làm cái thùng rác cho anh đổ đi bao nhiêu phẫn uất. Những vất vả khó khăn trong việc làm, sự bất mãn, bất công đè nặng trong tôi nhưng tôi không biết phải san sẻ với ai. Kể với anh càng làm cho anh thêm u uất trong lòng. Có những hôm căn nhà như trầm lại với những nỗi buồn cay đắng. Tôi cầu nguyện và mơ ước có một phép màu để giúp chúng tôi vượt qua những thử thách cay đắng này. Để gia đình tôi có được không khí an lành, sống hạnh phúc, đoàn viên thật sự.
Cuối cùng dịp may đã tới với chúng tôi với chương trình HO (HO là tên viết tắt của Humanization Organization (Tổ chức nhân đạo). Chương trình này xuất hiện vào năm 1990 do một người phụ nữ Việt Nam tên Khúc Minh Thơ đề xuất thực hiện. Chồng bà là một sĩ quan đã qua đời trước khi trở thành một HO và bà có rất nhiều bạn bè của chồng vẫn nằm trong trại cải tạo.) Theo Google, Chương trình này đã mở ra cho những cựu sĩ quan VNCH hoặc tham gia chế độ cũ bị đi tù cải tạo thời gian ít nhất là 3 năm trở lên. Khi hội đủ điều kiện sẽ được di dân sang Mỹ có tổ chức công khai và hợp pháp.
Quyết định ra đi khiến tôi suy nghĩ thật lâu, thức nhiều đêm rơi nước mắt vì phải bỏ lại cha yếu mẹ già. Một lần nữa tôi lại trắng tay, bao nhiêu công sức mồ hôi đã đổ ra, bao nhiêu tiền dành dụm thành bọt biển. Căn nhà và mảnh vườn tôi đã cố công gầy dựng phải bán tháo cũng như cho để kiếm ít tiền làm lộ phí.
Tôi từng đứng trước nhà nhìn lên cao mà khóc. Tôi phải bỏ quê hương cha mẹ già anh em ruột thịt. Tôi bỏ lại người thân và biết bao kỷ niệm. Tôi sẽ phải làm gì nơi vùng đất mới với mẹ già, con thơ, chồng tâm tính bất thường, cơ thể suy nhược trong lúc tuổi tôi không còn trẻ. Trong tôi hoàn toàn mù mịt về cuộc sống tương lai. Với sự bưng bít lúc đó, tôi không hề biết gì về nước Mỹ và những quyền lợi của người được đến định cư. Tôi vừa mừng vừa sợ. Mừng là thoát được gọng kìm của chế độ. Sợ là không biết qua Mỹ mình làm gì để nuôi con, nuôi gia đình. Tôi phải chạy xa nơi này chồng tôi mới trở lại người đàn ông chỗ dựa của gia đình. Con tôi không còn bị kỳ thị vì con ngụy, tương lai sẽ sáng sủa hơn. Quan trọng hơn cả là tôi thoát được những áp lực đè nặng không cách chi chịu đựng. Việc gì tới sẽ tới, tôi nhủ thầm. Tùy duyên.
Bước vào thủ tục giấy tờ, tôi mới biết gia đình tôi dư tiêu chuẩn để đi Mỹ. Chồng tôi là cựu đại úy VNCH đi tù CS hơn 8 năm. Giấy tờ ra trại hợp lệ đủ điều kiện để gia đình đi theo dạng HO.
Lúc đi lính ở Đà Nẵng anh có xin một đứa con lai hơn 3 tuổi. Chúng tôi coi như con ruột và nuôi đến bây giờ cháu đã 23 tuổi. Chúng tôi đủ điều kiện đi theo hồ sơ con lai.
Xuất cảnh theo diện con lai (– Chương trình Amerasian Immigration Act và chương trình Amerasian Homecoming Act.) là chương trình tạo điều kiện cho những đứa con lai Mỹ tức là con của những người lính Mỹ tham chiến tại VN. Đương đơn phải được sinh ra ở một trong những quốc gia như : Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan hay Việt Nam. Các cháu phải có ngày sinh trong khoảng từ 31-12-1950 đến trước ngày 22-10-1982 và có cha ruột mang quốc tịch Hoa Kỳ. (theo https://vn.usembassy.gov)
Người ta tìm một lý do để đi chính thức không có. Nhà tôi lại có tới hai điều kiện để được xuất ngoại đi Mỹ. Điều đó thuận lợi và cũng làm tôi nhiều lúc điên đầu không biết giải quyết ra sao.
Muốn được đến nước Mỹ không phải chuyện dễ dàng. Phải tốn rất nhiều tiền, vượt biên trái phép có thể bị bắt và ngồi tù. Trên đường vượt biển may rủi khó lường, cái chết cận kề. Chưa kể các trại tị nạn gần như đóng cửa, thế giới buông tay. Vậy mà chương trình HO được mở ra như món quà của ơn trên. Người tù nhân chính trị được đi thẳng qua Mỹ theo đúng chính sách với sự trực tiếp phỏng vấn của tòa Đại Sứ Mỹ.
Đời có những chuyện thật tréo ngoe. Tình đời thay đổi vì lợi ích bản thân tùy theo hoàn cảnh. Lúc trước một người tù cải tạo về ít ai dám giao thiệp hay đối xử mặn nồng vì sợ bị liên lụy. Khi có chương trình HO ra đời, những người tù CS lại có giá. Ở tù từ từ 3 năm trở lên, hồ sơ hợp lệ chắc chắn sẽ được phái đoàn Mỹ chấp thuận cho đi sớm.
Người ta bàn tán đồn thổi với nhau cựu tù binh VNCH qua Mỹ sẽ được truy lãnh bắt đầu từ ngày 30/4/1975 đến ngày tới Mỹ. Con cái tù nhân cải tạo sẽ được Mỹ nuôi ăn học cho tới khi khôn lớn. Quyền lợi ưu tiên như tin đồn thổi quả thật như một giấc mơ bay lên cung trăng. Nhưng chạy lo dịch vụ xuất cảnh phải tốn khá nhiều tiền, các gia đình cựu tù nhân cải tạo thường nghèo và không ở tại Sài Gòn, nên xoay sở vay mượn để lo hồ sơ cũng là vấn đề nan giải. Do đó những người giàu và biết thời thế sẵn sàng dùng vàng để mua một xuất đi Mỹ theo diện HO. Điều kiện người HO phải độc thân hay ly dị vợ để làm giấy tờ hôn thú mới và hộ khẩu hợp lệ. Người mua sẽ chung tiền cho gia đình HO, các dịch vụ khác họ sẽ lo tất. Có những ông chồng đồng ý ly dị giả với vợ và làm hôn thú mới để đi với người khác. Hứa hẹn qua Mỹ có nhiều tiền sẽ gửi về lo cho vợ đi sau. Nhưng chuyện về sau không ai biết trước. Có nhiều trường hợp thương tâm ly tán đã xảy ra.
Ông chồng tôi cũng có người đến bắt mối và ra giá là 8 đến 10 cây vàng. Chúng tôi từ chối.
Đứa con gái của tôi vì là con lai nên nhiều mối đến để mua làm con nuôi hay dạng kết hôn để được đi. Giao dịch để làm con nuôi thì tôi từ chối thẳng vì tôi chính là mẹ nuôi. Cha cháu tên gì, ở binh chủng nào tôi không hề biết. Nhưng tôi có giấy tờ cho con từ mẹ ruột cháu và khai sinh cháu là tên hai vợ chồng tôi. Ghép form để đi theo dạng kết hôn giả thì tôi không đồng ý vì tôi không muốn lỡ duyên con vì mấy cây vàng. Điều này tôi cũng làm phiền lòng nhiều người thân quen muốn tôi giúp đỡ để con họ được có dịp đi chính thức. Nhưng thương con tôi đã quyết liệt từ chối.
Để được hợp thức hóa giấy tờ, chúng tôi phải đi qua rất nhiều ngưỡng cửa chính quyền các cấp: từ nông trường, ấp, xã đến các cấp cao hơn theo quy định để được có chữ ký và những cái mộc đỏ chót. Mỗi cái mộc là một vài ngày chờ đợi, nhận những cái nhìn soi mói rẻ rúng, những câu hỏi trịch thượng, mai mỉa. Tôi không biết qua Mỹ sẽ sống như thế nào nhưng sau những câu hỏi móc họng của cán bộ lớn nhỏ, tôi nhìn ở đó có sự ganh tị và thèm thuồng.
Qua bao nhiêu lần xuôi ngược lo hồ sơ, bao nhiêu tháng ngày chờ đợi chúng tôi đã được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho đi toàn bộ gia đình rất dễ dàng. Vì nghèo, không muốn vay mượn tiền để làm hồ sơ, chúng tôi chọn đi theo dạng con lai kèm thêm giấy tờ ra trại của chồng nên mẹ chồng tôi cũng được đi luôn. Như vậy những phí tổn về khám sức khỏe, chích ngừa, giấy tờ thủ tục đều được chính phủ Mỹ tài trợ. Tuy nhiên chúng tôi phải qua Philippine 6 tháng học về đời sống Mỹ để sau này dễ hội nhập.
Tuần cuối cùng chúng tôi được thu xếp đến ở trong khu tạm trú Đầm Sen. Có phòng ốc đàng đoàng, đi chích ngừa và các thủ tục cần thiết đều có xe cơ quan của phái đoàn Mỹ đưa đi. Ăn uống có người nấu sẵn, chỉ tới giờ là đến dùng bữa. Xe ra phi trường cũng do phía Mỹ lo chu toàn.
Hành trang gia đình tôi mang theo là mấy cái thùng nhôm đựng quần áo, đồ dùng vặt vãnh nấu ăn. Ít thức ăn khô và còn lại đa phần là mì gói. Nơi sẽ đến là Phi Luật Tân. Em trai tôi ở Mỹ có cho tôi 100 đô. Tôi sợ bị hải quan tịch thu nên nhét vào vớ thằng con út 3 tuổi. Còn ít vàng bán nhà tôi chia mỗi người vài chỉ dấu trong người ngộ lỡ có bị tịch thu thì cũng có người còn giữ lại để qua Phi chi tiêu.
Đúng nghĩa là đi tị nạn. Qua ngưỡng cửa Hải Quan nơi phi trường Tân Sơn Nhất, mấy cô kiểm soát đã bĩu môi khi xét hành lý:
- Sao đồ đạc bèo thế này. Vậy cũng gọi là đi Mỹ.
Tay dìu mẹ chồng bước qua cổng, tôi thấy mình như bước qua một chặng đời khác, một cuộc đời mới. Các con tôi lần đầu tiên được đi máy bay nên đứa nào cũng hồi hộp lẫn vui mừng. Bước vào bên trong cột dây an toàn cho con, tôi nghĩ trong đầu chúng tôi đã thật sự đi ra khỏi nước không ai làm khó dễ nữa. Tôi nhìn qua chồng đang cài dây và giúp mẹ một cách cẩn thận, tôi nghĩ đến cuộc sống mới mẻ ở xứ người. Lạy trời! Anh sẽ đưa đôi tay lo lắng và bảo bọc cả nhà. Tôi sẽ hết sức mình để tiếp sức cho anh đưa các con có cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Mẹ chồng tôi qua đất nước tiên tiến nhất thế giới bà sẽ được điều trị bệnh tiểu đường và sống thảnh thơi an hưởng hạnh phúc cuối đời.
Bây giờ tôi đã thực sự bỏ đất nước ra đi, bỏ tất cả một lần nữa trắng tay.
Tôi không phải mủi lòng vì phận con gái:
Làm thân con gái ngoại tông.
Quê cha thì bỏ, quê chồng lại theo.
Lần này chúng tôi bỏ cả quê chồng, quê vợ để đến một đất nước xa lạ, một nơi khác ngôn ngữ, văn hóa và con người để tìm TỰ DO. Hai chữ tự do thật đơn giản nhưng đổi bằng sinh mạng, nước mắt và cuộc đời.
Máy bay lên cao, tôi nhìn ra ngoài và khóc.